Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/01/2016

Hình tượng Phan Đăng Lưu (1902-1941) trên sâu khấu cải lương

Mai thì mình và gia đình sẽ tới xem tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ viết về Phan Đăng Lưu.

Nhường nhịn là đức tính của nhà cách mạng trí thức Phan Đăng Lưu. Ở hành động cao nhất, là ông đã nhường chức Tổng Bí thư Đảng cho Trường Chinh, đọc lại ở đây.

Dưới là tin từ các nơi.

---

"Hừng đông" khắc họa hình tượng Phan Đăng Lưu trên sâu khấu cải lương

04/01/2016 18:14

(NLĐO)- Tác giả Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, vở cải lương “Hừng đông” như một lời hứa, một lời tri ân của những người hôm nay, nhất là thế hệ trẻ với các thế hệ đi trước.


Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, tác giả Nguyễn Thế Kỷ và bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc VTV, tại buổi họp báo giới thiệu vở diễn
Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, tác giả Nguyễn Thế Kỷ và bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc VTV, tại buổi họp báo giới thiệu vở diễn
Hừng đông”, vở cải lương khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô từ 7 đến 9-1. Vở diễn chào mừng đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.
Tại buổi họp báo ra mắt vở diễn được tổ chức chiều 4-1, tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu thật sự là một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, nhiều cống hiến nhất của Phan Đăng Lưu là những năm tháng ông hoạt động tại Huế sau 7 năm bị đế quốc giam cầm trong nhà lao Vinh và nhà lao Buôn Mê Thuột. Ông trở thành linh hồn, góp phần có tính quyết định cùng bộ chỉ huy cao nhất của Đảng ở Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở đây giành được nhiều thắng lợi vang dội, xuất sắc những năm 1936 - 1939.
Có thời điểm, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hầu hết Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch bắt (năm 1940), chỉ còn duy nhất Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng là Phan Đăng Lưu chưa bị bắt đang trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ. Tại Hội nghị trung ương 7, có ý kiến đề cử Phan Đăng Lưu làm Tổng Bí thư của Đảng vì ông là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng duy nhất còn ở ngoài nhà tù, nhưng bằng sự khiêm nhường, sáng suốt, ông phân tích tình hình, đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Ông nói rõ một điều sâu sắc mà xúc động, ông phải vào ngay Nam Kỳ, đồng chí, đồng bào trong đó đang trông chờ từng ngày, từng phút sự chỉ đạo của Đảng, của ông. Ông nắm chắc tình hình, quen thuộc anh em, đồng chí trong đó, mặt khác, ông trở lại Nam Kỳ, rất có thể, kẻ thù sẽ bắt được ông, sẽ tử hình ông, đừng để Trung ương lại phải bầu một Tổng Bí thư khác.
Và thực tiễn cách mạng đã diễn ra như ông nói. Ngay sau Hội nghị Trung ương 7, với trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu tức tốc trở lại miền Nam. Khi ông chưa kịp về đến Sài Gòn - Chợ Lớn thì khởi nghĩa Nam Kỳ đã bùng nổ. Khí thế cách mạng ngút trời, kẻ thù dìm Khởi nghĩa Nam Kỳ trong biển máu. Như một tất yếu đớn đau, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng chí khác bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của đất nước.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ Hừng đông một lời tri ân của những người hôm nay, nhất là thế hệ trẻ với các thế hệ đi trước
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ "Hừng đông" một lời tri ân của những người hôm nay, nhất là thế hệ trẻ với các thế hệ đi trước
Đối với tác giả Nguyễn Thế Kỷ, người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu không chỉ là nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn mà còn nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu, tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.
“Hừng đông” được xây dựng với 7 cảnh, từ khi Phan Đăng Lưu là nhân viên Trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà đến khi ông bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy của thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng; những hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu ở Huế, ở nhà tù Buôn Ma Thuột (1929-1936) đến khi ông chỉ đạo đấu tranh nghị trường, báo chí, văn hóa, tư tưởng ở Huế (1936-1939)… Vở diễn kết thúc bằng cảnh kết “Hừng đông”, khi Phan Đăng Lưu bị địch bắt ngay khi về đến Sài Gòn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong khí thế cách mạng ngút trời của quần chúng; kẻ thù đàn áp hết sức dã man. Phan Đăng Lưu cùng nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do…
Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, vở cải lương “Hừng đông” như một lời hứa, một lời tri ân của những người hôm nay, nhất là thế hệ trẻ với các thế hệ đi trước, nguyện sống, phấn đấu, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh.
Đạo diễn, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên chia sẻ, đã nhiều năm nay Nhà hát cải lương Việt Nam mới dựng vở về đề tài chiến tranh cách mạng. “Các nghệ sĩ đặt lên vai mình trách nhiệm nặng nề, đồng thời chúng tôi cũng rất lo lắng có hoàn thành nhiệm vụ hay không” - ông Kiên nói. Cũng theo đạo diễn này, để tăng sự hấp dẫn cho “Hừng đông”, ê-kíp sản xuất sẽ đưa lên sân khấu vở cải lương này nhiều loại hình âm nhạc khác như pop, rock, dân gian đương đại…


“Hừng đông” là sản phẩm hợp tác giữa Nhà hát cải lương Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Các diễn viên chính: Quang Khải (vai Phan Đăng Lưu), Thu Hiền (vai Nguyễn Thị Danh), Như Quỳnh (vai Nguyễn Thị Minh Khai), Hoàng Tùng (đảm nhiệm 3 vai: Phan Đăng Dư, Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm…)



Yến Anh






Xem thêm

Thứ sáu, 23/1/2015 | 09:32 GMT+7


Vở cải lương lịch sử "Mai Hắc Đế" do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng sẽ công diễn vào ngày 27/1 tới tại Hà Nội. 

Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, là vị anh hùng dân tộc, sinh vào cuối thế kỷ thứ bảy. Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu năm 713 (nhiều nguồn ghi là năm 722), chống lại ách thống trị, xâm lăng của nhà Đường, xưng Đế và trị vì đất nước trong 10 năm. 
body-5848-1421976425.jpg
Tạo hình một số nhân vật trong "Mai Hắc Đế".
Nhằm xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc, vở Mai Hắc Đế được Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện theo kế hoạch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Tác phẩm xây dựng trên kịch bản của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên - cặp biên kịch, đạo diễn làm nên thành công của vở cải lương Chuyện tình Khau Vainăm 2014.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông quan tâm và ấp ủ một tác phẩm với hình tượng nhân vật Mai Hắc Đế từ lâu, nhất là sau cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu do Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tổ chức năm 2013. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, khởi nghĩa Hoan Châu là cả một cuộc chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tầm chiến lược của Mai Thúc Loan trong gần 10 năm, chứ không chỉ là một cuộc tự phát của đoàn phu cống vải. Bởi thế, trong tác phẩm có nhiều chi tiết hùng tráng của cuộc khởi nghĩa, khi quân Mai Thúc Loan liên kết với các hào kiệt trong nước, các nước lân cận thời bấy giờ như Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân. Cũng giống như Chuyện tình Khau VaiMai Hắc Đế có hai phần ba kịch bản được viết bằng thơ.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên xây dựng tác phẩm trên quan điểm hư cấu nghệ thuật không thoát ly sự thật lịch sử. Anh mong muốn tái hiện được cuộc khởi nghĩa Hoan Châu một cách chân thực và sống động trên sân khấu cải lương. Bởi thế, vở diễn động viên hơn 100 người thực hiện.
Theo ước tính, chi phí cho đợt công diễn tác phẩm tại Hà Nội và Nghệ An lên tới gần 3 tỷ đồng, trong đó có 600 triệu tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước, số còn lại lấy từ nguồn xã hội hóa.
Mai Hắc Đế sẽ có ba buổi diễn miễn phí tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội vào các tối 27, 28 và 29/1. Sau đó, vở cải lương sẽ có chuyến lưu diễn tại Nghệ An nhân kỷ niệm 1302 năm khởi nghĩa Hoan Châu vào các ngày 3 và 4/3.
Lam Thu




Bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Kỷ làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Ngày 16/8, Ban Bí thư Trung ương Đảng ký Quyết định số 1744-QĐNS/TW bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Kỷ giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thời hạn 5 năm. 
Ông Nguyễn Thế Kỷ là Tiến sĩ Ngữ văn, sinh năm 1960, quê Nghệ An; từng trải qua các vị trí công tác: Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An; Tổng biên tập Báo Nghệ An; Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.