Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/12/2019

Nói thật : trí thức Việt Nam không đủ sức làm ra văn tự mạnh, cả ngàn năm chỉ loay hoay với chữ Nôm

Lời nói thật, nói rõ, tôi đã viết thành bài học thuật rồi.

Thật sự thì cả một ngàn năm, trí thức Đại Việt đã rất kém, tư duy sáng tạo rất cùn, nên chỉ loay hoay mãi với chữ Nôm. Đọc bài học thuật của tôi ở đây.

Nếu để cho trí thức Đại Việt tự sáng tạo chữ thì không biết hiện nay ta viết bằng văn tự gì ? Cao Xuân Hạo từ lâu đã buồn phiền và băn khoăn với cả chữ Nôm và chữ quốc ngữ.

Bởi học gạo, học chỉ với mong muốn tối thượng là làm quan, nói rõ là lối học để làm quan, nên cả một ngàn năm mà giới trí thức cứ bùng nhà bùng nhùng với chữ Nôm, không có một nỗ lực mạnh mẽ nào để có sáng tạo vượt chữ Nôm. 

Mới đây, tôi cũng đã viết bài học thuật phê phán lối học để làm quan. Đã phát biểu chính thức vào mùa hè năm nay (ở đây), còn viết ra giấy để đăng tải thì từ nhiều năm trước rồi.



..



..


BỔ SUNG



5.


Nhân đọc bài của Gs Trương quang Đệ về chữ Quốc ngữ tôi có vài ý kiến nhỏ như sau : Bài viết rất công phu và mô tả rất đúng, ví dụ “a” trong “anh, ach” là “e” ngắn, “ô” trg “ông” là “ô” ngắn, “g” trg t. Anh, t. Pháp là âm tắc, còn “g” trg t. Việt là âm xát.
Nhưng tác giả chỉ mô tả và tỏ ra hài lòng về chữ QN hiện nay và nêu lên rằng yêu cầu “ một âm phải được ghi bằng một ký tự ¬¬¬là không cần thiết và không phù hợp với nguyên tắc tiết kiệm.
Tôi cho rằng có lẽ nên có đôi điều cần phải suy nghĩ thêm. Quả thật nguyên tắc tiết kiệm là 1 chân lý. Nhưng chữ QN hiện nay đã tuân theo nguyên tắc ấy chưa ? Tôi cho rằng hoàn toàn không : âm /k/ được ghi bằng “c, k, q”, và còn hàng loạt trường hợp tương tự.
Muốn hiểu được vì sao như vậy thì cần phải trở lại cội nguồn của chữ QN. Đó không phải là thứ chữ đặt ra cho người Việt, mà là thứ chữ đặt ra cho người Pháp, trước hết là do các giáo sĩ đặt ra để học tiếng Việt nhằm mục đích truyền giáo.
Đối với người Việt âm /k/ chỉ cần ghi bằng 1 chữ “c” là đủ. “hoa quả” có thể ghi bằng “hoa cỏa”. Gs Đệ có đưa ra từ “kem” ghi bằng “k”. Sở dĩ như vậy là vì người Pháp nếu thấy viết bằng “c” trước các âm “i,ê,e” sẽ dọc là “si,sê,se” theo thói quen trong chữ của họ, ví dụ “ci , cet, cette”, họ buộc lòng phải thay”c “ bằng “k”. Đến từ “quả” thì tình hình có phức tạp hơn : Các giáo sĩ nước ngoài khi học t.Việt, muốn phát âm sao cho càng giống ng Việt càng tốt. Ở đây /k/ gặp /w/ được phát âm sâu hơn thường lệ nên được ghi bằng “q” ( mà “q” trong bảng ký hiệu phiên âm quốc tế IPA vốn chỉ 1 âm /k/ sâu và trong chữ viết của nhiều nước cũng vẫn dùng, ví dụ Qatar, hay Iraq ). Ngược lại âm /w /do đứng sau /k/ cũng được phát âm sâu hơn phải viết bằng “u” chứ không thể ghi bằng “o” như trong từ “hoa” được. Và thế là trong chữ QN hiện đại nay ta vẫn viết là “hoa quả”.
Cũng như vậy “g” đứng trước “a”, ví dụ “con gà” đọc như thế nào thì trước “i, ê, e” cũng sẽ được đọc như thế và từ “ghi chép”(theo cách viết hiện nay) cũng phải viết là “gi chép “ nhưng theo chữ QN hiện hành lại được viết là “ghi, ghế, ghẻ”. Vì sao ? Vì “g” trước “i, ê, e” người Pháp sẽ đọc thành âm uốn lưỡi tương tự như “gi” của ta trong từ “gia đình”, ví dụ “gilet” (1 thứ áo mặc ngoài sơ- mi, trong ào veston của bộ complet ), “geste” (cử chỉ, điệu bộ), “general” (thiếu tướng, đại tướng). Để người Pháp đọc đúng như người Việt cần phải thêm chữ “h” sau chữ “g”.
Từ đó mới lại thêm 1 hiện tượng mới kèm theo. Người Việt có từ “gà”, nếu muốn ghi từ “ngà voi” thì chỉ thêm “n” đằng trước “g”. Người Pháp cũng làm như vậy, thêm”n” trước “gh”, và có những từ mà QN hiện nay đang theo, chẳng hạn “nghĩ, nghề, nghe”.
Cuối cùng, còn 1 vấn đề là bỏ bớt con chữ để tiết kiệm, nhưng quả thực là 1 sai lầm, đó là những trường hợp mà QN hiện nay dùng để viết các từ như “giết, giếng”. Nếu đã chấp nhận cách viết “gi” để ghi âm uốn lưỡi , chẳng hạn “gia đình” thì phài viết “giiết, giiếng. Nếu bỏ bớt 1 “i” chỉ còn “g” thì chữ “i” còn lại là của nguyên âm đôi ”iê”, và như vậy phụ âm đầu sẽ chỉ là ”g” như cách ghi từ “con gà”
Tôi viết bài này để chúng ta cùng hiểu rằng chữ QN hiện nay chúng ta đã quen dùng nhưng ẩn tàng trong nó còn có 1 số điểm chưa tốt, và tôi nêu lên như vậy không hề có ý muốn cải cách nó. Hiện nay mọi phương án cải cách chỉ là không tưởng vì không thể thực hiện được. Mặt khác, tôi cũng đồng ý với Gs Trương Quang Đệ là chữ QN từ lâu đã được các nhà yêu nước hoan nghênh, đón nhận để nâng cao dân trí, cụ thể là từ nhóm Đông kinh nghĩa thục đến các nhà lãnh đạo VN sau cách mạng đã mở ra phong trào Bình dân học vụ, kêu gọi “xóa nạn mù chữ “ trên cả nước.
Tôi trình bày bài này với các bạn trên Fb hơi chậm vì sức khỏe không cho phép tôi ngồi lâu để đánh máy, tôi đành đánh mỗi hôm một ít vào trang “Word” để khi đánh xong thì “cắt dán”, đưa lên mạng. Mong các bạn thông cảm, mà trước hết là bạn Tien Dang, người đã chia sẻ bài viết của Gs Trương Quang Đệ. Thân mến !
https://www.facebook.com/thienthuat.doan.9/posts/841712429619254



4.


Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tao Đàn Thư Quán tổ chức tại Khách sạn Hilton (50 Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng) trong 2 ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2019.
1. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 30 tham luận tham gia hội thảo của các học giả, nhà nghiên cứu như sau. Cụ thể như sau:
- ANTONIO SALVADO (Guarda, Portugal): Tham luận “Morgado Francisco de Pina (1585 - 1625). A Linguist from Guarda in Cochinchina (Vietnam)”.
- BÙI VĂN TIẾNG (Hội KHLS thành phố Đà Nẵng): Tham luận: “Đà Nẵng với buổi đầu phát triển chữ Quốc ngữ”
- CHÂU YẾN LOAN (TPHCM): Tham luận “Chữ Quốc ngữ - Hình thành và phát triển”, và tham luận: “Tiến trình hoàn thiện chữ quốc ngữ trong Kinh Lạy Cha”.
- CHU XUÂN GIAO (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam”: Tham luận: “Ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ ở thế kỷ XVII về nữ thần Cửa Chúa khu vực Nghệ An”.
- ĐOÀN MINH CHIẾN (Trường Cao đẳng Bình Định): Tham luận: “Bình Định với sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ”
- DƯƠNG XUÂN QUANG (Đại học QG Hà Nội): Tham luận “Chữ Quốc ngữ. Sự lựa chọn phù hợp của dân tộc Việt”.
- HOÀNG THỊ ANH ĐÀO (ĐH Khoa học Huế) & HOÀNG ĐỨC BẢO (ĐH Bách khoa Đà Nẵng): Tham luận “Khởi thảo Quốc ngữ ở một số cư sở truyền giáo tại Quảng Nam của giáo sĩ dòng Jésuites Bồ Đào Nha thế kỷ XVII”.
- HOÀNG VĂN KHẨN (Hội Nhịp cầu Thái Bình, Thụy Sĩ): Tham luận “Học và dạy tiếng mẹ đẻ: Phương pháp tự nhiên và khoa học theo thuyết Tomatis cho tiếng Việt đơn âm
- LÊ NAM (Câu lạc bộ Thanh Chiêm, TPHCM): Tham luận “Chữ Quốc ngữ - Sơ lược các giai đoạn hình thành và phát triển”.
- LÊ THỊ KIM DUNG (University of Bucharest, Romania): Tham luận “Xã hội hóa: mấu chốt thành công của cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX”.
- LÊ THỊ THANH GIAO (Khoa Du lịch, Đại học Huế): Tham luận “Tìm hiểu một số chính sách nhằm cổ xúy chữ Quốc ngữ của các vị vua cuối triều Nguyễn”.
- NGUYỄN CUNG THÔNG (Melbourne, Úc): Tham luận “Tiếng Việt từ thời Alexandre de Rhodes: Kinh Lạy Cha (phần 5a)”.
- NGUYỄN ĐĂNG HƯNG (Đại học ): Tham luận: “Đề án tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ”.
- NGUYỄN ĐÌNH KHÁNH (Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc): Tham luận “Quan điểm của Phan Bội Châu về chữ Quốc ngữ trong nền giáo dục thời hậu khoa cử”.
- NGUYỄN LÂN BÌNH (Trang tin Tannamtu.com, Hà Nội): Tham luận “Nguyễn Văn Vĩnh với quyết tâm quảng bá chữ Quốc ngữ những thập niên đầu của thế kỷ 20”.
- NGUYỄN MINH HUỆ (Viện Văn học, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam): Tham luận “Truyện thơ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Một nhịp cầu kết nối truyền thống và hiện đại”.
- NGUYỄN QUỐC PHƯƠNG & NGUYỄN THẾ HÀ (University of Bucharest, Romania): Tham luận “Bảo tồn tiếng Việt ở nước ngoài dựa vào cộng đồng: Những bằng chứng từ khảo sát tại Romania”.
- NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH (Đại học QG TPHCM): Tham luận “Đóng góp của cư dân bản địa trong sự ra đời phát triển chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII - XVIII”
- NGUYỄN THỊ LỆ HÀ (Viện Sử học, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam): Tham luận: “Nguyễn Văn Vĩnh với việc truyền bá chữ quốc ngữ và phát triển báo chí tiếng Việt đầu thế kỷ XX”
- NGUYỄN THỊ VĨNH LINH (Đại học Quảng Nam): Tham luận “Quá trình truyền giáo của Dòng Tên Bồ Đào Nha ở Hội An và sự ra đời của chữ Quốc ngữ”.
- PHẠM THÚC HỒNG (Hội An, Quảng Nam): Tham luận “Sự tương liên giữa chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”.
- ROLAND JACQUES (Saint Paul University, Canada): Tham luận “Nghiên cứu tiếng Việt từ năm 1651 đến năm 1775”
- THỦY TIÊN DE OLIVIERA (NAMPOR, Porto, Portugal): Tham luận “Vai trò của người Bồ Đào Nha đối với việc ra đời chữ Quốc ngữ”
- TRẦN HỮU PHÚC TIẾN (Giáo dục Hợp Điểm, TPHCM): Tham luận “Petrus Trương Vĩnh Ký - người tiên phong sử dụng và truyền bá chữ quốc ngữ trong nghiên cứu, giảng dạy và viết sách, viết báo”.
- TRẦN QUỐC ANH (Santa Clara University, USA): Tham luận “Từ Cristofori Borri đến Huình Tịnh Của: Chính tả Quốc ngữ 1631 - 1895”.
- TRẦN THANH HƯNG (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên): Tham luận: “Đóng góp của Chân phước - Thầy giảng André Phú Yên với Giáo sĩ Đắc Lộ trong quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ”.
- TRƯƠNG THỊ HẢI (Viện Sử học, Hà Nội): Tham luận “Tạp chí Tri Tân và vai trò của nó với việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam, giai đoạn 1941 - 1946”.
- TRƯƠNG THỊ PHƯƠNG (Viện Sử học, Hà Nội): Tham luận “Những đóng góp của Hội truyền bá quốc ngữ với công cuộc chống nạn mù chữ ở Việt Nam trước năm 1945”.
- VÕ XUÂN TÒNG (TPHCM): Tham luận “100 năm chữ viết Việt Nam”.

Các tham luận đang được biên tập để in kỷ yếu. Dựa vào nội dung tham luận, Ban Tổ chức sẽ thành lập 3 tiểu ban (panel) và sắp xếp các tham luận vào 3 tiểu ban này để các tác giả trình bày tham luận theo các chủ đề với từng tiểu ban.

Sáng ngày 15/12/2019, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng sẽ họp để thống nhất một số vấn đề liên quan đến hội thảo, và sẽ quyết định chủ đề của 3 tiểu ban và số tham luận tham gia vào các tiểu ban này.

Ban Tổ chức hội thảo sẽ gửi giấy mời và chương trình chính thức đến quý tác giả tham luận vào tuần sau.

2. Ban tổ chức cũng đã nhận được e-mail đăng ký THAM DỰ hội thảo (không có tham luận) của 80 người. Đó là các vị sau:
Trương Đình Tý, Sầm Đồng, Trần Thị Mai An, Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Xáng, Tăng Minh Quang, Trương Công Dưỡng, Dương Tấn Hùng, Đinh Trọng Tuyên, Đinh Thúc Thẩm, Trần Văn Anh (cùng nhóm 4 người ở Duy Xuyên), Hoàng Văn Khẩn, Trần Quốc Thái, Nguyễn Văn Lanh, Trần Thị Phương Huyên, Choi Hana, Nguyễn Ngọc Huyền, Phạm Thế Cường, Nguyễn Văn Chung, Ngô Xuân Phương, Dương Thị Nhung, Nguyễn Ngọc Tuyền, Nguyễn Xuân Tường, Hải Châu, Lê Thị Hồng, Lê Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Dũng, Vũ Đức Khuynh, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Sáu, Đặng Thị An, Hồ Thị Lan, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thị Phước, Lê Bùi Nam, Vũ Đức Trinh, Lưu Ngọc Chấn, Ngô Quang Vinh, Trần Thị Thu Vân, Đoàn Quang Hoàng Phương, Phan Thị Hàn Linh, Võ Văn Tuấn, Trần Văn Sáng, Lê Tấn Phong, Trương Văn Thơm, Đặng Ngọc Tú, Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Gia Cơ, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Đặng Kỉnh, Phan Thị Hoàn, Lê Hải, Trần Thị Thái, Phạm Phú Ngân, Hoàng Tuấn Nhã, Mai Chánh Trung, Tưởng Thị Tú Khuyên, Nguyễn Vinh Sơn (cùng 2 người), Trần Đặng Mậu Hùng, Hoàng Trọng Châu, Lê Nam Trung Hiếu, Mai Thanh Sơn, Phạm Văn Hạng, Nhóm vận động Quỹ tôn vinh chữ Quốc ngữ (10 người).

Trân trọng kính mời quý vị vào lúc 8:00 ngày 28/12/2019 đến Khách sạn Hilton (50 Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng) tham dự hội thảo. Riêng ngày 29/12/2019, Ban Tổ chức hội thảo có tổ chức chuyến tham quan thực tế cho các học giả, nhà nghiên cứu có tham luận tham gia hội thảo tại Thanh Chiêm - Phước Kiều - Hội An (ăn trưa tại Hội An và đưa các tác giả trở lại Đà Nẵng vào buổi chiều).

Vị nào không có tham luận, nhưng muốn tham gia chuyến tham quan thực tế thì đề nghị đăng ký để Ban Tổ chức biết số lượng người tham gia để thuê xe. Quý vị sẽ đóng phí tham gia chuyến tham quan (để trả tiền thuê xe và tiền ăn trưa tại Hội An). Mức phí sẽ xác định sau 10 ngày nữa.

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của quý vị.

Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

https://www.facebook.com/anhsontd/posts/1108151369392766




3.

Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ

Thứ Sáu, 06/12/2019 20:17

Chiều ngày 6/12/2019, tại Trung Nguyên Legend 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, Tạp chí Tia sáng tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ: chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” với sự tham gia của hai diễn giả khách mời là TS Trần Trọng Dương và TS Phạm Thị Kiều Ly.
Ý tưởng buổi toạ đàm được nảy sinh từ câu chuyện thời sự liên quan đến việc đề xuất lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ở Đà Nẵng. Đề xuất này đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội xung quanh vai trò, đóng góp của chữ Quốc ngữ với sự phát triển văn hóa dân tộc: chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”? Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc? Câu chuyện của chủ nghĩa công - tội đã nhận sự phản ứng dữ dội trong nhiều diễn đàn khác nhau. Và cuộc tranh luận ngày càng đa chiều, mở rộng, khởi đi từ vấn đề chữ Quốc ngữ, loang bện sang cả chữ Nôm, chữ Hán, cũng như lịch sử ra đời, vai trò của các loại chữ viết này trong lịch sử Việt Nam.
Buổi toạ đàm hướng tới kiến tạo thêm một diễn đàn, nhằm góp phần luận giải vấn đề bằng những căn cứ, sử liệu và một cái nhìn hệ thống, đa chiều.
Tại buổi toạ đàm, TS Trần Trọng Dương thuyết minh về quá trình kiến tạo các “bức tranh” khác nhau về chữ viết, bối cảnh lịch sử - văn hóa, nền tảng ý thức hệ, và các diễn ngôn lịch sử xoay quanh các vấn đề về hai hệ thống chữ viết dùng để ghi tiếng Việt là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Còn TS Phạm Thị Kiều Ly thuyết minh về lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615-1919, những tác giả xây dựng nên và hoàn thiện chữ viết này.
Theo TS Trần Trọng Dương, trên cơ sở chữ Hán, ông cha chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm từ rất sớm để ghi âm tiếng Việt, chữ Nôm trở thành chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc. Chữ Nôm đồng hành với tiếng Việt suốt trường kì lịch sử, từ chỗ ghi chép tiếng Việt dần trở thành “thao trường” để tiếng Việt nâng cấp/ hoàn thiện (dùng để dịch kinh điển các đạo Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa, dịch văn học, sáng tạo văn học, biên chép lịch sử, ghi chép khoa học, văn bản hành chính, ghi chép văn hoá nghệ thuật… Về sau, chữ Quốc ngữ (trên cơ sở hệ thống chữ cái La tinh) từ thân phận là chữ viết ngoại lai trở thành công cụ của chính quyền, thành động năng/ xung lực để “thay máu tẩy não” dân tộc sau một thời gian dài chỉ biết đến Trung Hoa. Từ “Quốc ngữ” dùng để gọi chữ Nôm ngày trước được hiểu là ngôn ngữ của một bang quốc, một triều đình; còn từ “Quốc ngữ” khi dùng để gọi chữ viết chính thức ngày nay được hiểu là ngôn ngữ của một quốc gia, đồng đẳng với các từ khác có vế “quốc” như quốc dân, quốc học, quốc văn, quốc hồn…, châu tuần xung quanh cái gọi là nation, tất cả hướng đến một nền văn hoá cứu quốc. Từ năm 1945, chữ Quốc ngữ (ngày nay) trở công cụ chính thức để ghi âm tiếng Việt, trở thành công cụ chính trị, công cụ để kiến tạo bản sắc dân tộc, thứ bản sắc mà ai cũng có thể sở hữu/ tự hào. Bản sắc dân tộc là một thứ diễn ngôn được kiến tạo bởi nhà nước. Từ chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ là một lựa chọn của lịch sử, mà lịch sử là những câu chuyện đã rồi, như viên đạn một khi đã bắn đi thì không thể quy hồi. Đứt gãy văn hoá khi thay thế chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ là rất lớn.
TS Trần Trọng Dương tại sự kiện
TS Phạm Thị Kiều Ly cho rằng chữ Quốc ngữ trở thành văn tự quốc gia của Việt Nam mà không phải là của các nước Đông Dương khác là Lào và Campuchia chẳng hạn, bởi đây là sự lựa chọn vừa bị động vừa chủ động của Việt Nam, hay nói cách khác là Việt Nam vừa được lựa chọn vừa bị lựa chọn. “Mẫu quốc” ban đầu muốn hiện thực hoá ý đồ dùng chữ Quốc ngữ làm cầu nối để trẻ con Annam học Pháp ngữ; người Annam lựa chọn chữ Quốc ngữ vì dễ học, dễ sử dụng so với chữ Nôm.
Về câu chuyện đang chia rẽ cộng đồng tranh luận, rằng chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”, Alexandre de Rhodes là danh nhân văn hóa hay là kẻ thù dân tộc, theo TS Trần Trọng Dương thì cả hai nhóm cộng đồng đều xuất phát từ tình cảm yêu nước và tự cường dân tộc, đều muốn sở hữu lịch sử, phán xét lịch sử, nhưng yêu nước theo cách không giống nhau, sở hữu lịch sử theo cách không giống nhau, phán xét lịch sử theo cách không giống nhau. Còn TS Phạm Thị Kiều Ly thì đồng tình với quan điểm của một cử toạ khi cho rằng ghi nhận công của Alexandre de Rhodes là cần thiết, tuy nhiên không nên đánh giá có phần quá khích vai trò của Alexandre de Rhodes, của chữ Quốc ngữ như chúng ta đang chứng kiến; chữ Quốc ngữ chỉ là một sự lựa chọn đầu thế kỉ XX, chỉ là công cụ để ghi âm tiếng Việt; “tiếng ta còn, nước ta còn”, nếu không có chữ Quốc ngữ thì vẫn còn đó “tiếng ta”.
TS Trần Trọng Dương là nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. TS Phạm Thị Kiều Ly nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ, đã bảo vệ luận án về “Lịch sử ngữ pháp hóa tiếng Việt (1615-1919): Lịch sử ngữ pháp và chữ viết Latinh của tiếng Việt” tại Đại học Sorbonne Nouvelle Paris 3.
VIỆT HƯNG
http://vannghequandoi.com.vn/su-kien/chinh-tri-xa-hoi/tu-chu-nom-den-chu-quoc-ngu_10226.html?fbclid=IwAR0ZXU2DOnqX87xArrtntzsu7toAZsJ5pfQWZ185rWV_wF3Yz_BQzoI6_HI




2. Ngày 2/12/2019

"








ĐÔI LỜI NÓI ĐẦU
Trong những ngày qua, lại một “cuộc chiến” nổ ra! Tranh luận về việc vinh danh các nhà tiên phong chữ quốc ngữ. Trong tranh luận, thậm chí “tranh cãi”, ngoài những lập luận đúng mực, khó tránh khỏi những cách nhìn cực đoan, chẳng hạn như hoặc
1 Chê bỏ quá khứ một cách tuyệt đối! như “nếu không có quốc ngữ, chúng ta ngày nay mù chữ rồi!”.vv . Điều hẳn không đúng, bỏi vì dân TQ, Nhật, Hàn .. ngày nay có mù chữ đâu?
2 Viễn mơ vào quá khứ! Như “Thực dân Pháp tiêu diệt Hán Nôm”, “Mất Hán Nôm là mất hồn dân tộc”..
Trong các “lý lẽ” đó, tôi cảm nhận một điều, hoặc là do “nóng đầu” hay là do không rõ “Hán Nôm” thực sự ra sao. Chẳng hạn như
- Nêu gương Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng bỏ qua thực tế là chữ “nôm” của hai nước này như Hiranaga,Katanaka,Hangul khác xa chữ Nôm của Việt Nam, về mặt cấu tạo. Dẫn tới tính khó phát triển của chữ nôm..vv
- Ca ngợi tính “tượng hình”,”tượng ý” của chữ hán, vẻ đẹp của nó vv. Như thể có cái gì “thiêng liêng”, “cao đạo”,”thâm trầm”,”minh triết đông phương”. Bỏ qua thực tế là phần lớn chữ Hán chỉ dùng phép “hình thanh” , một phép ký âm lạc hậu và không chính xác..vv
Điều đó, cũng bình thường. Từ đầu thế kỷ 20 , chính các nhà nho thức thòi đã nhận thức sưcc mạnh của “quốc ngữ”, tự giải ảo. Cổ động, lập trường dạy quốc ngữ. Trải qua dăm thế hệ, đến nay thì cả nhưng “cụ” 80 tuổi cũng chằng mấy ai đọc được chữ Hán , huống hồ là chữ Nôm.
Vì thế, trong tinh thần “cùng học”, tôi cố gắng viết lại những gì mình đã tìm hiểu, không phải là để “bảo vệ quốc ngữ”!
Vì quốc ngữ có sức sống mãnh liệt, chả cần ai bênh vực! Bài sẽ chia thành nhiều kỳ, bởi vì vấn đề phức tạp, vả lại trên mạng khó ai có thời giờ đọc một bài dài .. đại cà sa! Nó bao gồm các phần:
1/Tổng quan 2/Chữ "Nôm" tại Nhật Bản và Triều Tiên 3/Chữ Hán , 4/Chữ Nôm, 5/Quốc Ngữ 6/Kết luận.
Phần “Tổng quan” cố tóm tắt nội dung, ý chính , và sẽ được khai triển chi tiết trong các chương sau.
Với sự hiểu biết “không chuyên” , mong các bạn cùng chia sẻ, góp ý.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
TỔNG QUAN

Trong tranh cãi về Quốc Ngữ-hán nôm tôi thường hay nghe người ta .. mơ và ta thán.
Nào là bỏ Hán Nôm làm mất cái “hồn dân tộc”, “thực dân Pháp” tiêu diệt Hán Nôm... và mơ về “quá khứ cha ông”. Mơ , giá được như người Nhật , Hàn.
Tất nhiên, nếu không có chữ quốc ngữ , thì người Việt vẫn tiếp tục Hán Nôm , và không “mù chữ”!
Trong xã hội cổ truyền , với truyền thống “biết dăm chữ bỏ bụng”, mang ước mơ “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, nho sĩ là “tiên chỉ” trong làng, “thầy đồ” được trong vọng, xã hội VN thủa xưa , cũng như các nước “đồng văn” không hoàn toàn “thất học”. Thế nhưng phải giải quyết các khó khăn của nó. Phải giải quyết thực sự! Không đơn giản như khi có loại chữ cái, an-pha-bê.
Chữ Hán có độ 50.000 chữ. Chả ai có thể nhớ hết.
Nhưng muốn thoát “mù” thì cũng ... dễ!
“Biết dăm chữ” như bà mẹ quê dẫn con đến thầy đồ, thì cũng không gọi là mù.
Thế nhưng, thế thì chẳng đủ. Thoát “mù chữ” chưa phải là có “học”.
Muốn đọc báo , phải biết cỡ 2000-3000 chữ.
Muốn gọi là có “học vấn” , phải biết cỡ 8000 chữ.
Muốn đọc cổ văn? Thì .. vô hạn! Chỉ còn nước tra tự điển , và có đào tạo tử tế.
Có lần, tôi đưa cho bạn tôi, một kỹ sư người Bắc Kinh, bản “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” và hỏi
Thứ này mày đọc được không?
Tao chịu!
Nó thế! Bạn tôi cũng “chữ nghĩa”, trình độ đại học. Thành thử, người Việt mơ “bỏ bụng” vài trăm chữ , mà nghĩ mình có thể đọc câu đối, văn chương, lịch sử .. để “giữ hồn dân tộc” thì là.. mơ! Người Hoa phải học, phải dùng thường ngày nên đành học và nhớ. Nếu không dùng thường ngày , sẽ quên ngay. Các nhà giáo dục đừng mơ dạy học sinh vài trăm chữ Hán.

“NÔM” NHẬT , HÀN – Hiragana , Katanaka – Hangul
Khi mơ giống như Nhật, Hàn thì cần biết rằng “nôm” nhật khác xa “nôm” Việt.
Ở các nước này, thí dụ như Nhật, khác Việt Nam, từ thời xa xưa , đã tự tao ra “nôm” của họ như Hiragana(TK 5), Katanaka (TK 10) , Hangul ( TK 15) để bổ sung cho Hán tư Kanji (Nhật) , Hancha(Hàn).
Khác với chữ Nôm , phần lớn dựa trên “ghép hai chữ hán, một chỉ nghĩa , một gợi âm” , các thứ chữ này là hoàn toàn “ký âm” , một loại “alphabet” như ở Tây Phương.
Thí dụ như số ký tự trong các loại “nôm” này là:
Katanaka - 48
Hiragana - 46
Hangul- 28
Để tạo chữ “nôm” người Nhật dùng chữ một số chữ Hán, bỏ ý nghĩa, giản hóa để ký âm. Chằng hạn như lấy chữ Hán để tạo Hiragana:
安 ( Hán Việt:“An”) , viết thành あ để ghi âm “A”
宇 ( Hán Việt:”Vũ”) , viết thành う để ghi âm “U”
Với hệ thống ký tự đơn giản đó, để thoát mù chữ, rất đơn giản.
Người ta chỉ cần đến chữ Hán khi học cao hơn. Trẻ con không cần chữ Hán đã có thể đọc sách.
Và muốn học Hán Tự thì phải có lộ trình. Như ở Nhật bản phải chia ra như sau: Tiếu học 1006 chữ , Trung học 950 chữ. Các chữ này là chữ “thường dụng”. Như thế tổng cộng chừng 2000 chữ.
Và không phải là dễ cho học trò. Nếu ở Mỹ , số ngày học trong năm của học sinh trung bình là 178 ngày thì ở Nhật là 240 ngày.
Thế thì ta có thể hỏi, tại sao người Nhật “khổ” thế với chữ viết, phải chăng họ chỉ muốn giữ “hồn Nhật”?
Không hẳn thế, tuy đó là một lý do, mà chủ yếu là khó có chọn lựa khác.
Hệ thống ký âm Nhật Bản đã có quá trinh phát triển đén 15 thế kỷ ( khác chữ Nôm VN nhiều lắm!) , nhưng có giới hạn của nó , khiến cho nhiêu lúc dùng kèm Hán Tự (Kanji) lại tiện lợi hơn, viết ngắn hơn, dễ hiẻu hơn.
Nếu tiếng Việt có nhiều thanh điệu (6 thanh) thì tiếng Nhật ( và Hàn) không có. Không có thanh điệu tất phải là đa âm, nói dài hơn! Thí dụ người việt nói “TÔI”, vỏn vẹn một âm, thì người Nhật phải dùng đến ba âm tiết WA-TA-SHI. Bởi thiếu thanh âm nên một từ Hán chuyển sang Hán Việt khó bị lẫn lộn như tiếng Nhật. Lấy ví dụ tên hai thành phố TO-KY-O , KY-O-TO thì người Việt đọc là “ĐÔNG-KINH”, “KINH-ĐÔ”. Chữ ĐÔ(都) và chữ ĐÔNG (東), người Nhật phát âm thanh một, “TÔ”. Ngoài việc dễ lẫn lộn, gây hiểu lầm, do tính đa-âm độ dài của chữ khiến phải viết dài dòng. Viết bằng chữ Hán đâm ra nhanh hơn.
Thí dụ ta muốn dùng từ “chí” để nói “có CHÍ thì nên”, từ CHÍ là Hán Việt của 志. Viết quốc ngữ rất gọn. Người Nhật “khổ” hơn. Họ phải nói “chí” thành ko-ko-ro-za-shi. Dùng Hiragana こころざし hay Katakana ココロザシ , rất phiền. Họ viết “tắt” bằng Kanji 志 , cho nó nhanh!

NÔM VIỆT
Bây giờ chúng ta thử .. vất bỏ thứ chữ “thực dân”, hãy trở lại chữ Nôm để “giữ hồn dân tộc” xem sao nhé! Thay vì viết
“CÓ CHÍ THÌ NÊN” hãy thử viết chữ Nôm:
固志旹揇
Xem ra rất Dân Tộc. Nếu dùng bút lông mà viểt một bức “thi pháp” thì thật tuyệt vời. Thế nhưng .. đọc ra sao? Thế này:
Chữ 固 , vốn là chữ Hán , âm Hán Viêt là “CỐ”, có nghĩa là “bền chắc...” , nghe giống “CÓ” , nên đọc “nôm” thanh “CÓ”.
Chữ 志 , là chữ Hán, âm Hán Việt là “CHÍ”.
Chữ 旹 , là chữ Hán , âm Hán Việt là “THỜI”, “THÌ” , có nghĩa là “thời gian , thời giờ” , nên đọc thành “THÌ”.
Chữ 揇 thì.. phiền hơn. Nếu tra từ điển Hán sẽ không có. Đó là từ Nôm, được ghép bởi hai chữ Hán:
南 : Nam nghĩa là "phương nam" , và
扌thủ , nghĩa là "tay" .
"NAM" âm gần giống "NÊN" . "Tay" hàm nghĩa là "làm". Bởi thế đọc là "NÊN".
Kể ra, ngoài phải biết chữ Hán cũng cần phải thêm chút .. suy luận để hiểu nhỉ?
Chưa hết! Chữ Nôm không có chuẩn, nguyên tắc quy định, mỗi người có thể viết một kiểu, tùy ý. Nên nó có thể rất .. nhiều cách.
Để viết “CÓ” ta có thể dùng 固 , 箇, 𣎏 . Để viết “THÌ” ta có thể dùng 旹, 时, 時. Để viết “NÊN” ta có thể dùng 揇, 年, 𢧚.
Qua ví dụ trên, ta có thể thấy, khác với hai nước “đồng văn” đã phân tích ngữ âm của họ, chuẩn hóa thành bộ chữ cái, Việt Nam đã không thoát khỏi chữ Hán với sự phức tạp của nó. Để hiểu tính phúc tạp này, thiết tưởng cũng nên hiểu sơ lược về chữ Hán.
CHỮ HÁN
Trước hết, để tạo chữ, chữ Hán dùng sáu cách , gọi là “lục thư”:
Tượng hình , Chỉ sự , Hình thanh , Hội ý , Chuyển chú và Giả tá.
-Tượng hình- Đây là cách đơn giản nhất mà loài người đã dùng đầu tiên từ thủa sơ khai khi chữ viết nảy sinh, như chữ Ai Cập thủa đầu tiên. Nó không có gì là “huyền bí”, “thâm sâu”. Đơn giản là người ta muốn viết “con bò” thì vẽ con bò , “con ngựa” thì vẽ con ngựa. Người Trung Hoa “vẽ” hình người, có hai chân - 人 đọc là “nhân”. Con ngựa , có bờm, bốn chân - 馬 – “Mã” . Người đàn bà - 女 – “Nữ” .
-Chỉ sự- Không thể nào “vẽ” mọi sự! Nên người ta cần mô tả, chắng hạn như vẽ một gạch ngang, thêm một thanh đứng, thêm một vạch ngắn ở trên thành chữ “Thượng” 上 , ở dưới thành chữ “Hạ” 下.
-Hội ý. Chẳng thể “tương hình”,”chỉ sự” mọi sự vật. Người ta phải gom các chữ lại để gợi ý. Chằng hạn như dùng “mái nhà” 宀 che trên “đàn bà” 女 thành chữ 安 , “An”. Người phụ nữ được che chở bởi mái nhà, thế chằng phải là An toàn sao? Trên là mái nhà 宀 , dưới là con lợn 豕thì thành chữ 家, “gia”.
- Chuyển Chú và Giả tá: đây là hai phép “dùng đỡ”. Ở một số chữ, người ta dùng “chuyển chú” , nghĩa là “dùng tạm” thanh âm một chữ để viết chữ khác có nghĩa gần giống, thí dụ như, dùng chữ “trường” 長 là dài để viết chữ “trưởng” nghĩa là lớn lên; thậm chí có nghĩa khác hằn như dùng chữ “vạn” 萬nghĩa là “con bò cạp” để “giả tá” thành chữ “vạn” nghĩa là 10.000.
-Hình thanh: Ý tưởng con người là vô hạn! ngôn ngữ do đó cứ phát triển, từ ngữ cứ thế mà phát sinh. Ta không thể nào “vẽ” mãi, “miêu tả” hoài, cho dù là . họa sĩ! Chữ Hán cũng phát triển giống như mọi thứ chữ trên thế giới, tiến tới “ghi âm” tiếng nói! Và đó là phép “hình thanh” , nghĩa là ghép các chữ có sẵn , phần “hình” gợi ý , phần “thanh” gợi âm thanh. Chỉ
“gợi” gần gần mà thôi. Ý gần gần đâu đó! Âm nghe giông giống. Chằng hạn như:
-Đã có chữ “thành” 成 , nghĩa là [trở] thành, cần viết chữ “thành” nghĩa là thành [trì], thì ghép thêm bộ “thổ” 土, nghĩa là “đất” để gợi ý , trở nên chữ 城.
-Đã có chữ “mã” 馬, là con ngựa, cần viết chữ “ma” có nghĩa là người mẹ, ghép thêm bộ “nữ”, nghĩa là đàn bà để gợi ý , trở nên chữ 媽. Đàn bà + Con Ngựa thành .. Mẹ !
Ấy là “hình thanh”!
Và đó là phép cấu tạo chính của chũ Hán, theo nhiều nghiên cứu, nó chiếm khoảng 80-90% số từ Hán.
Trên thế giới, từ thủa xa xưa, khoảng ba ngàn năm trước, các hệ thống chữ viết đã phát triền lên thành chữ ký âm, đơn giản. Ngay cả chũ Ai Cập thời kỳ sau, vẫn trông tưởng như “tượng hình”. Không phải! Người ta có thê “đánh vần”, bởi nó đã phát triển thành “ký âm”. Nó chả có gì là “huyền bí”. Ngay cả mẫu tự “A” mà chúng ta ngay nay dùng, cũng có “tiền thân tượng hình” là .. con bò! Con bò gọi là “aleph” , người xưa vẽ đầu bò có hai sừng. Dần dà , lấy đó ghi âm “a”, lộn ngược đầu lại mà thành A.
Trung hoa , quẩn quanh trong qua khứ ngàn nãm. Không phân tích thành “mẫu tự”. Mà chỉ dùng âm “giông giống”, nghĩa “đâu đó” , tùy tiện, đại khái, nhang nhác!
Chữ nôm , bị trói chặt trong chữ Hán, “thừa hưởng” tất cả nhưng thứ phức tạp, luộm thuộm của nó.
Thê nhưng nó vẫn là di sản quý báu của cha ông, qua nó các cụ truyền tải, lưu lại được biết bao thơ văn , tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ .
“Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”.
Thế nhưng, do điều kiện lịch sử, nó không có cơ hội để phát triển, hệ thống hóa, hợp lý hóa.. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 nó vẫn là một thứ chữ “tùy tiện” và đành phải nhường bước cho “quốc ngữ”.
Chữ Nôm tự đào thải , không phải do ai “áp đặt”, “giết” nó. Chữ “quốc ngữ” phát triển chẳng phải do một ai “ép buộc”. Chính các nhà nho “thức thời” và các nhà “tân học” đã cổ súy và tiếp tục phát triển nó. Chủ yếu là do tính hợp lý của quốc ngữ.
Nhưng ai hay so sánh Việt Nam và Nhật Bản, Triều Tiên chớ nên quên rằng lịch sử hai nước này khác xa Việt Nam, khác rất lớn.
Nếu như Việt Nam chỉ dành được độc lập từ thế kỷ thứ 10 thì Nhật Bản chưa hề mất đọc lập , Triều Tiên tuy có lúc bị Trung Hoa lấn chiếm nhưng chưa hề hoàn toàn bị thôn tính, nhưng vương quốc Triều Tiên như Bắc Tế, Tân La, Cao [câu] Ly vẫn tồn tại. Nếu Việt Nam chỉ có 1 thế kỷ phát triển trong độc lập, văn hóa bị phủ bởi Trung Hoa như bị bóng cây phủ rợp thì ở Nhật Bản, Triều Tiên có điều kiện phát triẻn văn hóa độc lập, nếu có ảnh hưởng Trung Hoa , thì đó là do “tự nguyện”.
Với hai thiên niên kỷ phát triển độc lập, với những trièu đại vững bền, với nền học thuật vững mạnh, với những học giả có chiều sâu , hai nước Nhật Bản, Triều Tiên đã tự xây dựng hệ thóng chữ viết khá hoàn chỉnh của họ. Vua Sejong ( Thế Tông) ở Triều Tiên , thế kỷ 15 , khi sáng chế ra Hangul, chắc chắn không phải do ông, mà do rất nhiều học giả tinh thông về ngữ âm. Họ phân tích âm tiếng Hàn kỹ lưỡng, tinh vi mới quy ra được ký tự. Nhật Bản cũng thế, Hiragana là công trình của các nhà quý tộc , Katanaka của các thiền sư. Họ là các người có điều kiện học rộng biết nhiều, các nhà sư sang Ấn Độ học chữ Phạn, vốn là một thú chữ “ký âm”. Thu nhập văn hóa Trung Hoa, Ẫn Độ một cách tường tận. Trên cơ sở đó hệ thống chữ viết phát triển, và trên cơ sở đó , văn học, triết học.. cùng phát triển.
Việt Nam, thiếu các điều kiện đó. Không phải do lỗi riêng ai, hay một vị vua nào mà một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh không được hình thành. Không chỉ riêng Hồ Quý Ly hay vua Quang Trung mà nhiều vua chúa khác như chúa Trịnh cũng muốn phát triển chữ Nôm. Nhưng các vị đó làm được gì khi không có một tập thể đông đảo học giả, một nền học thuật thâm hậu? Ra một mệnh lệnh, một chiếu chỉ chả ăn thua gì. Các nhà nho như Ngô Thời Nhậm cũng biết thực trạng đó. Ông từng viết “Chữ nước ta khó hơn chữ Trung Quốc” ( Ngã quốc tự giảo nan ư Trung Quốc ). Biết thế , nhưng một học giả như Ngô Thì Nhậm cũng không làm gì khác hơn được, trong cả nền học thuật thời đại ông, ông đành dùng chữ Hán là chủ yếu.
Ở đầu thế kỷ 17, trong khung cảnh như thế, các nhà truyền giáo tây phương xuất hiện, Franscisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Christophoro Borri.. họ đến truyền đạo trong lén lút. Địa vị họ thật nhỏ bé, mang quà cáp biếu xén cho Chúa, năn nỉ xin được tạm trú, dùng kiến thức vượt trội như thiên văn để lấy uy tín với nhà cầm quyền, sống trong dân, thậm chí bỏ giầy đi đất như Christopho Borri, sống đơn giản , đạo hạnh để truyền đạo. Họ bị bắt lên bắt xuống, tùy ý nhà cầm quyền. Giáo dân lúc có thể hành đạo , lúc bị bách hại. AD Rhodes bị bắt nhiêu lần, khi trở về Âu Châu , ông mang theo hài cốt của thầy giảng người Việt , An Rê Phú Yên, bị xử tử vì không bỏ đạo. Trong hoàn cảnh bất an, bị bắt bớ, ngoài thời gian giảng đạo, tổ chức giáo hội , các tu sĩ dòng Tên này vẫn còn thì giờ , đam mê để , dỏng tai “Tây” lên mà nghe tiếng việt với sáu thanh âm, suy nghĩ , phân tích ngữ âm vv. Từ đó mới ra sắc huyền hỏi ngã nặng!
Tại sao họ làm được nhưng gì mà ở nước Đại Việt, không nhà nho nào, không thiền sư nào, cho dù triêu đại nào làm được? Chẳng phải chỉ do sự cần cù của họ , mà chủ yếu do họ không bị cột vào một nền văn minh lỗi thời lạc hậu. Họ được đào tạo chuyên nghiệp, trong nền học thuật thâm hậu, với nền tảng khoa học về ngôn ngữ, ngữ âm. Một nền học thuật nảy sinh trên một nền văn minh tiên tiến hơn.
Với điều kiện đó, họ đã tặng cho dân tộc ta, đất nước ta một món quà vô giá.
Với chữ “Quốc Ngữ” không những là phương tiện để người Việt hội nhập vào nền vãn minh hiện đại của thế giới , không những “Tây” mà cà “Đông”, mà còn giữ gìn di sản cha ông.
Ngày nay.
Ai cũng có thể đọc “Kiều”,”Lục Vân Tiên” ai cũng có thể có một bản Kiều quốc ngữ trong nhà.
Ai cũng có thể đọc từ “Khóa Hư Lục” thời Trần, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” thời Lê .. cho đến “Khâm định Việt Sử” thời Nguyễn băng “quốc ngữ”.
Ai cũng có thể đọc “Luận Ngữ” của Khổng Tử, “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử... bằng “quốc ngữ”!
Có nhà nho nào thủa xưa , có điều kiện “thiên kinh vạn quyển” như thế?
Thế chẳng phải “QUỐC NGỮ” đang GIỮ HỒN NƯỚC hay sao?

Đoan Hùng – 12-2-2019
"

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=105770280907202&id=105309667619930&__tn__=K-R






1. Ngày 1/12/2019

"
Trong phong trào toàn dân (mạng) cổ võ cho chữ Quốc ngữ, đáng tiếc là bắt đầu có những tiếng nói coi thường và phủ định (chữ Hán và) chữ Nôm. Đó là lối tư duy thô sơ, kiểu như để nâng Tây Sơn thì phải dìm nhà Nguyễn hồi xưa. Một số người còn trích dẫn vài chữ Hán chữ Nôm để loè bịp dân mạng, tưởng họ giỏi thật!!!
Nhưng nếu bạn có chút tri thức về văn tự học, và tự biết gạt bỏ cái thành kiến dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, hay kiểu tư duy tao thích màu xanh vì mày thích màu đỏ, thì bạn sẽ tự hiểu rằng: chữ abc hay chữ vuông đều có giá trị của mình, chữ ấy có phù hợp với việc ghi chép ngôn ngữ nào đó hay không mới là điều quan trọng. Loại hình văn tự và loại hình ngôn ngữ không phải không liên quan gì đến nhau, nói cho dễ hiểu thì nồi tròn úp vung tròn, chứ đem cái vung vuông vào thì không hợp nhưng vẫn úp được nếu cái vung vuông to hơn cái nồi tròn.
Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều có công với lịch sử Việt Nam. Nếu không có chữ Nôm thì ta đâu biết được tiếng Việt ta thế kỉ 15 thế nào (qua thơ Nôm Nguyễn Trãi)? Nếu không có chữ Quốc ngữ thì làm sao ta có thể nhanh chóng xoá nạn mù chữ từ trăm năm trước? Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ không có gì mâu thuẫn nhau, chúng là anh em một nhà, ông anh gánh mỏi rồi thì chuyển gánh cho ông em. Đừng vì khen em mà chửi anh, nghe buồn cười lắm! Việc lựa chọn sử dụng văn tự nào, ngoài nguyên nhân ngữ văn học, thì còn có nguyên nhân chính trị, lịch sử, văn hoá. Thổ Nhĩ Kì chủ động lựa chọn thay đổi văn tự, dẫn đến văn hoá cũng thay đổi.
Mời đọc bài viết của nhà ngữ học Cao Xuân Hạo, để hiểu góc nhìn của một chuyên gia thực thụ, chứ không phải kiểu chuyên-gia-mạng cái gì cũng chém được, trừ cái chuyên môn sâu mà anh ta được đào tạo, vì ở chỗ đó anh ta biết mình dốt (còn tất cả những chỗ anh ta không biết thì thì lại tưởng mình giỏi).
"
https://www.facebook.com/nandemonai.2012/posts/10157866703104936


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.