Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn suenari-michio. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn suenari-michio. Hiển thị tất cả bài đăng

28/07/2024

Tưởng niệm học giả James C. Scott (1936-2024) - ý tưởng về nông dân Đông Nam Á

James C. Scott đã từ trần ngày 19 tháng 7 năm 2004, thọ 88 tuổi.

Ông là nhà nhân loại học (dân tộc học) chính trị, nổi tiếng với luận thuyết về xã hội/cộng đồng nông dân và các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đông Nam Á thời bị cai trị bởi thực dân phương Tây. Luận thuyết của ông tập trung trong sách đã xuất bản năm 1976.

Bản dịch tiếng Nhật của cuốn sách năm 1976 được xuất bản năm 1999.

20/02/2024

Chuyện cũ đọc tiếp (từ 2012) : thương nhân Hội An cưng chiều ông Thần Tài "mê gái"

Chuyện đã lên mặt báo chính thức từ năm 2012 (đã lưu ở đâu đó trên blog cũ thuộc hệ thống Yahoo).

Dân gian là vậy, Thần Tài, rồi Thần Mày Trằng, là vậy mà. Hoàn toàn bình thường. Sẽ dẫn văn liệu từ dân tộc học sau.

Bây giờ, riêng Hội An, bổ sung thêm một video mới thấy trên mạng xã hội vào tháng 2 năm 2024.

06/02/2024

Học giả Suenari Michio với "điểm nhìn Đông Á" thường trực và quán triệt - Mở đầu

Một chủ đề quan trọng, mà tôi dự tính viết dài dài về thầy Suenari Michio (1938-2024). Sẽ vừa viết bài học thuật vừa viết những đoạn ngắn mang tính ghi chép trên Giao Blog.

Bài này, viết nhanh nhân nhớ lại một giải thường năm 2022 của học giả trẻ tuổi Kawase Yoshitaka  川瀬 由高 (hiện là giảng viên thuộc Khoa Xã hội học - Đại học Edogawa, ở tỉnh Chiba, Nhật Bản).

Tin về giải thưởng của Kawase đã có từ năm 2022, nhưng tôi do bận mải mà chưa kịp giới thiệu ra xung quanh (chỉ biết mang tính cá nhân mà thôi).

04/02/2024

Cây đại thụ của dân tộc học Đông Á - thầy Suenari Michio 末成道男 của chúng tôi đã đi xa (1938-2024)

"Thầy đã đi xa vào ngày 4 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 85 tuổi".

Đó là tin báo của gia đình thầy ở Tokyo (Nhật Bản) tới các học trò sau tang lễ.

Tang lễ được cử hành trong phạm vi gia đình. Sau tang lễ, gia đình mới báo tin cho chúng tôi. Giao Blog đưa tin chậm lại, sau đúng một tháng ngày thầy rời xa cõi tạm (4/1 - 4/2/2024).

Thầy nguyên là Giáo sư Đại học nữ Thánh Tâm (Tokyo, 1972-1990), Giáo sư Đại học Tokyo (1990-1998), Giáo sư Đại học Toyo (Tokyo, 1998-2004).

Thầy là nhà dân tộc học Đông Á lừng danh (hiện nay, "dân tộc học" được chuyển thành "nhân loại học văn hóa" tại Nhật Bản). Ông làm điều tra điền dã ở tất cả các quốc gia Đông Á: làng xã Nhật Bản, làng xã Okinawa, vùng tộc người thiểu số ở Đài Loan, vùng làng xã ở Hàn Quốc, vùng người Khách Gia ở Mai Huyện (Quảng Đông, Trung Quốc), vùng Nội Mông (Trung Quốc), vùng nông thôn Hương Cảng, vùng làng xã Việt Nam. Sau này, để so sánh với Việt Nam, ông có tới khảo sát nhanh tại Mianma.

27/07/2023

Địa phương Trà Lũ - qua "Trà Lũ xã chí" và di văn hiện còn (1)

Cụ cử nhân Lê Văn Nhưng có để lại một ghi chép quan trọng bằng Hán văn là Trà Lũ xã chí. Tài liệu này đã được biết đến rộng rãi. Những tài liệu độc đáo dạng như thế này của làng xã Bắc Bộ đã được chúng tôi đọc luân phiên trong các nhóm đọc sử liệu địa phương được tổ chức từ cuối thể kỉ XX, mà là tại Tokyo. Đến khi tôi rời Tokyo đi làm điều tra điền dã dài hạn ở tỉnh xa Tokyo, thì không tham gia được nữa.

Mở một số entry trên Giao Blog để lưu những bài viết mới hiện nay liên quan đến Trà Lũ xã chí và các di văn hiện còn.

27/04/2023

Chúng tôi du lãng xứ Bắc : lên Mường Khương bây giờ thật đơn giản, liền tới bản Tùng Lâu

 


Tôi lên Mường Khương lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1998, tức là khoảng 25 năm trước ! Xuất phát từ Hà Nội bằng xe cơ quan (xe này là hãng Von-ga, tương truyền là xe cũ của cụ cốp nào đó của trung ương thải xuống cho Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia - nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Lái xe cơ quan tôi là người tháo vát và thích kĩ thuật, anh đã lắp thêm một cái quạt nhỏ (chắc mua ở chợ Hôm) vào trong xe, để mùa hè thì quạt sẽ quay tạo gió cho đỡ nóng.

Đại khái lên đến Lào Cai thì cái Von-ga đã rất mệt ! Người già lung lay cả hàm răng mà bọn nó bắt đi cả mấy trăm cây, tới hơn nửa là đường miền núi !

Phía đối tác là Sở Văn hóa Lào Cai đã ra ngay "nghị quyết": cái xe cụ già ấy cần phải cất vào ga-ra của Sở, không được lưu thông trên đường đến các huyện trên cao như Mường Khương hay Bắc Hà ! Sở đã giới thiệu cho bên tỉnh đội. Chúng tôi sang đó thuê một cái U-oắt để lên Mường Khương.

25/11/2022

Những người gieo hạt : Torii Ryuzo (1870-1953) - nhà dân tộc học đầu tiên của Nhật Bản

Lớp người tiên phong ở thời Minh Trị.

Lớp người có những cuộc đời ngoại hạng. Torii chỉ học tiểu học chính qui, đang học thì bỏ dở. Rồi ông tự học tất cả chương trình các cấp phổ thông.

Ông là nhà dân tộc học tiên phong, không có bằng đại học, nhưng 16 tuổi đã tham gia thành lập Hội Nhân loại học Nhật Bản. Đến năm 51 tuổi thì lấy học vị Tiến sĩ Văn học.

Ông là người Nhật Bản đầu tiên đi điều tra điền dã ở nước ngoài. Dấu chân ông rải khắp vùng Đông Bắc Á, sang cả châu Âu và Nam Mỹ !

Đại khái vậy.

Bài đầu tiên giới thiệu cẩn thận nhất về sự nghiệp của Torii lại là của chính ông thầy mình - thầy Suenari Michio.

14/09/2021

Trở lại với kinh điển (1) : "Cành vàng" (The Golden Bough) tiêu tốn nửa đời học giả Frazer

Frazer, tức là James George Frazer (1854-1941), học giả người Anh, tác giả của bộ sách danh tiếng The Golden Bough xuất bản lần đầu năm 1890.

The Golden Bough thường được dịch ra Việt ngữ là Cành vàng. Tên đầy đủ của bộ sách ở ấn bản 1890 là The Golden Bough: A Study in Comparative Religion (Cành vàng: một nghiên cứu so sánh về tôn giáo). Lần xuất bản này, bộ sách chia làm 2 tập (vol 1, vol 2), toàn bộ khoảng 900 trang.

Ở các lần tái bản có sửa chữa sau này, ví dụ đầu thập niên 1910, bộ sách được tác giả đổi tên thành The Golden Bough : A study in Magic and Religion (Cành vàng: một nghiên cứu về ma thuật và tôn giáo).

29/08/2021

Thiên Chúa Giáo và đồng cốt ở Hàn Quốc - vì sao Hàn Quốc có nhiều con chiên của Chúa, liên quan với đồng cốt (sách của thầy Choi)

Về lên đồng của Hàn Quốc, thì trên Giao Blog, tạm thời xem nhanh ở đây hay ở đây.

Tôi đã nhiều lần xem người Hàn Quốc tự nhiên nhập đồng ở các cơ sở tín ngưỡng, tại Hàn Quốc, hồi du lãng các nơi. Lúc ấy, tôi vượt biển từ Nhật Bản sang (đi tàu biển), có lần suýt bị bắt máy ảnh. Cũng vì tính du lãng của công việc lúc đó ! Cũng có lần vào được ngân hàng mà họ linh động đổi tiền cho lúc đã gần 5 h chiều, tức là làm không đúng qui định của hệ thống ngân hàng (thường 3h30 chiều thì đóng cửa) ! Có lẽ cũng vì tính mến khách nước ngoài của cư dân Hàn Quốc !

Bây giờ, là một cuốn sách in dạng phổ biến kiến thức của thầy Choi - người thầy mà Giao Blog vẫn cập nhật tình hình của ông, ví dụ ở đây.

09/08/2021

Hướng đến một môi trường học thuật không thiên vị : những tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng

Tạp chí quốc tế mà có thể in nhiều thứ tiếng, tác giả sở trường nhất (hay gần nhất) với tiếng nào thì sẽ viết bằng tiếng đó. Bởi vậy, một số tạp chí sẽ có nhiều thứ tiếng khác nhau.

Tại sao phải làm thể ? Trả lời: để tạo được môi trường học thuật không thiên vị. Không quá trọng bất cứ ngôn ngữ nào, tức là không có ngôn ngữ nào là chính và ngôn ngữ nào là phụ. Dĩ nhiên, như một kết quả của diễn tiến lịch sử thế giới cận đại, có một số ngôn ngữ được sử dụng nhiều (Anh, Pháp, Trung,...).

Phải làm gì mới có tạp chí như vậy ? Đầu tiên là tư tưởng "đi vào thế giới hiện đại bằng tinh thần dân tộc học", tức mọi tộc người nói bất cứ ngôn ngữ nào đều được bình quyền trong thế giới. Bình quyền về ngôn ngữ, tức là được bình quyền về tri thức. Thứ hai, là phải có một bộ biên tập đủ mạnh, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian.

Đó là quan điểm làm tạp chí và làm sách của một người thầy của tôi - Nguyên Giáo sư Đại học Tokyo, nguyên Giáo sư Đại học Toyo, thầy Suenari Michio (1938 - ). Ban biên tập của tạp chí học thuật của học hội ở Nhật Bản hoạt động theo hình thức luân phiên, tức là trách nhiệm của một nhóm trong một thời gian ngắn. Ông thầy đã là biên tập chính (tạm gọi như tổng biên tập) của một số lần, tức của một vài số tạp chí.

10/05/2020

Viết trong Ngày của Mẹ : trường hợp thầy Choi (người Hàn Quốc ở Nhật Bản)

Tôi thì luôn ghi nhớ tên chữ Hán của thầy theo cách đọc âm Hán Việt, là Thôi Cát Thành 崔吉城. Ấn tượng nhất ở cái phần tên là Cát Thành, vì cho liên tưởng đến Thành Cát Tư Hãn đại hoàng đế Mông Cổ lẫy lừng thởi xưa. Thật ra, do đọc âm Hán Việt nên mới có sự liên tưởng vậy mà thôi.

1. Thôi Cát Thành là đàn em của ông thầy tôi (kém một vài tuổi gì đó). Năm nay, cũng đã hơn 80 rồi. Ông vốn là người Hàn Quốc, đi du học Nhật Bản, có một thời gian về lại Hàn Quốc nhưng sau đó là tới làm việc tại đại học ở Nhật Bản. Trong dịp Cô Vy vừa rồi, ở tuổi trên 80, ông vẫn lên lớp cho học sinh qua internet.

Trong zemi của thầy tôi ngày xưa ở Tokyo, có một dịp chúng tôi đọc sách của thầy Thôi viết về thờ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc, rồi có một dịp là sách về lên đồng Hàn Quốc. Sau này, thầy Thôi ra loạt sách về chân tướng của cái gọi là "nữ nô lệ tình dục theo quân" (ủy an phụ) trong chiến tranh Đại Đông Á.

Thi thoảng, chúng tôi có gặp thầy Thôi ở đâu đó (Tokyo, Quảng Châu,...) trong các dịp có đại hội nghiên cứu của Học hội Nhân loại học Văn hóa Nhật Bản, hay các hội thảo.

20/11/2019

Ngày 20/11 của đúng 20 năm về trước : "thái hòa" 1999 ngẫu nhiên với "lệnh hòa" 2019

Đúng ngày hôm nay, của 20 năm về trước. Một buổi chiều.

Buổi chiều ngày 20 tháng 11 năm 1999. Một chiều cuối thu đã se lạnh ở Đông Kinh thời đầu niên hiệu Bình Thành. Chính xác thì là Bình Thành năm thứ 11.

Đôi lúc có giật mình khi mà lần tính trong lòng bàn tay là năm Bình Thành cứ lần lượt qua mau, năm 11, năm 12, năm 13, năm 14,....năm 20, năm 21, năm 22,...năm 30, rồi năm 31 !

Hai mươi năm đã qua đi. Không cần phải nhắm mắt lại, mình vẫn nhớ như in buổi chiều ấy. Một buổi chiều năm Bình Thành thứ 11.

Năm 2019 này, là một năm đặc biệt, bởi đầu năm thì vẫn là niên hiệu Bình Thành (năm Bình Thành 31), nhưng từ 1 tháng 5 trở đi thì cải nguyên sang Lệnh Hòa (năm Lệnh Hòa thứ nhất). Đọc về cải nguyên từ Bình Thành sang Lệnh Hòa, trên Giao Blog, thì ở đâyở đây.

21/10/2019

Người Triều Tiên tự phê phán "hiếu học Triều Tiên" : thầy Choi vừa chính thức cho đăng báo

Thầy Choi là người Hàn Quốc, đã lưu học Nhật Bản và ở lại Nhật Bản từ mấy chục năm trước, hiện giáo sư Đại học Đông Á. 

Thầy Choi là một người đàn em của ông thầy tôi (kém hai tuổi). Hai mươi năm trước, trong nhóm học tập của thầy tôi, tức S. zemi, chúng tôi luân phiên đọc sách mới xuất bản của thầy Choi, cuốn về chủ đề gia tộc Hàn Quốc và tục thờ cúng tổ tiên ở Hàn Quốc. Đấy là một trong những cuốn sách về văn hóa truyền thống Hàn Quốc/Triều Tiên đầu tiên mà bản thân tôi đọc kĩ.

12/06/2019

Vượt qua biển lửa của nắng hè : mùa của các học hội trên toàn quốc

Ấy là chuyện của học giới Nhật Bản. Mỗi dịp hè tới là như vậy. Bây giờ, đang là thượng tuần tháng 6, từ giờ hết cả mùa hè, sẽ là liên tiếp các đại hội nghiên cứu thường niên của các học hội (hàng năm, các học hội định kì mở không gian để các nhà nghiên cứu tới trình bày và trao đổi nghiên cứu mới, hội trường được luân chuyển hàng năm tới các nơi trên toàn quốc).

Có những mùa hè, đám thanh niên chúng tôi tham gia vào công việc tiếp đón của đại hội nghiên cứu thường niên (hoặc là đại học của tôi được chọn làm hội trường, hoặc là phía chi bộ học hội cử,...). Cái nắng và nóng dữ dội những lần đó, bây giờ vẫn nhớ !

08/05/2019

Thêm một vị nhân thần thời kì Đổi Mới : vùng đầm phá Tam Giang với "đức khai canh" Phan Thế Phương (1934-1991)

Người xứ Huế phát âm chữ "Đức khai canh" theo giọng Huế, mình cứ nghe thành ra "đớc khai căn". Đó là vị thần quan trọng, thường là người thật (hoặc vốn thật) có công khai phá xóm làng, dạy bảo dân làm ăn.

Nếu vùng Vĩnh Phúc có Kim Ngọc (1917-1979) ở đêm trước Đổi Mới, thì xứ Huế cũng có Phan Thế Phương ở thời kì đầu Đổi Mới.

Dân miền biển huyện Tiền Hải thì thờ cụ Nguyễn Tạo (người gốc Nghệ, cùng quê với Nguyễn Công Trứ) có công khai canh cho dân hồi thập niên 1930. Cũng chính dân huyện Tiền Hải lập sinh từ thờ sống Nguyễn Công Trứ ngay thời giữa thế kỉ 19.

Dân vùng đầm phá Tam Giang ở xứ Huế thì thờ thần khai canh Phan Thế Phương (1934-1991). 

Xứ Huế là vậy. Có những người như Hồ Xuân Mãn man trá không có Đảng mà leo lên tận ghế Bí thư Tỉnh ủy, tham lam cái danh hiệu Anh Hùng (bị lật tẩy). Cũng có những người như cụ Phan Thế Phương xuất thân nhà giáo, được dân lập đền miếu thờ phụng đời đời.

25/03/2019

Đạo vợ chồng dưới bóng che của Phật : lễ Hằng Thuận ở Hà Nội hiện nay

Độ khoảng mười năm trở lại đây, tại Việt Nam, thi thoảng nghe tin một lễ Hằng Thuận, tức một lễ cưới theo nghi thức Phật giáo, được tổ chức ở đâu đó.

Một lễ dạng như Hằng Thuận của người Nhật Bản, mà tôi chứng kiến lần đầu, lại là tại một ngôi chùa ở quận Cảng thuộc thủ đô Tokyo (khu quận Cảng thì đã kể nhanh một chút ở đây). Đó là một kỉ niệm đáng nhớ. Cũng đã 20 năm về trước. Ngay sau đó, là một bài giảng và một thảo luận trong nhóm học tập của thầy. Thầy giảng bài về lễ cưới cho học sinh đại học ở giảng đường lớn, rồi sau đó là thảo luận về cùng chủ đề tại nhóm học tập sau đại học tại phòng nghiên cứu.