Nhiều năm trước, tôi đã viết về một bài thơ trong tập Góc sân và khoảng trời của thần đồng thi ca Trần Đăng Khoa, bài thơ mang tên "Hà Nội" (sáng tác năm 1969, in ngay năm 1970), từ góc nhìn của tôi. Trên Giao Blog, có thể xem lại ở đây (năm 2016).
Tên tập thơ ấy, theo bản thảo gốc thì vốn là Từ góc sân nhà em.
Cũng nhiều năm trước, tôi đã hẹn với người anh trai của thần đồng là nhà thơ - nhà nghiên cứu Trần Nhuận Minh, để về khảo sát tư liệu tại chỗ tại quê nhà (xưa là Điền Trì - Nam Sách danh tiếng) của các anh. Xem lại ở đây (năm 2020) trên Giao Blog.
Một bài viết của tôi về dòng họ Trần làng Điền Trì của các anh, có thể xem lại ở đây (trên Giao Blog), cũng là dòng họ của các nhà khoa bảng danh tiếng thời trước như Trần Tiến và Trần Cảnh (các nhà thơ hiện đại là hậu duệ của các nhà khoa bảng đó).
Hôm nay, cập nhật về bản thảo tập Góc sân và khoảng trời sau hơn 50 năm vừa trở về với tác giả Trần Đăng Khoa (xưa là cậu bé tiểu học trường làng khoảng 10 tuổi, nay là một nhà thơ danh tiếng của quốc gia ở tuổi U70).
Chép nguyên về từ Fb của bạn Thanh Hà.
Tháng 4 năm 2025,
Giao Blog
---
Cách đây ít hôm (3/4/2025), tôi có thông tin trên fb chuyện gia đình cố PGS Chương Thâu hiện đang lưu giữ bản thảo đầu tiên thi tập GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI sáng tác trong 2 năm 1966-1967 và có nguyện vọng trao lại cho nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ngay tối hôm đó, tôi đã gọi điện qua zalo để thông báo cho nhà thơ biết. Ban đầu, anh có vẻ nửa tin nửa ngờ nhưng khi được tôi gửi cho vài tấm hình chụp thì anh nhận ra ngay nét chữ của mình và khẳng định đó là hiện vật vô giá. Anh cũng cho biết: ở thời điểm hiện tại, anh không còn giữ được tập bản thảo viết tay nào thời thơ ấu.
19h tối 6/4/2025, tôi lại qua nhà cố PGS Chương Thâu, thông tin với cô Xuân (phu nhân PGS) rằng đã kết nối với nhà thơ và trực tiếp gọi điện cho Trần Đăng Khoa để anh trao đổi với gia chủ. Đến 11h trưa hôm nay, nhà thơ đã nhận lại món quà quý là thi tập của mình. Trước khi nhận thi tập, anh có thắp nén hương tưởng nhớ PGS Thâu và tặng cô Xuân vài món quà. Anh và cô Xuân cũng không quên cảm ơn tôi nhưng tôi thấy đó là phần việc mà bất kỳ ai được gửi gắm cũng phải hoàn thành!
Sinh thời, nữ văn sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tú được nhà thơ Xuân Diệu tặng cho bà thi tập này. Sau đó ít lâu, bà tặng lại cho người bạn thân thiết của mình là cô Nguyễn Thị Thanh Xuân - giáo viên dạy Văn cấp 2. Cô Xuân và chồng là cố PGS Chương Thâu đã giữ gìn tập thơ suốt bấy lâu trước khi "châu về Hợp Phố".
Ảnh: Nhà thơ Trần Đăng Khoa thắp hương cho PGS Chương Thâu; (1); trò chuyện cùng cô Xuân (2); xúc động nhận lại thi tập (3).
https://www.facebook.com/pv.thanh.ha/posts/pfbid0224hUAxJ5qkJjAL5jFiUJLdxJepGU5LwCieBCMnn1Gas1WU7ALhjumBJZcsvofhkzl
“Di sản của mất mát” là tên cuốn tiểu thuyết của Kiran Desai, từng đoạt giải thưởng Booker nổi tiếng năm 2006, kể về ngôi nhà hoang tàn, đổ nát dưới chân núi Kanchenjunga, thuộc dãy Himalaya (phía đông bắc Ấn Độ) cùng các vấn đề rất đáng được quan tâm: nghèo đói ở bản xứ và giấc mơ nhập cư miền đất hứa; ảnh hưởng của phương Tây trong một xã hội từng là thuộc địa trong bối cảnh toàn cầu hóa; ước vọng bình yên muôn đời của con người và những đổi thay không thể lường trước; rồi xung đột sắc tộc, tôn giáo…
Ở cuốn sách, độc giả thấy rõ những cuộc đời “mất mát” cứ tiếp nối như việc phải trả một món nợ tiền kiếp. Vị quan tòa về hưu tưởng đã có thể an nhàn thì cô cháu ngoại (tên Sai) đột ngột mất cha mẹ, tìm về nương tựa. Ông đầu bếp suốt đời “cam phận hèn”, dồn trút hy vọng cho đứa con trai (tên Biju) sang xứ cờ hoa tìm kiếm tương lai. Một anh gia sư vốn ôm nhiều hoài bão, bị kẹt giữa nghèo khó và một cuộc cách mạng bỗng biến thành xung đột... Nhưng rồi sự đen đủi của ông quan tòa đã “kéo lê” sang cả người con gái, rồi đứa cháu ngoại. Cái “nghiệp” mà người làm bếp “giãy giụa”, cố thoát ra lại tiếp tục được con trai “kế thừa”. Danh sách cứ thế ngày một dài, dài mãi...!
"Di sản của mất mát" ấy liên quan gì đến status này?
Hôm 30/3/2025 vừa qua, tôi và anh bạn trẻ - ký giả Kiều Mai Sơn - tới thăm tư gia cố PGS Chương Thâu nhân chuyện Kiều ký giả được GS Nguyễn Đình Chú nhờ đến thắp hương cho người bạn vong niên vì ông mới có bài tưởng niệm nhà "Phan Bội Châu học" trên tờ Văn nghệ Công an (GS Chú tuổi cao không đến được). Trò chuyện với cô Nguyễn Thị Thanh Xuân - phu nhân PGS Thâu, chúng tôi được biết: cô Xuân (vốn giáo viên dạy văn) đồng niên và rất thân thiết với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú. Cách đây mấy mươi năm, nhà văn Ngọc Tú có trao cho cô tập bản thảo viết tay những bài thơ của Trần Đăng Khoa sáng tác trong hai năm 1966-1967. Sinh thời, PGS Chương Thâu do làm công tác tư liệu nên cất giữ tập bản thảo này rất cẩn thận. Ông từng có ao ước và nhắn qua một vài người rằng muốn mời nhà thơ thần đồng năm xưa tới tư gia chơi và trao lại cho "thằng cu Khoa" kỷ vật vô giá của những năm tháng ấu thơ. Không biết một vài người ấy chuyển lời mời như thế nào hay nhà thơ của chúng ta giữa bộn bề công việc nên quên mất, không thấy tới. Nay ông đã thành người thiên cổ, còn cô Xuân cũng 84 tuổi, vẫn mong được trao lại cho nhà thơ tập bản thảo viết tay này - một "di sản bị mất mát".
Tôi thấy rõ ràng tập bản thảo viết tay những bài thơ của Trần Đăng Khoa là di sản vô giá không chỉ đối với nhà thơ mà còn vô giá với dân chơi sách và Bảo tàng Văn học Việt Nam. Nhìn nét chữ học trò, nhìn nhiều câu chữ chưa được Xuân Diệu, Phạm Hổ biên tập, gọt rũa: "nhà em treo ảnh bác hồ/ giưới là một cái bàn thờ đỏ tươi/ ngày ngày bác vẫn vui cười/ bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà" (nguyên văn)... quả thực tôi rất muốn xin hoặc mua lại làm một thứ hiện vật độc bản nhưng tôi đã hứa với cô Xuân sẽ thông tin một lần nữa đến Trần Đăng Khoa và mong anh sớm hồi âm, thu xếp thời gian đến nhận lại "di sản bị mất mát" đã gần 60 năm!


https://www.facebook.com/pv.thanh.ha/posts/pfbid03YYCXUR6yNCkfojZmaoPN1CewA1e8cPEzQCEotWhiFzvP6Q2rTAZgdnt3NvnRJNtl
..
---
CẬP NHẬT
4.
"
Trong tập có hàng chục bài không thấy khi xuất bản thành sách. Đây là những bài văn vần đơn giản và có phần ngô nghê, dĩ nhiên là đầy lỗi chính tả. Số còn lại nói chung là ổn nên được tác giả biên tập, sửa chữa khi xuất bản.
Quan trọng, ở đó có nhiều bài thơ hay, câu chữ tài tình, dấu hiệu của một tài năng thơ ca (cái mà người ta phong cho cậu bé TĐK là Thần đồng).
Bài thơ TIẾNG CHIM CHÍCH CHÒE, trích ở đây là một bài thơ hay (góp phần làm nên hồn cốt Thần đồng TĐK). Ngoài mấy lỗi chính tả, bài thơ được giữ nguyên đến giờ. Đọc kỹ, thấy tác giả khi ấy là cậu bé con lớp 2, đã rất chi tài tình trong cấu tứ và tu từ diệu nghệ. Ví như, ngắt dòng tạo nhịp điệu hay tu từ ( "bao nhiêu cái mũ lắng nghe"). Đúng là Trời cho từ thuở lọt lòng...
Sơ sơ mấy dòng khởi thảo vậy thôi ạ.
Kính !

"
https://www.facebook.com/chunhac.nguyen/posts/pfbid02xbRdNPcnd7bF75JQyvnCw4jspwYGSBfUXWzV1tPN4Ty1A44DFo8QDBwGdkSeNv66l
3.
"
https://www.facebook.com/chunhac.nguyen/posts/pfbid02EG46LaGkFLqENZynCWuTV6AVvEp3wKcj32FUNr4kp4mrr1v9uqjGB6QhiQtCqsAsl"
2.
"
Ngay lúc này, Trần Đăng Khoa đọc bản thảo tập thơ "Từ góc sân nhà em" vừa tìm lại cho Lù Việt Hùng (ĐH Thành Công, Đài Nam, Đài Loan),...
"
https://www.facebook.com/chunhac.nguyen/posts/pfbid0XmVNFjRBz2AbUoZdkdhYG2E1gH6mPpxhovEwAtrdNYBErJhYz8QmWyT352h24u6Xl
1.
"
Đó là tập thơ TỪ GÓC SÂN NHÀ EM hay GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI sáng tác trong hai băm 1966-1967. Sẽ không có gì phải nói vì tập thơ này đã xuất bản lần đầu năm 1968 với lượng in 200.300 bản và sau đó tái bản rồi in đi in lại cho đến nay đã in đến 161 lần. Nhưng đây là bản nháp viết tay. Tôi đã mất hết bản thảo, không còn bản viết tay nào. Có điều bản này là bản đầu tiên, có đến gần hai mươi bài chưa hề in báo hay xuất bản ở đâu. Câu chữ còn luộm thuộm, đặc biệt là sai chính tả. Có bài đến cả chục lỗi. Theo cô Xuân, vợ nhà nghiên cứu Chương Thâu thì tập này nhà thơ Xuân Diệu tặng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, bác Tú tặng lại cô giáo Thanh Xuân. Cô Xuân và bác Thâu lưu giũ gần 60 năm nay. Rất nhiều ngươif mua với giá rất cao nhưng hai bác không bán mà chỉ gửi tặng lại tác giả của nó. Với tôi đây là kỷ vật vô giá. Có rất nhiều bài, như thơ viết về Nguyễn Bá Ngọc, Vừ A Dính, anh Trỗi và nhiều, nhiều, rất nhiều. Có bài như một bản nháp. Rất ngộ và kỳ dị. Tôi nhớ tôi có gửi thơ cho Xuân Diệu nhưng đó là các bài lẻ đã hoàn chỉnh. Chứ không phải tập này. Giờ đọc lại thấy rất vui và tôi không hiểu vì sao các quý nhân và các ân nhân của tôi lại có. Rất cám ơn cô Thanh Xuân bác Chương Thâu đã giữ gì kỷ vật của tôi và nhờ hai bác mà tôi có lại https://www.facebook.com/trandangkhoa1958/posts/pfbid02Hitb1aJz11MGgxp9WpJTssDUDxBbrjLGfQyiL9CGMWFKBGF3Di9cnQFsfT7CDa4vl
"
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.