Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/02/2022

Vấn đề hôm nay : nỗi lo di chứng ở cơ thể người mắc covid-19 và đã khỏi

Ở thời điểm hiện tại, hạ tuần tháng 2 năm 2022, đây là một nỗi lo lớn của dân chúng Đại Việt. Có thể nêu nhanh một ví dụ cụ thể từ cuộc nói chuyện chung trong một nhóm zalo trong mấy ngày gần đây.

Một bà bạn ở Sài Gòn đã mắc covid-19 vào năm ngoái, lúc dịch bùng phát dữ dội (đọc lại ở đây), dĩ nhiên là đã khỏi rồi, có tâm sự đại loại:

- Có vắc-xin rồi thì covid-19 sẽ nhanh khỏi, nhưng phải đặc biệt lưu ý di chứng của nó. Bây giờ, người Sài Gòn bị di chứng nhiều lắm. Chỉ phạm vị cá nhân quan sát được, cũng thấy xung quanh có tới mấy chục người bị di chứng.

- Mà đặc biệt chú ý là: khỏi covid-19 được vài tháng thì mới thấy di chứng hiện ra ! Cứ tưởng khỏi là xong, nhưng không đâu, di chứng đã để lại ngay tại cơ thể !

- Di chứng gồm: khó thở, mệt mỏi, hụt hơi, đau xương khớp, rụng tóc, trí nhớ kém, đau đầu, mất ngủ, tim đập nhanh,...

- Ngay lúc này, hạ tuần tháng 2 này, bản thân đang bị hụt hơi, không ho mà đờm vướng cổ suốt, rồi thỉnh thoảng chỉ nằm chơi mà thấy tự nhiên thở dốc... Nhiều thứ lắm.

Một người bạn ở Hà Nội thì đưa ra bình luận: có thể do uống thuốc không đúng phác đồ điều trị, và không đủ liều. Ý là không đúng thuốc, không đủ liều.

Thế là bà bạn ở Sài Gòn giải thích thêm: vào tháng 8 và 9 năm 2021, lúc bị covid-19 ở Sài Gòn, không có triệu chứng nên bác sĩ không kê đơn, rồi thuốc cũng khan hiếm nữa.

Bàn tiếp thì thấy tên của một bác sĩ có đưa đơn thuốc chữa cho F0 mà không để lại di chứng. Là bác sĩ Bùi Huy Phú, nghe đâu là Nguyên Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai.

Đại khai là vậy. Để tra cứu dần vậy, và cũng để cập nhật dần tin tức.

Tháng 2 năm 2022,

Giao Blog


Hậu COVID-19, F0 đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn nào?

https://www.youtube.com/watch?v=GcroMyK7uQ0

---


Cập nhật: 18:44 - 14/02/2022 | Lần xem: 194601

Hiểu thêm về di chứng hậu COVID-19, cùng tìm cách vượt qua!

Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

 

Hội chứng hậu COVID-19 là gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

 

Các triệu chứng báo hiệu tình trạng hậu COVID-19

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

 

Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

 

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

 

Một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể gặp phải các ảnh hưởng xấu tới đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp (giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học, xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực) rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

 

Khỏi bệnh nhưng vẫn cần chăm sóc sức khỏe!

Khỏi COVID-19 người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ.

▪ Tập thở: Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.

▪ Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Tập theo các chương trình thể dục trên đài truyền hình mỗi sáng lúc 5 giờ, nếu tự tập phải đảm bảo 30 phút hàng ngày.

▪ Đi bộ: Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ khoảng từ 4.000 đến 18.000 bước/ngày tùy theo yêu cầu. Tuy nhiên mục tiêu 10.000 bước/ngày là khá phù hợp cho người trưởng thành khỏe mạnh.

▪ Dinh dưỡng đúng: Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali. Bổ sung các loại vi chất do tác hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu sò…

Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Box: Địa chỉ khám hậu COVID-19

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần nhất là người bệnh nặng, nằm viện lâu ngày.

Hiện nay có nhiều bệnh viện đã tổ chức đơn vị chăm sóc cho bệnh nhân hậu COVID-19 như: Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM; Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1; Viện Y dược học dân tộc TP. HCM, Đồng Nai, Hà Nội… Người bệnh có các triệu chứng cần đến bệnh viện sớm để được khám và điều trị kịp thời nhất là các rối loạn chức năng hô hấp, rối loạn nhịp tim và rối loạn tinh thần.

 

TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, Khoa Y- Đại học quốc tế Hồng Bàng

https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/hieu-them-ve-di-chung-hau-covid19-cung-tim-cach-vuot-qua-842b86822d452cd0004d5398726e2d9b.html


..



  03:17 PM 24/01/2022


1. THẾ NÀO LÀ TÌNH TRẠNG “HẬU COVID-19”?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  thì đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10  đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng  thì gọi đó là tình trạng hậu COVID-19. Bệnh sau khi mắc COVID là một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, mà mọi người có thể gặp phải  trong khoảng bốn tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm vi-rút COVID-19, thậm chí những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm có thể có các biểu hiện hậu COVID-19. Những tình trạng này có thể xuất hiện rất đa dạng có thể đồng thời  cùng một  lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau.

Tình trạng hậu COVID-19 là có các biểu hiện bệnh sau khi mắc COVID- 19  có thể được biết đến  với các tên khác nhau như di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mạn tính. Hiện nay, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19. Tính đến tháng 7 năm 2021 hội chứng "COVID kéo dài," còn gọi là di chứng hậu COVID có thể được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA).

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa hậu covid -19 là tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người trong tiền sử nhiễm SARS-COVID2, thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi khởi phát covid 19 với triệu chứng có tác động đến cơ thể và kéo dài ít nhất 2 tháng. Các triệu chứng và ảnh hưởng của nó cũng cần chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

2. CÁC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH TRẠNG HẬU COVID 19:

Một số người có thể gặp phải một số triệu chứng ngay từ khi mắc covid 19 và  có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng kể từ lần đầu tiên bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 nhưng cũng có thể phát sinh hoặc tái phát triệu chứng ở giai đoạn hồi phục. Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, còn hậu covid -19  có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc thậm trí trong thời gian mắc bệnh  họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị “ Hậu COVID-19” với các biểu hiện sau:

-Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi.

- Mệt mỏi hay chóng mặt.

-Các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần.

- Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ.

- Ho kéo dài.

-Đau ngực.

- Thay đổi giọng nói.

- Đau cơ.

- Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.

- Đau đầu.

- Đau cơ hay đau khớp.

- Trầm cảm hoặc lo lắng.

- Sốt.

Ở những người mắc tình trạng hậu covid 19 sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới các hoạt động trong cuộc sống, ảnh hưởng cả trong  công việc, nội trợ và sinh hoạt hằng ngày.

Chúng ta cần chú ý tới những ảnh hưởng đa cơ quan của COVID-19: Một số người đã từng mắc bệnh do COVID-19 nặng  gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể tác động tới nhiều các cơ quan hệ thống trong cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể. Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. Hội chứng viêm đa hệ thống là tình trạng khi đó các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm. Hội chứng  này  có thể dẫn đến các tình trạng sau khi mắc COVID nếu tiếp tục gặp các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc có các triệu chứng khác.

Cuối cùng ta cần chú ý tới ảnh hưởng khi bệnh nặng phải nhập viện do COVID-19: Nhập viện và mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến phổi do COVID-19 có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như suy nhược nặng  và kiệt sức trong thời gian hồi phục. Ảnh hưởng của việc nhập viện cũng có thể bao gồm hội chứng hậu săn sóc đặc biệt ở phòng hồi  sức cấp cứu, tức là các ảnh hưởng sức khỏe bắt đầu khi một người ở trong phòng săn sóc đặc biệt và có thể vẫn tồn tại sau khi xuất viện. Những ảnh hưởng này có thể gồm suy nhược cơ thể nặng, ảnh hưởng  đến trí nhớ, tư duy và  rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý. Hiện khó có thể  biết liệu những triệu chứng này là do ảnh hưởng của việc nhập viện, tác động kéo dài của vi-rút hay do cả 2 yếu tố này hay không.  Ngoài ra, những tình trạng này cũng có thể phức tạp hơn do các tác động khác liên quan đến đại dịch COVID-19, bao gồm các yếu tố khác  ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do bị  cách ly y tế, tình hình kinh tế của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực  của đại dịch và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe để quản lý các bệnh đồng mắc hoặc các bệnh tiềm ẩn. Những tác nhân này ảnh hưởng tới cả những người đã từng mắc hoặc chưa từng mắc COVID-19.

3. BẠN NÊN LÀM GÌ  KHI CÓ BIỂU HIỆN CỦA TÌNH TRẠNG HẬU COVID 19:

Khi bạn thấy có những biểu hiện trên sau khi mắc COVID-19, bạn nên tìm đến nhân viên y  tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID 19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Hiện nay, chúng ta còn đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất cho tình trạng này.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng COVID là phòng ngừa tránh mắc bệnh COVID-19.  Đối với những người không có phản chỉ định tiêm phòng COVID 19, hãy tiêm vắc-xin chống lại COVID-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19 và cũng có thể giúp những người xung quanh nguy cơ mắc bệnh này.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến


https://benhvien108.vn/tinh-trang-hau-covid.htm

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.