Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn dân-tộc-học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dân-tộc-học. Hiển thị tất cả bài đăng

17/07/2020

Hãng xe buýt của quê hương đã phải đóng cửa, bởi Covid 19

Đó là hãng xe buýt Du lịch Itoshima (Itoshima Kanko), rất thân thuộc với dân chúng trong một vùng quê. Riêng với tôi, ngày xưa, đã có dịp tới gặp gỡ và giao lưu với công ty này. Khi nào thuận lợi, sẽ viết rõ về mảng quan tâm này của tôi (các công ti tư nhân khởi nghiệp ở quê hương).

Bây giờ, vào tháng 7 năm 2020, sau khoảng 40 năm hoạt động, hãng xe đã chính thức tuyên bố đóng cửa. Là do ảnh hưởng của Covid 19 đấy.

Itoshima bây giờ là thành phố, nhưng ngày trước luôn là huyện. Địa lí hành chính và địa danh có thay đổi, khi thì tách, khi thì nhập lại, nhưng từ thời Minh Trị đến nay, cái tên Itoshima (không kèm thêm gì) thì không thay đổi. Một vùng có phương ngữ riêng, mà tôi thì nghe và nói được phương ngữ ấy (đọc lại ở đây).

19/06/2020

Người Dao tự luận bàn về sinh kế của người Dao

Nhiều vấn đề liên quan đến sinh kế của người Dao hiện nay được đưa ra bàn luận khá thú vị.

Từ lâu lâu, đã thấy tin trên Facebook của anh em người Dao về việc chuẩn bị cũng như diễn tiến của buổi tọa đàm vừa diễn ra tại Hà Nội. Trước nay, cũng đã có những luận bàn nho nhỏ, ví dụ tại một quán cà-phê nào đó trong phạm vi dăm ba người. Nhưng lần này là tại Bảo tàng Hà Nội, với qui mô mấy trăm người.

Có sự xuất hiện của cả anh Triệu Tài Vinh (đọc lại ở đây) và nhiều nhân vật liên quan khác (chẳng hạn hai bác Phan Đăng Long và Hoàng Văn Khánh đại diện cho phía Mạc tộc Việt Nam).

Người đóng góp công sức lớn là bác Bàn Tuấn Năng (con trai của bác Bàn Tiến Tân, thuộc dòng họ nhà thơ Bàn Tài Đoàn).

18/06/2020

Họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Đỗ Đức - một người bạn của dân tộc học

Hồi cuối thập niên 1990, tôi có một vài kỉ niệm thú vị với họa sĩ Đỗ Đức - lúc ấy, mới đầu, mới chỉ biết ông là biên tập viên hay phó giám đốc gì đó của phía Nxb Văn hóa Dân tộc (thời ấy, cụ Hoàng Nam là giám đốc).

Sau rồi, có lúc đi điều tra điền dã cùng ở Lào Cai, trên vùng người Dao, thì thấy ông sử dụng máy ảnh quá cừ khôi. Nên vẫn chỉ nghĩ ông là nhiếp ảnh gia. Còn gặp ông vài lần nữa, vẫn trong tư thế của nhiếp anh gia say sưa với nghề.

Thế rồi, thế nào, sau đó, tôi lại cùng một lớp cao học với bà xã của ông - một nghệ sĩ múa mà chúng tôi gọi là "cô Điền" (chúng tôi thì là bọn trẻ nhất của lớp, còn cô thì lớp cán bộ lớn tuổi đi học). Từ đó, thì dần mới hiểu nhiếp ảnh gia Đỗ Đức là họa sĩ, bởi mới có cơ hội xem được tác phẩm của ông. Nhiều lần thấy họa sĩ đưa bà xã tới lớp học bằng xe máy.

Thi thoảng, tôi cũng tuyển chọn những bài tản văn hay kí sự khá thú vị của họa sĩ Đỗ Đức về Giao Blog, ví dụ ở đây. Văn của ông thường được viết chắc tay và khá cảm xúc. Như vậy, có thể thấy ở ông một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, một nhà văn.

Sau dịp Cô Vy năm 2020 này, họa sĩ Đỗ Đức đang làm một triễn lãm rất thú vị với chủ đề là tranh vẽ tranh phục của các tộc người thiểu số - ở những địa bàn mà ông đã qua, đã sống, đã gắn bó.

06/06/2020

Học giả Ngô Đức Thịnh vừa từ trần, thọ 77 tuổi (1944 - 2020)

Mấy năm nay, ông cứ yếu dần đi do phải vật lộn với bệnh tật ngày một trầm trọng. Mới đầu, những năm 2008-2010 thì chỉ là huyết áp, rồi sang tiểu đường, cuối cùng là chạy vào thận. Ít ngày trước gia đình đã đưa ông vào khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Hà Nội).

Sáng nay, Thứ Bảy ngày 6 tháng 6 năm 2020 (ngày 15 tháng 4 năm Canh Tí), ông đã nhẹ bước ra đi.

Với cá nhân tôi, ông là thủ trưởng cơ quan trực tiếp (trưởng phòng, viện trưởng), đồng thời là người thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ (luận văn đã bảo vệ đầu năm 2000). Chúng tôi đều là người xứ Sơn Nam Hạ. Trong mười năm gần đây, ông tâm đắc với từ "nhóm học giả Sơn Nam" trong nghiên cứu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ ấy là do ông đưa ra.

Mấy ngày trước, tôi ngồi xử lí số tư liệu của lần đưa ông về thăm làng Ikisan ở miền Tây nước Nhật Bản vào mùa đông năm 2002 (lúc đó tôi đang làm điều tra dài hạn ở làng). Tức là tư liệu của khoảng 18 năm về trước, lúc ấy ông vẫn đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian - nay đã đổi tên thành Viện Nghiên cứu Văn hóa. Chuyến ấy, ông sang Nhật Bản dự hội thảo ở một nơi khác. Chúng tôi sắp xếp để ông xuống Fukuoka và tới thăm làng Ikisan trong thời gian ngắn.

13/05/2020

Học tiếng quê : phương ngữ Itoshima (sách mới xuất bản)

Mình nghe và nói được tiếng quê, rồi đã thử nghiệm: về Tokyo, nói thử bằng giọng quê xem sao, mọi người hiểu lõm bõm những từ đặc chủng. Ví dụ, tiếng phổ thông bảo "te-nư-gưi" để chỉ cái khăn lau tay hay lau mồ hôi, nhưng tiếng quê thì nói luôn thành "tê-nư-gôi". Hay, tiếng phổ thông là "osoroshi-i" để biểu cảm nỗi sợ hãi, thì tiếng quê nói luôn thành "e-zu-ka". Người nghe không hiểu là phải rồi !

Tính tự mình làm ra một danh mục những từ đặc chủng ấy. Mình sưu tầm cá nhân được khoảng 1000 từ đặc chủng rồi. Thì bây giờ, tòa soạn báo địa phương (tờ Itoshima tân văn đã có lịch sử hơn 100 năm) đã vừa ra một cuốn sưu tập. Sách vừa ra vào hạ tuần tháng 3, tức là trong đại dịch Cô Vy.

Tiếng quê không phải chỉ có từ đặc chủng (chỉ vùng đó mới hiểu nghĩa), mà còn là ở ngữ pháp. Ngữ pháp cũng phải dần dần mới quen. Quen rồi thì thích !

29/04/2020

Định kiến với người thiểu số ở Việt Nam, và với người châu Á

Người châu Á thường bị phía phương Tây kì thị. Mà trong tiếng Việt đúc kết thành cái gọi là "châu Á đầu đen". Đầu đen ấy là chỉ chung màu tóc đen của người Trung Quốc, người Việt Nam, người Nhật Bản, người Triều Tiên, người Đài Loan, người Thái Lan,...

Dĩ nhiên, bây giờ, châu Á không chỉ còn là đầu đen, bởi các loại tóc màu nước chè, màu đỏ, màu xanh, màu đủ thứ,... đã thấy ở khắp nơi, cả nơi thị thành cả vùng xa xôi hẻo lánh.

Còn về người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, từ lâu, có một cách nói lái mang tính miệt thị là "tông dật". Một ông bạn của mình bây giờ đã là người quản lí một tờ báo ngành, nhưng nhiều năm về trước, hồi còn là sinh viên sống trong kí túc xá Mễ Trì, một sáng thức dậy mà dám dùng từ "tông dật" để nói chuyện với một người bạn là người Dao mạn Bắc Giang. Thế là, người nói chữ "tông dật" ấy suýt nữa bị một trận nhừ tử, nếu không có sự can ngăn kịp thời. Chuyện của thập niên 1990, và tôi thì là người chứng kiến từ đầu đến cuối.

12/04/2020

Năm nay, bùa thần ở 4 góc làng còn có công hiệu đuổi Cô Vy

Ngày xưa, hàng năm, tôi vẫn theo chân các ông cai đám trong các làng thuộc cùng một học khu đi hành hương tới các ngôi đền lớn.

Cai đám là được cử hàng năm, cứ luân phiên các gia đình trong mỗi làng. Thường mỗi phiên thì có hai gia đình (và đại diện là hai người chủ gia đình ấy), còn tùy vào số lượng hộ gia đình trong các làng.

1. Đó là những ngôi làng tự nhiên hình thành lâu dài trong lịch sử. Được gọi là "thôn" (mura, tức làng) là từ thời Edo, trải qua cả thời Minh Trị, Đại Chính, rồi sau này chỉ còn được gọi là "đại tự" (oaza). Bây giờ thì gọi là "khu" (ku). Nhưng tôi thì vẫn gọi là làng.

2. Các nhà cai đám sẽ đi nhận bùa thần ở các ngôi đền danh tiếng trong vùng. Ví dụ đền thần ở ngọn núi Hikozan. Các bùa thần đó sẽ được đem về đóng vào 4 góc của làng với ý nghĩa là xua đuổi tà mà. Tà ma quỉ quái thì tránh xa nhé, không xâm phạm làng chúng tôi !

Đại khái giống tác dụng cây nêu của Đại Việt ngày xưa (đại khái, một Tết nào đó hồi trước, tôi đã viết về cây nêu Đại Việt theo đặt hàng, đọc lại ở đây).

26/03/2020

Tảo mộ mùng 3 tháng 3 giữa đại dịch Cô Vy, trên quê hương biên viễn

Giữa đại dịch Cô Vy đang bùng phát toàn cầu, thì ngày Mùng Ba tháng Ba hôm nay (Thứ Năm, 26/3/2020), nhiều đền phủ vẫn tổ chức lễ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hệ thần Liễu Hạnh trong phạm vi rất hạn chế (ví dụ ở đây).

Các gia đình người Kinh vẫn theo tục lệ từ xưa, làm bánh trôi bánh chay từ sáng, rồi tầm trưa thì dâng cúng ông bà tổ tiên. Điện thoại từ sáng sớm đã báo lịch "Tết Hàn thực" trên màn hình.

Ở vùng người Tày Nùng các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn như thường niên, có hoạt động tảo mộ (pái mo), nhưng nhìn nhanh cũng thấy là bớt đi phần vô tư của những năm trước. Mọi người không giấu đi được nỗi âu lo về Cô Vy.

06/03/2020

Quá trình số hóa của Việt Nam : sẽ quăng bỏ điện thoại cục gạch, phổ cập điện thoại thông minh giá 500.000đ

Mấy năm trước, trên Giao Blog, tôi đã đánh dấu rằng, bùng phát của điện thoại thông minh ở Việt Nam là vào khoảng năm 2012. Từ năm đó, ở tận vùng sâu vùng xa, như các huyện miền đông Cao Bằng yêu quí của tôi, các thanh niên đã dùng smart phone và dần thành thạo ứng dựng Facebook trên đó.

Năm 2014, có một dịp kì lạ trong đời, là tôi được trao đổi thông tin và tư liệu một cách dễ dàng tuyệt vời với các thanh niên ở vùng sâu vùng xa. Nhà dân tộc học đã không cần về tới tận thôn bản, mà có thể ngồi ở đâu trên quả địa cầu này, có được internet, là có thể xem truyền hình trực tiếp qua điện thoại thông minh về một lễ cúng bản hay hoạt động cấy cày nào đó (xem thêm ở đây).

Đó là một kỉ niệm mang tính đánh dấu quan trọng. Vì trước đó, chúng tôi chưa bao giờ có thể có được sự tiện lợi nhường ấy. Một sự tiện lợi mà lúc đầu sử dụng, bản thân tôi còn giật mình, tự hỏi lại chính mình: thật sự thế à ? Dĩ nhiên, hồi 2006-2009, ở khu vực thành thị, thì chúng tôi đã có thể họp qua mạng bằng Skype. Một nhóm có thể đang ở rải rác Tokyo, Hà Nội, Luân Đôn,... có thể trò chuyện trực tuyến qua Skype.

18/02/2020

Bài mới trong sách mới vừa ra lò : về Lã Văn Lô với dân tộc học Nga - Xô

Thật ra bài đã có từ 2017 (đọc lại ở đây).

Bây giờ thì sách mới ra, sau một quá trình hoàn thiện bản thảo tới mấy năm.

Hiện sách đang còn trên đường phát nhanh đến chỗ mình. Đến tối ngày 18/2 mới nhận được biên lai bưu điện gửi tới từ chủ biên qua e-mail.

Bởi vậy, tạm thời sử dụng mấy tấm ảnh đi mượn về để sử dụng ở mục 2.

08/02/2020

Một ca bệnh đặc biệt trong đại dịch : từ Mác đến hậu duệ 200 năm

Sắp tới, đúng chuyên môn hẹp, mình sẽ có một nhóm làm việc trong khuôn khổ giáo dục khai phóng, cùng nhau luận bàn về chủ đề "Cha đẻ ngành Văn hóa Dân gian Nhật Bản với các đồ đệ là phái theo chủ nghĩa Mác".

Các đồ đệ vốn là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản sau này đã bị hấp dẫn bởi một cây đại thụ về Văn hóa Dân gian. Họ đã đến bái sư làm đệ tử. Đúng hơn thì ông đã hút các đồ đệ ấy về bên mình. Ông đã che chở cho họ về mặt tinh thần, như là một gà mẹ xòe cánh ôm lấy lũ con lúc trời đổ mưa và bất đầu sấm chớp.

Một mối lương duyên kì lạ và thú vị.

Các thứ đó sẽ đề cập đến sau. 

Bây giờ, trong đại dịch Cô Vi 2020 (n-CoV) thì một ca bệnh đặc biệt đã được phát hiện, là chủ nghĩa Mác với hậu duệ mặt trời ở Đại Việt sau 200 năm. Trực tiếp là những thảo luận xung quanh "đảng" và "dân tộc" liên quan đến bài báo mở màn năm mới của cây lí luận lão thành đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là Nhị Lê.

17/01/2020

Quan niệm sinh tử thay đổi nhanh : cầu siêu cho chó và cho người máy

Học giả Hayashi (Nhật Bản) đã ghi chép những thay đổi trong 25 năm qua mà bà trải nghiệm tại Nhật Bản.

Những thập niên gần đây (cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21) việc cầu siêu cho chó mèo từ chỗ đặc biệt, dần dần trở thành chuyện bình thường ở Nhật Bản. 

Nhớ lại, thì khoảng 15 -16 năm về trước, một lần ở đại hội nghiên cứu thường niên của Hội Xã hội học Tôn giáo Nhật Bản, tổ chức ở Đại học Viện Quốc học (Tokyo), có một báo cáo gây chú ý là về cầu siêu cho chó ở Nhật Bản lúc đó. Lúc đó, tôi mới gia nhập hội này, tham gia đại hội nghiên cứu lần đầu tiên. Lần đại hội ấy, có hai người Việt Nam tham gia - đều đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ (anh TMĐ từ Osaka lên và tôi thì đã ở Tokyo sẵn). Hai anh em Việt Nam lần đầu tiên gặp nhau, sau phần buổi sáng thì cùng đi ra bên ngoài lúc giải lao trưa, buổi chiều thì anh ấy về lại Osaka. Báo cáo về câu siêu cho chó là chương trình buổi chiều.

Bây giờ, còn là cầu siêu cả cho máy móc, mà tiêu biểu là cho người máy.

02/01/2020

Về quê đương kim thủ tướng, lại được phóng xe máy qua đập tràn

Hồi ngày xưa, cũng đã lâu lắm rồi, tới cả 20 năm trước, mình lần đầu nghe chữ "đập tràn" mà không hiểu ra làm sao. Bởi người Quảng Nam phát âm chữ "đập tràn" mà mình cứ nghe thành ra "đập tròn" hay "đập tràng" ! Nghe không ra, nên không biết nghĩa là gì. Bụng bảo dạ là cứ đi, gặp nó, rồi sẽ tự khắc mà hiểu ra thôi.

Tiếng Quảng Nam khó nghe, thì có thể xem Nguyễn Hưng Quốc kể nhiều năm về trước. Đại khái, bác Quốc lúc mới vô Sài Gòn, ra chợ nói chữ "mua gạo" mà người ở chợ không hiểu gì. Người ta không thể biết anh chàng sinh viên ấy muốn mua hay bán cái gì. Bởi lẽ, cái chữ "gạo" bị người Quảng Nam phát âm méo đi quá, người Sài Gòn nghe không ra.

Đại khái vậy. Đương kim thủ tướng của Đại Việt là người Quảng Nam.

23/12/2019

Chữ viết dân tộc : anh em người Dao ở Việt Nam đã xúm lại với nhau

Anh chị em người Dao ở Hà Nội (nhóm các anh chị em là người Dao đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội) đã xúm lại với nhau đúng ngày 22 tháng 12 năm 2019. 

Tức là ngày Đông Chí (ngày ngắn nhất trong một năm, và báo hiệu dương khí đang lên dần dân, ngày sẽ dài dần ra chút một chút một --- xem về ngày Đông Chí 2019 ở đây).

13/12/2019

Then được UNESCO ghi danh (chung của người Tày, Nùng, Thái)

Hôm qua, Thứ Năm ngày 12/12/2019, vừa nói về hệ thống Mo - Then - Tào - Pựt ở vùng các tộc người Tày Nùng. Cũng đã nói rõ về Làm ma khô ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam.

Mo - Then - Tào - Pựt là những người thực hành tín ngưỡng ở vùng miền núi phía Bắc, thầy ở cả người Tày, người Nùng, người Thái. Có thể gọi là "thầy Mo", "thầy Then", "thầy Tào", "thầy Pựt", hệt như người Kinh gọi là "thầy cúng" hay "thầy chùa".

Một mảng chuyên sâu của mình là về thầy Tào (cả ở người Nùng, cả ở người Dao). Tào chính là Đạo, tức Đạo sĩ --- từ 20 năm trước, đã tạm gọi họ là "Đạo sĩ dân gian". Tào là nhân vật biết chữ Hán, nên được coi là đứng đầu hệ thống Mo - Then - Tào - Pựt. Ba nhân vật còn lại (Then, Mo, Pựt) muốn đi hành nghề cúng bái thì phải nhận sắc phong từ thầy Tào. Họ xem Tào là thầy, tự nhận mình là đệ tử của Tào.

Then thì được xem là văn nghệ. Cập nhật thông tin mới nhất về Then, của tháng 12 năm 2019.

06/11/2019

Mùa cưới 2019 trên quê hương biên viễn

Mùa cưới đã bắt đầu khởi động rồi.

Hôm nay, Thứ Tư ngày 6/11/2019 là một ngày nắng đẹp khắp miền Bắc. Vùng quê biên viễn đẹp lạ thường dưới nắng nhè nhẹ.

Đẹp hơn nữa là những đoàn rước dâu. Mọi thứ đều là mới tinh khôi. Ô đấy. Tất chân đấy. Chiếu đấy. Chị đấy và em đấy. Hàng lối và thứ tự vẫn giữ được phép tắc từ xa xưa. Có thể xem ảnh cưới của vùng này mấy năm trước, ở đây.

31/10/2019

Những người Nga Xô-viết gần gũi với khoa học miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa

Khoa học ở đây chỉ hạn vào các chuyên ngành cụ thể trong khoa học xã hội và nhân văn, của thời kì đầu xây dựng miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Sau năm 1954 lân sang những năm đầu thập niên 1960.

Những năm tháng trong núi rừng Việt Bắc, người Nga đã tới và để lại những thước phim vô giá ở đây (đã đưa lên Giao Blog vào tháng 5 năm 2014).

21/10/2019

Người Triều Tiên tự phê phán "hiếu học Triều Tiên" : thầy Choi vừa chính thức cho đăng báo

Thầy Choi là người Hàn Quốc, đã lưu học Nhật Bản và ở lại Nhật Bản từ mấy chục năm trước, hiện giáo sư Đại học Đông Á. 

Thầy Choi là một người đàn em của ông thầy tôi (kém hai tuổi). Hai mươi năm trước, trong nhóm học tập của thầy tôi, tức S. zemi, chúng tôi luân phiên đọc sách mới xuất bản của thầy Choi, cuốn về chủ đề gia tộc Hàn Quốc và tục thờ cúng tổ tiên ở Hàn Quốc. Đấy là một trong những cuốn sách về văn hóa truyền thống Hàn Quốc/Triều Tiên đầu tiên mà bản thân tôi đọc kĩ.

13/10/2019

Rước thần từ núi xuống biển, giữa siêu bão ở các tỉnh phía Bắc Nhật Bản

Cơn bão 19 đang làm điên đảo các tỉnh thuộc vùng Quan Đông của Nhật Bản, mà trung tâm là thủ đô Tokyo. 

Nhưng ở miền Tây, tức vùng Quan Tây, trời mùa thu ngày Chủ Nhật, 13/10 năm 2019, rất đẹp và bình yên. Lại một mùa lễ hội rước thần từ đền trên núi xuống bãi biển. Rồi lại từ biển, rước các ngài trở về các đền trên núi.

Cũng tháng 10 này, của năm 2017, thì xem cụ thể ở đây.