Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

01/11/2013

Như lời ông Bộ trưởng đương nhiệm, vậy hóa ra: không có Đại tướng Giáp, Đại tá Huyên, và chính Đại tướng Thanh ư ?

Ngay vừa rồi, bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đã trả lời báo chí (có cả video và bản gỡ băng). Trong đó, ông có trả lời hai câu như sau (xem ảnh chụp màn hình ở dưới).



Xem và nghe ông trả lời, đặc biệt bảo: "Hoàn toàn không có chuyện Bộ Quốc phòng phối hợp với nhà ngoại cảm để đi tìm hài cốt liệt sĩ, chúng tôi hoàn toàn dựa trên cơ sở hồ sơ lý lịch, sơ đồ mộ chí, do những cựu chiến binh, các địa phương chỉ dẫn… kể cả dựa vào tài liệu do phía Mỹ cung cấp. Hoặc những người dân có thông tin, họ báo cho Bộ Quốc phòng chứ hoàn toàn không dựa vào nhà ngoại cảm", thì chạnh nghĩ, vậy hóa ra Bộ Quốc phòng không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, và chắc cũng không có luôn ông Phùng Quang Thanh ?

Bởi chính ba người trên và nhiều người khác của Bộ Quốc phòng, vào các năm 2007 và 2008 đã từng nhờ đến nhà ngoại cảm khi đi tìm thủ cấp tướng Phùng Chí Kiến. Tư liệu còn rành rành ra đây cả.

Khỏi phải dẫn giải lòng vòng, vì tư liệu đã để sẵn đó rồi, nhưng chỉ nêu 3 điểm chính sau để xem lại.

1. Thư của một người khai sinh ra Bộ Quốc phòng Việt Nam, vào cuối năm 2007, đã đề nghị sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm (thư đã đăng trên website của Tạp chí Cộng sản). Vì sao Võ Đại tướng phải nhờ đến nhà ngoại cảm, thì chúng ta có thể hiểu được.

Ba điểm cuối của bức thư ấy như sau: "Cuối thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lãnh đạo Đảng và quân đội ba việc cần làm ngay: 1-Tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên như Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An đề nghị. 2- Tổ chức hội thảo kỷ niệm về đồng chí Phùng Chí Kiên để tôn vinh công lao của đồng chí. Đề nghị truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. 3- Đề nghị sử dụng phương pháp ngoại cảm để đi tìm phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên.".

Và đây, cái điểm thứ ba ấy là thế này:



Đọc nguyên dòng đề nghị của Đại tướng, chúng ta còn liên tưởng đến việc tìm mộ cho Trung tướng Nguyễn Bình và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã hoàn thành trước đó. Đại tướng sử dụng chữ "như" để kết nối các sự kiện.

Mở ngoặc, để nói thêm, rằng Tiền phong, riêng trong sự kiện này luôn che giấu một cái gì đó hoặc trót đưa ra rồi thì sau đó lại âm thầm đem cất nhẹm đi (đã nói ở các entry trước). Chỉ ở riêng 3 điểm cuối trong thư của Đại tướng, Tiền phong chỉ ghi thế này thôi (kì 3, Mạnh Việt đứng tên): "Tiếp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ba đề nghị tóm tắt như sau: 1 - Chính phủ cấp kinh phí giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu IV, Tỉnh ủy Nghệ An tiến hành xây dựng khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên. 2 - Tổ chức hội thảo để tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên... 3 - Đề nghị đi tìm phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên...".

Tức là, trong khi Tạp chí Cộng sản theo gần đúng với nguyên bản của Đại tướng, thì Tiền phong thay vào bằng mấy cái dấu chấm chấm... Cốt là để khỏi phải nói tới ngoại cảm.



2. Sau lá thư trên độ gần nửa năm, đoàn đi tìm đầu đồng chí Kiên xuất phát từ Hà Nội có các ông bà sau (dĩ nhiên là có Bích Hằng, tư liệu của Tiền phong - kì 4 và vẫn Mạnh Việt đứng tên):

"Đại tá Nguyễn Huyên (Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đại tá Nguyễn Huy Văn, tức Kim Sơn (Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng Quân do Trưởng ban, Thượng tướng Phùng Thế Tài ủy nhiệm), Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nguyễn Văn Quang (đại diện họ tộc). Ngoài ra, còn có Đậu Xuân Đồng (phó đoàn luật sư Hà Tĩnh) cùng một số nhà báo.

Trước khi lên đường, đoàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng một số tài liệu liên quan, gặp gỡ một số bậc lão thành cách mạng, giáo sư sử học Phan Huy Lê; đồng thời cử người tham khảo ý kiến và kinh nghiệm tìm hài cốt của một số chuyên gia và cả nhà ngoại cảm.

Cuối buổi chiều 19/4/2008, Đại tá Nguyễn Huy Văn, anh Võ Điện Biên và Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng đã đến thắp hương trên mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang Mai Dịch."


3. Trong thời gian đoàn trên đi tìm ở mạn ngược, có một lúc, ông Đại tá Nguyễn Văn Huyên đã có báo cáo kết quả tìm (dĩ nhiên là theo chỉ dẫn của ngoại cảm) về cho ông Đại tướng Thanh như sau (vẫn tư liệu của Tiền phong - kì 4):

"Chiều 7/5/2008, đông đảo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bắc Cạn cùng đoàn tìm kiếm thủ cấp Liệt sĩ Phùng Chí Kiên có mặt tại Tiểu khu I, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.

Đang điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo sát từng bước đi tìm kiếm của đoàn. Đại tướng điện cho con trai Võ Điện Biên, sau đó, nói chuyện trực tiếp với Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí và Đại tá Nguyễn Huyên rồi gửi lời chúc sức khỏe, cảm ơn và động viên tất cả mọi người.

Cũng trong buổi tối hôm đó, Đại tá Nguyễn Huyên đã gọi điện tới Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, để báo cáo tình hình ..."


Chú ý đến mấy cái chấm chấm của Tiền phong nhé.


Sao lúc ấy, tức là buổi tối ngày 7/5/2008 ấy (sáng sớm ngày hôm sau, tức 8/5, thì người ta sẽ bốc cái thủ cấp đã tìm được), ông Phùng Quang Thanh không ra mệnh lệnh dừng ngay lại, và đưa lời khuyên như bây giờ (tháng 10/2013), rằng: "Tôi đề nghị không nên tin vào lời của các nhà ngoại cảm. Thực tế thời gian qua đã có nhiều nhà ngoại cảm lợi dụng vấn đề này để trục lợi. Người dân nếu có thông tin gì hãy chủ động liên hệ với Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thành Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các gia đình đưa hài cốt về với địa phương, với gia đình.". Ra lệnh lúc đó, vẫn còn chưa muộn mà.


Nhờ người ta, cậy người ta, cảm ơn người ta (không chỉ bằng lời mà bằng nhiều văn bản), hàng cả mấy chục năm, rồi đến lúc, lại quay lại bảo làm gì có chuyện đó. Tư cách của nhà nước để ở đâu ?

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

2 nhận xét:

  1. Chà, bác Giao có bài hay quá. Hôm qua tôi cũng nghĩ y như bác, định viết một đoạn lan man về chuyện này, nhưng lười và bận nên thôi. Giờ có bác viết hộ, thật là tốt, cám ơn bác. Xin được mang về lưu ở nhà tôi nhé. Tôi đã viết thêm đoạn dẫn sau:
    Hôm trước trong bài "Lan man từ chuyện đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường phố", mình đã cân nhắc mãi mới viết: "xóa tên lịch sử cũ để lấy chỗ đặt tên mới, nhất là để đặt tên các nhà chính trị, các nhà quân sự, là một thứ văn hóa cạn tàu ráo máng, ăn cháo đá bát, ăn xổi ở thì, sẵn sàng xóa bỏ lịch sử cốt được việc hôm nay và cũng không nghĩ đến ngày mai...". Hôm nay đọc bài này, mình cũng nghĩ y như thế. Tin ngoại cảm hay không là một chuyện; còn đã nhờ người ta thì phải có tình có nghĩa chứ. Cám ơn bác Giao đã đồng cảm khi hạ câu kết: "Nhờ người ta, cậy người ta, cảm ơn người ta (không chỉ bằng lời mà bằng nhiều văn bản), hàng cả mấy chục năm, rồi đến lúc, lại quay lại bảo làm gì có chuyện đó. Tư cách của nhà nước để ở đâu ?".
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/11/bo-qp-khong-co-ai-tuong-giap-va-ai.html

    Tiếc là các tiêu đề bài viết của bác dài quá nên xin mạn phép cắt ngắn lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em đã sang xem.

      Ở một entry về đường phố, em rất khoái tấm biển đường ghi Tonkin, tức Đông Kinh, tức Bắc Bộ (không chỉ Hà Nội, mà toàn bộ vương quốc Đàng Ngoài). Để em xem kĩ hơn và trở lại cái biển đường ấy sau.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.