Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa-ngữ-văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa-ngữ-văn. Hiển thị tất cả bài đăng

18/04/2024

Sự cố ở Nhã Nam tháng 4 năm 2024

Rạng sáng ngày 18 tháng 4 (nhằm đúng ngày Giổ tổ Hùng vương 2024), chính xác thêm về giờ là "hơn 2h sáng", mình đã nhắn tin nhanh cho bạn, sau khi thấy trên trang của Nhã Nam đăng lời xin lỗi của bạn. "Lời xin lỗi" xuất hiện trên trang Nhã Nam tựa như là khoảng lúc 1h sáng. Mình truy cập vào khoảng lúc 2h sáng thì đã có hơn 1700 bình luận và rất nhiều lượt chia sẻ.

Bạn là bạn cùng lớp đại học của mình ở Khoa Ngữ Văn (Trường Tổng hợp Hà Nội trước đây). Qua tin nhắn lúc rạng sáng, mình động viên bạn với tư cách cá nhân bạn cùng lớp đại học. Bạn vẫn chưa ngủ.

Công ty Nhã Nam của bạn là một thực thể đáng chú ý trong làng xuất bản Việt Nam sau năm 2000. Bởi vậy, mình mở một entry này chỉ để ghi chép mang tính quan sát mà thôi. Mình chỉ quan sát, không với bất cứ thiên kiến nào, thu thập ý kiến từ mọi góc nhìn. 

Đầu tiên là đăng lại "lời xin lỗi" của bạn (mình chụp màn hình), sau đó là các cập nhật và bổ sung dán dần ở dưới lên như mọi khi.

02/09/2022

Hội làng vào ngày quốc khánh : đình và sân đình Cống Xuyên dịp mùng 2/9/2022

Làng Cống Xuyên, thuộc xã Nghiêm Xuyên huyện Thường Tìn tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), là một địa điểm gắn bó với chúng tôi từ đầu thập niên 1990. Bẵng cái mà gần 30 năm đã trôi qua. 

Hôm trước, đã điểm tin nhanh và đưa video lễ hội làng Cống Xuyên năm 1994, xem lại ở đây (tháng 2 năm 2021, và cập nhật tháng 7 năm 2022). Xem trực tiếp trên Kênh Giao Blog thì ở đây (đưa lên ngày 22/7/2022).

Gần đây, vào cuối tháng 8 năm 2022, chúng tôi đã tổ chức một chuyến về thăm lại hai thôn Cống Xuyên và Nghiêm Xá (Giao Blog sẽ nói về sự kiện này ở một entry khác).

Bây giờ là cập nhật tình hình hội làng vào dịp quốc khánh 2022 (tổ chức trong hai ngày: 1/9 và 2/9). Tư liệu là do chính người làng Cống Xuyên gửi cho Giao Blog vào ngày 2/9/2022.

01/05/2022

Quan hệ Việt - Nhật 30 năm trước : loạt ảnh của đoàn Nhật đi thăm cụ Đồng và cụ Giáp năm 1992

Gần đây, tôi mới được xem loạt ảnh này, qua việc công khai trên Fb của một nhân vật trong đoàn Nhật năm đó - năm 1992.

1. Thú vị là qua loạt ảnh, tôi biết được rằng, người phiên dịch của đoàn Nhật Bản năm 1992 đó là một người làng Trình Phố của tôi. Ở trong làng, trẻ con chúng tôi chỉ biết tên ở nhà của ông (tên ở làng), rồi mãi sau này, lúc đi học đại học ở Hà Nội những năm đầu thập niên 1990, tôi mới biết tên ở cơ quan của ông (tên thoát li). Tôi gọi ông là "bác" theo thứ bậc họ hàng xa xa - ông ít hơn cha tôi vài tuổi. Hồi lưu học dài hạn ở Nhật Bản đầu thế kỉ XXI, lúc ghé thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tôi sử dụng cả hai tên (P. và D.) để hỏi thăm ông. Đến lúc ấy, tôi vẫn đinh ninh là "D." (theo thói quen), mà chưa nghĩ tới chữ "R.". Tên ông, thật ra là R. mà không phải D. 

24/02/2022

Vấn đề hôm nay : nỗi lo di chứng ở cơ thể người mắc covid-19 và đã khỏi

Ở thời điểm hiện tại, hạ tuần tháng 2 năm 2022, đây là một nỗi lo lớn của dân chúng Đại Việt. Có thể nêu nhanh một ví dụ cụ thể từ cuộc nói chuyện chung trong một nhóm zalo trong mấy ngày gần đây.

16/09/2021

Chuyện cũ Khoa Ngữ Văn ngày trước, chuyện mới Khoa Ngôn Ngữ hiện nay (bản ghi của Nguyễn Hữu Đạt)

Đây là Khoa Ngữ Văn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày trước.

Chúng tôi là sinh viên Khoa Ngữ Văn thời đầu thập niên 1990. Lúc chúng tôi học thì vẫn là khoa chung như truyền thống, trong đó có nhiều bộ môn khác nhau (cổ cận dân, ngôn ngữ, Hán Nôm,...), nhưng cơ bản thì hiểu là có một bên Ngữ và một bên Văn ở chung một nhà. Sinh viên trong khoa được học liên thông cả Văn và Ngữ một cách tự nhiên, nên cơ bản là có kiến thức nền về Văn học và Ngôn ngữ học.

Đại khái như sau cho dễ hiểu: đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thuộc đội Văn (bộ môn cổ cận dân). Đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cũng thuộc đội Văn (bộ môn Hán Nôm). Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết thì thuộc đội Ngữ.

28/05/2021

Nhà thơ Vũ Duy Thông (1944-2021), tác giả của truyện thiếu nhi và khảo cứu về Bút Tre

Chú Vũ Duy Thông vừa trút hơi thở cuối cùng.

Hồi nhỏ, tôi có đọc truyện Cậu bé tàng hình của ông. Đến lúc vào đại học, thì lại trên một lớp với con trai của ông. Tôi từng nói đùa: chính em là cậu bé ấy, trong truyện của bố em nhỉ ? Bây giờ, không còn nhớ câu trả lời là gì nữa.

08/04/2021

Khoa Ngữ văn Trường Tổng hợp Hà Nội với một chính khách mới : Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn

Nói là "mới" bởi hiện đã có một vị là "cũ". Tức hai chính khách xuất thân từ khoa Ngữ văn ngày trước.

Cả hai chính khách đều xa gần liên quan đến học giả Đinh Gia Khánh (đọc lại về vị giáo sư đặc biệt này ở đây - cụ không là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng chưa tốt nghiệp đại học).

Chính khách Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944) đương kim Tổng Bí thư ở nhiệm kì thứ ba thì là học trò do thầy Đinh Gia Khánh hướng dẫn luận văn tốt nghiệp (đọc lại ở đây).

Chính khách Nguyễn Kim Sơn (sinh năm 1966) tân Bộ trưởng Giáo dục (vừa được bổ nhiệm) thì cũng được xem là một học trò của thầy Đinh Gia Khánh. Trên thực tế, người hướng dẫn luận án sau đại học của nghiên cứu sinh Nguyễn Kim Sơn là thầy Bùi Duy Tân - là học trò và sau là đồng nghiệp của thầy Đinh Gia Khánh. Tháng 7 năm 2016, anh Sơn được bổ nhiệm là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (đọc lại ở đây). 

Như vậy, có thể nói: Khoa Ngữ văn đã cống hiến cho đất nước hai chính khách ở thời điểm hiện tại. Một người là Tổng Bí thư, một người là Bộ trưởng Giáo dục. Không phải thấy người sang bắt quàng "đồng khoa, đồng thầy giáo", mà hiện thực là như vậy.

04/02/2021

Nghe tin đình Cống Xuyên ở huyện Thường Tín sắp trùng tu

Mới đây, vào một buổi trưa của những ngày cuối năm 2020, nhóm lớp cũ chúng tôi có họp chớp nhoáng trên đường Lý Thường Kiệt. Nhân sinh nhật của một bà bạn hiện là chủ bút (tbt) của một tờ báo thuộc hệ thống thông tấn xã. Cũng phải có cái cớ mang tính dễ cho gặp nhau vậy.

Lúc tiệc sinh nhật tan, chúng tôi có sang quán trà bên cạnh với một nhóm cũ ngày xưa cùng khảo sát ở đình Cống Xuyên. Đã lâu năm lắm rồi, tới cả gần 30 năm rồi còn gì. Bọn trẻ con của nhà ông bà ngày ấy, hồi ấy mới tầm 4 hay 5 tuổi, thì bây giờ, cũng đã sắp U40 rồi còn gì.

24/11/2020

Dịch giả, doanh nhân Đoàn Tử Huyến vừa qua đời (1950-2020)

Thật ra, ông sinh năm 1950 (trên giấy tờ ghi 1952).

Mấy năm trước, nghe tin anh bị tai biến. Sau đó là một cuộc hồi phục kì lạ.

Mấy ngày trước, nghe tin anh đã nhẹ nhàng rời xa cõi tạm: anh ngủ rồi đi luôn ở Sơn Tây, tại nhà của thông gia.

Tôi biết anh khoảng từ năm 1994, qua giới thiệu của anh Hòa - một đàn anh khoa Ngữ Văn ngày trước, lúc đó là biên tập viên Nxb Văn hóa Thông tin. Anh Huyến lúc đó vẫn đang thuộc biên chế của Nxb Lao Động, nhưng hoạt động chủ yếu ở cửa hàng sách Đông Tây trên 51 Trần Hưng Đạo. Anh in sách và bán sách văn học và khoa học xã hội.

16/11/2020

"vẫn chung nhau những niềm vui..." (với những người bạn của ba thập niên)

Một bản nháp đưa ra lúc đầu là "vẫn chung nhau những niềm vui nho nhỏ". Nhưng sau đó, đã được cập nhật bản mới nhất, trở thành định bản là "vẫn chung nhau những niềm vui lớn nhỏ". Hồi cuối tháng 10, lúc câu ấy được thống nhất, tôi đã nói là có một chút thôi xao chữ nghĩa (đọc lại ở đây).

Có lẽ cuối năm bận mải, nên bạn có chút nhầm lẫn, nên thiết kế bằng bản nháp, mà không phải bản cuối cùng. Bởi vậy ra mẫu sau:

29/10/2020

"vẫn chung nhau những niềm vui lớn nhỏ" (cập nhật vần thơ viết bằng mực tím của 30 năm trước)

Chúng tôi đang chuẩn bị cho một event kỉ niệm 30 năm ngày nhập học (1990-2020). Không phải kỉ niệm ngày ra trường, mà là kỉ niệm ngày vào trường nhé.

Hôm qua, một câu thơ đã được đề xuất, là câu: "vẫn chung nhau những niềm vui lớn nhỏ".

Ý thơ vốn được viết từ 30 năm trước, lúc chúng tôi mới 17 hay 18 tuổi, trên giảng đường nhìn sang bên kia là nhà máy thuốc lá Thăng Long ngày ngày lan tỏa khói thuốc thơm thơm. Thơ viết trên giấy nháp và bằng mực tím. Bản nguyên gốc vẫn được lưu giữ cẩn thận. Màu mực tím vẫn sáng ngời bởi đã được bảo vệ bằng một lớp platic tráng từ khoảng 20 năm trước (hồi đó, có phong trào "ép platic" cái loại giấy tờ hay tài liệu).

08/10/2020

Học giả Phan Văn Các vừa từ trần (1934-2020)

Vào khoảng đầu thập niên 1990, thầy Phan Văn Các (lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có đứng lớp ở Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mấy buổi dạy chúng tôi môn Bách gia chư tử thời Tiên Tần (có các vị Khổng Từ, Lão Tử, Mạnh Tử,...). Giọng ông ấm và đều đều, nội dung giảng thường mực thước và thú vị.

02/09/2020

Giáo dục Đại Việt : Đại học Quốc gia Hà Nội giữ tốp 1000 và niềm vui của thầy hiệu trưởng

Bản tin mới nhất, cập nhật ngày 2 tháng 9 năm 2020, của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) là nói về việc VNU vẫn tiếp tục được xếp trong tốp 1000 (một ngàn) đại học trên thế giới.

Và trên Fb thì thầy hiệu trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã bày tỏ sự vui mừng. Thầy Kim Sơn là bạn cùng lớp của thầy Ánh Sao (mới từ trần trong mùa hè 2020 này, đọc ở đây), đều là dân Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây (K30 chuyên ngành Hán Nôm).

20/07/2020

Nhớ về một người đàn anh, thầy giáo Phạm Ánh Sao (1966-2020)

Người đàn anh ở Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) ngày trước của chúng tôi. Khi anh đã ra trường và được giữ lại làm giảng viên ở Khoa, thì chúng tôi mới vào trường.

Anh Sao là bạn cùng lớp với anh Nguyễn Kim Sơn (hiện là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi chúng tôi nhập học thì đã biết anh Sơn có nhà riêng ở gần trường, chỗ Hạ Đình hay Thượng Đình gì đó, một vài lần chúng tôi ghé chơi. Một dạo thấy các anh Sơn anh Sao học tiếng Anh tại nhà - mời một người bạn tới dạy cho.

Hồi ấy, có một dạo anh Sao và anh Thành (công tác tại Khoa Sử) cùng lớp thuê nhà trọ ở đầu làng Triều Khúc. Tôi có đến chơi với các anh mấy lần. Hình như là phòng khá rộng rãi, ở tầng một và có chỗ để xe lợp tấm nhựa màu xanh rất tươm tất, mà là trong một khu tập thể nào đó. Hồi ấy, khí gas ở dưới lòng đất phụt lên chỗ gần cổng ra vào, người ở khu tập thể còn mang kiềng ra và đặt ấm nước hay cái gì đó lên mà đun. Chúng tôi có kéo nhau ra xem quang cảnh ấy.

Hồi ấy, anh Sao và thầy Vĩ đang làm cái gì đó về kiêng cữ hay cấm kị. Hai người truyền tay một tập sách nguyên bản tiếng Trung viết về cấm kị trong văn hóa Trung Quốc. Đã tới hơn cả 20 năm rồi, nên không còn nhớ rõ là cuốn gì.

Mùa hè năm 2020, do bạo bệnh, anh Phạm Ánh Sao đã từ trần ở tuổi 55.

10/07/2020

Giáo dục Đại Việt thế kỉ XXI : vấn đề hệ thống trường chuyên lớp chọn

Tôi vốn là cựu học sinh của hệ thống trường chuyên trong thập niên 1980 (từ cấp 1, cấp 2, cấp 3). Ví dụ hình ảnh của một nhóm Chuyên Toán và Chuyên Văn của trường tôi ở cuối thập niên 1980, thời cấp 3 chuyên tỉnh, thì có thể xem ở đây.

Bây giờ, các nơi đang bàn luận rôm rả về đề tài hệ thống trường chuyên. Đại khái tâm điểm là câu hỏi: trường chuyên hiện nay còn cần thiết hay không ? Có nên duy trì hệ thống trường chuyên nữa không ? 

Các câu hỏi khác đều châu tuần quanh các câu hỏi chính yếu ấy.

02/06/2020

Học giả Phan Ngọc - những ghi chép nhanh 2020

Phan Ngọc là một cái tên đặc biệt với chúng tôi - lứa sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi nửa đầu thập niên 1990. Đó là thời điểm ông cho ra đời nhiều tác phẩm cùng một lúc, mà nhiều cuốn thì mua được dễ dàng ở hiệu sách nho nhỏ trước cổng trường (cái hiệu sách ấy đã nhắc qua ở đây), hay hiệu sách ở khu Bách hóa Thanh Xuân (nằm ở gần giữa đoạn đường nối kí túc xã Mễ Trĩ với cơ sở nhà trường ở Thượng Đình, nên rất tiện lúc đi học hay lúc trở về).

Những tác phẩm của Phan Ngọc hồi đó chỉ mỏng mỏng nhưng được bạn đọc trong giới học thuật tán thưởng nhiều. Sinh viên bọn tôi thì thích sự trẻ trung trong cách viết và lối nghĩ của một học giả kì cựu.

Ngoài sách, Phan Ngọc cũng cho đăng nhiều bài rất thú vị trên các tạp chí học thuật. Chúng tôi đều chú ý đọc (một số sau được đưa vào sách, hoặc là được rút từ sách ra). Gần đây, sách đã xuất bản thời đó của Phan Ngọc bị Lê Minh Khai bỉ bai nặng, ở đây.

24/08/2019

Văn nghệ Thứ Bảy : ngưng bút trước chùa Phạn Ngư tự, nhớ lại thời tiếng Hàn bắt đầu dạy ở Khoa Ngữ văn

Những lần du lãng Pusan (cũng viết Busan) - một thành phố biển ở miền Nam của Hàn Quốc ở ngay sát với tỉnh Fukuoka của Nhật Bản - tôi hay trở đi trở lại la cà ở khu vực chùa Phạn Ngư tự. Bẵng một cái, thời du lãng ấy đã lùi vào quá khứ tới quá nhiều năm rồi, xem ra sắp tới 18-19-20 năm !

Tôi lên tàu ở bờ biển Nhật Bản, chỉ ngủ gật một lúc, là cập bến tàu Hàn Quốc. Gần đến mức mà sang bờ Hàn Quốc rồi, tôi vẫn có thể gọi điện thoại di động trực tiếp về phía Nhật Bản bằng sóng của J-phone (để nói chuyện với người trong làng Nhật Bản). Những năm đầu thế kỉ XXI ấy, là điện thoại cục gạch của  hãng J-phone (nhưng đã có thể gửi e-mail các loại, truy cập mạng ở mức tàm tạm), sau thì họ chuyển thành Vodaphone (bắt đầu xem truyền hình rất tốt), một hồi nữa thì thành Softbank.

Hồi ấy, tuổi trẻ đầu xanh, có thể đi bộ cả ngày không biết mệt. Vì có thời là học theo gương đi bộ của cụ Miyamoto - nhà văn hóa dân gian Nhật Bản - đã nói nhanh ở đây (tháng 11/2016).