Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/07/2020

Nhớ về một người đàn anh, thầy giáo Phạm Ánh Sao (1966-2020)

Người đàn anh ở Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) ngày trước của chúng tôi. Khi anh đã ra trường và được giữ lại làm giảng viên ở Khoa, thì chúng tôi mới vào trường.

Anh Sao là bạn cùng lớp với anh Nguyễn Kim Sơn (hiện là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi chúng tôi nhập học thì đã biết anh Sơn có nhà riêng ở gần trường, chỗ Hạ Đình hay Thượng Đình gì đó, một vài lần chúng tôi ghé chơi. Một dạo thấy các anh Sơn anh Sao học tiếng Anh tại nhà - mời một người bạn tới dạy cho.

Hồi ấy, có một dạo anh Sao và anh Thành (công tác tại Khoa Sử) cùng lớp thuê nhà trọ ở đầu làng Triều Khúc. Tôi có đến chơi với các anh mấy lần. Hình như là phòng khá rộng rãi, ở tầng một và có chỗ để xe lợp tấm nhựa màu xanh rất tươm tất, mà là trong một khu tập thể nào đó. Hồi ấy, khí gas ở dưới lòng đất phụt lên chỗ gần cổng ra vào, người ở khu tập thể còn mang kiềng ra và đặt ấm nước hay cái gì đó lên mà đun. Chúng tôi có kéo nhau ra xem quang cảnh ấy.

Hồi ấy, anh Sao và thầy Vĩ đang làm cái gì đó về kiêng cữ hay cấm kị. Hai người truyền tay một tập sách nguyên bản tiếng Trung viết về cấm kị trong văn hóa Trung Quốc. Đã tới hơn cả 20 năm rồi, nên không còn nhớ rõ là cuốn gì.

Mùa hè năm 2020, do bạo bệnh, anh Phạm Ánh Sao đã từ trần ở tuổi 55.

Nhớ về người đàn anh, đầu tiên đăng về đây một bài viết mới lên trên Fb của một người đàn anh lớp trước nữa - là nhà giáo ở Khoa Ngữ văn ngày trước, thầy Phạm Thành Hưng.


Hà Nội, tháng 7 năm 2020.
Giao Blog

---




Cỗ xe tang lăn bánh trước, chúng tôi chầm chậm bám theo sau. Xe đi dọc bờ một con mương nhỏ. Trời oi ả và lặng gió. Trời như nín thở, tiễn một người hiền về chốn cao xanh. Chúng tôi đi, chỉ nghe tiếng chân mình bước và tiếng dòng nước con mương chảy mải miết nhưng vẫn êm như mật. Chúng tôi tiễn nhà giáo Phạm Ánh Sao đến Đài Hóa thân hoàn vũ.

Khoảng hai chục năm trước, tôi bỏ nhà xuất bản về trường đi dạy. Bỏ nghề giáo đúng 15 năm, ngang thời gian lưu lạc của Thúy Kiều, trở lại cơ quan cũ, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Rất nhiều cán bộ giảng dạy trẻ được giữ lại và từ nơi khác chuyển về tôi chỉ nghe tên mà giờ mới biết mặt. Thày giáo Phạm Ánh Sao là một người trong số đó. Nghe đồn đây là một thầy giáo trẻ vui vẻ, tính tình ngay thẳng, sống chẳng giận ai, mà cũng chẳng để ai phải giận. Những ngày đi làm đầu tiên của tôi lúc đó lại là chấm thi tuyển sinh đại học. Tôi chấm bài nhanh như đọc chuyện tranh, chỉ một loáng đã xong một túi mấy chục bài. Của đáng tội, với kiểu dạy văn và thi văn đầu thế kỷ bấy giờ, bài thi rất giống nhau. Học trò làm bài theo các bài văn mẫu học thuộc. Tôi chỉ “ngửi” qua vài dòng là đoán được điểm, nếu có sai thì “độ dung sai” cho phép là 1 điểm, tôi chấm với độ an toàn rất cao. Chấm bằng trực cảm nhiều hơn bằng thị giác, nhiều lúc tôi hơi hoảng vì thấy mình chấm tốc độ nhanh quá, phải giả vờ ngồi im, chờ các đồng nghiệp bên cạnh. Hết buổi chấm, ra về, thầy Sao giữ tôi lại, nói: “ Thầy ơi, em muốn đề nghị với thầy một việc xem thầy giải quyết được không”. Vốn nhút nhát, nghe "đề nghị" tôi chột dạ. Thầy Sao gọi tôi bằng "thầy" cho lịch sự chứ thật ra tôi không hề dạy thầy Sao buổi nào. Tôi nghĩ bụng, nếu thầy Sao nhắc nhở tôi về chuyện chấm nhanh, chấm vội, tôi sẵn sàng nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm. Nhưng nếu thế thì cũng bực thật. Ông giáo trẻ này dạy văn Trung Quốc, mà đề thi là văn Việt Nam hiện đại, làm sao ông đủ kinh nghiệm bằng tôi.
Ra tận ngã ba đường, thầy Sao mới giữ xe tôi lại, đề xuất: Em muốn vay thầy ít tiền, vàng hay đô la cũng được. Em đang xây dở chùng thì hết xi măng.
- Chết chết, làm gì mình có vàng, đô la càng không.
- Ấy là em nghe thầy Nam mách thế.
- Ông tưởng mình đi làm xuất bản hái ra vàng à. Tiền Việt còn chả có… mấy đồng nữa là.
- Tiền Việt càng tốt, khỏi phải đổi. Không có xi măng thì thợ nhà em đang nằm chơi không, chờ lĩnh tiền công nhật, thầy ạ. Thầy cho vay, em đi mua xi luôn.
- Mình chỉ có mấy trăm trong ví. Có mấy triệu thì nằm ở số tiết kiệm.
- Tốt quá, thầy với em ra ngân hàng luôn.

Cả đời, cho đến lúc này, tôi chưa vay tiền ai, mà cũng chưa cho ai vay tiền. Vì vậy, thấy thầy Sao cưỡng vay, vay tiền một cách hồn nhiên như vậy, tôi cũng đành ngậm vui, đi đến ngân hàng. Thầy Sao áp tải tôi vào quầy. Chỉ trong chốc lát, số tiết kiệm của tôi bị hủy. Vậy là âm mưu gây dựng một quỹ đen với vợ, đề phòng tai biến của tôi tan vỡ.

Tôi thấy trong lòng đau đau, nhưng ba tháng sau, thầy Sao khánh thành nhà, tôi cùng cán bộ cả khoa đến mừng, nỗi đau dịu bớt.

Mua được đất, dựng được nhà bên con mương nhỏ của một làng quê vùng Chương Mỹ, thày Sao tính tới chuyện chuyển công tác của vợ thầy từ Ninh Bình ra để “hợp lý hóa”.

Năm năm liền, tôi không thấy thầy Sao đả động đến chuyện trả tiền. Nhưng số phận đã dun dủi cho tôi thành người đồng sự thân thiết với thầy: tôi bị buộc phải làm phó cho Chủ nhiệm Khoa. Mặc dù cam kết chỉ làm 2 năm, tức nửa nhiệm kỳ, nhằm giải quyết nhanh chóng vấn đề nhân sự Ban Chủ nhiệm mới, tôi vẫn thấy chối. Làm Tổng Biên tập nhà xuất bản 4 năm tôi đã thấy ngán công việc quản lý lắm rồi. Tôi chỉ cảm thấy yên lòng khi biết thầy Sao cũng cùng làm Phó. Cứ mỗi lần nhìn khuôn mặt tươi cười cùng tiếng nói ríu rít của thầy Sao ngoài hành lang văn phòng khoa vọng tới là tôi thấy cuộc sống chẳng có gì đáng lo. Tất cả mọi chuyện trên đời đều là vui vẻ. Những khó khăn trước mắt của chúng ta rồi sẽ qua đi, đất nước rồi sẽ có nhiều mặt trời chiếu sáng.

Đúng như giáo sư Đinh Văn Đức kể. Một lần đại hội, thầy Sao lên tiếng thắc mắc: vì sao khoa Văn học là một trong những khoa truyền thống lâu đời trong trường này mà lại không có một đảng viên nào trong danh sách đề cử bầu vào Đảng ủy ? Cả hội trường cười ồ lên, lý thú vì cái sơ suất nhỡn tiền ấy. Ngay lập tức, mấy người đề cử luôn đảng viên Phạm Ánh Sao vào Danh sách. Kết quả: Đảng ủy viên Phạm Ánh Sao cao phiếu nhất trường, chỉ sau Bí thư – thành phần tất yếu.

Sau đại hội, thầy Sao thất thểu ra về bằng cổng sau. Thầy không thích người ta đến chìa tay chúc mừng thầy trúng cử. Biết mình nhỡ mồm lên tiếng mà bị bắt vào Đảng ủy, thầy Sao lắc đầu ngán ngẩm: "Rõ là làm phúc phải tội".

Mà cũng đúng là tội thân thầy thật. Người như Thầy, chưa nói đã cười khanh khách thế, chả ai nó sợ. Tiếng nói thầy Sao không mấy trọng lượng với Trường. Mà không chỉ riêng thầy Sao. Những người làm nghề Văn, dạy Văn, nói người ta thấy hay, nhưng ít tin, nhất là với Đảng. Thời buổi bây giờ đã kết thúc chủ nghĩa duy tình, người ta sợ nhau mà làm, mấy ai vì tình, vì nể nhau mà hành động.

Cùng trực ban chủ nhiệm với thầy Sao, tôi hay nhờ thầy trực hộ . Nhiều buổi tôi bịa chuyện nhờ thầy đến ngồi khoa rồi chuồn về sớm chơi bóng, uống bia. Thầy dù có biết tôi lấy cớ đi chơi nhưng vẫn vui vẻ. Cũng có thể do thầy nể vì nợ tiền. Một hôm nhân chuyện bàn viết Luận án Tiến sỹ - một luận án mà lúc nào cũng thấy thầy kêu "đang viết", thầy giải thích tôi mới biết: “Thạc sỹ oai hơn tiến sỹ chứ. Thạc là to, thạc sỹ là trí thức lớn, còn tiến sỹ chỉ là một nhân sỹ được tiến cử cho nhà nước dùng. Tiến sỹ không có ý nghĩa phân loại, đánh giá, mà chỉ xác định một phương thức dùng người…”

Từ chuyện học vị, học hàm, tôi hỏi lân la sang thơ Đường, Kinh thi. Đụng vào những chủ đề chuyên môn, nằm trong giáo trình mình giảng, thầy Sao như biến thành người khác. Căn phòng Phó chủ nhiệm khoa ngồi trực của hai chúng tôi có lúc như biến thành lớp học chuyên đề. Thầy Sao thành thầy dạy tôi. Thầy nói say sưa, hấp dẫn, bù đắp cho tôi những hiểu biết hời hợt lâu nay về Hán văn. Tôi chợt nhận ra rằng ngày xưa giáo sư dạy văn Trung Quốc cho tôi năm xưa không giỏi. Thầy Sao và lớp cán bộ giảng dạy sinh nhật các thập niên 60, 70 hiện nay rất giỏi. Có thể là internet và công nghệ thông tin hiện đại đã giúp cho hai thế hệ cán bộ giảng dạy văn học hai thập niên ấy mở rộng nghiên cứu văn học sang văn hóa học, định vị văn học vào những “không – thời gian” văn hóa cụ thể. Nhờ vậy mà học trò nghe có thể “học một biết mười”. Từ sau chiến tranh biên giới 1979, tôi bắt đầu căm ghét đảng cộng sản Trung Quốc và ác cảm với Trung Quốc nói chung. Tôi hoài nghi những giá trị thẩm mỹ đích thực trong văn học kim cổ nước này. Nhờ thầy Sao, nhờ câu chuyện về Lý Bạch, Đỗ Phủ của thầy, thiện cảm của tôi với các thi nhân Trung Quốc được khôi phục trở lại.

Vốn là biên tập viên tiếng Trung của nhà xuất bản Ngoại văn, tri thức Hán Nôm của thầy Sao rất chắc chắn. Thêm nữa, Thầy dạy văn Tàu nhưng lại đặt nó trong bối cảnh văn học sử Việt Nam, do vậy những bài viết và các công trình nghiên cứu của thầy đậm đặc hàm lượng thông tin. Gốc của thầy là Hán Nôm Việt Nam, chứ không phải là Trung văn. Vì vậy thầy dạy cổ văn Trung Quốc từ góc nhìn Cổ văn dân tộc. Khác với những thầy du học Trung Quốc, về nước dạy Văn Trung Quốc, vẫn thường đẩy các tác phẩm văn học Tàu lên thành khuôn vàng thước ngọc, vô tư đẩy các kiệt tác đó lên như những kỳ đài khó lòng tiếp cận. Học trò nghe giảng có cảm giác như văn học Việt Nam bị văn học Trung Hoa ăn hiếp. Thầy Phạm Ánh Sao giảng văn học nước ngoài, sinh viên thấy yêu hơn nền văn học dân tộc.... Thầy nói nhiều và nhanh có lúc buộc tôi phải lên tiếng phanh lại, lấy sổ tay ra chép lại mấy chữ mới, mình nghe lần đầu. Thấy thế, thầy cười, thích thú: “Em có tật nói nhanh, không quan tâm tới người nghe, sinh viên nó dễ mệt mà mình cũng mệt. Đã nhiều lần em tự nhắc mình: phải học cách giảng bài của thầy Phùng Hữu Phú, mà cũng là “lối nói lãnh tụ” ở ta, tức là nói chậm, ít nội dung, luôn ngắt câu, ngậm chữ, đệm thêm “hử, hả”, “kinh nghiệm lâu nay cho thấy”, “đúng không”… cho đỡ tốn hơi. Nhưng chỉ hử, hả, đúng không được 5 phút lại quên, lại nói như bắn liên thanh, thành ra mệt. Hôm nào phải giảng ba tiết về là nằm mệt, chả thiết ăn”.

Cứ mỗi năm bước chân thầy Sao một ngắn lại, nặng nề. Tôi thắc mắc, thầy bảo: em bị gút, thậm chí là very good. Chắc là tại ăn nhiều. Hai năm dạy ở Đại học Vân Nam Trung Quốc, em ăn nhiều. Anh tính mình trong nước đang đói, sang đó nhà ăn nấu thứ gì cũng nhiều, cũng béo. Trứng vịt ăn tự do đầy bàn, ăn xong, lấy về ăn tối chục quả cũng được. Giống vịt Bắc Kinh, trứng nó to, đều chằn chặn. Thế là "ngổ" tranh thủ cơ hội, sang ở nửa năm đầu đã lên hẳn chục ký. Bị gút lúc nào không biết”.

Thấy mãi không thấy thầy Sao không viết xong luận án tiến sỹ, một hôm tôi sốt ruột nói thẳng: “Viết ào đi rồi sửa chữa, nghe góp ý, viết lại, đừng để trong đầu. Thai nghén, cầu toàn lâu quá, Trường nó nhắc nhở, trừ tiền mà người ta lại cho là mình dốt, Khoa mang tiếng”. Nghe thế nhưng thầy Sao không tự ái, chỉ cười hề hề: “ Em vẫn vừa viết vừa chữa đấy chứ. Viết luận án và chữa gút. Em chuyển sang tiểu đường, nhân tiện chuyển sang thuốc khác rồi, nhưng đau lắm, mệt lắm”.

Một năm sau tôi lại nhắc lại chuyện luận án. Ba bốn năm qua không hề nghe thầy Sao nhắc đến chuyện nợ tiền, không lên tiếng khất nợ, thú thật nhiều lúc tôi cũng thấy phật lòng. Số tiền không lớn, nhưng chí ít thì thầy cũng có nhời với chủ nợ chứ. Mà lúc này quỹ đen tôi đã gây lại cũng được khá rồi. Tôi tuyên bố: nếu viết xong luận án, tớ xóa nợ. Nghe xong hai tiếng “xóa nợ”, thầy Sao không cười mà biến sắc mặt. Tôi chột dạ. Một tuần sau, thầy Sao trả tôi tiền. Tôi cố từ chối, thầy Sao càng cố động viên tôi: em vừa rồi thu nhập mấy chỗ dịch thuê cũng được kha khá.

Từ ngày nhận nợ, tôi có cảm giác mình lại mang nợ với thầy Sao. Mỗi lần gặp nhau, thầy Sao không trò chuyện cởi mở với tôi nữa. Con đường tới trường đi dạy dài mấy chục cây số đã làm sức khỏe thầy càng ngày càng suy sụp. Từ nhà thầy phải đi xe máy ra Yên Nghĩa, gửi ở đó rồi đi bộ đến bến xe buýt, đi vé tháng. Bến xe buýt tuy ở gần trường, nhưng bước chân thầy mỗi năm một ngắn lại. Chiếc cặp túi đựng tài liệu tư trang thầy đeo chéo qua vai cứ như mỗi năm một lớn, phình ra theo bụng. Chỉ riêng nụ cười là vẫn nở đều trên môi, không đổi. Sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng chục năm sau vẫn nhớ, vẫn nhắc những kỷ niệm học trò đẹp đẽ với thầy Sao: thầy Sao chủ nhiệm lớp, thầy Sao giảng Lý Bạch, Đường thi, cổ văn Trung Quốc.

Thầy Sao hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trừ luận án chưa thành. Quy chế chuẩn hóa cán bộ giảng dạy đại học đã làm thầy thiệt thòi đủ thứ. Thương thày, nhiều lúc tôi có ý nghĩ thắc mắc: tại sao cứ bắt giáo viên đại học phải có danh tiến sỹ. Tại sao không coi danh vị ấy là chuyện riêng tư. Bảo vệ xong tiến sỹ, chắc gì thầy Sao sẽ nghiên cứu tốt hơn, sẽ giảng dạy tốt hơn. Tàn nhẫn hơn là lại xóa các danh hiệu thi đua, trừ tiền, khoản này khoản nọ, đánh vào nồi cơm manh áo on cái, gia đình. Chuyện bảo vệ luận án thậm chí còn hủy hoại sức khỏe của thầy. Tại sao không lấy hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu thực tế hằng năm làm thước đo đánh giá cán bộ ? Nếu tôi được làm Bộ trưởng hay Thủ tướng 5 phút, tôi sẽ tranh thủ ký công nhận đặc cách học vị tiến sỹ cho thầy Sao.

Cái tin thầy Phạm Ánh Sao qua đời bay đi nhanh, nghe như tiếng sét giữa trưa hè. Nghe tin, tôi chợt nhớ tới giọng thầy Sao kêu thất thanh trong máy điện thoại báo tin thầy Cao Vũ Trân qua đời năm xưa. Vậy là lại thêm một thầy chết trẻ. Mà tại sao những thầy vui vẻ nhất khoa Văn lại rủ nhau đi sớm thế ?

Hôm qua, tôi phóng xe máy vào trường để đón xe thuê đi viếng. Vào sớm, sân trường trống vắng không một bóng học trò. Sân trường chợt trở nên lạnh lẽo khi tôi nghĩ tới những giảng đường từ nay sẽ không bao giờ vẳng lên tiếng giảng bài của thầy Sao nữa. Sự ra đi của thầy sao vô lý thế !

Vào nhà thầy Sao, tôi thấy cỗ quan tài còn trống rỗng, đặt bên cạnh chờ giờ khâm liệm. Thầy Sao nằm, khuôn mặt thanh thản, có chút thờ ơ, áo sơ-vin, giây lưng chặt chẽ, ngay ngắn, sẵn sàng. Có một người đàn ông mặc đồ tang đi lại, khuôn mặt giống thầy Sao, nhưng trông già hơn. Một thầy giáo khoa Sử cùng học Hán Nôm khóa 30 với thầy Sao nói nhỏ cho tôi biết đó là em trai thầy Sao. Người em cũng bị gút, đi có vẻ không vững chân, bàn tay thò khỏi ống tay áo đã sưng lên thành một cục méo mó, không còn hình thù ngón tay, trông như hai quả phật thủ trái vụ. Trông mà đau lòng. Vậy thì, thầy Sao ơi, căn bệnh này là xuất phát từ cơ địa di truyền. Lỗi không phải ở thầy, cũng không phải từ những quả trứng vịt Bắc Kinh. Mấy chục năm qua thầy đã sống trong những cơn đau hành hạ. Vậy mà thầy vẫn đủ sức nuôi dạy hai đứa con trai thành những chàng trai giỏi giang, cùng du học nước ngoài ? Chắc rồi hai đứa sẽ thành đạt, sẽ làm tiến sỹ, thay thầy.Vậy mà sao thầy chẳng phàn nàn đau đớn, gặp đâu cũng thấy thầy cười ? Nhìn những dòng sinh viên nhiều khóa sếp hàng vào viếng, chắc sẽ có nhiều đồng nghiệp chạnh lòng như tôi: Nếu mai kia ta chết, liệu có học trò nào bỏ việc, gọi nhau đến "viếng thầy" không ? Đám tang cũng là một thước đo học vị thực sự của ông thầy.

Trong lúc chờ đoàn xe Trường cùng vào viếng, ngồi tù chân, tôi lang thang dọc con mương, ngắm ngôi làng thầy Sao ngụ cư. Không tìm ra cổng làng, nhưng nhìn những gốc nhãn cổ thụ và những bức tường bao, tôi đoán đây vẫn là ngôi làng cổ. Nước con mương đục màu phù sa sông Đáy hay sông nào mà nuôi được những trái mít nặng nề cùng những chùm nhãn to, dày thế.

Đứng ghé bên tường nhà, hóng mát, tôi nghe lỏm được mấy câu của mấy người đàn bà trò chuyện trong sân. “Hóa ra người đi lại là ông giáo. Tuần trước bà ấy chết, tôi đoán thế nào cũng có đàn ông trẻ chết theo. Lệ làng trùng tang mà. Chết bao giờ cũng phải có đôi…”

Tôi nghe, rùng mình, âu cũng là số trời đã định. Liếc vào trong cổng, tôi thấy mấy người đàn bà đang ngồi quanh chiếc nia, bình thản chọn đậu. Vừa nói chuyện trùng tang được đôi câu, họ đã chuyển sang chuyện khác. Trong sân, một khóm thừu lựu nở hoa đỏ. Đây là loài hoa tôi yêu. Tự nhiên tôi thấy nụ cười thầy Sao mới tuần trước thôi, rất giống nụ hoa lựu mùa hè. Những nụ hoa lựu này không bao giờ đại đóa, nó nở rất vui mắt, nhưng lặng lẽ, khiêm nhường, chân thật một sắc đỏ. Loài thừu lựu quả không quý bằng hoa. Hoa nở chỉ để báo hè, chỉ để vào thơ.

*

Tất cả những hình ảnh, ý nghĩ trên lướt nhanh qua đầu tôi như những thước phim phóng sự. Còn lúc này, chúng tôi vẫn đang đứng sau xe tang. Xe tang thầy Sao phải đứng nhường đường cho một cỗ xe tang khác đang hối hả ngược lên nghĩa trang Ba Vì. Đấy, ngay cả trên đường đến Đài Hóa thân hoàn vũ, thầy Sao cũng nhường đường. Họ Phạm của thầy trong lịch sử chưa hề làm vua. Không có triều đại Phạm. Chỉ có những người họ Phạm phò vua, giúp nước. Mà cái tên “ánh sao” của thầy chỉ ấn tượng thôi, chứ không hề kiêu sa. Người ta ánh dương, là mặt trời, là biển cả, núi non, kim sơn, đại hải... còn thầy, chỉ nhận là tia sáng của một ngôi sao. Vậy mà tia sáng ấy cũng chỉ lóe trên bầu trời chưa đầy sáu chục tuổi.

Chúng tôi xa con mương bên nhà thầy rồi. Thầy ra đi nhưng có lẽ ngôi nhà thầy vẫn nguyên vẹn. Cô Thảo, giáo viên dạy tiểu học rồi sẽ phải nén những cơn đau mất mát, khuây khỏa dần mà tiếp tục giảng bài, nuôi dạy hai con. Thầy ra đi, nhưng dòng nước mương vẫn thế, vẫn nặng phù sa, chảy mải miết bốn mùa.

Không nghe tiếng nước mương nữa, nhưng tôi chợt nghe trong đầu tiếng thầy Sao năm nào đọc cho tôi nghe bài Tương tiến tửu của Lý Bạch:
“Người chẳng thấy,
sông Hoàng Hà, ngọn nước cao lưng trời kia
Chảy xuôi ra biển chẳng quay về…”

Đúng vậy, Thầy chẳng quay về nữa. Thầy đi... chịu nóng một lúc rồi về với vũ trụ.

Đêm nay có ai nhìn lên trời, thấy một ánh sao xanh ?






..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.