Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/08/2016

Những nguyên nhân suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ


Bài tổng hợp tư liệu bên trang Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (thuộc VASS).


---

11/12/2015
Đạo Phật là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới, được ra đời tại Ấn Độ vào thế kỉ VI TCN. Nhưng chỉ sau hơn 2000 năm, Phật giáo đang gần như hoàn toàn biến mất khỏi Ấn Độ khi chỉ có 0,8% dân số là Phật tử, trái ngược với sự lớn mạnh của hơn 700 triệu tín đồ ở trên thế giới. Bài viết dưới đây xin chỉ ra một số nguyên nhân về sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ.
  1. Mất đi sự bảo trợ của vua chúa
Việc mất đi sự bảo trợ của giới vua chúa có thể được coi là một nguyên nhân chính khiến Phật giáo sớm suy tàn tại Ấn Độ. Từ khi ra đời vào thế kỷ VI TCN, đạo Phật đã phải trải qua hơn 200 năm mới có thể phổ biến trên toàn Ấn Độ và ra truyền bá đến Trung Á, trong đó có công lao không nhỏ của vua Ashoka, thế kỷ thứ III TCN. Tuy vậy, chỉ trong vòng 50 năm khi vua Ashoka mất vào năm 232 TCN, vương triều Maurya sụp đổ và Phật Giáo mất sự bảo trợ của vua chúa khoảng 300 năm cho đến thời vua Kanishka, vương triều Kushana vào năm 78 SCN. Ông là có chính sách dung hòa nhiều tư tưởng tôn giáo đông tây và bản địa, xúc tác cho việc hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa, chủ yếu ở phía bắc Ấn (nên Phật sử hay gọi là “bắc truyền”). Vua Kanishka đã triệu tập một Hội Nghị Phật Giáo lần thứ 4 với sự tham gia của 500 vị Tỷ-khâu (tăng sỹ Phật giáo), tại Kashmir vào năm Phật lịch 544 (khoảng thế kỉ I), nhằm để thống nhất giáo lý của các nhánh Phật giáo- đại hội này chính là khởi điểm cho sự ra đời của Phật giáo Đại thừa và truyền bá sang Trung Quốc vào thế kỷ II. Đến khi triều đại Kushana sụp đổ vào thế kỷ thứ II thì Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của hoàng gia.
Đến khi Đế quốc Gupta (320-550) hình thành tại vùng phía Bắc Ấn Độ thì các vị hoàng đế của vương triều Gupta lại là những người theo đạo Bà La Môn và giai đoạn này cũng đánh dấu cho sự phục hồi của Bà La Môn giáo. Vị Hộ pháp vương cuối cùng của Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ, là Đức vua Harsha hay còn gọi là Giới Nhật Vương (590-657), vương quốc Kanauja, phía Bắc Ấn Độ. Ông là người sùng bái đạo Phật và có nhiều chính sách rất tích cực nhằm phổ biến đạo Phật đến toàn nhân dân. Vua Harsha đã viết ba tác phẩm kịch bằng tiếng Sanscrit gồm: Nagananda, Ratnavali và Priyadarsikạ với nội dung xoay quanh về Phật giáo. Thi sĩ nổi tiếng Bana hay Banabhatta, là người được giải thưởng của vua Harsha với tác phẩm Haracharita (Cuộc đời của vua Harsha), nó được xem là một văn kiện lịch sử quan trọng về vị Phật hoàng uy quyền này. Đến khi vua này mất vào vào năm 647 thì Phật Giáo hoàn toàn bị mất đi sự hậu thuẫn của vua chúa trong lịch sử Ấn Độ.
  1. Tình trạng cô lập của tu viện
Yếu tố liên quan mật thiết tới sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Ðộ chính là hố ngăn cách ngày càng rộng giữa các Tu viện và Phật tử tại gia, mà cả hai vốn được giả định là cùng kết hiệp chặt chẽ. Theo lý tưởng Phật giáo, giới tu sĩ và giới cư sĩ tương thuộc: tu sĩ cung ứng lý tưởng tôn giáo và những lời giảng về Phật pháp, còn cộng đồng cư sĩ cung cấp những hỗ trợ vật chất như thực phẩm, y phục và nơi ở, nói theo kiểu ngày nay là “hộ trì tam bảo”. Tuy nhiên, khi các tu viện ngày càng trở thành những định chế tự túc dồi dào và làm chủ đất đai, giới tu sĩ cảm thấy không nhất thiết phải chăm lo vận động sự hỗ trợ của giới cư sĩ. Hậu quả là mối liên hệ hỗ tương giữa họ và dân chúng dần dần biến mất.
  1. Sức sống của truyền thống Bà-la-môn
Khoảng năm 186 trước CN, triều đại Sunga nắm quyền ở bắc Ấn, khước từ Phật giáo và khích lệ các truyền thống “chính thống” của Ấn giáo. Từ thời điểm đó, Phật giáo phải đối mặt với sự hồi sinh của Ấn giáo. Tăng lữ Bà-la-môn sáng tạo các dạng thức mới mẻ để triển khai tư tưởng triết học của mình, thí dụ hệ thống Phi nhị nguyên chính thống của Sankara trong đó kết hợp nhiều cái nhìn thấu suốt của Phật giáo, để từ đó thiết lập các hình thức mới của đời sống thảo am và tu viện. Giới tu sĩ Bà-la-môn tìm cách chính thống hoá Ðức Phật, xem ngài là một hóa thân của Vishnu, vị thượng đế có rất nhiều hóa thân, như Rama và Krishna… và đưa ngài vào đền thờ các thần linh Ấn giáo.
Tín đồ Hindu giáo cũng đặt ra một hệ thống nghi lễ tôn giáo có tính tổng hợp, trực tiếp đáp ứng thoả đáng các nhu cầu tôn giáo và xã hội đa dạng của dân chúng. Cụ thể là sự hỗ tương ảnh hưởng giữa Mật tông Phật giáo và Mật giáo Ấn độ đã góp phần hóa giải ảnh hưởng đặc thù của Phật giáo. Trong khi đó, giới Bà-la-môn bắt đầu phát động các phong trào tận hiến, ra sức lôi cuốn sự yểm trợ rộng rãi của người dân Ấn, và Ấn giáo có thể thu hút và bảo lưu được ngày càng nhiều lòng trung thành của tầng lớp thượng lưu cũng như dân thường.
      4. Các cuộc ngoại xâm
Bước vào thế kỷ VI, các đạo quân Bạch Hung (Hephthalite) đã càn quét qua nhiều khu vực Trung Á và vùng Tây Bắc Ấn Ðộ. Sau người Bạch Hung, lần lượt các bộ lạc Trung Á tới và định cư giữa vùng bình nguyên sông Indus và sông Hằng. Đến thế kỷ 8, người Ả-rập Hồi giáo tới ở tại cửa sông Indus. Dần dần, các binh đoàn Hồi giáo chiếm đóng luôn cả vùng phía Đông Ấn Độ. Khoảng thế kỷ 13, người Hồi giáo lập nên Hồi quốc Delhi (1206-1526) ở Bắc Ấn, đồng thời tiếp tục tiến quân chinh phạt hết phía Bắc Ấn Độ và phá huỷ nhiều trung tâm Phật giáo lớn, thiêu huỷ kinh sách và giết hại nhiều Phật tử. Thêm nữa, một khi nắm quyền lực, người Hồi giáo xâm lăng đạt được những thành quả lớn lao trong việc cải đạo những tín đồ Phật giáo sang Hồi giáo. Phật giáo gần như bị triệt tiêu tại Bắc Ấn ngoại trừ một số ít nhóm sống rải rác. Tuy vậy, đạo Phật vẫn được thực hành tại Nam Ấn cho tới thế kỷ 15, rồi biến mất. Từ lúc ấy cho tới thế kỷ 20, tại Ấn Ðộ, Phật giáo được thể hiện chủ yếu trong những di tích đền đài cùng ảnh hưởng thẩm thấu và trường tồn trong Ấn độ giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, và các truyền thống dân dã khác, làm thành văn minh Ấn độ. Ngay trong tâm thức của người Ấn giáo, kể cả các bậc đạo sư lẫn giới trí thức, Ðức Phật vẫn là niềm hứng khởi và hình ảnh của một đấng cứu độ, đại tôn sư về tâm linh và giác ngộ.
Ở bên ngoài Ấn Ðộ, công cuộc hoằng pháp ngày càng thịnh đạt với những triển khai muôn hình muôn vẻ. Ngay từ đầu công nguyên, nhờ con đường truyền giáo Nam tông và Bắc tông, Phật giáo không biến mất mà càng lúc càng được kiến thiết và duy trì sống động trong cuộc sống hằng ngày trên các miền đất mới. Sang tới đầu thế kỷ 21, với tinh thần từ bi, phá chấp, phi cơ chế và chứng nghiệm của mình, Phật giáo ngày càng được đón nhận rộng rãi, đầy nhiệt tình trong giới trí thức phương Tây, và đang phát huy nền triết học thâm sâu cùng thể hiện tính cách bao dung và tự lực trên đường trở thành một tôn giáo thế giới.
       5. Nguyên nhân kinh tế - xã hội
Vào thời kỳ đầu, Phật giáo có sức lôi cuốn cực kỳ những người thuộc cấp bậc cao trong hệ thống phẩm trật kinh tế, chính trị và xã hội. Thậm chí trong thời cực thịnh, Phật giáo với truyền thống văn hóa và triết học rất cao, đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của tầng lớp nắm chính trị và kinh tế. Ðiều ấy không có nghĩa Phật giáo tự mình xa rời với các tầng lớp giai tầng thấp trong xã hội hoặc không thiết lập được cơ sở tại vùng nông thôn nơi sinh sống của đại đa số nhân dân Ấn Ðộ. Vì vậy, Phật giáo không trải rộng và thấu sâu đến người dân thường trong xã hội cho bằng Ấn Độ giáo. Do đó, Phật giáo dễ bị tổn thương trước các sức mạnh đang làm thay đổi tình trạng kinh tế và chính trị.

Triệu Hồng Quang tổng hợp theo http://www.importantindia.com
http://viisas.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/DiemNhan/View_Detail.aspx?ItemID=350

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.