Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/04/2022

Chúng tôi đang du lãng mạn sông Chảy, mải theo bóng hình Piền Hùng (Bàn Vương)

Con đường dẫn vào xã Hồ Thầu của huyện Hoàng Su Phì đang thi công việc mở rộng ra 7m30, nên giữa chừng chắn đường rất "ác liệt". Lúc vào, chúng tôi phải đợi tới 3 tiếng rưỡi mới được đi tiếp. 

Đợi suốt từ 4h chiều, mà đến tận 7h30 tối mới được đi tiếp.

Tranh thủ, chúng tôi vào thăm một nhà cạnh đường (nhà này thuộc xã Tân Lập huyện Bắc Quang). May quá, nhà thuộc nhóm Dao Đỏ, mà cũng là giờ đi làm về, nên hàn huyên lâu lâu. Hàng xóm cũng sang góp vui khi thấy chúng tôi tới. Nhóm này làm lễ cấp sắc (quá tang) khi đã cưới vợ, tức cấp sắc là cho cả vợ và chồng. Một lễ cấp sắc có thể có nhiều cặp vợ chồng cùng làm chung. Không thấy vai trò nổi trội của Bàn Vương ở nhóm này.

1. Tạm biệt gia chủ lúc 7h30, mà tới tận 10h30 tối chúng tôi mới tới được Hồ Thầu. Ăn cơm tối xong đã sát 12 h đềm. Chúng tôi đã đăng kí từ trước, nên ở một hộ làm du lịch theo dạng homestay. Chủ nhà là một doanh nhân trẻ người Dao Dỏ.

Đường vào Hoàng Su Phì hiện nay vẫn rất xấu. Bởi vậy, việc phát triển du lịch ở Hoàng Su Phì hiện vẫn rất khó khăn.

2. Những ngày ở Hồ Thầu, xem văn bản của các thầy Tào người Dao Đỏ, chúng tôi mới biết, Hồ Thầu là phát âm của hai chữ Hán "Hà Đầu" - có nghĩa là "đầu sông", mà "sông" ở đây là chỉ "sông Chảy".

Mỗi lần xuống Phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi hay đỗ xe ở khu vực khách sạn Sông Chảy. Cũng theo văn bản của thầy Tào, chúng tôi biết rằng, Hoàng Su Phì là phát âm của ba chữ Hán "Hoàng Thụ Bì" - có nghĩa là "vỏ cây vàng". Người dân có kể chuyện về một loại cây có vỏ màu vàng đã bay về trung tâm huyện, bởi vậy, huyện có tên là "Vỏ Cây Vàng".

3. Ở Hoàng Su Phì, vào những năm đầu thế kỉ XXI này, bóng hình của một vị vương trong cộng đồng người Dao là Bàn Vương (tiếng Dao Đỏ là Piền Hùng) đang được khắc họa rõ nét. Các xã có nhiều người Dao Đỏ sinh sống, như Hồ Thầu - Thông Nguyên - Nam Sơn, có nghi lễ cùng Bàn Vương. Từ năm 2008, lễ cúng Bàn Vương còn được tổ chức lớn tại sân của UBND của một số xã.

Đền thờ Bàn Vương đã được UBND huyện Hoàng Su Phì đề xuất việc xây dựng tại xã Hồ Thầu từ năm 2016.

4. Cũng mới đây thôi, nghi lễ cúng Bàn Vương (ở xã Hồ Tầu huyện Hoàng Su Phì) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - xem tư liệu ở bên dưới.

5. Khi chúng tôi rời Hoàng Su Phì thì một đoàn người Dao ở xã Hồ Thầu cũng xuống Hà Nội để tham gia vào "Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc với Hà Nội năm 2022" (ở vườn hoa Lý Thái Tổ và phố đi bộ). Vào buổi tối ngày 15/4 (Thứ Sáu), chính doanh nhân trẻ người Dao (nói ở trên) đã xuống cùng đoàn để biểu diễn tiết mục cúng Bàn Vương ở trước tượng đài Lý Thái Tổ.

Các bạn ở Hồ Thầu đã đi từ 3 giờ sáng ngày 15/4, tới Hà Nội vào chập tối, biểu diễn tiết mục cúng Bàn Vương tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Thế rồi, các bạn ấy đã về lại Hồ Thầu ngay trong đêm. 

Tiết mục cúng Bàn Vương của người xã Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì) vào tối ngày 15/4/2022, tại vườn hoa Lý Thái Tổ - cạnh Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội (ảnh của Phạm Văn Dương)

Như vậy, đại khái có thể hình dung: chúng tôi đi tìm Bàn Vương ở Hoàng Su Phì, thấy ngài ẩn hiện ở các xã các làng, rồi rất nhanh ngài còn xuất hiện ngay ở khu vực Hồ Gươm - thủ đô Hà Nội. Chúng tôi tựa như đang mải rượt theo bóng hình của ngài - Piền Hùng của cộng đồng người Dao tại Việt Nam nói chung.

Dưới là các tư liệu đưa lên dần.

Tháng 4 năm 2022,

Giao Blog

(viết dần từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 4)




---


CẬP NHẬT


3.


Lễ hội Bàn Vương lần thứ II sẽ được huyện Ba Chẽ tổ chức vào ngày 07 và 08/5/2022

18/04/2022 20:30

Thực hiện chương trình mở cửa thu hút khách du lịch năm 2022, thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2022); tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022. Trong 2 ngày 07 và 08/5/2022 (Tức 07 - 08/4 âm lịch). Huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022 với chủ đề "Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển".

Hành trình “Vượt biển” của 12 dòng họ sẽ được tái hiện tại Lễ hội.        

Lễ hội Bàn Vương lần thứ II sẽ được diễn ra tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Trong Lễ hội sẽ tái hiện lại hành trình “Vượt biển” của 12 dòng họ trên 12 con thuyền đến vùng đất mới để lập nghiệp; dâng các lễ vật, cây đặc sản lên cúng ông tổ Bàn Vương tại Miếu Bàn Vương và một số nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Dao.

Lễ cúng ông tổ Bàn Vương tại Miếu Bàn Vương.

Trong phần hội sẽ diễn ra chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống; nhảy lửa và sân khấu hóa một số nghi lễ, nghi thức đặc sắc trong lễ cấp sắc của người Dao như: múa hành triều, múa rồng… do các đoàn nghệ nhân là người dân tộc Dao của huyện trình diễn. Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực của cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn. Ngoài ra, du khách khi đến với lễ hội sẽ được tham quan, tìm hiểu về không gian văn hóa Dao; phong tục tập quán, hiện vật, công cụ, dụng cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt của người Dao; chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp về vùng đất và con người Ba Chẽ; mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu và các sản phẩm OCOP của huyện.

Nhảy lửa là một trong những hoạt động sẽ được diễn ra tại Lễ hội.

Thông qua Lễ hội nhằm tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung như một lời mời chào kêu gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ, một vùng đất khát vọng đi lên đầy hứa hẹn./.

Ngọc Lợi/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ


https://www.quangninh.gov.vn/donvi/huyenbache/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=15456




2.

Hôm nay (16/4), khai mạc Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/04/2022 06:06 GMT+7

Màn múa "Mầm xanh" trong Chương trình nghệ thuật Không gian văn hoá dân tộc Dao. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Tối nay (16/4), Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và TP Hà Nội năm 2022 sẽ chính thức khai mạc tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh khu vực Hồ Gươm, Hà Nội.

Đây là một trong những sự kiện nằm trong chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Ngay từ hôm qua, không gian trưng bày văn hóa du lịch và sản phẩm đặc trưng vùng Việt Bắc và triển lãm ảnh đã được bố trí tại khu vực này và sẽ được duy trì đến hết ngày mai.

Du khách đến với không gian trưng bày sẽ được thông tin về du lịch từng địa phương, được trực tiếp thưởng thức những đặc sản, chiêm ngưỡng và trải nghiệm các sản phẩm du lịch tiêu biểu.

Trong tuần văn hóa du lịch còn diễn ra triển lãm ảnh đẹp với 120 bức ảnh phong cảnh đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc.

Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" do các tỉnh Việt Bắc khởi xướng, đến nay đã trải qua 13 năm luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm hợp tác đã trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu, có chuyển biến tích cực về hình thức tổ chức, góp phần tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương, thu hút được sự quan tâm của các đơn vị doanh nghiệp du lịch và du khách.

Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc tại Hà Nội 2022 diễn ra từ ngày 15 đến 17/4.

https://vtv.vn/xa-hoi/hom-nay-16-4-khai-mac-tuan-van-hoa-du-lich-6-tinh-viet-bac-20220416002706188.htm


1.




15:25, 06/04/2022


BHG- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công bố 2 Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đó là: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

Dâng hương tại lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì)
Dâng hương tại lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì)

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 27 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, như: Bố Y, Lô Lô, Pu Péo và Cờ Lao. Để có được kết quả đó, tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. 

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Lượng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

http://baohagiang.vn/van-hoa/202204/tap-quan-xa-hoi-va-tin-nguong-le-cau-mua-va-le-cung-ban-vuong-ghi-danh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-1251db0/

..



---

BỔ SUNG


3. Năm 2022

11:13 thứ sáu ngày 08/04/2022



(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 778/QĐ-BVHTTDL, ghi danh Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ.

Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu được tổ chức vào khoảng tháng Hai âm lịch hằng năm, là nghi lễ mang đậm tính nhân văn nhằm tỏ lòng thành kính trước Sư tổ Bàn Vương, người sinh ra 12 tộc họ. Đây cũng là dịp người Dao đỏ cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Người Dao đỏ coi việc thờ cúng Bàn Vương là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ, giáo dục người Dao hướng về nguồn cội. Lễ cúng Bàn Vương còn mang ý nghĩa liên kết, gắn bó mọi người tạo nên sức mạnh cộng đồng, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa của con người và vùng đất Hà Giang trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cùng với tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu, trong dịp này, còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể khác được đưa vào Danh mục quốc gia. Đó là các di sản: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa của người Cờ Lao, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì; tri thức dân gian, nghề trồng rau Trà Quế xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; Lễ hội khai hạ - cầu an tại lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội Katê của người Chăm, tỉnh Bình Thuận.

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1028976/them-5-di-san-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia


2. Năm 2022


Lễ cúng Bàn vương của người Dao đỏ


Người Dao đỏ (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thường nhắc đến câu chuyện về vị vua Bình Vương yêu nước, thương dân. Vua có hộ vệ yêu tên Bàn Hồ, là một long khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng mượt như nhung. Khi Cao Vương - vua nước láng giềng, đánh chiếm biên ải, gây cảnh lầm than cho dân chúng, Bình Vương cử nhiều binh hùng tướng mạnh đến trấn giữ biên ải nhưng không đánh đuổi được Cao Vương. Trong lúc nguy cấp, Bàn Hồ hiến kế hay giúp Bình Vương đánh đuổi được Cao Vương, đem lại bình yên cho dân chúng. Sau khi lập công, Bàn Hồ bỗng hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, được Bình Vương gả cho Tam công chúa. Họ sinh được 12 con (6 trai và 6 gái). Vua Bình Vương phong vương cho Bàn Hồ, lấy hiệu là Bàn Vương, ban sắc cho 12 người con của Bàn Vương mang 12 họ. Các họ này chính là thủy tổ của các họ tộc người Dao hiện nay. Vào giờ xấu, Bàn Vương bị một con sơn dương dùng sừng đâm ngã và chết tại cây Gù hương. Các con cháu Bàn Vương đã chặt cây Gù Hương làm thân trống, lột da sơn dương làm mặt trống tế lễ Bàn Vương.

Kể từ đó đến nay, qua nhiều thế hệ, con cháu người Dao nói chung và người Dao ở xã Hồ Thầu nói riêng đều tổ chức cúng tạ Bàn Vương để tưởng nhớ vị sư tổ anh hùng trong lòng dân tộc, giáo dục truyền thống về lòng dũng cảm, tự tin, cũng là dịp cầu mong Bàn Vương che trở cho con cháu được bình an, may mắn.


Tùy vào mỗi ngành Dao mà thời gian thực hiện lễ cúng khác nhau, nhưng nhìn chung tục cúng Bàn Vương cơ bản giống nhau. Người Dao đỏ 5 năm cúng một lần, nhưng có họ trong ngành Dao đỏ 9 năm cúng một lần, có dòng họ 12 năm cúng một lần. Người Dao áo dài ít khi cúng Bàn Vương trong lễ cúng riêng, mà thường cúng Bàn Vương trong các lễ làm chay, lễ cấp sắc hay cúng Tổ tiên.


Hàng năm, từ ngày 15 tháng Mười đến 30 tháng Chạp Âm lịch, con cháu người Dao đỏ lại thay phiên nhau làm Chủ lễ cúng tổ Bàn Vương. Người Dao đỏ tại xã Hồ Thầu thực hành nghi lễ phổ biến ở 2 hình thức: “Đàng Ton” - lễ cúng quy mô dòng họ và lễ cúng trong từng gia đình.


Nghi lễ “Đàng Ton” có 12 dòng họ tham gia, mỗi dòng họ cử ra 1 nam, 1 nữ đồng trinh dâng huơng và lễ cho Bàn Vương. Các dòng họ luân phiên làm Chủ lễ. Trường hợp bị thiên tai mất mùa hoặc điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, đồng bào làm lễ cúng nhỏ khất với Bàn Vương, năm sau mùa màng bội thu sẽ làm lễ cúng chính thức. Thông thường, nếu có gia đình nào trong dòng họ nuôi được con lợn nái và đẻ ra chỉ một con lợn đực thì họ coi đó là con lợn của Bàn Vương (hay còn gọi là lợn thần) sẽ được cử làm Chủ lễ năm đó và có trách nhiệm chăm sóc đặc biệt cho lợn thần (nuôi ở chuồng riêng), đến cuối năm sẽ mổ cúng dâng cho Bàn Vương. Ngoài ra, lễ này được tổ chức đối với các dòng họ coi Bàn Vương là ông tổ của mình và tự tập hợp nhau lại tổ chức cúng theo truyền thống với thời gian diễn ra khá dài.


Lễ cúng Bàn Vương trong từng gia đình được tiến hành kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cúng vía lúa, làm chay… Phần nghi lễ không phải mời thầy cúng vì người đàn ông chủ nhà đều đã được làm lễ cấp sắc nên họ đủ khả năng thực hiện trong quy mô gia đình. Ngoài ra, người Dao đỏ tổ chức cúng Bàn Vương khi gia đình gặp điều không may như: ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... theo kiểu giải hạn, song hình thức này không nhiều.


Để tổ chức lễ cúng Bàn Vương, cần có các lễ vật như: 01 con lợn làm sạch để cả lòng, tiết; 01 con gà trống; 12 cặp bánh dày (gói lá chuối buộc từng cặp); 01 túm gạo được buộc bằng vải trắng (sài chiên); Giấy bản theo cúng bình thường và 7 siên (chìn shún) (được thầy cúng cắt hình và đục, dập theo hình hoặc khuôn chữ…); 02 chum rượu (01 cúng Bàn Vương, 01 cúng Tổ tiên và các vị Thần).


Đàn cúng tế Bàn Vương được lập bằng gỗ ở gian giữa nhà, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Trên đàn tế có trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ, vải, nhiều đồ vật trang trí kết từ tre nứa…


Trước khi cúng Bàn Vương, các thầy cúng gia đình, dòng họ tham gia lễ phải kiêng 7 ngày, kể từ khi gia chủ đến mời dự lễ là vợ chồng phải cách ly...  Khi lấy tranh, gia chủ cũng phải đun nước tắm sạch sẽ, xong mới được vào nơi nơi cất giữ tranh thờ - được coi là chốn linh thiêng đặc biệt. Tất cả mọi người dự lễ đều phải ăn chay, không được ai quở mắng, chê bai nhau…


Lễ cúng Bàn Vương thường được tiến hành theo trình tự: Gia chủ, là gia đình được dòng họ cử làm Chủ lễ sẽ đi mời ba thầy cúng chính đến gia đình làm lễ. Thầy cúng thứ nhất gọi là Thầy cả (người Dao Đỏ gọi là vìn nhủng sai) sẽ cúng trả lợn thần cho Bàn Vương và các đời Tổ tiên; thầy cúng thứ hai (người Dao Đỏ gọi là sai pành piê, người Dao Tiền gọi là diang gòa con) sẽ cúng cầu khấn sức khỏe, Thần lúa, Thần chăn nuôi; thầy cúng thứ ba sẽ cúng trả các lễ vật cho các vị Thần và Tổ tiên. Ba thầy cúng mời theo 3 thầy khác để phụ làm lễ. Sau khi đã bàn bạc trao đổi, thầy xem ấn định ngày tổ chức lễ cúng Bàn Vương, Thầy cả sẽ đến gia đình trước để làm một số nghi thức như: Cắt giấy, dập chữ dưới đất… đồng thời, thầy cúng trình báo lên bàn thờ Tổ tiên các lễ vật theo phong tục trước ngày lễ.


Ngày làm lễ, các thầy cúng đến nhà gia chủ làm lễ, lập đàn cúng. Gian giữa nhà treo bộ tranh Tam Thanh, 2 bên bàn thờ Tổ tiên treo hai bộ tranh Tam Thanh của thầy cúng. Các thầy cúng làm phép tẩy uế, vẩy nước phép khắp nhà, làm phép trấn an, dán các bùa phép (viết bằng chữ Nôm Dao trên giấy bản) quanh nhà, rồi khấn mời ma Bàn Vương, Tổ tiên và các Thần cùng âm binh của các thầy về dự lễ.

Trước bàn thờ, nghi lễ đầu tiên dâng lên Tổ tiên là bữa cơm chay. Các thầy cúng thay mặt gia chủ thỉnh mời 3 vị Tam thanh, Bàn Vương cùng các Tổ tiên, Thổ địa về dự lễ.


Sau khi đã chuẩn bị các đồ lễ, các thầy cúng được mời đến làm lễ lập đàn khấn Bàn Vương, gia tiên và các thần thánh đến chứng giám buổi lễ. Con lợn cúng thần được đưa lên đàn cúng để cúng gia tiên và Bàn Vương.


Sau đó là nghi thức dâng hương đại diện của 12 dòng họ Dao, 12 cặp nam, nữ đồng trinh lần lượt dâng hương, dâng lễ vật và đứng sau các thầy vái lạy, đón chào các “ma” Tổ tiên, “ma” Bàn Vương và các Thần, Thánh. Trên đàn cúng, sắp đặt lễ vật gồm: một con lợn (lợn thần) đã mổ, một bát gạo, một bát nước, một chai rượu, một ít tiền âm phủ, 5 chiếc chén và 5 đôi đũa. Sáu thầy cúng ngồi vào hai ghế dài, kê song song đối diện hai bên đàn cúng. Thầy cả trịnh trọng khấn, tế lễ, dâng lợn thần cho Bàn Vương, cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình Chủ lễ và gia tộc người Dao. Sau đó, các thầy phụ lần lượt đọc những bài cúng kể về sự khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy, quá trình chuyển cư đầy gian truân của người Dao… Tiếp đó, các thầy đọc các tích truyện kể về công ơn đã sinh ra các họ người Dao của Bàn Vương. Những người phụ lễ bày tiếp gạo, rượu, bánh… lên bàn cúng ở gần ban thờ Tổ tiên. Sau đó, Thầy cả cúng tế lễ Bàn Vương, các bậc Tổ tiên, các vị Thần, Thánh và dòng họ của gia chủ. Tiếp theo là các điệu múa được mường tượng hóa như: múa bắt rùa, múa chuông…, với 6 chiếc áo, các thầy cúng lần lượt tái hiện lại những điệu múa cổ, một nghi thức không thể thiếu trong lễ cúng Bàn Vương.


Sau khi cúng tế Bàn Vương, Tổ tiên, các vị Thần, Thánh của gia chủ và 12 dòng họ của người Dao, các thầy cúng hóa tiền, vàng và cùng hát bài tiễn đưa, vái chào từ biệt Bàn Vương, các bậc Tổ tiên, các vị Thần, Thánh về lại cõi dương gian.


Như vậy, lễ cúng Bàn Vương trải qua 7 bước: (1) mời Bàn Vương và thần linh về dự lễ; (2) thổi tù và báo hiệu Bàn Vương đến nhận lễ; (3) dâng hương, dâng lễ tạ ơn Bàn Vương; (4) múa gọi nhờ thiên linh thổ địa nghênh đón Bàn Vương và Kể sơ lược tiểu sử, vóc dáng của Bàn Vương từ khi ra đời; (5) múa gậy thể hiện Bàn Vương, các thần linh, thổ địa xuống đàn nhận lễ vật; (6) ca hát vui cùng Bàn Vương ở đàn cúng; (7) hóa vàng tiễn Bàn Vương về trời.


Sau khi cúng Bàn vương, tất cả dân làng quây quần cùng nhau dự bữa cơm cộng cảm. khi đó thầy cúng thổi tù và mời gọi Bàn Vương và các vị Thần linh về hưởng lễ, chứng minh lễ vật và lòng thành của 12 dòng họ dâng lên.           


Các thầy rung chuông tập hợp mọi người cúng vào múa chuông, múa gậy thể hiện sức mạnh đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm và các nghi lễ xua đuổi tà ma xấu ác, đem lại bình yên may mắn cho con cháu.


Ngoài ra, sau nghi lễ, cộng đồng người Dao còn tổ chức trò chơi vật chày, một trò chơi mang màu sắc huyền bí nhưng cũng đem lại sự kịch tính và nhiều tiếng cười cho những người tham gia. Có thể nói, vật chày là một trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh, sự kết hợp khéo léo, sự bí ẩn của cả người làm phép và người vật. Sau khi thầy cúng làm phép nhờ Thần linh giúp đỡ, dù rất đông người cùng tham gia nhưng không thể ấn nổi đầu chày chạm đất. Điều này thể hiện việc bản làng năm đó được các vị thần phù hộ, nâng đỡ.


Tục thờ cúng Bàn Vương mang tính biểu tượng cho sự thống nhất về nguồn gốc của người Dao, thể hiện sự biết ơn với Tổ tiên đã sinh ra họ. Lễ cúng Bàn Vương nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu người Dao đời đời ấm no, hạnh phúc. Thực hành nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân; giúp gắn kết cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ cúng Bàn Vương là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, trao đổi tình cảm, được cùng nhau sinh hoạt cộng đồng tạo nên sự đoàn kết gắn bó, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trao truyền các bài cúng, hình thức thực hiện nghi lễ… cho thế hệ kế cận, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao đỏ.


Với giá trị tiêu biểu, Lễ cúng Bàn Vương của người Dao Đỏ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 779/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022./.

Dương Anh

(Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa)


http://dsvh.gov.vn/le-cung-ban-vuong-cua-nguoi-dao-do-3463




1. Năm 2020




Lễ hội Bàn Vương dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi
00:19, 23/11/2020
BHG - Dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, từ bao đời nay các hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống quần tụ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của người Dao ở cụm xã Nam Sơn, Nậm Khòa, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã có sự đổi thay đáng kể, nhưng vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Điển hình là Lễ hội Bàn Vương, một lễ hội độc đáo, nhuốm màu tâm linh huyền bí.

Trình diễn nghi lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu.

Lễ hội Bàn Vương (Quỹa Hiéng) là lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì, biểu hiện lòng sùng kính Tổ tiên và ước vọng về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng. Lễ hội gồm hai phần. Phần nghi lễ được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ, tại gian giữa của các gia đình. Vật phẩm dâng cúng gồm: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, vòng  bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến. Người trưởng tộc hoặc trưởng dòng họ đích thân chỉ đạo con cháu lập 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng, Sáng Chà Phin, Sám Háng. Sau khi cả 3 đàn lễ được sắp xong thì nghi lễ được tiến hành, phần này thường bắt đầu vào thời gian khoảng 9 giờ sáng. Nếu mời nhiều thầy cúng thì nghi lễ được tiến hành cùng một lúc, ngược lại nếu chỉ có một thầy cúng thì nghi lễ được bắt đầu từ đàn cúng Bứa Hiéng, sau đó là đàn cúng Sáng Chà Phin và cuối cùng là đàn cúng Sám Háng. Theo các nghệ nhân dân gian ở xã Hồ Thầu thì Lễ cúng Bàn Vương phổ biến ở 3 kiểu, gồm: Thứ nhất là lễ lớn, còn gọi là “Tồm Đàng” do người Dao trong một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội; thời gian tổ chức kéo dài vài ngày gồm cả lễ và hội, thường diễn ra vào cuối năm. Thứ hai là “Đàng Ton”, nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ. Thứ ba là tổ chức cúng Bàn Vương khi gia đình gặp điều không may, như: Ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... theo kiểu giải hạn. Dù tổ chức theo cách thức nào thì lễ cúng Bàn Vương cũng thể hiện được tính nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Dao, nhằm thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, Tổ tiên; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Người dân và du khách tham gia trò chơi Vật chày.

Kết thúc phần lễ, phần hội trong Lễ cúng Bàn Vương luôn là phần được mong chờ nhất với âm thanh sôi động của các loại nhạc cụ và động tác múa uyển chuyển của điệu múa “Bắt Rùa”, tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao do các thầy cúng thể hiện. Đồng thời, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi mang đậm màu sắc huyền bí như: Nhảy lửa và Vật chày. Người Dao quan niệm, lửa thắp sáng tâm trí con người, xua tan tăm tối, ma quỷ. Trò Nhảy lửa thể hiện khả năng chế ngự thiên nhiên của con người thông qua việc chế ngự ngọn lửa, đồng thời thể hiện lòng quả cảm của các chàng trai người Dao. Sau khi thầy cúng niệm chú, các chàng trai tham gia Nhảy lửa toàn thân run lên rồi lao vào đám lửa đang rực cháy. Họ dẫm chân trần lên than đỏ, dùng tay bốc tro than mà không hề bị bỏng, tạo nên một màn trình diễn độc đáo.

Cùng với Nhảy lửa thì trò chơi Vật chày cũng mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong mỗi dịp lễ hội được tổ chức. Trước khi trò chơi diễn ra sẽ có hai người dùng vai để gánh, tỳ vào chiếc chày được dựng đứng dưới đất sao cho thật cân đối. Sau khi thầy cúng “làm phép” chiếc chày sẽ được nhấc lên khỏi mặt đất. Lúc này, ai muốn tham gia trò chơi chỉ cần bám vào chày, cùng ra sức để ghì chiếc chày xuống đất. Theo đồng bào Dao, nếu như tham gia Vật chày có thể làm cho đầu chày bên dưới chạm đất thì xem như thắng. Tuy nhiên, một điều vô cùng bí ẩn, khó giải thích được đó là dù có nhiều người tham gia nhưng không thể nào làm cho đầu chày bên dưới chạm đất được. Chỉ đến khi có người buông tay, hoặc thầy cúng hô dừng lại, thì chày mới rơi xuống. Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, ai tham gia cũng được, không nhất thiết cứ phải là người Dao đỏ. 

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc cùng các trò chơi mang màu sắc tâm linh huyền bí, Lễ hội Bàn Vương đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao. Đồng thời, trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách đến với huyện, góp phần thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ của địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

http://baohagiang.vn/van-hoa/202011/le-hoi-ban-vuong-duoi-dinh-chieu-lau-thi-768375/

..


1 nhận xét:

  1. 3.



    Lễ hội Bàn Vương lần thứ II sẽ được huyện Ba Chẽ tổ chức vào ngày 07 và 08/5/2022
    18/04/2022 20:30

    Thực hiện chương trình mở cửa thu hút khách du lịch năm 2022, thiết thực chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2022); tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022. Trong 2 ngày 07 và 08/5/2022 (Tức 07 - 08/4 âm lịch). Huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022 với chủ đề "Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển".


    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.