Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/03/2019

"Nước mắm" là quốc hồn quốc túy, mà sử sách chẳng ghi rõ ràng gì

Các ông vua nhà Trần làm ra nhiều văn thơ chữ Nôm. Nhưng đố có tìm ra từ "mắm" hay "nước mắm" trong đó. Bây giờ có cả Viện Nghiên cứu chuyên về Trần Nhân Tông rồi, có nên hay không nên kì vọng họ tìm được hai từ đó trong các danh tác thời Phật Hoàng.

Các vị Phật Hoàng có ăn "nước mắm" hay "mắm" không. Hiện không biết. Sử liệu Đại Việt như là nhà trống hoác. Thấy được cái ấn "Sắc mệnh chi bảo" ở hoàng thành Thăng Long mới đây (làm kinh động cả học giới), nhưng chắc chưa thấy dấu vết hũ nước mắm. Hẳn vậy rồi.

Tới chữ Nôm của các cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thế thôi. Đừng nói ngay là các cụ không hàng ngày "rau muống chấm nước mắm" ("cáy" hay "tôm") nhé ! Các cụ ấy hàng ngày tự răn là "vỗ bụng rau bình bịch", thì chưa rõ là chấm rau ấy với cái gì đây. Hồi ấy chưa có Nam Ngư với Chin Su này nọ rồi.

Tới các cụ đại danh Nho như Lê Quí Đôn hay Phan Huy Chú, rồi tới cả Phạm Đình Hổ, cũng thế thôi.

Nên hồi 1930s, các ông Phan Khôi với Phạm Quỳnh đã ngửa cổ lên trời mà than nước Nam ta không có lấy một nền quốc học chân chính (xem ở đây). 

Phải rồi, không ghi chép rõ ràng món quốc hồn quốc túy ấy (một trong hàng trăm hàng ngàn thứ quốc hồn quốc túy), thì lấy đâu ra quốc học chân chính đây. Chưa cần nói đến tư tưởng này nọ. 

Tôi từ lâu đã phê bình hơn 1000 năm chữ Nôm kém cỏi, và viết thành bài học thuật ở đây (có bản toàn văn). Trí thức Việt Nam đã quen tập tính ăn xổi ở thì hàng ngàn năm rồi. Đầu tiên, cần phải nhận chân về tập tính này đã. Nhận chân trước, cho thật rõ, rồi mới có thể bắt đầu làm gì.

Dưới thì là năm 2019, bắt đầu là từ một ít tra cứu nhanh và vui của bác Đông A. Có gì bổ sung thì đưa xuống dưới.




---

Một học giả bên ngành tự nhiên là bác Đông A (nhà vật lí học) thắc mắc

(lấy về từ Fb của bác)

1.
"


trước tôi cứ nghĩ hai bộ chính sử nòng cốt của sử việt là đại việt sử ký toàn thư và khâm định việt sử thông giám cương mục phải được dịch kỹ lưỡng và cẩn thận. giờ tôi thấy cảm nghĩ trước đây của mình không còn đúng nữa. nhân chuyện nước mắm mà tôi phát hiện ra loạn dịch trong sử ta, và vấn đề sử ta, sử tàu, sử nào đáng tin.


1. loạn dịch:

cả toàn thư lẫn cương mục, nguyên bản chữ hán đều chép giống nhau: 先是宋使至常以貢鹹爲辭因縁賦歛.

cả toàn thư lẫn cương mục đều do viện sử học dịch.


bản toàn thư do ngô đức thọ dịch, hà văn tấn hiệu đính, dịch thành: "Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp".
bản cương mục do hoa bằng, phạm trọng điềm, trần văn giáp dịch, dịch thành: "Trước đây, sứ Tống đến, thường nói về việc cống muối rồi dây dưa đến cả việc thuế khóa".
tôi dịch câu trên thành: "Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ cống bủn xỉn đặt lời, nhân thể bắt đóng góp thuế".
ngoài chuyện "cống hàm" bản toàn thư hiểu là cống nước mắm, bản cương mục hiểu là cống muối, tôi tra tự điển dị thể thấy "hàm" còn có nghĩa bủn xỉn, cò kè, nhỏ mọn, thì "phú liễm" phải hiểu thế nào? "phú liễm" đúng là có nghĩa thu thuế, nhưng ý ở đây là nghĩa bắt đóng góp. bản cương mục dịch tạo ra khó hiểu ở câu tiếp theo: "Chân Tông nghe biết chuyện ấy, nên đến đây, chỉ sai viên quan ở biên cương triệu người sang để trao cho sắc chỉ, chứ không chuyên sai sứ thần mang sang như trước nữa". nói chuyện thuế khóa thì sao vua nhà tống phải cấm sang nữa?
nhưng qua chuyện loạn dịch mới thấy, ngay trong cùng viện sử học, các chuyên gia cũng không đọc sách của nhau, và không trao đổi chuyên môn với nhau. khoa học việt nam đâu phải đến bây giờ mới tệ hại mà ngay thời hoa bằng, trần văn giáp, phạm trọng điềm, hà văn tấn, ngô đức thọ đã thế rồi sao?
2. sử ta, sử tàu, sử nào đáng tin?
cương mục chép từ toàn thư nên giữ nguyên câu văn. vậy toàn thư có chép từ đâu nữa không? thời tiền lê sách sử không có, thực lục cũng không nốt nên dù cả lê văn hưu lẫn ngô sĩ liên cũng có không tài liệu gốc. chắc chắn họ phải chép từ sử tàu. tôi tìm được đoạn văn tương ứng trong tống sử: 先是使至交州桓即以供奉為辭因緣賦斂. câu này tôi dịch như sau: trước đây, sứ đến giao châu, [lê] hoàn mượn ngay chuyện cung phụng [sứ] đặt lời nói nhân thể bắt [dân] đóng góp thuế. chính vì thế mà tống chân tông không cho sứ sang việt nam nữa.
ở đây có thể thấy sử ta và sử tàu giải thích chuyện sứ tàu không sang việt nam nữa trái ngược nhau. sử ta bảo sứ tàu nhũng nhiễu nên vua tống không cho sang nữa. sử tàu bảo sứ tàu sang vua việt mượn cớ đặt lời nhũng nhiễu dân nên không cho sang nữa. sử nào đáng tin? có một điều chắc chắn là sử ta chép từ sử tàu, nhưng tới đây sử gia việt căn cứ vào đâu để hiệu đính lại thì không thể nào biết được. nhưng sử tàu cũng có thể vì để che giấu lỗi lầm, bảo vệ quốc thể nên chép đổ lỗi cho vua việt. nhưng sử gia tàu có đang tâm làm vậy không?



"
https://www.facebook.com/donga01/posts/10216988149487964


2.

"
đại việt sử ký toàn thư chép: 先是宋使至常以貢鹹爲辭因縁賦歛.
bản dịch của viện sử học: Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp.


đọc bản dịch này tôi không khỏi cảm thấy không ổn. ngay cả khi "hàm" có thể hiểu là mắm hay thậm chí nước mắm thì nhà tống đòi nước mắm để làm gì, và sao chuyện đòi nước mắm lại có thể lấy làm lý do để nhũng nhiễu bắt đóng góp? từ thuyết văn giải tự, khang hy tự điển cho đến tự điển thiều chửu, đào duy anh ... cũng không giúp sáng tỏ thêm. "hàm" ở những tự thư đó chỉ mang nghĩa vị mặn của muối. cho đến khi tôi tra tự điển dị thể mới rõ nghĩa "cống hàm" là gì. tự điển dị thể cho biết "hàm" còn có nghĩa là cò kè, bủn xỉn, nhỏ nhen [1]. với nghĩa này "cống hàm" có nghĩa là cống [vật] cò kè, bủn xỉn. vì cống vật cò kè, bủn xỉn nên sứ tống mới nhân thể bắt đóng góp thêm. câu trong đại việt sử ký toàn thư phải dịch là: trước kia sứ tống sang thường mượn cớ cống vật bủn xỉn, nhân thể bắt đóng góp.

đúng là đọc sử cũng không dễ.
"
https://www.facebook.com/donga01/posts/10216986309681970


"
chữ hán nước mắm
đại nam nhất thống chí có chép thổ sản ở bình thuận có nước mắm. chữ hán của phần thổ sản này là thủy hàm, ngư hàm. thùy hàm là nước mắm dễ hiểu. nhưng ngư hàm là nước mắm hay là mắm cá? nếu ngư hàm là nước mắm thì việc gì đại nam nhất thống chí phải chép cả hai tên? do vậy ngư hàm là mắm cá. các từ này là cách gọi của người việt. hàm ngư lại là cá muối. đại nam nhất thống chí còn chép một loại thổ sản là hàm hương hàm, được dịch là nước mắm thơm. nước mắm thơm có đúng không hay là đó là mắm hương?
vậy thủy hàm có thể tỉnh lược khi viết là hàm được không? đúng là người việt có một đứt đoạn về văn hóa, vết gẫy giữa hán văn và quốc ngữ. giờ đọc những gì người xưa viết, chưa chắc chúng ta đã hiểu đúng như người xưa muốn viết.


"

"



đại việt sử ký toàn thư chép chuyện này: "Lại cấm người đi đường, lệ chỉ được đem 3 bát muối và 1 lọ nước mắm thôi." nguyên văn chữ hán: 又禁行人例得盐三碗鹹一堈而已 ".

1 lọ nước mắm là dịch từ: hàm nhất cang (鹹一堈). "cang" trông giống cái chĩnh, ang, hũ hơn là cái lọ. "hàm nhất cang" cũng có thể là mắm một chĩnh.


các sách việt đều dịch "hàm diêm" là mắm muối, nhưng các từ điển của trung quốc lại giải nghĩa "hàm diêm" là muối không thôi.
tiếng trung hiện đại gọi nước mắm là ngư lộ. tiếng nhật gọi nước mắm là xì dầu cá, nước tương cá (ngư tương do).
ảnh dưới là cái cang. gọi là lọ hay chĩnh, hũ?



"
https://www.facebook.com/donga01?__tn__=%2CdC-R-R&eid=ARA64eW3La89639vaCPEinAvoM32vNgV-TSN9ZyLf0n_HR2SGD_uKtbFZOXgJkssWW1uoSQabgMOsdGP&hc_ref=ARQsfsYunVNygBo8n4z3HX0577p318aMt78Kp2VfQ2ZQlvAyJMzS7tmdEzYkuNMSKJ0&fref=nf



3.

"
đại việt sử ký toàn thư chép chuyện này: 

"Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông lên ngôi, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa."

"cống nước mắm", nguyên văn chữ hán là 貢鹹 (cống hàm). các từ điển chữ hán chỉ giải nghĩa hàm có nghĩa là mặn. vậy "cống hàm" có nghĩa là gì? tôi không nghĩ "cống hàm" là cống nước mắm.


"
https://www.facebook.com/donga01/posts/10216977279656225
..



---

BỔ SUNG




1. Bác Trương Thái Du cũng tra cứu

"


Kinh Lễ, Đàn cung - thượng, nguyên ngữ: 孔子哭子路於中庭。有人吊者,而夫子拜之。既哭,進使者而問故。使者曰:「醢之矣。」遂命覆醢。

Kinh Lễ - Nguyễn Tôn Nhan dịch và chú giải, 1996, NXB Văn học: Tử Lộ chết, Khổng tử đến điếu.

Tử Lộ chết rồi xác bị người nước Vệ băm nát như mắm. Khổng tử khóc ở giữa nhà theo lễ thầy trò. Vừa khóc vừa hỏi sứ giả về cái chết của Tử Lộ. Sứ giả nói: - Bị băm thây nát như mắm rồi. Khổng tử vội sai đổ hết nước mắm trong nhà đi.

------------- 

Chữ Hải 醢 nghĩa là món mắm làm bằng thịt hay cá băm nhỏ, ướp muối, KHÔNG PHẢI NƯỚC MẮM. Đây có lẽ là đặc sản xứ Sơn Đông giáp biển của Khổng Tử và Tử Lộ. Mắm tất nhiên là mẹ đẻ của nước mắm. Mắm cá đặc sản Khách Gia gọi là Hàm Hải 鹹醢 (Mắm mặn) hoặc Ngư Hải 魚醢 (Mắm cá) - (ảnh).

-------------

Vậy nước mắm ko có nguồn gốc La Mã đâu nha các vị




"
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10218743116794879&set=a.1489316118718&type=3&theater


"
Nước mắm là một loại thực phẩm dùng quá trình thủy phân đạm cá (đồng và biển) để cung cấp cùng lúc chất dinh dưỡng và gia vị cho bữa ăn. Cách đây 40 năm, tôi đã từng cùng bà nội mình làm nước mắm ở Bạc Liêu bằng cá đồng. Tuy cá đồng ít đạm hơn cá biển nhưng nước mắm cũng rất ngon nếu biết cách ướp. Bà nội tôi thường bỏ thêm dứa chín cắt vụn vào chum nước mắm, làm hương vị nó trở nên dịu nhẹ, rất hấp dẫn.
Ở phương Tây cổ đại, nước mắm xuất hiện sớm nhất tại Hy Lạp rồi lan sang La Mã, Tây Ban Nha (thuộc địa La Mã). Hiện nay người Sicilian vẫn dùng sản phẩm này.
Ở Á Đông chúng ta có Champa trung đại, Việt Nam và người Mân bản địa Phúc Kiến hiện đại vẫn dùng nước mắm.
Xét trên logic lịch sử, ít có khả năng người Việt học cách làm nước mắm Champa vì sự phân biệt và miệt thị văn hóa phi Hán suốt chiều dài lịch sử của họ. Còn xét Mân và Việt ai học ai, thì cần nghiên cứu sâu hơn chút nữa. Tôi không dám kết luận vì chưa đủ cơ sở.
Ảnh: Nước mắm Phúc Kiến


"
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10218742707744653&set=a.1489316118718&type=3&theater

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.