Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/12/2018

bài thơ "Hà Nội" của Trần Đăng Khoa qua lời bình Vũ Nho 2018

Mình có quan tâm đến bài thơ Hà Nội của bác Khoa, từ một góc nhìn khác, không phải từ văn học. Đã viết thành bài học thuật ở đây (năm 2016, trong bài có ghi lời cảm ơn bác Vũ Nho - một nhà phê bình đã viết về Trần Đăng Khoa từ nhiều năm trước).

Đại khái, về mặt văn bản học thì bài đó được Trần Đăng Khoa viết năm 1969 khi lần đầu tới thủ đô. Sau được in lần đầu năm 1970, cuối bài ghi "1969". Rồi cứ in tiếp. Đến khoảng năm 1999, sau 30 năm, thì bác Khoa mang ra sửa lại. Nhưng, đáng chú ý là: tuy có sửa thực sự năm 1999, nhưng bác Khoa vẫn ghi ở cuối bài là "1969".

Với mình, đó là một ví dụ hay, về Phủ Tây Hồ thời năm 1999.

Chứ năm 1969 thì chú bé nhà quê Trần Đăng Khoa lần đầu tới thủ đô, sao biết Phủ Tây Hồ. Đang thời chiến, mọi thứ đều cấm đoán hết. Làm gì có đường ra Phủ mà tham quan. Đã viết rõ trong bài học thuật.

Thêm nữa, cậu bé Khoa chưa đủ sức viết khổ cuối bài thơ (bản năm 1999). Phải ở tuổi trung niên, ông mới đủ bút lực viết ra nó.











Dưới là bài bình mới của bác Vũ Nho. Ghi niên đại ở dưới là tháng 12 năm  2018.

Chép nguyên từ blog Vũ Nho về.


---


THỨ SÁU, 7 THÁNG 12, 2018

Hà Nội của Trần Đăng Khoa với lời bình


Hà Nội

        Trần Đăng Khoa

Hà Nội có chong chóng

Cứ tự quay trong nhà

Không cần trời nổi gió

Không cần bạn chạy xa



Hà Nội có nhiều hoa

Bó từng chùm cẩn thận

Mấy chú vào mua hoa

Tươi cười ra mặt trận



Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao



 Hà Nội có nhiều hào

Bụng súng đầy những đạn

Và có nhiều búp bê

Bóng tròn cho các bạn



Hà Nội có tàu điện

Đi về cứ leng keng

Người xuống và người lên

Người nào trông cũng đẹp



Mấy năm giặc bắn phá

Ba Đình vãn xanh cây

Trăng vàng Chùa Một Cột

Phủ Tây Hồ hoa bay

               1969

Lời bình của Vũ Nho

Khi viết bài thơ này, Trần Đăng Khoa mới mười một tuổi và lần đầu tiên, chú bé nhà quê được về Thủ Đô. Có thể nói, một chú bé như thế nên nhìn Hà Nội cái gì cũng thấy lạ, cũng thấy độc đáo,  thú vị. Chú tả Hà Nội theo trình tự từ trong nhà ra ngoài phố. Điều mà chú thích thú chính là cái  chong chóng - quạt máy tự quay trong nhà. Bất cứ đứa bé nhà quê nào cũng không xa lạ gì với cái chong chóng tự làm bằng các vật liệu hết sức đơn giản, dễ kiếm. Nhưng cái chong chóng tự chế ấy, chỉ quay được khi có gió khá mạnh thổi vào. Nếu không có gió thì chủ nhân của nói phải chạy nhanh để làm ra gió. Chạy càng nhanh thì chong chóng càng quay tít!

Thế mà Hà Nội lại có chong chóng -quạt tự quay thì quả thật là đáng ngạc niên, thú vị.
                                                      Trần Đăng Khoa hồi nhỏ


          Ra đường phố chú bé nhìn thấy rất nhiều hoa. Ở quê cũng có hoa chứ sao! Nhưng hoa Hà Nội có khác là nó được “bó từng chùm cẩn thận”. Nghĩa là  hoa để bán cho người dùng. Chú bé thấy mấy chú ( chắc là quân phục xanh bộ đội dễ nhận ra) vào mua hoa, nên đoán là các chú sắp ra mặt trận. Nét cười  tươi của  người mua hoa cho thấy sự lạc quan, ung dung của các chiến sĩ ta thời đó.

          Rồi chú bé đến hồ Gươm, trung tâm của thành phố. Cái nước hồ Gươm “xanh như pha mực” là được nhìn bởi con mắt của chú học trò đang đi học thời đó viết mực Cửu Long bằng ngòi bút lá tre. Vì là chú bé làm thơ nên Trần Đăng Khoa  chỉ chú ý đến Thấp Bút mà không để ý, không nói đến Tháp Rùa. Đó cũng là điều dễ hiểu, mới nhắc mực ( nước hồ) thì nói đến bút:

          Bên hồ ngọn Tháp Bút

          Viết thơ lên trời cao

 Bấy giờ, cả thành phố trong tình trạng chiến tranh cho nên có nhiều hào , và hố cá nhân ngay trên đường . Chú bé thấy hào, thấy súng đạn, nhưng vẫn không quên chú ý đến những gì dành cho trẻ em cả gái, cả trai:

          Hà Nội có nhiều hào

          Bụng súng đầy những đạn

          Và có nhiều búp bê

          Bóng tròn cho các bạn

Nhắc đến Hà Nội, không thể không nhắc đến phương tiện giao thông nổi bật nhất, độc đáo nhất thời đó, chỉ hà Nội mới có. Ấy là tàu điện. Chú bé Khoa thấy:

          Hà Nội có tàu điện

          Đi về cứ leng keng

          Người xuống và người lên

          Người nào trông cũng đẹp

Quả nhiên, trong thời kì chiến tranh, vải vóc khan hiếm thì chỉ có người Hà Nội mới ăn mặc đẹp  so với những người nông dân ở làng quê một nắng hai sương.

          Kết thúc bài thơ là khung cảnh Hà Nội vẫn đẹp, vẫn bình tĩnh trong  khi bị giặc bắn phá. Khổ thơ này được sửa về sau, nhưng cái không khí chung của Hà Nội thì chú bé Khoa đã ghi lại trong thơ thật sống động, chi tiết và có sức khái quát. Một bài thơ nhỏ về Hà Nội, nhưng đã  phản ánh chân thực thành phố Thủ Đô trong chiến tranh chống Mĩ. Đây là một lát cắt bằng thơ  độc đáo về Hà Nội năm 1969.

                                                          Hà Nội, tháng 12/2018



https://vunhonb.blogspot.com/2018/12/ha-noi-cua-tran-ang-khoa-voi-loi-binh.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.