Nguồn |
0. Bản dịch tạm thời, gồm 12 kì
Tài liệu này đã thấy trôi nổi trên mạng từ mấy năm trước. Bản tổng hợp và cũng là bản tin cậy nhất, nên đọc trên Diễn đàn, tất cả có 12 kì:
Hồi kí cố vấn Trung Quốc (12)
Đọc các phần đã xuất bản :(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11)
Dưới đây, chỉ đăng lại lời giới thiệu ở kì 1 của Diễn đàn, và lời cuối sách (ở kì 12).
1. Lời giới thiệu của Diễn đàn
"Chúng tôi bắt đầu công bố dưới đây toàn văn tập hồi kí nhan đề GHI CHÉP THỰC VỀ VIỆC ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP (Hồi ký của những người trong cuộc), do Dương Danh Dy dịch và hiệu đính theo ấn bản 2002 của Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bắc Kinh).
Đây là lời kể của những người Trung Quốc đã sang Việt Nam thời gian 1950-54 làm cố vấn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mở đầu là hồi kí của LA QUÝ BA, Trưởng đoàn cố vấn, đồng thời là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nguyên bản bài viết mang đầu đề : MẪU MỰC SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN / Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp. Ngày nay, thực tiễn cũng như các tư liêu lịch sử cho thấy thực chất mẫu mực ấy như thế nào : cái nhìn của bản thân Mao Trạch Đông về Việt Nam và Đông Nam Á (trong các cuộc nói chuyện vói Edgar Snow ở Diên An) mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa Đại Hán ; chủ trương "chia để trị" của "thiên triều" thể hiện rõ trong vai trò của Trung Quốc ở Hội nghị Genève năm 1954 (với tài năng phi thường của Chu Ân Lai), xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ (1959-1975) cũng như trong thời kì "chiến tranh Đông Dương lần thứ ba". Từ "chống đế quốc Mĩ đến người Việt Nam cuối cùng" đến "bài học 1979" dạy cho "tiểu bá vô ơn bạc nghĩa" -- và ngày nay nữa trong quan hệ "16 chữ vàng" hào nhoáng -- đó là một chính sách nhất quán, "làm gì cũng có tính toán thâm sâu", trước sau như một, chỉ thay đổi là thái độ, phương tiện và phương pháp (hữu nghị hay thù nghịch, ủng hộ hết mình hay mưu ma chước quỷ, "đánh cho kiệt máu")...
Nhắc lại những sự thật cơ bản ấy không có nghĩa là "chống Trung Quốc một cách có hệ thống", càng không có nghĩa là Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam không có trách nhiệm gì hết trong diễn biến của quan hệ Việt Trung từ hơn nửa thế kỉ nay (sức ép của cố vấn Trung Quốc mạnh mẽ tới đâu thì cuộc "cải cách ruộng đất" cũng do ĐCSVN tiến hành và chịu trách nhiệm, sự kiện 1979 có mặt tất yếu của nó, song nếu ban lãnh đạo, bắt đầu từ tổng bí thư Lê Duẩn, biết vượt qua sự kiêu căng và biết ứng xử mềm mại với "anh hai khổng lồ" -- như chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì suốt đời -- thì chưa chắc sự vỉệc đã diễn ra như nó đã diễn ra, ít nhất ở mức độ đó ; và những sai lầm của ông Lê Duẩn cũng không thể biện minh cho những "im lặng đáng sợ" và "khấu đầu" hiện nay. Mặt khác, chúng ta không thể đồng hóa chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc với thái độ của nhân dân Trung Quốc, mặc dầu chính sách ngu dân của Bắc Kinh không gặp nhiều khó khăn để kích thích tinh thần đại hán. Càng không thể quên sự chi viện to lớn mà Việt Nam đã nhận được của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất.
Trở lại hồi kí của Lã Quý Ba và các đồng chí của ông. Bên cạnh mặt tuyên truyền và "sách đỏ" Mao Trạch Đông, tập sách này cung cấp cho người đọc những thông tin bổ ích và những quan điểm mà bạn đọc có đủ yếu tố để đánh giá đúng sai. Diễn Đàn"
2. Lời cuối sách
"Đầu năm 1950, theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mở ra cục diện mới của cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam, giành thắng lợi trong chiến tranh chống Pháp, bất chấp hàng loạt khó khăn mà trong nước phải đối mặt, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiên quyết ra quyết sách to lớn viện trợ Việt Nam chống Pháp, cung cấp số lớn trang bị quân sự và vật tư quân sự cho Việt Nam, đồng thời cử Đoàn cố vấn quân sự giúp Việt Nam xây dựng quân đội và hỗ trợ chỉ huy tác chiến.
Quyết sách to lớn này của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và quyết sách to lớn khác đưa quân tình nguyện sang Triều Tiên, chống Mỹ viện Triều, giữ nhà giữ nước đưa ra sau đó, tuy có khác nhau về đối tượng tác chiến, phương thức viện trợ và quy mô viện trợ, nhưng đều là hành động chiến lược trọng đại nhằm chống đế quốc xâm lược, chi viện nước láng giềng hữu nghị, bảo vệ độc lập quốc gia, giành giải phóng dân tộc và phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đối với Trung Quốc, đều là sự thống nhất giữa lập trường của chủ nghĩa quốc tế và lập trường của chủ nghĩa yêu nước, đều có ý nghĩa lịch sử to lớn.
Một số lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20, kết hợp từng trải của bản thân lúc bấy giờ viết nên những trang hồi ký này. Bây giờ chúng tôi biên tập bài viết của đồng chí La Quý Ba Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản – Nhớ Mao Trạch Đông với viện trợ Việt Nam chống Pháp nhân 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, cùng với những bài viết khác thành cuốn sách Ghi chép thực tiễn về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, từ một mặt khác tái hiện chân thực những chuyện đã qua ít người biết đến trong lịch sử vẻ vang của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Những bài viết tập hợp trong cuốn sách này đều là sự trải nghiệm và nhớ lại của bản thân các tác giả bất chấp tuổi cao sức yếu, khắc phục rất nhiều khó khăn để viết ra, có mấy bài tuy có chút chồng chéo về nội dung nào đó, nhưng tác giả thuật lại từ góc độ khác nhau, và không lộ rõ sự trung lặp, mấy bài mới đăng do đồng chí Trương Quảng Hoa hỗ trợ sửa chữa hiệu đính, Đại sự ký ở cuối sách cũng do đồng chí ấy sửa chữa hiệu đính. Sau khi đọc những bài này, có thể làm người ta hiểu toàn diện hơn những sự kiện trọng đại và tình hình chiến đấu chiến dịch và những nhân vật hữu quan đương thời, do đó nó có giá trị lịch sử nhất định.
Hơn 5 năm công tác của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam được Đảng, Chính phủ Việt Nam, và Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam ca ngợi cao độ ; đồng thời cũng được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân uỷ Trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí lãnh đạo khác của Trung ương khẳng định đầy đủ. Lịch sử nhân dân Trung Quốc viện trợ Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống Pháp và sau đó chống Mỹ sẽ mãi mãi khắc sâu trong lòng nhân dân Trung – Việt, bài ca quốc tế cao cả mà nó phổ nhạc nhất định sẽ âm vang dài lâu trong trái tim của nhân dân hai nước Trung – Việt
Nhóm biên tập sách, Tháng 12 năm 2001"
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- "Hồ Chí Minh ấn" và "Võ Nguyên Giáp ấn" : Chữ Hán và triện khắc chữ Hán của Đại tướng (1950, 1957)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.