Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/05/2019

Sắc phong nguyên vật năm 1683 cho Mẫu Liễu : Tc Nc&Pt số 1/2019

Mình chưa có số tạp chí (vừa ra), nên tạm ngó từ xa trước.

Đại khái có một ít ảnh (mượn tạm) và một mục lục (vừa được phía chủ quản cập nhật ngày hôm nay).

Khi nào đã có tạp chí, nhất là khi đã có file PDF thì cập nhật bổ sung.




---

Chu Xuân Giao. Căn cước lịch sử của Thánh Mẫu: Phát hiện và luận giải đạo sắc phong cổ nhất mang niên đại 1683 cho Liễu Hạnh công chúa hiện còn nguyên tại Phủ Giầy ở Nam Định (Tiếp theo).

TÓM TẮT
Qua khảo chứng các nguồn tư liệu, người viết bài này lần đầu tiên đưa ra khẳng định là: chúng ta đang thực sự còn lưu giữ được một đạo sắc phong nguyên vật trân quý mang niên đại Chính Hòa 4 (tức năm 1683) cho Liễu Hạnh công chúa. Đây có thể xem như là một phát hiện quan trọng trong lịch sử nghiên cứu về hệ thần Liễu Hạnh. Trên phương diện thời điểm lịch sử, khẳng định ở đây không chỉ có ý nghĩa từ bỏ niên đại Vĩnh Khánh 2 (1730) đã được một số nghiên cứu đi trước chỉ ra một cách giả tưởng, đồng thời, còn là tiền đề hướng đến việc khảo chứng kỹ lưỡng về đạo sắc sớm nhất (nhưng không còn nguyên vật, chỉ còn bản sao) mang niên đại Dương Hòa 8 (1642). Từ đây, chúng ta đã có được một căn cước lịch sử chắc chắn, là năm 1683, để có thể bắt đầu hệ thống hóa khối lượng tư liệu đồ sộ tích lũy trong mấy thế kỷ qua dưới nhiều mã văn tự khác nhau. Bằng việc hệ thống hóa với một đầu mối lịch sử chắc chắn như vậy, chúng ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn và chìm đắm tưởng không có được đường ra do sức hút mê hoặc của mảng tư liệu truyền thuyết (thần tích) ở cả dạng đã thành văn hay còn đang tiếp tục phát triển không ngừng nghỉ qua kênh truyền khẩu, và qua mạng thông tin đa ngữ toàn cầu hiện nay. Một khi đã xác lập được căn cước lịch sử cho toàn dòng chảy, chúng ta hoàn toàn có thể tự do tự tại luận giải về bất cứ vấn đề gì trong đề tài hệ thần Liễu Hạnh dưới góc nhìn văn hóa sử (nhân loại học lịch sử/historical anthropology).




Ảnh mượn của bác NBD.





Ngày cập nhật 13/05/2019
VĂN HÓA - LỊCH SỬ

Nguyễn Quang Trung Tiến. Đài Tưởng niệm “Những người Pháp và Việt Nam ở Trung Kỳ hy sinh vì xứ sở trong chiến tranh 1914-1918” đặt tại Huế: Báu vật bị biến dạng và lãng quên!
TÓM TẮT
Đài Tưởng niệm “Những người Pháp và Việt Nam ở Trung Kỳ đã hy sinh vì Xứ sở trong Chiến tranh 1914-1918” [Aux Français d’Annam et aux Annamites Morts pour la Patrie (1914-1918)], dân gian quen gọi là “Đài Chiến sĩ Trận vong” hoặc “Bia Quốc Học”, nằm ở công viên bờ nam Sông Hương, đối diện Trường Quốc Học Huế qua đường Lê Lợi, được khởi động từ Nghị định số 971 của Khâm sứ Trung Kỳ ngày 24/7/1919 và khánh thành vào ngày 23/9/1920. Chính quyền thực dân xây dựng đài tưởng niệm này nhằm mục đích góp phần xoa dịu nỗi đau tổn thất nhân mạng và những phản ứng mạnh mẽ của người Việt Nam trước chính sách bạc đãi lính bản xứ sau chiến tranh, vỗ về “tình đoàn kết” Pháp - Việt trong công cuộc phụng sự chế độ bảo hộ.
Nhưng đối với miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung, đài tưởng niệm đó là một chứng tích lịch sử có giá trị quốc tế hết sức quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn: Nó ghi dấu sự hao tổn máu xương của bao người Việt Nam vô tội trong cuộc chiến tranh phi nghĩa quy mô lớn đầu tiên trên thế giới; là bằng chứng tội ác của chủ nghĩa thực dân trong việc biến người Việt Nam thành bia đỡ đạn cho Pháp ở trời Âu; là một công trình nghệ thuật kiến trúc và trang trí mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của Huế và Việt Nam thời thuộc địa. Vì thế, việc làm biến dạng và đánh mất giá trị lịch sử, nghệ thuật của công trình này suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ thập niên 1960, là một thiếu sót lớn cần được nhanh chóng khắc phục trong hiện tại.

Đinh Văn. Người kể chuyện áo dài Việt Nam.

Đỗ Minh Điền. Về tấm bia đề danh quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên.
TÓM TẮT
Phủ doãn là chức quan đứng đầu bộ máy hành chính của phủ Thừa Thiên - vùng đất kinh sư dưới thời Nguyễn. Nguyên ủy, trụ sở ban đầu của phủ Thừa Thiên nằm ở khu Mang Cá bên trong Kinh Thành Huế. Đến thời Thành Thái, năm 1899 thì dời về phường Đệ Bát, thuộc bờ nam Sông Hương, ở vị trí trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay. Sau năm 1945, phủ Thừa Thiên chấm dứt hoạt động. Hiện nay trong khuôn viên của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một tấm bia ghi danh tất cả các vị quan đảm nhận chức vụ Phủ doãn phủ Thừa Thiên từ năm 1899 đến năm 1944. Bước đầu khảo sát, chúng tôi nhận thấy văn bia đề danh quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên rất có giá trị trên nhiều phương diện. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp thêm một nguồn tư liệu quý giá liên quan đến phủ Thừa Thiên.

Chu Xuân Giao. Căn cước lịch sử của Thánh Mẫu: Phát hiện và luận giải đạo sắc phong cổ nhất mang niên đại 1683 cho Liễu Hạnh công chúa hiện còn nguyên tại Phủ Giầy ở Nam Định (Tiếp theo).
TÓM TẮT
Qua khảo chứng các nguồn tư liệu, người viết bài này lần đầu tiên đưa ra khẳng định là: chúng ta đang thực sự còn lưu giữ được một đạo sắc phong nguyên vật trân quý mang niên đại Chính Hòa 4 (tức năm 1683) cho Liễu Hạnh công chúa. Đây có thể xem như là một phát hiện quan trọng trong lịch sử nghiên cứu về hệ thần Liễu Hạnh. Trên phương diện thời điểm lịch sử, khẳng định ở đây không chỉ có ý nghĩa từ bỏ niên đại Vĩnh Khánh 2 (1730) đã được một số nghiên cứu đi trước chỉ ra một cách giả tưởng, đồng thời, còn là tiền đề hướng đến việc khảo chứng kỹ lưỡng về đạo sắc sớm nhất (nhưng không còn nguyên vật, chỉ còn bản sao) mang niên đại Dương Hòa 8 (1642). Từ đây, chúng ta đã có được một căn cước lịch sử chắc chắn, là năm 1683, để có thể bắt đầu hệ thống hóa khối lượng tư liệu đồ sộ tích lũy trong mấy thế kỷ qua dưới nhiều mã văn tự khác nhau. Bằng việc hệ thống hóa với một đầu mối lịch sử chắc chắn như vậy, chúng ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn và chìm đắm tưởng không có được đường ra do sức hút mê hoặc của mảng tư liệu truyền thuyết (thần tích) ở cả dạng đã thành văn hay còn đang tiếp tục phát triển không ngừng nghỉ qua kênh truyền khẩu, và qua mạng thông tin đa ngữ toàn cầu hiện nay. Một khi đã xác lập được căn cước lịch sử cho toàn dòng chảy, chúng ta hoàn toàn có thể tự do tự tại luận giải về bất cứ vấn đề gì trong đề tài hệ thần Liễu Hạnh dưới góc nhìn văn hóa sử (nhân loại học lịch sử/historical anthropology).

Trần Kỳ Phương. Thung lũng An Khê: Một "Không Gian Thiêng" của vương quốc Chiêm Thành vào thế kỷ XV.
TÓM TẮT
Tiểu luận trình bày địa thế đặc thù của thung lũng An Khê thời vương quốc Chiêm Thành/Champa vào các thế kỷ XI-XV/XVI như một Không Gian Thiêng của hoàng tộc được nêu trong minh văn của vương triều Virabhadravarmadeva dựng trong thung lũng này,nơi được mệnh danh là Thành phố Thịnh vượng (Samriddhipuri). Dựa trên các di tích và di vật phát hiện tại thung lũng và trong khu vực lân cận, tác giả chứng minh vai trò trọng yếu của An Khê trên con đường giao thương huyết mạch kết nối hai vương quốc Chiêm Thành và Khmer/Campuchia trong mối giao lưu mật thiết giữa duyên hải miền Trung và nội địa Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, An Khê được đánh giá là một trung tâm kinh tế quan trọng đã giữ vai trò trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho toàn vùng.


KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG          
Nguyễn Xuân Hiển. Arsenic (thạch tín, nhân ngôn) trong cơm gạo quanh ta!
TÓM TẮT
Xã hội ngày càng phát triển, khoa học không ngừng khám phá và mở ra những viễn cảnh bất ngờ... Từ năm 2011 trở lại đây, lúa gạo - nguồn lương thực chính của hơn một nửa nhân loại - phải đối diện những câu hỏi lớn, chính đáng, có cơ sở về an toàn thực phẩm. Một trong những câu hỏi nhức nhối và bất ngờ đó là, lượng Arsenic có trong cây lúa, hạt gạo có hại, trước mắt và lâu dài, cho sức khỏe người tiêu thụ đến mức nào và chúng ta có cách nào để phòng chống hữu hiệu hay không. Bài viết này trình bày những thông tin cơ bản về Arsenic và mối liên quan giữa Arsenic với cây lúa, hạt gạo mà chúng ta đang sử dụng hằng ngày. 

                               
TRAO ĐỔI
Lê Nguyễn Lưu. Về bốn chữ Hán trên đỉnh đồng chúc thọ vua Khải Định.
TÓM TẮT
Bài viết trình bày ý kiến của tác giả tham gia vào cuộc tranh luận về câu chúc thọ khắc trên chiếc đỉnh mừng thọ vua Khải Định hiện trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Theo tác giả, cụm từ ấy phải đọc từ phải qua trái (theo vị trí người nhìn, đọc) vòng theo thân đỉnh là “Xuân thu đỉnh thịnh” (nghĩa là tuổi tác đang độ dồi dào, sung mãn), chứ không thể đọc là “Xuân thu thịnh đỉnh” như cách ghi trên tấm biển giới thiệu của Bảo tàng đã viết, làm cho câu chúc thọ mang ý nghĩa không rõ ràng. Nên chăng, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cần sửa lại tấm biển giới thiệu hiện vật cho đúng với ý nguyện của những người đã tạo tác nên chiếc đỉnh mừng thọ này?


TƯ LIỆU
Claudine Salmon (Phan Đăng Nữ dịch). Giao thương ngầm giữa Quảng Châu và Huế. Một thương vụ bí ẩn về chiếc chuông đúc năm 1693.

TÓM TẮT
Bài khảo cứu này nhằm làm sáng tỏ sự bí ẩn xung quanh chiếc chuông đã thu hút sự chú ý của tác giả trong chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử tỉnh Quảng Đông ở thành phố Quảng Châu vào năm 2003. Mặc dù được đúc theo yêu cầu của chúa Nguyễn Phúc Châu, chiếc chuông này chưa bao giờ được mang ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa. Sau phần khảo cứu về bài văn khắc trên chuông, tác giả muốn xác minh nguồn gốc chiếc chuông này và xem xét một vài mối quan hệ liên quan đến nhà sư Thích Đại Sán. Vào năm 1694 nhà sư này giữ vai trò quan trọng khi nhận lời mời của chúa Nguyễn đến Huế, nơi mà chúa có nhiều giao thương thuận lợi và nhiều mối quan hệ khác với bên ngoài. Cuối cùng, bài viết gợi lại tình hình chính trị, kinh tế cũng như thương mại đối ngoại ở Quảng Châu vào thời kỳ này, qua đó để hiểu rõ tại sao chiếc chuông không thể đưa ra khỏi đất nước Trung Hoa. Bài khảo cứu này cũng nhằm khích lệ sự phản biện từ các bài khảo cứu phê bình sử dụng nguồn tư liệu văn khắc và thư tịch Việt Nam, mà nội dung vốn rời rạc, hoặc mâu thuẫn với nguồn tư liệu Trung Quốc.


Nguyễn Bá Dũng, Hoàng Ứng Huyền. Đọc lại báo cáo của Toàn quyền Đông Dương M. Merlin: “Vụ ám sát cách mạng ngày 19 tháng 6 năm 1924 ở Quảng Châu”.
TÓM TẮT
Ngày 19/6/1924, một nhóm các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động ở hải ngoại đã tổ chức cuộc ám sát Toàn quyền Đông Dương M. Merlin tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) do Phạm Hồng Thái trực tiếp thực hiện. Vụ ám sát bất thành, M. Merlin may mắn thoát chết, Phạm Hồng Thái anh dũng hy sinh, nhưng sự kiện này đã làm chấn động dư luận quốc tế và mang lại một luồng sinh khí mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm sự kiện “Tiếng bom Sa Diện”, các tác giả bài viết giới thiệu toàn văn bản báo cáo của chính Toàn quyền M. Merlin tường trình toàn bộ sự việc lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp vào ngày 18/7/1924. Đây là nguồn sử liệu quan trọng để làm sáng tỏ một số chi tiết liên quan mật thiết đến sự kiện Tiếng bom Sa Diện hiện vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng lại chưa được nhiều người biết đến.

https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=10&cn=211&tc=11406



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.