Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/04/2017

Phủ Giày và Phủ Nấp dịp tháng Ba tiệc Mẫu năm 2017

Tin chính thức đã đi ở đây (28/3/2017). Tháng Ba tiệc Mẫu là tháng 3 âm lịch.

Phủ Giày Tiên Hương và Phủ Giày Vân Cát thì được biết đến rộng rãi từ lâu.

Còn Phủ Nấp, tức Phủ Quảng Nạp, hay Phủ Quảng Cung thì mới được biết đến từ khoảng 10 năm nay. Như một phát hiện của giới chuyên môn. Sau đó, phía cơ quan Bộ Văn hóa đã nhanh chóng công nhận (cũng là siêu tốc).

Trong thời gian hồ sơ của Việt Nam đi thế giới, người của Phủ Giày Tiên Hương và Phủ Nấp đã song hành cùng đoàn công tác của phía Việt Nam (đã đi entry ở đây, tháng 12/2016).

Chương trình dịp tháng Ba năm 2017 ở hai phủ như ở dưới. Thông tin lấy từ các nơi.

---

Ngày 31/3/2017, ở Phủ Giày Tiên Hương

Ảnh của ngày 1/12/2016 (xem thêm ở đây)

Từ đây trở xuống là quang cảnh ở Phủ Giày và Phủ Nấp cuối tháng 3/2017







"
Chương trình Lễ đón Bằng UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 A/ Tại Phủ Tiên Hương (Khu di tích Phủ Dày, Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định)

1/ Tối ngày 30/3/2017 (ngày 3/3 âm lịch): Chương trình ca nhạc và hài kịch của nhà hát Chèo Hà Nội.

2/ Sáng ngày 31/3 /2017(ngày 4/3 âm lịch): Thi hát Chầu văn.
Buổi tối tổng duyệt chương trình lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO.

3/ Tối ngày 1/4/2017 (ngày 5/3 âm lịch): Lễ rước đuốc.

4/ Sáng ngày 2/4/2017 (ngày 6/3 âm lịch): Lễ rước Mẫu từ Phủ Chính Tiên Hương đến Chùa Tiên Hương.

*20H NGÀY 2/4/2017 (6/3 AL): ĐẠI LỄ ĐÓN BẰNG UNESCO CÔNG NHẬN TÍN NGƯỠNG THỜ MÃU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN CỦA NHÂN.
Truyền hình trực tiếp

5/ Sáng ngày 4/4 (ngày 8/3 âm lịch): Lễ kéo chữ .




B/ Tại Phủ Quảng Cung (Vỉ Nhuế, Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định )
1/ Ngày 31 tháng 3 năm 2017 (ngày 4/3 AL): Lễ hội Phủ Quảng Cung Vỉ Nhuế “Thỉnh kinh rước nước”.

2/ Từ ngày 1-10/4/2017 (ngày 5 đến 10/3 AL ): Liên hoan thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu-Nam Định. 

3/ Tối ngày 1/4/2017 (ngày 5/3 AL): Giới thiệu Khăn áo Hầu đồng.

4/ Buổi tối ngày 2/4/2017 (ngày 6/3 AL): Tham gia chương trình Đại lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO tại Phủ Dày

TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI


11:17 07/04/2017

Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày 2/4/2017 (tức ngày 6/3 âm lịch) tại xã Kim Thái - Vụ Bản, Nam Định đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn; thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu, các vị thánh bản địa và tiếp nhận các vị thần. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam… Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tỉnh Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Phủ chính Tiên Hương và gia đình cụ thủ nhang Trần Thị Duyên đã đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu tại quần thể di tích Phủ Dầy. Hàng năm Ngọn lửa thiêng được rước từ cung cấm của Mẫu ở Phủ chính Tiên Hương tiếp lửa cho Đoàn rước đưa ánh sáng tới muôn dân trăm họ mong cho Quốc thái dân an, nhà nhà được hưng vượng, ấm no, hạnh phúc.

 Quang cảnh Lễ nhận Bằng Unesco ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong thư tịch cũng như huyền tích, ở Việt Nam ta đấng nữ lưu được tôn vinh trong Tứ bất tử duy chỉ có một, hành trạng “tam thế giáng sinh” cũng vẫn chỉ có một vị ấy: Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Truyền rằng, Thánh Mẫu vốn là Đệ nhị cung tiên, con Vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế. Vào thời Lê sơ, có nhà họ Phạm nhân từ nhưng hiếm muộn, lòng thành cầu khẩn, cảm động trời xanh, Thượng đế thương tình truyền Tiên chúa giáng trần đầu thai. Đó là lần thứ nhất Thánh Mẫu phụng mệnh giáng trần (năm Thiệu Bình - 1434), dấu thiêng lưu để Quảng Cung Linh Từ (Phủ Nấp) và các di tích lân cận nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Sau 40 năm mãn hạn về trời, do vẫn còn bâng khuâng mến cảnh trần gian, nên khi hội yến Thiên đình, Tiên chúa sảy rơi chén ngọc, bởi thế bị trích giáng vào nhà họ Lê - sau cải Trần (năm Thiên Hựu - 1557). Lần giáng sinh thứ hai này, Tiên chúa kết duyên cùng ông Trần Đào Lang, cũng là Khôi tinh thượng giới giáng trần. Năm 21 tuổi, hạn kỳ đã hết, bỗng nhiên qua đời, để lại trần thế xiết bao sầu thảm. Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay còn lưu dấu người Tiên quê cũ.

Tiên chúa về trời âu sầu cảnh tình hạ giới, nỗi niềm cảm động cả Thượng đế, nhờ đó được sắc phong Liễu Hạnh Công chúa, cho giáng trần thăm lại cha mẹ, chồng con… Sau đó mới có những chuyện xướng họa cùng Trạng Bùng và các văn nhân nơi xứ Lạng, hay Tây Hồ (Thăng Long) vậy.

Tiếp đến, Tiên chúa giáng hiện vào nhà họ Hoàng ở Tây Mỗ,  Nga Sơn (nay là làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), tái hợp với ông Mai Sinh - hậu kiếp của ông Trần Đào Lang (năm Hoằng Định - 1609). Không được bao lâu, xe loan lại đón rước về trời, ấy chính là lần giáng sinh thứ ba, gắn với tôn hiệu Đệ tam Thiên tiên Hoàng Thị Quế Hoa Công chúa của Thánh Mẫu, cũng là tích cũ về Tây Mỗ Linh Từ (Phủ Mỗ).

Trải qua “tam thế giáng sinh”, duyên nợ phàm trần chưa dứt, Tiên chúa được Thượng đế ban cho trắc giáng bất kỳ để được vãng lai nhân thế. Từ đó, thánh tích thiêng liêng khôn kể xiết, từ địa đầu xứ Lạng, tới ranh giới Đèo Ngang, lúc Phố Cát, Đồi Ngang, khi Đền Dâu, Quán Cháo, lúc kinh kỳ thị hiện Thần uy, khi đại chiến Sòng Sơn hiển Thánh… Bất kể buổi đầu giáng thế hay là linh ứng về sau, Thánh Mẫu thực khuôn vàng, thước ngọc, tài sắc vẹn toàn; hiếu nghĩa, trung trinh, nhân từ, quả cảm; giáo hóa chúng dân, đề cao luân lý, bênh người hèn yếu, trị kẻ cường quyền, giúp quốc gia trừ nội loạn, chống ngoại xâm… Trải các đời vua sắc phong bao mỹ tự, đến nay ngoài Bắc trong Nam, không nơi nào ngớt khói nhang phụng sự. Thật là quốc gia trọng vọng, thế giới vinh danh.

Đến hẹn lại lên, từ ngày 03 đến ngày 08 tháng 3 (âm lịch) hàng năm Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trang nghiêm, long trọng thu hút hàng trăm nghìn du khách thập phương cũng như các thanh đồng, đạo quan, con nhang đệ tử theo thờ Thánh Mẫu về dự hội. Lễ hội Phủ Dầy được coi là 1 trong 4 lễ hội lớn nhất Việt Nam với Đại lễ rước Mẫu, Cúng tế, Rước đuốc, Lễ kéo chữ, Hầu đồng và các chương trình thi hát văn, biểu diễn nghệ thuật dân gian…

Ngọn lửa thiêng được rước từ cung cấm của Mẫu ở Phủ chính Tiên Hương được cụ thủ nhang Trần Thị Duyên tiếp lửa cho Đoàn rước và các Thanh đồng.

Thanh đồng Trần Thị Kim Huệ rước ngọn lửa thiêng cầu mong Quốc thái dân an, nhà nhà hưng thịnh, ấm no, hạnh phúc.
Ba ông Rồng được kết từ 3 màu bóng bay tượng trưng cho 3 màu sắc của Tam phủ trong đạo Mẫu.
Cụ thủ nhang Trần Thị Duyên dẫn đầu Đoàn rước Mẫu từ Phủ chính Tiên Hương đến chùa Tiên Hương.
Người dân Vụ Bản hân hoan tham gia Đoàn rước.
Chữ “Mẫu” trong Bộ chữ “Mẫu nghi thiên hạ”
Lễ kéo chữ
Một Thanh đồng thành kính lễ Mẫu
 Bài: Ngọc Diệp
Ảnh: Long Hưng

Đơn vị chủ quản: CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG THƯƠNG MẠI AN LẠC
Địa chỉ: P1404, nhà 17T4, Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội
Chịu trách nhiệm: Bà Vũ Kim Thảo – Giám đốc
http://vhay.vn/tieu-diem-van-hoa/unesco-vinh-danh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-552-235492.html



1.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
02/04/2017 22:56 GMT+7
TTO - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là niềm tự hào của Nam Định cũng như các địa phương đã cùng gìn giữ bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và của cả VN.
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Nam Trần
Tối 2-4, tại quần thể di tích Phủ Dầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Nam Định và Bộ VH-TT&DL tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO ghi danh thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Susan Vize, quyền trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại VN đã trao bằng công nhận của UNESCO cho đại diện VN. 
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Nam Trần
Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là niềm tự hào của Nam Định cũng như các địa phương đã cùng gìn giữ bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và của cả VN.
Trước đó, ngày 1-12-2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước CHDC Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 của VN.
Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi...
Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận cho Bộ trưởng bộ VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Do không gian sân khấu khá chật nên nhiều người dân phải đứng bên ngoài dõi theo chương trình - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Rất đông người dân có mặt dõi theo chương trình - Ảnh: Nam Trần
​Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đón bằng của UNESCO
Tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại - Ảnh: Nam Trần

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170402/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-don-bang-cua-unesco/1291088.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.