Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/06/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : sau 33 năm, mới được đọc lời bình của Tô Hoài cho lá thư tôi viết năm 1988

Về lá thư viết năm 1988, thật ra là được giải thưởng năm 1988 chứ viết thì chắc phải trước đó, tôi đã kể trên Giao Blog, ở đây (năm 2013) và ở đây (năm 2021).

Vừa rồi, mới phát hiện ra là có một tuyển tập về những lá thư mà học sinh Việt Nam viết trong 30 năm (từ năm 1987 - 2017). Ngẫu nhiên mà biết thôi.

Hôm nay, sách ấy đã được gửi qua đường chuyển phát tới nhà.

Và lần đầu tiên, tôi mới được đọc văn bản của Tô Hoài viết năm 1988. Trong đó, ông có nhắc đến lá thư của tôi viết. Trong buổi phát giải năm 1988 tại thị xã Thái Bình (nay là thành phố), thì ông đã chuyển họ của tôi sang họ Ngô --- vì ông đinh ninh rằng, nếu là người làng Trình Phố, thì chắc phải con cháu cụ Ngô Quang Bích. Đã kể nhanh ở đây.

Những câu chuyện về tình người : 1 - Chồng mới đón chồng cũ về nhà, chăm sóc như với anh trai trong nhiều năm

Trên Giao Blog đã có nhãn "Những câu chuyện bình dị mà vĩ đại" từ nhiều năm trước. Bây giờ, trong nhãn lớn này sẽ mở thêm một mục nhỏ là "Những câu chuyện về tình người", mà câu chuyện đầu tiên là ở vùng đất An Giang - Kiên Giang.

Tôi có cơ hội vài lần tới cả An Giang và Kiên Giang. Từng đã đi lại nhiều lần giữa Rạch Giá (thủ phủ của Kiên Giang) và huyện Hòn Đất. Có khi ở huyện Hòn Đất gặp bà con cô bác mà tiếng Việt có khi không thông lắm, hai bên nghe và tạm hiểu ý của nhau vậy thôi. Không phải là người Bắc nghe người Nam nói thì khó hiểu, mà ngược lại, người Bắc cũng nên có ý thức rằng, người Nam nghe người Bắc cũng khá khó hiểu !

Hồi đi An Giang, về tới Châu Đốc, thì tôi quan tâm đến Phật thầy Tây An và các nhóm Cao Đài. Hồi ấy mới đầu mùa hè thôi, mà bị một trận cảm nắng đáng nhớ !

11/06/2021

Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy (1976-2021) với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải

Vào ngày hôm nay, 11/6/2021,  trên Fb Nguyễn Thu Thủy (gia đình quyết giữ Fb này từ sau lễ an táng của hoa hậu đã viên mãn), có đoạn như sau:

"Tuy đã đi rất nhiều nơi nhưng Thủy đặc biệt gắn bó với thành phố Hà Nội quê hương, nhất là ba khu vực Thủy từng sống: phố Nguyễn Thái Học đoạn không xa phố Hoàng Diệu và ga Hàng Cỏ; khu Thanh Xuân (Lương Thế Vinh); Gia Lâm, gần cầu Long Biên. Khoảng mười năm cuối, Thủy sống gần hai cái hồ nổi tiếng của Hà Nội. Trong cái nhìn của Thủy, Hà Nội là một địa điểm rất đặc biệt, được làm nên từ nhiều tầng sâu khó dò và văn chương đối với Thủy đồng nghĩa với đi xuống thăm dò những khoảng tối cũng như các "đường hầm" luôn luôn tồn tại nhưng rất khó nhận biết. Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố."

Tôi chú ý đến câu "Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố".

Vậy thì, sẽ chờ đến lúc tiểu thuyết của hoa hậu ra đời (dự định là năm 2021, từ nhà xuất bản Thời Độ), thì xem Thu Thủy viết về Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải như thế nào. Hi vọng là có nhiều thú vị.

Về Phủ Tây Hồ như là biểu tượng tâm linh của Hà Nội từ sau Đổi Mới, tôi đã viết thành bài học thuật, mà là qua phân tích bài thơ "Hà Nội" của Trần Đăng Khoa (làm lần đầu năm 1969, và sửa lại vào năm 1999). Đọc bài đó tạm thời ở đây (năm 2016).

08/06/2021

05/06/2021

Bùi Văn Tam ở Nam Định : một người đam mê lịch sử và văn hóa dân gian quê hương

Lần gặp mới đây nhất với cụ là vào tháng 4 năm 2021, tại Hà Nội. Ở tuổi vừa 90, cụ vẫn minh mẫn lạ thường, vẫn nói sang sảng, mắt tinh tai thính. Đặc biệt cụ sử dụng zalo thành thạo trên cả điện thoại và máy tính.

04/06/2021

Phủ Giầy Vân Cát - nhà cũ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, 10 năm về trước (2011-2021)

Đó là tháng 6 năm 2011.

Chúng tôi tới nhà cũ của Thánh Mẫu vào một sáng mùa hè tương đối mát, bầu trời hôm ấy mây kéo tới dọa mưa tiếp. Một trận mưa chắc đã đổ xuống đêm qua, nên đường làng vẫn còn nhiều vũng nước.

02/06/2021

Xưng hô trong môi trường chính qui hiện nay : Linh mục với cách xưng "cha - con"

Gần đây, có nhiều người kiến nghị là bỏ cách gọi học sinh là "con" ở trường học. Thầy cô giáo nên gọi học sinh là "trò", "em",... mà không nên gọi "con" --- từ "con" chỉ nên dùng trong phạm vi gia đình, không nên mang nó tới trường học. Đại khái vậy. 

Tôi ủng hộ kiến nghị trên. 

Tôi cũng kiến nghị là không dùng chữ "bậc phụ huynh" hay "các bậc phụ huynh" cả trên văn bản và lời nói trực tiếp nữa. Chỉ "phụ huynh" là đã đủ nghĩa, cần gì "đấng" hay "bậc" gì nữa. Nếu có thể thì trong những trường hợp xã giao một chút thì dùng chữ "quí phụ huynh", vì cái này đã rất quen như ta dùng "quí anh chị", "quí cô bác",...

Từ phía giáo dân công giáo, cũng có người kiến nghi là linh mục không nên xưng "cha - con" với tất cả mọi người. Đưa một ý kiến đầu tiên.

31/05/2021

Góc khuất của sử học và sự thực lịch sử : sự kiện Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 vẫn còn nhiều điểm mờ

Sự kiện Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã được Giao Blog quan sát ở đâyở đây.

Dư luận hiện nay, tính đến tháng 5 năm 2021, thì có vẻ như đang mạnh mẽ phê phán một người trực tiếp tham gia việc bắt giữ và áp giải tướng Dương Văn Minh từ Dinh sang đài phát thanh, đồng thời là có vẻ ca ngợi một người cũng tham gia vào sự kiện đó.

Có sự việc, mà dư luận cho là tranh công, xem ai mới là người soạn bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện mà tướng Dương Văn Minh đã phát thanh vào ngày 30 tháng 4.

Tưởng chừng đã sáng rõ !

Nhưng không phải như vậy. Xem kĩ lưỡng các nguồn tư liệu (nghe người trong cuộc nói chuyện qua video đã phát, sách vở và báo chí các nguồn, ảnh chụp và video của nhiều phía), thì hóa ra, sự kiện đó còn quá nhiều điểm mờ, hiện chưa có cách nào làm sáng tỏ được.

30/05/2021

Quê hương Sơn Nam Hạ : "chợ Viềng" đâu chỉ có ở Phủ Giày (Vụ Bản)

Chúng tôi dự kiến đi Sơn Nam Hạ vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng bây giờ thì đành phải đẩy lùi thời gian xuống, vì dịch covid-19 vẫn đang hoành hoành.

Lúc ở Huế hồi cuối tháng 4 (xem lại ở đây) thì tính là cuối tháng 5 có thể ok. Rồi lại hoãn xuống cuối tháng 6. Nhưng bây giờ thì đành phải lùi tiếp, tới tháng 8 hay 9.

Lần này dự kiến chúng tôi đi cả vùng Nghĩa Hưng - Vụ Bản, rồi sẽ du lãng hai bên làng Keo (một bên Keo Thái Bình, một bên Keo Nam Định).

Nhân lúc chuẩn bị, thì ngồi xem tư liệu về chợ Viềng Vụ Bản, tức chợ Viềng Phủ Giày. Tư liệu cũ ghi là "Hội chợ Thánh" hay "Hội chợ Phủ".

Bây giờ, vẫn còn đang có nhiều ý kiến về nghĩa gốc của "Viềng".

Nhưng quê hương Sơn Nam Hạ yêu quí của chúng tôi thì đâu chỉ có một chợ Viềng Vụ Bản (chợ Viềng Vụ Bản thì xem ở đây trên Giao Blog). Thậm ra có nhiều chợ Viềng, tính sơ cũng phải 4 chợ cùng tên "chợ Viêng".

29/05/2021

Tổ dân phố chúng tôi làm từ thiện : hàng trăm thùng chanh muối chuyển lên Bắc Giang

Dịp cuối tuần này, cũng là những ngày cuối cùng của tháng 5, tổ dân phố của chúng tôi vừa xong một chuyến từ thiện.

Đầu mối đứng ra kêu gọi và thực thi là Hội phóng sinh Hoa Sen ở tổ dân phố, mà thành phần chủ chốt là chị V. Chị V. phát động đầu tiên trên nhóm Zalo của tổ dân phố, rồi trao đi đổi lại nhanh chóng, tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng hoặc là đưa trực tiếp. Mọi khâu đều qua nhóm Zalo hết.

Thứ Năm và Thứ Sáu phát động, thì sáng nay, Thứ Bảy ngày 29/5 đã hoàn thành chuyến hàng đầu tiên lên Bắc Giang. Chuyền hàng này gồm 100 thùng chanh muối, đã xuất phát lúc 10h30 từ Hà Nội và 12h thì đã tới thành phố Bắc Giang.