Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/03/2021

Cẩn trọng và thành thực để tránh sai nhầm : trường hợp Phan Thanh Sơn Nam vừa bị tố gian lận

Gian lận trong khoa học, dù ở đâu cũng có thể xảy ra, và nhiều khi rất khó bị phát hiện, ví dụ trường hợp cô Obokata ở Nhật Bản mấy năm trước là một vụ điển hình - một nữ tiến sĩ đang được ca ngợi như một quốc dân tiêu biểu, một nhà khoa học trẻ sáng giá của một đất nước yêu chuộng khoa học, đang dự kiến đề cử cho giải Nobel, thì tất cả sập xuống vì cộng đồng mạng đã phân tích rõ sự gian lận có tổ chức trong nhiều năm ! Thầy giáo phụ trách của Obokata sau đó đã thắt cổ tự tử tại cơ quan vì quá ân hận để học trò qua mặt gian lận nhiều năm, còn bản thân Obokata sau đó còn bị tước mất học vị tiến sĩ vì luận văn tiến sĩ cũng đạo văn quá kinh tởm.

Có thể đọc lại về vụ cô Obokata ở đây (tháng 4/2014) hay ở đây (tháng 8/2014), ở đây (tháng 12/2014).

Cộng động mạng đã phát giác ra vụ Obokata gian lận. Sau đó, giới khoa học mới đi vào kiểm chứng, rồi dần dần lộ diện ra Obokata đã gian lận từ A đến Z ngay từ lúc còn trẻ. Lúc đầu chỉ là lỗi nhỏ, như là sai nhầm, dần dần, tìm tiếp thì hóa ra hành động gian lận liên tục trong thời gian dài !

Lần này, tại Việt Nam, một bài tố Phan Thanh Sơn Nam gian lận cũng xuất phát từ cộng đồng mạng. Ngay sau đó, Nam đã giải trình.

Về Phan Thanh Sơn Nam, trên Giao Blog, có thể đọc nhanh ở đây hay ở đây. Nam đang tự nhận đây là kinh nghiệm xương máu, anh viết trên Fb cá nhân vào ngày 8/3 vừa rồi rằng:

"Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa."

Dưới là đưa một bài từ Tuổi Trẻ về đầu tiên, có gì bổ sung thì dán cập nhật như thường khi.

Tháng 3 năm 2021,

Giao Blog


---



09/03/2021 10:31 GMT+7

TTO - GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - trưởng khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đang bị tố "gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan".

Bị tố gian lận trong nghiên cứu, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam nói gì? - Ảnh 1.

GS Phan Thanh Sơn Nam được vinh danh trong số nhà khoa học trong top 100 của Asian Scientist 2018 - Ảnh chụp màn hình

Giới nghiên cứu hàn lâm đang xôn xao việc mới đây trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đăng tải bài viết có nội dung tố GS.TS Phan Thanh Sơn Nam.

Bài viết là phiên bản ghi ngày 27-2-2021 (gian lận khoa học) với nội dung: "Phan Thanh Sơn Nam (sinh ngày 9 tháng 7 năm 1977, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nhà hóa học tiêu biểu của Việt Nam nổi tiếng với những gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan, hiện là giảng viên ngành hóa học Trường đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Anh là nhà khoa học trẻ nhất được phong chức danh giáo sư tại Việt Nam vào năm 2014 do có nhiều công bố, trong đó có nhiều dấu hiệu ngụy tạo kết quả trắng trợn… Một trường hợp điển hình là Phan Thanh Sơn Nam đã công bố sử dụng ba loại xúc tác khác nhau có thành phần chung là đồng để tiến hành cùng một phản ứng. Kết quả là trong cả ba bài báo, tác giả cùng sử dụng một bộ phổ".

Đồng thời, trang này dẫn ra một loạt bài báo của nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam và cho biết gian lận về sử dụng cùng một kết quả phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau còn được tìm thấy trong các bài báo này từ năm 2014 đến 2020.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 9-3, GS Phan Thanh Sơn Nam cho biết: "Có 4 bài (bài báo khoa học do nhóm nghiên cứu của GS Sơn Nam công bố - PV) bị nhầm, đang lặp lại thí nghiệm để đăng đính chính. Làm thực nghiệm mà nhiều người cùng làm thì thế nào cũng có sai sót đâu đó. Sai chỗ nào thì làm lại thí nghiệm để sửa thôi".

Chiều qua, trên Facebook cá nhân, GS Phan Thanh Sơn Nam cũng chia sẻ: "Một số bạn bè trong giới khoa học báo cho mình biết là trong một số công bố SCIE của nhóm mình, xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác của chính nhóm mình.

Nhóm mình đã rà soát lại, đang đặt hóa chất để lặp lại thí nghiệm và phân tích NMR lại, và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo.

Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai. Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng…

Một lần nữa, thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi của mình. Giờ thì nhóm mình phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm vì những sai sót trước đây".

"Có quyền dùng lại kết quả"

Liên quan đến vụ việc này, một phó giáo sư chuyên ngành hóa, giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM, nhận định: "Các nghiên cứu có tính kế thừa, nếu nghiên cứu thứ 2 lặp lại cũng hợp chất của nghiên cứu 1 thì mình có quyền dùng lại kết quả.

Tùy tạp chí họ yêu cầu phân tích lại hay không. Có tạp chí vẫn cho phép trích dẫn lại cái cũ, có tạp chí yêu cầu phân tích lại thì mình làm lại thôi. Việc GS Phan Thanh Sơn Nam phân tích lại và đính chính tạp chí là quá tốt, cho thấy trách nhiệm cao của người làm nghiên cứu".

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, trưởng khoa kỹ thuật hóa học, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), là GS trẻ nhất được công nhận chức danh GS năm 2014 khi anh mới 37 tuổi.

Từ năm 2004 đến nay, GS Sơn Nam cùng nhóm nghiên cứu đã công bố được hơn hàng trăm bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI và các tạp chí trong nước.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là hai trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2018. Năm 2019, Phan Thanh Sơn Nam là thành viên của Hội đồng khoa học ngành hóa học Việt Nam.

Phan Thanh Sơn Nam - tân giáo sư trẻ nhất năm 2014Phan Thanh Sơn Nam - tân giáo sư trẻ nhất năm 2014

TTO - Người trẻ nhất được công nhận chức danh giáo sư là ông Phan Thanh Sơn Nam (36 tuổi, ngành hóa học - ĐH Quốc gia TP.HCM).

TRẦN HUỲNH


https://tuoitre.vn/bi-to-gian-lan-trong-nghien-cuu-giao-su-phan-thanh-son-nam-noi-gi-20210309094912731.htm?fbclid=IwAR2460HJ06T2iVpC6umjtdkoLDx3tHkjlXrQfoxvO8WWKWmWxvxclNuCnw0

..


----


BỔ SUNG


4.

Khoa học gia cần trung thực

1

Lời tòa soạn: Bài này tác giả nhằm giới thiệu với giới chức giáo dục trong nước một chút về giáo dục trung tiểu học Hoa Kỳ.

———————–

Theo báo Tuổi trẻ Online ngày 9/3/2021 GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, trưởng khoa kỹ thuật hóa học, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) bị tố gian lận trong nghiên cứu và đã nhận lỗi rằng đó là một sai lầm. Việc một nhà khoa học có một sai lầm cố ý trong nghiên cứu là điều ở các nước văn minh không thể chấp nhận, bởi vì, ví dụ tại Hoa Kỳ, Phương pháp Nghiên cứu Khoa học đã được giảng dậy hàng năm trong bộ môn khoa học từ lớp 1 cho tới lớp 12, và dĩ nhiên suốt cả các năm đại học.

Ngay từ lớp 1 tiểu học Hoa Kỳ, mở đầu môn khoa học, học sinh được dậy phương pháp nghiên cứu như sau:

1-Đặt câu hỏi mà mình muốn trả lời: Ví dụ, “Liệu các hạt (seeds) có cần nước mới phát triển được không?”

2-Lập giả thuyết (Make a hypothesis): Dự đoán câu trả lời. Ví dụ ở đây là, “Nếu được tưới nước thì các hạt sẽ mọc.”

3-Thực hiện một cuộc thí nghiệm đúng đắn (Plan a fair test): 1-Chỉ thay đổi một yếu tố. 2-Các yết tố khác được giữ nguyên. Trong thí nghiệm này thì bỏ hột vào 2 bình. Một bình được tưới nước còn bình kia không tưới.

4-Làm thí nghiệm hơn một lần để xem các kết quả có giống nhau không.

5-Ghi nhận những điều xảy ra.

6-Kết luận: Dựa vào các kết quả thí nghiệm được ghi nhận để quyết định giả thuyết mình nêu ra đúng hay sai. Kết luận của nghiên cứu: các hạt cần nước mới phát triển.

Sách khoa học Lớp 1 Hoa Kỳ

Ở lớp 12 học sinh được dậy kỹ hơn về phương pháp nghiên cứu khoa học. Các phương pháp khoa học thường bao gồm, nếu không phải tất cả, một số những bước sau:

1- Ghi nhận vấn đề. (Recognize a problem.)

2- Dự đoán có logic (educated guess), lập một giả thuyết về câu trả lời.

3- Dự đoán các hậu quả của giả thuyết. (Predict the consequences of the hypothesis.)

4- Làm thí nghiệm để thử các dự đoán. (Perform experiments to test predictions.)

5- Hình thành một công thức tổng quát mà đơn giản nhất bao gồm giả thuyết, dự đoán, và kết quả thí nghiệm. (Formulate the simplest general rule that organizes the three main ingredients: hypothesis, prediction, and experimental outcome.)

Nhưng quan trọng hơn hết các thành công khoa học liên quan nhiều tới thái độ của nhà khoa học (The scientific Attitude).

Trong khoa học, sự kiện là sự đồng ý của những người quan sát có khả năng quan sát nhiều lần cùng một sự kiện. Trái lại, một giả thuyết khoa học chỉ trở thành một sự kiện sau khi được chứng thực bằng thí nghiệm. (In science, a fact is a close agreement by competent observers who make a series of observations of the same phenomenon. A scientific hypothesis, on the other hand, is an educated guess that is only presumed to be factual until demonstrated by experiment.) Khi giả thuyết được thí nghiệm nhiều lần mà không có mâu thuẫn thì trở thành luật hay các nguyên tắc khoa học (laws or principles). Nếu nhà khoa học thấy các bằng chứng mâu thuẫn với giả thuyết, với các luật lệ hoặc nguyên tắc khoa học, thì trong tinh thần khoa học cái giả thuyết đó phải hoặc thay đổi hoặc bỏ đi.

Khoa học gia phải chấp nhận các kết quả ngay cả khi các kết quả đó không như ý mong muốn. Các khoa học gia phải cố phân biệt giữa những điều họ thấy và những điều họ muốn thấy.

Cũng như hầu hết mọi người, khoa học gia có nhiều khả năng tự lừa gạt mình. Trong sự học của các bạn, cảnh giác trước những lường gạt của người khác chưa đủ mà chính yếu là phải cảnh giác trước khuynh hướng tự lừa gạt mình. (In your education it is not enough to be aware that other people may try to fool you, but mainly to be aware of your own tendency to fool yourself.)

Sách Vật lý lớp 12

Như ta thấy, trong khoa học, thái độ khoa học là quan trọng bậc nhất. Trong nội vụ, GS Phan Thanh Sơn Nam và các thành viên trong toán nghiên cứu của ông đã thiếu tinh thần khoa học.

GS Sơn Nam đã nhận lỗi. Trên facebook cá nhân GS Sơn Nam đã nhận khuyết điểm. Ông viết, “Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai.” Tiếp chuyện báo Tuổi trẻ Online, GS Sơn Nam cũng thú nhận “Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. “ Ông cho biết “Nhóm mình đã rà soát lại, đang đặt hóa chất để lặp lại thí nghiệm và phân tích NMR lại, và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo…Một lần nữa, thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi của mình. Giờ thì nhóm mình phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm vì những sai sót trước đây“.

Nhưng cùng tờ Tuổi Trẻ Online, mặc dù GS Nam cho biết đang sửa sai, GS Phan Thanh Sơn Nam vẫn lý luận nhằm giảm nhẹ lỗi. GS Sơn Nam cho biết: “Có 4 bài (bài báo khoa học do nhóm nghiên cứu của GS Sơn Nam công bố – PV) bị nhầm, đang lặp lại thí nghiệm để đăng đính chính. Làm thực nghiệm mà nhiều người cùng làm thì thế nào cũng có sai sót đâu đó. Sai chỗ nào thì làm lại thí nghiệm để sửa thôi“.

Sự sai lầm mà GS Sơn Nam thú nhận là một sai lầm cố ý. Sự việc này trong lãnh vực nghiên cứu khoa học là lỗi nghiêm trọng, đương nhiên sẽ đưa tới mất chỗ đứng trên giảng đường Đại học, vì giáo dục phương tây hoàn toàn dựa trên tinh thần tự giác, trung thực (honesty). Tuy nhiên, ở một nước chậm tiến như Việt nam, chuyên gia khoa học không nhiều; và cái lỗi này của GS Sơn Nam so với các lỗi đạo văn của không ít Giáo sư Tiến sĩ đã xảy ra thì lỗi này của GS Sơn Nam có thể châm trước, và đáng được mở ngỏ cho GS Sơn Nam làm lại cuộc đời hàn lâm.

Điều ngạc nhiên là trong lúc GS Sơn Nam nhận lỗi thì lại có một Phó GS chuyên ngành hóa, giảng viên một trường Đại học ở TP. HCM lại biện hộ cho lỗi lầm này.

Tinh thần khoa học, sự trung thực là cốt lõi của nghiên cứu và sự phát triển khoa học. Các nhà khoa học Việt nam cần thấm nhuần tinh thần này và nhất là cảnh giác trước khuynh hướng tự lừa gạt mình.

Nguyễn Tường Tâm

http://www.danchimviet.info/khoa-hoc-gia-can-trung-thuc/03/2021/22385/





3. Ngày 11/3/2021

"

Gian lận là 1 vấn đề lớn trong khoa học VN và nhiều nước Á Châu khác và đang được chú ý. Qua tất cả những thông tin mà tôi đã đọc, tôi tin rằng GS Phan Thành Sơn Nam là một nhà khoa học chân chính và chuyện đã xảy ra chỉ là sơ sót trong điều kiện khó khăn hay quá bận rộn. Tôi nghi là bọn gian lận (thật) đang dùng thủ pháp khuấy bùn, vu cáo, đánh đồng sơ sót với gian lận, để xóa mờ ranh giới và làm cho công chúng hoa mắt, không còn quan tâm nữa.

"

https://www.facebook.com/pham.q.tuan.940/posts/10159024439744512




2.

10/03/2021 15:55 GMT+7


TTO - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang lên lịch họp hội đồng khoa học khoa kỹ thuật hóa học để xem xét vụ việc GS.TS Phan Thanh Sơn Nam bị tố "gian lận trong nghiên cứu".

ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ họp xem xét vụ GS Phan Thanh Sơn Nam bị tố gian lận - Ảnh 1.

GS Phan Thanh Sơn Nam - Ảnh Facebook

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều nay 10-3, một lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trường đang lên lịch để sớm họp hội đồng khoa học khoa kỹ thuật hóa học (có đại diện ban giám hiệu, phòng khoa học công nghệ cùng dự) để xem xét sự việc liên quan đến GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, người đang bị tố "gian lận trong nghiên cứu".

Nhận định ban đầu về vụ việc này, đại diện nhà trường cho hay: "Qua Facebook cá nhân của thầy Nam, nhà trường biết đến vụ việc và đã nắm một phần thông tin qua giải thích của thầy Nam.

Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo phòng khoa học công nghệ trao đổi, tìm hiểu để nắm bắt thêm thông tin. Các nhà xuất bản thường có quy định riêng về việc sử dụng thông tin, dữ liệu trong các bài báo đã được công bố nên họ sẽ có hướng xử lý theo quy định".

PGS.TS Bùi Mai Hương - trưởng phòng quản trị thương hiệu - truyền thông nhà trường - cũng xác nhận nhà trường đã nắm được sự việc và đang trong quá trình tìm hiểu, xác minh.

Theo bà Mai Hương, thông tin liên quan đến vụ việc của ông Nam xuất phát từ trên mạng xã hội. Ngay chiều 8-3 thầy Nam đã chia sẻ, giải thích thông tin liên quan trên Facebook cá nhân.

Qua nắm bắt thông tin sơ bộ, nhà trường ban đầu xác định các kết quả nghiên cứu đều do nhóm của GS Nam thực hiện, nên không có chuyện lấy kết quả nghiên cứu của nhóm khác.

"Thầy Phan Thanh Sơn Nam là một giáo sư, trưởng khoa của trường. Trường cần gặp, trao đổi trực tiếp với thầy Nam, nhất là trong việc này thì thầy cũng đã nhận sai sót, nhưng cần làm rõ mức độ nào thì cần phải xác minh thêm.

Phòng khoa học công nghệ sẽ làm việc cùng thầy Nam trước. Sau đó, nhà trường sẽ thành lập hội đồng khoa học khoa kỹ thuật hóa học để xem xét vụ việc.

Đây là một vấn đề khoa học, liên quan đến chuyên môn sâu nên trường cũng cần phải có thêm một hội đồng chuyên môn, bao gồm nhiều chuyên gia để đánh giá, rồi sau đó mới đưa ra kết luận", bà Mai Hương cho biết thêm.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, mới đây trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đăng tải bài viết có nội dung tố GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - trưởng khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - "gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan".

Sau đó ông Nam đã nói lời xin lỗi trên Facebook cá nhân của mình.

https://tuoitre.vn/dh-bach-khoa-tp-hcm-se-hop-xem-xet-vu-gs-phan-thanh-son-nam-bi-to-gian-lan-20210310153956172.htm?fbclid=IwAR2c8KC4rFXJBmSf04nGzmhiT_QtTUiij35ksPaXfh5hmmdOu7l7UClVYjg




1.


Một số bạn bè trong giới khoa học báo cho mình biết là trong một số công bố SCIE của nhóm mình, xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ NMR giống với NMR trong SI của bài khác của chính nhóm mình. Nhóm mình đã rà soát lại, đang đặt hoá chất để lặp lại thí nghiệm và phân tích NMR lại, và cũng đã email xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần SI của 4 bài báo.
Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần SI, là sai. Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng.
Trong các bài báo của mình, cũng như những nhóm khác, thường thì first author là người trực tiếp viết phần SI, sau đó đưa qua một thầy corresponding author khác trong nhóm kiểm tra, sau khi thầy đó kiểm tra xong thì đưa qua mình kiểm tra thêm một lần nữa. Mình thuộc loại cẩn thận, nên thường để 2 corresponding author, để 2 người corresponding author phải có trách nhiệm kiểm tra 2 vòng cho kỹ hơn. Nhưng rồi cuối cùng nhóm mình cũng không thoát khỏi tai nạn.
Đúng là xưa nay mình chỉ chăm chút kỹ phần bài báo, mà không chăm chút kỹ cho phần SI. Khi mình kiểm tra phần SI do học trò hay do thầy corresponding thứ nhất đưa sang, đúng là mình chỉ dò lại xem phổ NMR đó có đúng với cấu trúc chất trong bài không, có đủ số lượng H và C không, mà đã không để ý đến việc trong các phổ này có phổ nào giống với những bài trước không. Lỗi của mình.
Các first author của 4 bài báo này đã rời nhóm, mình có liên lạc và chất vấn lý do. 2 bài báo có phổ NMR trong SI giống nhau được làm cùng một thời điểm. Có người thì vô ý nhầm lẫn. Có người thì vô tư nghĩ rằng sau khi tinh chế bằng sắc ký cột xong, kiểm tra bằng GC-MS, thấy giống nhau rồi, nhưng do tiếc tiền nên chỉ chạy NMR một lần, mà không ý thức được rằng làm như vậy là sai. Đặc biệt lúc đó lại sợ mình nên không dám nói thật. Các bạn ấy có xin lỗi mình vì để xảy ra chuyện này.
Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa.
Sau tai nạn này, nhóm mình phân công luôn một thầy có bằng TS chịu trách nhiệm rà soát kiểm tra thật kỹ phần SI của bài báo khi công bố, ngoài những lần kiểm tra như xưa nay. Ngoài ra, các nhóm nhỏ trong nhóm mình sẽ kiểm tra chéo với nhau nữa. Mình mong rằng các bạn trẻ đang và sẽ tham gia vào nhóm nghiên cứu của mình phải đọc kỹ bài này và đừng bao giờ quên những gì mình đã nhắc nhở. Khoa học không có chổ cho bất cứ chiêu trò gì. Nếu không tuyệt đối làm theo những yêu cầu của mình, có thể lúc nào đó bạn sẽ gây ra tai hoạ và làm liên luỵ những người khác.
Một lần nữa, thành thật xin lỗi mọi người. Lỗi của mình. Giờ thì nhóm mình phải lặp lại rất nhiều thí nghiệm vì những sai sót trước đây.

P/S. Đây là kinh nghiệm xương máu của nhóm mình. Hy vọng bạn nào đó cần đọc sẽ đọc để có những điều chỉnh thích hợp cho nhóm nghiên cứu của bạn.

https://www.facebook.com/phanthanhsonnam/posts/3728789407240503

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.