Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/03/2021

Hạ tuần tháng 3 ở nhà quê Fukuoka : sakura bung nở, đàn em ra trường

Hoa đào đã bắt đầu bung nở rồi kìa ! Rực rỡ và đầy sức mạnh nhường kia. Ở trước ngôi đền rìa biên thị trấn nhà quê. Ở trước ngôi chùa làng cổ kính với số tuổi tới gần một ngàn. Ở khắp nơi, trong thị trấn này, vào thời gian cuối tháng 3, sức xuân đang bật lên mạnh mẽ.

21/03/2021

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) qua đời khi chưa kịp nhận giải thưởng nhà nước

Ít tháng gần đây, trên báo chí và mạng xã hội đưa tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang được xét giải thưởng nhà nước.

Trước đó, khoảng tháng 3 năm 2020, thì có tin về việc nhà văn đã bị tai biến và hầu như rơi vào trạng thái lửng lơ "vô tri" (chữ dùng của một người hâm mộ nào đó đến thăm và viết nhanh trên Fb). Bởi vậy, nếu được trao tặng giải thưởng nhà nước sắp tới, giả như còn tại thế thì có khi nhà văn cũng không hay biết gì.

Thế rồi, ông đã buông xuôi tay vào cuối tuần vừa rồi. Bỏ mặc tất cả. Người đầu tiên đưa tin lên mạng xã hội có lẽ là người bạn tri kỉ lâu năm - sư cụ chùa Tề Đồng Vật Ngã là nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh (đọc ở đây).

Trên Giao Blog, tôi đã đọc lại văn phẩm thời kì đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp ở đây (năm 2013) và ở đây (năm 2015).

Tôi cũng đã kể chuyện mấy ngày ở trong viện cùng chỗ với Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm về trước - tôi đi chăm sóc người nhà, còn nhà văn thì vào cấp cứu - đọc lại ở đây và ở đây (đó là hồi năm 2008, tức cách nay tới 13 năm rồi).

20/03/2021

Phật giáo Đại Việt : Đại Tạng Kinh bản tiếng Việt và hòa thượng Tịnh Hạnh (1934-2015)

Sư ông Thích Quảng Độ đã viết như sau vào năm 1998: "hầu như các nước Phật Giáo Châu Á, kể cả Lào và Campuchia, đều đã có Đại Tạng Kinh riêng của họ, lẽ ra Phật Giáo Việt Nam cũng đã có từ lâu rồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa, điều nầy chứng tỏ Phật Giáo Việt Nam đã thua kém Phật Giáo các nước bạn rất xa. Đó là điều mà giới Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là giới xuất gia càng phải quan tâm suy nghĩ. ".

Tức là đến cuối thế kỉ XX, tuy là một nước Phật giáo lâu đời, nhưng Việt Nam chưa có nổi một bộ Đại tạng kinh riêng - bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt.

Sư ông đã cảm thán rằng, Việt nam mình kém xa các nước bạn, mà so với Lào và Cam Bốt thì vẫn còn thua !

Đại khái là vẫn đang thấy cảm thán như sư ông ở lúc đó ! 

17/03/2021

Khi Phật giáo còn chưa tới, người ta suy nghĩ gì về kiếp sau - trường hợp ông cháu nhà Triệu Đà

Chuyện cách nay tới hơn cả 10 năm rồi, lúc ấy là trong xe bảy chỗ đi chung từ Bắc Giang về Hà Nội, anh Phạm Sanh Châu hỏi tôi một câu về lịch sử nhân khi tôi nói chuyện về nhà Triệu, tức ông cháu cha con Triệu Đà - Triệu Trọng Thủy - Triệu Muội/Mạt/Hồ, liên quan tới lần chúng tôi tới Quảng Châu một thời gian trước đó.

Chả là hồi mùa thu năm 2008, chúng tôi có đi Quảng Châu, có cùng nhau xuống thăm mộ hoàng đế Triệu Hồ - vị vua thứ hai của nhà Triệu. Triệu Hồ là cháu ruột của Triệu Đà, lên nối ngôi ông (bố của Triệu Hồ có thể chính là Triệu Trọng Thủy - tức là chàng Trọng Thủy trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy bên ta). Một ít thông tin về chuyến đó, chúng tôi có kể nhanh trên Giao Blog hồi Yahoo (ví dụ xem nhanh lại ở đâyở đây hay ở đây). 

Quốc hội Đại Việt 2021 - ứng cử và không ứng cử

Sáng sớm nay, bác tổ trưởng tổ dân phố đã gửi thông tin về bầu cử quốc hội 2021 vào nhóm tin chung ở mạng zalo. Tổ trưởng tổ dân phố mới ở tuổi 50, nên có khác, thiết kế và quản lí tin tức nội tổ qua mạng zalo (rất khác với các tổ do các cụ U80 làm trưởng).

15/03/2021

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tái thiết tạp chí "Nhà văn và Cuộc sống" với vai trò TBT

Nhà thơ hiện là Bí thư Đảng bộ Hội Nhà văn kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Ông đưa đề án đổi mới tờ tạp chí này: thay đổi tên, thay đổi kích cỡ,...

14/03/2021

Thần y Võ Hoàng Yên và vợ chồng ông Dũng Lò Vôi (tiếp)

Về học vấn, ông Võ Hoàng Yên vừa được xác nhận là có bằng y sĩ y học cổ truyền (trung cấp y Tuệ Tĩnh ở Thanh Hóa) năm 2017 nên trước đó dù đã nổi tiếng "thần y" thì vẫn là không có chứng chỉ hành nghề gì, còn vợ chồng ông Dũng Lò Vôi thì đã nhận học vị Tiến sĩ Danh dự của trường đại học ở nước ngoài (xem lại ở đây, tháng 11 năm 2018).

Bằng Tiến sĩ Danh dự của nước ngoài đã được trao cho nhiều cá nhân ở Việt Nam thời gian qua, ví dụ cho nhà sư trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh (xem ở đây, năm 2014), cho doanh nhân Trịnh Văn Quyết của FLC (xem ở đây), nữ chính trị gia Nguyễn Thị Kim Ngân (xem ở đây)...

13/03/2021

Cúng khai máy, một nghi lễ trước khi bấm máy quay phim ở Việt Nam hiện nay

Cúng khai máy, đúng vậy, ví dụ như cảnh Mai Phương Thúy thắp hương vào lô hương của buổi lễ ấy:

Kinh điển Phật giáo Việt Nam : cuốn "Chư kinh diễn âm" chữ Nôm đầu thế kỉ 20

Nguyên bản cuốn sách thú vị Chư kinh diễn âm in mộc bản đầu thế kỉ 20 hiện vẫn có thể thấy ở chỗ này chỗ kia trên đường du lãng. Tôi từng thấy nó ở mạn Nam Định - Thái Bình, rồi vùng cao Bắc Cạn - Thái Nguyên, cả những nơi xa tít phía nam là Gò Công,...

Bây giờ, cuốn sách chữ Nôm này đã được một cư sĩ đương đại đem phiên ra quốc ngữ. Bản thảo sách phiên âm vừa được ấn hành đầu năm 2021.

Giao Blog trân trọng giới thiệu cuốn sách mới ấn hành này. Tôi chưa từng biết đến vị cư sĩ này, cũng không biết công việc bấy lâu nay ông đã âm thầm thực hiện, nhưng thực sự là trân quí bản kinh Chư kinh diễn âm mà tiền nhân chúng ta đã biên soạn và đem ấn hành rộng rãi.

11/03/2021

10 năm sự kiện đại động đất và sóng thần Đông Bắc Nhật Bản (11/3/2011-11/3/2021)

Lệnh Hòa năm thứ ba, ngày 11 tháng 3.

Hôm nay, nước Nhật làm lễ kỉ niệm tròn 10 năm sự kiện này. Tên đúng là lễ truy điệu dành cho những người đã gặp nạn trong đại động đất và sóng thần Đông Nhật Bản 東日本大震災追悼式.

Nhà vua Lệnh Hòa đã có phát biểu trước quốc dân tại lễ truy điệu. Đây là lần truy điệu cuối cùng, tức là từ nay về sau thì chính phủ không tổ chức lễ truy điệu này nữa.

Hồi năm 2015, tức thời điểm 4 năm tròn, trên Giao Blog thì xem ở đây. Lúc ấy, tôi tham gia lễ truy điệu tại chính phòng làm việc của tôi ở Nhật Bản. Tôi mặc niệm tại phòng từ lúc 2:46, theo khẩu lệnh phát theo loa của cơ quan --- các phòng làm việc đều có loa phát thanh. Cơ quan lúc đó của tôi là một cơ sở thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản, không tổ chức mặc niệm chung tại hội trường, mà chúng tôi cứ ai ở phòng nghiên cứu của người đó mà thực hiện mặc niệm qua khẩu lệnh phát thanh.

10/03/2021

Thượng tọa Thích Nhật Từ với 2 lần thực nghiệm năm 2012 về y thuật của Võ Hoàng Yên

Theo dòng sự kiện Võ Hoàng Yên đầu năm 2021 này, thì xem ở đây.

Video về buổi pháp thoại của thượng tọa Thích Nhật Từ đã phát từ nhiều năm trước trên trang chính thức gọi là Phật Âm (tiếng nói của Đức Phật).

Nội dung video nói về 2 cuộc thực nghiệm về khả năng chữa bệnh diệu kì của ông Võ Hoàng Yên, vào năm 2012, cả hai đều do thượng tọa Thích Nhật Từ điều phối tổ chức hoặc làm thư kí. Có các hội đồng khoa học làm thực nghiệm.

Hôm nay còn thấy video này, và đã lấy xuống, rồi đưa tạm về Giao Blog lưu.

Cẩn trọng và thành thực để tránh sai nhầm : trường hợp Phan Thanh Sơn Nam vừa bị tố gian lận

Gian lận trong khoa học, dù ở đâu cũng có thể xảy ra, và nhiều khi rất khó bị phát hiện, ví dụ trường hợp cô Obokata ở Nhật Bản mấy năm trước là một vụ điển hình - một nữ tiến sĩ đang được ca ngợi như một quốc dân tiêu biểu, một nhà khoa học trẻ sáng giá của một đất nước yêu chuộng khoa học, đang dự kiến đề cử cho giải Nobel, thì tất cả sập xuống vì cộng đồng mạng đã phân tích rõ sự gian lận có tổ chức trong nhiều năm ! Thầy giáo phụ trách của Obokata sau đó đã thắt cổ tự tử tại cơ quan vì quá ân hận để học trò qua mặt gian lận nhiều năm, còn bản thân Obokata sau đó còn bị tước mất học vị tiến sĩ vì luận văn tiến sĩ cũng đạo văn quá kinh tởm.

Có thể đọc lại về vụ cô Obokata ở đây (tháng 4/2014) hay ở đây (tháng 8/2014), ở đây (tháng 12/2014).

Cộng động mạng đã phát giác ra vụ Obokata gian lận. Sau đó, giới khoa học mới đi vào kiểm chứng, rồi dần dần lộ diện ra Obokata đã gian lận từ A đến Z ngay từ lúc còn trẻ. Lúc đầu chỉ là lỗi nhỏ, như là sai nhầm, dần dần, tìm tiếp thì hóa ra hành động gian lận liên tục trong thời gian dài !

Lần này, tại Việt Nam, một bài tố Phan Thanh Sơn Nam gian lận cũng xuất phát từ cộng đồng mạng. Ngay sau đó, Nam đã giải trình.

Về Phan Thanh Sơn Nam, trên Giao Blog, có thể đọc nhanh ở đây hay ở đây. Nam đang tự nhận đây là kinh nghiệm xương máu, anh viết trên Fb cá nhân vào ngày 8/3 vừa rồi rằng:

"Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa."

08/03/2021

Về hai tấm bản đồ Việt Nam trong các sách đã in đầu thập niên 1650 của Đắc Lộ

Có một bài viết rất đáng đọc của học giả Alexei Volkov về hai tấm bản đồ thú vị này, đã đăng tải năm 2018, và vừa được dịch giả Võ Xuân Quế chuyễn ngữ sang tiếng Việt.

Về hai tấm bản đồ này, trước đây, tôi cũng đã sử dụng để nghiên cứu về ngôi đền Cờn (Cần Hải linh từ) ở xứ Nghệ (bài đăng ở đây, các năm 2009-2010), và về ba vương quốc cùng tồn tại ở Việt Nam đầu thế kỉ 17, tức Đàng Trên - Đàng Ngoài - Đàng Trong (bài đã đăng ở đây, năm 2019).

Riêng Đàng Trên, thì đó là vương quốc Cao Bằng của các vua nhà Mạc (đọc nhanh về Đàng Trên trên Giao Blog ở đây hay ở đây).

Bản dịch dưới đây lấy về từ trang nhà của hai học giả Việt Nam hiện đang cư trú ở Phần Lan là Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa.

Có bản gốc bằng tiếng Anh của Alexei ở đường link đặt cuối bản dịch.

06/03/2021

Văn nghệ Thứ Bảy : một bản dịch nhân duyên đã in 25 năm trước (nguyên bản thì đúng 30 năm)

Nhân duyên là có thực, bởi bản dịch ngày đó (bản in chính thức năm 1997) trong khoảng năm sáu năm nay đã trở thành một trong những tài liệu tham khảo cho các em học sinh trong zemi (nhóm học tập) của tôi.

Nguyên bản là bài học thuật rất dài của học giả Trương Chí Cương (Zhang Zhigang) đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội Trung Quốc số 3 năm 1991 (trang 127-141). Tức là, đến hôm nay, bài gốc ấy đã 30 tuổi rồi !

Bản dịch tiếng Việt tôi thực hiện chắc vào năm 1995 gì đó, nhưng đến 1997 mới chính thức in trong quyển đầu tiên của bộ sách nhiều tập Tôn giáo và đời sống hiện đại. Tiêu đề bản dịch là "Trên điểm giao hội giữa giữa tôn giáo và văn hóa - về một hình thái hiện đại của quan niệm tôn giáo" (trang 163-200).

Bộ sách Tôn giáo và đời sống hiện đại được thực hiện trong khoảng 10 năm bởi các nhà khoa học thuộc Viện Thông tin Khoa học Xã hội (tiêu biểu là thầy Nguyễn Như Diệm, cô Võ Kim Quyên,...), từ 1995 đến 2004, ra được 5 tập. Ở mỗi tập 1-3 đều ghi như sau: "Thực hiện chuyên đề: Võ Kim Quyên (chủ biên), Nguyễn Như Diệm, Chu Xuân Giao, Trần Hoàng Hoa, Võ Phi Hồng, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Y Na, Ngô Thế Phúc, Nguyễn Chí Tình". Các tập 4-5 thì sách ra trong lúc tôi vắng mặt ở Hà Nội nhiều năm.

Với cá nhân tôi, bộ sách Tôn giáo và đời sống hiện đại, nhất là các tập đầu, ghi dấu một thời kì tôi làm việc tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Như Diệm. Còn hiện nay, thì bộ ấy trở thành một trong các tài liệu tham khảo trong zemi về tôn giáo và văn hóa Việt Nam của tôi.