Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/12/2014

Một truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn : Khói (2014)

Truyện ngắn đã đăng trên trang nhà của Hội Nhà văn Hải Phòng.

Từ đây trở xuống là chép nguyên xi từ đó về.


---
Khói 

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn

Thứ ba, 14 Tháng 1 2014 10:35



Mặt trời khuất sau ngọn núi cao nhất của cả một dải rừng. Trên đỉnh núi nhô lên như một cái vú bầu bĩnh ấy mọc những cây đại thụ, giờ đây không trông thấy chiều dầy của cành lá nữa mà giống như một bức màn mỏng đính vào nền trời xám. Ông Thản khoác khẩu AK đã lên đạn sẵn nhưng được khoá cơ bẩm và ngước nhìn về phía ấy. Chung quanh ông là rừng rậm. (Gọi "ông" Thản là gọi theo cách của tù. "Ông" Thản là một thanh niên chưa quá 19 tuổi).
Ông Thản biết trên đỉnh núi cao nhất kia, các đồng chí của ông đang đưa ống nhòm phóng tầm mắt ra bốn phía, tìm trong tán lá rừng già trải ở phía dưới những dấu hiệu khả nghi. Một bóng người lộ ra ở bìa rừng, lối xuống bản đồng bào Mán. Một sợi khói mỏng như tơ. Và lùng sục. Tay giữ chặt dây xích, ghì lại những con béc-giê giống Đức hăng hái lao đi phía trước. Cố tìm ra một dấu vết nào đó như một mẩu vỏ bí dúi vào bụi cây, một hạt cơm vãi bị lá rừng phủ lên, một cành cây gẫy đáng nghi, một chút hơi người trên thảm lá mục. Dân bản cho biết đêm trước một nhà bị mất một quả bí trong vườn, một nhà khác có nồi cơm nguội để dưới bếp bị vét sạch. Vậy là thằng Dương còn quanh quẩn vùng này. Cái tên tù trốn trại ấy. Nó chưa thể đi xa được. Một bán kính 15 ki lô mét quanh trại đã được bủa vây chặt chẽ. Các bến tầu, bến xe đều có người canh gác.
Nhưng thằng Dương vẫn bặt tăm hơi. Nó trốn trại vào ban đêm. Đi lối nhà mét (1). Cũng may, nó trốn cách ấy. Không ai bị quy trách nhiệm cả. Chứ nếu nó trốn trong lúc đi làm thì lôi thôi to. Hẳn bọn ông đã có người khốn khổ.
Có tiếng động phía sau lưng. Ông Thản quay lại, cúi nhìn. Không. Không có ai. Hình như là một cành cây gẫy. Còn sáng thế này nó chưa dám đi đâu. Còn chui rúc ở một hang hốc nào đó. Có khi nó lại leo lên cây, ngồi ngay trên đầu mình. Bất thần ông ngước mắt nhìn lên. Rừng rậm. Một thứ rừng quanh năm xanh tươi, không có mùa rụng lá. Những cành cây phủ đầy rêu ken dầy, quấn quít dây leo. Những dây leo vĩ đại lá to như lá cọ, im lặng để rơi những bông hoa hình loa kèn nặng nề, chín nẫu "bộp, bộp" xuống thảm lá mục. Một con chim lớn từ đâu bay tới, đỗ xuống ngọn cây, ông thấy thoáng đôi cánh rộng êm ru ở khoảng trời xám nhạt hiếm hoi lộ ra trên tán lá.
Ông lại khoác súng bước đi. Suối chảy róc rách dưới chân chỉ làm tăng thêm vẻ hoang vu tịch mịch của rừng. Ông đi không nghĩ ngợi và cũng chẳng biết mình đang đi đến nơi nào nữa.
Bất chợt ông nhìn thấy một nương sắn đã rỡ. Giữa nương sắn có một cái miếu nhỏ hoang tàn và một cây si cằn cỗi nhưng có rất nhiều rễ phụ toả xuống. Vậy là sắp tới nhà bò. Ông biết mình đang đi dần về phía trại. Ông dừng lại, nhìn ngắm. Những buổi chiều cô đơn trong rừng buồn tái tê. Đành rằng có rừng ở chung quanh đấy, nhưng cũng như người, rừng cô đơn. Và cũng như người, rừng im lặng với nỗi cô đơn của mình, không trò chuyện.
Ông lại đi. Ông nghĩ tới thằng Dương. Nó là sinh viên năm thứ tư, vào tù vì tội đánh nhau với thanh niên địa phương trường sơ tán. Án tám năm. Đã tù bẩy năm. Chỉ còn một năm nữa. Mà không cố được. Đã vượt qua bẩy năm. Rồi bỗng thấy không chịu đựng thêm nổi một ngày. Thật là khó hiểu. Và ngu xuẩn. Chỉ vì nó mà bao nhiêu người phải khổ. Năm ngày đêm rồi. Không biết năm ngày vừa rồi nó sống bằng gì. Tý cơm nguội. Quả bí non. Lẩn lút chui lủi trong rừng mãi sao nổi. Trước mắt nó chỉ có một con đường: Chịu sự cải tạo.
Tiếng suối vẫn khi gần khi xa. Bài ca muôn thuở của rừng. Ông lại nhìn lên đỉnh núi cao nhất như một cái bầu vú, tìm ánh mặt trời còn sót lại. Bỗng ông giật mình: Khói. Phía rừng bên kia có khói. Làn khói mỏng manh thẳng đứng lẫn trong sương tỏa trên tán cây rừng. Ông định thần nhìn lại. Đúng là khói. Phấn chấn hẳn lên, linh hoạt hẳn lên, ông bước sang phía rừng bên ấy, nhẹ nhàng như một con báo. Tay lăm lăm khẩu AK, ông bước khom khom, căng thẳng. Chốt hãm cơ bẩm được nhẹ nhàng kéo xuống. Nếu đấy là thằng Dương, nếu nó chạy, ông cũng không bắn đuổi theo đâu. Ông chỉ bắn chỉ thiên thôi. Vừa là để cảnh cáo bắt nó đứng lại, vừa để báo động cho đồng đội đến mà bắt mà trói nó, giải nó về trại. Nó phải hiểu rằng nó không thể trốn đâu thoát. Dù có ra  khỏi trại. Dù có vượt qua được những cánh rừng bạt ngàn này. Nó đã làm xáo động cả trại. Nó làm bọn ông xiết bao khổ sở. Hôm nay trời khô, còn đỡ. Mấy hôm trước trời đổ mưa dầm. Mỗi cái lá là bao nhiêu nước. Bọn ông lội suối, chui rừng. Người, chó ướt đẫm. Rét cóng. Đói nữa. Vắt bám cả trên gáy, cả dưới nách. Nó hành hạ bọn ông. Cái thằng khốn nạn ấy...
Tất nhiên nó phải vào xà lim. Cùm. Húp cháo loãng. Về tội trốn tránh cải tạo. Nhưng trước khi dong nó về trại phải cho nó biết thế nào là trốn trại... Đấy là bực lên thì nghĩ thế, nói thế thôi. Có khi bắt được nó, nhìn vẻ mặt thiểu não, tuyệt vọng, dáng vẻ tiều tuỵ của nó lại thương, lại kín đáo dúi cho nó mẩu lương khô chưa biết chừng.
Ông Thản tháo giầy lội qua suối. Nước cắn vào chân từng miếng. Người ông run lên. Chẳng đợi khô chân, ông xỏ vội vào đôi giầy vải. Và nhẹ nhàng rẽ bụi cỏ lau. Bước lên bìa rừng bên kia.
Thật sự ông không tin đó là thằng Dương. Chẳng tên tù trốn trại nào lại đi nổi lửa vào lúc trời còn sáng như thế này. Nhưng dù sao làn khói cũng là mục tiêu để ông đi đến. Để ông tìm hiểu. Để ông trò chuyện. Để ông chấm dứt cảnh cô đơn. Và biết đâu từ đám khói lại mò ra tung tích thằng Dương.
Trước mặt ông là một đống lửa nhỏ. Nhưng rừng rực than hồng. Hẳn là một loại củi chắc. Một người quần áo xanh xám, thứ mầu vải quá quen thuộc với ông. Mầu quần áo của bọn phạm. Thoáng nhìn ông đã biết ngay không phải thằng Dương. Đó là Thắng chăn bò. Anh ta ngồi trên gốc cây bị cưa cụt, gục đầu vào hai cánh tay, bất động. Lâu lâu nó lại giơ hai tay ra huơ huơ trên đống than hồng hoặc vun những mẩu củi ngắn vào đống lửa. Không thấy anh ta đun nước. Cũng không thấy nấu nướng cái gì đó. Anh ta chỉ ngồi sưởi. Mà cũng không phải là sưởi. Ngồi gục đầu im lặng trước đống lửa. Thế thôi.
Gần một năm trời lên đây, ông vẫn không hiểu được vì sao đám phạm rất thích lửa. Đi làm, việc đầu tiên là nổi lửa cái đã. Họ tản ra mỗi người một phía và trở về với những củi gộc, củi cành. Chỉ một thoáng đống lửa đã bốc lên rừng rực. Rét như thế này, họ đốt lửa đã đành. Về mùa nực cũng một đống lửa to không kém.
Nhìn đống lửa đã vạc, tự nhiên ông thấy rét run người. Ông thèm được sưởi, được trò chuyện. Ông Thản khoá nòng súng, bước thẳng về phía đống lửa.
Anh tù chăn bò giật mình khi thấy ông công an vũ trang khoác súng đi tới. Anh đứng lên, hai tay duỗi thẳng, ép vào đùi:
- Chào cán bộ.
Ông Thản ra hiệu cho anh chăn bò tự nhiên. Anh tù lễ phép ngồi xuống một cành củi gần đó, nhường gốc cây cụt cho ông vũ trang.
- Cho bò về chuồng rồi à?
- Báo cáo ông, vâng.
- Chưa về trại à?
- Thưa cán bộ, tôi sưởi một tý. Hôm nay rét quá.
- Anh tù bao lâu rồi?
- Thưa cán bộ, tám năm rồi.
- Án bao nhiêu?
- Hai mươi năm.
- Anh năm nay bao nhiêu tuổi?
- Thưa cán bộ, năm mươi hai ạ.
Được nói chuyện một tý ông Thản thấy vui vui, lại được hơi lửa hắt vào mặt, vào người dễ chịu quá. Ông định tiếp tục câu chuyện, muốn hỏi Thắng mắc tội gì, nói với Thắng rằng bọn ông cũng rất nhớ nhà và nếu ai cũng tự giác cải tạo như Thắng thì bọn ông đỡ vất vả, nhưng một hồi kẻng từ xa vọng lại. Tiếng kẻng đập vào vách núi này, hắt sang vách núi khác như tất cả rừng núi cùng ngân vang. Kẻng cấm một. Nghĩa là kẻng điểm danh. Anh chăn bò là tù tự giác không phải đứng trong hàng cho cán bộ đếm, nhưng cũng phải về trại. Anh tù đứng lên:
- Xin phép cán bộ, tôi về.
Ông Thản nhìn theo anh tù một tay khoác bị cói, một tay xách cặp lồng đi khuất vào trong rừng.
Còn lại một mình ông. Rừng càng hoang vắng, im lặng. Đã nom thấy sương dầy trên thảm lá mục, dưới những gốc cây. Sương hay hơi đất, hơi rừng bốc lên. Không một tiếng động. Chưa đến giờ thú đi ăn. Vậy cũng là chưa đến giờ thằng Dương mò ra khỏi ổ.
Ông Thản với tay nhặt những cành cây khô người tù chăn bò để lại cạnh đấy cho vào đống lửa. Ngọn lửa bùng lên. Khói bốc dầy hơn, quyện cùng sương. Ông nhìn lửa, nhìn sương, nhìn khói, nhìn rừng. Rồi ông gục đầu xuống hai cánh tay khoanh trên gối, nghe chiều sâu im lặng của rừng. Ông nghe lửa ấm quen thuộc trên da mặt. Lửa làm ông ấm áp cả trong lòng, giúp ông thấy mình không bị tách rời khỏi cuộc sống, tách rời khỏi gia đình, bố mẹ anh em đang ở một nơi nào xa lắm. Bởi vì lúc này ông nhìn thấy một cánh đồng mùa đông đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Mặc cho những con trâu gặm cỏ, ông và các bạn chăn trâu nhổ gốc rạ, đổ thành đống, đốt lửa. Khói bốc lên. Tất cả ngồi chung quanh. Khói tạt về phía nào, đứa ngồi ở phía đó lấy tay xua, miệng nói:
Khói về đằng kia ăn cơm với cá
Khói về đằng này lấy đá đập đầu.
Gục đầu trên cánh tay, ông nhìn rõ cảnh ấy.
Gục đầu trên cánh tay, ông im lặng chờ tiếng chân thú đi kiếm mồi.
Đến lúc ấy, ông sẽ khoác súng đứng lên, đi sâu hơn  nữa vào trong rừng.
B.N.T







Bổ sung 1 (21/12/2014): Bùi Ngọc Tấn trên trang của tạp chí Cửa Biển

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

  • Sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng
  • Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội,  với bút danh Tân Sắc.
  • Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954.
  • Khi mới ngoài hai mươi tuổi ông đã có những sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông…
  • Năm 1959,  Ông về Hải Phòng làm biên tập viên báo Hải Phòng Kiến thiết.

Tác phẩm:
  • Mùa cưới
  • Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long (phóng sự)
  • Đêm tháng 10
  • Người gác đèn cửa Nam Triệu (truyện ký)
  • Nhật ký xi măng
  • Nhằm thẳng quân thù mà bắn
  • Thuyền trưởng, (truyện vừa), 1978
  • Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993
  • Một thời để mất (hồi ký), 1995
  • Một ngày dài đằng đẵng (tập truyện ngắn)
  • Những người rách việc (tập truyện ngắn), 1996
  • Chuyện kể năm 2000, (tiểu thuyết), 2000
  • Rừng xưa xanh lá, (ký chân dung), 2004
  • Kiếp chó, (tập truyện ngắn), 2007
  • Biển và chim bói cá, (tiểu thuyết), 2008
  • Viết về bè bạn, (ký), 2012

Giải thưởng:
  • Nhiều giải thưởng của các báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Bộ Văn hoá, NXB Hội Nhà văn, và giải thưởng văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng).
  • Giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012 cho tác phẩm “Biển và chim bói cá”.
  • Giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập ký chân dung “Rừng xưa xanh lá”.

Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn

VŨ TRỤ KHÔNG CÙNG

Trong một đêm mất ngủ của tuổi già trằn trọc, đột nhiên ông Thuyết nhớ lại đôi mắt của con gái ông vào cái hồi nó mới ba, bốn tuổi. Suốt mấy chục năm gần như đã quên hẳn buổi tối hôm ấy, không một lần nhớ tới đôi mắt đứa con lúc nào cũng quấn lấy ông, đôi mắt khi nó nằm gối đầu lên tay ông, nghe ông kể chuyện. Thế mà đã hơn bốn chục năm. Ông nghĩ thầm trong óc. Và khẽ trở mình. Ngọn đèn ngủ toả ánh sáng yếu ớt, vàng vọt, soi rõ tấm màn trắng ở giường bên. Giường bà Thu, vợ ông. Tiếng thở đều đều của bà, ông nằm bên này nghe rõ. Cũng là vì đêm thanh vắng quá. Êm ả. Yên lặng. Gần như tuyệt đối. Không biết mấy giờ rồi. Phải quá nửa đêm. Chao. Mong sáng quá. Ông nằm im và nghĩ tới đứa con gái. Bây giờ nó đã ngoài bốn mươi. Hơn mình cả chục tuổi vào cái hồi vợ chồng mình sinh nó. Nó cũng đã quá nửa đời người. Còn mình sắp hết đời. Cuộc đời đúng là vó câu qua cửa sổ. Con bé Phương ngày ấy bây giờ đã là một bà mẹ ba con, sắp có dâu có rể, đầu tắt mặt tối ngoài chợ, luôn tay với những quầy hoa quả, khi xịt nước, khi bầy lại, xếp lại, khi đặt lên đĩa cân rồi nhặt vào túi cho khách. Suốt ngày trong tiếng ồn ào, cái ong ong của không khí, của tiếng động. Thằng chồng nó mê gái, hai vợ chồng ly dị, một mình nó nuôi dạy con. Ông lại nói thầm một mình: Thật chẳng ra sao cái kiếp người.
Ông thương con gái. Ông nhớ đến những ngày nó còn bé. Và thế là vụt nhớ đến buổi tối hôm ấy, khi nó nằm gối đầu lên tay ông, nghe ông kể chuyện. Đôi mắt con bé con hiện lên, kéo về tất cả những gì liên can đến nó. Đó là một tối mùa hè. Bà Thu vợ ông phải lên cơ quan, nghe đọc báo. Cứ tối thứ năm hàng tuần, tất cả cán bộ công nhân viên các cơ quan đều phải tập trung nghe đọc báo. Bà lấy xe đạp ra đi. Còn lại ông và con Phương. Thật may là ông làm ở một đơn vị thuộc ngành hàng hải, vin vào lý do nghề nghiệp, không thể tuân theo giờ giấc chính quyền nên được ở nhà. Hai bố con ngong ngóng chờ mẹ về. Rồi chơi trò bán hàng. Vẽ chó, vẽ ỉn. Cuối cùng là kể chuyện. Chuyện Tấm Cám. Chuyện Thạch Sanh đàn kêu tính tịch tình tang, ai mang công chúa dưới hang về lầu. Con bé nghe đã nhiều lần nhưng vẫn luôn miệng hỏi về con cá bống của cô Tấm, về con mãng xà vương mà Thạch Sanh vung búa chặt đầu, còn ông luôn tay quạt cho con. Thế rồi ông bỗng thấy con gái không hỏi nữa. Ông vẫn kể, còn con bé con cứ nằm im, không cựa quậy. Mới quay sang nhìn thì thấy nó nằm đờ đẫn, hai chân hai tay thả lỏng trên giường, mi mắt đang khép lại. Ông hơi nhấc đầu dậy để nhìn vào khuôn mặt con lúc nó đang đi vào giấc ngủ. Điều nhớ đến tận hôm nay, điều làm ông bỗng đêm nay nhớ lại chính là đôi mắt con Phương. Đôi mắt mới chỉ hơi khép, con ngươi nhỏ đi đôi chút, đôi mắt trong leo lẻo, tinh anh bỗng trở thành đờ đẫn đang khép nhỏ dần, nhỏ dần cho tới khi hai hàng mi rợp vào nhau. Con bé đã ngủ.
Đôi mắt của đứa con gái nhỏ trở về ám ảnh ông. Bây giờ về già ông mới hiểu khi người ta đi vào giấc ngủ là như thế, dù có người thân ở bên cũng hoàn toàn chỉ một mình. Như khi người ta đi vào cõi chết. Dù có bao người ở bên cũng là chỉ một mình. Thiếp đi. Thiếp đi một đêm cũng như thiếp đi không bao giờ trở dậy. Chẳng ai có thể chen vào. Chẳng ai có thể giúp đỡ. Chẳng ai có thể cùng đi. Dù là những người thân yêu nhất. Chỉ một mình đơn độc. Ông sợ lúc ấy. Lúc cô đơn đi vào cõi ấy. Cũng như bây giờ ông sợ những đêm dài của tuổi già trằn trọc, thật khó khăn để ông cô đơn đi vào giấc ngủ.
Đã không ngủ được thường hay nghĩ ngợi nhiều chuyện. Ông nhớ đến ngôi nhà của bố mẹ khi ông còn bé tí, ngôi nhà đã bị Tây đốt từ lâu, hồi cải cách nền đất, sân vườn đã đem chia cho nông dân, và khi có chủ trương sửa sai, bố mẹ ông không được nhận lại. Ông nhớ đến những trận mưa rào đầu mùa, chạy ra sân bắt cá rô rạch, đến đám bọt trứng chão chuộc vừa đẻ đêm qua trắng xoá bám vào góc bể. Và trong bể nước mưa đầy, con chão chuộc mẹ thấy người, lặn xuống, hai chân dài nâu bóng đạp nước mưa trong vắt như một tay vô địch về bơi lội. Thật là những sự kiện tưng bừng.
Bố mẹ ông đã mất từ lâu. Ngôi nhà không còn nữa. Mảnh vườn, cái ao cũng biến đổi hoàn toàn. Mỗi lần về quê, ông không dám trở lại đấy, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Nó làm ông buồn. Với lại những người được chia quả thực, những chủ nhân một thời là mới của cơ ngơi ấy cũng đã chết, đã đi nơi khác. Ngôi nhà đã qua bao chủ và giờ đây là con cháu họ. Họ chẳng biết ông là ai cũng như ông không biết họ là ai. Thật đúng là vật đổi sao dời. Thôi thì cứ có một ngôi nhà tuổi thơ trong tưởng tượng. Chỉ đến khi ông chết ngôi nhà ấy mới không còn nữa.
Ông sợ chết. Cái chết chẳng tha một ai. Chỉ một điều an ủi là ai rồi cũng phải chết. Ông buồn. Vì nghĩ nó đang chờ đón ông và cả bà nữa. Đã có lần ông bảo bà:
– Đằng ấy phải chết sau tớ. Vì đằng ấy chu đáo quá.
Ông đã nghĩ đến ngày giỗ ông sau này rồi đấy. Và thỉnh thoảng hai ông bà vẫn mình mình tớ tớ như vậy. Đôi khi còn gọi nhau là đồng chí nữa. Cách xưng hô suốt thời gian trẻ trung, sôi nổi những khi phấn khởi quý thương nhau. Chẳng hạn như trở dậy từ giường mình, bà nhẹ nhàng bước tới giường ông, vén màn trườn vào nằm sát cạnh ông. Ông nằm nghiêng quay người ôm lấy bà nhè nhẹ và bà cọ người vào người ông, suốt từ bàn chân tới vai ông, nơi bà áp má vào:
– Đêm qua đồng chí có ngủ được không?
– Ngủ tốt.
– Em ngủ không biết giời đâu đất đâu.
Rồi bà trở lại nằm ngửa song song bên cạnh ông. Ông lấy cạnh bàn chân khẽ chạm vào gan bàn chân bà. Những bàn chân biết nói. Tiếng nói im lặng suốt một thời trẻ trung nay vẫn nhớ như in. Bà biết phải làm gì. Bà biết ông muốn bà gác một chân lên chân ông. Bà đã làm như ông bảo và chờ một mệnh lệnh tiếp theo. Bàn chân ông lại chạm tiếp vào bàn chân bên kia của bà. Bà ngoan ngoãn nhích một chân nữa ra phía mép giường, hai chân làm thành một góc rộng. Như suốt mấy chục năm bầu bạn cùng ông, bà đã làm như vậy. Như khi bà mới hai mươi tuổi. Nhưng không giống hồi hai mươi tuổi, khi ông đặt tay lên nơi giữa hai chân xoè rộng, bà nằm im trong nỗi sung sướng rạo rực đợi chờ, giờ đây bà nắm tay ông nhè nhẹ, giữ bàn tay ông trong hai bàn tay mình. “ Thôi. Ích gì đâu...” Hai bàn tay bà dịu dàng nói vậy. Ông hiểu và để nguyên tay mình trong tay bà. Cả hai đều ngấm sức mạnh của thời gian. Những ngày trẻ trung như vừa mới qua đây thôi. Những ngày đêm trăng mật kéo dài năm tháng. Cái động tác bà trườn lên nằm cạnh ông vẫn giống hệt những ngày xưa, dù không còn vẻ hớn hở rạng rỡ của lòng ham muốn. Nhưng vẫn thương yêu như thế. Vẫn đằm thắm ngoan ngoãn, hoàn toàn thuộc về ông, sát gần ông như thế. Vẫn là những ngôn ngữ ấy của cơ thể dù chỉ là cái chạm khẽ của cạnh bàn chân. Dù hai cơ thể đều đã méo mó, biến dạng, thảm hại đến nỗi cả hai không dám nhìn vào nhau lúc ấy. Ngày xưa chẳng bao giờ hai người lại ngủ hai giường như thế này. Như mọi cặp vợ chồng trẻ đầu gối tay ấp khác, gần như đêm nào cũng là đêm ân ái mặn nồng. Bà bao giờ cũng là người tắt đèn và lên giường sau ông. Khi thay quần áo, để vận vào người những thứ xấu xí, vá víu chỉ mặc lúc đi ngủ, bà biết sau tấm màn xô, ông đang ngây ngất nhìn thân hình trẻ trung thon thả căng mọng sức sống của bà. Nhiều khi trời rét, bà cũng chẳng mặc quần áo và cứ khoả thân như thế trườn vào chỗ ông nằm. Bà biết ông đang chờ đợi bà, và trong tấm chăn bông, cũng hoàn toàn khoả thân, ông nằm nghiêng, một tay nhấc cái chăn lên đón bà. Người ông ấm sực áp lấy bà, truyền hơi ấm cho bà. Hai người cảm thấy hết vẻ đẹp thân thể và ngọn lửa trong nhau. Tuyệt vời thay là khi người ta còn trẻ. Người ta có thời gian trước mặt. Người ta có sức khoẻ. Người ta chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Người ta có tất cả để cho nhau, để động viên nhau sống, vượt qua những khó khăn. Và để cùng nhau tới thiên đường.
Có mấy ngày hai người không cùng nhau tới thiên đường. Cuộc tình bắt đầu khi ông là một chàng trai hai mươi bẩy tuổi và bà Thu là một cô gái hai mươi. Gia đình không đồng ý cho bà lấy ông vì ông thành phần địa chủ. Nhưng không gì ngăn được cô gái hai mươi lần đầu yêu và được yêu. Bà nói dối mẹ rằng bà đã trao thân cho ông và giờ đây không thể lấy một người nào khác. Sáng kiến ấy của bà đặt các cụ trước việc đã rồi. Sáng kiến ấy khiến ông hiểu bà nặng lòng với ông nhiều lắm. Tràn ngập tình yêu và lòng biết ơn, ông ôm bà, bế bổng bà lên: “Đừng vu oan cho anh. Chỉ khéo nói điêu thôi. Bây giờ phải chữa ngay cái bệnh vu khống đồng đội đi!”
Bà sẵn sàng chữa bệnh vu cáo ông một khi bố mẹ đã đồng ý cho bà lấy ông, không những thế lại còn giục gia đình ông sang làm lễ ăn hỏi rồi cưới cho nhanh. Hai người yêu nhau ban ngày và ông thấy bà mới đằm thắm, tuyệt vời và kỳ diệu làm sao. Vừa e thẹn, lại vừa như vẫn chờ đợi từ lâu. Rồi bà khóc. Khóc vì hạnh phúc. Ông ôm lấy bà, gọi bà là quả bom nổ chậm khiến bà bật cười.
Chỉ một lần ấy trước khi cưới thôi. Bà bảo bà chiều ông vì bà không muốn làm kẻ vu cáo. Vì ông bảo bà là quả bom nổ chậm. Với lại đám cưới tổ chức cũng chỉ mươi ngày sau đó.
Tuần trăng mật. Cuộc sống sau ngày cưới là tuần trăng mật kéo dài cùng năm tháng. Thời ấy rất khó khăn. Khái niệm du lịch không có trong đầu mọi người cũng như trong đôi vợ chồng trẻ. Nhưng họ đâu cần gì nhiều. Chỉ một khoảng không gian riêng. Khi đi làm về, khép cánh cửa buồng, được hoàn toàn tự do với nhau, cái diện tích hai mươi mét vuông, nền đá hoa đã bị ghẻ nhiều chỗ nhưng lúc nào cũng được lau bóng ấy là tất cả các nơi nghỉ danh tiếng trên thế gian này cộng lại. Còn hơn thế. Bởi vì cộng tất cả những danh lam thắng cảnh lại cũng chẳng phải thiên đường. Còn đây, thiên đường đang trong vòng tay họ. Đã có lần ông gọi bà là thiên đường của ông và khi bà bĩu môi thì ông nói thêm ông biết chỗ nào là cánh cửa thiên đường, và ông có chìa khoá mở cánh cửa ấy. Và bà đã thưởng cho ông một chuyến đi tới thiên đường. Giờ đây ông mới hiểu thế nào là sống một cách đầy đủ, trọn vẹn. Phải là cuộc sống lứa đôi, có vợ có chồng. Ông thương những cặp vợ chồng ly thân. Ông không thể hình dung hai vợ chồng lại có thể ngủ riêng và không cùng nhau làm chuyện ấy. Như vậy cuộc sống không còn là cuộc sống. Không thể gọi là cuộc sống nếu thiếu đi chuyện gối chăn. Đó là món quà tặng diệu kỳ của tạo hoá. Như ông, cuộc sống sẽ là gì nếu thiếu đi tình yêu của vợ ông, thiếu đi cái cơ thể con gái, cơ thể đàn bà tuyệt vời của vợ. Điều đó làm tăng thêm tình yêu giữa hai người. Cả khi đã trên dưới năm mươi.
Đến nhà những người bạn lớn tuổi, ông biết vợ chồng họ ngủ riêng. Mỗi người một giường. Cũng là qua câu chuyện thôi, họ nhắc tới một cách thản nhiên như cuộc đời khi về già tất yếu phải như vậy. Ông thấy buồn cho họ. Thương họ. Chẳng lẽ hành trình đời người là như thế. Bắt đầu là chỉ có một mình. Lớn lên là cuộc sống có đôi. Rôi khi về già lại chỉ một mình dù vẫn hai người. Đận một mình này để chuẩn bị cho sự xa nhau vĩnh viễn. Khi chết là chỉ có một mình. Cũng như khi ngủ chỉ có một mình. Ông chống lại chuyện ấy. Không, dù hai vợ chồng ông đã già, ông cũng vẫn không ngủ riêng. Làm như vậy là công nhận cuộc đời đã chấm hết từ đây, là sắp chết chứ còn gì.
*
Ông không nói cùng bà nhưng bà cũng hiểu được ý ông. Thì đã cả đời chung sống, con sống có, con chết có, chia sẻ cùng nhau mọi chuyện vui buồn, mọi gian lao vất vả, làm gì phải nói thành lời mới hiểu nhau.
Hai người vẫn nằm ngủ bên nhau, vẫn cọ bàn chân vào nhau, vẫn hiểu từng tiếng nói của cơ thể, vẫn nói cùng nhau thứ ngôn ngữ lặng câm ấy, nhưng cũng chỉ là ôn lại một câu chuyện cũ đã xa lắm mà thôi. Họ không nhớ được lần họ yêu nhau cuối cùng là bao giờ nữa và một lần cả hai cùng muốn thử lại chuyện ấy. Như một sự vùng lên kháng cự. Và cũng là để ghi nhớ chính xác ngày tháng của sự kết thúc. Thế thôi. Nhưng lẽ ra họ không nên làm như vậy. Không nên. Bởi vì thất bại. Dù hai người đã cố gắng hết sức nhưng vẫn thất bại thảm hại. Một phế tích và một phế đô! Họ biết họ đã bị giằng khỏi vòng tay nhau rồi.
Bà xót xa cho ông khi đi chợ về thấy ông đang nửa thức nửa ngủ trong chiếc ghế xô pha. Ngả người trên chiếc ghế mây đã rách, mắt ông đờ đẫn nhìn vào cái ti vi không bật. Một khi ta nhìn chăm chăm vào cái ti vi không bật thì màn hình mầu xám đục của nó bỗng giống như một con mắt chết. Hai con mắt sống nhìn vào một con mắt chết đang trân trân nhìn lại.
Bà đưa gói quà cho ông. Bà mua quà cho ông như người mẹ mua quà cho con nhỏ. Ông hỏi bà:
– Bà có nhớ cái lần hai vợ chồng bị sốt xuất huyết rồi sau đó ông đèo bà về quê ra không nhỉ?
– Nhớ. Nhớ. Cái lần ông bắt bà ăn phở chứ gì?
Ông cười:
– Ngày ấy khổ quá nhỉ.
Ngày ấy thấy khổ, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy vui vì đó là một kỷ niệm đẹp. Ngày ấy từ quê ra, đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ con ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở. Bà ngoan ngoãn bước vào hiệu. Ông đứng ngoài vỉa hè với chiếc xe đạp chờ bà.
Cầm gói quà bà đưa, ông nhớ lại những chuyện từ ngày nảo ngày nào. Ông thương mình. Ông thương vợ. Lại càng xót thương khi thấy bà ngồi lục lọi các thứ bỏ đi trong đống hòm xiểng, giẻ rách, quần áo cũ, lôi ra một gói ni lông vuông vức, quấn rất chặt mà chính bà cũng không biết là gói gì. Thì ra hai bánh xà phòng giặt Liên Xô 72%. Bà chìa cho ông:
– Ông xem. Em quên bẵng đi này. Xà phòng dạo ấy mình nhập rau câu cho Cá Hộp được mua đối lưu đây.
Lục lọi sắp xếp lại tủ, lần tìm các giấy tờ là thú vui của bà. Bà reo lên khi tìm thấy tờ đăng ký kết hôn của hai ông bà và ngơ ngác hỏi ông:
– Sao có ai viết bậy vào đây nhỉ?
Hai ông bà cùng châu đầu vào dòng chữ nguệch ngoạc như gà bới viết bằng mực tím bên lề tờ giấy đã ngả mầu vàng: Giường ba xà 1. Màn đôi 1. Chợt ông reo lên:
– Mậu dịch ghi đấy. Phải đem đăng ký kết hôn tới mậu dịch mới mua được màn, được giường. Mình không nhớ à?
Sau hồi ức này hai ông bà cùng hiểu ngay khi nhìn dòng chữ ghi ở tờ giấy khai sinh của con gái: Bô một chiếc. Phải mang bản chính giấy khai sinh tới cửa hàng, mậu dịch mới bán cho một chiếc bô có nắp. Và chỉ được mua một lần.
Cuộc sống thật vất vả khó khăn nhưng dù sao cũng vẫn tuyệt vời. Khi người ta trẻ người ta dễ dàng vượt qua tất cả. Nhất là lại có một người bạn đời cùng mình chia ngọt sẻ bùi, chia sẻ đắng cay. Tình yêu nồng cháy ngày xưa giờ đây thay bằng nỗi xót thương nhau, bởi vì cuộc đời họ chẳng được hưởng mấy thú vui, ngoại trừ tình yêu của họ. Sự đam mê và cho nhau tất cả ấy không còn nữa. Cái kết thúc đang đến gần. Hai ông bà cùng hiểu họ sắp phải xa nhau vĩnh viễn và không chịu công nhận điều ấy. Họ không chịu ngủ riêng như những cặp vợ chồng già khác. Vẫn là nằm cạnh nhau, với những tiếng nói không thành lời, thứ ngôn ngữ của cơ thể. Dù chỉ là gợi lại những kỷ niệm xa vời. Rõ ràng đấy là sự ương bướng cố chống lại quy luật. Bởi vì sau đó cả hai cùng nằm nghiêng quay lưng vào nhau để đi vào giấc ngủ. Thói quen nằm nghiêng quay lưng vào nhau chẳng biết hình thành từ bao giờ nữa. Có lẽ do cái mùi của thời gian lưu cữu trên da thịt họ, trong tình yêu của họ. Lại còn bao điều bất tiện khác. Như cái đồng hồ sinh học của hai ông bà giờ đây trái ngược nhau: Bà nằm xuống giường là ngủ nhưng lại dậy rất sớm, thường là từ ba bốn giờ sáng, còn ông ngược lại. Lúc bà thức là lúc ông ngủ ngon. Lúc bà ngủ ngon là lúc ông thao thức và cố gắng nằm yên để bà ngủ. Đó là chưa kể tiếng ngáy của ông. Tiếng ngáy mà những lúc vui bà bảo chỉ có bà chịu được mà thôi. Bởi vậy khi bà bị một trận ốm tưởng chết, phải ngủ riêng cũng là bắt đầu một thời kỳ mỗi người một giường kéo dài cho đến tận hôm nay. Và cả hai cùng thấy được nằm một mình thật dễ chịu biết bao. Tha hồ vật vã giở mình, tha hồ nghĩ ngợi, tha hồ thao thức, tha hồ ngáy cũng như dậy đi tiểu đêm, chẳng ảnh hưởng đến người khác.
Dù đã ngủ riêng nhưng thỉnh thoảng bà vẫn trườn vào giường ông chốc lát, lúc trước khi đi ngủ hoặc buổi sớm mai ngủ dậy. Để được cọ vào người ông. Để được nghe thứ ngôn ngữ từ bàn chân ông và đáp lại bằng tiếng nói của chân bà. Rồi ai lại nằm giường người ấy. Nằm im. Hoặc bỗng nhớ ra chuyện gì thì nói. Thường là những chuyện trên báo chí. Như đêm nay, tắt đèn đã lâu, tưởng đã ngủ rồi, ông bỗng bảo bà:
– Ti vi vừa đưa tin một vũ trụ mới đang hình thành cách quả đất mười ba tỉ năm ánh sáng.
Không biết bà đã ngủ chưa mà không lên tiếng. Ông lẩm bẩm một mình:
– Mười ba tỉ năm ánh sáng. Khủng khiếp quá. Chẳng biết ngoài cái mười ba nghìn triệu năm ánh sáng ấy là gì? Cứ cho là một vũ trụ nữa đi. Thế ngoài cái “vũ trụ nữa” ấy? Lại ngoài nữa? Ngoài nữa...
Giường bên, tiếng bà thở đều đều.
Nằm co trên giường, ông nghĩ tới vũ trụ không cùng.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn Bùi Ngọc Tấn, Văn học vị nhân sinh...Chỉ có Tình yêu chung thủy là nhất, tình nghĩa Vợ chồng là nhất......

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.