Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/11/2013

Một trường hợp thành công (Nguyễn Văn Lư, năm 2011)

Ảnh trong bài

Bài của Năng lượng mới, từ hồi tháng 5 năm 2013.

---

Đón cha về sau 49 năm


(Petrotimes- Chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm nhưng cuộc kiếm tìm hài cốt liệt sĩ vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Sự trăng trối của người mẹ liệt sĩ trước khi nằm xuống, nỗi đau mất người thân, mong tìm được hài cốt người cha là liệt sĩ Trần Minh Kính đã được người con gái duy nhất là chị Trần Thị Hoa tìm được giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Sau gần nửa thế kỷ, tên người lính năm xưa đã được khắc lên bia mộ trong sự mừng tủi vô hạn của gia đình.

Khắc khoải tìm cha trên cao nguyên
Chị Hoa kể, tháng 10/1963, bố tôi xung phong lên đường nhập ngũ, ông là con trai duy nhất trong nhà vốn neo đơn gồm 3 người phụ nữ là bà nội, mẹ và tôi - cô con gái nhỏ duy nhất khi ấy mới được 4 tuổi. Bố vào chiến trường biền biệt, không tin tức, mẹ đành bỏ tôi đi bước nữa. Bà nội cố gắng nuôi nấng tôi và lấy đó làm niềm tin mong đợi ngày chiến thắng bố sẽ trở về.
Đơn vị của bố tôi là Trung đoàn 24, đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh B3 chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên, chiến trường Hạ Lào, Campuchia. Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước (sau này là đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII). Tháng 11/1965, Trung đoàn 24 làm lễ xuất quân vượt Trường Sơn, hành quân đến Tây Nguyên đúng vào dịp tết Giáp Ngọ (1966). Đơn vị đã có các trận đánh quan trọng tại các cứ điểm: Gia Lai, Kon Tum, sông Sa Thầy, Đắc Tô - Tân Cảnh.
Bố tôi làm lính thông tin. Trong một trận đánh, ông bị thương rất nặng, được đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến đặt ở khu vực bí mật tại Kon Tum (sau xác định đó là vị trí ở rừng Chư Mom Ray). Do vết thương quá nặng nên bố tôi đã hy sinh ngày 27/12/1968. Thông tin quý giá này tôi có được là do chú Lê Minh Khuê, một đồng hương cùng đơn vị với bố trong trận chiến đó kể lại. Sau trận đánh ông quay lại tìm trạm quân y song không xác định được nữa vì khu vực trạm quân y bị bom B52 cày xới tan nát. Mãi đến năm 1978, UBND xã Tân Lập mới báo tin buồn cho bà cháu tôi và làm lễ truy điệu cho bố. Tôi vô cùng đau buồn khi nhận tin chiến tranh đã cướp mất người bố vô cùng kính yêu của mình.
Gia đình làm lễ xin nhận hài cốt liệt sĩ Trần Minh Kính
Năm 1981 tôi lấy chồng - anh Thắng cũng là một người lính đã từng tham gia truy quét Fulrô ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc đi tìm mộ bố có anh đồng hành, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Có vài lần chú Khuê cùng với vợ chồng tôi đi đến gặp các đồng đội một thời với bố tôi để tìm hiểu thông tin hoặc đến các nghĩa trang ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk… nhưng kết quả vẫn bặt vô âm tín. Các nghĩa trang chúng tôi đã đi qua, rất ít mộ có tên liệt sĩ, phần lớn là mộ chưa xác định tên. Trạm quân y dã chiến nay không còn nữa, biết tìm bố ở đâu giữa Tây Nguyên bao la bát ngát. Tôi thấy thất vọng, đau đớn và vô vọng trong hành trình tìm hài cốt bố. Đau khổ hơn nữa khi bà nội - người thân duy nhất cũng rời bỏ tôi về thế giới bên kia. Trước khi mất, bà tôi trăng trối: “Các cháu cố gắng… đi tìm hài cốt của bố… đừng nản chí nhé!”. Câu nói của bà cứ luôn văng vẳng bên tai tôi trong nhiều năm trời.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, trăn trở giữa hàng ngàn thông tin liên quan đến việc tìm mộ liệt sĩ, tôi quyết định đến số 1 Đông Tác đăng ký tìm mộ bố. Tôi được ông Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật (UIA) và được nhân viên ở đây hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ từ việc tham gia khóa lễ cầu siêu, lễ phóng sinh… nhằm hồi hướng cho các vong linh gia tiên và liệt sĩ. Sau đó, gia đình tôi được ưu tiên áp vong vào sáng ngày 26/4/2010.
Buổi áp vong không như ý, thông tin về mộ bố vẫn chưa rõ ràng. Tôi chia sẻ tâm trạng băn khoăn của mình với cán bộ ở UIA, họ mách cho tôi còn một cách “giao lưu” với gia tiên nữa, đó là thông qua nhà ngoại cảm. Tôi đăng ký và chờ đợi theo thứ tự vì số gia đình tìm liệt sĩ đến đăng ký theo hình thức này rất đông. Gần một năm chờ đợi, tôi nhận được thông báo lịch “giao lưu” của gia đình với gia tiên qua nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, thuộc Liên hiệp UIA. Vừa bước vào phòng giao lưu, ông Lư nói một mạch: “Liệt sĩ nhà anh chị đã về ngồi đây rồi. Hiện nay vong rất đau do bị thương nặng ở đầu, tay, chân, phải đi cà nhắc. Liệt sĩ chiến đấu, bị thương rồi được đưa vào trạm quân y, sau đó hy sinh, thi thể còn bị bom vùi dập đến tan nát. Hài cốt hiện vẫn còn, nếu đi tìm thì vào nghĩa trang huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Phần mộ đã được quy tập về đó rồi”.
Tôi vô cùng xúc động bởi những thông tin vừa nghe hoàn toàn trùng khớp với lời chú Khuê - đồng đội của bố tôi kể lại trước đây.
Ông Lư còn cho biết: “Cùng về với vong liệt sĩ Kính còn một vong bộ đội nữa là bố của Tuấn. Vong này cũng mất tại Tây Nguyên và mới được đưa về quê hương. Ông này cũng tham gia đi tìm cậu em của mình”.
Thật là kỳ lạ, đó chính là anh rể của bố tôi, không hiểu sao ông Lư lại biết được. Cũng phải nói thêm, hôm đi đón hài cốt bác tôi từ Tây Nguyên trở về, vợ chồng tôi có cầu khấn bác linh thiêng giúp tôi đi tìm mộ bố. Phải chăng bác cũng về đây để chỉ giúp hài cốt của bố tôi đang ở đâu.
12 liệt sĩ Trung đoàn 24
Ngay đầu tháng 6, chúng tôi lên đường đi tìm bố với sự tận tâm, ân cần của ông Lư. Nhưng trong lúc đang sắp xếp công việc cho ổn thỏa, một hôm chồng tôi được bố báo mộng là “sẽ tìm thấy mộ bố”. Khi đón bố về phải tổ chức với nghi thức trọng thể. Sắm lễ cúng phải bày đủ 12 cái bát, 12 đôi đũa, 12 bộ quần áo, mũ, giày… Nói chung các thứ đều phải là 12. Tôi cứ thắc mắc: Sao cứ phải là con số 12, mà không phải là con số khác? Con số 12 có ý nghĩa gì? Anh Thắng bảo: “Được bố báo mộng thì mình cứ chuẩn bị, chứ ai biết giải thích thế nào”.
Ngày 4/6/2011, lên đường đi tìm mộ bố chỉ có vợ chồng tôi. Hai ngày sau chúng tôi có mặt tại Kon Tum. Giữa núi rừng Tây Nguyên lạ lẫm và huyền bí tôi thấy mình bé nhỏ, hồi hộp khó tả. Rất may là chồng tôi đã từng công tác tại đây nên anh đã động viên tôi quên đi nỗi lo lắng và tin rằng việc tìm kiếm sẽ có kết quả. Chúng tôi được các cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi đón tiếp rất tận tình, chu đáo. Họ hướng dẫn và đưa chúng tôi ra nghĩa trang Ngọc Hồi ở thị trấn Plei Kần, Kon Tum. Vừa tới nghĩa trang, tôi điện báo cho ông Lư nhờ chỉ dẫn. Thắp hương làm lễ ở nghĩa trang xong thì trời tối, chúng tôi đành tìm nhà trọ gần nghĩa trang cho tiện việc ngày hôm sau và cũng muốn lân la tìm hiểu thêm một số thông tin. Lần đầu tiên nghỉ chân tại miền đất lạ nhưng trong tôi lại thấy ấm áp như ở quê mình - mảnh đất Tây Nguyên đã chứng kiến bao gian khổ cùng với bao chiến công của bố và đồng đội. Thầm khấn: “Bố ơi, bố sống khôn chết thiêng, bố về đây chỉ đường cho đứa con gái bé bỏng tìm được bố!”, tôi thiếp đi lúc nào không hay!
Sáng sớm hôm sau vợ chồng tôi ra nghĩa trang thắp hương rồi đến huyện đội tìm hiểu về thông tin mới biết Trung đoàn 24 năm xưa đã chuyển vào tận miền Tây Nam Bộ - Quân khu 9. Hồ sơ của bố và đồng đội bấy giờ lại lưu trữ ở Bộ Tư lệnh B3 đóng tại Gia Lai. Còn Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 - Binh đoàn Tây Nguyên lại là đơn vị mới thành lập. Vì vậy mọi thông tin của bố đều mờ mịt, không ai biết hồ sơ về bố tôi ở đâu. Trong hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, khi thắp hương cho từng ngôi, vợ chồng tôi đếm được tổng cộng cả nghĩa trang có 12 ngôi mộ đề dòng chữ “Trung đoàn 24”. Cả hai vợ chồng thấy gai hết cả người, thầm nghĩ “liệu con số 12 này có gì liên quan đến con số 12 xuất hiện trong giấc mộng của chồng tôi trước lúc lên đường?”.
Có một thế giới tâm linh đang tồn tại
Ngay sáng hôm sau, ông Lư bảo chúng tôi cứ tiếp tục thắp hương cầu khấn và đến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tìm hiểu thông tin để tăng thêm phần chính xác. Song không có thông tin gì của bố tôi, quân đoàn lại giới thiệu chúng tôi xuống Sư đoàn 10, Trung đoàn 24 để tìm hiểu về trạm quân y dã chiến xưa kia. Ở đây, các chiến sĩ đều mới nhập ngũ nên họ cũng không có thông tin về trung đoàn mấy chục năm trước. Hai vợ chồng tôi mệt mỏi quay về huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Lại một ngày nữa qua đi, chúng tôi chưa có thêm được thông tin mới nào nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn hy vọng là chuyến này sẽ tìm được bố. Sáng hôm ấy, ông Lư chỉ dẫn chúng tôi tập trung thắp hương ở 12 ngôi mộ quy tập có ghi Trung đoàn 24. Ông bảo: “Có một vong bộ đội cho biết, đồng chí ấy ở Hạ Hội hay Hạ Hồi gì đó. Hôm qua vong này đã chỉ cho con cháu khu vực chỗ vong nằm rồi mà”.
Chúng tôi tiếp tục chờ đợi. Đến tầm 12 giờ trưa, ông Lư chủ động điện cho chúng tôi, bảo: “Ngôi ngoài cùng là của bố chị. Đó là mộ số 9, hàng thứ 5, ô mộ F10. Hài cốt không còn đầy đủ đâu: Xương sọ hầu như không còn, chỉ có một chân, các phần khác còn rất ít. Gia đình làm lễ nhận mộ đi, chính xác rồi đấy!”.
Chúng tôi mừng rỡ, sắp đồ lễ, mỗi thứ đều có 12 phần. Với lòng thành kính cảm tạ thần linh bản địa cùng các hương linh anh hùng liệt sĩ vui chung với gia đình tôi sau 49 năm chia xa con mới tìm gặp được bố. Vợ chồng tôi chợt hiểu ra con số 12 bố dặn anh Thắng trước khi chúng tôi vào nghĩa trang. Đêm hôm đó, chồng tôi không ngủ được, lại ra nghĩa trang. Anh quan sát thấy ngôi mộ lúc chiều ông Lư bảo là mộ của bố tôi thỉnh thoảng lại có ánh sáng bừng lên, trong khi các ngôi mộ khác đều chìm trong bóng tối.
Ngày hôm sau chúng tôi không có thông tin gì từ phía ông Lư nên đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi để báo cáo lại việc gia đình nhận ngôi mộ số 9, hàng thứ 5, ô mộ F10 theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, đồng thời xin được tìm hiểu hồ sơ của phần mộ này. Tìm mãi chỉ có 11 bộ hồ sơ trong số 12 ngôi mộ có bia ghi Trung đoàn 24. Lạ thay, ngôi mộ số 9 gia đình tôi nhận lại không có hồ sơ. Thắc mắc về việc này, chúng tôi được các anh ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích: Quy trình giao nhận hài cốt thì hồ sơ liệt sĩ còn ở Quân đoàn 3, đóng tại tỉnh Gia Lai. Vợ chồng tôi quay ngược lại Quân đoàn 3 thì nhận được hồ sơ ghi ngôi mộ số 9 có hài cốt, được phát hiện và đưa từ rừng Chư Mom Ray, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được quy tập tại nghĩa trang huyện Ngọc Hồi. Và đặc biệt, hiện nay ở xã Sa Loong có Bệnh viện Đa khoa Sa Loong (tiền thân là trạm Quân y của quân đội).
Trở lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi, tôi luôn cầu khấn vong linh bố: “Nếu không phải bố thì cũng tha thứ cho con. Còn nếu đúng là bố thì bố hãy chỉ dẫn, mách bảo con. Sau khi làm lễ xin được mượn một mẫu hài cốt”. Khi chúng tôi đang đợi giờ tốt để mở tiểu thì tự nhiên tôi thấy xuất hiện một con bướm rất đẹp cứ đậu ở cạnh bàn đặt lễ. Tôi huơ tay nhằm đuổi bướm đi nhưng con bướm cứ đậu lì ở cạnh bàn cho đến khi hoàn tất thủ tục và hết tuần nhang thì bướm vụt bay. Anh Thắng thấy lạ liền lấy máy điện thoại ghi lại khoảnh khắc này. Chúng tôi bồi hồi xúc động khi hài cốt dưới mộ đúng như ông Lư tả hôm trước, chỉ còn một xương ống chân, xương vụn các loại, xương sọ không có… Chiếc răng vàng của bố mà chú Khuê dặn lưu ý khi đi tìm mộ bố thì chưa thấy. Chọn một mẫu xương ống chân và một miếng xương vụn gói lại cẩn thận, chúng tôi xin tạ lễ, tạm biệt người quản trang rồi lên đường về Hà Nội.
Con bướm theo hài cốt của liệt sĩ Trần Minh Kính về nhà
Suốt chặng đường dài tôi không rời chiếc lọ đựng mẫu hài cốt. Về tới nhà, chồng tôi chuyển hài cốt sang cái lọ to hơn để đặt lên bàn thờ thì đột nhiên có một con bướm to không biết từ đâu bay đậu vào tay anh. Con bướm này rất giống con bướm tôi đã nhìn thấy ở nghĩa trang Ngọc Hồi. Anh lầm rầm khấn: “Nếu đúng là bố thì mời bố lên nhà trên ngự trên bàn thờ gia tiên!”. Lời khấn vừa dứt, con bướm đậu ngay lên bức ảnh chân dung của bố, nhưng vì mặt kính trơn nên con bướm không đậu được mà cứ cào cào chân vào bức ảnh, một hồi thì tụt xuống chiếc hộp phía dưới. Được một lúc thì bướm lại bò từ từ vào chân bát hương, đi vòng quanh bát hương, xuống mặt bàn, hai cánh vẫy vẫy liên hồi tỏ ra rất vui mừng. Cả nhà tôi ai cũng mừng mừng tủi tủi, nước mắt tuôn trào. Lưu lại bàn thờ gia tiên khoảng nửa tiếng rồi con bướm bay vòng quanh bàn thờ và biến mất.
Trở về sau chuyến đi Kon Tum, tôi tranh thủ đến Liên hiệp UIA báo cáo kết quả tìm mộ bố mình. Sau đó, tôi liên hệ với Viện Khoa học Công nghệ Sinh học để xin được giám định ADN. Hoàn thành các thủ tục cần thiết, gia đình lại hồi hộp chờ đợi kết quả. Bình thường, khoảng một tháng sẽ có, vậy mà trường hợp gia đình tôi, 3 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được kết quả giám định. Tôi lo lắng đến phát ốm vì phải khắc khoải chờ đợi mỏi mòn. Sự chờ đợi lần này như có gì đó nghèn nghẹn trong lồng ngực mà đến giờ tôi cũng không thể diễn tả nổi cảm giác nặng nề đó. Cảm xúc vỡ òa khi tôi nhận được tin Viện Khoa học Công nghệ Sinh học thông báo: Mẫu hài cốt giám định là hài cốt của bố tôi. Kết luận của viện có đoạn: Do mẫu giám định gene hài cốt của gia đình tôi là một trong số rất ít các mẫu có kết quả đúng, nên để chính xác và khách quan, viện đã yêu cầu gia đình cung cấp lại mẫu đối chứng để viện giao cho hai nhóm phân tích độc lập. Cả hai nhóm đều cho kết quả chính xác nên thời gian mới dài đến tận 4 tháng.
Vậy là sau gần nửa thế kỷ chia cắt, vong linh bố tôi đã linh hiển, bia mộ nơi người nằm xuống đã được khắc tên: Liệt sĩ Trần Minh Kính. Hành trình 49 năm tìm hài cốt của ông với hàng vạn kilômét đường trường, hàng trăm người chỉ dẫn, sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền Hà Nội, tỉnh Kon Tum và đặc biệt là sự tận tâm chỉ dẫn, giúp đỡ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống, Viện Khoa học Công nghệ Sinh học…
Hiện nay còn hàng ngàn liệt sĩ vô danh trên cả nước chưa xác định được thân nhân. Tìm mộ liệt sĩ là sự quan tâm của toàn xã hội, sự chung sức của thân nhân liệt sĩ và các cơ quan chức năng. Các bước cần thiết để tìm kiếm mộ liệt sĩ như sau:
Bước 1: Cần cầu siêu cho liệt sĩ và gia tiên tại các chùa;
Bước 2: Đăng ký giao lưu áp vong tại số 1, Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội;
Bước 3: Giao lưu với nhà ngoại cảm;
Bước 4: Đối chiếu thông tin giữa nhà ngoại cảm và thông tin khi áp vong, nếu trùng nhau thì đi tìm, chưa trùng nhau thì cần thông báo Liên hiệp UIA bố trí cho giao lưu với một nhà ngoại cảm khác. Bao giờ thông tin trùng nhau và đủ độ tin cậy mới tiến hành tìm mộ liệt sĩ. Khi đến hiện trường, nếu thấy khó khăn thì có thể thông báo Liên hiệp UIA trợ giúp, cùng nhà ngoại cảm đến thực địa để việc tìm kiếm thêm nhanh chóng.
Bước 5: Khi tìm thấy hài cốt, cần đưa về giám định theo phương pháp hình sự như giám định ADN.

Thành Công - Hồng Quý
(Lược ghi theo con gái liệt sĩ Trần Minh Kính)
---

2 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.