Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/05/2021

Quê hương Sơn Nam Hạ : "chợ Viềng" đâu chỉ có ở Phủ Giày (Vụ Bản)

Chúng tôi dự kiến đi Sơn Nam Hạ vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng bây giờ thì đành phải đẩy lùi thời gian xuống, vì dịch covid-19 vẫn đang hoành hoành.

Lúc ở Huế hồi cuối tháng 4 (xem lại ở đây) thì tính là cuối tháng 5 có thể ok. Rồi lại hoãn xuống cuối tháng 6. Nhưng bây giờ thì đành phải lùi tiếp, tới tháng 8 hay 9.

Lần này dự kiến chúng tôi đi cả vùng Nghĩa Hưng - Vụ Bản, rồi sẽ du lãng hai bên làng Keo (một bên Keo Thái Bình, một bên Keo Nam Định).

Nhân lúc chuẩn bị, thì ngồi xem tư liệu về chợ Viềng Vụ Bản, tức chợ Viềng Phủ Giày. Tư liệu cũ ghi là "Hội chợ Thánh" hay "Hội chợ Phủ".

Bây giờ, vẫn còn đang có nhiều ý kiến về nghĩa gốc của "Viềng".

Nhưng quê hương Sơn Nam Hạ yêu quí của chúng tôi thì đâu chỉ có một chợ Viềng Vụ Bản (chợ Viềng Vụ Bản thì xem ở đây trên Giao Blog). Thậm ra có nhiều chợ Viềng, tính sơ cũng phải 4 chợ cùng tên "chợ Viêng".

Đại khái thế, và dưới là tư liệu của phía báo chí hiện nay. 

Tháng 5 năm 2021,

Giao Blog


---




Chợ Viềng ở Sơn Nam Hạ



I. Chợ Viềng ở Nam Trực, hay "chợ Viềng Chùa" (xưa gọi là "chợ Vân Chàng")



07/12/2017
Lượt xem: 290




Chợ Viềng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, năm họp chỉ có một phiên, đến hẹn lại lên cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức về Chợ Viềng. Chợ Viềng là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa. Ai đó đến với Chợ Viềng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực đều có một ý niệm mua lấy may, bán lấy may, ăn lấy may, chơi cũng lấy may và như vậy người bán được hàng và khách chơi chợ ai cũng muốn mua được thứ gì đó. Bởi lẽ đó, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi sự “linh thiêng”. Thực hiện được ý niệm này, người bán, người mua cả năm sẽ được “tấn tài, tấn lộc”. Bên cạnh ý nghĩa của phiên Chợ, chợ Viềng còn mang sắc thái “hội xuân” bởi đến với Chợ Viềng thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực du khách được tham dự vào các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: Chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, tò he,…Những sắc thái văn hóa đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp.

 


Nông cụ, đồ dùng gia đình bằng kim loại của làng rèn Vân Chàng được bầy bán tại Chợ Viềng

Trong Tân Biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết năm 1915 có một số đoạn viết về Chợ Viềng được tác giả ghi lại.

“Chợ Viềng một dải bờ sông

Bán mua chắc hẳn tay không trở về’’

Hàng hóa ở Chợ Viềng thật phong phú và đa dạng. Có thể nói Chợ Viềng thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực là cuộc triển lãm kinh tế xã hội của các địa phương trong và ngoài tỉnh Nam Định với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm làng nghề có hàng trăm năm tuổi như: Làng hoa cây cảnh Vị Khê với hàng trăm các loài hoa qúy, quất nguyên thủy, cây cảnh, cây thế được Thái úy Tô Trung Tự truyền nghề từ thời nhà Lý; Các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ, sản phẩm đồ sắt của làng nghề Vân Chàng - một làng nghề truyền thống được Lục vị Tổ Sư truyền dạy từ thời vua Trần Nhân Tông và cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công Mỹ Nghệ của hầu hết các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh trong nước. Đến với Chợ Viềng Nam Trực du khách thập phương ai ai cũng ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn nơi diễn ra cảnh mua bán đồ cổ, giả cổ với hàng ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, sứ, đồ gỗ... Không thiếu một thứ gì từ đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng, đông tây, kim, cổ đủ loại... Có thể nói, ai đến với những gian hàng này cũng đều không muốn rời khỏi và ai muốn mua gì, dù quý hiếm đến đâu thì ở những không gian hàng đồ cổ Chợ Viềng Nam Trực đều có và chắc hẳn du khách không thể “tay không trở về”.



Hoa cây cảnh của làng hoa Vị Khê được bày bán tại Chợ Viềng


Sự vui mừng của du khách khi đi chơi Chợ Viềng


Du khách đang ngắm cây cảnh tại Chợ Viềng

Với ý nghĩa của phiên chợ bán - mua lấy may, chơi lấy may thì ở Chợ Viềng Nam Trực còn có đặc trưng riêng đó là ẩm thực “ăn lấy may”. Thịt bò thui và phở bò gia truyền của người dân nơi đây vốn đã nổi tiếng cùng với khoai lang lim chợ Chùa, lạc vỏ lụa, kẹo lạc Thượng Nông và đặc biệt là phở bò Rao Cù. Với đặc trưng của thời tiết miền Bắc, trong ngày tháng giêng mưa xuân lất phất bay, trong tiết trời se se lạnh có lẽ không gì thú vị hơn khi mỗi du khách được thưởng thức món thịt bò thui tái nhúng nhâm nhi chén rượu nồng cay với bát phở bò “Chính gốc Rao Cù Nam Định” trên chính mảnh đất sản sinh ra món ẩm thực đặc trưng, riêng có của người Rao Cù Nam Định nói riêng, Việt Nam nói chung và sau đó họ cần được thưởng thức bát nước chè xanh nóng bỏng của làng Thanh Khê xã Nam Cường nhâm nhi với kẹo lạc Thượng Nông ai cũng thấy lòng ấm hơn khi ngẫm về những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầy ý nghĩa từ bao đời vẫn còn dược duy trì trên quê hương Nam Trực, để rồi khi ra về trên tay mỗi người từ các cụ già đến con trẻ đều mua cho mình năm ba thứ gì đó từ những món hàng đắt tiền như đồ cổ, cây thế hay đồ gia dụng, đến những dụng cụ nông nghiệp, cây giống... Và họ không quên mua một vài cân thịt bò thui, mấy cân kẹo lạc Thượng Nông để làm món quà đầu xuân may mắn cho bạn bè và người thân.

Sản phẩm thịt bò - một đặc sản của huyện Nam Trực được bày bán tại Chợ Viềng

Đồ gốm sứ được bày bán tại Chợ Viềng

Hàng mây tre (Rổ, Rá) được bày bán tại Chợ Viềng

Chợ Viềng Nam Trực với không gian mở vì vậy khách không chỉ phải đi chợ mua - bán cầu may, mà đến chợ còn có dịp vào chùa lễ Phật (Chùa Đại Bi ) vào đền lễ thánh (Đền Giáp Ba, Đền Giáp tư,…) hay nghiên cứu làng xã với cơ cấu làng xã hội: Giáp nhất, Giáp nhì, Giáp ba, Giáp tư.

Khi nhắc tới chùa Đại Bi, Khiếu Năng Tĩnh nhắc câu ca dao :

“Giàu nghèo cũng cứ chơi xuân

Thắp hương cầu phúc bước chân vui vầy

Thứ nhất thì hội Phủ Giầy

Vui thì vui vậy không tày Chùa Bi”

Chợ Viềng gắn liền với Chùa Bi, một cổ tự lớn trong vùng, chợ gắn với Chùa. Căn cứ vào văn bia còn lại, Chùa Bi được xây dựng thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Chùa Bi ngoài việc thờ phật, còn thờ Thiền Sư Từ Đào Hạnh, Đức Bồ Đề Đạt Ma. Tổng thể chùa Đại Bi có kiến trúc, phong cách thờ tự theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, còn gọi là dạng chùa trăm gian. Chùa quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã, trí tuệ trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba. Theo phong thuỷ, đó là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ nhân dân hay gọi là mắt rồng. Cụm kiến trúc đầu tiên là Tam quan, nghi môn trong đó Tam quan không được xây ở chính trục thần đạo mà chếch về phía đông. Sau Tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm: Tiền đường Tam bảo ngoại Thờ Tam thánh, Tượng cửu long, Thất phật. Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung Thánh (cung cấm), bên trái là Tượng quan âm nghìn mắt nghìn tay, tượng quan âm toạ sơn. Tam bảo gồm tượng Tam thế. Cung thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách Hậu Lê, trong có khám thờ sơn son thiếp vàng. Trong cùng thờ bà Tăng Thị Loan (mẹ Thiền sư). Phía sau chùa thờ Phật là gác chuông hai tầng tám mái mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, cùng với Tam quan, chùa Phật là các công trình kiến trúc tiêu biểu. Cuối cùng là nhà Tổ. Bọc kín cụm chùa là hệ thống hành lang giải vũ mỗi dãy 20 gian kiểu tường hồi bít đốc cùng với phủ Mẫu tạo cho chùa có kiến trúc tiêu biểu của chùa thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.

Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, cổ thư rất có giá trị, tiêu biểu nhất là 10 tấm bia, văn bia cổ nhất khắc năm Kỉ Mùi (1679) đời Lê Hy Tông, 10 đạo sắc phong. Quả chuông lớn cao 2m đúc năm Minh Mạng thứ 18 (1838) chùa  được nhà nước xếp di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1964.

Nằm sát bên chùa Đại Bi về phía đông là di tích lịch sử đền Giáp Ba, đền thờ Triệu Quang Phục. Ông sinh ra vào mùa xuân năm Mậu Thìn, cha ông là Triệu Túc, mẹ là Hán Thị Siêu ở xã Phật Nội, huyên Chu Diên, Phủ Tam Đới. Năm 17 tuổi, cha mẹ qua đời, ông theo Lý Bôn đánh tan quân xâm lược nhà Lương giành độc lập cho đất nước. Năm 544, Lý Bôn lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế định đô ở Long Biên. Không bao lâu sau, nhà Lương lại đem quân xâm lược nước ta. Lý Nam Đế thất trận chạy về động Khuất Liêu, binh quyền trao cho Triệu Quang Phục. Sau khi đánh tan quân giặc năm 548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương, đóng đô ở Long Biên. Đến năm 570, ông bị Lý Phật Tử đem quân đánh úp, ông bị thua phải rút chạy rồi trầm mình xuống cửa biển Đại Nha vào ngày 14 tháng 8
Tương truyền khi rút chạy, Triệu Việt Vương đã dừng chân ở thôn Cầm Lang (nay là thôn Ba). Hiện nay ở thôn Ba vẫn còn dấu tích của vua Triệu dừng chân như khu đất An Mã Chiến là nơi quan quân cho ngựa ăn cỏ và uống nước, doanh trại quân lính xưa nay là khu cồn cửa... Sau khi Triệu Việt Vương mất để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân Cẩm Nang xưa (nay là thôn Ba, thị trấn Nam Giang) lập đền thờ ông ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân.

Đền Giáp Ba là một công trình kiến trúc lịch sử bề thế, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những kiến trúc cổ truyền dân tộc, ngôi đền quay về hướng nam, gồm bốn tòa chính và 2 giải vũ theo kiểu nội chữ Đinh, ngoại chữ Quốc. Đền làm trên một mảnh đất cao ráo, rộng rãi, với hệ thống tiền đình, hồ nước vuông vắn phía trước tạo lên sự hài hòa, cân đối. Đền Giáp Ba đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1994.

Từ đền Giáp Ba đi ngược về phía bắc khoảng 300m du khách sẽ đến tới làng rèn Vân Chàng một làng nghề truyền thống có hàng trăm năm nay, mà trung tâm là đình Vân Chàng thờ Lục vị Thánh Sư. Tương truyền đời vua Nhân Tông, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng, khi đó làng mới có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ (Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Nguyễn...) do 6 ông thầy nơi khách về truyền dạy.

Nằm ở phía tây nam chùa Đại Bi là đền Giáp Tư thờ Ngọc Hoa Công Chúa, đền được xép hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 1997. Theo truyền thuyết địa phương, Đền Giáp tư hiện nay thờ Ngọc Hoa Công chúa là do cuối thời Lý đầu thời Trấn có một số người của 8 dòng họ làm nghề buôn bán di cư từ kinh thành Thăng Long về đây lánh nạn rồi lập thành làng, xóm. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2 (1285), nhân dân địa phương đã trở lương thực phục vụ quân đội đánh giặc. Một lần khi thuyền chở lương qua cửa đền Đại Yên thì bị mắc cạn. Mọi người trong thuyền đang thắp hương cầu khấn xin thần phù hộ thấy một con cá chép bỗng nổi lên trước mũi thuyền, sau đó thuyền đi thông suốt an toàn. Sau nhiều chuyến vận tải lương thực thành công góp phần vào chiến thắng giặc ngoại xâm, nhân dân địa phương đã đến đền Đại Yên làm lễ xin được rước thần hiệu về quê hương phụng thờ. Khi thần hiệu vừa rước xuống thuyền, bỗng nhiên có một con chim hạc bay đến đậu trên ngọn cột buồm cho đến khi thuyền về đến làng mới bay đi. Dân làng phụng nghinh thần hiệu, lập đền thờ tôn làm Đương cảnh phúc thần. Cũng từ đó mọi người làm ăn phát đạt, cuộc sống ngày một ấm no sung túc. Để muôn đời ghi nhớ công lao của Ngọc Hoa Công Chúa đối với quê hương, tại toà trung đuờng đền giáp tư hiện còn đôi câu đối với nội dung sau:

                “Vạn cổ Đại An lưu thánh tích,

                 Thiên thu Tứ Giáp lại thần hưu”

Nghĩa là:

                      Muôn thuở Đại An nêu dấu thánh,

                     Ngàn thu Tứ Giáp đội ơn thần.

Một số hình ảnh Chợ Viềng xuân:

Như vậy chỉ trong vòng bán kính 300m nơi đây đã hội tụ những nét đặc trưng cấu trúc xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hoá của nền văn minh lúa nước. Song lại mang những nét văn hoá đặc trưng riêng có của vùng đất địa linh nhân kiệt, mà trung tâm là di tích  lịch sử văn hoá chùa Đại Bi cũng là nơi diễn ra lễ hội Chợ Viềng để rồi lan toả cả một vùng rộng lớn, để rồi “sự kỳ lạ” chợ chỉ họp một phiên vào ngày 8 tháng giêng cứ mãi thấm sâu vào trong tiềm thức của nhân dân để rồi:

 “Chợ Viềng năm họp một phiên

Để cho trai gái tốn tiền trầu cau”

Mãi mãi sống trong nhân gian và trường tồn với thời gian.

 











Nguồn : Trần Duy Huyền - Phòng VH-TT huyện Nam Trực.



http://namgiang-namtruc.namdinh.gov.vn/thitrannamgiang/2364/33622/43081/97333/tin-hoat-dong/cho-vieng-chua---noi-hoi-tu-nhung-gia-tri-van-hoa-va-truyen-thong-.aspx




II. Chợ Viềng ở Nghĩa Hưng, hay "chợ Viềng Hải Lạng", "chợ viềng Xép" 



Độc đáo phiên chợ Viềng sớm nhất ở Nam Định


Chợ Viềng - phiên chợ cầu may, mỗi năm chỉ mở một lần duy nhất đã mang những sắc thái văn hóa độc đáo của đất và người Thành Nam. Bên cạnh chợ Viềng được tổ chức quy mô tại huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực thì chợ Viềng tại thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng được mở sớm hơn một ngày lại mang dáng dấp một phiên chợ quê độc đáo. 


chợ
Chợ Viềng có lẽ là phiên chợ độc đáo, nổi tiếng nhất nhì ở miền Bắc nước ta khi dân gian quan niệm rằng đi chợ Viềng lấy may mắn, tài lộc cho cả gia đình trong một năm. Ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng, trong đó, chợ Viềng Hải Lạng được tổ chức vào đêm mùng 6 và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch.
nông sản
Theo một số quan niệm dân gian, cái tên chợ Viềng vốn là tiếng đọc chệch của chữ “vàng”. Màu vàng xưa là tượng trưng cho quyền quý, cho cái nhất, chỉ vua chúa mới được dùng. Chợ Viềng là phiên chợ sầm uất nhất vùng nên nó được ví là phiên chợ vàng nhưng vì kiêng màu vàng là màu của quân vương nên đọc chệch ra là Viềng.
 Du khách đến chợ để mua những dụng cụ sản xuất nông nghiệp để mong có một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, cây cối tươi tốt.
Ai đến với chợ Viềng cũng đều tâm niệm: mua may bán rủi cho năm mới được bình an, may mắn. Cả người bán lẫn người mua đều mong như vậy nên không cần nói thách hay mặc cả nhiều.  
Cây giống, cây bon sai
Cây giống, cây bon sai cũng là mặt hàng được ưa chuộng tại phiên chợ Viềng. Khách đến chợ có thể dạo thăm khu vực bán cây cảnh và mua cho mình một cây nhỏ bất kỳ, giá cả vừa phải, chủ yếu lấy lộc trong năm mới. 
Hàng hóa ở chợ vô cùng phong phú và đa dạng với sự hội tụ của hầu như tất cả những sản phẩm quê hương, một phiên chợ quê vô cùng độc đáo.
Từ công cụ lao động, nông sản... thậm chí chỉ là túi nhót xanh.
Một thứ không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Viềng là thịt bê. Bê thui là đặc sản và cũng là mặt hàng được tin rằng sẽ đem lại may mắn dịp đầu năm.
Người bán và người mua đều vui vẻ, không chỉ là trao cho nhau món hàng, mà còn là gửi gắm cho nhau chút tình ngày xuân năm mới, và mong muốn mang may mắn về nhà. 
Bất cứ người đi chợ nào cũng sẽ chọn mua ít nhất một món vật dụng ưng ý nhất.
Bất cứ người đi chợ nào cũng sẽ chọn mua ít nhất một món vật dụng ưng ý nhất.
 Chợ Viềng Hải Lạng dù được mở với quy mô nhỏ hơn so với Chợ Viềng tại Vụ Bản và Nam Trực nhưng vẫn thu hút đông đảo người tham gia.
Chợ kéo dài hơn cây số với đa dạng mặt hàng mang đậm nét văn hoá làng quê Việt. 
Tại phiên chợ Viềng còn nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ tướng, khu vui chơi trẻ em... tạo nên một không gian văn hoá vô cùng đặc sắc.
HUYÊN NGUYỄN















https://laodong.vn/van-hoa/doc-dao-phien-cho-vieng-som-nhat-o-nam-dinh-781296.ldo

..

..



----


CẬP NHẬT



1. Chợ Viềng Phủ Giày đã biến đổi rất nhiều


Nhộn nhịp phiên Chợ Viềng Xuân Canh Tý năm 2020

Theo truyền thống, Chợ Viềng Xuân  diễn ra chính chợ vào hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ngay sau Tết nguyên đán, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy để Lễ Mẫu và thực hiện các hoạt động mua sắm lấy lộc cầu may đầu năm, với mong muốn việc làm ăn trong năm mới thuận lợi.

Năm nay chính chợ diễn ra trong các ngày 31/01 đến 01/02/2020, trong đó khu vực chợ kéo dài từ sân vận động xã Trung Thành, dọc đường 56 từ ngã tư Đồng Đội cho tới khu vực  ngã ba thị trấn Gôi với tâm điểm là Quần thể Phủ Dầy là chính.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức tốt chợ Viềng xuân 2020, các ngành chức năng và các địa phương có diễn ra chợ của huyện Vụ Bản cũng đã phối hợp cao, đồng thời  triển khai các giải pháp khắc phục các hạn chế yếu kiếm trong công tác tổ chức  các năm trước, đặc biệt trong công tác chống ùn tắc giao thông, do vậy trong suốt quá trình diễn ra hội chợ không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài như các năm trước đây, đây là một điểm sáng trong dịp chợ Viềng năm nay.

Bên cạnh đó các ngành chức năng đã tích cực đấu tranh với các tệ nạn cờ bạc, sư giả, hành khất, ngăn chặn tình trạng tăng giá các dịch vụ, hàng hóa, chống hàng giả và xử lý môi trường sau hội chợ.

Đặc biệt năm nay trước khi phiên chợ diễn ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch cúm tới các du khách tham dự được đẩy mạnh, hầu hết các du khách tới tham dự đều mang khẩu trang cho mình vừa chống bụi và bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Cho điến thời điểm hiện tại, về cơ bản đánh giá công tác tổ chức chợ Viềng xuân 2020 diễn ra an toàn vui tươi và phấn khởi cho các khách thập phương đến  chợ. Để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương về truyền thống độc đáo và đặc biệt chỉ có ở Nam Định.

Một số hình ảnh của Chợ Viềng Nam Định 2020

Tấp nập du khách đến với chợ Viềng Nam Định


https://phuday.com/nhon-nhip-phien-cho-vieng-xuan-canh-ty-nam-2020.html

..

..


----

CẬP NHẬT


1.

   

Ngày 15 tháng 1 năm 2019, Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân năm 2019 huyện Vụ Bản đã họp lần 1 để xây dựng kế hoạch tổ chức Chợ Viềng truyền thống năm có một phiên vào mỗi dịp đầu Xuân.

 


Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân huyện Vụ Bản.

 

Đồng chí Đỗ Văn Kỳ – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân của huyện chủ trì hội nghị.

Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân năm 2019 của huyện.

 



Thành viên BCĐ dự cuộc họp.

 

Để tổ chức tốt Chợ Viềng xuân năm 2019, UBND huyện Vụ Bản đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban và các thành viên là thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban có liên quan của huyện, lãnh đạo xã Kim Thái, Trung Thành và Thị trấn Gôi.



Đồng chí Phó Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân của huyện triển khai công việc chuẩn bị tổ chức Chợ Viềng 2019.

 

Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức chu đáo hội chợ truyền thống độc đáo của quê hương năm 2019. Theo đó, Chợ Viềng xuân của huyện Vụ Bản năm nay vẫn diễn ra theo truyền thống vào hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Địa điểm họp chợ từ Thị trấn Gôi về xã Kim Thái đến xã Trung Thành; trong đó trung tâm là khu vực Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái.



 



 



Thành viên Ban chỉ đạo Chợ Viềng 2019 thảo luận tại cuộc họp.

 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân 2019 của huyện đã góp ý vào dự thảo Kế hoạch; đồng thời triển khai các nhiệm vụ để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức Chợ Viềng những năm trước đây. Những công việc được tập trung bàn bạc kỹ là công tác đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc phương tiện trên các tuyến đường, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…

 



Đ/c Đỗ Văn Kỳ – Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân của huyện phát biểu chỉ đạo.

 

Sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo Chợ Viềng xuân 2019 cùng các ngành chức năng của huyện và các địa phương sẽ khẩn trương triển khai các khâu công việc để tổ chức chu đáo Chợ Viềng xuân Kỷ Hợi 2019, tạo không khí ngày hội đầu xuân vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách thập phương.


Tin và ảnh: Vũ Quốc Huy

(Đài phát thanh Vụ Bản)


https://vuban.namdinh.gov.vn/huyenvuban/1211/26995/37544/120456/Van-hoa---Xa-hoi/Huyen-Vu-Ban-xay-dung-ke-hoach-to-chuc-Cho-Vieng-xuan-Ky-Hoi-2019.aspx

..


   
Ngày 23 tháng 2, Ban chỉ đạo chợ Viềng của huyện đã họp đánh giá kết quả chỉ đạo và tổ chức Chợ Viềng xuân năm 2017.

Dự hội nghị có đồng chí Phạm Ngọc Chi - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện.

Đồng chí Đỗ Văn Kỳ – Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban chỉ đạo chợ Viềng xuân của huyện chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo chợ Viềng xuân của huyện; lãnh đạo 3 địa phương có chợ và thủ nhang các di tích trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy.

 

Các đại biểu dự hội nghị đánh giá kết quả chỉ đạo và tổ chức Chợ Viềng xuân 2017.

 

Đã thành truyền thống, hàng năm, Chợ Viềng xuân được huyện Vụ Bản tổ chức vào hai ngày: mùng Bảy và mùng Tám tháng Giêng âm lịch. Năm nay, thời tiết và giao thông thuận lợi; công tác quảng bá về hội chợ độc đáo này được thực hiện tốt và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” với trung tâm thờ tự là Phủ Dầy mới đây đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên lượng du khách về với Chợ Viềng Vụ Bản năm nay rất đông. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, ước có khoảng trên 30 vạn lượt người, trên 15 nghìn lượt ô tô cùng hàng chục nghìn xe máy về với hội chợ.

Từ trước Tết nguyên đán Đinh Dậu, Ban chỉ đạo Chợ Viềng xuân của huyện đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó các ngành chức năng đã nỗ lực triển khai các giải pháp để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức Chợ Viềng những năm trước đây, tập trung vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, khắc phục nạn cờ bạc, sư giả, hành khất và ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá tại hội nghị, việc triển khai kế hoạch và tổ chức chợ Viềng xuân Đinh Dậu 2017 cơ bản đạt được các yêu cầu đề ra, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích được các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; hàng hóa tại chợ đa dạng, phong phú và ổn định về giá cả; an ninh trật tự đảm bảo, được dư luận và du khách thập phương đánh giá cao.

 

Đ/c Đỗ Văn Kỳ – Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận hội nghị.

 

Tại hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo và tổ chức Chợ viềng xuân 2017, các thành viên Ban chỉ đạo của huyện đã nêu lên một số những hạn chế trong tổ chức hội chợ Viềng vừa qua, từ đó rút kinh nghiệm để có phương án khắc phục nhằm tổ chức tốt hơn hội chợ truyền thống độc đáo này của quê hương trong những năm tiếp theo, trước mắt là tổ chức tốt Lễ hội Phủ Dầy năm 2017.

 

Tin và ảnh: Vũ Quốc Huy

(Đài phát thanh Vụ Bản)

Lượt xem: 355
   
Đến hẹn lại lên, cứ nhằm ngày mồng Bảy đến hết mồng Tám tháng Giêng âm lịch, Chợ Viềng xuân huyện Vụ Bản lại họp một phiên duy nhất trong năm.

 

Năm nay thời tiết thuận lợi và đặc biệt mới đây, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” với trung tâm thờ tự là Phủ Dầy đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nên lượng du khách về Chợ Viềng du xuân rất đông. Ngay từ sáng mùng Bảy tháng Giêng âm lịch, du khách từ các địa phương đã nô nức về với phiên chợ Viềng xuân Vụ Bản. Các con đường dẫn vào trung tâm chợ tuy đã được mở rộng song vẫn kín người qua lại.

Từ xa xưa, chợ Viềng Vụ Bản thường được họp ở xã Kim Thái, xung quanh quần thể di tích Phủ Dầy. Theo thời gian, chợ được mở rộng kéo dài từ Thị trấn Gôi, qua xã Kim Thái đến xã Trung Thành, song khu vực quần thể Phủ Dầy ở xã Kim Thái vẫn là trung tâm thu hút đông du khách về chơi chợ, du xuân và đi lễ cầu may đầu năm.

Trước kia, chỉ có người dân ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An… do đường xa mới đi chợ Viềng từ ngày mùng Bảy tháng giêng. Tuy nhiên những năm gần đây, ngày mùng Bảy và đặc biệt là đêm mùng Bảy đã dần trở thành phiên chính của Chợ Viềng Vụ Bản. Những hoạt động thực hiện tín ngưỡng tâm linh ở Quần thể di tích lịch sử Phủ Dầy và mua sắm cầu may được tiến hành liên tục cho đến hết ngày mùng Tám tháng Giêng. Điều này đã tạo nên sự độc đáo, quy mô lớn và đông vui bậc nhất của chợ Viềng Vụ Bản vào mỗi dịp đầu xuân.

 

 

Công an huyện Vụ Bản đã được Công an tỉnh Nam Định tăng cường với tổng số gần 400 cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng công an các xã, TT thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phân luồng và chống ùn tắc giao thông cho Chợ Viềng.

Ban chỉ đạo Chợ Viềng huyện Vụ Bản và 3 xã,TT có chợ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tổ chức Chợ Viềng xuân 2017 đảm bảo an toàn, lành mạnh, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh, đồng thời tạo không khí ngày hội đầu xuân vui tươi, phấn khởi cho du khách thập phương về với Chợ Viềng.

 

Một số hình ảnh du khách đi chợ Viềng xuân trưa ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch.

 

 


 

 

T/h: Quốc Huy – Đài phát thanh Vụ Bản

https://vuban.namdinh.gov.vn/huyenvuban/1211/26995/37544/85752/Van-hoa---Xa-hoi/Dong-dao-du-khach-no-nuc-tray-hoi-Cho-Vieng-xuan-Vu-Ban-.aspx


..

Lượt xem: 313
   
Ngày 19 tháng 1 năm 2017, Ban chỉ đạo Chợ Viềng xuân 2017 của huyện đã họp lần 2 tiếp tục triển khai các công việc chuẩn bị cho Chợ Viềng truyền thống năm có một phiên được tổ chức vào dịp đầu xuân.

  Đồng chí Phạm Văn Quyết - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Lương Quốc Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện dự và phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí Đỗ Văn Kỳ – Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Chợ Viềng xuân của huyện chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo Chợ Viềng xuân 2017 của huyện.

 

Các thành viên Ban chỉ đạo Chợ Viềng 2017 tham dự cuộc họp.

 

Theo kế hoạch, Chợ Viềng xuân của huyện nhà năm nay vẫn sẽ diễn ra theo truyền thống vào hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng năm Đinh Dậu. Địa điểm họp chợ từ Thị trấn Gôi về Kim Thái đến xã Trung Thành; trong đó trung tâm là khu vực Quần thể di tích – văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái.

Mới đây, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” với trung tâm thờ tự là Phủ Dầy đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, điều kiện giao thông thuận lợi, công tác quảng bá được huyện nhà thực hiện tốt trong những năm qua, cộng với việc ngày mùng 8 tháng giêng trùng vào ngày nghỉ nên dự tính lượng du khách về với Chợ Viềng năm nay sẽ rất đông.

Tại cuộc họp lần 2 của Ban chỉ đạo Chợ Viềng 2017, đại diện các ngành thành viên đã báo cáo tiến độ chuẩn bị các công việc theo sự phân công Ban chỉ đạo. Theo đó, nhìn chung, tiến độ chuẩn bị các khâu công việc được đảm bảo. Các xã Kim Thái, Trung Thành và Thị trấn Gôi đã thành lập Ban tổ chức chợ Viềng của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; triển khai công tác vệ sinh môi trường và giải tỏa hành lang các tuyến giao thông về khu vực họp chợ.v.v... Dự kiến các địa phương sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị cho Chợ Viềng xong trước Tết nguyên đán.

Để đảm bảo công tác an ninh – trật tự và an toàn giao thông cho Chợ Viềng xuân, Công an huyện Vụ Bản đã có kế hoạch cụ thể và được Công an tỉnh đồng ý tăng cường khoảng 170 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ lực lượng công an huyện và các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ; đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam và Ninh Bình trong việc phân luồng giao thông, hạn chế các phương tiện vận tải hàng hóa đi qua Quốc lộ 10 đoạn qua huyện trong thời gian cao điểm của Chợ Viềng.

 

 

Đ/c Phạm Văn Quyết - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy phát biểu chỉ đạo.

 

Phát biểu tại cuộc họp lần 2 của Ban chỉ đạo Chợ Viềng xuân 2017, đồng chí Phạm Văn Quyết - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy đã yêu cầu UBND huyện và Ban chỉ đạo của huyện phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn để làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức chu đáo Chợ Viềng xuân 2017, làm tiền đề cho việc tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đối với “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

 

Đ/c Lương Quốc Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo.

 

Cũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Chợ Viềng 2017, đồng chí Lương Quốc Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh các công việc trọng tâm mà Ban chỉ đạo, các các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo và xã Kim Thái, xã Trung Thành, Thị trấn Gôi cần khẩn trương hoàn tất, nhằm tổ chức Chợ Viềng xuân 2017 đảm bảo an toàn, lành mạnh; khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh; đồng thời tạo không khí ngày hội đầu xuân vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong huyện và du khách thập phương về với chợ Viềng Vụ Bản.

Tin và ảnh: Vũ Quốc Huy

(Đài phát thanh Vụ Bản)

https://vuban.namdinh.gov.vn/huyenvuban/1211/26995/37544/85586/Van-hoa---Xa-hoi/Huyen-Vu-Ban-chuan-bi-cac-dieu-kien-de-to-chuc-Cho-Vieng-xuan-2017-an-toan--lanh-manh--tao-khong-khi-vui-tuoi--phan-khoi-cho-du-khach-thap-phuong-.aspx


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.