Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/11/2013

Từ Nguyễn Vĩ đến Phùng Chí Kiên (bài trên số 5 năm 2008, của NGHEANDOST)

Bài đã có từ năm 2008. Tiếc là không thấy ghi tên tác giả.

Có một số suy luận lòng vòng và không cần thiết ở đoạn cuối. Còn đoạn trên thì giới thiệu về gia đình và dòng họ của người anh hùng.


Từ đây trở xuống là chép nguyên xi, có một đôi chỗ có lẽ là lỗi đánh máy nhưng vẫn để nguyên (chỉ đánh dấu bằng bút màu xanh ở một vài chỗ).

---

NGHEANDOST - SỐ 5 - 2008


Từ Nguyễn Vĩ đến Phùng Chí Kiên

Ngày đăng tin : 10/21/2008



Là con út của một gia đình có 4 con, Phùng Chí Kiên sinh ngày 18/5/1901 tại làng Mỹ Quan Thượng...
Là con út của một gia đình có 4 con, Phùng Chí Kiên sinh ngày 18/5/1901 tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Hoàng Trường, nay thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tên khai sinh là Nguyễn Vĩ.

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, Mỹ Quan gọi là Mỹ Nao, cuối thế kỷ XIX mới gọi là Mỹ Quan. Nhưng rồi xã chỉ là trên danh nghĩa, bởi trước đó nhà Nguyễn đã lập cấp tổng, bỏ cấp xã, ba thôn: Thượng Thôn, Trung Thôn và Mỹ Lộc thôn trong xã Mỹ Quan trở thành đơn vị hành chính cơ sở. Theo bản điều tra của Công sứ An Tĩnh vào năm 1892 thì Thượng Thôn (tức Mỹ Quan Thượng) có 39 cử tri, Trung Thôn có 22 cử tri, còn Mỹ Lộc thôn có những 253 cử tri. Sau Cách mạng tháng Tám, Mỹ Lộc cắt về xã Diễn Mỹ, 2 làng Thượng Thôn và Trung Thôn nhập với xã Yên Lý thành xã Diễn Yên (xã Yên Lý cũ cũng có 3 thôn là Yên Lý Thượng, Yên Lý Đông và Yên Lý Ngoại).

Năm nào chưa rõ, Yên Lý Thượng có 5 xóm mang tên chữ là Mỹ Trung, Mỹ Hòa, Mỹ Nam, Mỹ Đông và Mỹ Bắc. Gia đình Nguyễn Vĩ ở Mỹ Nam. Sau đó, Yên Lý Thượng có 3 xóm: 1, 2, 3. Gia đình Nguyễn Vĩ ở xóm 3. Hiện nay, Diễn Yên có diện tích 1.521,37ha với 14.614 người dân (tính đến hết 31/12/2006), là một xã lớn, kinh tế khá phát triển, nhiều người học hành đỗ đạt, nhiều cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước.

Mỹ Quan Thượng đầu thế kỷ XX, những ngày Nguyễn Vĩ sinh ra và lớn lên, tại quê hương có khoảng 80 hộ với số dân khoảng 500 người và ruộng đất khoảng gần 120 mẫu, song tập trung vào một số nhà khá giả. Trong làng chỉ có vài ba chục cái nhà ngói, còn toàn là nhà tranh lụp xụp. Tuy người các địa phương khác nói: “Đông Thành là mẹ là cha; Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”, song đa số nhân dân Đông Thành (Diễn Châu và Yên Thành) vẫn đói khổ. Dân làng Mỹ Quan Thượng cũng vậy, mặc dù bình quân mỗi người dân có khoảng 3 sào ruộng. Đa số nhân dân không có ruộng hoặc có khoảng vài sào, họ phải làm nghề phụ, cày rẽ ruộng, làm thuê và chạy vạy đây đó làm đủ nghề vặt để sống qua ngày.

Nguyễn Vĩ là con út trong một gia đình có 4 con, cha là Nguyễn Văn Khoản, mẹ là Trần Thị Cúc (ở làng Mỹ Lộc). Anh cả là Nguyễn Dốc, sinh năm nào chưa rõ, chết năm 1947. Ông Nguyễn Dốc có 2 bà vợ. Bà cả là Hồ Thị Đai ở xã Hoàng Trường cũ, nay là Diễn Trường. Bà Đai sinh được 2 con là Nguyễn Thị Hoạt và Nguyễn Biếu. Nguyễn Biếu tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị Pháp giết ngày đầu 1931 tại quê nhà trong một trận càn, hiện có bằng Tổ quốc ghi công. Bà kế thất tên là Trần Thị Quyên, sinh được 2 trai, 3 gái. Trai có Nguyễn Văn Việt đi bộ đội chống Pháp, sau về công tác ở Viện Kiểm soát Quân khu IV.

Anh thứ 2 là Nguyễn Nhị. Ông Nhị cũng có 2 bà. Bà cả là Nguyễn Thị Liên, người trong xã, sinh được 2 con: 1 gái, 1 trai. Trai là Nguyễn Đức Dinh, cũng đi bộ đội, có thời gian đã đến nghĩa trang Ngân Sơn tìm mộ đồng chí Phùng Chí Kiên. Bà cả qua đời, ông Nhị lấy bà kế thất tên là Chu Thị Nghĩa ở Hoàng Trường, sinh được 1 con gái là Nguyễn Thị Lam, làm ruộng.

Thứ 3 là chị gái, tên là Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1897, chồng người cùng làng, làm ruộng, sinh được 1 con.

Nguyễn Vĩ là con thứ 4, như trên đã nói sinh ngày 18/5/1901.

Thuộc loại trung nông kém, gia đình có hơn 1 mẫu ruộng với căn nhà gỗ 4 gian và 1 con bò làm sức kéo. Ông Khoản có học ít nhiều chữ Nho, có lều chõng vào Vinh dự khoa thi Hương năm nào không thì chưa rõ, nhưng ông Khoản và bà Cúc vẫn cố gắng chắt chiu nuôi các con ăn học. Có thời gian, ông Khoản đón thầy về nuôi để dạy thêm chữ cho các con và các sĩ tử trong vùng. Năm 1918, ông Nguyễn Dốc có vào Vinh dự khoa thi Hương cuối cùng. Vào đến kỳ nhị thì trượt, ông về nhà làm ruộng, làm nghề dạy học và thầy thuốc. Làm thầy không đủ ăn, ông đi buôn sợi, buôn tơ về bán cho những người dệt vải, dệt tơ lụa. Sau ông chuyển sang buôn bè, thường xuyên qua lại các sông Lam, sông Giăng. Ông Nguyễn Nhị cũng có học chữ Nho ít nhiều, nhưng chữ Nho vào buổi mạt thời, không còn thi cử gì nữa, ông học để biết đạo lý làm người, làm văn khế, cúng giỗ. Ông sống bằng nghề làm ruộng.

Nguyễn Vĩ (tức Phùng Chí Kiên), lúc nhỏ cũng có học chữ Nho, ít nhất ông đã học 7, 8 năm chữ Nho và như vậy đã học hết Sơ cấp vấn tâm, Hiếu kinh, Nhất thiên tự (hoặc Tam thiên tự, Ngũ thiên tự) và đã qua Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử, Bắc sử... Sống trong những năm phong trào Duy Tân đang sôi nổi, chắc ông cũng đã được học hoặc đọc “Hán tự tân thư” với những câu:
“Ái quốc mạc vong tổ,
Ẩm hà đương tư nguyên.
Thực quả dương tư thụ,
Cựu sĩ dĩ nan vong...”
Hoặc những câu:
“Thiên địa anh khí,
Chung chi vi nhân.
Nhĩ mục thông minh,
Vi nan tử thân.
Tận ngã nghĩa vụ,
Vị chi quốc dân...”
 Và chắc ông cũng đã nghe bài “Chiêu hồn nước”  với những câu:
“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta.
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na,
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường...”

Nên ông đã học thêm chữ Quốc ngữ. Khi trường Sơ học tiểu học Pháp Việt (École élémentaire) mở ở tổng Hoàng Trường (phải sau 1917), ông được vào học và sau ít năm, ông đậu bằng Sơ học chiến lược(!).

Được đi học, nhưng vẫn  là  con  nhà  Nho  bình  dân, cuộc sống không dư giả, vất vả là khác, nên tuổi nhỏ ông vẫn phải làm việc vặt trong gia đình như chăn bò, cắt cỏ, và lớn lên vẫn phải làm nghề nông như làm cỏ, bón phân cho đồng ruộng... Vốn là người thông minh, có chí, ham học hỏi, nên ngoài thời gian học chữ Nho, học chữ Quốc ngữ, đi bò, cắt cỏ và làm các công việc khác của gia đình..., Nguyễn Vĩ thường lân la đánh bạn với một số người trong vùng có chí hướng để đến các sĩ phu các nước đầu thế kỷ XX nghe lỏm chuyện thời thế, chuyện về cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, về ông Cường Để...

Ngoài 20 tuổi, năm 1922-1923, Nguyễn Vĩ vào Cầu Bùng làm thuê chủ yếu là ghi chép sổ sách cho một thương nhân buôn gạo phố Cầu Bùng. Sau đó, ông ra ga Yên Lý làm thuê cho một thương nhân Hoa kiều khác (làm nghề kinh doanh thuốc Bắc?). Đã thấy bao cảnh ngang trái bất công ở làng xã, ở phố Cầu Bùng, rồi ở ga Yên Lý nên khi gặp hai trí thức tiến bộ là Nguyễn Đăng Tựu ở Nghi Lộc và Lê Hữu Lập (tức Hoàng Lùn) quê Thanh Hóa tại ga Yên Lý, Nguyễn Vĩ đã được các trí thức này giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ vào con đường cứu nước và năm 1926 thì xuất dương sang Quảng Châu - Trung Quốc, dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức. Có người nói, cái tên Phùng Chí Kiên do Bác Hồ đặt cho, có người nói do Lê Hữu Lập đặt cho. Phùng là gặp, Phùng là Phùng Giang tức sông Bùng ở Diễn Châu, Chí  là chí khí, Kiên là kiên định, vững vàng. Cái tên này nói Nguyễn Vĩ, người sông Bùng đã gặp cách mạng phải giữ ý chí của mình cho kiên định, cho vững vàng.

Như vậy, tuổi nhi đồng, thiếu niên và thanh niên, Nguyễn Vĩ sống trọn vẹn trong 25 năm đầu thế kỷ XX ở quê nhà. Trong phần tư thế kỷ ấy, xã hội ta, nhân dân ta nhất là những con người xứ Nghệ đã chứng kiến:

1. Sau thất bại của phong trào Cần Vương, những cuộc khởi nghĩa theo lý tưởng tôn quân gần như vắng bóng. Các sĩ phu yêu nước, nhiều người bỏ quan lui về vui thú điền viên, để giữ gìn tiết tháo của mình, nhiều người làm thầy đồ, thầy thuốc bắc, thầy địa lý... để kiếm miếng ăn qua ngày. Nông dân trở lại với cuốc cày. Kẻ làm thợ trở lại với cái đe, cái búa, cái rìu, cái đục... Kẻ đi buôn lại gồng gánh trên vai... Trống mõ Cần Vương thôi rộn rã, song trong tâm can những sĩ phu và những người dân chân chính, lòng yêu nước, chí phục quốc vẫn sôi sục. Xóm thôn im lìm, nhiều người lặng lẽ, uất ức và đau buồn khôn nguôi vì thời thế, vì nhân tình trước cảnh giang sơn thay thầy đổi chủ.

2. Sự khai thác của thực dân Pháp với hàng trăm thứ thuế luôn tăng cao, ruộng đất bị cướp đoạt để làm đồn điền, tài nguyên tự nhiên bị vơ vét... Người dân luôn phải đi phu đắp đường, nạo vét các dòng sông. Đô thị và các nhà máy được lập nên. Giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và tiểu tư sản ra đời. Chính quyền của Nam triều phong kiến và hệ thống quan lại trở thành bù nhìn, tay sai. Một lớp quan chức mới ra đời. Bọn chúng múa may quay cuồng, nhiều kẻ tâng bốc, xu nịnh tỏ lòng trung thành với chủ mới để bóc lột người dân. Người dân nhục nhã dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, nặng nề bởi luôn phải đi phu, đi lính và còm cõi bởi bị bóc lột, bị chửi rủa, bị bần cùng, bị đánh đập bởi bọn cường hào, bọn địa chủ. Một không khí ngột ngạt bao trùm khắp làng xã Việt Nam, làng xã xứ Nghệ, làng xã Diễn Châu.

3. Giữa lúc sĩ phu đang bế tắc về đường lối cứu nước thì đầu thế kỷ XX, những năm Nguyễn Vĩ ra đời và bước đầu lớn khôn, thì ánh sáng của Tân thư lan tới, các sách của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Đàm Tử Đồng..., các mảng tư tưởng Rousseau, Montesquieu, Diderot, tư tưởng dân chủ tư sản... được truyền vào Việt Nam. Rồi khí thế cả nước Trung Hoa đang sục sôi trong cuộc vận động cải cách cũng vọng sang. Trí thức Việt Nam, trí thức Nghệ An nhìn thấy xa xa, tại hòn đảo Phù Tang (Nhật Bản) một hình ảnh tươi đẹp cho đất nước mình. Họ dò hỏi, mong ngóng, rồi lân la tìm hiểu. Và khi đã hiểu, họ âm thầm bắt liên lạc với nhau, trao đổi với nhau. Người tiên tiến, xuất sắc, nhạy bén trong tiếp cận cái mới, tiếp cận văn hóa của phương Tây và nhiệt huyết tìm con đường cứu nước như Tân thư, như Nhật Bản là Phan Bội Châu.

4. Quán triệt Tân thư, Phan Bội Châu ra Bắc vào Nam gặp gỡ các bạn tâm giao. Đến tháng 4-1904 thì cùng với các đồng chí lập ra Hội Duy Tân tại Quảng Nam. Hội Duy Tân ra đời, trí thức Nghệ An có nhiều người tham gia. Đầu 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính nhận trọng trách của Hội sang Nhật cầu viện, cầu viện không được thì cầu học. Thế là phong trào Đông Du nổi lên. Bao thanh niên đã rời quê hương, qua nước ngoài du học để nâng cao dân trí, dân khí, nhất là học thông thạo các nghề kỹ xảo để trù liệu việc đánh Tây. Gần 200 học sinh Việt Nam, trong đó Nghệ An có 32 người đã Đông du theo tiếng gọi của Phan Bội Châu. Chắc những người như Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu), Nguyễn Thức Đường (Trần Hữu Lực), Đặng Thúc Hứa, Trần Đông Phong, Hồ Học Lãm, Hồ Bá Kiện, Bùi Chính Lộ, Lưu Yến Đan... Nguyễn Vĩ có nghe và từ đó cũng thôi thúc trong lòng ông tinh thần tìm đường cứu nước.
Ấy là mới kể những người Đông du, còn những người khác như Đặng Nguyên Cẩn đã cùng với Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá... thành lập “Triêu Dương thương quán” ở Vinh để tập trung những phần tử ôn hòa. Họ tuyên truyền tư tưởng ái quốc bằng lời nói, thơ văn, đồng thời xây dựng cơ sở tài chính cho cách mạng, trước mắt là “làm tiền” để giúp đỡ thanh niên xuất dương ăn học. Một số khác là những phần tử kịch liệt như Đặng Thái Thân, Ngô Quảng, Đội Quyên, Đội Phấn, Long Sơn... đã dựng một cái đồn tại Bố Lư trong một khu rừng rậm rạp, hẻo lánh ở miền Tây huyện Thanh Chương để làm sào huyệt, làm căn cứ, đặng tập hợp vây cánh để mưu đồ việc võ trang.
Ngoài ra, hội viên của Hội Duy Tân còn nã súng tấn công vào chế độ khoa cử. Họ đả kích lối học “chi, hồ, giả, dã...” và những kiến thức từ chương quá lạc hậu. Họ tuyên truyền thực học như học toán, học lý, học đóng tàu thủy, hỏa xa, chế súng đạn... để dân được cậy, nước được nhờ. Họ đánh vào hủ tục, kêu gọi bỏ thói “xôi thịt”, kêu gọi dùng hàng nội hóa, giương cao ngọn cờ chống sưu thuế nặng nề...

Tất cả những hoạt động đó của Hội Duy Tân tại Nghệ An, tại Diễn Châu có lẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần muốn làm một cái gì đó để cứu nước, cứu dân đã âm ỉ trong Nguyễn Vĩ từ lâu.

Vì Diễn Châu cũng là một trong những địa bàn hoạt động của Hội Duy Tân. Một số làng xã ở Diễn Châu đã có đội nghĩa binh của Hội Duy Tân, phong trào Duy Tân đã kích thích người dân lập phe hộ chống phe hào để chống bọn hào lý, địa chủ, cường hào trong thôn xã mà bấy lâu chúng đã phù thu lạm bổ, vơ vét công quỹ và bao chiếm công điền... Phe hộ chống phe hào bằng nhiều hình thức, song chủ yếu dựa vào pháp lý công khai, tức đi kiện. Từ 1905 đến 1929, tại Diễn Châu qua sơ bộ tìm hiểu có 19 vụ nhân dân lập phe hộ chống phe hào. Nổi bật nhất là vào năm 1917, dân hộ làng Đông Tháp (Diễn Hồng) kiện hào lý chiếm 92 mẫu công điền toàn loại thượng đẳng điền. Năm 1920, dân hộ làng Yên Lý đã kiện bọn hào lý về tội tham nhũng. Ngay tại xã Mỹ Quan năm 1922, dân hộ làng Mỹ Lộc đã kiện bọn hào lý đòi chia lại 70 mẫu ruộng đất công... Hình thức đấu tranh tự phát nhất thời mang tinh thần dân chủ và tính giai cấp ấy, chắc ít nhiều đã cho Nguyễn Vĩ thấy được mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ và sức mạnh của nông dân khi đoàn kết.

Như vậy tuổi trẻ của Nguyễn Vĩ đã chứng kiến, đã tiếp nhận bao sự kiện lịch sử - xã hội diễn ra trên đất nước và tại quê hương. Những sự kiện lịch sử - xã hội ấy đã hun đúc trong tâm hồn, tư tưởng Nguyễn Vĩ những suy tư về thế cuộc, về nhân tình. Là một thanh niên yêu nước, lại thông thái về chữ Hán và chữ Quốc ngữ (so với người lúc bấy  giờ), Nguyễn Vĩ đặt bao dấu hỏi về bản thân đối với đất nước, với tương lai trước thời sự nóng hổi như vậy.

Huống chi, Nguyễn Vĩ còn được tắm gội trong truyền thống đấu tranh quật cường của xứ sở Hồng Lam, xứ sở lèn Hai Vai sông Bùng. Người xứ Nghệ luôn đứng đầu sóng ngọn gió trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Cắp giáo non sông, họ hiên ngang khảng khái khi vung gươm chính nghĩa diệt quân cướp nước. Không nói xa và cũng không nói rộng, chỉ từ đầu thế kỷ XV lại nay, tại Diễn Châu thôi, năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Mùa thu năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn kéo vào Nghệ An. Sau “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” ở Châu Nga, Quỳ Châu, là “Thành Trà Long trúc chẻ tro bay” ở Con Cuông, rồi 2 trận lừng lẫy nữa ở Anh Sơn là Khả Lưu và Bồ Ải. Đại thắng, Lê Lợi kéo nghĩa quân về đóng đại bản doanh ở núi Thiên Nhẫn, phái Đinh Lễ đem 1000 nghĩa quân về đóng ở Đông Đinh (Yên Thành) để nghĩa quân khống chế vùng Bắc Nghệ An và tiến vây thành Đông Lũy hay còn gọi là thành Diễn Châu, thành Trài (nay ở xã Diễn Phong và Diễn Hồng, sát xã Diễn Yên). Khi Đinh Lễ cho nghĩa quân vây thành Diễn Châu, dân làng Cẩm Bào và nhiều làng khác ở Diễn Châu đã có nhiều công trong việc bảo vệ, nuôi dưỡng nghĩa quân và cho con em tham gia nghĩa quân để không chỉ bao vây thành mà còn đánh tan đoàn quân tiếp viện của Trương Hùng từ Tây Đô vào cứu nguy cho bọn quân Minh trong thành Diễn Châu. Đại thắng, Lê Lợi tặng cho làng áo Cẩm Bào để làm kỷ niệm. Dân làng rất tự hào về kỳ tích của mình và biết ơn ân sủng của nhà vua, nên đã đặt tên làng là Cẩm Bào. Sự kiện lịch sử ấy ở ngay quê hương chắc thời thơ ấu, Nguyễn Vĩ đã nghe ông bà hoặc người già trong làng, trong vùng kể lại.

Rồi chắc Nguyễn Vĩ cũng biết, cũng được nghe kể lại, năm 1879, theo lời cầu viện của Lê Chiêu Thống, vua Càn Long nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem quân tiến vào Thăng Long để giúp Lê Chiêu Thống giữ vững cơ đồ, nhưng thực sự là muốn nhân cơ hội ấy chiếm nước ta. Được tin, Nguyễn Huệ đang ở Huế lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung rồi thống lĩnh đại quân 5 vạn người ra Bắc. Vua dừng lại ở Lam Thành Sơn 10 ngày để tuyển thêm 5 vạn quân. 10 ngày tuyển được 5 vạn quân mà là quân tinh nhuệ để đưa vào đạo trung quân cũng là một kỳ tích. Trước hết là do lòng yêu nước của nhân dân nhưng do vua Quang Trung biết cách tuyển quân từ các lò võ, lò vật... Mà lò võ, lò vật ở đâu nhiều bằng Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Dân gian còn truyền tụng các lò vật, lò võ ở Diễn Châu như: Vạn Phần, Đông Xương, Hướng Dương, Hậu Luật, Nho Lâm, Thư Phủ, Bút Trận, Trung Phường, Thanh Bích, Thừa Sủng... Tất cả võ sinh đều tham gia đoàn quân Bắc tiến dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung để tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Nghe sự kiện lịch sử ấy, tâm can Nguyễn Vĩ chắc cũng nao nức tinh thần chống Pháp.

Gần hơn có lẽ là từ ngày Tây sang, chúng chiếm Nam Bộ, Bắc Bộ rồi kinh thành Huế cũng thất thủ. Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương. Dải đất xứ Nghệ từ Đèo Ngang cho đến Khe Nước Lạnh, cả miền xuôi lẫn miền ngược, chỗ nào cũng hừng hực, cũng rầm rậy khí thế “Bình Tây phục quốc” của những người có chí mạnh tâm hùng như Đình nguyên Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, người làng Quần Phương, nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Phụng chỉ Cần Vương, tế cờ ra quân, dưới trướng của vị Nho tướng này, nghĩa sĩ có vài nghìn, tùy tướng có các ông đề, ông tán, có đốc binh, đốc chiến, lãnh binh, tác vi, suất đội... Nghĩa quân Cần Vương đã chiến đấu nhiều trận ở Tây Khê, ở Đồn Si, Thừa Sủng, Đồng Mờm, Yên Lý... gần làng Nguyễn Vĩ và nhiều nơi khác ở phía Bắc Nghệ An. Tuy bị thất bại, trống mõ Cần Vương không còn rộn rã trong các đình làng, các điểm canh hay trên các đường quan ải... song hình ảnh các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Xuân Ôn, Trần Quang Diệm, Đinh Nhật Tân..., hình ảnh các ông đề, ông lãnh, ông tác, ông đốc như: Đoàn Giáp, Đốc Thân, Đốc Nhoạn, Đề Niên, Lãnh Ngợi, Đề Vinh, Lãnh Từ, Tác Xe, Đốc Thọ, Đốc Đạo... vẫn tươi rói, vẫn đẹp đẽ trong con mắt người dân Diễn Châu. Gia tộc Nguyễn Vĩ thế nào cũng có người là nghĩa sĩ của Nguyễn Xuân Ôn.

Như vậy xuất thân trong một gia đình nông dân có học ít nhiều chữ Nho, chữ Quốc ngữ, tuổi trẻ Nguyễn Vĩ sống cũng giống như một số thanh thiếu niên khác, vừa được đi học vừa lao động giúp đỡ gia đình. Song với trí thông minh hơn người, nghị lực lớn lao và lòng yêu nước nảy nở rất sớm, lớn lên được tắm gội trong truyền thống đấu tranh quật cường của xứ sở và các hoạt động yêu nước của các sĩ phu trong hội Duy Tân tại xứ sở, rồi được sự dìu dắt, giúp đỡ của đồng chí Lê Hữu Lập và Nguyễn Năng Tựu, Nguyễn Vĩ đã vượt lên tư tưởng của các sĩ phu Đông Du, Duy Tân, xuất dương sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổ chức để đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và qua quá trình hoạt động, năm 1936 trở thành Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Sự hình thành một lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Vĩ - Phùng Chí Kiên bao giờ cũng là sự kết tinh từ một nguồn gốc văn hóa. Văn hóa vùng núi Hồng, sông Lam nói chung, vùng núi Hai Vai sông Bùng nói riêng, với các lớp sóng phế hưng của nó ở cái đất xưa kia là trấn địa, là trang trại này. Từ nền văn hóa bản địa ấy, người xứ Nghệ còn được tiếp cận 2 luồng văn hóa vĩ đại, của Trung Quốc từ phía Bắc tràn xuống và của Ấn Độ tràn lên mà không mất bản sắc, sắc thái văn hóa, mất bản lĩnh của mình. Rồi khi tiếp cận với văn hóa phương Tây cũng vậy. Rồi văn hóa hữu thể, văn hóa  vô thể, văn hóa tâm linh mà chủ yếu là văn học cả bác học và dân gian của quê hương, của phủ Diễn, của xứ Nghệ, của Việt Nam, Nguyễn Vĩ đều mang trong máu, trong hơi thở. So với Phan Bội Châu ở đầu thế kỷ XX, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Tán Anh... từ những năm 20 trở về sau, Nguyễn Vĩ còn được tiếp cận văn hóa quốc tế mà chủ yếu là văn hóa của Trung Quốc, văn hóa của Liên Xô cũ.

Tóm lại, tinh hoa văn hóa của gia đình, quê hương, của lèn Hai Vai sông Bùng, của núi Hồng sông Lam, của Việt Nam, của bốn bể năm châu đã hồi quy, tích tụ trong con người giàu lòng yêu nước, thức thời, nhạy bén Nguyễn Vĩ để Nguyễn Vĩ trở thành Phùng Chí Kiên như chúng tôi đã trình bày. Nguyễn Vĩ - Phùng Chí Kiên là niềm tự hào của Việt Nam, của xứ Nghệ, của Diễn Châu./.

Chú thích:
(1) Về việc đi học chữ quốc ngữ và đậu bằng Sơ học yếu lược của Nguyễn Vĩ, chúng tôi cho là phải sau 1917. Vì ngày 21/12/1917, Albetrt Sarraut, Toàn quyền Đông Dương mới ký ban hành bộ “Học chính tổng quy” quy định công cuộc giáo dục ở Việt Nam. Năm sau thi hành thì mới có các hệ tiểu học, trung học... Hệ tiểu học có trường Tiểu học bị thể (école primaire de plein exercices) gồm 5 lớp mở các huyện tỉnh và trường sơ đẳng tiểu học (école élementaire) mở ở các làng xã, thường gồm 3 lớp. Tốt nghiệp trường này thường được nhận bằng Sơ học yếu lược. Phải năm 1918, Nguyễn Vĩ mới vào học trường tổng và năm 1921 mới tốt nghiệp Sơ học yếu lược. Lúc đó, ông đã 20 tuổi, có học đến đó và có thi hay không còn cần phải nghiên cứu cụ thể thêm. Nhưng gia đình nói ông đậu Sơ học yếu lược, xin hãy ghi như vậy./.

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Từ Nguyễn Vĩ đến Phùng Chí Kiên (bài trên sô 5 năm 2008 của NGHEANDOST)


Trang web chính thức của nhà ngoại cảm, và lá thư khẩn thiết của gia đình tướng quân (13/11/2013)
Vong hồn tướng quân nói, hay thực chất chính là nhà ngoại cảm tự biên tự diễn để phán bảo ?

Giáo dục Việt Nam xóa bài đã đăng năm 2012 về nhà ngoại cảm Bích Hằng ?

Tướng quân đề nghị làm lễ cầu siêu cho mình và chiến sĩ tại chùa Thạch Long (Bắc Cạn), vào 7/5/2008
Phật giáo Bắc Kạn : Chùa Thạch Long và sư Thích Thanh Quyết (2010-2015)




TRƯỜNG VONG trong Lí Thuyết Dây của Vật lí học hiện đại

"Phùng Chí Kiên còn đây" (đền thờ liệt sĩ huyện Diễn Châu, và bài văn của Võ Văn Trực)



- Sao đếm đi đếm lại mới thấy có 11 mảnh, vậy lạc đâu mất những 2 mảnh ?


Nhờ lời đảm bảo của người đại điện Việt Nam Giải phóng quân, đã biết đồng chí Đức Xuân ở đâu ra


- Triển hộ vệ đưa tư liệu cũ của cuộc tìm kiếm tại Bắc Cạn năm 2008
- Tài liệu UIA và BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (2011): Tìm mộ liệt sỹ, nhà ngoại cảm đúng tới 70 - 80%


- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.