Tôi chỉ quan sát.
Không có ý kiến gì.
Người trong sự kiện này, nhà thơ Dạ Thảo Phương, là đàn em thời Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp ngày xưa của tôi. Đàn em sau tôi 2 khóa. Trước năm 1994 (trước năm tôi ra trường), thì vẫn thấy đàn em là một nhà thơ trẻ của Khoa, chăm chỉ học tập và chăm chỉ sáng tác, tính vui nhộn và hòa nhã. Sau này, lần gặp cuối (tính từ lúc đó đến giờ cho gặp lại) thì có lẽ là ở triển lãm thư pháp của họa sĩ Lê Quốc Việt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện chưa xem lại tư liệu lưu trữ, nên chưa nhớ là năm 1998 hay năm 1999.
Việt mang giấy mời đến cơ quan. Hàn huyên một lúc ở đâu đó mạn Lò Đúc hay Thi Sách. Mình với Việt, bạn bè nối khố xửa xưa, từ lúc hắn còn ôn thi đại học (ôn rất kĩ tới cả mấy lần), nên thường ngồi riêng lâu lâu mỗi lần gặp do hẹn trước hay ngẫu nhiên gặp. Bây giờ cũng vẫn vậy.
Một triển lãm đáng nhớ gắn với 3 tác giả: Cung Văn Lược - Phan Cẩm Thượng - Lê Quốc Việt. Ba ông đã ra chung sách (một cuốn về đồ họa rất đáng đọc). Sau này, mình có lược dịch sách của ba ông sang tiếng Nhật (chưa có bản dịch trọn vẹn).
Thấy đàn em nhà thơ ở đó, trong triển lãm đó.
Mình vẫn nhớ cảm giác thấy đàn em nhà thơ lúc đó có gì buồn buồn, không thấy vui như hồi còn trong Khoa. Vì đông bạn bè cùng tới, nên chỉ mỗi người chào nhau một tiếng đã hết giờ !
Ý kiến khả dĩ của các bên, đều được sưu tầm (cập nhật dần). Một bên mình đánh số A (đặt trước) và một bên mình đánh số B (đặt ở dưới). Tiếc là blog không chia được ngang màn hình. Nếu chia được, mình sẽ đặt A và B ngang cho dễ theo dõi.
Tháng 1 năm 2025,
Giao Blog
---
A.
4.
Với những người theo dõi: theo “Thư của BCH HNV VN” đăng ngày 4/1/2025 trên trang vanvn, quý vị có thể thấy thông tin của Tin Văn Nghệ chúng tôi đã đưa là hoàn toàn chính xác. BCH HNV đã thừa nhận có 3 tác phẩm (1 tiểu thuyết và 2 tập thơ) không được chọn qua vòng Hội đồng chuyên môn mà họ đã lấy thêm.
Chúng tôi sẽ phân tích tiếp ở đây sự ngụy biện, lấp liếm và sai quy tắc của BCH trong việc xét giải lần này.
Theo quy chế, tất cả các tác phẩm tham dự giải qua vòng sơ khảo với Hội đồng chuyên môn, những tác phẩm do Hội đồng chuyên môn chọn và đề cử đưa lên Hội đồng chung khảo phải được quá bán số phiếu bầu của Hội đồng chuyên môn.
Hội đồng Chung khảo (vòng BCH) có quyền giới thiệu và bổ sung vào danh sách các tác phẩm xét giải những tác phẩm KHÔNG NẰM TRONG DANH SÁCH MÀ HỘI ĐỒNG CHUYÊN MÔN ĐÃ ĐỌC VÀ CHỌN. Những tác phẩm Hội đồng chuyên môn đã loại ra (không đưa lên đề cử) thì không được vào vòng Chung khảo với BCH, mà cũng sẽ KHÔNG nằm trong danh sách bổ sung này.
Trong mùa giải 2024, đối với những tác phẩm mà Hội đồng chuyên môn đã loại ra, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã yêu cầu Hội đồng chuyên môn đọc lại và chấm lại tất cả. Nhưng hai Hội đồng chuyên môn thơ và văn xuôi không đồng ý và giữ nguyên kết quả họ đã chọn. Chúng tôi được biết điều này theo phản ảnh của hội đồng chuyên môn.
Sau đó, Chủ tịch NQT bất chấp sự không đồng ý của Hội đồng chuyên môn, vẫn đưa những tác phẩm đã bị Hội đồng chuyên môn loại ở vòng sơ khảo (2 tập thơ + 1 tiểu thuyết) vào vòng chung khảo và chọn giải thưởng HNV cho những tác phẩm này.
Đây là việc bất chấp quy chế về trao giải thưởng của Hội Nhà văn, và chưa từng có tiền lệ trước đây.
Trong vòng sơ khảo mỗi hội đồng có mấy chục quyển sách bị loại ra, tại sao lại chọn ra đúng 3 quyển sách của 3 đại gia để cho vào vòng Chung khảo (vòng BCH) và trao giải? Tại sao CT NQT phải làm việc đó, nếu không vì đã hứa trao giải thưởng cho các đại gia?
1. Kết quả giải thưởng HNV mục thơ năm 2024 gồm có 3 tập thơ được trao giải:
+ “Phục sinh” của Đào Quốc Minh. Đây là tác phẩm duy nhất qua vòng sơ khảo của Hội đồng thơ đưa vào vòng Chung khảo (BCH).
Sau đó BCH đã bốc từ trong những tập thơ đã bị Hội đồng thơ loại ra, lấy ra 2 tác phẩm:
+ “Đồng” của Trần Lê Khánh – chỉ được 2/8 phiếu ở vòng Hội đồng thơ (Sơ khảo)
+ “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh – chỉ được 2/8 phiếu ở vòng Hội đồng thơ (Sơ khảo)
(Theo thông tin của chúng tôi, 2 phiếu thuận cho 2 tác phẩm này ở vòng Sơ khảo là của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và nhà thơ Thi Hoàng, còn lại tất cả Hội đồng thơ không bỏ phiếu chọn 2 tác phẩm này).
Và BCH đã trao giải thưởng HNV cho 3 tập thơ trên. Nói như vậy, tập thơ “Phục sinh” của tác giả Đào Quốc Minh là đúng quy trình hơn hai tập thơ kia (suy ra có chất lượng cao hơn?), nếu chúng ta tin vào thẩm định của Hội đồng thơ.
2. Kết quả giải thưởng văn xuôi năm 2024 gồm có 2 tác phẩm được trao giải:
+ “Trên đỉnh giời” là tập truyện ngắn của Y Ban. Tập truyện ngắn này được Hội đồng văn xuôi chọn và đề cử vào vòng BCH.
+ “Gia đình có bốn chị em gái” của Phạm Thị Bích Thủy. Tiểu thuyết này bị loại ra ở Hội đồng văn xuôi nhưng được BCH bốc vào và trao giải.
+ Tiểu thuyết “Hà Nội những mùa cổ điển” của Uông Triều được Hội đồng văn xuôi chọn và đề cử vào vòng BCH cùng với tập “Trên đỉnh giời” của Y Ban, NHƯNG ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC BCH CHỌN ĐỂ TRAO GIẢI THƯỞNG.
Có thể suy ra, theo bầu chọn của BCH, “Hà Nội những mùa cổ điển” của Uông Triều về chất lượng kém hơn “Gia đình có bốn chị em gái” của Phạm Thị Bích Thủy? Vậy là Hội đồng chuyên môn đã đề cử một tác phẩm chất lượng kém hơn để vào vòng chung khảo hay sao?
Còn nữa, như chúng tôi đã đưa tin trước đây, tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời” của nhà văn Y Ban có 7/18 truyện ngắn đã in trong tập khác trước đó, vi phạm quy định của HNV là chỉ xét các tập truyện, thơ, lý luận phê bình, khi tỷ lệ tác phẩm đạt trên 80% chưa in trong cuốn sách khác. Tác phẩm này phạm quy, không thể được trao giải thưởng HNV.
Thông tin phụ cả Y Ban và Uông Triều đều là thành viên của Hội đồng văn xuôi.
Với nhiều nhập nhằng như vậy, không khó để giải thích lý do CT Nguyễn Quang Thiều cần phải có đủ phiếu để bầu chọn cho 3 tác phẩm mà ông bất chấp bốc vào chọn giải ở vòng Chung khảo BCH (cho dù đã bị loại ở vòng sơ khảo Hội đồng chuyên môn). Đó là lý do ông phải bổ nhiệm cho Lương Ngọc An chức Phó TBT tạp chí Nhà văn và cuộc sống để lấy lá phiếu giá trị của Lương Ngọc An cho tất cả những trường hợp này. Sự hứa hẹn của CT NQT với LNA, ngoài việc phục chức ra, còn là chức Tổng Biên Tập tạp chí khi nhà thơ Trần Đăng Khoa về hưu vào năm 2025.
Bây giờ, kết quả giải thưởng đã xong, Lương Ngọc An đã hết giá trị lợi dụng, để giải quyết khủng hoảng MXH, CT NQT thu hồi quyết định bổ nhiệm LNA. Các đại gia Trần Lê Khánh, Phạm Thị Bích Thủy, Nguyễn Tiến Thanh đã có giải thưởng, CT NQT đã thực hiện được lời hứa (để đổi lấy gì thì quý vị tự nghĩ), chỉ có LNA mất cả chì lẫn chài, thậm chí không có cả quyền từ chức.
------------------------------------
Bản tin của Tin Văn Nghệ là hoàn toàn chính xác và được kiểm chứng xác minh từ nhiều nguồn tin cậy. Quý vị hãy theo dõi chúng tôi để có thông tin chính xác và cập nhật nhất. Chúng tôi cũng chào đón tất cả mọi đóng góp chia sẻ tin tức của quý vị.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0ALdFzDDT2msi4qaEdkXssvh3XYzevY8XNZVrCUUmyVqbsFneGRr6NsAwS75afPoBl&id=61567681340931
Ngoài tập thơ "Đồng" của đại gia Trần Lê Khánh, còn một tập thơ nữa cũng không qua vòng Hội đồng thơ mà được BCH "đặc cách" chọn giải thưởng HNV 2024 là tập thơ "Viễn ca" của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.
Được biết: nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng là nhà báo và hiện là Giám Đốc Nhà xuất bản Giáo Dục. Việc ông Nguyễn Tiến Thanh có là đại gia hay không, có "mối quan hệ đặc biệt" nào không, hoặc thơ hay "đặc thù" để được "đặc cách" trao giải vẫn là chuyện cần tìm hiểu. Như vậy, tổng kết lại, ở cả 2 giải thưởng thơ và văn năm 2024 của Hội Nhà văn, đã có 3 tác phẩm được BCH bất chấp quy chế, 'đặc cách' trao giải dù Hội đồng chuyên môn không chọn (Trần Lê Khánh và Nguyễn Tiến Thanh cho thơ, Phạm Thị Bích Thủy cho văn xuôi). Tác phẩm văn xuôi còn lại qua vòng Hội đồng chuyên môn (Trên đỉnh giời của Y Ban) thì phạm quy vì có hơn 20% đã được in ở các cuốn sách khác. Được biết nhà văn Y Ban cũng nằm trong Hội đồng văn xuôi. Một mùa giải quá tai tiếng.
Tất cả những đặc cách này được ông Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều phê duyệt, nếu không muốn nói là khởi xướng. Vậy câu hỏi là tại sao?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0GjwVXHKBVEg4qEkJX9ASzW3L9h7cJK11bCCQfuXxgPwcz3pM67WCFkbJHmpYrqoil&id=61567681340931
3.
Bài viết của Dạ Thảo Phương
Tôi rất hân hạnh được nhận sự giúp đỡ chuyên nghiệp, nhiệt tâm của luật sư Ngô Anh Tuấn- giám đốc công ty luật TNHH ATN và Cộng sự.
Ngoài việc đảm trách chức vụ giám đốc của ATN và Cộng sự, luật sư Ngô Anh Tuấn hiện còn là thành viên cao cấp, phụ trách lĩnh vực tranh tụng tại Dentons Luật Việt (thành viên của Dentons- Công ty luật lớn nhất thế giới với hơn 160 văn phòng, hoạt động tại hơn 80 quốc gia).
Dentons Luật Việt giới thiệu về luật sư Ngô Anh Tuấn: “Tư duy sắc sảo của ông Ngô Anh Tuấn trong lĩnh vực tố tụng, cùng với hàng loạt các vụ án cả hình sự lẫn dân sự đã khiến ông trở thành một mảnh ghép không thể thiếu đối với Dentons Luật Việt. Dưới sự dẫn dắt của ông trong hoạt động tranh tụng của công ty, khách hàng có thể mong đợi các chiến lược và giải pháp được thiết kế tỉ mỉ, thông minh nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý riêng biệt của họ một cách chính xác và hiệu quả nhất”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét về vụ việc của tôi: “Câu chuyện của chị Dạ Thảo Phương bây giờ không còn là vấn đề cá nhân nữa mà nó là vấn đề của xã hội. Điều cần ghi nhận là chị ấy muốn một xã hội tốt đẹp hơn từ câu chuyện của chính mình. Đó là mong muốn của chị ấy”.
Tôi hiểu rằng sự trợ giúp hào hiệp mà luật sư Ngô Anh Tuấn đang dành cho tôi là một hành động vì lý tưởng của anh- đóng góp cho mong ước “một xã hội tốt đẹp hơn”.
Là một luật sư cao cấp, Ngô Anh Tuấn rất bận rộn với nhiều vụ án có giá trị kinh tế lớn. Song, anh luôn nhanh chóng trả lời các tin nhắn của tôi, đối với tôi vô cùng lịch thiệp, ấm áp, kiên nhẫn. Các cuộc trao đổi, các bước tiến hành công việc của chúng tôi thường bị ngắt quãng, đôi khi là dài ngày, do tình hình sức khoẻ của tôi. Việc phải mổ phanh lại câu chuyện này chưa bao giờ là dễ dàng. Là người giàu kinh nghiệm, có lẽ luật sư Ngô Anh Tuấn hiểu điểm đặc biệt trong tâm lý của những người như tôi. Anh động viên: “Chậm, nhưng chắc. Cùng đồng hành để đi lâu, đi xa nhé”.
Luật sư của tôi còn là một người rất khiêm nhường. Anh chưa bao giờ muốn nhận lời cảm ơn của tôi, vì “thấy mình chưa làm được gì”.
Tôi cảm động trước hành xử đặc biệt đẹp đẽ của anh.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chưa bao giờ phai nhạt của mình đến luật sư Trần Hữu Nam, người đã nhận lời trợ giúp pháp lý cho tôi hơn 20 năm trước. Ở cái thời có khi chủ toạ phiên toà còn nói ngọng, vừa chất vấn vừa gãi cổ cành cạch, luật sư nói loằng ngoằng nửa tiếng không ai hiểu muốn nói gì, thì Trần Hữu Nam đã sở hữu một kỹ năng tranh biện tuyệt vời sắc bén, logic, một phong thái chuyên nghiệp, đẳng cấp. Khi đó, anh là một luật sư rất nổi bật trong nghề cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, bận rộn với nhiều vụ án có giá trị kinh tế khổng lồ. Vậy mà, sau khi xem hồ sơ và nghe tôi trình bày, anh đã ngay lập tức nhận lời đứng bên tôi. Anh nói: “Tôi làm việc này là để đóng góp cho xã hội, chứ không vì một cá nhân nào cả”. Ngay cả khi tôi- kiệt quệ cả tinh thần và thể chất- đã dừng bước đi tìm công lý và chưa bao giờ đủ bình tâm để quay lại gặp anh, anh vẫn gìn giữ tất cả hồ sơ, chứng cứ của tôi với tinh thần tận tuỵ của một luật sư chuyên nghiệp và có trái tim ấm áp.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các luật sư đã nhiệt tình và hào hiệp đề nghị giúp đỡ tôi từ trước đến nay, mà tôi không thể nêu tên hết ở đây.
Hơn cả ý nghĩa về chuyên môn và tài chính, sự giúp đỡ đầy tinh thần cống hiến cho xã hội của các anh- đặc biệt là luật sư Trần Hữu Nam và luật sư Ngô Anh Tuấn- với tôi, là một biểu tượng đẹp đẽ về sự đồng hành của cộng đồng trong hành trình chống lại tệ nạn x.âm h.ại t.ình d.ục.
Hơn 20 năm trước, ở môi trường khép kín Văn Nghệ, tôi chỉ biết phản kháng đến sức cùng lực kiệt trước cỗ máy quyền lực. Một số ít người có lương tri, có kinh nghiệm ở báo hiểu được chân tướng sự việc nhưng cũng không thể công khai cất tiếng khi mọi “chân lý” chỉ được độc quyền phân phát bởi một nhóm nhỏ cá nhân nắm quyền sinh quyền sát cả tập thể trong tay.
Giờ đây, dù con đường còn đầy tổn thương, nguy hiểm, nhưng hành trình lên tiếng của tôi đã thoát ra khỏi môi trường yếm khí ấy, được đông đảo cộng đồng văn minh bảo bọc, tiếp sức.
Một số người muốn khích lệ, nói rằng tôi và gia đình tôi là những người dũng cảm. Chúng tôi không bao giờ dám nhận những lời khen hào hiệp này. Chúng tôi chỉ là những con người nhỏ bé, bình thường, cất tiếng để bảo vệ phẩm giá của mình và những giá trị cơ bản mà chúng tôi tin tưởng.
Tiếng nói của tôi đến hôm nay còn chưa bị bóp nghẹt như hơn 20 năm trước, đó là nhờ vào sự ủng hộ công tâm, hào hiệp và kiên nhẫn của các bạn.
Nói như Ly@, một trong rất nhiều nạn nhân bị x.âm h.ại t.ình d.ục vẫn còn chưa thể lên tiếng: “Cháu được thấy điều cảm động và đẹp hơn bất kỳ câu chuyện trong sách/ phim nào: đó là được thấy những người lên tiếng bảo vệ và tranh đấu cùng cô”.
Tôi cảm thấy, từ “cảm ơn” đôi khi thật chật chội, nghèo nàn.
-----------
THƯ TỐ CÁO LƯƠNG NGỌC AN
TÔI ĐÃ BỊ C-ƯỠNG H-IẾP THẾ NÀO
CUỐN NHẬT KÝ- BẰNG CHỨNG CỦA MỘT TỘI ÁC
THƯ GỬI CÁC HỘI VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN, ĐỐI TÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
TẠI SAO TÔI TỐ CÁO
TÔI ĐỨNG VỀ PHE CÓ Ý THỨC GIỮ GÌN PHẨM GIÁ
https://www.facebook.com/dathaophuongvn/posts/pfbid028hPniGBp4M1fBRvdSXQdj9St2aHxgoHpdD2bV1b1fZjjft2Atmrmo3SR6VbBzeLrl
2.
Trang vanvn.vn, Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), vừa đăng “Thư của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam” gửi các hội viên. Phần đầu tiên của Thư này là thông báo liên quan đến việc điều động ông Lương Ngọc An - người bị nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh công khai tố cáo hành vi cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục - làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, với nội dung chi tiết như sau: “Tại cuộc họp BCH tháng 6.2024, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống đề nghị bổ sung cho Tạp chí một Phó Tổng biên tập và đề xuất nhà thơ Lương Ngọc An, hiện đang công tác tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam vào vị trí này.
BCH đã đề nghị nhà thơ Lương Ngọc An giải trình về một số vấn đề liên quan đến cá nhân, thảo luận tình hình hoạt động của Tạp chí, nhu cầu cần thiết phải bổ sung nhân sự và ra Quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An về công tác tại Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống với nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập từ 28.11.2024.
Tuy nhiên, sau khi rà soát lại một số khâu trong quy trình và xem xét một số điều kiện liên quan đến việc điều động, BCH đã quyết định thu hồi Quyết định này và báo cáo cơ quan chỉ đạo báo chí và cơ quan quản lý báo chí cấp trên.”
Như vậy, sau gần một tháng kể từ ngày nhà thơ Dạ Thảo Phương lên tiếng qua bài viết “KẺ HIẾP DÂM TÔI LẠI LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP”, cũng như đòi hỏi của dư luận về trách nhiệm giải trình của HNVVN, Hội này mới đưa ra thông báo chính thức đầu tiên qua bức thư nói trên.
Tuy nhiên, nội dung thông báo rất mơ hồ và thiếu minh bạch, cả trong quyết định điều động ông An làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống lẫn quyết định thu hồi Quyết định này.
Đầu tiên, quyết định điều động ông An dựa trên những căn cứ sau:
(i) Đề xuất của ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. (ii) Giải trình của ông Lương Ngọc An về “một số vấn đề liên quan đến cá nhân”.
(iii) Thảo luận của Ban Chấp hành HNVVN về “tình hình hoạt động của Tạp chí, nhu cầu cần thiết phải bổ sung nhân sự”.
Những căn cứ nói trên hoàn toàn mù mờ, không những chẳng hề cung cấp thông tin nào rõ ràng về việc điều động ông An, mà còn đặt ra thêm nhiều câu hỏi về quyết định này: “một số vấn đề liên quan đến cá nhân” ông An là những vấn đề gì, dính dáng ra sao đến tố cáo cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục, hay còn vấn đề nào khác?
Tiếp đến, quyết định thu hồi quyết định điều động ông An dựa trên việc “rà soát lại một số khâu trong quy trình và xem xét một số điều kiện liên quan đến việc điều động”. Quyết định này tiếp tục đặt ra thêm hàng loạt nghi vấn đối với HVNNV thay vì minh bạch thêm bất cứ điều gì: những khâu nào trong quy trình điều động ông An có vấn đề, những điều kiện nào liên quan đến việc điều động đã được Ban Chấp hành HVNVN xem xét lại? Ai là người chịu trách nhiệm trong chuyện này, và sẽ chịu trách nhiệm ra sao?
Thần chú chung giải trình cho các quyết định nêu trên là sự mập mờ, thể hiện qua hai chữ “một số”, nào là “MỘT SỐ vấn đề liên quan đến cá nhân”, “MỘT SỐ khâu trong quy trình”, “MỘT SỐ điều kiện liên quan đến việc điều động”.
Sự mập mờ này cực kỳ nhất quán với lý do HNVVN cho ông Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ gần 3 năm trước, đó là “TRONG TÌNH HÌNH MỚI”. Lý do này được ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch HNVVN "làm rõ" hơn chút ít qua phát biểu của ông Thiều trong Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, đó là “VÌ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẦY NHẠY CẢM”.
Tóm lại, cả 3 quyết định của HNVVN liên quan đến ông Lương Ngọc An - gồm (i) cho ông An thôi chức Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ, (ii) điều động ông An làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, và (iii) thu hồi quyết định điều động này – đều hết sức mập mờ và thiếu minh bạch, hoàn toàn không thể hiện trách nhiệm giải trình của HNVVN.
Hơn nữa, việc ra quyết định rồi nhanh chóng thu hồi quyết định điều động ông An cho thấy sự tùy tiện, không nhất quán, thiếu chuyên nghiệp và năng lực yếu kém của Ban Chấp hành HNVVN trong việc quản lý và bổ nhiệm nhân sự ở Hội này. Chẳng có gì đảm bảo một thời gian nữa, khi dư luận tạm lắng xuống, HNVVN lại không tiếp tục cái trò mèo "điều động" này theo kiểu đối phó, thay vì giải quyết vấn đề.
Giá trị lớn nhất mà “Thư của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam” mang lại, đó là tiết lộ rằng chính ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNVVN, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống là người đã đề xuất đưa ông Lương Ngọc An về làm phó cho ông Khoa. Và bởi vì ông Trần Đăng Khoa đã thông báo sẽ sớm “nghỉ dần các chức vụ và công việc", điều này đồng nghĩa với việc chính ông Khoa đã chọn ông An làm người kế nhiệm mình ngồi vào ghế Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Trong cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn ra mắt cách nay hơn nửa thế kỷ và ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia đoạt giải Nobel đã sử dụng kiến làm biểu tượng của sự suy tàn và hủy diệt, báo hiệu định mệnh nghiệt ngã và bi thảm của gia đình Buendía khi đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ này bị đàn kiến ăn thịt khi chỉ mới chào đời.
Như một trò đùa của lịch sử và số phận, đúng vào năm 1967 khi văn hào Márquez hoàn thành tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, ở bên kia địa cầu, thần đồng Trần Đăng Khoa cũng viết xong bài thơ “Đám ma bác giun” về đàn kiến và cái chết.
Ở vai trò Phó Chủ tịch HNVVN kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần Đăng Khoa chưa một lần lên tiếng trước tố cáo suốt gần ba năm qua của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh đối với ông Lương Ngọc An. Không những thế, ông Khoa còn chọn ông An làm người kế nhiệm mình. Quả thực, thằng bé thần đồng thơ năm xưa đã chết từ rất lâu rồi.
Trong vở kịch Mổ nhà văn của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật K-Oa được giới thiệu như sau: “Bẩm sinh là một nhà thơ, một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi trường sống của anh ta không tốt, anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng ngày, từng tí một. Một thiên thần cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu…”.
Đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ Buendía bị đàn kiến ăn thịt không khỏi khiến độc giả liên tưởng đến nhân vật K-Oa. Còn đám sâu bọ ở HNVVN đã thay nhau cắn xé và nhậu ký ức, tâm hồn cùng nhân phẩm của nhà thơ Dạ Thảo Phương phải chăng là chỉ báo về sự mục rữa, thối nát và suy tàn không tránh khỏi của một Hội đã có lịch sử gần bảy thập niên, y như định mệnh bi thảm của bảy thế hệ thuộc dòng họ Buendía?
Với sự tùy tiện, mập mờ, thiếu minh bạch và né tránh trách nhiệm giải trình của HNVVN trong vụ tố cáo hành vi cưỡng hiếp và/hoặc tấn công tình dục của ông Lương Ngọc An, người hiện vẫn còn là Ủy viên Ban Chấp hành kiêm phó ban Sáng tác của HNVVN, Hội này hoàn toàn không nên được tôn trọng, lại càng không xứng đáng được nuôi bằng tiền thuế của dân.
Mới đây, bố mẹ bà Dạ Thảo Phương - ông Phan Lạc Kiên, cựu chiến binh 83 tuổi, và bà Tạ Thị Nội – cũng vừa tố cáo tội ác của ông Lương Ngọc An cùng sự đồng lõa, vô trách nhiệm của lãnh đạo HNVVN qua lá đơn mà nỗi đau của bậc cha mẹ suốt một phần tư thế kỷ ứa ra qua từng con chữ.
https://www.facebook.com/tucurie/posts/pfbid02Ft93VeFnigVZtDGH24R93pTj4ChSmD4uHhLsGtaBvgwv7g7VfSba3sDw2uw6hvMrl
1.
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Kính gửi ông Nguyễn Quang Thiều- chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam- và ban chấp hành quý hội
Kính gửi ông Trần Đăng Khoa- Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống- và ban biên tập quý tạp chí
Tôi là Dạ Thảo Phương (tên khai sinh: Phan Thị Thanh Thuý), một công dân Việt Nam, một người viết, và một cựu nhà báo của báo Văn nghệ- thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi viết thư này nhằm chính thức bày tỏ thái độ phẫn nộ và lo sợ của tôi trước ứng xử của các ông đối với tệ nạn xâm hại tình dục mà tôi là một nạn nhân.
Vấn đề cấp thiết. Tôi lại đang sống ở nước ngoài và hiện đang ốm. Vì vậy, tôi không gửi thư này qua đường bưu điện mà gửi qua đường email chính thức của các quý cơ quan.
Vấn đề tôi đề cập đến không còn chỉ là việc cá nhân tôi với các ông các bà, mà đang là quan tâm nóng hổi của nhiều người trong và ngoài giới văn chương nghệ thuật. Do vâỵ, tôi chọn hình thức thư ngỏ và sẽ đồng thời đăng trên trang cá nhân của mình để tỏ lòng tôn trọng tới sự quan tâm chính đáng của cộng đồng.
Tôi đưa lại vấn đề vào thời điểm này, vì ngày 5.12.2024 vừa qua, theo website của Hội Nhà văn Việt Nam, chủ tịch hội- ông Nguyễn Quang Thiều- đã trao quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An vào vị trí Phó Tổng biên tập Nhà văn và Cuộc sống, cùng sự đồng tình, tán dương của ông Trần Đăng Khoa- Tổng biên tập của Tạp chí. Quyết định bổ nhiệm này đã gây ra một sự phẫn nộ mạnh mẽ không chỉ cho cá nhân tôi- Nhiều nhà văn, bạn đọc đã công khai gọi đây là “cái tát vào ý thức về đạo đức của cộng đồng”. Tiến sĩ Dương Tú- Thành viên Ủy ban Đạo đức xuất bản (Committee on Publication Ethics) và thành viên ban biên tập tạp chí liêm chính khoa học nổi tiếng thế giới Accountability in Research- đã nhận định: “Hội Nhà văn Việt Nam bắt buộc phải có trách nhiệm giải trình trước nhà nước và người dân về hoạt động của họ”. Ý kiến này đã nhận được sự chia sẻ rộng rãi của cộng đồng.
Phản ứng ngày càng mạnh và lan rộng của đông đảo người viết và bạn đọc đối với thái độ này của các ông cho thấy: sự phẫn nộ và nỗi lo sợ này không phải chỉ của riêng tôi, mà là của rất nhiều cá nhân có lương tri và trách nhiệm xã hội.
1. Về cá nhân Lương Ngọc An:
Xét từ góc độ cá nhân tôi- một nạn nhân đang lên tiếng vì Sự Thật: Lương Ngọc An là một kẻ từng đánh đập, cưỡng hiếp, vu cáo và chưa từng nhận lỗi thể hiện ăn năn về hành động của mình.
Xét từ góc độ cộng đồng: y là một đối tượng đang bị tố cáo một cách chính danh, kèm theo bằng chứng và nhân chứng có uy tín, có tính xác thực cao. Và y đã bị tố cáo không chỉ bởi một người.
Xét từ góc độ pháp luật: Tuy vụ việc đã quá thời hạn xử lý pháp luật, tôi không thể kiện hắn ra toà, nhưng khả năng sẽ xảy ra một phiên toà về vấn đề này vẫn còn (do hắn đã tố cáo vu khống ngược tôi ra công an, và chưa có bằng chứng nào cho thấy có kết luận của công an về việc này). Tôi và dư luận vẫn đang đợi chờ phiên toà này, nếu có, sẽ phá đi “vòng kim cô” mang tên “hết thời hiệu xử lý”, để tôi có thể đưa ra các chứng cớ và nhân chứng của mình trước pháp luật, trong đó có những bằng chứng và nhân chứng chỉ có thể đưa ra ở phiên toà để đảm bảo quyền riêng tư.
Rõ ràng, Lương Ngọc An là một kẻ đang phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về pháp luật và đạo đức, y không xứng đáng ở vị trí lãnh đạo một cơ quan báo chí- văn chương.
2. Về thái độ của các quý vị:
Hơn 20 năm trước, tôi đã nhiều lần tố cáo tội ác xâm hại tình dục và vu khống ngược nạn nhân của Lương Ngọc An tới ban biên tập Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Tố cáo của tôi kèm theo biên bản có chữ ký của các nhân chứng và giải trình chi tiết về vụ việc. Đáp lại, là thái độ ngăn cản quyền tố cáo, sỉ nhục và trù dập nạn nhân, bao che cho thủ phạm của lãnh đạo. Sau 2 năm cho hắn nghỉ việc tại Văn nghệ Trẻ mà không công bố cho tôi một văn bản có lý do rõ ràng nào, tiếp tục dung túng cho hắn bằng những công việc mù mờ, năm 2002, các quý vị đã đưa hắn trở lại làm việc ở một ban khác trong báo (Ban Văn nghệ Dân tộc và Miền núi), để hắn dần tiếp tục tha lôi sự đồi bại của mình qua các nấc thang quyền lực. Năm 2021, hắn trở thành Phó Tổng biên tập ngay tại Văn Nghệ, nơi vẫn còn quằn lên dư luận về vụ hắn cưỡng hiếp tôi.
Năm 2022, một lần nữa, tôi tố cáo Sự Thật về hắn tới quý vị và công luận. Hành động đốn mạt của hắn đã dấy lên một sự bất bình sâu sắc trong cộng đồng. Bức thư ngỏ của tôi đã nhận được 67 ngàn tương tác và 11 ngàn lượt chia sẻ. Nhiều chục ngàn phản ánh, bình luận sự kiện của các “nhà báo công dân” trên các mạng xã hội, trong và ngoài giới văn chương. Nhiều chục cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế đều đồng loạt đưa tin. Vụ việc còn được “lưu dấu” quốc tế trên "Journal of Vietnamese Studies”- tạp chí được giới học thuật xếp vào loại tạp chí Việt Nam học hàng đầu trên thế giới. Trong volume 17, number 4, 2022, tạp chí này đã dành nguyên một forum có tên "# MeToo at Văn Nghệ Newspaper", tập hợp 17 bài/ tư liệu về vụ Lương Ngọc An, với hơn 20 tác giả.
Ban biên tập Báo Văn nghệ hoàn toàn không có một dòng đáp lại.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn thì gửi cho tôi một email từ địa chỉ một email đứng tên cá nhân của một người không rõ là ai, email không đóng dấu, không ai đứng tên ký, “với nội dung tỉnh rụi mà “Việt dịch” ra thì đại khái là: Không liên quan!” (Bình luận của nhà văn- nhà báo Thái Hạo”.
Để trả lời tố cáo nghiêm trọng của một công dân, một người viết nhắm tới một nhân vật có quyền lực trong tổ chức của mình mà Ban chấp hành hội nhà văn của cả một nước lại có thể gửi đi một email rất khó phân biệt với một email nặc danh như vậy!
Đó là một hành xử vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa bất lịch sự, vừa coi thường người dân.
Trước sự phẫn nộ của dư luận, các ông các bà “quyết định điều động” hắn đi “nhận nhiệm vụ mới”. Báo Tuổi trẻ nhận xét: “Thông báo không nêu rõ ông Lương Ngọc An sẽ được điều chuyển về đâu. Lý do của việc điều chuyển ông An được nêu vắn tắt, không rõ ràng là "trong tình hình mới của Hội Nhà văn Việt Nam”.
Một cuộc điều chuyển nhân sự cao cấp mà như đào tẩu.
Mới đây, trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024- sáng 12.12.2024, chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã hé mở “bức màn bí ẩn” này: “Và việc điều động- anh An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ (…). Nhưng bây giờ, vì những vấn đề đầy nhạy cảm, thì chúng tôi điều động anh An về Văn phòng Hội, và bây giờ chúng tôi điều động tiếp”.
Tuyên bố trên của ông chủ tịch có dấu hiệu cho phép nghi ngờ rằng sự bổ nhiệm này nằm trong một kế hoạch nhằm đánh lừa sự phẫn nộ của cộng đồng, bao che cho kẻ đang bị tố cáo là Lương Ngọc An, nhằm rửa trôi sự thật về quá khứ đốn mạt của hắn.
Việc bổ nhiệm này không còn là chuyện nội bộ của các quí ông quí bà, mà là một hành động xúc phạm nạn nhân, chà đạp lên những bất bình chính đáng của cộng đồng (trong đó bao gồm rất nhiều người viết và người đọc), làm tổn hại đến hình ảnh của Hội Nhà văn Việt Nam và gây một ấn tượng xấu về người cầm bút Việt Nam.
Là một nhà báo cũ của báo Văn nghệ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), tôi vô cùng đau xót và phẫn nộ trước việc các vị đang gây ra tổn thất cho danh tiếng của một tổ chức tôi đã từng gắn bó và cống hiến những năm tháng tuổi trẻ với bao trân trọng, yêu thương.
Các vị không có quyền làm những điều này với tôi và với cộng đồng.
3. Về cá nhân ông Nguyễn Quang Thiều:
Ngày 23.12.2024, nhà văn Lưu Trọng Văn đã viết trên trang cá nhân của mình: “Nguyễn Quang Thiều nói với gã: Em nói với An, chú mày đa tình đâu bằng anh. Anh mày thì gấp nhiều lần ấy chứ. Nhưng có em nào chửi anh không? Quan hệ với phụ nữ tối kỵ để tai tiếng. Để tai tiếng là quá bậy. Nếu để tai tiếng thì lập tức xin lỗi ngay. Đàn ông dù với bất cứ lý do gì làm cho đàn bà đau khổ đều rất bậy. Xin lỗi Phương đi!”
Nếu những lời thuật lại này của nhà văn Lưu Trọng Văn là sự thật, phát ngôn của ông Thiều hết sức nguy hiểm. Trên bề mặt, nó tạo cảm giác là ông đứng về phía nạn nhân, nhưng thực chất, đây lại là một kiểu phát tán tin đồn tráo đổi bản chất sự việc- từ sự thật là một vụ cưỡng hiếp, hoàn toàn không có sự đồng thuận của nạn nhân, thành một vụ “đa tình”, “làm cho đàn bà đau khổ”. Đây là một hành động tấn công danh dự nạn nhân, và đặc biệt nguy hại khi người phát ngôn lại đang là lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn, từng được nhiều người trong giới, trong đó có tôi, rất kính trọng, yêu quý.
Nhà báo nổi tiếng Duan Dang phân tích: “Đầu tiên, gã dẫn lại một câu của vị trọng trách nêu trên, sử dụng các mô tả như “đa tình”, “làm cho đàn bà đau khổ”. Đây là sự lấp liếm hạ đẳng, cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi bị cáo buộc, biến nó thành “chuyện tình cảm” thường ngày thay vì một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với nạn nhân.(…) Trở lại câu trích dẫn của vị kia, câu này còn có đoạn “để tai tiếng là quá bậy”, nó thể hiện một quan điểm lệch lạc. Nó ngầm ý rằng vấn đề không nằm ở hành vi sai trái mà ở việc bị người khác biết đến. Quan điểm này thể hiện sự coi thường nạn nhân và dung túng, bao che cho hành vi phạm tội. Điều quan trọng không phải là "tránh tai tiếng" mà là phải giải quyết vấn đề một cách công bằng và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và xử lý nghiêm minh người vi phạm”.
Post này của nhà văn Lưu Trọng Văn được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, chuốc lấy bao phẫn nộ chê bai của cộng đồng. Nếu ông Thiều không thực sự có phát ngôn như vậy, ông nên lên tiếng để vừa bảo vệ thanh danh của ông, vừa để những lời này không tiếp tục tráo đổi tên của sự thật và xúc phạm danh dự của tôi.
Trong bối cảnh mà tệ nạn xâm hại tình dục đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cách hành xử nói trên của các quý vị đang gửi đi một thông điệp có thể gây hại nghiêm trọng cho cộng đồng, làm tổn thương và bẻ gãy ý chí lên tiếng của các nạn nhân, tiếp thêm sức mạnh trơ trẽn cho những tên hiếp dâm biến thái.
Một kẻ bị cáo buộc hiếp dâm, gây ra sự phẫn nộ sâu sắc trong toàn xã hội, nhưng sau một thời gian lẩn lủi lại trơ tráo xuất hiện ở vị trí lãnh đạo một cơ quan báo chí- văn chương!
Sự việc này sẽ gửi đi một thông điệp thế nào về ý thức của những người trao quyết định trước vấn nạn xâm hại tình dục, trước lẽ công bằng, sự tôn trọng những cuộc đời của nạn nhân, trước những bức xúc chính đáng của dư luận?
Hơn nữa, lãnh đạo một tạp chí của Hội Nhà văn là một vị trí có nhiều điều kiện tiếp xúc và có quyền lực quyết định việc đăng tải tác phẩm của nhiều cộng tác viên, trong đó có nhiều người là nữ, tuổi đời, kinh nghiệm sống có thể còn non trẻ. Việc để một kẻ như Lương Ngọc An ngồi ở vị trí này chẳng khác nào gửi trứng cho ác, mỡ để miệng mèo, có thể gây những dấu hỏi đầy tai tiếng cho cả báo lẫn những người cộng tác.
Trao quyền lực báo chí, chính trị vào tay một kẻ xảo quyệt, độc ác như Lương Ngọc An, hắn sẽ có cơ hội để trả thù tôi và những người có lương tri đang bảo vệ quyền lên tiếng chính đáng của tôi.
Vì những lý do trên, tôi yêu cầu các ông các bà ngay lập tức có hành động nhận trách nhiệm của mình, thể hiện sự tôn trọng tối thiểu với cá nhân tôi và với cộng đồng. Bắt đầu, bằng việc xin lỗi tôi và cộng đồng một cách chính thức, công khai, như cách các ông các bà công bố sự bổ nhiệm Lương Ngọc An.
Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức văn hoá nghệ thuật tầm quốc gia nhưng đang đối mặt với một làn sóng phản đối mạnh mẽ của cộng đồng văn minh về tệ nạn xâm hại tình dục, liên quan đến một nhân sự cấp cao của Hội cũng như bản thân thái độ của hội. Trong bối cảnh tệ nạn này đang là vấn đề rất nhức nhối trong cộng đồng, Hội cần thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như sự tôn trọng cộng đồng, sự tôn trọng với uy tín của chính mình. Để không bị lạc hậu, đi ngược lại với tiến trình văn minh của xã hội, Hội cần có những hành động cập nhật kiến thức cho các lãnh đạo và hội viên về tệ nạn xâm hại tình dục cũng như những xu hướng của tệ nạn tấn công nạn nhân, dung dưỡng thủ phạm.
Đây là cách duy nhất để Hội có thể chuộc lại được phần nào uy tín và tình yêu mến của cộng đồng văn minh.
Được như vậy, tôi sẽ rất cảm kích.
Xin kính chúc các quý vị sức khoẻ, ngày càng tinh tấn hơn để có những quyết định sáng suốt trước những yêu cầu của thời đại văn minh và lương tri lành mạnh.
Dạ Thảo Phương (Phan Thị Thanh Thuý)
(Đã gửi tới địa chỉ email trên website của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống).
.
------
TÔI ĐÃ YÊU, TIN HỌ BIẾT BAO NHIÊU!
BÁO VĂN NGHỆ- MỘT PHẦN ĐỜI CỦA TÔI
DỨT. TUNG. TỪNG. SỢI. CHỈ
KẺ C.ƯỠNG H.IẾP TÔI LẠI LÀM PHÓ TỔNG BIÊN TẬP
TRÍCH GHI ÂM CỦA CHỦ TỊCH NGUYỄN QUANG THIỀU
THƯ TỐ CÁO LƯƠNG NGỌC AN
TÔI ĐÃ BỊ C-ƯỠNG H-IẾP THẾ NÀO
CUỐN NHẬT KÝ- BẰNG CHỨNG CỦA MỘT TỘI ÁC
THƯ GỬI CÁC HỘI VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN, ĐỐI TÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
TẠI SAO TÔI TỐ CÁO
TÔI ĐỨNG VỀ PHE CÓ Ý THỨC GIỮ GÌN PHẨM GIÁ
https://www.facebook.com/dathaophuongvn/posts/pfbid035nE3qsZekEKUiLFVunfKWzTaDYAhTBDwqRDarz3UrKueTk2qmBdW6Vcg33RSVomvl
---
B.
1. Ngày 5/1/2025
Đọc lại các bài viết trước, tôi mới phát hiện ra hoá ra là hồi năm 2022, chị A đã từng tố cáo bị anh B cưỡng bức trong nhà nghỉ. Chị kể rằng anh B lừa chị vào nhà nghỉ và chị bị cưỡng bức trong đó. Chuyện này rất buồn cười vì khó tin. Bởi lẽ chị A khi ấy cũng đã 25 tuổi, lại là nhà báo ở thành phổ, hẳn là đã từng nghe nhiều chuyện xã hội. Chị không phải là cô thôn nữ quê mùa, chưa từng bao giờ nghe nói các cặp đôi sử dụng nhà nghỉ để làm gì.
Một số câu hỏi và nghi vấn đặt ra là như sau:
1. Nhà nghỉ chắc chắn có phòng riêng cho các cặp đôi, bởi các cặp đôi không thể biểu diễn xiếc ngay trước mặt đội ngũ lễ tân. Vậy thì khi anh B kêu mệt cần nằm nghỉ, tại sao chị không để anh ý vào phòng riêng dành cho các cặp đôi, còn chị thì đứng chờ ở chỗ lễ tân. Tại sao chị lại theo anh B vào phòng riêng dành cho các cặp đôi?
Cứ cho là chị hoàn toàn ngây thơ, trong sáng. Nhưng chẳng nhẽ chị không biết, vào nhà nghỉ với đàn ông đã có vợ là rất dễ mang tiếng? Thế mà chị lại còn vào phòng riêng của nhà nghỉ với đàn ông đã có vợ, thì cái sự mang tiếng to lớn lắm. Tự dưng đồng ý vào nhà nghỉ với đàn ông có vợ, không những thế lại còn vào phòng riêng dành cho các cặp đôi cùng ông ta. Rồi bây giờ lại la toáng lên là lần đó bị hiếp dâm??
2. Nếu chị bị cưỡng bức, hẳn chị phải chống cự, la hét. Thật khó tin là các nhà nghỉ lại cách âm đến mức đội ngũ nhân viên không nghe thấy gì. Đặc biệt chị mô tả là hai người đã giẳng co ngay trước nhà nghỉ. Vậy mà đội lễ tân lại không nghi vấn gì, không đặt vấn đề theo dõi. (Bởi lẽ nếu xảy ra vụ tố cáo gì thì họ cũng phải chịu trách nhiệm và bị phạt tiền).
3. Chị A nói rằng hồi đó đã từng tố cáo bị anh B cưỡng bức. Vậy tố cáo đó ở đâu? Tại sao chị không tố cáo với công an. Nếu chị tố cáo với công an thì chắc chắn công an sẽ phải điều tra và có kết luận chính thức chị có bị cưỡng bức hay không, bởi lẽ hiếp dâm là tội phạm nghiêm trọng. Nếu chị đã từng tố cáo như vậy thì tờ thông báo kết luận của công an đâu? Nếu không có thông báo chính thức của công an thì không thể khẳng định là chị bị cưỡng bức. Nếu anh B cưỡng bức thật thì tại sao công an không tống anh ta đi tù? Cưỡng bức đến mức có thai là án tù nặng. Công an là lực lượng duy nhất có đầy đủ nghiệp vụ điều tra và kết luận cuối cùng.
Còn nếu chị nói rằng chị đã tố cáo những người khác, với hội nhà văn thì vô nghĩa. Bởi tất cả những người đó không có chức năng điều tra, không có nghiệp vụ và thẩm quyền để kết luận chị có bị cưỡng bức thật hay không.
4. Người tố cáo và cơ quan chức năng có nghĩa vụ chứng minh một công dân phạm tội. Công dân không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Đương nhiên là như vậy. Nếu không thì có vô số kẻ ngồi ở VN cứ liên tục tố cáo chị A hàng chục tội tày đình như ăn cắp, giết người, đánh đập người khác thương tật nhưng không cung cấp được bằng chứng gì ra hồn thì chị A cũng cứ phải chạy theo chứng minh mình vô tội hay sao?
Trên thực tế, năm 2022, anh B cũng đã tố cáo ra công an bị chị A vu khống. Thế là hoà bởi cả hai bên đều không đưa ra được bằng chứng gì. Không thể kết luận có xảy ra cưỡng bức hay không, hay đó là ngoại tình.
5. Chị A tố cáo bị anh B cưỡng bức nhiều lần dẫn đến phá thai ít nhất 2 lần. Vậy thì lần thứ 2 xảy ra ở đâu? Không lẽ lại cũng trong nhà nghỉ? Tại sao đã bị lừa một lần rồi cưỡng bức rồi, chị vẫn đi theo anh ta vào nhà nghỉ? Nếu không phải nhà nghỉ thì chị bị cưỡng bức ở chỗ nào khác cũng vậy thôi. Chỗ đó chắc chắn phải rất riêng tư, chẳng hạn như nhà riêng của chị hoặc nhà anh ta. Tại sao đã bị cưỡng bức một lần rồi, chị vẫn vào những chỗ riêng tư cùng anh ta để đến nỗi bị cưỡng bức lần nữa??? Trừ phi anh B bắt cóc chị A. Nhưng không thấy chị A nói gì về việc bị bắt cóc.
6. Lần hai người xô xát ở cơ quan và bị những người khác cùng cơ quan phát hiện phải lập biên bản không thể là kết luận là cưỡng bức. Lần đó vụ việc nhanh chóng bị phát hiện cho nên hai người không kịp giao hợp. Cơ quan chỉ phù hợp để quan hệ nếu cả hai bên rất hợp tác, kiểu như Clinton với Lewinsky. Bởi rất dễ bị bại lộ. Việc những người khác phát hiện 2 người nằm đè lên nhau, có xây xát ở vùng đầu, mặt có thể là một vụ hành hung, một vụ đánh lộn lẫn nhau, hoặc ban đầu hai người đồng ý quan hệ nhưng sau đó một người từ chối, chứ không nhất thiết đó là một vụ cố gắng cưỡng bức. Đặc biệt, công an không hề kết luận đó là một vụ cưỡng bức thì chúng ta cũng không thể kết luận như vậy.
7. Xác xuất bị cưỡng bức 2 lần dẫn đến mang thai cả 2 lần khá nhỏ. Vậy thì có lẽ chuyện cưỡng bức đã xảy ra vài lần. Việc đó xảy ra ở đâu mà cứ lặp đi, lặp lại như vậy???
8. Anh B đã từng có biên bản thừa nhận đưa đi A đi phá thai vài lần. Tại sao chị A lại đồng ý cho kẻ cưỡng bức mình đưa mình đi phá thai hết lần này đến lần khác.
9. Thời 1999-2000, thời kỳ chị A tố cáo bị anh B cưỡng bức, đã có thuốc tránh thai khẩn cấp, Có thể sử dụng để tránh thai sau khi bị cưỡng bức. Tại sao chị không dùng? Trong vòng 72h sau khi bị cưỡng bức, thai nhi chưa thể kịp hình thành. Thế nên chị A không thể lập luận rằng không nỡ phá thai cho nên không dùng thuốc.
10.Ngay cả chồng còn không biết chắc vợ có thai với mình hay người khác. Thế nên chị A tố cáo bị anh B cưỡng bức phải đi phá thai mấy lần là không có bằng chứng. Chưa có bác sĩ nào khẳng định chị A có thai với anh B chứ không phải người khác. (Phải có bằng chứng, chẳng hạn như chứng nhận kiểm tra AND của thai nhi). Chưa nói đến việc chị có thai với anh B thật đi nữa thì có thai trong trường hợp nào, bị cưỡng bức hay do ngoại tình?
11. Việc người thân trong gia đình chị A, hoặc bạn bè, đồng nghiệp tố cáo hộ chị A hoàn toàn vô nghĩa bởi lẽ họ không chứng kiến tận mắt hành vi cưỡng bức.
Nói tóm lại, đối với tôi vụ này hoàn toàn không đáng tin mà lại rất buồn cười. Quý vị cũng không nên nhầm lẫn vụ này với các vụ Me Too. Vụ này hoàn toàn không phải là một vụ Me Too, bởi thời đấy vụ này đã ầm ỹ rồi. Chị A hoàn toàn có cơ hội tố cáo ra công an từ thời đấy, nhưng chị không tố cáo với công an, mà gần đây chị mới nói rằng chị đã từng tố cáo với ai đó.
Nếu tôi là ông B, tôi sẽ lập danh sách tố cáo ra công an tất cả những kẻ đang “té nước theo mưa”, hăng say xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông một cách vô căn cứ. Thậm chí kiện ra toà cho họ phải nhập kho như bà Phương Hằng.
PS: Bài học rút ra: "Phụ nữ không nên vào nhà nghỉ với đàn ông đã có vợ. Rất nguy hiểm vì rất dễ bị quấy rối, thậm chí bị cưỡng dâm". Có nhiều phụ nữ quá ngây thơ, cứ đi chơi tung tăng với đàn ông đã có vợ. Không những thế còn bị bọn chúng kéo tuột vào nhà nghỉ.
https://www.facebook.com/dung.kieu.nguyen.894140/posts/pfbid0JSZEm4CZxsY6e2fnjsWepRb14vnDZ5vTiAtTR6yCPDfdYfi45NSHVD2GQEco8asfl
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.