Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/04/2021

Ngày giổ quốc tổ Hùng Vương 2021, xem lại một bài viết cũ 10 năm trước

Một ngày nghỉ được hưởng nguyên lương, tức ngày hôm nay, 21/4/2021 tương ứng với âm lịch là 10 tháng 3. Đó là món quà của quốc tổ dành tặng cho gần 100 triệu con cháu cả nước hiện nay. Đã nói với trẻ con trong nhà chiều qua và sáng nay.

Cuối tuần trước, một em phát hiện ra lịch học có chút vấn đề: ngày 21/4 theo lịch là có giờ học buổi sáng, nhưng rơi trúng ngày 10 tháng 3 âm lịch. Em ấy báo. Mình đã liên hệ và xác nhận với giáo vụ. Kết quả là được nghỉ học, buổi học sáng 21/4 (theo lịch cũ) sẽ chuyển sang một ngày khác. Giáo vụ nhầm lẫn chút, cũng một phần bởi lịch âm với lịch dương nhiều khi người ta không cẩn thận đối chiếu !

Nghỉ chứ ! Ngày giỗ quốc tổ mà, sao mà không nghỉ !

Đại khái, 10 năm về trước, đã viết rồi cho đăng bài như sau về quốc tổ Hùng Vương và ngày giỗ quốc tổ (bài viết năm 2011, nhưng đến năm 2012 mới cho đăng tải):





"

Quy định ngày 10 tháng 3 là ngày ở đền Hùng được xem là bắt đầu từ cuối thời Nguyễn (đầu đời vua Khải Định). Hiện nay, ngày đó là Quốc lễ theo pháp định, người lao động toàn quốc được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Từ năm 2001, Chính phủ ra quy định về quy mô tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương theo năm chẵn, năm tròn và năm lẻ. Năm 2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quy định chi tiết về các nghi thức liên quan đến Giỗ tổ (địa điểm, phẩm vật, trang phục, âm nhạc…). Có thể xem từ đây ra hai quá trình tương hỗ, là “hiện đại hóa truyền thống” và “quốc tổ hóa tổ tiên”, mà quá trình sau là hệ quả tất yếu của quá trình trước.

"

Toàn văn bài đó thì đọc lại ở đây.

Ngày giỗ quốc tổ 2021,

Giao Blog


..



---


CẬP NHẬT


2.

Bài tưởng nhớ tri ân công đức các Vua Hùng

Bài tưởng nhớ tri ân công đức các Vua Hùng do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc tại lễ dâng hương các Vua Hùng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

BÀI TƯỞNG NHỚ TRI ÂN CÔNG ĐỨC CÁC VUA HÙNG

Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 10/3 năm Tân Sửu

- Kính cáo anh linh các Vua Hùng!

- Kính cáo anh linh các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước!

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

- Thưa toàn thể đồng chí, đồng bào!

Hôm nay, ngày mùng 10 tháng 3 năm Tân Sửu, tại Điện Kính Thiên, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí - nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước; nơi hội tụ hồn thiêng sông núi - cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Thay mặt cho đồng bào cả nước chúng con xin thành kính, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Trong giờ phút thiêng liêng của ngày giỗ Tổ, triệu triệu con tim Người Việt ở trong và ngoài nước, cùng hướng về Đền Hùng với tấm lòng thành kính để tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Kính cáo anh linh các Vua Hùng!

Tưởng nhớ về Tổ tông, các Vua Hùng đã khơi mạch nguồn dân tộc, lập nên Nhà nước Văn Lang, đặt nền móng cho sự phát triển trường tồn của quốc gia, dân tộc. Đời nối đời trải mấy nghìn năm, Vua thương yêu dân, chung sống hòa thuận, cả nước một lòng, toàn dân đoàn kết. Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh; dân tộc ta đã lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường.

Nối tiếp truyền thống lịch sử dân tộc; hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại; chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt sau 35 năm đổi mới, dân tộc ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu; bị tàn phá nặng nề qua các cuộc chiến tranh, đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nước đang phát triển. Các lĩnh vực xã hội, chăm lo cho con người đạt được nhiều kết quả quan trọng; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng tăng lên; vị thế và uy tín nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới đang mở ra,
cũng còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Trước anh linh các Vua Hùng, chúng con xin nguyện: Tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, tập trung chỉ đạo với tinh thần chung là quyết liệt hơn, đổi mới sáng tạo hơn, đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ được vinh dự thay mặt đồng bào cả nước và người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài giữ gìn Lăng miếu Tổ tiên. Chúng con nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương đất Tổ ngày càng giàu mạnh; chăm lo xây dựng, tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự, để con cháu Lạc Hồng đời đời thờ phụng.

Con cháu Lạc Hồng nguyện mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Cầu mong Thánh Tổ phù hộ cho mưa thuận, gió hòa; nhân khang, vật thịnh; dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 được đẩy lùi; xã tắc thịnh vượng, hùng cường; nhân dân ấm no, hạnh phúc. Con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài có cuộc sống an khang, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Xin tri ân công đức các Vua Hùng, chúng con nay:

Sáu mươi ba tỉnh thành: Ơn đức Tổ tông

Năm mươi tư dân tộc: Tìm về cội rễ

Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa

Một gốc trăm nhành, gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ

Bốn phương: Nam, Bắc, Tây, Đông

Trăm họ: Gái, trai, già, trẻ

Tạc lòng thắp nén tâm hương

Ghi dạ cúi đầu bái Tổ.

Xin Tổ Vương vạn thế anh linh

Giúp con cháu trăm điều chỉ vẽ

Chúng con nguyện:

Xây đất nước hùng mạnh phồn vinh

Cùng nhân loại giữ hòa bình hữu nghị

Sáng muôn đời Hồng Lạc tinh hoa

Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!

Chúng con xin:Cẩn cáo!

Cẩn cáo!

Cẩn, cẩn cáo!

https://vietnamnet.vn/vn/tu-lieu/toan-van/bai-tuong-nho-tri-an-cong-duc-cac-vua-hung-729434.html#inner-article


1.

Sáng nay (10/3 âm lịch), cả nước hướng về Việt Trì (Phú Thọ), nơi diễn ra lễ giỗ Tổ Hùng Vương với sự tôn kính và ngưỡng vọng.

Đúng 7h, tiếng chiêng, trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Đoàn đại biểu hành lễ từ đền tại chân núi Nghĩa Lĩnh đến Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đến đền Thượng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương và đông đảo người dân, du khách thập phương về dâng lễ, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ dâng hương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Đi đầu là đoàn Tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hành lễ và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là 14 thiếu nữ trong trang phục áo dài đỏ cùng 100 chàng trai là những thanh niên ưu tú, tượng trưng cho 100 người con được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ và đoàn rước kiệu.

Tiếp đó là đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và hàng vạn người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Từ chân núi rẽ qua cổng đền, Chủ tịch nước và các vị đại biểu đi lên 225 bậc thang là đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, bên cạnh là nhà bia có kiến trúc hình lục giác với 6 mái.

Nơi đây có đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá, đoàn tới đền Trung. Tương truyền, nơi đây để các Vua Hùng ngắm cảnh và bàn việc với các lạc hầu, lạc tướng. Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp tết cổ truyền cũng ở đây.

Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá sẽ đến đền Thượng. Nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề ở đền Thượng để thề trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp Vua Hùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
100 thanh niên tượng trưng cho con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng.

Tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, UBND tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các Vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng thời, kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà đất nước đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Nối tiếp truyền thống lịch sử dân tộc, hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa và phát huy sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt sau 35 năm đổi mới, dân tộc ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Phát huy trí tuệ, sức mạnh tổng hợp, tập trung chỉ đạo với tinh thần chung là quyết liệt hơn, đổi mới sáng tạo hơn, đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Trong thời gian đọc Chúc văn, các làng, xã ở Phú Thọ cũng đồng loạt dâng hương tưởng nhớ danh nhân, danh tướng thời Vua Hùng tại các điểm thờ quanh khu vực.

Sau phần đọc Chúc văn, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ vào Thượng cung dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.

Kết thúc nghi lễ dâng hương tại đền Thượng và đền Giếng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu tới đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương và dâng hoa trước bức phù điêu có hình tượng “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”.

Ngay sau Lễ dâng hương, tại các đền của Khu di tích, hàng triệu con dân đất Việt trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài đã tề tựu thành kính tri ân công đức tổ tiên, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn tưởng nhớ các Vua Hùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hậu cung đền Thượng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại đền Thượng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước dâng hương ở đền Thượng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Chủ tịch nước và các lãnh đạo dâng hoa tại bức phù điêu có hình tượng “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” 

Trần Thường

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-dang-huong-tuong-nho-cac-vua-hung-729353.html

..





---


BỔ SUNG


1. Ngày 21/4/2021

Trong số tài liệu, sách báo của đại tướng Lê Đức Anh còn được lưu giữ có một bài báo lý giải tại sao chỉ có 18 đời Vua Hùng mà lại kéo dài đến 2622 năm. Nguyên nhân của việc này chính là do cách gọi. Gọi không đúng dẫn đến hiểu sai. Lẽ ra phải gọi là 18 chi thời Vua Hùng, không phải là 18 đời. Mỗi chi có nhiều đời vua, vì vậy thời Hùng Vương mới kéo dài trên 2600 năm.Ví dụ, chi Khôn: Hùng Chiêu Vương. Chi này có 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi 200 năm, từ năm Canh Tuất ( 1631 TCN) đến Kỷ Tỵ (1432 TCN).
Có một chi tiết đặc biệt nữa là Kinh Dương Vương sinh năm 2919 trước công nguyên, lên ngôi lúc 41 tuổi, vào năm 2878 TCN, nghĩa là gần 3.000 năm TCN. Như vậy đến nay nước ta có gần 5.000 năm lịch sử, không phải 4.000 năm như vẫn nghe.
Nội dung chính của bài báo như sau:
Nhà sử học Biệt lam Trần Huy Bá cùng các cộng sự đã sưu tầm các truyền thuyết và thư tịch cổ về các Ngọc phả của các xã quanh vùng có đền thờ Vua Hùng, lưu giữ tại Vụ Bảo tồn, Bảo tàng Bộ VHTT (số hiệu HT.AE9). Các tài liệu không chép là 18 đời Vua Hùng mà ghi là 18 chi. Mỗi chi gồm nhiều đời vua. Các đời vua trong một chi cùng lấy hiệu của vua đầu chi.
1. Chi Càn
Kinh Dương Vương, huý Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 trước Công nguyên), lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 TCN) đến năm Đinh Hợi (2794 TCN). So ngang với thời đại Tam Hoàng (?)
2. Chi Khảm
Lạc Long Quân, huý Sùng Lãm tức Hùng Hiển Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 TCN), lên ngôi năm 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm đều xưng là Hùng Hiển Vương, từ năm Mậu Tý (2793 TCN) đến năm Bính Thìn (2525 TCN). Ngang với Trưng Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ đế).
3. Chi Cấn
Hùng Quốc Vương, huý Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 TCN), lên ngôi năm 18 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Quốc Vương. Chi này ở ngôi tất cả 271 năm, từ năm Định Tỵ (2524 TCN) đến năm Bính Tuất ( 2253 TCN). Ngang với TQ vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.
4. Chi Chấn
Hùng Hoa Vương, huý Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2254 TCN), không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hoa Vương. Chi này ở ngôi 336 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 TCN) đến năm Mậu Thìn (1918 TCN). Ngang với TQ vào thời Đế Quỳnh nhà Hạ
5. Chi Tốn
Hùng Hi Vương, huý Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 TCN), lên ngôi khi 59 tuổi. Chi này không rõ có mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hi Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 TCN) đến năm Mậu Tý (1713 TCN). Ngang với TQ vào thời Lý Quý (Kiệt) nhà Hạ.
6. Chi Ly
Hùng Hồn Vương, huý Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu ( 1740 TCN), lên ngôi năm 29 tuổi. Chi này truyền hai đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm, đều xưng Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 TCN) đến Kỷ Dậu (1632 TCN). Ngang với TQ thời Ốc Đinh nhà Thương.
7. Chi Khôn
Hùng Chiêu Vương, huý Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 TCN), lên ngôi năm 18 tuổi. Chi này có 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi 200 năm, từ năm Canh Tuất ( 1631 TCN) đến Kỷ Tỵ (1432 TCN). Ngang với TQ thời Tổ Ất nhà Thương.
8. Chi Đoài
Hùng Vĩ Vương, huý Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 TCN), lên ngôi năm 39 tuổi. Chi Đoài có 5 5 đời vua, đều xưng là Hùng Vĩ Vương, ở ngôi 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 TCN) đến năm Kỷ Dậu (1332 TCN). Ngang với TQ thời Nam Canh nhà Thương.
9. Chi Giáp
Hùng Định Vương, huý Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 TCN), lên ngôi năm 45 tuổi. Chi được truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi 80 năm, từ năm Canh Tuất (1331 TCN) đến Kỷ Tỵ (1252 TCN). Ngang với TQ thời Tiểu Ất nhà Ân.
10. Chi Ất
Hùng Uy Vương, huý Hoàng Long Lang, sinh năm Giáp Ngọ (1287 TCN), lên ngôi năm 37 tuổi. Chi có 3 đời vua, đều xưng là Hùng Uy Vương, ở ngôi 90 năm, từ năm Canh Ngọ (1252 TCN) đến Kỷ Hợi (1162 TCN). Ngang với TQ thời Tổ Giáp nhà Ân.
11. Chi Bính
Hùng Trinh Vương, huý Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 TCN), lên ngôi năm 51 tuổi. Chi có 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 TCN) đến Bính Tuất (1055 TCN). Ngang với TQ thời Thành Vương nhà Tây Chu.
12. Chi Đinh
Hùng Vũ Vương, huý Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105), lên ngôi năm 52 tuổi. Chi được truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Vũ Vương, ở ngôi 96 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 TCN) đến Nhâm Tuất (969 TCN). Ngang với TQ tời Mục Vương nhà Tây Chu.
13. Chi Mậu
Hùng Việt Vương, huý Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 TCN), lên ngôi năm 23 tuổi, truyền được 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương. Chi này ở ngôi 105 năm, từ năm Quý Hợi (958 TCN) đến năm Đinh Mùi (854 TCN). Ngang với TQ thờin Bình Vương nhà Tây Chu.
14. Chi Kỷ
Hùng Anh Vương, huý Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 TCN), lên ngôi năm 42 tuổi, truyền được 4 đời vua, đều xưng là Hùng Anh Vương. Chi này ở ngôi 99 năm, từ năm Mậu Thân (853 TCN) đến Bính Tuất (755 TCN). Ngang với TQ thời Bình Vương nhà Đông Chu.
15. Chi Canh
Hùng Triệu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 TCN), lên ngôi năm 35 tuổi. Chi này có 3 đời vua, đều xưng Hùng Triệu Vương, ở ngôi 94 năm, từ năm Định Hợi (754 TCN) đến Canh Dần (661 TCN). Ngang với TQ thời Huệ Vương nhà Đông Chu.
16. Chi Tân
Hùng Tạo Vương (thần phả ở xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), huý Đức Quan Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 TCN), lên ngôi năm 53 tuổi. Chi có 3 đời vua, đều xưng là Hùng Tạo Vương, ở ngôi 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 TCN) đến Nhâm Thìn (569 TCN). Ngang với TQ thời Linh Vương nhà Đông Chu.
17. Chi Nhâm
Hùng Nghị Vương, huý Bảo Quân Lang, sinh năm Ất Dậu (576 TCN), lên ngôi năm 9 tuổi. Chi Nhâm có 4 đời vua, đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 TCN) đến Nhâm Thân (409 TCN). Ngang với TQ thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu.
18. Chi Quý
Hùng Duệ Vương, huý Huệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 TCN), lên ngôi năm 14 tuổi. Chi này không rõ có mấy đời vua (có lẽ 3 đời), ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 TCN) đến Quý Mão (258 TCN). Ngang với đời Uy Liệt Vương và đời Noãn Vương nhà Đông Chu, TQ.
Giải thích như trên là rõ ràng và thuyết phục hơn những luận giải khác. Hàng năm chúng ta đều tổ chức quốc giỗ long trọng, thế nhưng có lẽ không nhiều người hiểu và lý giải được tại sao thời vua Hùng kéo dài trên 2600 năm mà chỉ có 18 "đời" vua. Thiết nghĩ, các nhà sử học, truyền thông cũng như lãnh đạo các cấp cần làm rõ và phổ biến rộng rãi cho người dân biết.
______________
Bài báo "Tìm hiểu 18 chi đời Hùng Vương" của tác giả Nguyễn Duy Chiến Thắng, đăng trên Tin Tức (VNTTX) tháng 2/2000

https://www.facebook.com/lemanhha.HCMC/posts/303967861126225

..


0. Bài của Trần Quang Đức năm 2015 trên Fb:





Dù đã có một số học giả chỉ ra nguồn gốc của ngày "Quốc giỗ" mồng 10 tháng 3, song tràn ngập trên sách báo nhân dịp ngày quốc lễ này, các tay bút vẫn quen dẫn dụng câu lục bát "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba" kèm lời dẫn dắt kiểu như "Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam" hay ''câu ca dao được lưu truyền tự ngàn đời'' v.v.

Có thể khẳng định câu thơ lục bát được cho là có tự ''bao đời'' và ''ngàn đời'' kia, mới được sáng tác và lưu truyền chưa đến 100 năm. Bởi ngày 10.3 được ấn định trở thành ngày Quốc tế (tế: cúng giỗ) chỉ bắt đầu từ năm 1917, dưới thời vua Khải Định, trước đó dân sở tại vốn tổ chức cúng giỗ vua Hùng vào cả hai mùa xuân thu. Bia Hùng Vương từ khảo, bên trái đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”.

Cũng cần lưu ý rằng, ''câu ca ấy in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam'' chỉ được thực hiện khi và chỉ khi có sự phổ biến của chữ viết và sách báo trong đại đa số dân chúng, đặc biệt thông qua chương trình giáo dục, những thứ chỉ có ở đầu thế kỷ XX. Ký ức về những ông vua bà chúa cách nay cả hai ngàn năm không thể lưu truyền trong từng cá thể Việt khi mà ở người Kinh Việt không có truyền thống sử thi. Và trước thế kỷ XX, ngay trong giới trí thức tinh hoa vẫn còn tâm lý coi nhẹ Nam sử, sử Việt trong suốt cả ngàn năm tự chủ chưa hề được trở thành môn học bắt buộc đối với nhà nho. Về sau, dưới thời ông Hồ Chí Minh (miền Bắc) và cả ông Ngô Đình Diệm (miền Nam), câu chuyện về một ông tổ chung vẫn có tác dụng tạo nên niềm tin, gây dựng lòng tự hào dân tộc, tập hợp sức mạnh của "khối đại đoàn kết dân tộc" nhằm đối phó với chiến tranh.


Tóm lại, đây là câu chuyện chính trị với ý đồ chính trị rõ ràng. Thời thế và bối cảnh qua đi, niềm tin chung được tạo dựng ngót gần trăm năm này đang ngày một lung lay. Người Việt bắt đầu tranh cãi, lên án và rạn nứt trong lớp lớp màn sương chính trị bao phủ dày đặc. Xét cho cùng, đây không còn là câu chuyện đúng sai, thật giả nữa, mà là câu chuyện giữa những con người chia rẽ, làm sao để có chung niềm tin, cùng nhau gây dựng xã hội nhân văn, thịnh vượng hơn mà thôi.

Ảnh minh họa: Bản rập tấm bia Hùng vương từ khảo và tranh chân dung Tuần phủ Lê Trung Ngọc (1867 - 1928), người đề xướng lấy ngày 10.3 làm ngày Quốc tế. 


https://www.facebook.com/photo?fbid=10152832007926526&set=a.459074711525

2 nhận xét:

  1. 1.

    Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
    21/04/2021 09:53 GMT+7

    Sáng nay (10/3 âm lịch), cả nước hướng về Việt Trì (Phú Thọ), nơi diễn ra lễ giỗ Tổ Hùng Vương với sự tôn kính và ngưỡng vọng.

    Lưu ý đặc biệt cho khoảng 20.000 lượt người đổ về Đền Hùng ngày mai
    Biển người đổ về đền Hùng trong ngày chính hội
    Dòng người cuồn cuộn lên đỉnh núi, đền Hùng đông chưa từng có
    Đúng 7h, tiếng chiêng, trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Đoàn đại biểu hành lễ từ đền tại chân núi Nghĩa Lĩnh đến Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đến đền Thượng.

    Trả lờiXóa
  2. 0. Bài của Trần Quang Đức năm 2015 trên Fb:

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.