Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/11/2013

Đại tướng lúc đương chức mới nhắc đến đầu của Đức Xuân, còn thủ cấp anh Kiên thì chưa lần nào

Phải đợi lễ thất tuần viên thành rồi mới có thể viết entry này, và viết rất từ từ.

Câu chuyện về cái đầu của anh Kiên đáng giá 3 tạ muối với 3 nén bạc, là do chính Đại tướng mới tâm sự, cách đây không lâu lắm (có thể là những năm đầu thế kỉ XXI, lúc cụ đã sát một trăm tuổi).


Bản đồ đại khái  về các phường ở thị xã Bắc Kạn hiện nay

Cứ phải làm việc với tư liệu dạng chính qui và có độ tin cậy cao thôi. Chớ vội vàng tin ngay các đồng chí thư kí trở thành người đại lí phát ngôn thay (ngay khi ông cụ vừa ra đi, chúng ta đã mục kích nhãn tiền việc này).


1. Tư liệu gốc đầu tiên cần đọc ở đây là cuốn Từ nhân dân mà ra : Hồi ký (Võ Nguyên Giáp kể, Hữu Mai ghi), in lần đầu năm 1964, bởi Nxb Quân đội. Sách được biên soạn, chỉnh sửa và hoàn thiện trước đó một thời gian. Và sau này, đã tái bản nhiều lần. Gần đây, vnmilitaryhistory đã đưa trọn vẹn lên mạng, nhưng là theo bộ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi kí (Nxb Quân đội, 2006).

2. Nội dung của Từ nhân dân mà ra là về thời kì hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám (từ 1939 đến 1945), mà địa bàn chủ yếu là Việt Bắc và Nam Trung Hoa.

Mở đầu bằng đoạn: 
"Tháng 9 năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Bọn đế quốc tranh giành nhau thị trường lại lôi cuốn loài người vào thảm họa của một cuộc chiến tranh mới.Tại Đông Dương, bọn thống trị thủ tiêu nốt chút quyền tự do dân chủ chúng ta đã đấu tranh giành được từ ngày Mặt trận bình dân ở Pháp lên cầm quyền. Chúng thẳng tay đàn áp cách mạng, thẳng tay bóc lột nhân dân, đẩy hàng vạn đồng bào ta di làm mồi cho súng đạn, chết thay cho chúng như trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những sách báo công khai của Đảng đều bị cấm. Nhiều đồng chí đã lộ mặt trong thời kì hoạt động nửa công khai. Cuộc khủng bố của đế quốc Pháp mỗi ngày một thêm ráo riết. Các tổ chức hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp của Đảng đều phải rút vào bí mật.

Tháng 4 năm 1940, anh giáo Minh tới báo cho tôi đi gặp anh Hoàng Văn Thụ. Tôi lên Chèm, nghỉ lại đó một đêm. Anh Thụ nói lại cho nghe những nghị quyết của Đảng trong phiên họp Trung ương lần thứ sáu vừa qua. Đảng đã nhận định, con đường sống còn duy nhất của các dân tộc ở Đông Dương hiện nay là phải đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả bọn ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng, độc lập. Mặt trận dân chủ thích hợp trong hoàn cảnh trước, không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đảng đã chủ trương thành lập mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Để chống với sự khủng bố của đế quốc, nhiều cán bộ và quần chúng của Đảng đã chuyển sang hoạt động bí mật. Anh Hoàng Văn Thụ cho biết, theo quyết định của Đảng, anh Phạm Văn Đồng và tôi sẽ vượt biên giới sang Trung Hoa".



Kết thúc bằng đoạn: 
"Từ đó đến nay, mới hai chục năm đã qua. Dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng Lao động Việt Nam quang vinh đứng đầu là Hồ Chủ tịch, với truyền thống đấu tranh bất khuất, với tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân ta, chúng ta đã viết nên những trang sử kì diệu.

Cách mạng tháng Tám đã chấm dứt chế độ đô hộ kéo dài suốt gần một thế kỉ. Cuộc kháng chiến lâu dài đã kết thúc với thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ; nửa nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng đang kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc trong hòa bình. Những đội tự vệ đỏ trong phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh, những tổ chức nửa vũ trang và vũ trang bé nhỏ năm trước, nay đã trở thành một lực lượng vũ trang hùng mạnh, một quân đội gang thép của nhân dân đã đánh bại mọi hành động khiêu khích, phá hoại và luôn luôn sẵn sàng đập tan mọi hành động, mọi âm mưu xâm lược đen tối của đế quốc Mỹ và bè lũ.


Hiện nay, trên một nửa đất nước, tiếng súng xâm lăng vẫn tiếp tục nổ. Suốt hai mươi năm qua, đồng bào miền Nam ruột thịt dũng cảm và kiên cường, đã không ngừng chiến đấu chống bọn đế quốc xâm lược. Nhân dân anh hùng của Thành đồng Tổ quốc, Quân giải phóng miền Nam anh hùng, với sự ủng hộ hết lòng của mười bẩy triệu đồng bào miền Bắc ruột thịt, được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của loài người tiến bộ trên thế giới đã liên tiếp giáng cho quân thù những thất bại ngày càng nặng nề và đang đẩy chúng đến bên bờ vực thẳm.

Nhìn lại chặng đường mà nhân dân ta và các lực lượng vũ trang cảu ta đã trải qua, chúng ta tin tưởng sắt đá:

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta nhất định thành công.
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi.
Tương lai thuộc về chúng ta.
Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về tay chúng ta."


3. Có thể do thời điểm lúc đó chưa thể công bố, nên cuốn hồi kí trên không nhắc gì đến sự giúp đỡ quan trọng của người Mĩ trong thời điểm quyết định đưa đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Tiêu biểu nhất là trận chiến ác liệt ở Thái Nguyên vào tháng 8 năm đó, không hề thấy bóng dáng của Thomas và đội Con Nai trong cuốn hồi kí.


Thái Nguyên những ngày tháng đó và hình ảnh của Thomas (người đứng cao nhất ở dưới đường, đeo túi có quai) 
Phải tới mãi những năm đầu thập niên 1990, khi quan hệ Việt Mĩ đã được cải thiện, Đại tướng mới có dịp gặp lại những cựu binh Mĩ trong OSS (về phía sử học Việt Nam, thì ông Dương Trung Quốc có tháp tùng các cụ Việt Minh trong các cuộc gặp gỡ đó).

Ở thời điểm những năm 1960 không thể viết về vai trò của người Mĩ đối với cách mạng Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu, đến mức bình dị. Được viết ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông Trường Chinh cũng đã không hề đả động. Rồi ông Trần Dân Tiên thì tuyệt hơn: đã viết khá rõ trong bản tiếng Việt lần đầu tiên để rồi còn thấy được trong bản tiếng Trung năm 1949 (một đoạn ngắn đã giới thiệu trên blog này), nhưng sau này, đến bản tiếng Việt lần thứ hai thì tự xóa bỏ.

Chú ý quan trọng: ông Trường Chinh viết về Cách mạng Tháng Tám trước ông Trần Dân Tiên. Và có thể, như nhà văn Vũ Thư Hiên đã xác nhận, chính ông Trường Chinh đã có đóng góp quan trọng vào cuốn sách của Trần Dân Tiên.

4. Nói điều đã nói đã mục 3 để lại nói rõ rằng: hồi kí là thể loại tham khảo chỉ nên đặt ở mức trung bình, cần hết sức cảnh giác. Nhiều khi, ở những thời điểm nhất định với hoàn cảnh lịch sử nhất định, nó như một trần thuật mang tính chính trị, hơn là một bản ghi chép về sự thực.

5. Trở lại với Hồi kí của Đại tướng, chúng ta có thể thấy được nhiều đoạn ông kể về Phùng Chí Kiên như là một người anh gần gũi, thân thiện. Chẳng hạn một đoạn như sau:

"Anh Phùng Chí Kiên ở khu du kích Sán Đầu cũng mới về Côn Minh. Căn buồng nhỏ của anh ở trong một ngõ hẻm, chi có một cái giường và một tấm ván kê giáp tường làm bàn viết. Chúng tôi cùng ở với anh Kiên. Anh Đồng và tôi tiếp tục đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng tại nước ngoài mới về Tổ quốc. Vai này cũng không khó lắm. Thành phố rất đông người từ các nơi khác đến, màu sắc khác nhau, tiếng nói khác nhau, nên mặc dầu chúng tôi lúc đầu chỉ nói được một vài tiếng quan hỏa, cũng không ai để ý.

Anh Kiên nói chuyện về tình hình kiều bào, tình hình chiến tranh chống Nhật tại Trung Quốc, và dạy chúng tôi học tiếng Trung Quốc. Anh Kiên hoạt động tại Trung Quốc khá lâu và đã học ở trường đại học của Hồng quân tại khu Xôviết. Anh là một người vui tính, hồn nhiên, rất tốt. Khi chúng tôi hỏi về công tác, anh Kiên nói: “Công tác của các anh phải đợi đồng chí Vương về quyết định”."

Đoạn tư liệu thật quí. Đến nay, trong toàn bộ sử liệu cách mạng ở Việt nam, chỉ mới có duy nhất em Giáp viết rõ ràng là anh Kiên đã ở khu du kích Sán Đầu. Người biết thứ hai nữa (thực ra nên nói là người thứ nhất), là cụ Nguyễn Ái Quốc, nhưng cụ không viết bao giờ,

Phan Thị Bích Hằng đã quên không đọc hồi kí của Đại tướng trước lúc tới mộ của tướng Phùng Chí Kiên ở Mai Dịch (năm 2008), nếu không, chúng ta sẽ lại thấy chuyện về Sán Đầu cho mà xem. Hoặc cũng có thể đã đọc, như một nguồn quan trọng bổ sung (như Bích Hằng vẫn thường vận dụng với tư cách là một người được đào tạo bài bản ở đại học), nhưng quên, hoặc không biết Sán Đầu là cái gì.

Hôm nay, lần đầu tiên, tôi nhắc đến Sán Đầu (21/11/2013). Nếu sau này, Bích Hằng hay các nhà ngoại cảm khác nói về Phùng Chí Kiên mà có chi tiết ấy, thì mọi người cần chú ý. 

6. Viết về các cụ, mà lại cứ nói về Bích Hằng thế, có phải là lạc đề quá không nào.

Nhưng thật ra, không lạc đâu, từ góc nhìn của tôi, thì chính Bích Hằng đã giúp xới lên những mảng khuất lấp. Cũng là nhìn rõ hơn về chính hiện tại, chứ không phải chỉ là thời kì đầy sôi động mà cũng thật âm u nơi núi rừng Việt Bắc.


7. Trở lại núi rừng Việt Bắc nhé.

Về sự kiện hi sinh của người anh, Đại tướng nhớ lại lúc đó (buộc phải trích đoạn dài):

"Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đăt ra một cách rất khẩn trương.

Ngay từ khi về biên giới, Bác đã luôn luôn chú trọng vấn đề liên lạc với Trung ương dưới xuôi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định lấy miền rừng núi Việt Bác để xây dựng căn cứ vũ trang. Sau hội nghị, hai đồng chí Trung ương ở với Bác tại Cao - Bắc - Lạng. Các đồng chí khác trở về miền xuôi để lãnh đạo phong trào. Vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi trở nên đặc biệt quan trọng. Bác thường nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.

Trước tình hình phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, Bác thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội du kích mới có thể tiến hành thuận lợi, và nhất là mới tranh thủ kịp khi thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên Tổng khởi nghĩa.

Chúng tôi được phân công như sau: Anh Hoàng Văn Hoan cùng một số cán bộ có nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông Khê về Đình Cả; tôi và anh Thiết Hùng phụ trách ban xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ. Đó là bước đầu của nhiệm vụ Nam tiến.

Tôi được biết Bác chuẩn bị đi xa. Sau khi trao nhiệm vụ Nam tiến cho chúng tôi, Bác nói: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng phải chú trọng thêm chính trị”.

Khi chúng tôi quay trở về tiến hành công tác thì Bác lên đường ra nước ngoài.

Tôi về Kim Mã xúc tiến công việc. Chi bộ Nam tiến thành lập gồm các đồng chí Quang, Lạc, Thiết Hùng và tôi. Đồng chí Quang là thư kí chi bộ.

Được ít lâu thì có tin anh Chu Văn Tấn tới cơ quan Liên tỉnh. Tôi quay về Lam Sơn gặp anh Chu Văn Tấn trong một hang đã giữa rừng sâu.

Các anh Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh và anh Lã đều đã có mặt. Sau ngày anh Phùng Chí Kiên hi sinh, tin tức về khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai rất ít, chỉ biết địch vẫn tiếp tục càn quét. Nghe chuyện về các đồng chí du kích Bắc Sơn, về các anh Huy, Chu Văn Tấn từ lâu, lần này gặp nhau sau những phút hiểm nghèo, ai nấy đều cảm động.

Chúng tôi ngồi quây quanh đống lửa nghe anh Tấn nói chuyện. Anh Tấn kể lại quá trình xây dựng, hoạt động của Cứu quốc quân, những cuộc đàn áp của địch, những tháng chiến đấu anh dũng và gian lao ở Tràng Xá - Vũ Nhai, và cuộc hành quân luồn khỏi vòng vây của địch đi về phía biên giới Việt - Trung. Chúng tôi cùng trao đổi với nhau nhưng kinh nghiệm chống khủng bố, xây dựng phong trào và thống nhất với nhau, nếu xây dựng được cơ sở nhân dân tốt, dựa chắc vào nhân dân thì quân địch không thể nào tiêu diệt được lực lượng cách mạng.

Cuộc họp đã đi đến quyết định: Anh Chu Văn Tấn sẽ trở lại Bắc Sơn - Vũ Nhai củng cố và tổ chức quần chúng mở đường liên lạc với Cao Bằng. Tôi thì trở về tiếp tục nhiệm vụ Nam tiến.

Anh Tấn cùng tôi bàn với nhau một số đường liên lạc. Anh Tấn để lại các đồng chí Hiền, Quyền, Thơ, Thịnh giúp tôi và mấy đồng chí khác giúp anh Hoan trong công tác Nam tiến. Sau một bữa cơm liên hoan đầm ấm, chúng tôi xiết chặt tay nhau, hẹn ngày gặp lại không xa, khi hai con đường đã được đánh thông.".

Như vậy, ghi chép/lời kể rất ngắn gọn, chỉ nhắc qua đến việc anh Kiên đã hi sinh. Ngoài ra, không kể thêm gì nữa liên quan đến sự kiện đó.



8. Còn về đồng chí Đức Xuân bị giặc chặt đầu và bêu thủ cấp ở Bắc Cạn, thì Đại tướng kể lại rằng:

"Chúng tôi lấy những tàu lá cọ, rải trong rừng, ngồi họp mặt trao đổi kinh nghiệm, kể chuyện đến khuya. Tôi giới thiệu những kinh nghiệm của Cao Bằng, Bắc Kạn. Anh Tấn kể lại tình hình phong trào đang lên mạnh ở Bắc Sơn, Thái Nguyên và miền xuôi; cơ sở của chúng ta tại Bắc Sơn, Vũ Nhai đã được củng cố và đang mở rộng sang Chợ Chu, Đại Từ. Địch vẫn tiếp tục chính sách khủng bố để hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm khắp nơi. Anh Tấn cho tôi biết, đã bắt được liên lạc với Trung ương ở miền xuôi.



Cách đó ít ngày, các đồng chí Cứu quốc quân đã bắn được một con nai. Anh Tấn vẫn để dành một chiếc chân nai chờ chúng tôi. Tối hôm đó, anh em thui lại chân nai để ninh làm tiệc liên hoan.

Đêm khuya, cùng rải lá cọ ngủ với nhau giữa rừng.

Để kỉ niệm lần gặp gỡ đáng nhớ ấy, chúng tôi đặt tên xã Nghĩa Tá là xã Thắng Lợi.

Chúng tôi trở về Nghĩa Tá, ở lại một thời gian. Anh Tấn cho biết, đã báo cáo về Trung ương và sẽ có đồng chí ở Trung ương lên gặp. Tôi nán ở lại đợi. Trong thời gian này, tổ chức một lớp huấn luyện cho các đồng chí hội viên tại đây. Tôi tranh thủ thời giờ viết cuốn Kinh nghiệm Việt Minh tại Việt Bắc.

Chờ khoảng nửa tháng vẫn chưa thấy đồng chí ở Trung ương lên. Để khỏi lỡ hẹn với các anh ở nhà, tôi biên thư cho anh Tấn biết, chúng tôi trở về Cao Bằng rồi sẽ quay xuống sau.

Dọc đường đi lên, qua Đông Viên, chợ Đồn, tình hình không có gì thay đổi. Tới Nàm Lùm, tôi nhận được thư của đồng chí Đức Xuân. Đồng chí Đức Xuân là đội trưởng một đội tuyên truyền xung phong Nam tiến được giao nhiệm vụ tổ chức phong trào tại tổng Hà Vỹ gần Phủ Thông. Đồng chí Đức Xuân báo cáo tình hình phong trào đang lên, đề nghị tôi xuống cánh đồng nói chuyện với một số đồng chí trung kiên và dự một cuộc mít tinh đã được chuẩn bị.

Đi hết một cái dốc dài tám cây số, xuống tới cánh đồng. Đã đến bữa ăn, chúng tôi vào nghỉ tại một nhà trong làng. Đang dở bữa thì có người đến báo, đồng chí Đức Xuân đã bị địch bắn chết, chúng chặt đầu đồng chí đem về treo tại Bắc Kạn. Chúng tôi biết tình hình bắt đầu thay đổi và trở nên xấu. Lúc đó một tên chánh tổng vào nhà chơi. Lát sau lại có một người lạ mặt đến, chủ nhà giới thiệu là hội viên, nhưng một hội viên khác lại nói nhỏ để với chúng tôi biết, người này chưa vào hội. Làng này ở gần Phủ Thông. Nhận thấy cần phải rút nhanh, mọi người ăn cho chóng xong. Chúng tôi nói với các hội viên về cách đối phó khi địch khủng bố, rồi quay trở lại Nà Lùm.

Bà con tại Nà Lùm được tin đồng chí Đức Xuân bị hại, tỏ vẻ lo ngại. Một số đồng bào khuyên chúng tôi nên lánh vào rừng. Nà Lùm là một bản hẻo lánh ở trên triền núi Phia Bioóc cao hơn mặt biển hàng ngàn thước. Nà Lùm theo tiếng địa phương là: ruộng bị bỏ quên. Chúng tôi rút lên rừng vầu, ở lại ít ngày, đợi điều tra rõ tin tức về đồng chí Đức Xuân. Đêm đến, trời lạnh cất da cắt thịt. Quần áo, chăn màn thiếu thốn, đêm nằm như có muôn vàn chiếc kim từ trên châm xuống, từ dưới châm lên.

Sau vài ngay điều tra, biết đích xác đồng chí Đức Xuân đã bị địch hại, mọi người đều rất thương xót. Đồng chí Đức Xuân là một đảng viên rất tích cực, vận động quần chúng giỏi, có tài sáng tác những bài ca và bài hát lượn cách mạng, vui tính, được anh em quý mến. Chúng tôi tiếp tục đi trở về Cao Bằng. Để đề phòng sự bất trắc, chúng tôi không đi theo đường cũ, mà đi ngược theo dãy núi Phia Bioóc.

Đồng chí Mẫn dẫn đường chiếu hướng Bắc, dùng dao phát cây mở lối đi dọc trên những đỉnh núi. Tiết trờ đã về cuối đông, trên núi cao càng giá buốt. Nhiều lúc cả đoàn đang đi trong mưa mau, rét tê tái, nhìn xuống chân núi lại thấy nắng vàng rực trải ra tên những cánh đồng. Nghĩ đến một ngày mai tươi sáng tự do đi lại tên nẻo đường bằng phẳng của đất nước, cảm thấy người ấm lại.

Ngày đi miết. Đêm tìm hốc đá nằm nghỉ. Có buổi sáng tỉnh dậy, sờ tay lên mặt thấy một con vắt tròn mọng nằm bám ở mi mắt.

Một buổi chiều, chúng tôi nghỉ lại ở một khu rừng đại ngàn âm u toàn cây cổ thụ già cỗi, rêu xanh phủ khắp nơi, có lẽ từ xưa đến nay chưa hề in dấu chân người. Tối hôm đó, nằm khó ngủ, nghĩ đến Bác. Tôi bỗng nhiên cảm thấy, Bác chưa thể mất được, Bác vẫn ở đâu đây, rất gần với chúng tôi."


9. Đến đây, thấy entry đã dài, nên không viết thêm nữa, để sau. Chỉ cần nhớ là Đại tướng lúc đó chỉ mới nhắc đến Đức Xuân, mà chưa, hay không, nói về cái thủ cấp cùng bị bêu ở Bắc Cạn của anh Kiên. 

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

TRƯỜNG VONG trong Lí Thuyết Dây của Vật lí học hiện đại

"Phùng Chí Kiên còn đây" (đền thờ liệt sĩ huyện Diễn Châu, và bài văn của Võ Văn Trực)



- Sao đếm đi đếm lại mới thấy có 11 mảnh, vậy lạc đâu mất những 2 mảnh ?


Nhờ lời đảm bảo của người đại điện Việt Nam Giải phóng quân, đã biết đồng chí Đức Xuân ở đâu ra


- Triển hộ vệ đưa tư liệu cũ của cuộc tìm kiếm tại Bắc Cạn năm 2008
- Tài liệu UIA và BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (2011): Tìm mộ liệt sỹ, nhà ngoại cảm đúng tới 70 - 80%


- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.