THÁNH CA VIỆT NAM

6 tháng 6, 2019
·




TẠI SAO CÁC LINH MỤC KHÔNG NÊN XƯNG "CHA-CON" VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?
(Chỉ là quan điểm chủ quan, cá nhân).
Tại một Giáo xứ nọ, cha quê hương 34 tuổi được mời về Chủ tế và Giảng trong Thánh Lễ trọng thể. Cùng đồng tế còn có một số cha khác.
Mở đầu bài giảng, cha quê hương dõng dạc nói:
“Các con thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta ai muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em mình.
Quả thật Chúa Giêsu phán rằng: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người". (Mc 10, 42-45)
Cha xưng các con với những người đang ngồi dưới dự Lễ bao gồm ông bà cố bố mẹ của cha, bao gồm ông bà cố của các cha khác, bao gồm các cụ đồng hương tám, chín mươi tuổi của cha, bao gồm bao nhiêu người đáng tuổi bậc cha chú của cha, bao gồm những người ngang tuổi hoặc bạn bè của cha...
Cả cộng đoàn sửng sốt, lặng thinh, nhăn nhó, choáng váng.
Vậy là cả cộng đoàn tham dự từ cụ lão trên 90 đến trẻ thơ chưa lên 09 đều là con của cha 34 tuổi.
Xong Lễ, về nhà ông bà cố bảo ngài sao lại xưng như vậy, thì ngài nói rằng do quen miệng.
Trong khi đó, Đức Hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, trong các bài giảng, ngài đều xưng tôi- anh chị em. Còn Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên quyền cao chức trọng trong các bài giảng, ngài đều xưng tôi- quý ông bà và anh chị em.
Trong khi đó, Đức Giêsu là Vua các vua, là Chúa các Chúa lại xưng Thầy- anh em với các Môn đệ của mình. Ví dụ thường Chúa nói: “ Thật, Thầy bảo thật anh em, Thầy gọi anh em là bạn...”
Trong khi đó, các Thánh khác như Phê-rô, Phao-lô, Gioan, Giacôbê, trong các thư gửi giáo dân của mình mà chúng ta thường nghe trong các Thánh Lễ, đều xưng Tôi- anh chị em với họ.
Trong khi đó, nhiều Linh mục bốn, năm mươi tuổi khác thường xưng mình là Con- quý ông bà anh chị em trong các bài giảng của mình.
Trong khi đó, trong sách Lễ Rôma, Giáo hội dạy các Linh mục đọc: Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của TÔI cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận...
Rồi gần đây nhất, Đức Hồng y John Dew người New Zealand nói rằng: “Đã đến lúc nên ngừng gọi các Linh mục là “cha”. Việc ngừng này sẽ là cuộc cách mạng cho Giáo hội”. Và ngài cũng kêu gọi mọi người đừng gọi ngài là “cha” (Nguồn:https://catholicherald.co.uk/.../stop-calling-priests.../)
Và chính Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên từng nói rằng: “Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án những người chỉ muốn làm cha mà không muốn phục vụ”.
Thật lạ là, những đấng bậc đáng được gọi là cha thì lại khiêm cung không muốn. Còn những vị Linh mục mới tý tuổi đầu lại muốn và sung sướng khi được gọi là cha.
Có người đã nói: “Muốn nói ngoa, làm cha mà nói”.
Danh xưng cha con luôn nặng nề ở những nước phương Đông vì truyền thống lễ giáo. Danh xưng cha con luôn gây tranh cãi chưa hồi kết. Danh xưng cha con chỉ nên dùng ở một số trường hợp cụ thể.
Thực ra, các Linh mục nên sợ khi người khác gọi mình là cha.
Linh mục được gọi là "cha" dễ lấn át và chiếm đoạt vị trí của Chúa.
Linh mục có Chúa trong mình thì sẽ thờ ơ lãnh đạm với danh xưng cha- con, và không hề quan tâm đến điều đó.
Vậy TẠI SAO CÁC LINH MỤC KHÔNG NÊN XƯNG "CHA-CON" VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?
-Một là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục quên sứ mạng, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được sai đến để hi sinh phục vụ như Thầy Giêsu của mình, mà minh định mình làm cha nên được quyền ăn trên ngồi trốc, sai khiến, hưởng thụ trong nhung lụa giàu sang.
- Hai là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục nghĩ mình làm cha thiên hạ, nên mình luôn luôn đúng, mà nhắm mắt bịt tai trước những lời góp ý chân thành thẳng thắn của Giáo dân.
- Ba là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục trở nên kiêu căng, ngạo mạn mà quên đi thân phận tro bụi yếu đuối của mình.
-Bốn là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục quá xa cách hoặc quá thân mật với Giáo dân về tâm tư tình cảm, dễ làm Giáo dân quỵ lụy khúm lúm khép lép các ngài hơn cả Chúa.
- Năm là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục quên tinh thần nghiên cứu học hỏi. Các ngài nghĩ rằng, học trong chủng viện 9,10 năm là đủ, trong khi đó xã hội không ngừng phát triển.
- Sáu là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục quên thành tâm tín thác, quên cầu nguyện liên lỷ và dễ bị hồi tục.
- Bảy là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục quên truyền thống văn hoá “kính lão đắc thọ" của người Á đông.
- Tám là, danh xưng cha con dễ làm các Linh mục bị hoà tan mà không phải hoà nhập.
-Chín là, danh xưng cha con không chỉ là vinh dự hãnh diện chóng qua, mà còn là trách nhiệm nghĩa vụ nặng nề đi kèm. Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao. Ai được giao nhiều, thì sẽ bị Chúa đòi lại nhiều.
- Mười là, chính Chúa Giê-su đã phán: “Anh em đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Mt 23, 8-12)
Vân vân và vân vân...
Ma quỷ hay lợi dụng danh xưng cha con để cám dỗ khốc liệt các vị Linh mục xa Chúa, xa dân, xa hoa, sa đọa và sa ngã.
Có người đã nói: Giáo hội thiếu Linh mục khiêm nhường thánh thiện, vì nhiều Chủng viện ngày nay chỉ dạy các Linh mục làm “cha” chứ không dạy làm ”con”.
Một Đức Hồng y người Phi-líp-pin đã nói: “Chúng ta không sợ thiếu Linh mục, mà chỉ sợ thiếu Linh mục thánh thiện”.
Một Linh mục đạo đức thánh thiện có thể hoán cải tâm hồn tội lỗi của hàng ngàn tội nhân.
Vậy chúng ta hãy cầu cho Giáo hội ngày càng có nhiều những vị Linh mục khiêm nhường thánh thiện để chúng ta ngày càng được gần Chúa.
Giuse Kích
(Nếu thấy bài viết ý nghĩa cho chính mình và mọi người, thì xin hãy mau mau Tạ ơn Chúa, rồi nhanh chóng chia sẻ cho người khác. Và xin cầu cho nhau)