Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/08/2023

Sòng Sơn Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa) trong cuốn sách trọng yếu về thần tiên Việt Nam

Đây là một cuốn sách trọng yếu, mà nay đã biết rộng rãi trong học giới Việt Nam và quốc tế, gần đây đã có bản dịch tiếng Việt.

Sách được đạo sĩ danh tiếng Thanh Hoa Tử hoàn thành tại Thăng Long vào năm Thiệu Trị 7 (1847), sau đó được khắc in năm Canh Tuất (nhóm Trương Đình Hòe và Trần Ích Nguyên thì cho là năm 1850, tức là in ngay sau khi bản thảo vừa hoàn thành).

Đó là cuốn Hội chân biên. Trong sách này, truyện "Sòng Sơn Thánh Mẫu" (tức Liễu Hạnh công chúa) được xếp đầu tiên ở phần/quyển Khôn. Sách có phần/quyển đầu là Càn (nam thần), phần/quyển sau là Khôn (nữ thần).

1. Đại khái, chúng ta mường tượng Hội chân biên là tác phẩm đã biên soạn và xuất bản vào khoảng năm 1850. Cuốn Truyền kì tân phả (trong đó có thiên "Vân Cát thần nữ truyện") tương truyền của Đoàn Thị Điểm đã được in khắc gỗ năm 1811. Hai tác phẩm này in cách nhau khoảng 40 năm. Nói chung thì đều là bản in của nửa đầu thế kỉ XIX.

2. "Vân Cát thần nữ truyện" là một thiên tiểu thuyết được khắc in đầu thế kỉ XIX của nhà văn Đoàn Thị Điểm (tương truyền). Các chi tiết liên quan đến Công chúa Liễu Hạnh trong đó đều được đẩy sớm lên rất nhiều về mặt thời gian (nội dung này sẽ được trình bày cụ thể ở một bài viết học thuật sắp tới). Đoàn Thị Điểm chưa bao giờ đặt chân đến khu vực Phủ Giầy ngày nay. Chúng ta cần đọc truyện của bà như là một tiểu thuyết.

Hội chân biên là một tập hợp tư liệu ở nửa đầu thế kỉ XIX về các vị thần danh tiếng của nước Việt, được biên soạn bởi một nhóm đạo sĩ do Thanh Hòa Tử là đại diện. Về mặt thể loại, nhóm Trần Nghĩa - Trần Khánh Hạo vẫn xếp Hội chân biên vào tiểu thuyết Hán văn của Việt Nam. Các chi tiết về thời gian lại được đẩy lùi xuống nhiều so tiểu thuyết của Đoàn Thị Điểm. Thanh Hoa Tử và nhóm đạo sĩ liên quan đã từng về Phủ Giầy và các đền phủ lớn phụng thờ Công chúa Liễu Hạnh (nội dung này sẽ được trình bày cụ thể ở một bài viết học thuật sắp tới). Chúng ta cần đọc Hội chân biên như những ghi chép đã có khảo sát thực địa.

3. Sách nguyên bản Hán văn cuốn Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm) bản in khắc gỗ thì dễ kiếm, vì từ lâu đã có trong các kho sách lớn ở Hà Nội. Bản dịch tiếng Việt cũng đã có từ lâu.

Sách nguyên bản Hán văn cuốn Hội chân biên (nhóm Thanh Hòa Tử) bản in khắc gỗ thì không dễ kiếm, vì không có trong tất cả các kho sách lớn ở Hà Nội. 

4. Vào thập niên 1980, học giả Trương Đình Hòe đã lấy nguyên tác phẩm Hội chân biên làm đề tài luận văn tiến sĩ ở Pháp (nghiên cứu về tác giả và nội dung tác phẩm Hội chân biên). Luận văn đó sau được in thành sách năm 1988 - dĩ nhiên ở Pháp và bằng tiếng Pháp.

Đầu thập niên 1990, nhóm học giả Trần Nghĩa (Việt Nam) và Trần Khánh Hạo (Đài Loan) đã bắt đầu nghiên cứu hệ thống tiểu thuyết Hán văn của Việt Nam, trong đó có Truyền kì tân phả và Hội chân biên. Nhóm này đã chuyển tự (từ chữ in khắc gỗ hay chữ viết tay của nguyên bản sang chữ rời để chế bản hiện đại) và in dần bộ này vào đầu thập niên 1990 tại Đài Loan. Đây là một bộ sách danh tiếng.

Cuốn có tác phẩm Hội chân biên của bộ sách được xuất bản lần đầu năm 1992. 

Cũng từ đầu thập niên 1990, có nhiều học giả Việt Nam và học giả nước ngoài sinh sống lâu dài ở Việt Nam đã nhắc đến Hội chân biên (Trần Nghĩa, Onishi Kazuhiko, Vũ Ngọc Khánh, Bùi Hạnh Cẩn, Ngô Đức Thịnh, Bùi Thiết,...).

Kế thừa các kết quả của các học giả đi trước, vào năm 2008, tôi đã công bố bài viết học thuật đầu tiên về Hội chân biên.

Gần đây, học giả Nguyễn Thanh Tùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã dịch và cho in toàn cuốn Hội chân biên. Bởi vậy, nếu cần đọc kĩ Hội chân biên bản tiếng Việt thì hãy tìm đến sách đó.

5. Ở đây, sẽ nói nhanh về truyện "Sòng Sơn Thánh Mẫu" trong Hội chân biên. Tạm thời đưa nguyên bản trang đầu tiên (chụp từ bản photo của sách gốc):



Đây là bản hiệu lục của Trần Ích Nguyên năm 1992:



Do còn nhiều lỗi ở bản hiệu lục năm 1992, nên sau này, trong bản in mới năm 2010 (thực ra là một bộ sách mới được tổ chức bởi nhóm Trịnh Khắc Mạnh - Trần Ích Nguyên), bản hiệu lục có chỉnh lí như sau:


6. Xem đối sánh cả nguyên bản (1847-1850) và các bản hiệu lục (1992, 2010) ở trên, sẽ đọc ra các nội dung chính của trang đầu tiên như sau:

- Thánh Mẫu Sòng Sơn: Thánh Mẫu có hiệu là Liễu Hạnh nguyên quân, (ngài) là Tiên chúa ở Cung Đệ nhị, là thứ nữ của Ngọc Đế

- Tiên chúa sinh ở thôn An Thái (xã) Vân Cát (huyện) Thiên Bản, vào đêm rằm tháng Tám thời Vĩnh Tộ (1619-1629) đời Lê

- Gia đình của tiên chúa là họ Lê ở thôn An Thái thuộc vào xã Vân Cát.

- Khi tiên chúa ra đời, đầy nhà thơm nức hương lạ và rực rỡ ánh hào quang. Nhân đó, cha mẹ đặt tên cho là Giáng Tiên.

- Sau Giáng Tiên được cha mẹ cho làm con nuôi nhà họ Trần.

- Đây là lần giáng trần lần đầu tiên của Tiên chúa.

(đọc tiếp thì cần tìm bản Hán văn hoặc bản dịch tiếng Việt)

6. Đại khái, trước nay, các học giả trong và ngoài nước khi nghiên cứu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh và sự phụng thờ ngài trong văn hóa Việt Nam thường ít chú ý đến vấn đề Vân Cát - Tiên Hương, mà gói chung thành "Phủ Giầy" (cách viết khác là Phủ Giày, Phủ Dầy, Phủ Dày).

Chẳng hạn, khi lần đầu tiên giới thiệu về sắc phong cổ nhất cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh (mang niên đại 1683) hiện còn giữ được, tôi chỉ xem là sắc phong chung của Phủ Giầy. Đã viết như sau (năm 2018, 2019):

 



Tuy nhiên, hiện nay, ở một tình hình mới, cũng là một thách thức đặt ra cho khoa học, chúng tôi sẽ lưu tâm để công bố các kết quả nghiên cứu trong tương lai gần về vấn đề này, tức vấn đề Vân Cát - Tiên Hương (Vân Cát - Tiên Hương - An Thái - Kim Thái). Một đoạn ở trên, về Hội chân biên, chỉ là một ví dụ nhỏ về dạng tư liệu truyền thuyết - tiểu thuyết mà thôi. 

Bản thân danh xưng "Phủ Giầy" cũng cần tiếp tục được nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Tháng 8 năm 2023,
Giao Blog

(do bận nên phải viết dần, sẽ có những chỉnh lí và bổ sung cập nhật)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.