Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/03/2019

Tuần phim Nhật Bản tại Hà Nội (ngày 25, 27, 29, 30 tháng 3)

Hoạt động chiếu phim này, theo kí ức của mình, là có từ lâu rồi, cỡ khoảng 25 năm về trước. Lần đầu tiên biết đến là lúc nhận được vé mời từ đoàn trường Đại học Tổng hợp (hồi các anh Q.A và A.). Đoàn trường phát về liên chi đoàn các khoa.

Người đầu tiên tự đi học tiếng Nhật của lớp mình hồi đó là M.A. Hết sức thức thời. Mình nhìn vào cuốn giáo trình của M.A mang đến lớp, phát hiện ra bộ chữ cái tiếng Nhật hao hao chữ Hán. Lúc đó chưa hề biết đích xác rằng, đúng thế, từ chữ Hán người Nhật đã chế ra được bộ chữ cái. Chỉ đoán mò vậy. Và phải mấy năm sau thì mới biết thực sự đúng là vậy. Một phần từ sự phát hiện đó, mình đã đi học tiếng Nhật. Bây giờ thì không rõ M.A còn nhớ tiếng Nhật nữa hay không.

Tin cập nhật 2019 lấy về từ trang của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (trụ sở tại 27 phố Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những người Nhật xấu xí : hai thanh niên vừa ra tay cướp giết ở Cam Bốt

Ở tỉnh Siêm Riệp, gần với khu vực Di sản Thế giới Angkor Wat, sự kiện gây chấn động nước Nhật. Hai kẻ phạm tội đều 23 tuổi, chúng đã sát hại người lái tắc-xi Cam Bốt, dùng xe cướp được chuẩn bị đi gây án tiếp thì bị bắt.

Một trong hai kẻ cướp này vốn là quân nhân, từng đầu quân cho quân đội Nhật Bản hiện nay (tên chính thức là "đội tự vệ"). Chúng bị mắc nợ tại Nhật Bản, muốn đi cướp ở khu vực Thái Lan hoặc Cam Bốt.

18/03/2019

Câu chuyện các vị thần ở làng quê của nhà văn Sơn Tùng : cập nhật với nhà văn Thiên Sơn

Nhà văn Sơn Tùng đã viết từ nhiều năm trước về làng mình cùng các ngôi đền, mà viết trong lời giới thiệu cho một tác phẩm của người cháu họ sinh trưởng cùng ở ngôi làng ấy - là nhà văn Thiên Sơn (tác giả của bộ Đại Gia gần đây).

Chính nhà văn Sơn Tùng là một trong những người có công cứu (thực sự là cứu) và lưu giữ gần hai mươi đạo sắc phong của làng mình. Không có sự kịp thời của Sơn Tùng, thì có thể những tư liệu quí giá ấy đã thành tro bụi, hoặc trở thành đồ trôi nổi trên thị trường cổ vật.

Các ngôi đền trong làng của nhà văn đã bị phá hủy hoàn toàn thời hợp tác xã. Chỉ còn lại số sắc phong đó mà thôi.

Năm 2016, chúng tôi (gồm cả Thiên Sơn và tôi) đã chứng kiến việc quê nhà cử đoàn đại diện ra thỉnh các sắc phong đó từ căn hộ của nhà văn Sơn Tùng về lại quê Diễn Kim - Diễn Châu. Nhà văn và gia đình đã quyết định trao lại cho quê hương. 

Cập nhật 2019 câu chuyện về PVN, PVC, PVV

Tiếp các quan sát từ nhiều năm nay. Ví dụ đọc ở đây lại ở đây (tháng 9/2016 và tháng 12/2017), hay ở đây (tháng 7/2018).

Bây giờ là cập nhật 2019.

Mở đầu là một bài của Hoàng Hải Vân trên Fb ngày 16/3/2019.

17/03/2019

Lần đầu tiên xuất hiện ở nhà ga Nhật Bản : tên và ảnh chụp năm 1918 của Phan Bội Châu

Đó là một tấm bia mới được dựng ở nhà ga đường sắt quốc gia Nhật Bản "ga Fukuroi" thuộc tỉnh Shizuoka. Lễ khánh thành được thực hiện vào ngày 16 tháng 3 năm Bình Thành 31 (năm cuối cùng của niên hiệu Bình Thành). Bia cao 1.2 m, rộng 0.9 m.

Trên bia có cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Một tấm ảnh chụp năm 1918, trong đó có thấy hình ảnh của Phan Bội Châu, đã được khắc lên tấm bia vừa dựng này.

Vẫn là nằm trong hoạt động ngoại giao văn hóa như đã chỉ ra ở bài viết đã công bố lần đầu năm 2016 (đọc lại ở đây, còn toàn văn thì xem ở đây).

Đây là lần đầu tiên một danh nhân Việt Nam được giới thiệu trên bia dựng tại nơi công cộng tại Nhật Bản.

Cuối tuần xem lại một bài văn bia viết năm 1339 của ông Thăng Phủ (tức Trương Hán Siêu)

Vừa rồi du lãng chốn Non Nước, có tạt ngang tạt dọc vào những di tích có liên quan đến cụ Thăng Phủ nổi danh ở đời Trần.

Con cháu họ Trương đang trùng tu tôn tạo nơi thờ tự cụ.

Về nhà, xem lại một tấm bia cụ đã viết năm 1339 cho một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Bia sau này mờ đi, nên người địa phương đã khắc lại vào thời Tây Sơn hay thời Nguyễn gì đó. Nghe đâu là bác Nguyễn Huệ Chi có về địa phương khảo sát năm 1969.

16/03/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : nhớ những buổi sáng Mộc Liên rực lên ở trước nhà

Tháng 3 rồi. Nhanh quá, đã giữa tháng 3.

Nhìn ra trời mưa bụi bay bay ngoài cửa sổ, ở Hà Thành, vào những ngày này, là bỗng nhớ những buổi sáng thức dậy liền ra xem những cây Mộc Liên ở trước nhà.

Những cây Mộc Liên ấy ở ngay trước cổng kí túc. Đó là giống Mộc Liên trắng (đã nói nhanh ở đây, hồi tháng 11 năm 2013).

15/03/2019

"Nước mắm" là quốc hồn quốc túy, mà sử sách chẳng ghi rõ ràng gì

Các ông vua nhà Trần làm ra nhiều văn thơ chữ Nôm. Nhưng đố có tìm ra từ "mắm" hay "nước mắm" trong đó. Bây giờ có cả Viện Nghiên cứu chuyên về Trần Nhân Tông rồi, có nên hay không nên kì vọng họ tìm được hai từ đó trong các danh tác thời Phật Hoàng.

Các vị Phật Hoàng có ăn "nước mắm" hay "mắm" không. Hiện không biết. Sử liệu Đại Việt như là nhà trống hoác. Thấy được cái ấn "Sắc mệnh chi bảo" ở hoàng thành Thăng Long mới đây (làm kinh động cả học giới), nhưng chắc chưa thấy dấu vết hũ nước mắm. Hẳn vậy rồi.

Tới chữ Nôm của các cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế thôi. Đừng nói ngay là các cụ không hàng ngày "rau muống chấm nước mắm" ("cáy" hay "tôm") nhé ! Các cụ ấy hàng ngày tự răn là "vỗ bụng rau bình bịch", thì chưa rõ là chấm rau ấy với cái gì đây. Hồi ấy chưa có Nam Ngư với Chin Su này nọ rồi.

Hà Nội bắt đầu có phố Trịnh Văn Bô (doanh nhân đầu thế kỉ XX)

Về cụ Trịnh Văn Bô, thì có thể đọc nhanh ở đây (tháng 10/2013) hay ở đây (tháng 11/2017).

Nước Nam ta có một nền quốc học chân chính không (câu hỏi của nhóm Phạm Quỳnh và Phan Khôi từ 1931)

Bài đã đăng trên Tạp chí Nam Phong gần 90 năm về trước.  Vấn đề đang nguyên tính thời sự, chưa cũ đi một chút nào, dù cả thế kỉ sắp qua.

12/03/2019

Nhà vua bắt đầu các nghi lễ thoái vị, vẫn canh cánh nỗi lo về hôn lễ của cháu gái

Nhà vua Bình Thành đã bắt đầu thực hiện các nghi lễ mừng 30 năm tại vị, cũng là những nghi lễ chuẩn bị cho sự kiện thoái vị sắp tới của ngài. Về sự kiện đặc biệt này, có thể xem thêm ở đây (tháng 11/2016) và ở đây (tháng 8/2016).

Phía báo chí Nhật Bản cho biết: tựa như cả hoàng cung đang canh cánh nỗi lo về hôn lễ của người cháu gái nhà vua. Tức là công chúa mà đầu tháng 9 năm 2017 đã làm lễ đính hôn (phát biểu về việc hôn lễ), lúc đó Giao Blog đã đưa tư liệu trực tuyến ở đây.

Những tưởng hôn lễ sẽ được cử hành nhanh chóng trong năm 2017, nhưng các sự cố đã xảy ra. Vấn đề "khó chịu" của phía chú rể được lộ diện liên tục, và kết quả là đám cưới phải lùi 2 năm.

11/03/2019

Những bài học vỡ lòng cho người lớn : Nước Mắm truyền thống và Nước Mắm công nghiệp

Về làng sản xuất nước mắm nổi tiếng ở miền Trung, là làng Nam Ô ở Đà Nẵng, đang đứng trước bờ vực tuyệt diệt, thì đã quan sát lâu lâu (ở đây hay ở đây). Có quan tâm đến Nam Ô, là bởi nhiều duyên cớ: ẩm thực có, công cuộc Nam tiến của Đại Việt có, mà đặc biệt là trong liên quan tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Người dân Nam Ô đã bao đời nay chuyên nghề đi biển, làm nước mắm chất, và thành kính thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh với tư cách thần biển bảo trợ cuộc sống của họ.

Nhưng mà về nước mắm thì mình không có tri thức nhiều, nên phải bắt đầu bằng những bài học vỡ lòng.

Đại học Việt Nhật (VJU) : nhìn từ 1908 - 1918, đến hiện nay

Hồi năm 1908, du học sinh Việt Nam là Trần Đông Phong đã tự sát tại khuôn viên một ngôi chùa ở Tokyo. Một cái kết bi thảm cho phong trào Đông Du được khởi xướng bởi Phan Bội Châu - Cường Để.

Mộ phần của cụ Phong ở một công viên nghĩa trang tại Tokyo hiện nay là một điểm đến thăm viếng của nhiều người Việt. Chúng tôi đã viết rằng, cụ đang trở thành một vị phúc thần cho người Việt ở Nhật Bản (xem lại ở đây, tháng 8/2017).

Liên quan đến mộ phần cụ Trần Đông Phong ở Tokyo, thì là câu chuyện gần đây vào năm 2018, về gia đình thầy giáo Nguyễn Thiện Nam (cựu lưu học sinh Đại học Ngoại ngữ Tokyo thời cuối thập niên 1990, cựu giảng viên tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo hồi đầu những năm 2000), đọc ở đây.

Năm 2019 (năm học thứ 3 của Đại học Việt Nhật - VJU), con trai thầy Nguyễn Thiện Nam (thanh niên điển trai Nam Anh) có phát biểu về VJU trong video mới đây (Nam Anh đã có hai kỉ niệm đáng ghi nhớ trong thăm viếng mộ phần cụ Trần Đông Phong ở Tokyo):

10/03/2019

Họp tổ dân phố đầu năm 2019 : ghi chép nhanh

Hơn mười năm nay, trên Giao Blog (tính từ thời hệ thống Yahoo), tiện dịp thì vẫn thi thoảng nhắc đến bác tổ trưởng tổ dân phố độc đáo ở chỗ mình. Bác là một hậu duệ của cụ thổ ti tổng đốc lừng tiếng ngày xưa, ví dụ đã kể ở đây (năm 2014) hay ở đây.

Mấy năm nay, chỗ bác tổ trưởng cho kẻ dòng chữ đúng y như báo Nhân Dân chỉ dẫn, đã được thay bằng loạt hoa do đoàn thanh niên phụ trách rồi. Tức là độ ba năm nay, mỗi dịp Tết đến xuân về không còn dòng chữ ấy nữa. Thế cho nên, có lẽ chỉ còn thấy được hình ảnh cũ trong ảnh chụp của mình.