Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn ngô-đức-thịnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ngô-đức-thịnh. Hiển thị tất cả bài đăng

29/08/2023

Sòng Sơn Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa) trong cuốn sách trọng yếu về thần tiên Việt Nam

Đây là một cuốn sách trọng yếu, mà nay đã biết rộng rãi trong học giới Việt Nam và quốc tế, gần đây đã có bản dịch tiếng Việt.

Sách được đạo sĩ danh tiếng Thanh Hoa Tử hoàn thành tại Thăng Long vào năm Thiệu Trị 7 (1847), sau đó được khắc in năm Canh Tuất (nhóm Trương Đình Hòe và Trần Ích Nguyên thì cho là năm 1850, tức là in ngay sau khi bản thảo vừa hoàn thành).

Đó là cuốn Hội chân biên. Trong sách này, truyện "Sòng Sơn Thánh Mẫu" (tức Liễu Hạnh công chúa) được xếp đầu tiên ở phần/quyển Khôn. Sách có phần/quyển đầu là Càn (nam thần), phần/quyển sau là Khôn (nữ thần).

13/10/2022

Bà Vân thủ nhang Phủ Nấp ở Nam Định đã từ trần (1947-2022)

Về Phủ Nấp - một ngôi đền thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa - ở xã Yên Đồng huyện Ý Yên tỉnh Nam Định, cách Phủ Giầy khoảng 10 km, thì trên Giao Blog có thể đọc ở đây hay ở đây.

Ngôi đền bề thế một thời, được gọi là Phủ Nấp, là bởi đó là làng Nấp (tên gọi dân dã của Quảng Nạp). Tên gọi chính thức là Quảng Cung linh từ

Thời hợp tác xã, Phủ Nấp bị hạ giải toàn bộ. Khu đất đó bị đào thành ao, thả cá, cắm biển "Ao cá Bác Hồ".

Sau Đổi Mới, dân làng đã lấp ao cá, dựng lại đền. Một nhân vật đặc biệt, là bà Vân, vốn chấp tác ở Phủ Giầy và đền Cây Đa Bóng đã tới Phủ Nấp, tái thiết ngôi đền (đọc bài đã đưa lên năm 2018 trên Giao Blog, ở đây). Cô Vân thường giải thích "Phủ Nấp" có nghĩa là: Thánh Mẫu nấp đi, vắng mặt đi một thời gian dài, rồi bây giờ xuất hiện trở lại ở đầu thế kỉ XXI.

19/08/2022

Phủ Giầy Sài Gòn sau 8 năm (2014 và 2022)

Hồi tháng 4 năm 2014, chúng tôi du lãng Nam Bộ. Trường đoàn phía Bắc là thầy Ngô Đức Thịnh. Chúng tôi tập quân ở Phủ Giầy Sài Gòn, rồi lại tập quân về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh). Sau đó thì du lãng nhiều tỉnh thành khác (An Giang, Đồng Nai,...).

Công việc cơ bản là kết hợp hội thảo và trình diễn nghệ thuật hầu đồng Bắc - Trung - Nam.

23/01/2022

Sương mù lan tỏa miền quê Phủ Giầy : chúng tôi đang ở Phủ Vân Cát

Hôm trước, ngày 13 tháng 1 năm 2022, thì chúng tôi đã khảo sát ở Phủ Chính Tiên Hương (xem ở đâyở đây).

Bây giờ, những ngày hạ tuần tháng 1 năm 2022, chúng tôi đang khảo sát ở Phủ Vân Cát.

Hai ngôi Phủ bề thế nằm cách nhau khoảng 1 cây số. Tôi đã bắt đầu tới chiêm bái và khảo sát tư liệu ở các nơi này, những nơi chính yếu của Phủ Giầy Nam Định, từ đầu thập niên 1990, tính đến này cũng đã tới khoảng 30 năm.

Còn việc khảo sát Phủ Tây Hồ ở Hà Nội thì cũng bắt đầu vào đầu thập niên 1990, hồi đó, tư liệu biên chép tại chỗ có thể xem ở đây (tư liệu của năm 1993).

Rồi mãi sau này, tới năm 2014, tôi mới có dịp tới chiêm bái và khảo sát tư liệu ở Phủ Giầy Sài Gòn (tư liệu của Phủ Giầy Sài Gòn đã được báo cáo nhanh ở đây và ở đây).

21/04/2021

Ngày giổ quốc tổ Hùng Vương 2021, xem lại một bài viết cũ 10 năm trước

Một ngày nghỉ được hưởng nguyên lương, tức ngày hôm nay, 21/4/2021 tương ứng với âm lịch là 10 tháng 3. Đó là món quà của quốc tổ dành tặng cho gần 100 triệu con cháu cả nước hiện nay. Đã nói với trẻ con trong nhà chiều qua và sáng nay.

Cuối tuần trước, một em phát hiện ra lịch học có chút vấn đề: ngày 21/4 theo lịch là có giờ học buổi sáng, nhưng rơi trúng ngày 10 tháng 3 âm lịch. Em ấy báo. Mình đã liên hệ và xác nhận với giáo vụ. Kết quả là được nghỉ học, buổi học sáng 21/4 (theo lịch cũ) sẽ chuyển sang một ngày khác. Giáo vụ nhầm lẫn chút, cũng một phần bởi lịch âm với lịch dương nhiều khi người ta không cẩn thận đối chiếu !

Nghỉ chứ ! Ngày giỗ quốc tổ mà, sao mà không nghỉ !

Đại khái, 10 năm về trước, đã viết rồi cho đăng bài như sau về quốc tổ Hùng Vương và ngày giỗ quốc tổ (bài viết năm 2011, nhưng đến năm 2012 mới cho đăng tải):

17/03/2021

Khi Phật giáo còn chưa tới, người ta suy nghĩ gì về kiếp sau - trường hợp ông cháu nhà Triệu Đà

Chuyện cách nay tới hơn cả 10 năm rồi, lúc ấy là trong xe bảy chỗ đi chung từ Bắc Giang về Hà Nội, anh Phạm Sanh Châu hỏi tôi một câu về lịch sử nhân khi tôi nói chuyện về nhà Triệu, tức ông cháu cha con Triệu Đà - Triệu Trọng Thủy - Triệu Muội/Mạt/Hồ, liên quan tới lần chúng tôi tới Quảng Châu một thời gian trước đó.

Chả là hồi mùa thu năm 2008, chúng tôi có đi Quảng Châu, có cùng nhau xuống thăm mộ hoàng đế Triệu Hồ - vị vua thứ hai của nhà Triệu. Triệu Hồ là cháu ruột của Triệu Đà, lên nối ngôi ông (bố của Triệu Hồ có thể chính là Triệu Trọng Thủy - tức là chàng Trọng Thủy trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy bên ta). Một ít thông tin về chuyến đó, chúng tôi có kể nhanh trên Giao Blog hồi Yahoo (ví dụ xem nhanh lại ở đâyở đây hay ở đây). 

28/11/2020

Văn nghệ Thứ Bảy : Chúng tôi đang du lãng miền Tây "gạo trắng nước trong"

Miền Tây đang rực rỡ nắng vàng.

Chúng tôi đã nhiều lần du lãng miền Tây. Có lần đi khá lâu, là đi xe 7 chỗ, đúng dạng du lãng. Hồi ấy đi xiên từ tỉnh này sang tỉnh kia, từ huyện này sang huyện kia, ở lại rất nhiều nơi, la cà ăn cơm dọc trên đường đi, kéo dài tới cả tháng. Một chiến lợi phẩm quan trọng là xác nhận được bằng nhận thứcvật chất về sự đa dạng của các loại mắm miền Tây. Hóa ra, miền Tây có một nền tàng văn hóa mắm thật tuyệt vời. Chúng tôi có đến khu lăng mộ cụ Phạm Đăng Hưng ở Gò Công - dân cho biết ông là bố đẻ của bà Từ Dũ trong cung nhà Nguyễn. Tương truyền bà Từ Dũ cũng là một người làm mắm có hạng. 

Lần này thì chỉ chớp nhoáng, nên xuất phát từ Hà Nội, đi tàu bay của hãng VnAirline. Đây là chuyến máy bay đầu tiên tôi sử dụng sau đại dịch covid-19. Phải bó gối suốt từ đầu năm 2020.

04/08/2020

Văn hóa học: Culturogology và Cultural studies (Mikhail Epstein; bản dịch Nguyễn Văn Hiệu)

Bản dịch của học giả Nguyễn Văn Hiệu đã công bố hơn 10 năm về trước. Tôi đọc ngay lúc ấy, vì thư viện trường tôi có đặt nhiều tạp chí từ Việt Nam (gửi đến bằng bưu điện, chỉ chậm lại một thời gian ngắn).

Mấy năm sau, trong một chuyến du lãng Sài Gòn cùng nhóm các cụ Dương Phú Hiệp và Hoàng Vinh thuộc khuôn khổ một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do thầy Ngô Đức Thịnh làm chủ nhiệm (tôi là thư kí khoa học), chúng tôi mới có dịp gặp gỡ với dịch giả Nguyễn Văn Hiệu. Cụ Hoàng Vinh vui mừng khi nói chuyện với anh Hiệu, bảo đại ý: bản dịch ấy rất có giá trị. Tôi thì thú vị là hóa ra anh Hiệu mới chính là tác giả của những bài nghiên cứu về địa danh mà tôi đã đọc một thời gian trước, chứ trước đó thì lại cứ nghĩ là người khác ! Bởi cái tên Nguyễn Văn Hiệu thì trùng khá nhiều ! 

Chỉ tính hiên tại, thì có một cái tên nữa trùng nhiều là Nguyễn Minh Đức. Thời trước thì có Khuất Duy Tiến. Hay cũng có Nguyễn Đức Nhuận !

Gần đây, có một chú em người Nghệ An gọi điện bảo đại khái: em tìm được một cái Fb mang tên anh (trùng họ trùng tên luôn, dĩ nhiên là trùng tên lót nữa). Em gửi kết nối với họ rồi, và cứ đinh ninh là tôi trăm phần trăm ! Tôi bảo: mình biết cái Fb ấy rồi, của một người hình như ở Từ Sơn (Bắc Ninh), nhưng không phải là mình nhé ! 

09/06/2020

Thầy Ngô Đức Thịnh với quê hương : dòng họ và phụ mẫu

ngọn đèn của cha
vẫn đang tiếp cháy trong con
hiện lên đầu dãy đèn đường đêm nay, và nối những đêm mai
(trích từ bài Ngọn đèn, thơ Ái Vân Quốc, 2007)

Ở bản in sau này, bộ Đạo Mẫu (tức bộ sách Đạo Mẫu Việt Nam hay Đạo Mẫu ở Viêt Nam) của thầy Ngô Đức Thịnh, thường có một lời đề tặng ở trang bìa lót dành cho phụ mẫu.

Chẳng hạn, ở bộ sách đó bản in năm 2009 tại Nxb Tôn giáo, được chia thành 2 tập đều đóng bìa cứng (tập 1 thì gam màu đỏ, còn tập 2 thì gam màu vàng), ngay bìa lót tập 1 ghi "Kính dâng hương hồn Thân Mẫu". Hay bản in năm 2010 thành một tập bìa đen, bởi Nxb Tôn giáo - Công ty sách Từ Văn, thì ở bìa lót cũng ghi "Kính dâng hương hồn thân Mẫu".

1. Chúng tôi đã tới thăm quê của thầy Thịnh nhiều lần, mà lần đầu tiên là mùa hè năm 2009. Tức là khoảng 11 năm về trước. Lần đó, người anh trai lớn của thầy vẫn còn khá khỏe chân, đưa chúng tôi đi thăm nhà thờ họ Ngô. Người anh đi trước, cậu em trai theo sau, rồi là nhóm chúng tôi. Theo lệ thường, thì tôi hay chạy lên phía trước lia máy ảnh để ghi kỉ niệm, rồi lại tụt lại phía sau.

Nhà thờ họ Ngô còn giữ được khuôn viên có tường bao khá rộng rãi và bề thế, một nếp nhà cổ với mái ngói xưa cũ cùng cửa mặt trước là gỗ bức bàn, một cái cổng chính mới xây cất lại trên đề dòng chữ Hán Ngô đại tông từ (từ đường dòng họ lớn Ngô). Chú ý chữ "tông từ" (nhà thờ dòng họ).

07/06/2020

Một công trình khoa học cuối cùng về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam của Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Những năm tháng cuối cùng, do phải vật lộn với bệnh tật ngày một trầm trọng, ông không còn xuất hiện nhiều ở những hội thảo hội nghị nữa (đọc ở đây), nhưng vẫn tham gia hay chủ trì một số công trình khoa học.

Một trong số đó là công trình Hệ thống Tam Phủ - Tứ Phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc, vốn là đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thực hiện trong các năm 2017-2018 (tháng 1/2017 - tháng 12/2018), nghiệm thu năm 2019, dự thi giải thưởng năm 2019 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Công trình đó do tôi làm chủ nhiệm, với 7 thành viên (thầy Ngô Đức Thịnh là một trong đó), đã nhận giải Nhì A năm 2019 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Khi nhận giải, đã đưa tin nhanh ở đây.

Như vậy, đây là công trình tập thể mà thầy Ngô Đức Thịnh tham gia với tư cách một thành viên. Có thể xem đó là một trong những công trình khoa học cuối cùng về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam của ông.

06/06/2020

Học giả Ngô Đức Thịnh vừa từ trần, thọ 77 tuổi (1944 - 2020)

Mấy năm nay, ông cứ yếu dần đi do phải vật lộn với bệnh tật ngày một trầm trọng. Mới đầu, những năm 2008-2010 thì chỉ là huyết áp, rồi sang tiểu đường, cuối cùng là chạy vào thận. Ít ngày trước gia đình đã đưa ông vào khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Ngọc Hồi, Hà Nội).

Sáng nay, Thứ Bảy ngày 6 tháng 6 năm 2020 (ngày 15 tháng 4 năm Canh Tí), ông đã nhẹ bước ra đi.

Với cá nhân tôi, ông là thủ trưởng cơ quan trực tiếp (trưởng phòng, viện trưởng), đồng thời là người thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ (luận văn đã bảo vệ đầu năm 2000). Chúng tôi đều là người xứ Sơn Nam Hạ. Trong mười năm gần đây, ông tâm đắc với từ "nhóm học giả Sơn Nam" trong nghiên cứu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ ấy là do ông đưa ra.

Mấy ngày trước, tôi ngồi xử lí số tư liệu của lần đưa ông về thăm làng Ikisan ở miền Tây nước Nhật Bản vào mùa đông năm 2002 (lúc đó tôi đang làm điều tra dài hạn ở làng). Tức là tư liệu của khoảng 18 năm về trước, lúc ấy ông vẫn đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian - nay đã đổi tên thành Viện Nghiên cứu Văn hóa. Chuyến ấy, ông sang Nhật Bản dự hội thảo ở một nơi khác. Chúng tôi sắp xếp để ông xuống Fukuoka và tới thăm làng Ikisan trong thời gian ngắn.

30/04/2020

Hầu đồng với văn hóa, nghệ thuật (bài Phạm Tứ)

Một bài viết quan trọng của tác giả Phạm Tứ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam (Giám đốc là học giả Ngô Đức Thịnh).

Từ rất nhiều năm trước, đã hẹn với chú Tứ là sẽ tới chiêm bái (thực ra là nhờ chú mở cửa cho chiêm bái) điện thờ Mẫu ở ngay trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Người ta không ngờ là ở ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có một điện thờ Mẫu. Nhưng không phải là mới có đâu. Đã có lịch sử khá xưa cũ rồi.

30/05/2019

Chân dung một chính khách : ông Nguyễn Hữu Oanh qua trang viết Trần Nhuận Minh

Trong tủ sách gia đình, có một số sách chuyên sâu được đề tựa hay giới thiệu bởi ông Nguyễn Hữu Oanh - khi ông là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Sau này thì ông chuyển về công tác ở Ban Tôn giáo Chính phủ.

Khi cùng du lãng các nơi, nhất là xứ Thanh và các đền phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là khi ông vừa nghỉ chế độ. Mình thú vị với việc ông có thể nói khá tỉ mỉ và hứng thú về vẻ đẹp của không gian thờ tự trong nhà người Việt cổ truyền vùng Bắc Bộ.

18/02/2019

"Linh tinh tình phộc" (lễ hội Trò Trám) các năm gần đây, và lên tiếng của học giới

Đã thấy học giới Việt Nam lên tiếng về các ảnh chụp và video quay cảnh "phộc" vào nhau giữa hai sinh thực khí (một bên nam, một bên nữ).

Các ảnh và video năm Hợi 2019 thì xem cụ thể ở entry trước (ở đây).

Ở Nhật Bản, chuyện tương tự và lên tiếng của học giới đã có tiền lệ, khoảng 50 năm trước. Đã có một tranh luận về tính thiêng của lễ hội. Vẫn còn đang tiếp tục.

25/12/2018

Chuyện hầu Thánh đầu thế kỉ XXI : thanh đồng nức tiếng vốn là phu nhân tướng công an

Cô đồng Loan đã nổi tiếng Hà Thành và toàn cõi Đại Việt trong nhiều năm nay.

Cô vốn là người vợ đầu của một vị tướng công an đương nhiệm. Có thể nhiều người đã biết. Việc hầu Thánh là bởi duyên nghiệp và căn số, nên có khi ở ngôi gần sát với tứ trụ triều đình vẫn là tôi con của nhà Thánh cả.

Đại khái thế. Chuyện hầu Thánh cần cứ phải kể từ từ.

"Trong những tháng năm tuổi trẻ, nàng Loan “mắt mèo” xinh đẹp gặp gỡ và đem lòng yêu thương một chàng chiến sĩ công an con nhà danh giá, đẹp trai lịch lãm. Được sự vun vén của cả hai bên gia đình, đám cưới của họ thực sự là đám cưới trong mơ trong mắt bạn bè và bạn bè đồng nghiệp lúc bấy giờ. Kết quả của cuộc hôn nhân ấy là hai người con ra đời trong niềm hân hoan của cả đại gia đình. Cậu con trai cả chào đời năm 1982 và cô con gái út sinh năm 1988. Đấy là khoảng thời gian mà cuộc sống luôn diễn ra đúng với những gì cô mong đợi. Công việc của cô cũng thuận lợi và chồng cũng thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp."