Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/05/2020

Viết trong Ngày của Mẹ : trường hợp thầy Choi (người Hàn Quốc ở Nhật Bản)

Tôi thì luôn ghi nhớ tên chữ Hán của thầy theo cách đọc âm Hán Việt, là Thôi Cát Thành 崔吉城. Ấn tượng nhất ở cái phần tên là Cát Thành, vì cho liên tưởng đến Thành Cát Tư Hãn đại hoàng đế Mông Cổ lẫy lừng thởi xưa. Thật ra, do đọc âm Hán Việt nên mới có sự liên tưởng vậy mà thôi.

1. Thôi Cát Thành là đàn em của ông thầy tôi (kém một vài tuổi gì đó). Năm nay, cũng đã hơn 80 rồi. Ông vốn là người Hàn Quốc, đi du học Nhật Bản, có một thời gian về lại Hàn Quốc nhưng sau đó là tới làm việc tại đại học ở Nhật Bản. Trong dịp Cô Vy vừa rồi, ở tuổi trên 80, ông vẫn lên lớp cho học sinh qua internet.

Trong zemi của thầy tôi ngày xưa ở Tokyo, có một dịp chúng tôi đọc sách của thầy Thôi viết về thờ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc, rồi có một dịp là sách về lên đồng Hàn Quốc. Sau này, thầy Thôi ra loạt sách về chân tướng của cái gọi là "nữ nô lệ tình dục theo quân" (ủy an phụ) trong chiến tranh Đại Đông Á.

Thi thoảng, chúng tôi có gặp thầy Thôi ở đâu đó (Tokyo, Quảng Châu,...) trong các dịp có đại hội nghiên cứu của Học hội Nhân loại học Văn hóa Nhật Bản, hay các hội thảo.

2. Thầy Thôi nổi tiếng trong giới bởi chơi Facebook từ rất lâu rồi, thường ngày lên bài viết bằng cả tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, hoặc đôi khi là tiếng Anh. Tôi cũng thi thoảng đưa một ít bài vui vui của thấy từ bên Fb về Giao Blog, ví dụ ở đây hay ở đây.

3. Hôm nay, trong không khí Ngày của Mẹ, thầy Thôi viết một mẩu nhưng có nhiều nội dung thú vị.

Qua đó, đại khái biết:
- mẹ ông là một nông dân Hàn Quốc mù chữ ở vùng nông thôn nghèo,
- bà mẹ mù chữ nhưng rất quan tâm đến việc học của con, làm mọi việc to nhỏ trong nhà chỉ cốt sao cho con chuyên tâm vào việc học,
- bà đặt kì vọng là con mình sau này sẽ vào hàng lưỡng ban (hai ban văn võ trong triều đình Triều Tiên ngày trước). Từ lớp 4, người con ấy được gửi ra Seoul để học tập tiếp. 

Cứ như vậy, cậu đã học lên, đã từ Hàn Quốc sang Nhật du học, rồi đỗ tiến sĩ ở Nhật, rồi thành giáo sư đại học ở Nhật (chỗ này sẽ xác nhận lại sau vậy, vì hình như cụ Thôi đã thành giáo sư rồi thì mới đệ trình luận văn tiến sĩ --- qui trình ở Nhật Bản thì có khi đã là giáo sư rồi mới có thời gian bảo vệ luận văn tiến sĩ, ví dụ cô Yamamoto danh tiếng toàn giới học thuật, đã kể ở đây).

4. Trong ngày hôm nay, thầy Thôi đã viết nhanh trên đất Nhật Bản bằng tiếng Nhật như vậy về mẹ của mình - một bà nông dân Hàn Quốc. Ông tự nhận: "Tôi chính thực là tác phẩm của mẹ rồi" (私もやはり母の作品だった).

Câu cuối cùng thì ông ân hận: "Tôi chưa từng làm được bất cứ việc gì để báo hiếu mẹ, quả là một đứa con trai bất hiếu 親孝行は一度もすることなく、親不幸な息子であった ".

Một giáo sư danh tiếng ở đại học Nhật Bản viết như vậy về mẹ mình trong ngày hôm nay. Dưới là nguyên bản, chép về từ Fb của thầy Choi.


Ngày 10 tháng 5 năm 2020,
Giao Blog



---

遠隔授業でまた鵜澤先生にお世話になった。食品を買いに寄ったショッピングセンターには「母の日」のカネ―ションが一杯並んでいた。私はその前で家内が買い物が終るまで、母との思い出に時間を費やした。5月は子供の日、母の日、先生のなど韓国では家庭の月という。実年齢80才を過ぎている私が母の話をするのは相応しくないだろうか。有名なピアニストや水泳選手などは母の作品だと言われているが、悪くても良くても母の影響は大きい。私の母は文盲でありながらも私の教育には熱心であった。その時代にはそのような偉大な母が多かった。そんな実例として母親が糸売りに村々を歩き、古い文献を買い求め息子を偉大な国語学者にした話は感動的だった。私もやはり母の作品だった。母は部屋の掃除や片づけなどは母の仕事、私には雑用など一切させず勉強することだけを求め、両班になることを願った。田舎から小学4年生にソウルへ転校させられた。村からソウルの大都会へ移り、ひたすら前進。親孝行は一度もすることなく、親不幸な息子であった。
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.