Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/12/2019

Mùa giải thưởng 2019 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

Có 58 công trình được nhận giải thưởng năm 2019 (ngoài ra, còn có 3 công trình nhận tặng phẩm). Lễ trao giải đã diễn ra sáng nay, Thứ Sáu ngày 20/12, tại Hà Nội.

Năm nay, không có giải Nhất. Đạt giải cao nhất là hai giải Nhì A (một của tác giả Triều Nguyên; một của nhóm tác giả Chu Xuân Giao).

Như vậy là công trình về hệ thống Tam Phủ - Tứ Phủ của chúng tôi (thực hiện trong các năm 2016-2019) đạt giải Nhì A.

19/12/2019

Di sản văn hóa và UNESCO

UNESCO từng bị đương kim tổng thống Mĩ - Đồ Nam Trump - cảnh báo, đại khái là không ủng hộ. Rồi tẩy chay luôn. Mà không phải đến bác Đồ Nam, mà ngay hồi thập niên 1980 thì Mĩ từng đã rút ra khỏi UNESCO một lần rồi. Lần tẩy chay thứ nhất vì lí do UNESCO tiêu xài hoang phí vô tội vạ. Lần thứ hai là vì UNESCO tỏ rõ lập trường chính trị chống đồng minh của Mĩ ở Trung Đông. Xem lại ở đây (tháng 10 năm 2017).

Cập nhật tình hình của năm 2019 trước.

16/12/2019

Người Việt bốn phương : một công viên ở Nhật Bản tạm thời hạn chế người Việt Nam

Đó là công viên thể thao Iwase của thành phố Toyama (tỉnh Toyama).

Lí do được phía quản lí công viên đưa ra là: do người Việt Nam trong hoạt động mượn sân để thi đấu thể thao gần đây, với qui mô khoảng 300 người, đã không có ý thức tốt về xử lí rác thải (vứt rác lại, vứt đồ mang tới công viên,...).

Biện pháp hạn chế sử dụng trong một thời gian đối với người Việt Nam đã được chính thức đưa ra. Cho thấy là người Việt Nam ở Nhật Bản qua hành động cụ thể đã làm ảnh hưởng đến khu dân cư ở xung quanh công viên, nên ban quản lí công viên phải đưa ra mức phạt đó !

14/12/2019

Trùng họ trùng tên : biết thêm một tác giả nữa tên Nguyễn Thế Kỷ

Trước thì có một vài lần nhắc đến tác giả Nguyễn Thế Kỷ xuất thân xứ Nghệ - người đồng hương với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, ví dụ ở đây hay ở đây.

Bây giờ, biết thêm một vị nữa, cùng tên Nguyễn Thế Kỷ - quê ở Quảng Ngãi, tức xứ Quảng. Nếu nói người đồng hương thì có thể kể đến cha con Nguyễn Tấn - gắn với trường lũy (ví dụ đọc về Nguyễn Tấn ở đây).

13/12/2019

Then được UNESCO ghi danh (chung của người Tày, Nùng, Thái)

Hôm qua, Thứ Năm ngày 12/12/2019, vừa nói về hệ thống Mo - Then - Tào - Pựt ở vùng các tộc người Tày Nùng. Cũng đã nói rõ về Làm ma khô ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam.

Mo - Then - Tào - Pựt là những người thực hành tín ngưỡng ở vùng miền núi phía Bắc, thầy ở cả người Tày, người Nùng, người Thái. Có thể gọi là "thầy Mo", "thầy Then", "thầy Tào", "thầy Pựt", hệt như người Kinh gọi là "thầy cúng" hay "thầy chùa".

Một mảng chuyên sâu của mình là về thầy Tào (cả ở người Nùng, cả ở người Dao). Tào chính là Đạo, tức Đạo sĩ --- từ 20 năm trước, đã tạm gọi họ là "Đạo sĩ dân gian". Tào là nhân vật biết chữ Hán, nên được coi là đứng đầu hệ thống Mo - Then - Tào - Pựt. Ba nhân vật còn lại (Then, Mo, Pựt) muốn đi hành nghề cúng bái thì phải nhận sắc phong từ thầy Tào. Họ xem Tào là thầy, tự nhận mình là đệ tử của Tào.

Then thì được xem là văn nghệ. Cập nhật thông tin mới nhất về Then, của tháng 12 năm 2019.

11/12/2019

60 năm bóng đá Việt Nam ở SEA Games : 2 lần vô địch (1959, 2019)

Trong giải đấu khu vực SEA Games, tính đến đêm ngày hôm nay Thứ Ba ngày 10 tháng 12 năm 2019, Việt Nam đã có hai lần vô địch ở môn bóng đá nam.

Lần đầu là năm 1959 (lúc đó là đội bóng của quốc gia Việt Nam Cộng hòa).

Lần thứ hai là hôm nay, năm 2019 (đội bóng của quốc gia Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).

Đáng nhớ là ở năm 2019 này, tức SEA Games lần thứ 30, Việt Nam vô địch cùng một lúc cả bóng đá nam và bóng đá nữ.

10/12/2019

Vấn đề "văn hóa làm khoa học" ở Việt Nam hiện nay (cập nhật 2019)

Cuối năm 2019, nổi lên một vấn đề của học giới Việt Nam. Là "văn hóa khoa học" hay "văn hóa làm khoa học". Câu chuyện lại bắt đầu từ phía doanh nhân, với Vingroup.

Cuối năm cần nhắc lại, bởi vì từ đầu năm 2019 này, chủ tịch của Vingroup đã nói rằng Thế giới phải biết Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp (xem lại ở đây). Trí tuệ đẳng cấp, có thể xem tổng quan thì chính là "văn hóa làm khoa học".

Nhưng, đi vào cụ thể, thì thế nào là "văn hóa làm khoa học" ?

07/12/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : gặp lại văn nhân phố phường thế kỉ 17 chuyên viết về "sắc dục"

Thế kỉ 17. Thời kì Edo của Nhật Bản. 

Đó là nhà văn kiệt xuất của thị dân thời đó, chuyên viết về sắc dục. Sắc dục đến điên đảo của thị dân Nhật Bản thời Edo, cả nam và nữ. Đó chính là Ihara Saikaku 井原西鶴(1640s - 1693). Chúng tôi thường gọi bằng âm Hán Việt là Tây Hạc cho gần gũi.

Tây Hạc = con hạc ở phía Tây. Vốn là chữ Hán 西鶴.

Vào thế kỉ 17, nước Nhật đã sản sinh ra một nhà văn kiệt xuất nhường đó về sắc dục. Năm mà Tây Hạc từ trần ở Nhật Bản, tức năm 1693, thì lại là năm Nguyễn Tông Quai chào đời ở Việt Nam. Nguyễn Tông Quai (1693-1767) là thầy của Lê Quí Đôn (1726 - 1784).

01/12/2019

Nói thật : trí thức Việt Nam không đủ sức làm ra văn tự mạnh, cả ngàn năm chỉ loay hoay với chữ Nôm

Lời nói thật, nói rõ, tôi đã viết thành bài học thuật rồi.

Thật sự thì cả một ngàn năm, trí thức Đại Việt đã rất kém, tư duy sáng tạo rất cùn, nên chỉ loay hoay mãi với chữ Nôm. Đọc bài học thuật của tôi ở đây.

Nếu để cho trí thức Đại Việt tự sáng tạo chữ thì không biết hiện nay ta viết bằng văn tự gì ? Cao Xuân Hạo từ lâu đã buồn phiền và băn khoăn với cả chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Bởi học gạo, học chỉ với mong muốn tối thượng là làm quan, nói rõ là lối học để làm quan, nên cả một ngàn năm mà giới trí thức cứ bùng nhà bùng nhùng với chữ Nôm, không có một nỗ lực mạnh mẽ nào để có sáng tạo vượt chữ Nôm. 

Mới đây, tôi cũng đã viết bài học thuật phê phán lối học để làm quan. Đã phát biểu chính thức vào mùa hè năm nay (ở đây), còn viết ra giấy để đăng tải thì từ nhiều năm trước rồi.

29/11/2019

Học giả Hà Văn Tấn vừa từ trần (1937-2019)

Năm trước, hồi mùa hè năm 2018, ở tang lễ của học giả Phan Huy Lê, chúng tôi đứng cạnh nhau trò chuyện một lúc khi đợi ở bên ngoài sân rộng chỗ có rất nhiều vòng hoa xếp lần lượt vào một bên tường.

Đó là nói chuyện với con trai của học giả Hà Văn Tấn.

Chúng tôi sàn sàn một lứa dân Tổng hợp Hà Nội - thời "quân khu" cao xà lá thơm nức mùi thuốc lá Thăng Long mỗi buổi sáng mùa đông, thời mà tàu điện chạy về Hà Đông còn sót lại những chuyến cuối cùng (sau đó là người ta nhổ đường ray đi; các khu tập thể mọc lên khắp vùng Thanh Xuân Bắc). Những năm cuối cùng của cái hiệu sách nho nhỏ ở cổng trường. Tại sao bây giờ, những năm 2010s, ở đó không có nổi một hiệu sách của đại học nhỉ ?

Đúng ra thì chỗ ấy, ngày trước còn có cả một hiệu ảnh nữa. Hiệu sách và hiệu ảnh kề bên nhau. Nhiều ảnh cũ của bọn tôi ngày ấy là được chụp bởi hiệu ảnh ấy.

27/11/2019

Năm 2019 nhìn lại giáo dục và khoa cử Nho giáo Việt Nam từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Khoa thi đầu tiên của lịch sử khoa cử Việt Nam được tính là khoa Tam Giáo (Nho, Phật, Đạo) mở năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 của nhà Lý, tức năm 1075.

Tính từ đó, đến năm 1919 (năm khoa cử Nho giáo chấm dứt tại Việt Nam), thì là tới gần 900 năm. Có nhiều nơi tổ chức hội thảo khoa học nhân sự kiện 100 năm kết thúc khoa cử Nho giáo vào năm nay. Cuộc hôm qua, ngày 26/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là một trong số đó. Hồi mùa hè thì đã có một cuộc ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (hai cơ quan đồng tổ chức là Viện Nc Hán Nôm và Viện Sử học), xem lại ở đây.

Hôm qua, mình chủ yếu nói về niên đại 1650s.

Thập niên 1650 mang nhiều ý nghĩa với lịch sử trung đại Việt Nam. Khi đó, lãnh thổ Việt Nam ngày nay có ba đàng, là Đàng Trên, Đàng Ngoài, Đàng Trong. Gọi là thế chân vạc (hay đỉnh lập cục diện, hay three kingdoms). Mình nói về Đàng Trên là chính, trong so sánh với hai đàng còn lại. Các trang 118-161 trong kỉ yếu (toàn kỉ yếu gồm 540 trang).

25/11/2019

Tin nhanh Hồng Kông 2019 : mảnh đất tiếp tục tiên phong

Hạ tuần tháng 11 năm 2019, ở Hương Cảng - xứ cảng thơm, gắn bó nhân duyên với nhiều lớp người Việt Nam từ nhiều thế kỉ nay, riêng với đầu thế kỉ XX thì có thể xem lại ở đây hay ở đây.

Mấy năm trước, năm 2014, phong trào dù vàng, thì trên Giao Blog, có thể đọc lại ở đây hay ở đây.

24/11/2019

Giáo hoàng thăm Nhật Bản 2019 : kỉ niệm 470 năm, 100 năm và 70 năm

Nhật Bản chỉ có 44 vạn người (tức dưới nửa triệu người) là tín đồ Thiên Chúa Giáo, chiếm 0,3% dân số toàn quốc.

Về cơ bản, Nhật Bản là thần quốc (thần đạo từ cổ xưa), mà cũng là Phật quốc (Phật giáo với rất nhiều tông phái). Thần và Phật tích hợp vào nhau, nên khái quát nhất là đất nước của Thần Phật.

Tới một nước mà chỉ có rất ít giáo dân như vậy, nên lần tới thăm Nhật Bản của Giáo hoàng La Mã vào cuối tháng 11 này (từ 24 đến 26 tháng 11 năm Lệnh Hòa thứ nhất), đang được truyền thông Nhật Bản và quốc tế chú ý.

Nhìn tổng thể, như chính đương kim Giáo hoàng cho biết: ông đến Nhật Bản như một thôi thúc mang tính mơ ước từ khi còn trẻ, ông ngưỡng mộ và cũng ngẫu nhiên trùng tên với linh mục đã đến Nhật Bản năm 1549 (vị linh mục này cũng đã tới Việt Nam lúc đương thời). Từ 1549 đến nay, là tròn 470 năm.

23/11/2019

Đắc Lộ bản cập nhật 2019 : vẫn chưa yên với "chữ quốc ngữ" suốt từ 1650s

Thập niên 1650 là một thập niên đáng ghi nhớ trong lịch sử chữ quốc ngữ, với việc giáo sĩ Đắc Lộ đã miệt mài trong suốt mấy năm ở châu Âu để cho ra đời bộ 3 tác phẩm quan trọng:
- Từ điển Việt - Bồ - La,
- Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài,
- Hành trình và truyền giáo.

Bộ sách được chuẩn bị từ mấy chục năm trước, nhưng đến thập niên 1650 mới được in thành sách và phổ biến rộng rãi ở châu Âu.