Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/06/2021

Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy (1976-2021) với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải

Vào ngày hôm nay, 11/6/2021,  trên Fb Nguyễn Thu Thủy (gia đình quyết giữ Fb này từ sau lễ an táng của hoa hậu đã viên mãn), có đoạn như sau:

"Tuy đã đi rất nhiều nơi nhưng Thủy đặc biệt gắn bó với thành phố Hà Nội quê hương, nhất là ba khu vực Thủy từng sống: phố Nguyễn Thái Học đoạn không xa phố Hoàng Diệu và ga Hàng Cỏ; khu Thanh Xuân (Lương Thế Vinh); Gia Lâm, gần cầu Long Biên. Khoảng mười năm cuối, Thủy sống gần hai cái hồ nổi tiếng của Hà Nội. Trong cái nhìn của Thủy, Hà Nội là một địa điểm rất đặc biệt, được làm nên từ nhiều tầng sâu khó dò và văn chương đối với Thủy đồng nghĩa với đi xuống thăm dò những khoảng tối cũng như các "đường hầm" luôn luôn tồn tại nhưng rất khó nhận biết. Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố."

Tôi chú ý đến câu "Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố".

Vậy thì, sẽ chờ đến lúc tiểu thuyết của hoa hậu ra đời (dự định là năm 2021, từ nhà xuất bản Thời Độ), thì xem Thu Thủy viết về Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải như thế nào. Hi vọng là có nhiều thú vị.

Về Phủ Tây Hồ như là biểu tượng tâm linh của Hà Nội từ sau Đổi Mới, tôi đã viết thành bài học thuật, mà là qua phân tích bài thơ "Hà Nội" của Trần Đăng Khoa (làm lần đầu năm 1969, và sửa lại vào năm 1999). Đọc bài đó tạm thời ở đây (năm 2016).

Dưới đây đưa bài trên Fb Nguyễn Thu Thủy về làm bài đầu tiên. Các bổ sung sẽ dán dần ở dưới đó như mọi khi.

Tháng 6 năm 2021,

Giao Blog



---


"

27 năm, vẫn ánh mắt đấy, vẫn nụ cười đấy 🥰 còn mong muốn gì hơn?

"



Ngày 11/6/2021

Khoảng lúc 23h 36

Không lâu trước khi qua đời, Tử Yên Nguyễn Thu Thủy đã gặp Nhà xuất bản Thời Độ để bàn về việc in cuốn tiểu thuyết "Mưa rơi trên thành phố".
Vào thời điểm ấy, Thủy cho biết mình đã viết xong hoàn toàn cuốn sách, chỉ cần một số chỉnh sửa cuối cùng là có thể in rất sớm (cụ thể là trong năm 2021). Hiện nay, bản thảo tiểu thuyết "Mưa rơi trên thành phố" đã được chuyển cho Nhà xuất bản Thời Độ theo ý nguyện của Thủy, cùng những bản thảo tìm được khác. Công việc chuẩn bị, biên tập đã được bắt đầu.
"Mưa rơi trên thành phố" là một cuốn tiểu thuyết dày (trong ước lượng của Thủy chắc chắn hơn 500 trang), viết về thành phố Hà Nội. Thủy đã viết cuốn sách trong vòng khoảng mười năm, thực sự khởi đầu không lâu sau thời điểm 2011-2012; nó nhanh chóng hoàn thành nhưng Thủy quyết định viết lại nhiều lần, và cũng tìm ra nhiều ngả rẽ mới, thay đổi cái nhìn riêng.
Tuy đã đi rất nhiều nơi nhưng Thủy đặc biệt gắn bó với thành phố Hà Nội quê hương, nhất là ba khu vực Thủy từng sống: phố Nguyễn Thái Học đoạn không xa phố Hoàng Diệu và ga Hàng Cỏ; khu Thanh Xuân (Lương Thế Vinh); Gia Lâm, gần cầu Long Biên. Khoảng mười năm cuối, Thủy sống gần hai cái hồ nổi tiếng của Hà Nội. Trong cái nhìn của Thủy, Hà Nội là một địa điểm rất đặc biệt, được làm nên từ nhiều tầng sâu khó dò và văn chương đối với Thủy đồng nghĩa với đi xuống thăm dò những khoảng tối cũng như các "đường hầm" luôn luôn tồn tại nhưng rất khó nhận biết. Thủy cũng đặc biệt gắn bó với Phủ Tây Hồ và Mẫu Thoải, hình tượng lớn nằm ở trung tâm linh hồn thành phố.
Mười năm cuối của Thủy cũng là mười năm của sự luyện tập, không lúc nào ngừng: không chỉ từng ngày mà từng giờ, không chỉ từng phút mà từng giây - trong từng "sát na". Từ một người hồi nhỏ đi học không thể theo nổi môn thể dục ở trường vì thể trạng quá yếu, Thủy đã trở thành một yogi đúng nghĩa (gần đây, chuỗi chương trình Yoga Ấn Độ toàn thế giới đã chọn Thủy làm người đại diện tại Việt Nam và hướng dẫn cho hàng nghìn người cùng tập ở Hạ Long), và cũng trở thành một người chạy bộ. Chỉ bắt đầu thực sự chạy từ cuối năm 2018, trong năm 2019 Thủy đã nhiều lần hoàn thành cự ly haft-marathon (Hà Giang, Quy Nhơn, Mộc Châu) và hai lần hoàn thành cự ly marathon (trail) tại Đà Lạt và Pù Luông. Nhất là ở Đà Lạt (cuộc thi marathon đầu tiên), Thủy hoàn thành ngay trước khi hết giờ (COT) chỉ rất ít thời gian, và ngay sau đó hai chân không thể nhúc nhích suốt đêm. Không ít người đã nhờ Thủy mà có động lực bắt đầu chạy, Thủy cũng hướng dẫn cho một số người mới bắt đầu, nhất là khích lệ họ. Cũng trong mười năm này, Thủy khỏi hoàn toàn hai căn bệnh dai dẳng trước đây: hen suyễn và mất ngủ.
Sự luyện tập không chỉ như vậy, nó còn diễn ra trên nhiều bình diện khác. Đọc và viết trong suốt nhiều năm đã trở thành công việc hằng ngày của Thủy. Thủy dậy rất sớm, đọc và viết, tập yoga rồi chuẩn bị cho con đi học. Trước đây, Thủy đã viết nhiều, như bất kỳ ai đọc facebook của Thủy đều thấy (đã có vài lần Thủy trích từ cuốn tiểu thuyết "Mưa rơi trên thành phố"), nhưng càng về sau, sự viết càng trở nên một công việc thiết thân, thậm chí một lẽ sống.
Nhờ viết, Thủy đã mở rộng được cái nhìn riêng, nắm bắt những gì mù mờ và hiểu nhiều điều không dễ nắm bắt. Không còn mù mờ và cũng không vướng phải hồ nghi, tinh thần trở nên cả một thế giới đầy đủ. Nhất là, khi các vảy - các "maya" - đã rơi rụng khỏi mắt, ta có cơ may thấy được chính mình. Nói ngắn gọn: "gnose", theo nghĩa nguyên gốc của từ này. "Ai thấy chính mình thì thấy Chúa" - tức là được ở trong thế giới tinh thần thuần khiết, ở trong tình yêu và có thể trao tình yêu đi. Như vậy cũng tức là đến được một thế giới đầy đủ các chiều hơn.
Để dễ hình dung, có thể dùng ngôn ngữ của Islam: nhờ "Imân" mà thấy được "Imâm" và ở được trong môi trường của "Walâyat".
Sự luyện tập đòi hỏi không ngừng nhưng cũng mang đến vô hạn. Nhất là nó mang lại sự nhìn thấy chính mình. Việc tìm ra tên "Tử Yên", cái tên nói lên bản tính sâu thẳm của Thủy, cho thấy Thủy đã nối lại được với nguồn gốc sâu xa của riêng Thủy.
"Cuộc tìm sự thật quý giá hơn sự thật" (Lessing).
Gia đình quyết định giữ nguyên trạng facebook của Tử Yên Nguyễn Thu Thủy và sẽ thông báo khi sách của Thủy in. Không ít người vẫn muốn nhìn thấy Thủy ngày ngày, như một sự khích lệ nho nhỏ, trong cuộc đời. Một dấu hiệu của tình yêu.

https://www.facebook.com/nguyenthuthuy/posts/10159389289998256

..


---


BỔ SUNG


2.

    Thành phố mưa phùn

    Xem với cỡ chữ  


    … Cô chẳng hiểu sao mình lại lạc vào giữa thành phố này. Thành phố mùa xuân ẩm ướt.

    Cô thức dậy lúc 4 giờ kém 10 phút sáng như mọi khi. Không khí trong phòng khô ráo hơn bên ngoài cửa sổ. Phòng cô và bên ngoài được ngăn nhờ lớp cửa kính dày. Cửa chống ồn, chống nhiệt khung nhôm sơn tĩnh điện trắng. Ngoài ô cửa, ánh sáng trắng mờ mờ bởi không khí đặc hơi nước. Cô nhỏm dậy, ngó ra cửa, lấy tay di nhẹ trên những lấm tấm nước đọng trên kính.

    - Không có trăng - Cô lẩm bẩm, khẽ đẩy hé cánh cửa kính ra. Rồi lại trở về giường nằm và chờ đợi.

    Ở tầng cao nhất của khu căn hộ 18 tầng này, cô luôn luôn nghe thấy tiếng gió rít giữa các khu nhà cao tầng, khi thì u u buồn bã, khi dóng diết, khi thì ầm ào như có thác nước gần đó. Thành phố của cô đang ở giữa mùa xuân.

    - Trời có lẽ đang mưa phùn. Cô nghĩ.

    Chỉ ở thành phố của cô mới có thứ mưa như thế. Mưa phùn. Mưa mịn như rắc bụi lên mọi vật. Chẳng ai nghe được tiếng mưa phùn mùa xuân, cũng không nghe được những nhúc nhích bên dưới mặt đất. Không có tiếng động, không có hình thù rõ rệt, có mấy ai nhìn thấy được hạt mưa phùn bao giờ. Mới tối qua trước khi đi ngủ, cô ra đứng ngoài ban công nhìn cả thành phố của cô trong màn mưa. Mọi vật như đang bốc khói, một thứ khói lành lạnh, ướt và đầy mùi ẩm mốc.

    - Mình cũng mọc rêu lên mất thôi, nếu cứ nằm thế này mãi.


    Minh họa của Trung Dũng

    Cô đã nói thế với Hữu. Cậu đến từ lúc nào, đang ngồi bên bậu cửa sổ nhìn cô. Cô cảm nhận được sự xuất hiện của Hữu. Hữu nhìn cô buồn bã.

    - Bắt đầu chưa? - Hữu hỏi.

    - Bắt đầu đi! - Cô gật đầu. Thở dài. Cô khẽ nhắm mắt. Nhưng cô lại ngồi dậy, nhìn Hữu, hỏi:

    - Chúng mình sẽ mãi thế này sao? Mình cần tìm lối thoát. Cậu hứa giúp mình mà.

    Cô bắt đầu khóc.

    Hữu lắc đầu, vẫn từ bậu cửa sổ. Đằng sau lưng Hữu là thành phố của cô đang mờ mịt trong màn mưa bụi. Từ giường nhìn ra, cô có thể thấy rất nhiều đèn từ các khu nhà, một hàng mờ tối sẫm của cây cối bên bờ sông. Dưới mưa, đèn thì giống những khoảng tối, còn những khoảng cây tối lại như tự sáng lên. Mưa rơi xuống mặt sông, một cuộc hội ngộ buồn. Con sông uốn éo chảy qua thành phố của cô quanh năm đục ngầu phù sa. Một thứ đất mịn màng chảy qua tay trôi tuột đi mỗi khi cô định vốc nó lên. Mưa xuân cũng mịn như đất phù sa, cô nghĩ. Từ đây cô không thể nhìn thấy cây cầu sắt cho đường xe lửa chạy qua, cũng không thể nghe thấy tiếng còi tàu chợ, tầm này tàu từ miền ngược vào thành phố. Chẳng phải chỉ lúc này mới không nghe thấy tiếng còi tàu mà đã suốt nhiều năm qua cô không nghe thấy nó.

    Tu tu tu tu tu tu tu tu tu tu tu…

    Cô lại nằm xuống giường.

    Tu tu tu tu tu tu tu tu…

    Cô bảo Hữu:

    - Mình bắt đầu đi.

    Cô gọi Hữu là người của mùa xuân. Người chỉ đến với cô vào lúc 4 giờ kém 10 phút sáng. Hữu là mùa xuân với cô, là sự khởi đầu. Khởi đầu một ngày, một chu kỳ từ lúc 4 giờ kém 10 sáng, dẫu cho cô có thể ngủ và lạc đi đâu mất suốt từ lúc 4 giờ kém 10 sáng này đến lúc 4 giờ kém 10 sáng ngày tiếp theo. Mùa xuân trong khái niệm của cô là sự ẩm ướt từ bên trong. Một thứ nước ri rỉ ra từ một con lạch mùa xuân chạy dọc cơ thể. Nước nguồn trong và mát lạnh, có hương của hoa cỏ ngai ngái. Mỗi lần cô cựa mình trên tấm ga, mùi ngai ngái lại tỏa ra nặng hơn. Ngoài cửa mưa bụi vẫn rắc trên thành phố của cô mờ mịt. Hữu ngồi bên bậu cửa nhìn cô. Có những hôm cô sẽ bật Fuga của Bach. Nhưng hôm nay thì không cần…

    *
    *       *

    … Cô sống một mình giữa thành phố của cô, như suốt bao nhiêu năm kể từ cái buổi chiều cô nhận ra là mình lạc lõng giữa thế gian này. Sự lạc lõng cũng có chiều dài và chiều rộng, sợ nhất là cũng có cả chiều sâu. Cô có những người tình, những người tình đến với cô, giữa những mùa yêu đương hư ảo. Và Hữu là mùa xuân. Có họ, cô không thấy bớt cô đơn hơn, mà qua họ, cô quan sát để tìm ra quy luật. Cô cần phải tìm ra quy luật để lý giải cho sự một mình của cô, và cô cũng cần phải tìm ra một con đường, một lối đi bắt đầu từ điểm đầu cho tới điểm cuối. Giờ cô lạc lõng giữa thành phố quen thuộc của cô, tìm điểm đầu, điểm cuối và lối đi nối chúng lại với nhau. Hằng ngày, cô đi quanh quanh để tìm điểm đầu, điểm cuối và lối đi ấy, cũng như cô đi xuyên qua thành phố của cô, xuyên qua bốn mùa. Hữu đã nói với cô như vậy, phải tìm ra quy luật, phải vẽ cho ra được sơ đồ.

    Cô chưa bao giờ nói với ai về điều đó ngoài Hữu, cho đến lúc này.

    Căn hộ của cô nằm trên tầng 18 của một khu chung cư. Đây là tòa nhà nằm trong một khu vực mới xây dựng của thành phố. Thành phố mở rộng không ngừng suốt bao nhiêu năm qua, phình to ra nhanh đến nỗi người ta lạc lối ở trong nó. Người ta không định vị thành phố từ dòng sông uốn mình chảy qua nó nữa, mà định vị bằng các tòa nhà cao ốc, hay tiếng Anh gọi là landmark - điểm đánh dấu. Tòa nhà cô ở cũng là một landmark. Nhưng cô chưa bao giờ hài lòng với điểm đánh dấu này. Cô luôn luôn lạc lối khi tìm về nhà mình. Có lần cô nói với ai đó, như một sự phàn nàn:

    - Chúng ta có phải bay như chim được đâu mà lại lấy những tòa nhà cao tầng làm landmark. Làm sao di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà lại cứ phải ngước nhìn lên. Những tòa nhà chưa đủ cao để thành dấu ấn không gian nhưng lại cao quá so với tầm nhìn của chúng ta.

    … Thành phố của cô ngày càng chật hẹp mặc dù thành phố ngày càng phình ra không ngừng. Có lần Hữu bảo với cô, “có một con thú sống trong lòng đất, thành phố của cô nằm đúng trên sống lưng con thú đó. Trời mưa gió là con thú bị đau lưng vì sức nặng của cả thành phố đang đè lên lưng nó”. Cô tin ngay. Cứ tối tối, cô lại ra đứng ngoài ban công để lắng nghe xem con thú đang làm gì. Đôi lúc cô nghe thấy tiếng trở mình của nó. Đôi lúc cô nghe thấy tiếng nó thở nặng nhọc trong cơn ngủ đẫy. Đôi lúc cô thấy nó tỉnh giấc, gầm rống lên. Nơi cuối chân trời có ánh rạng hồng rực như ánh vảy ngũ sắc của con thú hắt lên nền trời. Nó đang giận dữ.

    Bây giờ là mùa xuân, mọi thứ đang nhúc nhích nhú lên và lan rộng ra. Cả sự lạc lõng. Cô cảm nhận rất rõ điều đó khi mở tủ bếp, thấy một cây nấm to rủ xuống. Nó đâm ra từ khi nào giữa đường nứt của tủ, chỉ mới có vài hôm cô không mở đến ngăn tủ đó. Một cái nấm hình xám, như một cái ô ủ rũ treo ngược trên cánh tủ. Loài nấm mốc có thể sinh ra từ bất cứ đâu, bám vào mọi địa hình và lan ra cùng với hơi nước ẩm trong không khí. Chính chúng ta cũng đang hít thở hàng triệu triệu cái ô treo ngược trong không khí mà không biết. Hít vào thở ra, mắc lại một chút ở lông mũi hoặc khoang miệng thành những cục gỉ mũi đóng két đắng ngắt và chát, hoặc thành thứ rêu bám trong lưỡi chúng ta. Cô nghĩ. Cô đưa tay đặt lên ngực cố gắng điều hòa nhịp thở vốn đã rất nặng nề của mình mấy ngày qua. Cô bị hen. Hen suyễn. Bị hen có nghĩa là phế quản và khí quản của bạn có hình thù không thẳng và rộng rãi như người bình thường, cái hành lang cho ôxy đi qua để đến phổi ấy. Nó cong queo và bị xoắn lại, biến dạng. Khi ôxy đi qua nó, nó tạo thành những tiếng rít vì những ô hốc trống đầy rẫy ở đó. Tiếng rít như có mấy chục con mèo con thi nhau gào trong cổ họng và ngực. Đó là một cái hành lang bị lỗi. Ông bác sĩ già đã giải thích với cô như vậy. Với một cái hành lang tối tăm, cong queo và biến dạng như thế, giờ lại treo lủng lẳng những cái ô ủ rũ thũng nước xám xịt nữa thì thật là đáng báo động. Cô nghĩ thầm. Phải làm gì đó thôi. Phải làm gì đó để thổi bay cái đám ô treo ngược ấy đi…

     “Bây giờ là mùa xuân, mọi thứ đang nhúc nhích nhú lên và lan rộng ra. Cả sự lạc lõng. Cô cảm nhận rất rõ điều đó khi mở tủ bếp, thấy một cây nấm to rủ xuống. Nó đâm ra từ khi nào giữa đường nứt của tủ. Một cái nấm hình xám, như một cái ô ủ rũ treo ngược trên cánh tủ… Phải làm gì đó thôi. Phải làm gì đó để thổi bay cái đám ô treo ngược ấy đi…”

      Truyện ngắn của Nguyễn Thu Thủy


      https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-mua-phun-365080



      1.

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy

      07/06/2021 15:16 GMT+7


      TTO - Trong đời mình, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy là người ít nhiều gây nên những đợt sóng tranh cãi; nhưng một điều mà khó ai có thể phủ nhận: Thu Thủy là một trong số rất ít hoa hậu có nền tảng tri thức vững.


      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 1.

      Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

      Điều đó đến từ đọc sách và viết thường xuyên - một nhu cầu thường trực như cách cô đến với chạy bộ và yoga sau này.

      Sách theo suốt cuộc đời ngắn ngủi

      Thủy được sinh ra trong một gia đình trí thức, có bố là GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi và mẹ là soạn giả từ điển - TS Chu Bích Thu. Không lạ gì khi sau đăng quang hoa hậu năm 1994, cô gái này thi đỗ cả ba trường đại học.

      Nếu các hoa hậu lâu nay thường vấp váp và lúng túng ở phần thi ứng xử thì với Thủy, ngoài danh hiệu Hoa hậu Việt Nam, cô còn giành giải thí sinh có phần trả lời ứng xử hay nhất. Ngoài lợi khẩu, cô còn lợi ngôn. Nếu theo dõi trang Facebook cá nhân của cô, không khó để nhận ra người mà cô thần tượng suốt đời mình là bố mình.

      Sách theo suốt cuộc đời ngắn ngủi của Thu Thủy, chứng kiến và bên cạnh cô những lúc đau đớn nhất. 15 tuổi, mẹ đi Nga, cô ở nhà với bố và em trai.

      Một lần cô tâm sự: "Cao, gầy khẳng khiu, da xanh rớt với đủ thứ bệnh trong người, tháng nào cũng tiêm kháng sinh ê cả tay, mình chịu đựng đau đớn và bệnh tật cùng với sách. Giờ nhìn lại những quyển sách cũ, mình chỉ nhớ quyển này là hôm mình bị đau đầu, quyển kia đọc trong lúc đợi đến lượt xông họng"…

      Trong lúc sợ hãi nhất, như khi hay tin Liên Xô sụp đổ, nhiều xe tăng đi trên đường phố Matxcơva, cả nhà bồn chồn lo lắng cho mẹ cô. Cô bé Thủy chẳng biết làm gì, lẳng lặng chui vào xó nhà đọc sách và khóc lặng lẽ.

      "Lúc đó mình nghĩ, sau này mình cũng sẽ thành nhà văn, sẽ viết những câu chuyện để cho một vài cô bé nào đó đang sợ hãi hoang mang ngồi trong một góc nhà nào đó, ở một góc nào đó của thế giới này có một niềm vui sống nho nhỏ qua ngày. Vậy là đủ, vậy là hạnh phúc để hiểu thế nào là tồn tại".

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 2.

      Căn phòng chứa đầy sách của cô - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 3.

      Căn phòng chứa đầy sách của cô - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

      Một lần, Thủy đăng một tấm hình chụp bố cô ở cây cầu trong khu sân bãi của Trường đại học Cornell (Mỹ). Năm đó, bố cô đi về và thường kể cho đứa con gái ốm yếu của mình về những thư viện ngút ngàn sách, về môi trường được học tập, khuyến khích con người tìm hiểu và mơ ước.

      Những lúc rảnh, cô thường mang những bức ảnh đi đây đi đó của ông ra xem, ngắm nghía và tin rằng một ngày nào đó, cô cũng sẽ đặt chân đến những vùng đất mà bố đi qua. Đọc hiểu những cuốn sách mà bố đã đọc và viết, nói được những ngôn ngữ khác nhau và thấy được vẻ đẹp của những cấu trúc ngôn ngữ giống như cách ông hay diễn đạt về công việc của mình.

      Thủy rất thích viết, nhất là tự viết tay trên giấy trắng với nhiều kiểu bút, màu mực khác nhau để chia sẻ về công việc cũng như quan điểm cá nhân. Cô cho rằng: "Ghi chép, vẽ lại mạch suy nghĩ là một cách học tập tốt nhất, một cách để chống lão hóa và trẻ lâu".

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 4.

      Bộ sưu tập quý giá liên quan đến Truyện Kiều của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

      Nhà báo Thủy Lê - một người bạn của Thu Thủy - kể lại, mọi người hay gọi bạn là "Thủy hoa hậu", nhưng với cô, Thủy hơn hết là một người viết mà nhiều bài, nhiều câu cũng khiến cô "mất điện"...

      Thủy Lê nhớ mãi cách Thủy tả "gương mặt lớn của văn chương đương đại Pháp trong căn hộ nhỏ" của bà tại Paris, cách Thủy đặc tả cái ánh nhìn chưng cất từ im lặng đó:

      "Còn Linda Lê, bà im lặng và sẵn sàng im lặng rất lâu, lâu cho đến khi nào mỗi đồ vật và con người đang xâm lăng vào thế giới của bà kia tạm yên ổn. Bà hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, nhưng tôi biết bà không hẳn là đang nhìn ra những thứ bên ngoài cửa sổ, mà chỉ là vì không gian bên trong lúc này chật hẹp đến độ không đủ cho cả một ánh nhìn...".

      Hay cách Thủy tả nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê: "Đối với tôi, Nguyên Lê trước hết là một nụ cười. Một nụ cười không chỉ đẹp, mà hơn thế nhiều, ở đó có một sự ngây thơ mà tôi cho là rất quý giá, một sự ngây thơ mà người ta chỉ có thể đạt đến được sau rất nhiều từng trải...".

      Nguyễn Thu Thủy cũng hay mua sách tặng những người mà mình quý mến. Và nếu tìm hiểu về cô hoa hậu này, không khó để biết cô là khách hàng thân thiết của những công ty sách hoặc nhà xuất bản.

      Hễ có một cuốn sách hay nào đó mới được xuất bản, cô đều mua cho được. Ngoài đọc sách tiếng Việt và sách dịch, cô còn đọc sách ngoại văn. Cô đọc đủ thể loại sách: từ sách văn học, sách văn hóa, triết học, lịch sử, tâm lý học… cho tới sách khoa học, vật lý lượng tử, thiên văn học, sách thiền, sách về dinh dưỡng…

      Thủy có thói quen sưu tầm sách cũ, vì thế, hễ có dịp đi đâu xa, cô đều lân la đến các hiệu sách cũ. Nếu có duyên tìm được cuốn sách hiếm, lòng cô không ngừng hoan hỉ. Khi tìm được cuốn Đời văn của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, cô viết: "Có ai đó đã đọc quyển sách này lần thứ nhất vào năm 1942".

      Chỉ bấy nhiêu dấu tích để lại đó cũng làm cô hoa hậu sướng âm ỉ trong lòng. Hay cô từng "khoe" bộ sưu tập quý liên quan đến Truyện Kiều, trong đó có những cuốn mà những tay chơi sách cũ cũng phải "thèm thuồng".

      "Quyển đang mở ra ở phía trên là quyển của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Đắc Lộ thư xã, 1942; quyển dưới cùng bên phải, bìa có con dấu, con dấu ghi "Vương Hồng Sển Sóc Trăng đấy", cô đầy hãnh diện trong vẻ hân hoan.

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 5.

      Thủy rất thích viết, nhất là tự viết tay trên giấy trắng với nhiều kiểu bút, màu mực khác nhau để chia sẻ về công việc cũng như quan điểm cá nhân. - Facebook Nguyen Thu Thuy

      Đọc để phản tư, phản tỉnh

      Với mỗi giải chạy, cô vẫn mang theo một cuốn sách. Cô dành một ngày trước trận đấu để nghỉ ngơi hoàn toàn và đọc. Nếu ở giải Dalat Ultra Trail, cô đọc Jung, thì ở Ha Giang Marathon, trong lúc các bạn đi chèo thuyền kayak trên sông Nho Quế thì cô ở lại, đọc Lược sử thời gian của Stephen Hawking.

      Còn ở giải chạy VJM Pù Luông, cô chọn nghiền ngẫm Rễ trời của Romain Gary. Rễ trời - một câu chuyện về bảo tồn, khi con người hiện đại tìm đủ mọi cách để chiến thắng những chân lý cổ xưa nhất và chối bỏ những nhu cầu sâu thẳm nhất của mình, thì vẫn có những kẻ gàn dở và ngoại lệ.

      Morel, một người đã sống sót qua những trại tập trung phát xít nhờ nuôi nấng trong mình tưởng tượng về loài voi, sau chiến tranh đã quyết định sang châu Phi để bắn vào mông tất cả những kẻ giết voi.

      Thu Thủy viết: "Đau thương, bi tráng và buồn đến phát khóc. Những nhân vật trong tiểu thuyết làm tôi cũng muốn từ chối đứng về phe con người văn minh, tôi cũng là một kẻ gàn dở".

      Có ai đó hỏi tại sao tôi chạy, tại sao tôi đọc, tại sao tôi viết, câu trả lời đơn giản nhất, vì tôi muốn sống nhiều cuộc đời. Những ngày mưa gió, "mưa thì kệ mưa chứ", mẹ Thủy đọc sách, cô con gái nhỏ hí hoáy vẽ, thỉnh thoảng lại tâm sự chuyện trường lớp bên cạnh lọ ô mai mơ có lẽ là khoảnh khắc bình yên trong đời.

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 6.

      Cuốn Sinh ra để chạy (Christopher McDougall) đã truyền cảm hứng cho Thủy trở thành một runner

      Cuốn Sinh ra để chạy (Christopher McDougall) đã truyền cảm hứng cho Thủy trở thành một runner. Cô đọc đi đọc lại nó, mười một hay mười hai lần nào đó. "Lần nào đọc, cũng tìm thấy một điều gì đó mới mẻ, một thứ ánh sáng khác soi chiếu", cô chia sẻ.

      Còn khi đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (Haruki Murakami), cô ấn tượng đoạn: "Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý. Tôi hoàn toàn tán thành. Một hành động dù thoạt nhìn có tầm thường đến thế nào, song cứ kiên trì làm đủ lâu thì nó sẽ trở thành một hành vi thâm trầm, thậm chí là thiền định".

      Ngày bố cô mất, Thủy suy sụp. Cô viết: "Chắc đến một lúc nào đó bình tâm và yên ả hơn, tôi sẽ ngồi viết lại những kinh nghiệm cho việc tổ chức một tang lễ từ A tới Z. Tôi nghĩ nó là cần thiết cho những đứa con đang trải qua tuổi trung niên, những người con bận rộn trong một xã hội hiện đại với hệ thống giá trị niềm tin chồng chéo và khủng hoảng".

      Có một giai đoạn Thủy hay viết báo, nhận giữ mục cho hai tờ báo và tạp chí. Nhưng rồi vì cảm thấy những gì mình viết lạc lõng so với những thứ nhảm nhí đang thống lĩnh bên ngoài kia nên cô bỏ.

      Một lần chở bố đi khám bệnh, cô nói: "Con đang viết tiểu thuyết bố ạ". Nhìn qua gương chiếu hậu, cô để ý bố cô nhìn ra cửa sổ không nói gì. "Chắc cụ nản vì có đứa con gái lúc nào cũng lạc loài và đứng bên lề mọi thứ". Tiếc là, cô qua đời đột ngột quá, nên cuốn tiểu thuyết đời người đó, đang còn dở dang.

      Đọc sách trở thành nhu cầu thường trực của cô hoa hậu (nhưng không phải bình hoa di động) này. Đọc và viết, để thấu tỏ bản thân, chứ không kiểu làm màu mè. Thủy đọc với một tinh thần phản tư và phản tỉnh.

      Đọc sách Nhiệt đới buồn (Claude Lévi- Strauss), cô viết: "Người khác là người khác, không có khái niệm hiện đại hay mông muội giữa các nền văn hóa với nhau, giữa người này với người khác…

      Bạn không thể áp đặt suy nghĩ, quan điểm của mình lên người khác mà phải biết chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận những "thế giới khác", chấp nhận những "người khác" xung quanh bạn".

      Nhiều người vẫn hỏi Thủy theo tôn giáo nào vì cô hay nói về đức tin. Cô bảo: "Tôi là người có tâm linh (spirittuality)" thì người ta kết luận cô "mê tín dị đoan". Thủy dẫn lại một câu trong sách mà mình đọc được để trả lời, đại ý: Những người theo tôn giáo vì họ sợ địa ngục, còn những người có tâm linh là những người vừa từ địa ngục trở về.

      Từ trước đến nay, hoa hậu, người đẹp ở nước ta không ít. Nhưng có mấy ai đáp trả sắc sảo như cô hoa hậu Việt Nam năm 1994?

      Sự viết và sự đọc của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy - Ảnh 7.

      Nguyễn Thu Thủy đã khép lại cuộc đời ở tuổi 45 - Ảnh: Facebook Nguyen Thu Thuy

      Tin sốc: Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đột ngột qua đời ở tuổi 45 vì đột quỵTin sốc: Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đột ngột qua đời ở tuổi 45 vì đột quỵ

      TTO - Tin từ gia đình hoa hậu Nguyễn Thu Thủy cho biết hoa hậu sinh năm 1976 vừa đột ngột qua đời vào 4h30 hôm nay, 5-6 tại Hà Nội. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hoa hậu Thu Thủy đột ngột qua đời sớm nay vì đột quỵ.

          Tiểu Tùng


      https://tuoitre.vn/su-viet-va-su-doc-cua-hoa-hau-nguyen-thu-thuy-20210607145309359.htm










      ..

      ..


      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét

      Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

      LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

      Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.