Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/02/2024

Cây đại thụ của dân tộc học Đông Á - thầy Suenari Michio 末成道男 của chúng tôi đã đi xa (1938-2024)

"Thầy đã đi xa vào ngày 4 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 85 tuổi".

Đó là tin báo của gia đình thầy ở Tokyo (Nhật Bản) tới các học trò sau tang lễ.

Tang lễ được cử hành trong phạm vi gia đình. Sau tang lễ, gia đình mới báo tin cho chúng tôi. Giao Blog đưa tin chậm lại, sau đúng một tháng ngày thầy rời xa cõi tạm (4/1 - 4/2/2024).

Thầy nguyên là Giáo sư Đại học nữ Thánh Tâm (Tokyo, 1972-1990), Giáo sư Đại học Tokyo (1990-1998), Giáo sư Đại học Toyo (Tokyo, 1998-2004).

Thầy là nhà dân tộc học Đông Á lừng danh (hiện nay, "dân tộc học" được chuyển thành "nhân loại học văn hóa" tại Nhật Bản). Ông làm điều tra điền dã ở tất cả các quốc gia Đông Á: làng xã Nhật Bản, làng xã Okinawa, vùng tộc người thiểu số ở Đài Loan, vùng làng xã ở Hàn Quốc, vùng người Khách Gia ở Mai Huyện (Quảng Đông, Trung Quốc), vùng Nội Mông (Trung Quốc), vùng nông thôn Hương Cảng, vùng làng xã Việt Nam. Sau này, để so sánh với Việt Nam, ông có tới khảo sát nhanh tại Mianma.

Ông đến Việt Nam ngay sau Đổi Mới, trước năm 2000 thì gắn bó lâu dài với làng Triều Khúc (Hà Nội), sau năm 2000 thì làm điều tra dài hạn ở làng Thanh Phước (Huế). 

Tưởng niệm thầy, học trò xin đưa mấy tấm ảnh kỉ niệm chuyến khảo sát chung vào tháng 4 năm 2012, tức cách nay khoảng 12 năm, tại Mai Huyện (Quảng Đông, Trung Quốc).

Thầy Suenari đang hàn huyên với ông Hoàng một người bạn lâu năm (thầy đã ở nhà này lâu lâu trong thời gian điều tra điền dã tại Mai Huyện thời trẻ)


Nhóm điều tra tại Mai Huyện vào đầu tháng 4 năm 2012

Khu nhà cổ ở Mai Huyện (trong ảnh là Nhà tưởng niệm Hoàng Tôn Hiến)


Mai Huyện là quê hương của rất nhiều Hoa kiều thành danh ở hải ngoại, ví dụ gia đình cụ Lý Quang Diệu ở Sing (đọc lại ở đây) hay gia đình Thạc-xỉn ở Thái Lan (tức gia đình họ Khâu, đọc lại ở đây), gia đình Madam Pang ở Thái Lan (tức gia đình họ Ngũ, đọc lại ở đây).

Năm 2012, sau một thời gian chuẩn bị, thầy trò chúng tôi tới Mai Huyện, điều tra trong khoảng một tuần. Nhóm điều tra gồm ba người Nhật Bản, hai người Trung Quốc, một người Việt Nam. Thú vị là tại nhà của người bạn của thầy (trong ảnh trên), tôi tìm một lúc trong các hồ sơ gia đình thì phát hiện một tập thơ in mộc bản mà có liên quan tởi Việt Nam - người nhà đó đã tới Hà Nội và một số nơi khác ở Việt Nam vào đầu thế kỉ 20, vừa là thăm thú vừa tìm cơ hội lập nghiệp, có ghi chép và làm thơ trước cảnh và người Việt Nam. Thầy Suenari cũng thấy thú vị, và xem đó như một nhân duyên đặc biệt (thầy đã ở nhà lâu lâu, nhưng chưa thấy tập thơ đó bao giờ). Khi có điều kiện, tôi sẽ giới thiệu tập thơ này.

Ngày 4 tháng 2 năm 2024,

Giao Blog



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.