Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/12/2018

Nhìn lên Ba Bể : xã Hà Hiệu và hậu duệ của những tướng quân Cờ Đen

Đã tính đi du lãng dài ngày ở vùng Ba Bể từ khá lâu, mà đến nay vẫn chưa thực hiện được (xem lại ở đây, hồi năm 2015).

Một khu vực chúng tôi sẽ qua là xã Hà Hiệu.

Lướt nhanh một ít từ tư liệu của bạn Nông Văn Kim và của cụ Ô Phúc Bình (cụ là bố vợ của nhà thơ Dương Thuấn; năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn chơi Facebook hàng ngày).

Ảnh của cụ Phúc Bình (2014, từ chính Fb của cụ):




Ảnh của Nông Văn Kim:





---


 
 Ô Văn Tần (tức Phúc Bình) đồng chí Hoàng Thị Mèo (tức Cúc Hoa), nhân chứng quan trọng trong chương trình xây dựng cuốn lịch sử Đảng bộ.

Xã Hà Hiệu nằm ở vị trí Đông Nam của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, phía Bắc giáp xã Phúc Lộc, Tây và Nam giáp xã Yến Dương, phía Đông giáp xã Cốc Đán, Trung Hòa huyện Ngân Sơn. Nằm trên con đường quốc lộ từ Nà Phặc lên Phja Đén qua đèo Kolea lên Tĩnh Túc tỉnh Cao Bằng (những năm trước được đặt tên là quốc lộ 3A). Với các làng bản có vùng thấp, vùng cao, nhiều dân tộc sống lâu đời gắn kết với nhau.
        Có thù như vậy, xã Hà Hiệu từ xa xưa đã là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, mảnh đất này còn lưu giữ nhiều dấu tích minh chứng những biến cố thời đã qua. Vào năm 1943, tại vùng cao, toàn thể 10 hộ dân Lũng Cháng đã tham gia vào Hội Việt Minh. Lũng Cháng trở thành xóm Việt Minh đầu tiên của xã Hà Hiệu. Đồng chí Bàn Văn Hoan người con của thôn Lũng Cháng đã tham gia Việt Minh từ rất sớm, tham gia cách mạng ở vùng chiến khu Hưng Đạo, chiến khu Quang Trung, được kết nạp vào Đảng năm 1943.
       Ở vùng thấp, do đặc thù đông dân, ven đường quốc lộ, gần bộ máy cai trị của thực dân phong kiến nên phong trào cách mạng phát triển với hình thức khác hơn. Lịch sử Đảng bộ xã Hà Hiệu, trang 46 có đoạn ghi : “Cuối năm 1943, các đồng chí Tự Quyết và Kim Tinh đã đến Hà Hiệu với danh nghĩa thăm anh em họ hàng. Gia đình các ông Dương Văn Thượng (Chợ Giải), Nông Văn Tài (Nà Gia), Nông Văn Cử tức Bảo Tình là nơi nuôi giấu, che chở các đồng chí đến tiếp xúc, điều tra tình hình.”. Theo mạch nguồn các sự kiện ghi trong cuốn Lịch sử Đảng bộ, luôn thấp thoáng, ẩn hiện gương mặt một người, đó là ông Bảo Tình, tức Nông Văn Cử.
      Vậy ông Bảo Tình là ai?
       Qua những tư liệu lịch sử thu thập để xây dựng cuốn lịch sử Đảng bộ, qua chia sẻ của những cán bộ cùng thời, giáp mối nhiều nguồn thông tin khác nhau, dần dần gương mặt một công dân yêu nước của xã Hà Hiệu trước, trong và sau Cách mạng được khắc họa.
Cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hà Hiệu
       Ông Nông Văn Cử, sinh năm 1916 tại thôn Nà Vài. Gia đình khá giả nhiều ruộng, nhiều trâu bò. Cha mất sớm, nên ông đã cáng đáng việc nhà từ nhỏ, về tính cách, ông thừa hưởng nhiều từ bên ngoại. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Tây có anh ruột là Hoàng Văn Thống là một trí thức, làm thông phán ở châu lỵ Chợ Rã, ông là bố đẻ của Phủ Phùng, tức là ông Hoàng Văn Phùng làm Tri châu, Tri phủ qua các châu huyện của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn như Thất Khê, Trùng Khánh, Hòa An… Qua người anh con bác, ông học được nhiều điều trong ứng sử trong thương trường và chính trường. Về văn hóa, chỉ dừng lại ở mức biết đọc, biết viết nhưng ông rất lanh lợi, ham buôn bán, giao thiệp rộng, tính tình khảng khái. Vào những năm 1936 – 1940 giao thương buôn bán trâu bò rất thịnh, thương lái miền xuôi có môn bài lên đặt hàng tại nhà ông (Hà Hiệu). Ông thuê người làm ruộng nương, chăn nuôi trâu bò, còn ông thoát ly đi buôn. Pác Nặm, Thông Nông, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình đều in dấu chân ông. Trâu, bò được gom về nơi chung chuyển tại nhà, đủ số lượng hẹn thương lái miền xuôi lên lấy. Vốn quảng giao, kinh tế khá nên đến đâu ông cũng tìm anh em họ Nông, tìm những người tốt để kết tồng. Trong số anh em đó, có người đã ở trong đoàn thể, nên ông được giác ngộ cách mạng từ khi nào không hay. Đồng chí Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc đã kết nạp ông vào Hội Việt Minh ngay tại Nguyên Bình, Cao Bằng vào năm 1943. Mỗi dịp, mang hàng về Hà Hiệu, ông đều tranh thủ gặp gỡ, thăm dò, tuyên truyền cách mạng trong anh em họ hàng và những bạn tin cẩn, tại Hà Hiệu, anh Nông Văn Biện, Hoàng Văn Đoan, Dương Văn Tài… đã được ông giới thiệu vào Hội Việt Minh. Tháng 3 năm 1943 sau khi phong trào Lũng Cháng đã vững mạnh, đồng chí Nông Văn Lạc chuyển phong trào xuống vùng thấp, ông cùng ông Biện, ông Đoan đã giấu các đồng chí ở kho thóc Nà Khoang, nơi vắng vẻ, đồng chí Nông Văn Lạc đã tổ chức hai cuộc họp thành công, an toàn tuyệt đối,  đã kết nạp được thêm một số hội viên. Địch đánh hơi được đã tiến hành cuộc khủng bố trắng, đồng chí Hồng Giang bị địch giết hại tại Thẳm Slan. Đồng chí Bàn Văn Hoan lúc đó là Phó Chủ nhiệm Việt Minh khu Quang Trung bị bắt, bị giết tại Bắc Kạn, mấy chục gia đình có người tham gia Việt Minh ở Ba Bể, Ngân Sơn đều bị bắt, dồn về giam tại khu tập trung Pá Danh (Bắc Kạn). Phong trào tạm rút vào bí mật. Ông Bảo Tình với cái nhãn mác buôn trâu vẫn đi lại Hà Hiệu – Nguyên Bình – Bảo Lạc... nhưng, nhiều chuyến đi không thấy mang trâu về, bọn chúng sinh nghi, cho theo dõi và gọi lên hoạnh họe, ông trả lời, có mua được trâu những không mang về do Hà Hiệu đang loạn nên đã hẹn thương lái miền xuôi giao tại Bản Tấn (Cao Bằng). Sau này cách mạng ra công khai, hỏi ra, mới hay chính thời gian ấy ông làm giao liên từ chiến khu đến các cơ sở cách mạng. Ông đưa thư từ bí mật giao tận tay người nhận theo ám hiệu đã qui ước hoặc hộp thư chết giấu ở gốc cây, mô đá. Bởi vậy, trong thời điểm địch khủng bố gắt gao nhất, liên lạc giữa chiến khu và các cơ sở vẫn thông suốt.

Khuổi Mản (Hà Hiệu) nơi tháng 3 thành lập chính quyền lâm thời xã, tháng 5 Bác Hồ nghỉ qua đêm trong hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào
      Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Quân Pháp bại nhanh chóng, phải chạy dài. Bộ máy thống trị của thực dân Pháp rệu rã, nhiều nơi quan lại bỏ công sở. Giữa tháng 3, ông Mai Trung Lâm và ông Thái Sơn đại diện đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến Hà Hiệu, tổ chức mít tinh tại Cốc Pjầu (xóm Khuổi Mản). Trước đông đảo quần chúng đồng chí tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, mời bà con bầu những người con ưu tú của xã lập nên chính quyền mới. Thảo luận hiệp thương, nhiều người nhắm vào ông Bảo Tình vì ông tham gia đoàn thể sớm nhất. Ông Bảo Tình nói với lãnh đạo Việt Minh và bà con, mình có nhiệt tình, nhưng văn hóa thấp, nếu làm lãnh đạo chính sẽ làm hỏng việc cách mạng, chỉ nhận làm người giúp việc. Cuộc mít tinh đã bầu ra ban lãnh đạo xã do ông Đàm Ngọc Hải (con ông Lý trưởng Đàm Nông) là người biết nhiều chữ, ăn nói lưu loát làm Chủ tịch UBHC lâm thời xã, ông Bảo Tình làm Phó chủ tịch, cùng một số thành viên chủ chốt khác.
         Cuối tháng 3, Ông Hoàng Văn Phùng lúc đó đương chức Tri phủ Hòa An (Cao Bằng) đã liên lạc với Tổng bộ Việt Minh, được Tổng bộ chấp thuận cùng với một số thuộc hạ là Tri huyện các huyện lẻ tập trung theo đoàn, có một trung đội võ trang Việt Minh bảo vệ chu đáo lên đường về quê. Đoàn đến Bản Và (thuộc xã Trung Hòa) dừng lại mấy ngày để đội tiền trạm đi khảo sát đường. Ông Phùng với danh nghĩa là người anh họ, đã viết thư cho ông Bảo Tình: “Anh đang ở Bản Và, trên này đông bộ đội, cán bộ qua lại, lương thực rất khó khăn, em hô hào các gia đình trong họ tộc gửi cho ít thóc”. Hai hôm sau ông Bảo Tình đã huy động các con cháu gánh lên Bản Và 10 gánh thóc để ủng hộ cách mạng. Từ hôm gặp nhau ở Bắc Ngân Sơn, anh Văn hỏi ông Phùng: mấy hôm nữa tôi xuống Hà Hiệu quê ông, có thể nghỉ ở đâu là tiện nhất?. Ông Phùng đã trả lời: Hà Hiệu đã là xã hoàn toàn, nhưng để tiện, ông cứ nghỉ tại nhà em tôi (nhà Bảo Tình). Quả thật mấy hôm sau (ngày 23/3/1945) đoàn xuống khá đông. Anh Văn cùng Tây đồn và chủ mỏ Tây nghỉ tại nhà Phó tổng Tạ còn lại cán bộ nam, nữ đều nghỉ tại nhà Bảo Tình. Đêm ấy trở thành đêm giao lưu văn nghệ ghi sâu đậm dấu ấn cách mạng cho người dân Hà Hiệu. Các chị Loan, chị Thanh, chị Hựu và chị Cầm đã hát những bài ca cách mạng, già trẻ gái trai nghe như nuốt từng lời.
       Ông Hoàng Văn Phùng về quê, một số quan lại cũ ở Cao Bằng có quê miền xuôi cũng theo về. Gia đình ông Bảo Tình mổ lợn tiếp đón cả đoàn rất chu đáo. Bên mâm cơm có tính chất gia đình, ở mâm chính giữa, ông Hoàng Văn Phùng đứng dậy nói mấy lời, đại ý: Tôi là con dân của làng của xã, biết chút ít chữ nghĩa, bất đắc dĩ phải làm quan phục vụ chính quyền thực dân, nay chính quốc đã đầu hàng Đức, Nhật vào Đông Dương, dân ta một cổ hai chòng. Nay Pháp đã bại, Nhật rất tàn bạo lăm le độc chiếm nước ta. Nước ta đã có chủ mới, Việt Minh được quảng đại quần chúng theo, nhất tề đứng lên giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Tôi và các chư vị trong đoàn đây đã cam kết theo Việt Minh, nguyện hết lòng làm tốt bất cứ việc gì được giao. Ở mâm gian bên, Chánh tổng Hoàng Văn Thượng, nói với mấy anh em, mà hầu hết là chức dịch hàng xã, thôn: “Ông Phủ là người lắm chữ nghĩa, quyền cao chức trọng, bổng lộc nhiều mà nhiệt tình theo Việt Minh, còn chúng ta chưa là hạng gì so với ông, ta cũng thuận theo thôi!.”. Quả thật, thời gian sau, Nhật càn đi, quét lại địa phương mấy lần, các chức dịch địa phương không ai theo Nhật, mà theo cách mạng làm vườn không nhà trống, bao vây cô lập quân Nhật suốt thời gian chúng chiếm đóng. Ông Hoàng Văn Phùng được cách mạng trọng dụng, bầu làm Chủ tịch UBHC tỉnh Bắc Kạn, rồi lãnh đạo sở Giáo dục khu tự trị Việt Bắc… đến khi về hưu. Trước thịnh tình đón tiếp và khí thế cách mạng của gia đình và bà con thôn bản, Việt Minh Hà Hiệu, viên Tri châu Chấn Biên (ngày nay là huyện Trà Lĩnh) rất cảm động, trước khi chia tay để theo đoàn về xuôi, ông ta đã tặng lại cho gia đình 3 bộ quần áo Comple (thời ấy một con trâu mới mua được một bộ), tặng riêng ông Bảo Tình một món quà đặc biệt: “Anh hãy giữ lấy để bảo vệ cách mạng”, tay run run đỡ lấy món quà gói trong tấm vải đỏ, ông giật mình, đó là khẩu Browning, vật mơ ước của nhiều người đương thời. Tuy nhiên trong lòng vẫn áy náy, nghĩ bụng “ông đưa sai đối tượng rồi, tôi chỉ là thường dân, mới là Phó Chủ tịch lâm thời xã, làm gì được vinh dự nhận món quà này” nhưng, sợ làm khách mất hứng nên vẫn vui vẻ nhận, không dám nói ra lời từ chối.
        Cuối tháng tư, đồng chí Nông Minh Lý nhận nhiệm vụ tiền trạm để đón và đưa đoàn cán bộ thượng cấp về xuôi, đã tìm đến người anh em (cùng họ Nông, đã kết thân từ trước). Ông Bảo Tình đã đưa đến gặp Chủ tịch Đàm Ngọc Hải ở làng Khuổi Mản. Tối 12/5/1945, đoàn cán bộ thượng cấp gần một trăm người đã được đón tiếp, nghỉ đêm tại nhà Đàm Ngọc Hải. Đoàn được đón tiếp chu đáo và bảo vệ an toàn tuyệt đối. Sau này, năm 1946 Tổng tuyển cử bầu Chính phủ, mọi người mới biết ông ké trong đoàn là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi tiễn đoàn, đồng chí Minh Lý được phân công ở lại địa bàn Hà Hiệu để củng cố chính quyền chống quân Nhật và thổ phỉ. Ông Bảo Tình đã đưa khẩu súng ra và kể câu chuyện được tặng súng. Thấy ông Minh Lý trầm trồ khen khẩu súng đẹp, ông nói: ‘”anh thích thì cứ đem dùng”, “ chú cho tôi mượn mấy hôm nhé” “anh cứ lấy đi mà dùng, em giữ cũng chẳng làm gì được, mà còn chưa biết sử dụng”. Sau này, có người kể lại, chính khẩu súng ấy đã cứu sống đồng chí Minh Lý trong cuộc đối đầu với bọn phản động theo Nhật tại Lũng Chủ, với diễn biến câu chuyện tựa như tích “Quan Công đơn đao dạ hội” thời Tam Quốc. Để rồi, dẫu kinh qua nhiều nhiệm vụ cách mạng khác nhau, đến khi giữ chức Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đồng chí Minh Lý vẫn không bao giờ quên được người anh em kết nghĩa của mình.
        Tình hình đất nước diễn biến nhanh chóng. Nhật đầu hàng đồng minh, rút về xuôi, Hà Hiệu sạch bóng quân thù. Ngày 7/10/1947 Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Quân Pháp kéo từ Cao Bằng xuống đóng đồn Ngân Sơn, Nà Phặc, Bản Trà. Toàn dân rút vào rừng, thực hiện vườn không nhà chống, lực lượng du kích bám địch, bao vây cô lập địch, chống càn bảo vệ dân, bảo vệ tài sản. Ông Bảo Tình cùng tập thể cán bộ chính quyền non trẻ hăng hái vượt mọi gian khổ hy sinh. Ngày 24/5/1947 đồng chí Bảo Tình và đồng chí Ngọc Quang được kết nạp Đảng tại Chi bộ Công sở (thời điểm ấy các xã trong toàn huyện Ba Bể đều chưa có chi bộ) do đồng chí Nông Văn Quang và Nông Công Tú tổ chức kết nạp. Đến ngày 16/12/1947 chi bộ Đảng xã được thành lập, (từ ba đảng viên được kết nạo trước từ Chi bộ Công sở là Bảo Tình, Ngọc Quang, Kim Trắc, kết nạp thêm hai đồng chí là Cúc Hoa và Phúc Bình), do đồng chí Hiền - cán bộ cấp trên xuống trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Hơn một tháng sau, đồng chí Hiền chuyển công tác về Ban Kinh tế Tỉnh ủy, đồng chí Bảo Tình làm Bí thư chi bộ. Mới được bốn tháng, đồng chí Bảo Tình nhận quyết định của Tỉnh ủy điều động lên công tác tại Ban Kinh tế để hoạt động tài chính cho đảng.
       Cuối năm 1951, tình hình tài chính Đảng đã ổn định, Ban Kinh tế giải thể. Lúc này do bị bệnh nên ông xin nghỉ công tác về nhà để chữa bệnh. Năm 1952 đồng chí được bầu làm Chủ tịch Mặt trận xã. Cuối năm 1954, phát động giảm tô, gia đình bị qui là địa chủ, đồng chí bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Tháng 1 năm 1956, sửa sai, được khôi phục Đảng tịch, sau đó được bầu vào BCH Mặt trận xã, dẫu nhiều bệnh nhưng đồng chí vẫn hăng hái đóng góp công sức cho mọi công việc địa phương.
         Tháng 3/1963, đồng chí qua đời do một tai nạn giao thông bất ngờ.
         Đồng chí được tặng Bằng Có công với nước ngày 15 tháng 6 năm 1967, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
        Dẫu ít học, suốt đời là cán bộ cơ sở, bận rộn lăn lộn với phong trào nhưng đồng chí rất chăm lo nuôi dạy, giáo dục con cái. Con gái đồng chí, được học hành, làm  cô giáo, hiệu trưởng trường cấp I xã, con trai cả và con thứ hai tham gia bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu. Người nghỉ hưu, người về quê sản xuất đều có kinh tế khá giả.
        Kể ra đây, gương mặt của một công dân vào thời oanh liệt của đất nước. Để thế hệ sau, suy ngẫm, sống ra sao để xứng đáng với sự hy sinh gian khổ của cha ông./.

Tác giả: NÔNG VĂN KIM

https://hoivanhocnghethuat.backan.gov.vn/Pages/but-ky-phong-su-526/dang-sau-mot-tam-bang-co-cong-v9-1184b25b73c6c14c.aspx




----




---


BỔ SUNG



1. Cụ Ông Phúc Bình đã qua đời ngày 14/5/2020 (tức 22 tháng 4 âm lịch), hưởng thọ 94 tuổi.


"

Kym Kym đến Ô Phúc Bình
14 tháng 5
Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Hội Cựu Chiến binh xã Hà Hiệu; Thôn Cốc Lót và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Ông Ô Phúc Bình (tên khai sinh là Ô Văn Tần), sinh ngày 12/6/1927. Thường trú tại thôn Cốc Lót, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Nguyên Trưởng phòng Lương thực huyện Chợ Rã
Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng
Đã mất hồi 07h39 phút ngày 14 tháng 5 năm 2020 (nhằm ngày 22 tháng Tư năm Canh Tý) hưởng thọ 94 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ sáng ngày mai: 15/5/2020 tức ngày 23 tháng Tư năm Canh Tý
TM GIA ĐÌNH
Kính báo
******
TÓM TẮT TIỂU SỬ ÔNG Ô PHÚC BÌNH:
Đồng chí Ô Phúc Bình (tên khai sinh là Ô Văn Tần), sinh ngày 12/6/1927; quê quán: Châu Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn. Thường trú tại thôn Cốc Lót, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Tham gia hoạt động cách mạng tháng 3 năm 1945; vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 27 tháng 11 năm 1947.
- Từ năm 1936 đến năm 1941 học ở trường Tiểu học Hà Hiệu, năm 1941 Chánh Công sứ Pháp tỉnh Bắc Kạn cấp bằng Đông-Pháp Sơ đẳng tiểu học văn bằng (Certificat d’Études Primaire Élémentaire-Indochinoises).
- Năm 1942 học chữ Nho với 1 thầy đồ dạy tư một năm.
- Tháng 3/1945 đến tháng 10/1946 là Tiểu đội phó tự vệ thuộc trung đội tự vệ võ trang xã Hà Hiệu (trước ngày 19/8/1945 đi làm nhiệm vụ bị phát xít Nhật bắt sống giải về Chợ Đồn đem tra tấn 3 tháng, trong đó bị chúng đâm vào ngực 1 phát kiếm; sau được thả về đến nhà phải tự điều trị bằng thuốc nam nửa năm mới bình phục)
- Tháng 10/1946 đến tháng 9/1947 Chính trị viên đại đội dân quân xã Vinh Quang (lúc đó hợp nhất từ 3 xã Hà Hiệu, Phúc Lộc và Bành Trạch).
- Tháng 9/1947 đến tháng 12/1948 Chính trị viên trung đội du kích xã Hà Hiệu, kiêm Ủy viên quân sự Ủy ban hành chính xã. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1948 tham dự Lớp chính trị viên xã đội do Tỉnh đội Bắc Kạn tổ chức, từ tháng 8 năm 1948 đến tháng 10 năm 1948 tham dự Lớp đào tạo Bí thư Chi bộ của trường đảng Phùng Chí Kiên do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức tại Cốc Tộc, xã Nam Mẫu.
Từ tháng 5/1948 đến tháng 12 năm 1948 Bí thư Chi bộ xã Hà Hiệu (nay là Đảng ủy xã Hà Hiệu).
- Từ tháng 01 năm 1949 đến tháng 2 năm 1952 là cán bộ Văn phòng Huyện ủy Chợ Rã, phụ trách công tác tuyên huấn, tổ chức, thi đua, văn phòng; là Chi ủy viên Chi bộ cơ quan Huyện ủy Chợ Rã.
- Từ tháng 3 năm 1952 đến tháng 8 năm 1954 công tác tại địa phương là: Trưởng trạm Bưu điện xã, Văn phòng UBHC xã và Ban thuế nông nghiệp xã.
- Tháng 8 năm 1954 đến tháng 01 năm 1956 làm giáo viên Lớp dự bị bổ túc.
- Tháng 01 năm 1956 đến tháng 10 năm 1958 là Ủy viên phụ trách Hợp tác xã mua bán và cán bộ thuế nông nghiệp xã. Trong giai đoạn này có tham gia học tại Trường đảng Phùng Chí Kiên do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1958.
- Tháng 10 năm 1958 đến tháng 8 năm 1959 Phó Bí thư Chi bộ, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Hà Hiệu.
- Tháng 8 năm 1959 đến tháng 01 năm 1960 kế toán Ủy ban hành chính huyện Chợ Rã (nay là Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể).
- Tháng 2 năm 1960 đến tháng 02 năm 1962 là Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, kiêm Bí thư Chi bộ cơ quan Huyện ủy Chợ Rã.
Tháng 3 năm 1962 đến tháng 9 năm 1972 là Phó Trưởng phòng Lương thực huyện. Trong năm 1963 đồng chí có tham gia học tại Trường Lương thực Trung ương thuộc Tổng cục Lương thực.
- Tháng 9 năm 1972 đến tháng 01 năm 1979 Trưởng phòng Lương thực huyện. Trong giai đọan này là Bí thư Chi bộ Lương thực, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Ty Lương thực tỉnh Bắc Thái, là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện khóa VI, nhiệm kỳ 1971-1973.
- Từ tháng 01 năm 1979 nghỉ hưu, có tham gia thành viên biên tập cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hà Hiệu giai đoạn 1930-2015.
Đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; các Huy hiệu 40, 50, 60, 65, 70 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen khác của Ty Lương thực Bắc Thái, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Thái, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam vv...

"
https://www.facebook.com/o.phucbinh/posts/1503387856508554




0. Năm 2020, cụ Ô Phúc Bình sang tuổi 94 (1927 - 2020)


"
Sổ tay báo Bắc Thái tặng cộng tác viên Ô Phúc Bình, năm 1973


"https://www.facebook.com/o.phucbinh/posts/1492361034277903


"
Niềm vui tuổi già


"


"
Kym Kym cùng với Ô Phúc Bình.
21 tháng 1
Vui chào đón mùa xuân thứ 94 của ông nội


"https://www.facebook.com/kym.nguyetminh/posts/1510658672433585



..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.