Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/03/2014

Đi tìm anh (Đặng Văn Sở thuật lại, dựa theo lời kể của người nhà liệt sĩ, 2005)

Bài đã đăng trên tạp chí Sông Hương số 197 (tháng 7 năm 2005). Là bản kể lại qua lời kể của người nhà liệt sĩ. 

Số 196 (tháng 6)


Có đoạn thuật rằng: "Chúng tôi vô Thăng Bình để gặp ông Năm Chiến, một nhà ngoại cảm nổi tiếng lúc này."(...) và (...).


---
Đi tìm anh


ĐẶNG VĂN SỞ




Không hiểu sao tôi lại đi tìm anh - anh Nguyễn Đức Thuận - người anh chú bác ruột cùng chung sống dưới một mái nhà với tôi. Tôi chỉ nhớ là hồi đó chồng của cô tôi nằm mơ thấy anh, và bác vào tận Nha Trang để đi tìm anh Mậu, người đồng đội và là người chứng kiến lúc chôn cất anh.
Nhưng anh Mậu đâu có ở Nha Trang. Bác vào Nha Trang rồi ghé Đà Nẵng, bác cũng chẳng nói với tôi là bác đi Nha Trang làm gì. Sau đó bác cùng anh họ tôi lên núi đi tìm những người giao liên cũ để hỏi đường đến nơi anh tôi nằm xuống. Bác chui vào tận vườn cam Ngô Đình Cẩn, vắt cắn sưng cả chân, khom cả lưng cho đến khi thấy một vùng sáng trước mặt. Nhưng xôi hỏng bỏng không, bác đi 2 chuyến thì tỡn, một phần vì tuổi cao sức yếu một phần vì không biết bắt đầu từ đâu để tìm anh.

Thế đấy, việc đi tìm thân nhân của gia đình tôi bắt đầu như thế. Sau giải phóng chính quyền và đoàn thể có biết bao toan tính, bao nhiêu việc phải làm để ổn định xã hội theo một đường hướng. Bao nhiêu đồng đội ngã xuống đâu đó vẫn cứ nằm im lìm. Và cuộc sống của thân nhân họ cứ tiếp tục một thời khó khăn. Không ai nghĩ đến chuyện đi tìm người thân mình mất tích trong chiến tranh cả. Ba mạ tôi cũng như nhiều gia đình khác rời Huế vào Sài Gòn với mong ước có được một cuộc sống thư thả hơn. Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh về làm việc tại một nhà máy cơ khí ở Đà Nẵng, rồi lập gia đình. Tôi làm việc với đồng lương 53 đồng một tháng. Chồng tôi là bộ đội phục viên đi học cùng khoá với tôi ở Bách khoa có lương 63 đồng. Với đồng lương ít ỏi cộng với một số tem phiếu gạo dầu củi lửa, chúng tôi đắp đổi qua ngày để nuôi gia đình có hai đứa con còn nhỏ dại.

Khoảng năm 1983, chúng tôi gặp anh Độ là một trong những đồng đội của anh tôi trước và trong tết Mậu Thân. Anh ấy quê Đà Nẵng, ra Huế học và ở trong phong trào sinh viên. Anh Độ ngỡ ngàng hỏi tôi “Anh Thuận cải táng về đâu rồi?” Tôi cũng một thoáng ngỡ ngàng và một thoáng lặng lẽ xót xa.

Anh Thuận tôi-bạn học của anh quen gọi là “Thuận tóc xoăn” hoặc “Thuận Ka-ra-tê”. Tóc anh xoăn tự nhiên từ thuở nhỏ. Ba anh bị Tây bắt giết năm 1947, một năm sau khi anh ra đời. Anh lớn lên trong sự đùm bọc dưỡng dục của ba mạ tôi, và anh đã ý thức được cái chết của ba anh. Anh đã có gắng học tập, rèn luyện sức khoẻ và sống trong sáng lành mạnh. Anh đã tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào những việc có ích như Đoàn học sinh-sinh viên Phật tử tại Huế. Đỗ bằng Tú tài, anh thi vào Đại học sư phạm Anh văn. Rồi vừa đi học vừa nhận giờ dạy tại các trường phổ thông để phụ giúp gia đình và có tiền theo học võ Ka- ra-tê với ý thức tự bảo vệ mình và sẵn sàng bảo vệ lẽ phải. Anh đã học lên được “đệ tam đẳng huyền đai” và cái tên “Thuận Ka-ra-tê” có từ đó. Lúc này anh đã sắm được một chiếc xe máy hiệu Gobel do Đức sản xuất, và anh đã thổ lộ ý định của mình, “nếu có kẻ xấu nào ngồi sau xe khống chế anh, anh sẽ làm động tác nhổm người lên rồi lấy đà đẩy người lui ra sau sẽ hất cho nó nhào xuống đường, mình sẽ thoát thân.” Anh đã chuẩn bị tư tưởng và đã sẵn sàng như thế cho việc dấn thân vào con đường mà anh cho là lẽ phải. Rồi anh đã xuất hiện trong các hoạt động chung của phong trào sinh viên học sinh Huế vào các năm 1966- 1967. Và anh đi lại mỗi ngày một nhiều hơn. Cho đến một đêm cuối năm anh đã đột ngột rời gia đình, và khói đạn bao trùm cố đô Huế. Thế là từ cái tết Mậu Thân đó anh tôi đi mãi không về. Sau này gia đình tôi được tin anh tôi đã ngã xuống cùng nhiều đồng đội trong một đợt pháo tập kích dữ dội trên đường hành quân về căn cứ.

Sau khi gặp anh Độ, tôi được giới thiệu với anh Mậu, người thoát chết trong trận tập kích đó. Anh Mậu đang sinh sống và công tác tại Đà Nẵng. Anh đến nhà tôi kể lại toàn bộ câu chuyện ngày anh tôi mất. Đã gần hai mươi năm mà anh còn nhớ rõ thế, việc anh tham gia an táng đồng đội với những vật sở hữu của từng người và lập sơ đồ vị trí của từng đồng đội nằm đó. Tối đó tôi đã sụt sùi trong nước mắt, nghẹn ngào tưởng nhớ anh tôi.

Thế là đến lượt vợ chồng tôi đi tìm anh tôi. Đầu tiên là chồng tôi đi cùng anh họ tôi. Con đường lên làng Phong Mỹ gian truân là thế, nhưng tránh được vắt cắt dọc đường. Các anh đi cùng chị Thảo, anh Mậu, anh Cường - con của bác Thiện, một thành uỷ viên lúc bấy giờ và là người già nhất bị pháo dập. Đoàn đi đến một vùng xa lắc, giáp ranh Quảng Trị và Huế. Có những đoạn phải khiêng xe qua suối. Rồi tìm kiếm, rồi phỏng đoán. Chị Thảo hồi ấy cũng cùng đi với anh Thuận tôi và thoát chết trong trận đó. Bây giờ chị làm ở phòng Thương binh - Xã hội Huế, cũng nghèo như chúng tôi, ngày làm nhà nước, đêm bán hột vịt lộn. Trong đợt đi tìm mộ lần này chị cũng đem theo được mấy chục hột vịt lộn, mấy chai rượu trắng; còn anh Mậu thì từ Đà Nẵng ra đem theo một thùng mì tôm. Chúng tôi gặp được các anh giao liên hồi đó như anh Phong, anh Mè là người dân tộc. Nhưng rừng núi bao la, gần 20 năm làm sao thấy được dấu vết. Cảnh cũ người xưa không còn, chỉ thấy rừng núi âm u.

Mỗi lần mỗi mối liên hệ, chúng tôi cứ thế mà đi. Có những lúc tôi phải đem đứa con nhỏ của tôi lúc đó mới 4 tuổi gởi ở quê nội tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị để chúng tôi có thể ở lại qua đêm tại làng Phong Mỹ. Chúng tôi đã nhờ các anh Phong, Mè dùng mác rựa chặt cây mở đường lên núi. Chị Thảo đi tìm cái hang mà ngày xưa chị bị thương trong đợt pháo dập đã lết vào núp trong đó. Đến nơi thì chúng tôi cũng phì cười vì lúc bị thương không ai có thể chui được vào. Nó cao hơn gấp rưỡi người chúng tôi. Chúng tôi đứng đó chụp hình kỷ niệm. Một chuyến đi không thành công.

Chúng tôi vô Thăng Bình để gặp ông Năm Chiến, một nhà ngoại cảm nổi tiếng lúc này. Chúng tôi lại ra Phong Mỹ nhiều lần theo sự chỉ dẫn của ông Chiến nhưng vẫn không xác định được anh tôi ở đâu.
Tôi nghỉ việc nhà nước, về lang thang kiếm sống qua ngày. Bỏ nghề kỷ sư ở nhà máy, tôi đi làm nghề đánh máy, cuộc sống mặc dù khổ cực nhưng cũng đủ cơm cháo qua ngày, không còn cảnh đi chợ ngả trước mắc nợ, chuồn ra ngả sau mua rau; nhưng tôi không thể có thì giờ tiếp tục đi vào liên hệ lại ông Năm Chiến. Có người đi tìm thân nhân như tôi, từ Bắc vào, theo ông Chiến không thành đành phải bỏ cuộc.

Cuộc sống tiếp tục khó khăn làm cản trở việc đi tìm anh tôi. Tôi đưa các con vào Sài Gòn, ngồi bán cửa hàng đinh ốc vít của ba mạ tôi để lại. Cả ngày tôi đóng đinh vào cửa hàng, bụng mang dạ chửa, không có ai phụ giúp, các em thì đi học hết, tôi bấn quá không biết làm gì. Vậy là trở về Đà Nẵng tay không với đứa con thứ ba trong bụng. Cuộc sống còn lầm than hơn hồi còn làm nhà nước. Suốt tháng chúng tôi chỉ ăn bánh gói, gạo cứ đem xay, mua đại một ít thịt rẻo và hành, gói và hấp cả nồi bánh gói ăn suốt ngày. Hai đứa con tôi mừng lắm, chúng cứ tưởng nhà chúng giàu mới được ăn bánh cả tháng khỏi phải ăn cơm.

Cuộc sống của tôi vẫn cứ thế, và tôi có bé gái thứ ba. Gia đình tôi đã tự mình vực dậy cùng với xã hội lúc bấy giờ. Tôi mượn tiền mua máy làm dịch vụ vi tính và dịch thuật. Rồi công việc của tôi đắt khách. Tôi vay thêm tiền Ngân hàng làm cửa hàng ở trước sân nhà cho khang trang. Tôi mua trả góp một xe Dream và công cuộc tìm anh tôi bắt đầu khởi sắc. Ngày đầu tiên 4 giờ sáng tôi đã lên xe ra khỏi nhà. Tôi chầu chực vào gặp ông Năm Chiến để mời đi ra thực địa xác định vị trí anh tôi nằm. Đi hoài đi hoài mà không mời ông được. Một người anh ở Mỹ gởi về cho chúng tôi mấy trăm đô la. Các em tôi ở Sài Gòn ra bắt đầu tham gia đi tìm. Lần này chúng tôi mời được ông Chiến đi. Ông Chiến đi, lại đem theo cô vợ trẻ, cùng một thân chủ khác ngoài Hà Nội vào nên cuối cùng chúng tôi không tìm thấy được gì. Phát quang, đào đất, tôi chán ngán nhìn hố đất trống không mà lòng buồn lay lắt. Các em tôi bốc một ít đất về làm mộ gió ở Ngự Bình gần ông bà nội tôi. Đối với chúng nó, thế là xong nhiệm vụ. Nhưng sao lòng tôi vẫn thấy nặng trĩu. Khi nào chưa tìm ra anh, tôi thấp thỏm không yên.

Việc tìm kiếm cứ thế tiếp tục. Vợ chồng tôi cứ vứt 3 đứa con nhỏ ở nhà, rong ruổi trên chiếc Dream mới mua, đi hoài đi hoài. Ngày nào cũng lên Phong Mỹ, nhờ gia đình anh Ánh là trưởng thôn ở đó giúp chuyện ăn ở và nhờ bà con ở địa phương suốt ngày đào bới. Chồng tôi hình dung lại các câu chuyện mà anh Mậu, chị Thảo, chị Gái, anh Đề, các ông giao liên Phong, Mè, Tuân đã kể lại và lên một sơ đồ khu vực an táng. Chúng tôi tập trung tất cả các anh chị em, lại lên đường. Chúng tôi nhìn sơ đồ, bàn luận và đoán, nhưng cuối cùng cũng không được. Tôi đọc báo thấy có phương pháp lấy trứng vịt bỏ lên đầu đũa để tìm, trứng thì vẫn nằm trên đầu đũa, nhưng anh thì không có. Lại những chuyến về thất bại buồn bã.

Chị Thảo cũng sốt ruột lắm, cứ nói tới anh tôi là chị khóc. Chúng tôi cố gắng hết sức mà vẫn không có gì. Một bữa nọ chị Thảo kêu có một ông ở Phong Điền có thể chỉ được mộ. Chúng tôi lên đường ra đến Phong Điền và ông chỉ cho tôi 8 cái mộ trong Nghĩa trang Phong Điền. Chúng tôi đến làm lễ cúng bái để chọn. Chị thảo còn xách chiếc dép khấn: “anh Thuận ơi nếu đúng là anh thì chỉ cho Thảo biết”. Chiếc dép rơi đúng 1 trong 8 ngôi mộ đó. Chúng tôi làm thịt gà để cúng giò gà, sau đó đi tìm chị Thuỷ ở An Hoà xem thử. Chị chỉ đúng ngôi mộ chúng tôi chọn. Chúng tôi đi đến các ông thầy xem giò ở Quảng Trị, Huế, người ta đều tả đúng ngôi mộ và kêu đúng là người thân. Tôi và chồng tôi cũng yên trí như vậy nên làm bia cho anh. Mỗi lần về Quảng Trị, chúng tôi đều thắp hương cho anh. Không có năm nào là không có hương của chúng tôi trên mộ. Thế nhưng, chị họ tôi cứ dứt khoát đó không phải là chỗ anh tôi nằm, Chị bảo với mọi người là để cho tôi tạm yên lòng chứ chị không nghĩ đó là anh.

Tôi không đi tìm nữa, yên trí làm ăn. Hàng năm cứ có dịp tôi lại ghé thắp hương cho anh, xong ngồi ngắm cảnh trí nghĩa trang, tĩnh lặng và yên bình.
Qua những lần về Phong Mỹ chúng tôi đã trở nên thân thuộc với gia đình anh Ánh trưởng thôn. Anh chia xẻ với nguyện ước của chúng tôi và cũng coi chúng tôi như ruột thịt. Cứ thế chúng tôi thường ghé thăm gia đình anh mỗi khi có dịp. Anh đã hiểu hết câu chuyện về anh tôi. Một hôm, như đã dặn từ trước, anh gọi điện thoại cho chúng tôi, báo tin là nhân dân cày đất trồng mía đã phát hiện ra một tảng đá có khắc chữ “THIÊåN”. Anh nói vẫn để yên tại hiện trường chờ chúng tôi lên. Chồng tôi chạy xe Honda lên lấy cục đá và đem về Huế. Nhìn thấy cục đá, anh Đề-chính là người ngồi khắc tên bác Thiện lúc chôn cất-đã lặng người. Trải qua gần 30 năm, những nét chữ trên đá vẫn y nguyên, anh tưởng như vừa mới khắc hôm qua. Chồng tôi đem cục đá cho gia đình bác Thiện, bác Thiện gái đã khóc nức nở và để lên bàn thờ bác Thiện.Mặc dù tìm được viên đá, nhưng chúng tôi không nghĩ là mình có khả năng khai quật được. Lên rừng nhiều lần, biết là muốn khai quật thì khối lượng sẽ rất lớn-cả 9 đồng đội của anh tôi cùng nằm ở đó, mà chúng tôi thì nghèo quá, tiền đâu để lo. Đó là năm 1997, tám năm trời trôi qua kể từ khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện tìm kiếm.

Tôi đề nghị anh Cường-con bác Thiện-đứng ra liên hệ với Đội Quy tập mộ tại Huế, nhưng cũng không thấy anh Cường lo liệu. Vì cuộc sống, chúng tôi lại dừng ở đó cho đến một hôm dì Hồng-vợ của chú Đức, một thành viên lớn tuổi khác cũng nằm xuống trong đợt đó-gọi điện thoại cho chúng tôi. Dì Hồng đang ở Sài Gòn và đã từng đi tìm mộ với anh Cường. Hai người cũng đã đi tìm rất nhiều chuyến nhưng không có kết quả. Sau khi nghe chúng tôi trình bày qua điện thoại, dì Hồng bay ra Huế gặp anh Cường sau đó vào Đà Nẵng tìm chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau bàn phương án khai quật. Chồng tôi liên lạc với Đội Quy tập, họ lập tức lên đường ngay sáng ngày 24/8/1998. Hai vợ chồng tôi, dì Hồng, vợ bác Thiện và chị Hương con bác Thiện, chị Thảo, anh Mậu cùng lên đường với Đội Quy tập. Đến Phong Mỹ thì đã trưa, chúng tôi nấu cơm ăn và 2 giờ chiều lên thực địa-nơi tìm thấy cục đá có khắc chữ “THIỆN”. Chỉ nửa giờ sau khi dàn hàng ngang đào bới, đội đã tìm ra chiếc xương đầu tiên. Tôi lặng người muốn ngất xỉu, mừng vui không kể xiết.Chúng tôi chụp hình kỷ niệm, rồi về lại nhà anh Ánh nấu cơm ăn, mua thịt cá và bia về khoản đãi toàn đội, lấy sức để ngày mai tiếp tục khai quật.
Chỉ có 2 ngày, chúng tôi đã tìm hết 10 hài cốt nằm thành 2 hàng, người này kế tiếp người kia hầu như hoàn toàn đúng theo sơ đồ mà anh Mậu đã nhớ và kể cho mọi người. Khúc xương đầu tiên là của bác Thiện, đào tiếp thì thấy một khẩu súng ngắn; kế đó là anh Dũng với chiếc đồng hồ đeo tay không lẫn vào đâu được. Ngôi mộ thứ 3 chỉ còn mấy cái răng, có cái răng bịt vàng, ngoài ra không có gì cả. Chúng tôi nghĩ ngay đến miếng vải dù chúng tôi lượm được trong lần tìm kiếm trước đó. Chắc là ngôi mộ này đã bị máy cày bốc tung lên mặt đất, không còn gì cả. Sau này, chúng tôi hỏi được một người chạy về chiêu hồi hồi đó, anh ta khẳng định cái răng vàng đó là của anh Bảo, lúc đi anh chỉ mới học lớp 10. Ngôi mộ thứ 4 là của anh Thuận tôi với nhiều thứ, một ngôi mộ giàu của cải nhất: dầu cù là, viết, bàn chải đánh răng...Tôi cũng không biết có phải của anh không, nhưng vợ chồng chúng tôi cứ ngồi mãi ở ngôi mộ này, tìm kiếm kỹ càng. Sau đó chồng tôi tìm thấy được một ansin ghi bằng tiếng Anh “International Volunteer Services” và một mặt dây chuyền có chữ T và chữ gì đó tôi cũng không nhớ rõ, hình như là tên anh và tên người yêu anh hồi đó. Các ngôi mộ khác đều có những đặc điểm riêng để nhận dạng. Có ngôi mộ tìm thấy một cái gương và lược, mấy anh bảo hồi đó có anh tên là Ký, điệu lắm, luôn giắt lược trong túi áo; ngôi mộ khác thì có cái áo lính ngụy mặc hồi xưa, ở trong màu cam, ngoài màu xanh nhạt hơn màu áo lính một chút. Anh này được nhận là anh Duy. Còn một số anh không biết được tên. Chú Đức chồng gì Hồng thì không có một dấu hiệu gì để nhận, nhưng sau đó gì cũng nhận được và đưa chú về nằm gần bác Thiện và anh Dũng.

Được tin chúng tôi tìm ra mộ, ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư thành uỷ Huế đã gấp rút ra Phong Mỹ đón 10 hài cốt về và tổ chức tang lễ đầy đủ. Ngày đưa anh lên đồi Thiên An, ngồi trước mộ anh tôi đã khóc, khóc vì mừng, vì tủi. Bây giờ người thân của một số anh đã tề tựu đông đủ, riêng anh thì chỉ có mỗi vợ chồng tôi. Ngồi đốt khăn tang tôi quàng cho anh, tôi cứ khóc mãi. Chị Lành, cán bộ Phòng Thương Binh Xã hội nói: “Lạ, Răng chừ tìm ra anh mi rồi mà mi cứ khóc mãi rứa?”. Tôi cũng không hiểu vì sao nữa, nước mắt cứ trào ra, biết làm sao?

Chúng tôi về Đà Nẵng, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Thế là kết thúc 9 năm đi tìm phần mộ và 15 năm kể từ những ngày ôm nặng nỗi xót xa về ý tưởng đi tìm anh. Giờ đây, các anh đã yên nghỉ trên đồi thông Thiên An, quanh năm thông reo gió thổi.        

Đà Nẵng, tháng 3 năm 2005                   


Đ.V.S(Ghi theo lời kể của Kiều Hạnh, em gái của Nguyễn Đức Thuận)
(197/07-05)

---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:











TRƯỜNG VONG trong Lí Thuyết Dây của Vật lí học hiện đại

"Phùng Chí Kiên còn đây" (đền thờ liệt sĩ huyện Diễn Châu, và bài văn của Võ Văn Trực)







- Triển hộ vệ đưa tư liệu cũ của cuộc tìm kiếm tại Bắc Cạn năm 2008
- Tài liệu UIA và BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (2011): Tìm mộ liệt sỹ, nhà ngoại cảm đúng tới 70 - 80%


- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.