Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/12/2018

hơn hai ngàn năm trước, chúa Jesu đã dùng tiếng Việt nói câu cuối cùng

Đó là kết quả nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang.

Chưa rõ đức chúa nói tiếng Việt hay không, nhưng riêng cái ảnh đầu tiên thì tôi đã thấy bác sĩ chú thích rối rắm rồi. Không biết là mấy người và là ai với ai nữa. Tiếng Việt ở đó rõ là có vấn đề.

Trên quê hương của bác sĩ Asaba, có thêm nhiều quán ăn Việt Nam

Câu chuyện cứ phải tính bằng cả thế kỉ, tức là gắn với năm 1918 khi cụ Phan Bội Châu trở lại thị trấn Asaba để dựng bia tưởng niệm bác sĩ Asaba.

Những năm 2010s này, sau một trăm năm, có rất nhiều quán ăn Việt Nam trên quê hương bác sĩ Asaba. Lần trước đã nói về một quán mới khai trương (ở đây, hồi tháng 11 năm 2017, quán Bún Chả Hà Nội).

Bây giờ là thêm một số thông tin. Giá như bây giờ, năm 2018, thì chắc cụ Phan Bội Châu có thể mời cụ Asaba tới các quán ăn Việt Nam để chiêu đãi và đàm đạo.

08/12/2018

Văn nghệ Thứ Bảy : Đêm thơ "Vừng ơi mở cửa" với Khoa Ngữ Văn (1991-2018)

Khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) ngày trước. 

"Vừng ơi mở cửa" là tên một tập thơ cũ, từ ngày chúng tôi mới vào học tại khoa. Năm 1991. Tìm trên giá sách, thế nào cũng sẽ có một bản (sẽ tìm lại sau). Lúc đó kĩ thuật in ấn còn rất kém, thậm chí còn mất dấu trọng âm. Còn nhớ: chữ "mở cửa" ở bản in ấy, đọc không tinh mắt, sẽ thành ra "mò cua" (trong tập, có bài "khi mở cửa" mà trông như "khỉ mò cua").

Năm đầu tiên ở khoa, vào năm 1990-1991, chúng tôi hay du lãng các trường cụm Thanh Xuân (tổng hợp, kiến trúc, ngoại ngữ, nhạc họa, công an,...). Đó là các đêm thơ sinh viên, đọc "khỉ mò cua". Về cơ bản, thơ trong tập đó tương đối non nớt.

Về vương quốc Malaysia : những câu chuyện về nhà vua và cung đình

Viết nhân khi đội tuyển Việt Nam đang sang Malaysia, chuẩn bị đá trận chung kết lượt đi của AFF Cup 2018.

Bạn học của mình có một số là người Malaysia. Một trong đó, ấn tượng nhất là E. Đó là một đàn em cùng trường. Lúc mình đi biệt xứ gần 2 năm ở miền Tây Nhật Bản trở lại trường, thì gặp E. 

Hóa ra, em ấy là người Malaysia gốc Hoa. Đại khái em bảo cả cái dãy phố ấy của địa điểm ấy bây giờ là thuộc vào dòng họ của em. Lúc đầu, các cụ nhà em sang Malaysia thì là tay không ! Qua thư tay và e-mail, nhiều khi trao đổi với E là bằng tiếng Hoa (thực chất là chữ Hán, vì chỉ viết chữ mà không nói). Cũng là một thú vị nho nhỏ. 

Lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam bị nghi vấn dùng bằng giả

Chuyện có thật.

Đang được báo chí chú ý.

07/12/2018

Phong thủy và vận nước (?) : sân Mĩ Đình trước và sau trận cầu tối 6/12/2018

Thấy cái nơi lao xao nói về chuyện phong thủy sân Mĩ Đình bị mắc dớp "bại trận trên sân nhà", là do "các quả bóng bị cột lại bằng xích". Tựa như có bùa ếm gì đó. Thế là, trước trận cầu tối 6/12 (trận gặp Philip trên sân nhà để định đoạt đi hay không tới trận chung kết), thì những quả bóng đá đó đã được dẹp đi. Hi vọng là diệt trừ được ám khí !

Úi trời. Lại còn nghe thấy chuyện: bóng xích là do con cháu Cao Biền đặt ám khí ! ?

Nhờ bóng đá, có bước tiến trong quan hệ Việt - Hàn : visa nhiều lần mở rộng tới 5 năm

Nghe thì đơn giản, nhưng ai có kinh nghiệm đi xin visa vào Hàn Quốc, thì mới thấy là một bước tiến đáng kể. Mà nghe đâu, là nhờ bóng đá.

Cụ thể là, một trong các lí do, là nhờ vào uy tín của nhà cầm quân Phác Hằng Tự và tình yêu của người Việt dành cho ông (xem về tên của thầy Park đọc âm Hán Việt ở đây).

Thú vị là mới đây, chính ông đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh đến các mặt tương đồng Việt - Hàn, và bật ra từ "anh em". Ừ, phải rồi, từ hàng ngàn năm đã là "tứ hải giai huynh đệ" mà, tinh thần của Khổng giáo.

06/12/2018

Lần đầu thấy tên của Hun Sen hóa ra: rất dài !

Mọi khi chỉ thấy cái tên rất ngắn, là Hun Sen. Ví dụ ở đây (hồi năm 2015).

Hôm nay, bất ngờ, hóa ra tên đầy đủ là: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen.

"Người lạ quen biết" vừa trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể UNESCO

Tên chính thức bây giờ được sử dụng là "Thần tới thăm" (lai phỏng thần来訪神, raiho-shin). UNESCO cũng sử dụng cách gọi Raiho-shin. Và tên đầy đủ là: Raiho-shin, ritual visits of deities in masks and costumes (xem ở đây).

Một quan tâm chung của ngành Văn hóa Dân gian Nhật Bản (tức học hội Văn hóa Dân gian Nhật Bản, và những nhà nghiên cứu về folklore Nhật Bản).

05/12/2018

Bắt đầu chuẩn bị Đại hội XIII : kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Hôm nay là ngày 5 tháng 12 năm 2018.

Đại hội XIII dự kiến là vào quí I năm 2021.

Học giả họ Bùi : là Bùi Huy Bích hay Bùi Duy Tân ?

Ghi một câu hỏi vậy, để bây giờ, sẽ bắt đầu tìm câu trả lời.

Về nho sĩ lừng danh Bùi Huy Bích và quê hương của Ông Thọ, ngay gần Hà Nội, thì đã đi nhanh một mẩu ngắn ở đây (tháng 12 năm 2017).

Còn Bùi Duy Tân là thầy Bùi Duy Tân của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tên trước đây). Thầy Tân và đương kim Tổng Bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đều có chung một người thầy là cụ Đinh Gia Khánh. Cụ Đinh Gia Khánh là lớp nhà giáo mở đường của Khoa Ngữ văn ngày trước, nên học trò của cụ rất đông. Lứa chúng tôi là gần như cuối cùng (những buổi giảng cuối cùng của thầy khoảng các năm 1996-1997, lúc đó cụ đã yếu chân nên nhiều khi học trò phải cõng thầy từ tầng 1 lên tầng 4). Về thầy Đinh Gia Khánh thì đã đi nhanh một mẩu ở đây.

04/12/2018

Triết lí giáo dục cho Việt Nam : góc nhìn Trần Ngọc Thêm

Có một đề tài cấp nhà nước về triết lí giáo dục đang được triển khai.

Nhìn lên Ba Bể : xã Hà Hiệu và hậu duệ của những tướng quân Cờ Đen

Đã tính đi du lãng dài ngày ở vùng Ba Bể từ khá lâu, mà đến nay vẫn chưa thực hiện được (xem lại ở đây, hồi năm 2015).

Một khu vực chúng tôi sẽ qua là xã Hà Hiệu.

Lướt nhanh một ít từ tư liệu của bạn Nông Văn Kim và của cụ Ô Phúc Bình (cụ là bố vợ của nhà thơ Dương Thuấn; năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn chơi Facebook hàng ngày).

03/12/2018

Nghiên cứu cơ bản mới là hướng đi xa (góc nhìn Phan Thanh Sơn Nam)

Mình là bên Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn, nhưng hoàn toàn đồng quan điểm với Nam - người của bên Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

Nghiên cứu cơ bản, cho đến hiện tại, vẫn chưa được xem trọng trong sinh thái khoa học Việt Nam. Nam nói là vẫn "bị ghẻ lạnh".

Vì bị ghẻ lạnh, nên tính đến cuối năm 2018, Nam đã có tới 80 bài ISI !