Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/10/2014

Hồng Kông năm 1931 : khi cảnh sát phá cửa, phát hiện anh Vương ở cùng một cô gái 18 tuổi

Chuyện xảy ra ở Hồng Kông, hơn 80 năm về trước. Vốn đã đi một lần hồi blog YH. 

Đó là cô Lý Phương Thuận (1906-1995), học trò của anh Vương. Cô Thuận có để lại một cuốn hồi kí.

Anh Vương khai với cảnh sát là người Quảng Đông, sau khi bị dẫn về đồn cùng với cô Thuận. Nhưng sau đó, phía cảnh sát biết rằng Vương không phải người Tàu, mà là người An Nam.

Gần đây, con gái đầu của cô Thuận đã viết bài về mẹ mình. Rồi sau đó ra hai cuốn sách. 

Tuy nhiên, con gái của cô Thuận hầu như không biết rằng chính cô cũng có để lại một cuốn hồi kí. Nó chưa từng được công khai.

Dưới đây là tư liệu.

1. Con cô Thuận viết về mẹ (năm 2009).


MẸ TÔI - NGƯỜI CON GÁI HƯNG NGUYÊN


  • LỆ TÂN SITEK
  • Thứ hai, 23 Tháng 11 2009 09:25

 Mẹ tôi, Hoàng Lệ Minh, bí danh thường ghi trong các tài liệu sử học là Lý Phương Thuận, sinh năm 1906 và mất năm1995.
          Quê mẹ ở Thôn Phan, Hưng nguyên, được cha mẹ đặt tên là Nguyễn thị Tích, mồ côi mẹ khi mới được mấy tháng tuổi. Ông ngoại là một nhà nho giác ngộ dân tộc, tham gia phong trào Duy Tân. Nhận thấy những khả năng của đứa con gái út, nên khi đoàn thể đề nghị cho đi du học và rèn luyện thực tế cùng lớp thanh niên để đào tạo cán bộ tương lai cho cách mạng thì ông đồng ý ngay. Đây là giữa năm 1920-1923. Sau khi rời nhà, mẹ đổi tên là Hoàng Lệ Minh, còn những bí danh khác được sử dụng trong mỗi hoàn cảnh hoạt động như Lý Phương ThuậnLý Tiểu Muội, Ngô Ứng ThuậnLý Sâm, Lý Tâm, Lê Thị Tâm…, với ngày và năm sinh khác nhau. Tên Lý Phương Thuận được thông dụng nhất trong các tài liệu lịch sử.
Qua Lào rồi sang Xiêm (Thái Lan), vào Trường Hoa Anh Học Hiệu do Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc thành lập, mẹ mang tên mới Lý Phương Thuận cùng với những bạn đồng lớp Lý Trí Thông, Lý Tử Trọng, Lý Thúc Chắc, Lý Văn Tượng, Lý văn Minh, Lý Phương Đức. Sau năm học thứ nhất, được đưa sang Quảng Châu (hồi đó xem là thủ đô của cách mạng châu Á) vào Trường Trung Sơn Tiểu Học. Lớp này thêm ba học sinh mới, trong đó có Lê Hồng Sơn và Lê Hồng Phong.
 Trong quá trình hoạt động, mỗi hội viên nhận trách nhiệm của mình, không ai biết công việc của nhau. Mỗi một lần thay đổi lý lịch, tên tuổi là phải ”quên” lý lịch cũ và ”học thuộc” lý lịch mới. Một thời gian mẹ và bà Lý Phương Đức hoạt động cùng với nhau nhưng mỗi người một việc. Mẹ được phân công tác trinh sát, thông tin, vận động của Chi bộ Hải ngoại, chuyển tài liệu bí mật, giao liên kiêm phiên dịch, dạy tiếng và đưa đón các nhà cách mạng từ Việt Nam mới sang hoặc những người đã được huấn luyện xong trở lại Việt Nam. Trong dịp này, mẹ gặp cha tôi là Bùi Hải Thiệu tức Lý Quốc Lương, quê ở làng Phổ Đông, Nam Đàn, xuất dương sang Trung Hoa năm 1929 / 1930 sau khi bị Pháp tuyên án tử hình vắng mặt. Ông đã học xong Trường Quân sự Hoàng Phổ và là bạn thân của Lê Thiết Hùng.
 Mẹ tôi đảm nhận công việc này trong một thời gian dài.
 Đầu tháng 4. 1931, bà nhận chỉ thị về Cơ quan bí mật của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tại Hồng Kông. Lúc này bà mang lý lịch mới, tên Lý Sâm, sinh tại Vân Nam, cháu của Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc, được giao nhiệm vụ dịch tài liệu và giao liên bí mật. Sau hai tháng hoạt động, khi ông Hồ Tùng Mậu, một đồng chí của mình bị bắt bên kia sông Châu Giang, biết đã bị lộ, Tống Văn Sơ và mẹ đang dọn dẹp tài liệu để chuyển đi thì bị cảnh sát Anh bao vây cơ sở, số nhà 186 phố Tam Lung và bị bắt ngày mồng 6 tháng 6 năm 1931 và bị giam tại nhà tù Victoria. Chính sự việc này đã tạo ra những phiên toà nổi tiếng viết trong quyển sách ”Vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông 1931-1933Trong phiên toà đầu tiên cuối tháng 7 năm đó, vì không có chứng cớ, mẹ lại tự khai là mới 15 tuổi, thêm vào đó là vì thân hình mẹ nhỏ nhắn, nét mặt trẻ thơ nên được tha nhưng bị trục xuất khỏi Hồng Kông trong vòng 2 tuần. Từ nhà tù, Nguyễn Ái Quốc kịp liên lạc và gửi cho bà lá thư gửi Cường Để, là cháu đích tôn của Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh - con của vua Gia Long, Hội trưởng Hội Duy Tân chống Pháp, tạm trú ở Nhật Bản. Trong thư, Bác nhờ ông giúp mẹ lánh nạn. Mẹ tôi gặp lại Ba tôi, Lê Thiết Hùng và Cao Văn Bình khi sang gặp Cường Để.
         
          Trên đây là những tài liệu tôi biết về một phần hoạt động của mẹ tôi.
Mỗi lần nhớ đến mẹ mình, tôi nghĩ đến người mẹ mà tôi chỉ được sống cùng tất cả 6 năm, nên những kỷ niệm lớn hay nhỏ liên quan đến tình cảm là quan trọng nhất đối với tôi.
Tôi nhớ nét mặt lo âu, buồn, sau khi cha tôi qua đời. Tiếp theo đó là nhớ lại quãng đường từ Quế Châu -Trung Hoa về Việt Nam, vượt rừng, qua núi, vượt suối, qua sông. Đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ trong đám đông người, nhanh nhẹn, trò chuyện với đồng hành, giúp đỡ mọi người và tiếng cườì trong veo…, cho đến hôm mẹ bị trượt chân, sẩy thai đứa em trai, rồi ba mẹ con phải ở lại trong rừng, lúc đó đôi mắt buồn, nét mặt buồn lại xuất hiện.
          Khi đến Hà Nội và thời gian gần một năm ở đó với mẹ và em là thời gian ba mẹ con phụ thuộc, gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Mỗi lần ngồi chờ mẹ trước cổng, khi nghe tiếng chân quen thuộc của mẹ vọng từ xa đến, chị em chạy ra đường ôm lấy mẹ, đươc mẹ bế, hôn vào má vào trán - đó là món quà quý nhất tôi đã chờ đợi cả ngày.
          Mẹ hiền hậu, vui tính, hay ôm ấp hai chị em. Biết mẹ đi làm ở khách sạn Thăng Long, gần Ga Hà Nội, nhưng làm gì? Chẳng biết - Hoá ra mẹ được Bác Hồ trao cho công việc làm công tác trinh sát, thu góp tin tức tài liệu qua những sĩ quan của Tưởng Giới Thạnh đang trú tại khách sạn này và hoạt động với âm mưu lật đổ chính quyền mới của Việt Nam.
Ở nhà, gặp các bác Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, bác Trần Lung, tôi chỉ biết đó là những người quen của mẹ mà không biết rằng đó là những đồng chí hoạt động với nhau ở hải ngoại, trừ bác Trần Lung là người chỉ huy công việc trinh sát ở khách sạn, sau này là bố dượng của tôi.
Mãi đến một hôm, mẹ chuẩn bị cho hai chị em đến Dinh Chủ Tịch thăm Bác Hồ. Mẹ bảo Bác là người đã huấn luyện, dạy dỗ mẹ và mẹ đã từng làm việc trực tiếp cho Bác rất nhiều năm ở Trung Hoa và ở Hồng Kông. Tuy mới 5, 6 tuổi, tôi đã biết địa vị của Bác Hồ. Nghe mẹ nói, tôi nhìn mẹ ngạc nhiên một lúc nhưng rồi lại thấy đây là một việc bình thường, giống như những bác khác.
          Về Nghệ An thăm quê nội và quê ngoại, tôi ở lại thêm với bà nội và các cô chú một thời gian nữa thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đường tắc, không về được với mẹ và em. Chín năm sau mới đoàn tụ. Chín năm xa mẹ là thời gian đầy nhớ thương, đầy khao khát tình cảm của người mẹ. Cũng thời gian chín năm ấy, tôi đã dần dần được biết phần nào về cha mẹ của mình.
           Hoà bình năm 1955 tôi về gặp mẹ và gia đình, thời gian đoàn tụ rất ngắn ngủi vì cũng năm đó tôi đi du học nước ngoài, nên không có thời gian tìm hiểu về mẹ hơn. Mãi sau này, tôi mới biết thêm rất nhiều về mẹ mình.
          Mẹ tôi, không những là một người phụ nữ khiêm tốn, dản dị, xinh đẹp, duyên dáng, thông minh, không hề tỏ ra một chút nào sự tham vọng quyền hành, địa vị, danh tiếng. Một người yêu thích văn chương, thường dùng nhiều ngạn ngữ Nho giáo để diễn tả một sự việc, dùng luân lý của Khổng Tử để dạy dỗ con cái về đạo đức con người. Một người mẹ như bao nhiêu người mẹ khác, khát khao tình cảm gia đình chồng con, đồng thời là một người can đảm, phong ba. Mấy lần bị bắt giam, đã từng bôn ba nhiều nơi cả trong nước Trung Hoa và hải ngoại, đã từng làm công nhân các nhà máy để sinh sống và hoạt động, nhất là những năm mà VNTNCM Đồng Chí Hội bị truy tìm khủng bố, tổ chức ra chỉ thị phân tán, ” Ai lo phận ấy, tự lực trong hoạt động của mình, chờ cơ hội, chờ liên lạc”. Mẹ tôi thông thạo tiếng Trung Hoa nhiều vùng, nói tiếng Anh, tiếng Xiêm, tiếng Lào. Một người mà cho đến khi nhắm mắt đưa chân vẫn giữ được bản lĩnh của mình, trung thành với lý tưởng, không bao giờ bị dao động, không bị danh vọng, tiền tài quyến rũ. Càng hiểu mẹ hơn, tôi càng thấy rõ những khát vọng chính của mẹ: Ngoài lý tưởng giải phóng dân tộc, thì tình cảm gia đình chồng con và lòng kính trọng, yêu quý đối với Bác Hồ là lớn nhất đối với mẹ.
          Mẹ kể rất nhiều chuyện về Bác Hồ. Mẹ bảo sống gần ai trong gian khổ, trong thử thách mới biết thực chất con người đó. Khi kể những chuyện riêng tư của Bác Hồ, tôi hỏi mẹ: ”Bác chỉ nghĩ đến cách mạng, nước nhà thôi hả mẹ? Có bao giờ Bác yêu ai hay có nghĩ đến việc lấy vợ, có con không? Mẹ bảo: ”Có chứ! Bác trước hết là một con người, tất nhiên là phải biết yêu, muốn có gia đình, lại là một người đẹp trai, nên nhiều bà cũng không để bác yên nữa!”... Thế là mẹ cười…., mà tôi thì thấy nhẹ lòng, thấy đỡ thương bác.
Song, có những sự việc mẹ không bao giờ nói đến. Tôi hỏi mẹ tại sao? thì có lúc mẹ bảo con không nên biết hoặc mẹ không nên nói, hoặc chưa hợp thời hay chưa đến lúc. Có lần mẹ còn bảo mẹ quên!
          Có những kỷ niệm nhỏ mà tôi lại nhớ lâu, như lần tôi về thăm gia đình sau 20 năm ở hải ngoại năm 1979. Tôi hỏi mẹ đổi tiền mỹ kim như thế nào vì tôi đoán là ở Việt Nam cũng giống như Ba Lan, có chợ đen. Mẹ bảo: ”nhà nước cần ngoại tệ lắm, con mang tiền ra Ngân hàng mà đổi”. Hồi mẹ sang thăm gia đình tôi ở Nauy năm 1985, đi đường một mình, lúc gần 80 tuổi, tôi hỏi lập trường của mẹ về việc ở đây trai gái ăn ở với nhau một thời gian rồi mới quyết định cưới nhau hay không. Mẹ nghĩ một lúc rồi trả lời: ” Việt Nam chưa có hiện tượng này nhưng mẹ nghĩ là tốt vì chỉ khi ăn ở với nhau mới biết được tính tình của nhau, mới lòi ra những nét tốt, nét xấu và như vậy mới đắn đo được để xem có khắc phục nổi không” Tôi nhìn chồng tôi, ngạc nhiên trước quan điểm tiền tiến của mẹ, cảm thấy vợ chồng mình bảo thủ hơn mẹ nhiều. Mẹ ở với chúng tôi tại Oslo 5 tháng nhân dịp sang thăm, lúc đầu chỉ định ở 1 tháng, mẹ đã hiểu rõ gia đình của con gái mình, đặc biệt thương và quý đứa con rể cả.
Tôi nhớ sau khi bố dượng của tôi qua đời, mẹ bán căn hộ ở đường Bùi Thị Xuân, chia tiền cho ba đứa em để chúng nó mua đất xây nhà ở riêng. Mẹ chuyển về căn nhà 3 tầng rộng rãi, đáng ra phải vui thì mẹ bảo với tôi là mẹ không thích vì trước đây mẹ cũng ở chật chội như mọi người. Nửa năm trước khi mẹ qua đời, linh tính báo cho tôi là tôi phải thực hiện ý định về ở với mẹ, phục vụ mẹ một thời gian, nếu không, có thể sẽ chậm. Tôi về ở với mẹ ba tháng. Lúc đó mẹ đã yếu lắm rồi, nhưng sáng nào cũng tập thể dục, ngày nào cũng giặt quần áo. Tôi đòi mẹ để tôi làm, nhưng mẹ bảo ”Con thông cảm, mẹ làm để tay chân cử động chứ không phải vì mẹ phải làm”.
          Mẹ tôi là như vậy. Những năm cuối của mẹ, chứng kiến những biến đổi trong xã hội, có nhiều thay đổi làm mẹ rất phấn khởi nhưng cũng có những hiện tượng làm mẹ tôi lo. Mẹ gọi các con lại, bảo chúng tôi phải thương yêu, đùm bọc đoàn kết với nhau, giữ được bản chất con người có lương tâm, có đạo đức. Đối với mẹ tôi - tình cảm là quý giá nhất, con cháu dâu rể là giá trị nhất, nên tôi hỏi mẹ một lần: ”Mẹ đã hy sinh sự nghiệp cho gia đình, nhưng với kinh nghiệm và quá khứ hoạt động của mẹ, nếu mẹ muốn, mẹ có khả năng nhận những chức vụ cao trong xã hội? Mẹ trả lời: ”Mẹ muốn dành cuộc sống cho gia đình lại được Bác Hồ ủng hộ vì Bác thấy mẹ đã hy sinh rất nhiều tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp nên khuyên mẹ tập trung vào chồng con, làm những việc nhỏ cũng rất cần, việc nhỏ làm tốt, việc lớn mới thành. Con ạ, Bác là người biết rõ nhất giá mình phải trả vì không có gia đình vợ con.
          Mẹ tôi mất chỉ có mấy tháng sau khi tôi rời Hà Nội, còn kịp viết lá thư di chúc cho vợ chồng tôi và các cháu. Tôi không kịp về vĩnh biệt mẹ, nhưng gửi mẹ một bài thơ, được em trai tôi đọc trước bàn thờ cho mẹ. Tôi tin linh hồn của mẹ tôi thiêng liêng lắm.
          ….
          Mẹ thương hay Mẹ trách?
          Mẹ nhớ hay Mẹ quên?
          Đời Mẹ sao ẩn biến!
          Để lại nỗi triền miên…
          Đời Mẹ như biển rộng
          Theo sóng nước nổi, chìm
          Phần chìm..
                             Ra sao nhỉ?
          Phần nổi…
                             Thiếu những gì?
          .....
          Viết về quá trình của cuộc đời hoạt động cách mạng và cuộc đời riêng tư của mẹ tôi không phải dễ dàng. Tôi nghĩ là rất ít người, ngoài mẹ tôi ra và bác Hồ có thể biết rõ ràng. Tôi hy vọng là những người có trách nhiệm với lịch sử, qua những ghi chép có nguồn gốc từ Việt Nam và những quốc gia liên quan khác để trong tương lai sẽ được đưa thêm thông tin, soi sáng sự thực không những trong trường hợp của mẹ tôi mà của rất nhiều những chiến sĩ cách mạng yêu nước vô danh khác để đặt đúng vị trị của họ trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt nam.
         
Oslo, tháng 7. 2009

http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/me-toi-nguoi-con-gai-hung-nguyen


2. Về hai cuốn sách của bà Lệ Tân (con gái bà Thuận)

Hai cuốn 'tiểu thuyết cuộc đời' của Lệ Tân Sitek


Thứ năm, 18/4/2013 | 06:10 GMT+7
Hai cuốn sách “Một mình trên đường” và “Ngã ba đường” đã gói trọn cuộc đời đầy sóng gió với những biến cố nghẹt thở của nữ tác giả tuổi 74.
Trong buổi giới thiệu hai cuốn sách tại Hà Nội hôm 13/4, Lệ Tân Sitek thừa nhận, đó gần như là tất cả những gì xảy đến với cuộc đời bà.
Lệ Tân Sitek có một số phận đặc biệt. Sinh tại Hồ Nam, Trung Quốc, trưởng thành qua 4 đất nước và phần lớn thời gian của cuộc đời gắn bó với những miền đất khách, nhưng bà có 10 năm sống tại vùng quê Nam Đàn, Nghệ An. Khi du học tại Ba Lan, vì yêu và quyết tâm cưới một chàng trai Ba Lan mà bà bị dồn vào tình thế đối đầu với những quy định để đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam trong tình trạng chiến tranh khi ấy. Bị triệu hồi về nước, Lệ Tân đã trốn khi trên đường đi tàu hỏa (có người áp giải) từ Ba Lan đến Nga. Được các bác sĩ ở một bệnh viên Ba Lan tận tình giúp đỡ và những bệnh nhân cùng nằm viện hỗ trợ, bà trốn thoát và tìm mọi sự ủng hộ để có thể cùng người yêu tiến tới hôn nhân.
Như một phép màu, sau cuộc gặp “liều mạng” với một lãnh đạo cấp cao của nhà nước Ba Lan để tìm sự cầu cứu, bà nhận được sự giúp đỡ kỳ diệu để cưới được người mình yêu. Được sống bên người yêu và có một gia đình hạnh phúc, nhưng cánh cửa trở về quê mẹ dường như đã khép chặt khi Lệ Tân hết lần này đến lần khác viết thư, làm đơn đến đại sứ quán Việt Nam trên đất Ba Lan (và cả Nauy sau này) xin được về thăm nhà nhưng vô vọng. Mãi hai mươi năm sau, khi chính sách đối với một số đối tượng người Việt ở nước ngoài có sự điều chỉnh, bà mới được toại nguyện.
Tac-gia-ky-tang-sach-cho-doc-gia-JPG-136
Tác giả Lệ Tân ký tặng sách.
Cuốn sách “Một mình trên đường” tái hiện quãng thời gian 9 năm của Lệ Tân Sitek tại làng Phổ Đông, Nam Đàn, Nghệ An. Tuổi thơ của một cô gái mồ côi cha (cha bà hoạt động cách mạng và qua đời tại Trung Quốc), phải xa mẹ (sau khi về nước, mẹ bà tiếp tục tham gia cách mạng và đi bước nữa) sống với bà nội ở vùng nông thôn đong đầy những kỷ niệm. Thông qua những hồi tưởng về tuổi thơ của nhân vật chính tên An, một gia đình cách mạng đã được khắc họa với những con người đầy khí phách, từ bà nội An nhân hậu mà tiềm ẩn nghị lực vô song đến các chú, các cô mỗi người một tính cách nhưng đều có chung một điểm nói theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (người dẫn chương trình buổi giới thiệu sách) là “đều có máu phiến loạn”. Bày tỏ tại buổi giới thiệu sách, bà Lệ Tân Sitek nói rằng, qua cuốn sách “Một mình trên đường” bà muốn giới trẻ biết được cuộc sống của một đứa trẻ thời kỳ kháng chiến như thế nào, để qua đó hiểu được giá trị những gì đang thụ hưởng.
Còn cuốn “Ngã ba đường” gói gọn quãng thời gian du học tại Ba Lan của nhân vật chính trong đó điểm nhấn là tình yêu đẹp nhưng không tưởng giữa cô với chàng trai Ba Lan cũng như cuộc thiên di từ Ba Lan sang Nauy sau này, gắn với những hồi tưởng day dứt về quê mẹ và mối liên hệ với những người thân. Suốt những năm tháng đó là ám ảnh về sự vong quốc, mắc nợ những người ruột thịt, nỗi trăn trở dằn vặt khi vì tình riêng mà phải trả giá đắt của cô gái tên An. Tuy vậy, nhân vật chính (hay cũng chính là tác giả) chưa một lần ân hận về những quyết định của mình. Bà vẫn yêu Tổ quốc, yêu đất nước theo cách của mình, chỉ có điều bà đã đi một con đường riêng, làm theo những gì mình cho là đúng chứ không chịu sống rập khuôn, không chịu sự áp đặt. Suốt mấy chục năm “một mình trên đường”, bà sống bằng giấy thông hành tạm thời, lửng lơ không thuộc về một đất nước nào, không ít lần cay đắng tự vấn, “ta là ai, ta thuộc về đâu?” nhưng rồi tự mình bảo mình: Ta là Lệ Tân. Chỉ thế thôi đã giúp bà đủ sức mạnh để đi tiếp trên đường đời, tạo lập sự nghiệp và xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Nha-phe-binh-Pham-Xuan-Nguyen-gioi-thieu
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (phải) trong buổi giới thiệu hai cuốn sách.
Qua cuốn “Ngã ba đường”, người đọc cũng thấy một phần cuộc sống của những du học sinh thời kỳ những năm 50, 60 thế kỷ trước tại các nước Xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh, nước nhà chưa thống nhất.
Cũng trong buổi giới thiệu hai cuốn sách, phát biểu của những người thân trong gia đình tác giả đã hé lộ nhiều thông tin phía sau hai cuốn sách, những điều về gia đình mà bà Lệ Tân tránh không đưa vào “tiểu thuyết” và bà cũng không muốn tiết lộ trước báo giới về những điều này. "Có một điều làm tôi áy náy nhất, đó chính là mình không đóng góp được gì đáng kể cho những biến cố của đất nước, nhất là thời kỳ trước năm 1975. Tôi cảm thấy mình là một người Việt Nam đứng ngoài rìa của lịch sử” - Bà Lệ Tân trăn trở. “Trước một quyết định nào đó, bà có tin là có số phận?”, trả lời câu hỏi của VnExpress, Lệ Tân Sitek nói rằng, khi quyết định một điều gì cũng có sự may rủi của số phận, có được, có mất, nhưng bà may mắn là đã… được.
Cả hai cuốn sách của Lệ Tân Sitek đều đã được chính tác giả dịch sang tiếng Ba Lan và phát hành tại nước này. Nhân dịp hai cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành tại Việt Nam, Lệ Tân Sitek đã về nước ra mắt sách. Sau buổi ra mắt tại Hà Nội, hai cuốn sách cũng sẽ được giới thiệu tại TP HCM vào 24/4, sau đó là tại Thư viện tỉnh Nghệ An quê hương tác giả.
Lệ Tân Sitek tên khai sinh là Bùi Lý Lệ Tân, sinh năm 1939 tại Hồ Nam, Trung Quốc. Bà là con gái đầu của 2 nhà lão thành cách mạng từng hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc - ông Bùi Hải Thiệu (bí danh Lý Quốc Lương) và bà Hoàng Lệ Minh (bí danh Lý Phương Thuận, Lý Sâm…). Sau khi ông Bùi Hải Thiệu mất, năm 1944, Lệ Tân cùng mẹ và 2 em gái về Việt Nam. Trong thời gian về thăm quê ở Nghệ An, do kháng chiến bùng nổ, chuyến thăm quê của bà kéo dài đúng bằng cuộc kháng chiến chống Pháp, từ năm 1945 đến năm 1954. Năm 1955 bà được đi du học tại Ba Lan. Năm 1962 bà xây dựng gia đình với ông Ryszard Sitek, từ đó mang thêm họ Sitek. Năm 1964 bà tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Politechnika Gdánka. Từ năm 1967 bà sống tại Nauy cùng chồng con và hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc.
      Dương Tử
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/hai-cuon-tieu-thuyet-cuoc-doi-cua-le-tan-sitek-2658671.html




3. Tư liệu của báo chí (Thanh Niên, 2011).

Nữ đoàn viên đầu tiên được Bác Hồ đào tạo làm tình báo


26/03/2011 21:57

Sinh năm 1916 ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, người con gái ấy được cha mẹ đặt tên cúng cơm là Nguyễn Thị Tích. Ông Nguyễn Trọng Quyến - thân sinh chị là một trong những người sớm được giác ngộ cách mạng, đứng trong hàng ngũ Cộng sản từ những năm 1929-1930. Mẹ đẻ của chị mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi chị mới 3 tháng tuổi.

Năm 1924, một người bạn chiến đấu tên là Cố Khôn đến nhà đưa thư của ông Quyến gửi cho gia đình và đón Nguyễn Thị Tích đi. Ông Khôn đặt cho chị tên mới: Hoàng Lệ Minh. Tiếp đến, Hoàng Lệ Minh được đưa sang Lào để học chữ. Lớp học lúc đó chỉ có 5 người Việt Nam (ba trai, hai gái) do đồng chí Võ Tùng thay mặt đoàn thể phụ trách lớp.
Tròn 10 tuổi, Lệ Minh lại được đoàn thể đưa sang Xiêm (Thái Lan) học tại trường "Hoa Anh Học Hiệu" ngay tại Bangkok. Đây là lớp học do Bác Hồ sáng lập. Cả lớp gồm: Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Lê Quang Đạt, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hoàng Lệ Minh với cái tên mới - Lý Tiểu Muội. Học được một năm thì Bác Hồ đến đón tất cả sang Quảng Châu (Trung Quốc) gửi vào học tại trường Trung Sơn tiểu học. Lý Tiểu Muội được đặt tên mới là Ngô Ứng Thuận. Sau này, Ngô Ứng Thuận còn có tên là Lý Phương Thuận, bí danh là Lý Sâm, Lý Tâm hoặc Lê Thị Tâm.
Tốt nghiệp trường Trung Sơn tiểu học, Lý Phương Thuận được phân công nhiệm vụ tại cơ quan bí mật của Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Nhiệm vụ cụ thể của Lý Phương Thuận là chuyển tài liệu bí mật, giao liên dẫn đường kiêm phiên dịch đưa đón các đồng chí của Đảng từ trong nước mới ra hoặc học xong, trở về nước tiếp tục hoạt động.
 
Nữ tình báo Lý Phương Thuận thời kỳ hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: tư liệu 
Thời gian sau, Lý Phương Thuận nhận được chỉ thị của Bác Hồ xin vào làm công nhân ở Nhà máy Điện Kỳ (sản xuất pin đèn).
Làm việc ở Nhà máy Điện Kỳ một năm, lúc đó Lý Phương Thuận đã tròn 18 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 4.1931, Lý Phương Thuận nhận được chỉ thị về giúp việc trong cơ quan bí mật của Việt Nam Thanh niên Cách mạng ở Hồng Kông, được giao nhiệm vụ dịch tài liệu và giao liên bí mật. Thời kỳ này, Bác Hồ được gọi là đồng chí Lý Thụy và dùng bí danh mới là Tống Văn Sơ. Còn Lý Phương Thuận thì có một bản lý lịch trích ngang mới: Lý Phương Thuận, bí danh Lý Sâm, quê quán: Nam Kinh, Trung Quốc, cháu gái của Tống Văn Sơ.
Nhận công tác ở đây được khoảng hai tháng thì ngày 6.6.1931, cảnh sát Hồng Kông vây chặt ngôi nhà 186 phố Tam Lung (Cửu Long, Hồng Kông) - nơi đặt trụ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Tống Văn Sơ và người cháu gái Lý Phương Thuận cùng bị bắt. Khi bị bắt, Lý Phương Thuận tuy đã 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh, tự khai mới 15 tuổi và là cháu gái Tống Văn Sơ. Vì không có đủ chứng cứ buộc tội Lý Phương Thuận nên tại phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ lần thứ nhất (diễn ra ngày 31.7.1931), Lý Phương Thuận đã được tha.
Biết Lý Phương Thuận sẽ không thoát khỏi sự bủa vây của mật thám Tưởng, Anh, Pháp, vì chị đã hai lần bị bắt trong phong trào công xã Quảng Châu, nên Tống Văn Sơ đã bí mật viết một lá thư cho Cường Để, cháu đích tôn của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (con vua Gia Long), được Phan Bội Châu tác động, đưa lên làm Hội trưởng Hội Duy Tân chống Pháp, sau bị truy đuổi sống lánh nạn ở Nhật. Lá thư được chuẩn bị từ nhà tù Victoria (Hồng Kông) cho Lý Phương Thuận và Bác dặn tìm cách sang Nhật tạm thời cư trú nhờ sự giúp đỡ của Cường Để.
Lý Phương Thuận đã thực hiện đúng chỉ đạo của Tống Văn Sơ nhưng chỉ ở nhà Cường Để (Nhật) được một thời gian thì Nhật - Pháp thỏa hiệp trục xuất Cường Để, chị phải trở lại Quảng Châu, tiếp tục làm việc tại Nhà máy Điện Kỳ vừa để kiếm sống vừa tìm thời cơ bắt liên lạc với đoàn thể. Làm việc tại đây vẫn không an toàn, Lý Phương Thuận lại quay về Thượng Hải xin vào làm công nhân ở một nhà máy đóng giày. Tại đây, Lý Phương Thuận gặp đồng chí Đỗ Đăng Trình và biết tình hình Thượng Hải sắp có biến, nên lại chạy về Quế Châu và mất liên lạc hoàn toàn với đoàn thể, làm nghề bán báo để tự nuôi sống.
Cuối tháng 8.1945, đang ở Quế Châu, Lý Phương Thuận được tin trong nước đã tổng khởi nghĩa, chị lập tức tìm đường trở về Tổ quốc.
Về đến Hà Nội, Lý Phương Thuận gặp bà Tống Minh Phương. Bà Phương tin Lý Phương Thuận là người Hoa nên sẵn lòng cưu mang. Vào nhà bà Phương ở phố Hàng Buồm, Lý Phương Thuận thấy trên bàn thờ Tổ quốc treo lá cờ đỏ sao vàng, bên dưới là tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý Phương Thuận thầm bàng hoàng bởi người trong ảnh chính là ông Tống Văn Sơ - đồng chí Lý Thụy ngày nào.
Với đức tính thận trọng của cán bộ hoạt động bí mật, chị kiên nhẫn tìm người kín đáo liên lạc với Bác Hồ. Được tin, Bác cho bố trí đưa Lý Phương Thuận tới ngay. Không bút mực nào tả xiết sự phấn khởi của chị khi được gặp lại Bác kính yêu sau 14 năm gián đoạn liên lạc.
Ngay sau đó, Bác Hồ gọi đồng chí Lê Giản - Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương lên và trực tiếp giới thiệu: "Đây là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận, người đã từng trải qua hoạt động bí mật, có nhiều kinh nghiệm. Cô ấy thạo tiếng Trung, Pháp và Anh. Chú đang rất cần những cán bộ như thế này tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng".
Thế là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận được trở lại với cái tên “quê mùa” Nguyễn Thị Tích và bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tình báo với vai bình phong tiếp viên tại khách sạn Thăng Long (trước cửa ga Hà Nội), nơi bọn sĩ quan Tưởng, tiếp đến là sĩ quan Pháp thường lui tới.
Chị Tích đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của nữ tình báo viên đầu tiên thuộc lực lượng Công an, thu được nhiều tin tức quan trọng. Tiêu biểu là thông tin về âm mưu của bọn Tưởng rắp tâm bắt cóc Bác Hồ tháng 12.1945 và đặc biệt là ý đồ kế hoạch của thực dân Pháp dùng bọn phản động Quốc dân đảng ở trụ sở phố Ôn Như Hầu hòng gây đảo chính vào tháng 7.1946 để bóp chết Chính phủ nước Việt Nam độc lập.
Câu chuyện về cuộc đời chị Tích kết thúc có hậu. Trực tiếp chỉ đạo chị trong công tác trinh sát nắm tình hình âm mưu thủ đoạn giặc Tưởng là đồng chí Trần Lung. Sau này ông được đề bạt các chức vụ như Trưởng ty Công an Hòa Bình, Trưởng ty Công an Hà Nam, Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công an. Từ tình cảm mến phục giữa đồng đội, chị Tích và anh Lung đã nảy nở tình yêu trong sáng, họ trở thành đôi bạn trăm năm, xây tổ ấm hạnh phúc trọn đời. 
N.Trung

2 nhận xét:

  1. Chắc Giao bận lắm hả ? Sao biến mất tiêu đâu mà không thấy mặt ? Có khỏe không ? Vợ con đã sang bên đó chưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huynh lâu không gặp nên toàn câu hỏi nhỉ !

      Thế thì hẹn huynh vào ngày mai có thể gặp nhé !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.