Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/05/2019

chùa Mèo của người Mường ở huyện Lang Chánh : Nguyễn Huệ biến thành Nguyễn Trãi

Chúng tôi đang dự kiến du lãng vùng Lang Chánh ở xứ Thanh.

Bởi vậy, nhìn nhanh tư liệu dạng báo chí về chùa Mèo nổi tiếng trong vùng. Nhiều câu chuyện thú vị được báo chí trình bày. Nhưng chắc do buồn ngủ lúc "sao chép", nên có thể có "nhầm lẫn", ví dụ: biến Nguyễn Trãi thành Nguyễn Huệ để mang quân đi đánh quân Thanh, có qua chùa Mèo cầu khẩn.

Đại khái thế. Bài đầu tiên là từ Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp (một tờ tạp chí mới ra mắt).

02/05/2019

Cư sĩ học giả Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) qua góc nhìn của một người cháu ruột

Thiều Chửu là tác giả của Hán Việt tự điển, gọi tắt là "tự điển Thiều Chửu".

Chúng tôi đọc sách của Thiều Chửu ở tuổi lên mười. Những trang giấy ố vàng in hồi đầu thế kỉ XX. Bài đầu tiên tôi đọc là đoạn là cụ viết về "nhân duyên". Cụ giảng "nhân" là gì và "duyên" là gì, rồi ghép lại "nhân duyên" là gì theo nghĩa nhà Phật. 

Thời ấy, thầy tôi thường kể chuyện về cụ trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà ở cạnh một dòng sông. Đôi khi chúng tôi xem các bút tích của cụ. Thầy là cháu gọi Thiều Chửu là chú ruột (cư sĩ Nguyễn Hữu Kha 1902 - 1954 là em ruột của nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo 1900 - 1966; thầy tôi là con cụ Tảo).

01/05/2019

Một biểu tượng tình hữu nghị Việt - Nhật (bài Shiraishi)

Một bài viết bằng tiếng Việt trên tờ Thanh Niên của học giả Shiraishi - người Nhật Bản, chuyên gia về sử cận hiện đại Việt Nam. Lĩnh vực hẹp của ông là về Phan Bội Châu (luận văn tiến sĩ sử học của ông là về Phan Bội Châu đã được xuất bản, cũng đã có bản dịch tiếng Việt được xuất bản tại Việt Nam khoảng 20 năm trước).

Bài đã lên mạng từ tháng 10 năm 2018, nhưng bây giờ tôi mới thấy.

Tạm đưa về đây.

Nhìn chung là một bài nhàn nhạt. Không nghĩ đó là bài của Shiraishi. Có chút lăn tăn. Trong hội thảo cuối tháng 12 năm 2017 (đã tạm ghi nhanh ở đây), bác Shiraishi cũng có trình bày một bài ở phiên toàn thể. Lúc đó, cũng đã nghĩ lăn tăn rồi (còn có hai lăn tăn khác, thì đã viết nhanh ở đây).

Ngày thứ nhất, năm thứ nhất niên hiệu Lệnh Hòa : Thứ Tư, mùng 1 tháng 5 năm 2019

Sáng hôm nay, Thứ Tư ngày 1 tháng 5 năm 2019, vị Thiên Hoàng mới của Nhật Bản đã lên ngôi. Lễ đăng quang vừa kết thúc. Chúng ta đang ở vào ngày thứ nhất của năm thứ nhất niên hiệu Lệnh Hòa.

Cũng là chính thức khép lại niên hiệu Bình Thành.

Tân Thiên Hoàng sinh năm 1960, năm nay 59 tuổi (theo cách tính "tuổi ta" của cả Việt Nam và Nhật Bản thì tròn 60 tuổi, vừa hết một vòng hoa giáp, tiếng Nhật gọi là hoàn lịch). 

30/04/2019

Du lãng vùng Tân Bồi vào cuối tháng 4 năm 2019

Từ An Bồi, chúng tôi đi Tân Bồi.

Câu chuyện về khu vực Tân Bồi ngày trước, một lúc nào đó, tôi đã điểm nhanh trên Giao Blog. Ví dụ ở đây hay ở đây. Đó là hồi 1938 - 1939, tức 80 năm về trước. Lúc ấy, chính quyền địa phương lấy 1500 mẫu đất bãi ven biển của 13 xã thuộc tổng Tân Bồi (huyện Thái Ninh cũ, huyện Thái Thụy ngày nay) đem giao cho tư nhân để lập đồn điền.

Bây giờ, chúng tôi đang du lãng ở chính cái vùng Tân Bồi ấy.

Khung cảnh của thôn Tân Bồi hiện ra. Lúc đầu, hơi ngỡ ngàng một chút.

Cách "sáng chế" các bài quốc tế ISI của một học giả trẻ ở Đại học Quốc gia Hà Nội


28/04/2019

Khoa học Việt Nam trong lòng nước Pháp thời 1930s - 1940s : các nhà toán học thế hệ Lê Văn Thiêm

Lần trước, chúng ta đã được xem các trang vở ghi chép của học trò Nguyễn Văn Huyên trong thời gian ông du học ở Pháp thập niên 1930s. Ông Huyên đã được học các nhà dân tộc học hàng đầu của nước Pháp và châu Âu ở thời đó. Xem ở đây.

Đó là khoa học xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp.

Bây giờ, thì lướt xem khoa học tự nhiên Việt Nam thời thuộc Pháp. Nhưng ở đây, không có tư liệu gốc như thấy ở Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, mà tạm thời chỉ là nghe kể.

Tạm thời vậy đã. Mà lại thêm một lần trung gian nữa, là qua một người khác kể, với sự tham gia của một nhà báo.

27/04/2019

Anh em gốc Mạc gặp nhau tại Mĩ : thành lập Hội đồng Mạc tộc hải ngoại (hạ tuần tháng 4 năm 2019)

Thế giới đã trở lên tiện lợi vô cùng nhờ có mạng toàn cầu (thư tiện tử, chát Fb và các dịch vụ khác). 20 năm trước, giữa Tokyo và Hà Nội vẫn phải duy trì thư viết tay, một ít thư e-mail mà không có dấu (về cơ bản, tiếng Việt lúc đó chưa soạn có dấu được trong mail), và điện thoại viễn liên (lúc đầu là điện thoại hữu tuyến, rồi dần dần là di động gọi viễn liên cho di động).

Bây giờ, giữa Tokyo với Hà Nội, hay giữa Hà Nội với Cali, thì gần như trực tuyến. Nhưng gì thì gì, e-mail vẫn là phương tiện chính qui hơn cả. Từ nhiều hôm trước, và ngay lúc này, thư từ qua lại, biết anh em Mạc tộc đang tụ hội tại Cali - địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt tại Hoa Kì.

Ngay khi nay, ở giây phút này, vẫn đang trực tuyến với Cali.

26/04/2019

"Thánh nữ" và "Phật bà" hay là kẻ lừa đảo có tổ chức

Xung quanh câu chuyện về nhà ngoại cảm Vũ Thị Hòa, độ vài tháng nay đã thấy các bài tranh luận ngày một mạnh mẽ giữa nhóm "bóc trần" (có thể xem đại diện là cô Nguyễn Ngọc Hoài) và nhóm "hộ vệ" (có thể xem đại diện là nhà văn Đông La). 

Bác Đông La vừa đưa bài mới trên blog, là "Vũ Thị Hòa nữ thánh hay kẻ lừa đảo".

24/04/2019

Nghĩa tử là nghĩa tận : Huy Đức bình luận về "bắt tay" và "biệt thự"

Lâu lâu không cập nhật các mẩu ngắn của Huy Đức, tính từ lần gặp ngẫu nhiên cuối năm 2018 (đã ghi chép nhanh ở đây).

Bây giờ, ở thời điểm theo phong tục thì là "nghĩa tử là nghĩa tận", thấy có một mẩu mới của anh. Về biệt thự của Đại tướng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (cụ Đại tướng vừa từ trần ở tuổi 100). Và cũng là về cái bắt tay với tướng Hoàng Kiền.

Nhà in Việt Nam hồi thế kỉ 19 : hiệu "Hải Học Đường" của trấn thủ Trần Công Hiến ở Thành Đông (Hải Dương)

Vẫn thấy một số bản in khắc gỗ có ghi "Hải Học Đường", cũng nghe loáng thoáng "Hải Học Đường" ở chỗ này chỗ kia, nhưng quả thực là chưa rõ lắm về nội dung cụ thể của danh xưng ấy.

Theo nghiên cứu của Lưu Y Đức đã công bố mấy năm trước, thì tạm hiểu được rằng, đó là một nhà in sách ở vùng Hải Dương (tức Thành Đông hay Xứ Đông nhìn từ Hà Nội) do quan trấn thủ Trần Công Hiến sáng lập. 

Hải Học Đường có thể ra đời vào thập niên 1810, thời vua Gia Long (bản thân Trần Công Hiến thì mất năm 1817, nên nhà in này hoạt động được khoảng 10 năm). 

Mà ông quan trấn thủ ấy lại là người Quảng Ngãi, được triều đình nhà Nguyễn cử ra trông coi Thành Đông. Ông cũng tự trở thành người trông coi nhà in Hải Học Đường.

Sau này, Phạm Phú Thứ có dựng lại Hải Học Đường vào thập niên 1870 khi họ Phạm được cử giữ chức tổng đốc Hải Dương.

23/04/2019

Quê hương Nam Sách với dòng họ Trần (có Trần Tiến xưa, anh em Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa nay)

Cụ Trần Tiến là một nhà văn thời xưa, tác giả của cuốn Đăng khoa lục sưu giảng. Đó là một cuốn sách thú vị, thường được trích dẫn trong các nghiên cứu về khoa cử hay nho sĩ thời trước (chẳng hạn, khi viết về Nguyễn Tông Quai 1693 - 1767 và học trò là Lê Quí Đôn, chúng tôi nhiều lần trích sách của cụ Trần).

Cụ Trần Tiến ấy, nghe nói có con cháu chính là anh em Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa bây giờ. Đã thấy ảnh của Trần Đăng Khoa trong lần tế tổ gần đây. Và gần đây, Trần Nhuận Minh cũng đã viết bài về các cụ tổ, về từ đường dòng họ. Họ Trần ở Điền Trì này hình như có gốc từ họ Trần ở Lý Nhân - Hà Nam (có cụ tổ là Trần Bảo đỗ Tiến sĩ năm 1469 thời Lê Thánh Tông).

Học giả Nguyễn Đăng Na (của Đại học Sư phạm Hà Nội I ngày xưa) vào thập niên 1980, về Nam Sách để khảo sát về nhóm cụ Trần Tiến, thì đã gặp ngay ông thân của anh em Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa (đọc nhanh về anh em văn sĩ họ Trần ở đây hay ở đây). Không nhầm thì ông thân tên là Trần Lâm (để kiểm tra lại sau)

Nghe đâu, phải có ông thân của anh em văn sĩ Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa xuất hiện và mang chìa khóa ra, thì năm đó, dưới ánh đèn dầu, học giả Nguyễn Đăng Na mới được lần giở mà xem các cuốn sách cổ quí giá của dòng họ đựng trong hòm.

20/04/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : "phở Hà Nội" đầu thế kỉ 21, và chúng ta đang ăn gì ?

Gần đây, không hẹn mà ngẫu nhiên gặp em G. ở khu nhà cũ ngày xửa xưa, hỏi thăm gánh hàng phở ở gầm cầu thang của cô Đ. (mẹ của G.), thì được biết là vẫn đông khách lắm, vẫn là nguồn kinh tế chủ lực của gia đình như gần hai mươi năm trước.

Từng ấy năm về trước, một buổi sáng sớm tinh mơ, mấy anh em ăn nhanh bát phở gầm cầu thang, vẫn ngàn ngạt nhớ mùi nước dùng quyện với mùi than tổ ong, để sau đó thì mình khởi hành. Chú em họ tới tiễn, chủ ý chọn quán phở cô Đ. là vì: quán ấy xem như ngon nhất cả cái phường này, mà lại ngay sát nhà, và rất tiện cho tắc-xi vào ra ! Trong khoảng năm bảy năm tính đến lúc đó, hai anh em có mươi lần hẹn nhau ra ăn phở ở đầu phố (chỗ ấy bây giờ đã bị dẹp vì mở đường), nhưng ông em bảo: quán ấy tuy rình ràng, nhưng chất lượng thì thua quán gầm cầu thang chỗ anh !