Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi ở Thái Bình (nguồn) |
Anh là người có nghị lực phi thường. Phải đi lại bằng xe lăn. Luôn sống vui vẻ và sáng tác rất khỏe (cả văn, cả thơ, và nhạc nữa).
1. Bài của năm 2010, Đỗ Trọng Khơi tự viết về việc của nhà mình. Tìm được mộ là nhờ chỉ dẫn của nhà ngoại cảm.
Hồi đầu tháng 11 năm 2013, trong một comment trên blog này, Mr. Khoằm đã chỉ dẫn một đường link tới bài viết về bài viết của anh Đỗ Trọng Khơi (nội dung bài viết của anh Khơi là: lược thuật quá trình đi tìm mộ của người cha liệt sĩ qua chỉ dẫn của Phan Thị Bích Hằng).
Bài viết đó của anh Khơi mang tiêu đề Chuyện tâm linh, đã lên mạng từ tháng 1 năm 2010, tức cách nay 4 năm. Đầu tiên là trên trang Trần Nhương (nhưng bây giờ thì đường link này đã bị hỏng). Có thể tìm thấy lại trên trang Họ Đỗ Việt Nam.
2. Bài của năm 2014, Đỗ Trọng Khơi viết hộ việc của nhà hàng xóm. Người nhà tự trở thành nhà ngoại cảm.
Bài mang tiêu đề Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ, vừa lên trang báo Lao Động ngày hôm nay (22/2/2014).
Từ đây trở xuống là lưu tư liệu.
---
TƯ LIỆU
I. Bài năm 2010:
II. Bài năm 2014:
Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ
---
2. Bài của năm 2014, Đỗ Trọng Khơi viết hộ việc của nhà hàng xóm. Người nhà tự trở thành nhà ngoại cảm.
Bài mang tiêu đề Liệt sĩ báo mộng và chuyện có thật 100% vẫn ngỡ như mơ, vừa lên trang báo Lao Động ngày hôm nay (22/2/2014).
Từ đây trở xuống là lưu tư liệu.
---
TƯ LIỆU
I. Bài năm 2010:
1. Thường nghĩ cõi tâm linh mịt mùng thăm thẳm, ai có thể tỏ tường, có thể qua lại được? Xưa nay để thoả mãn tình cảm xót thương, nhu cầu tâm lý con người phải sở cậy vào chốn đền, chùa vào các ông đồng bà cốt nhưng xem ra vẫn mờ mờ nhân ảnh, hư huyễn thế nào. Bảo tin thì rằng lấy làm tin, bảo không có cơ sở thật thuyết phục để mà tin thì cũng khó bề bác bỏ.
Có nhẽ do đất nước mình trải bao nỗi đau thương, chiến tranh liên miên, nạn thiên tai và cảnh đói nghèo kéo dài hàng thế kỷ đã cướp đi bao sinh mạng con người, khiến ngần ấy nắm xương thành vô danh tính, linh hồn họ vì thế trở nên lưu lạc. Thật đúng như câu, "Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn!"; nghĩ theo hướng duy linh, phải vì vậy chăng mà Ông Trời đã cho một số người Việt cái khả năng đặc biệt : Tìm được hài cốt, thậm chí trò chuyện, nghe được tiếng nói của các linh hồn. Ô là là! Lạ lùng sao cái cõi người ta! Những câu chuyện tâm linh, thần thánh giáng linh hay ma tà quỷ quái trêu ngươi ai chả từng nghe. Ở Trung Quốc có ông Bồ Tùng Linh còn đặt loại chuyện này thành tác phẩm văn học nổi tiếng. Làng Việt, miền đồng bằng Bắc bộ những năm 60, 70 của thế kỷ trước cảnh sắc còn tiêu sơ, âm u lắm. Tre ngàn cây xắp thành hàng xăng sếu khắp mọi lối ngõ, mà những lối qua lại thì nhỏ thó, ngoằn ngèo như rắn lượn. Khi chiều về mặt trời mới xuống thấp quá ngọn tre một đẫn thôi bóng tối đã tràn trề, bầy côn trùng nhiều vô vàn, ngỡ chúng có khắp mặt đất, bắt đầu rền rĩ nỉ non bài u hoài, mê dụ và dường những bóng ma trơi trong vùng bóng tối kia, trong trí tưởng trẻ con lũ chúng tôi chỉ chờ có vậy bắt đầu ló ra lát thần tính. Đâu đó trong những câu chuyện người già bên ngọn đèn dầu vẫn vẽ lên hình ma bóng quế. Rằng ở chỗ đó, quãng kia có ma. Rằng những đêm trở giời vẫn thấy xuất hiện hình thù thế này thế nọ. Câu chuyện để lại ấn tượng cụ thể, có giá trị xác tín nhất trong tôi là chuyện do bà tên là Điển kể. - Ngày tớ còn trẻ, mới lấy chồng thôi, năm sinh đứa con đầu lòng ý, nhà tớ, chỗ ở khi đó còn là rìa làng với một khoảng đất rộng và vắng. Đêm ấy, mà những mấy đêm cơ, tớ ngồi võng nựng con ngủ. Bên cây cau trước sân nhà có một chum đựng nước ăn, đấy, chính vị trí bên cái chum nước này này, tớ đã mục sở thị hình ảnh, khi thì một người đàn bà xoã tóc ngồi múc nước từ chum ra gội đầu, khi thì có những cả đôi bóng "ma" tắm chung. Và họ cũng như ta vậy, đùa vui, té nước nhau... Vẻ mặt chân thành, giọng kể mộc, thực thà của bà hẳn ai nghe cũng như thấy chính mình từng gặp gỡ vậy. Dù sao đó vẫn cứ là chuyện được nghe hệt như trong giấc chiêm bao và không phải ai cũng được chính thân chủ kể cho nghe... Gìơ đây, trong những ngày này băng đĩa lưu truyền rộng rãi nói về việc tìm mộ của các Nhà ngoại cảm, những câu chuyện hoàn toàn có tính người thật việc thật, với sự kiểm chứng của các cơ quan khoa học chức năng, có việc liên quan tới cả các Lãnh tụ, các nhân thân có tên tuổi. Đúng là "chuyện ma thành ra chuyện thật".
*****
2. Bản thân gia đình tôi có người bố liệt sỹ, ông hy sinh ở chiến trường miền Trung năm 1967, nghĩa là tính tới nay 2009, đã 41 năm và đã hết hy vọng tìm được mộ phần qua cơ sở truy tên tuổi trên bia mộ. Những tưởng đã là việc mò kim đáy bể. Thế rồi một cái tên người phụ nữ có năng lực đặc biệt xuất hiện trên hành trình thiêng liêng này, là Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Tôi đã gặp chị Bích Hằng trong ngày chị về Thái Bình làm lễ đón rước hài cốt Nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh. Hôm đó là ngày 15/11/2007, do có hẹn trước với Nhà ngoại cảm gia đình tôi đã thắp hương mời vong bố về để đi cùng ra gặp chị. Trong không gian đón rước hài cốt Nguyễn Đức Cảnh hôm đó có rất đông các đoàn người đến viếng. Chờ mãi, để gặp được Bích Hằng, mặc dù đã có hẹn trước tôi vẫn phải nhờ thêm sức của thày Trần Quốc Kham, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình. Gặp, Bích Hằng bảo: "Chú ạ, hôm nay vong các liệt sỹ về đông lắm. Mời chú theo cháu xuống khu lăng mộ ở Diêm Điền, thư việc, thưa người cháu sẽ hỏi thăm qua các linh liệt sỹ xem có ai biết bố chú không...". Tôi đã thuận lời hẹn mà rút cục lại thất lỗi không xuống được Diêm Điền. Chính vì sự thất lỗi đó, 2h đồng hồ sau, vào lúc hơn 15h tôi bị tai nạn đổ xe làm gẫy hai điểm bên chân phải. Đấy là sự "trừng phạt" của thế giới tâm linh chăng? Lạ là cú ngã rất đau đó đã khiến tôi phải nằm bẹp ngót một năm trời vì ổ khớp háng bên phải bật những sơ cứng do bị dính ra và nhờ vậy khớp mở ra được tương đối mà so với bên khớp háng trái đã qua ca phẫu thuật công phu, phức tạp năm trước (2005) thì hiệu quả có phần còn hơn. Ai thấy vậy cũng đùa vui rằng "Cú ngã, sự trừng phạt - thần y!". Và còn điều kỳ diệu đã mang lại hạnh phúc vô bờ cho gia đình tôi, cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, tại khuôn viên khu lăng mộ Nguyễn Đức Cảnh chị Bích Hằng đã gặp được linh hồn bố tôi - Liệt sỹ Đỗ Xuân Khê. Và cũng theo Nhà ngoại cảm cho biết, chị đã nhờ cụ Cảnh hỏi thăm qua các vong linh liệt sỹ rồi tìm ra linh bố tôi cũng có mặt trong dòng linh về dự lễ viếng. Sau đó một thời gian, vào ngày 21/12/2007 gia đình đã cử người vào thăm mộ phần bố tôi. Theo sự chỉ dẫn của Nhà ngoại cảm Bích Hằng thì mộ liệt sỹ đã được đưa về an táng tại nghĩa trang Bình Sơn, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phần mộ chưa có tên, số 48, hàng đầu, phía bên tay phải. Khi người thân vào tới huyện Bình Sơn đêm ngày 21/12, tìm đến nhà ông quản trang, tên là ông Bốn, và ngày hôm sau 22/12 được ông dẫn ra thăm nghĩa trang. Sự việc xẩy ra bên ngôi mộ thật cũng lạ lùng. Theo hẹn với Nhà ngoại cảm là khi vào tới mộ, thắp hương lên thì điện thoại về cho chị. Ba người đã làm theo như vậy. Đến ngôi mộ số 48 như chỉ dẫn, thắp lên ba nén nhang rồi gọi điện cho Nhà ngoại cảm. Theo sự chỉ dẫn của chị, lại hoá ra ngôi mộ số 48, như chỉ dẫn trước, là mộ phần của một cô y tá, năm sau lại được nhà ngoại cảm cho biết thêm tên cô y tá là Xuyên (hay Xuyến? Thông tin nhận qua tin nhắn điện thoại, chữ không có dấu). Mộ số 49 mới là bố tôi và chị bảo, "Bác vui lắm. Bác bảo trong đoàn có người tên là Thục, và sao đem bánh cáy, đặc sản Thái Bình vào lại không đưa ra mời bác cùng bạn bè đồng chí Thái Bình ăn mà chỉ mời anh em Quảng Ngãi..." Sự thật cả hai điều vong linh bố nói, qua Bích Hằng đều chính xác.
Một năm sau, vào ngày 15/12/2008 gia đình tôi chính thức tiến hành lễ đón rước di hài bố về an táng tại quê nhà. Trong hành trình đi vào Bình Sơn, Quảng Ngãi đến khi đưa được di hài bố về thì gia đình đều có liên lạc với Nhà ngoại cảm và cũng có câu chuyện ly kỳ đáng nói. Đoàn đi rước di hài, trên đường đi và về chỉ gặp chút trục trặc nhỏ là không dễ tìm được ô tô nhận chở hài cốt. Sau đây là mấy tin nhắn qua điên thoại di động với lời giải đáp của Phan Thị Bích Hằng cho gia đình. Tin nhắn vào lúc 7h17, sáng 13/12/2008 khi đoàn đã lấy hài cốt ra khỏi nghĩa trang, đang chờ xe để ra về: 1)"Cho hai cot vao tui du lich xach di nhu hanh ly thi moi di dươc. Neu khai ra là co hai cot ng ta k cho di dau." 2) "Gd len xe ve den dau roi nha tho.Co bac Cuong ve cung bac Xuyen day." 3) "Ten co yta day". 4)"Co yta va dong doi di tien bac ve. Con bac Cuong la di theo con di tim anh ve". 5) " Chuc mung gd nha tho". 6) Tin nhắn lúc 8h14, ngày 15/12/2008: " Hnay lam le truy dieu phai k a?" 7) "Chuc mung nha tho! BH rat vui vi nha tho da lo dc viec lon nhat doi!" Tin nhắn này là kết thúc việc liên lạc giữa tôi với Nhà ngoại cảm về việc tìm phần mộ người bố liệt sỹ. Trong 7 tin nhắn kể trên thì tin số 2 và 4 là có điểm đặc biệt. Câu nhắn rằng có bác Cương về cùng bác Xuyên đấy, bác Cương là liệt sỹ, tên người em cọc chèo với bố tôi và tên chú Cương cũng đã được gia đình nhắn hỏi Bích Hằng, nhưng còn bác Xuyên là ai và sao lại viết câu cùng về? Tôi đã nhắn hỏi lại điều nghi vấn này thì tin trả lời số 4 lại gây một nghi vấn khác. Bởi câu Còn bác Cương là đi theo con đi tìm anh về. Người chú rể này, theo đồng đội và giấy báo tử là ông hy sinh ở chiến trường tỉnh Bình Dương. Vậy theo địa lý thì phải nói "ông đi từ miền Nam ra miền Trung tiễn người anh về quê miền Bắc" mới đúng. Tôi đem phân vân này nói với người trong nhà thì em Miền, là con rể của chú Cương mới nói: "Vậy thì đúng rồi. Trước khi đi em có khấn bố ở ban thờ nhà em và cả ở ban thờ nhà anh, "mời bố về đi cùng con vào đón bác Khê về quê". Ra thế! Kỳ lạ, kỳ bí và kỳ diệu biết bao nhiêu về thế giới tâm linh, về khả năng đặc biệt của con người! Tôi là người sống có đức tin. Và là nhà văn, các tác phẩm của tôi từ văn xuôi đến thơ sự ảnh hưởng tinh thần, triết lý nhà Phật tới sáng tác là sâu sắc. Tôi rất có lòng ngưỡng mộ và trân trọng công việc đặc biệt của các Nhà ngoại cảm. Tuy vậy việc tìm mộ bố, không phải ngay từ đầu trong tôi đã nhiều tin tưởng. Thực là chỉ sau khi chị Bích Hằng gọi ra trong đoàn có người tên như thế, việc như thế... cùng mấy việc xẩy ra ngày 15/12/2008, tức là ngày 18 tháng 11 năm Mậu Tý, ngày đón hài cốt bố tôi về quê hương như đã kể thì mới khiến lòng tôi hoàn toàn vững tin. Những điều tâm linh kỳ diệu hẳn còn tiếp tục xẩy ra trong đời sống con người. Có thể nói: Con người còn tồn tại, điều linh còn tồn tại! Hay, trong trời có người, trong người có linh thánh vậy. Đêm trước ngày an táng bố 25 / 2 / Kỷ Sửu |
Theo nguồn: trannhuong.com
II. Bài năm 2014:
Mọi người đều ngỡ ngàng kinh ngạc khi thấy cô cháu dâu tính tình vốn nhút nhát bỗng đứng trang nghiêm, tay giơ lên trán, miệng hô “nghiêm” chào kiểu nhà binh trước phần mộ mới của người chú liệt sĩ vừa di dời từ Quảng Ngãi về quê. Hỏi, “An nghỉ ở đây, mộ xây thế này được chưa?”, thì cô cháu gật gật đầu cười tít.
Đất nước trải bao phen chiến tranh, hàng triệu người đã hy sinh trên khắp các chiến trường và hiện có biết bao phần mộ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm, những liệt sĩ may mắn hơn được quy tập về an nghỉ nơi nghĩa trang hương khói đàng hoàng thì cũng còn nhiều lắm trong tình trạng “vô danh”.
Cũng bởi vậy đã có bao câu chuyện tìm mộ liệt sĩ ly kỳ, hư hư thực thực. Nhiều câu chuyện bảo đúng cũng được mà bảo là sai, “mộ cha không khóc đi khóc đống mối” cũng khó cãi lại. Lấy gì làm bằng cớ đây? Phải là nói có sách, mách có chứng. Giữa thời buổi khoa học công nghệ mà chỉ kể chuyện chiêm bao mộng mị thế nọ thế kia thì e dễ bị xem mắc chứng hoang tưởng, tâm thần.
Ấy vậy mà câu chuyện “giấc mơ” của ông Hà Quang Hinh, hiện đang cư ngụ tại số nhà 345, đường Nguyễn Trãi, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, số điện thoại: 0912828693, qua giám định ADN đã khẳng định là đúng 100%.
1. Người anh liệt sĩ của ông Hinh tên là Hà Tất Thế, sinh năm 1951, quê quán: xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 3.1969, đơn vị khi hy sinh: C2, D83 - Quảng Ngãi, QK5, ngày hy sinh 21.4.1971. Liệt sĩ Thế là con thứ tư trong gia đình có 8 anh em trai.
Mặc dù còn bố mẹ và các anh em đều có vợ con nhà cửa đề huề, nhưng ông Hinh vẫn xin với bố mẹ cho được thờ cúng người anh liệt sĩ. Rất có thể từ tấm lòng ấy mới có sự gặp gỡ về tâm linh này. Còn nhớ trong một giấc ngủ say khá dài, chừng nửa đêm về sáng thì ông Hinh gặp cơn mơ lạ lùng. Kể từ ngày anh trai hy sinh tới đêm ấy đã 36 năm, với 28 năm ông nhận việc thờ cúng mà chưa một lần ông mộng mị gì về người anh cả. Trong giấc mơ anh em gặp nhau cứ như đang sống. Cảnh gặp là ở một ngã ba đường.
Ông Hinh mừng rỡ hỏi ông Thế một hồi. Rằng sao còn sống mà anh không về quê? Sao quần áo đóng thùng, giày mũ gọn gàng thế mà xanh tuya rông đâu không thắt? Và rằng, ở nhà người ta báo tử anh rồi, bố mẹ đang hưởng chế độ lương đấy, giờ biết anh còn sống là họ cắt chế độ, nhưng kệ, em cứ báo về cho bố mẹ mừng…
Chừng ấy câu hỏi nhưng ông Thế vẫn lặng thinh, không nói năng gì. Chỉ tới câu hỏi cuối cùng này, “anh đã vợ con gì chưa, nhà ở đâu” thì ông anh mới quay đầu nhìn sang phía bên phải. Ông Hinh nhìn theo thấy một quả đồi thấp, phía chân đồi là khu ruộng trũng có hai người đang bừa với hai con trâu…
Thế rồi ông choàng tỉnh giấc mơ. Vốn là người không tin chuyện ma tà quỷ quái bao giờ, cứ nghĩ chết là hết, việc thờ cúng chỉ là tập tục, có tính nhắc nhớ về tình thân thương máu mủ thôi. Ấy vậy mà giấc mơ đã khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên được nữa. Có gì lay thức lòng dạ khôn nguôi. Chính cái chi tiết “thiếu chiếc xanh tuya rông” trên mình người anh, trong cơn mơ đã làm ông trăn trở, ngờ ngợ.
Cái chi tiết đã làm ký ức trong ông thức dậy. Chả là, lúc còn đóng quân luyện tập ở Quảng Ninh ông Thế có về phép. Lần đó, trước khi trở lại đơn vị ông Thế tặng em trai chiếc xanh tuya rông. Chiếc xanh tuya rông kỷ niệm đó nay đã mất và nếu không có giấc mơ thì chính ông Hinh cũng quên nó lâu rồi.
Hơn thế, giấc mơ còn cho ông Hinh nhớ lại mấy câu thơ người anh viết trong lá thư cuối cùng gửi về nhà: “Giờ giờ phút phút giây giây/ Ngóng trông ngóng đợi, đợi chờ thư cha/ Đêm này con ở nơi xa/ Nhận được lá thiếp ở nhà gửi lên/ Đọc thư con thấy vui thêm/ Cha mẹ vẫn khoẻ con thêm tin mừng/…Tạm biệt gia đình đi chiến đấu/ Bao giờ thống nhất sẽ về thăm”. Và cuối thư ghi thêm “Bố mẹ đừng gửi thư cho con nữa, vì không có hòm thư đâu. Con bắt đầu rời đất Bắc rồi”.
Quả phải có gì liên hệ, linh ứng mới nên việc lạ lùng như thế được chứ? Ông Hinh âm thầm với những nghi hồ, trăn trở một mình mất mấy hôm. Đến ngày ông kể giấc mơ với bà vợ và bảo “tôi phải đi tìm mộ bác Thế, bà ạ”, vợ ông tỏ ra đồng tình. Ông bèn tìm đến bạn chiến đấu cùng đơn vị xưa của người anh để hỏi thêm tin tức và được họ cho biết ông Thế hy sinh ở địa bàn huyện Mộ Đức hay Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vậy là, vin vào hình ảnh giấc mơ, vào chút ít thông tin đó, ông Hinh rủ một người cháu trai - con ông anh thứ 3 - cùng vào cuộc hành trình tìm mộ người anh.
2. Ông Hinh cùng người cháu bắt xe khách đi thẳng vào Quảng Ngãi, sau tới huyện Mộ Đức, về xã Đức Tân, rồi lại qua xã Đức Minh. Từ địa bàn này chú cháu ông tìm tới mấy nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa thấy quang cảnh nơi nào giống cảnh trong giấc mơ.
Ba ngày trọ ở Đức Tân tìm kiếm không kết quả, sang ngày thứ bốn ông bèn đi xuyên qua một cánh đồng rộng thì bất ngờ gặp một ngã ba, nhìn ngắm kỹ ông mới giật mình thấy nơi này y như hình ảnh giấc mơ hiện ra vậy. Kia, bên tay phải là một quả đồi thấp và nghĩa trang đặt ở đó, và kia nữa khu ruộng trũng đang có hai con trâu, so với giấc mơ chỉ thiếu hình ảnh hai người đi bừa…
Ông Hinh kinh ngạc đến rụng rời cả chân tay. Thế là chú cháu ông đi ngay vào nghĩa trang thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ. Ông bần thần kiếm phần mộ người anh, đếm nghĩa trang có 580 ngôi mộ thì có tới 2/3 là mộ chưa có danh tính liệt sĩ. Những phần mộ có bia ghi tên liệt sĩ, trớ trêu không thấy tên tuổi Hà Tất Thế đâu. Tuy vậy, gặp quang cảnh ấy trong ông đã nhiều phần thầm tin người anh mình đang an nghỉ ở đó rồi.
Khi đến Đức Minh - Mộ Đức hay ở bên Hành Thịnh - Nghĩa Hành ông Hinh tìm vào trọ nhà ông Trần Nở và ông Nguyễn Tấn Tự, cả hai ông Nở và Tự đều là quân của D83 cũ nên được hai ông rất nhiệt tình đưa đón, tạo điều kiện nơi ăn nghỉ, phương tiện xe máy đi lại. May mắn thêm, ông Tự còn cho ông Hinh số điện thoại của đại tá Tiến, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng.
Ông Hinh đã gọi điện nhờ anh Tiến truy tìm qua giấy tờ còn lưu ở bộ xem cụ thể địa điểm hy sinh của liệt sĩ, thì thông tin trở lại từ anh Tiến báo “liệt sĩ Hà Tất Thế hy sinh tại thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi”. Ôi, thật trùng khớp, đúng là địa điểm nghĩa trang mà chú cháu ông đang đứng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề còn lại chỉ là mộ phần cụ thể của người anh ruột đang nằm đâu trong hàng trăm ngôi mộ vô danh tính kia?
3. Những ngày sau đó ông Hinh tha thẩn qua lại hỏi han các nhà dân quanh các thôn gần đó xem có ai biết được gì cụ thể hơn về việc quy tập phần mộ các liệt sĩ vào nghĩa trang không, nhưng cũng không thu được kết quả gì thêm. Tới buổi chiều ngày thứ 7 ở Hành Thịnh, ông ra nghĩa trang, thắp hương tại lư hương trước lễ đài và lầm rầm khấn, lời lẽ thành thực như tâm sự và khẩn nài hương hồn người anh, rằng “đồng tiền mang theo đã cạn, quả thực anh đang nằm an nghỉ tại đây thì xin đêm nay về nhà ông Nguyễn Tấn Tự, nơi em ở trọ, báo mộng cho em biết mộ anh là ngôi nào, không có thì ngày mai em phải về Bắc…”.
Thật màu nhiệm, đêm đó ông Hinh nằm mơ thấy một con chim xanh, to như một chiếc chăn bông bay từ phía đông nghĩa trang về phía tây. Tỉnh dậy ông thấy run sợ về hình ảnh con chim lạ lùng đó. Sáng ấy ông nói khó với ông Tự: “Anh ra nghĩa trang cùng em nhé, em sợ lắm.
Ông Tự cười bảo, sợ gì giữa ban ngày ban mặt thế này”. Nói vậy nhưng ông Tự vẫn cùng chú cháu ông Hinh đi xe máy tới nghĩa trang. Buổi sáng sớm, khi cánh cổng chính và cánh phụ bên phải còn đóng, chỉ riêng cánh cổng phụ bên trái mở, hai chiếc xe máy lách cổng phóng vào tới chân bậc tam cấp trước lễ đài thì dừng lại. Ông Hinh được người cháu ngồi trước xe máy hích nhẹ tay, ra hiệu có một con chim sáo đen đang đậu ở lư hương. Khi ba người dựa xe xong thì con chim sáo đen bay rất nhẹ tới đậu xuống ngôi mộ thứ 3, hàng 2, khu B và mổ nhẹ xuống mặt mộ hai cái rồi cất cánh bay về hướng tây mất hút. Ông Hinh bèn đi lại ngôi mộ đó thắp hương, vẫn lời lẽ thật thà, nôm na ông khấn: “Chim đã báo vậy, phải đây là mộ của anh thì xin chứng nghiệm cho em bằng cách thử trứng.
Em cắm chiếc đũa xuống mộ và đặt quả trứng lên đầu ngọn đũa, nếu đúng là anh thì hãy khiến quả trứng đỗ yên, bằng không thì cho trứng rơi xuống…”. Thế rồi ông lấy đôi đũa cùng 4 quả trứng mang theo ra. Quả đầu tiên ông thử, vừa đặt trứng lên đầu chiếc đũa thì quả trứng bỗng quay luôn một vòng mới đậu yên khiến cho ông giật mình, lùi lại, gần như suýt ngã ngửa. Thế rồi ông lần lượt thử đủ bốn lần trên hai chiếc đũa và cả bốn lần quả trứng vẫn đậu. Có lần ông còn để quả trứng ở nguyên trên đầu đũa nửa tiếng đồng hồ, ba người đi thắp hương cho đủ 580 ngôi mộ, khi về quả trứng vẫn đỗ yên trên đầu đũa.
Tới giờ phút ấy, riêng lòng ông Hinh đã tin chắc đó chính là phần mộ của anh trai mình. Ông trở ra Bắc mang theo tin mừng cho gia đình. Sự việc tưởng thế đã xong. Hai cụ thân sinh ra anh em ông, năm 2007 tuổi đã rất cao và các cụ đều mong được sớm đón hài cốt người con trai về quê. Nhưng việc không thể sớm thực hiện vì đa phần anh em nhà ông lại chưa thực tin. Ý kiến nhiều người nói chỉ tin khi có cơ sở khoa học, nghĩa là phải thử ADN.
Xét ra ý kiến đó có lý. Nó sẽ giúp anh em ông tránh mọi hồ nghi, phiền phức sau này. Chỉ hiềm nỗi năm sau đó ông Hinh bỗng đổ bệnh, phải qua hai phen phẫu thuật và điều trị kéo dài. Tới năm 2010 cụ ông qua đời, cụ bà năm 2012 cũng ra đi. Trước khi mất các cụ vẫn đau đáu một niềm nhắn nhủ là phải đưa được hài cốt người con liệt sĩ về quê hương. Người bố còn nói dỗi “Chỉ tôi là đau đớn thôi. Tôi đang ăn đồng tiền xương máu của thằng liệt sĩ đấy!” Ông Hinh đã thay mặt anh em hứa với bố mẹ.
4. Lần thứ 2 ông Hinh cùng người cháu vào Quảng Ngãi cách lần đầu 4 năm. Đó là năm 2011. Và lần thứ 2 này, nguyên do xui nên cũng vẫn lại từ …giấc mơ. Ông mơ thấy mặt ngôi mộ bị sạt nghiêng đến độ không để được bát nước, khi vào thăm quả nhiên là vậy. Lần đó ông đã mời cô Cao Thị Hạnh - Phó chủ tịch xã Hành Thịnh - ra nghĩa trang xem xét và cùng chú cháu ông tu sửa phần mộ.
Cũng trong lần thăm này ông làm đơn trình lên UBND xã Hành Thịnh cùng các cấp huyện, tỉnh, bộ, xin phép được mở ngôi mộ nghi là của liệt sĩ Hà Tất Thế để lấy mẫu xương liệt sĩ đi thử ADN. Đơn từ qua lại, tới ngày 02.8.2013 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký giấy đồng ý cho phép lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ. Ngày 12.9.2013, ông Hinh vào khai mộ, lấy một miếng xương ống chân dài khoảng 2x2cm mang về Cục người có công, rồi từ cục này chuyển sang cho Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm xét nghiệm AND.
Sau 3 tháng 1 ngày thấp thỏm đợi chờ, tới ngày 13.12.2013 gia đình ông nhận được giấy báo kết quả giám định ADN, số NCC622/CNSH, ngày 3.12.2013, xác định “mẫu hài cốt của phần mộ số 3, hàng 2, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và mẫu sinh phẩm của ông Hà Quang Hinh… là có liên quan huyết thống dòng mẹ…”. Giấy báo có chữ ký/con dấu của Viện trưởng Trương Nam Hải và Trưởng phòng phân tích Lê Quang Huấn.
Khỏi phải nói khi tiếp nhận giấy báo kết quả xét nghiệm ADN của Viện Hàn lâm khoa học, gia đình ông mừng đến mức nào. Riêng ông mang tờ giấy báo kết quả xét nghiệm ADN đó đặt lên ban thờ, thắp nén hương báo cho hương hồn bố mẹ biết mà không cầm được hai dòng nước mắt. Chưa bao giờ trong đời ông lại xúc động đến vậy. Một nỗi buồn đau xen cùng với niềm vui sướng. Ông đã thực hiện được lời hứa với bố mẹ mình. Sự thật 100% đấy mà đến nay nhiều lúc ông Hinh vẫn nghĩ như mơ.
Ngày 25.12.2013 đại gia đình cùng với các ban ngành xã Song An làm lễ tang đón rước hài cốt liệt sĩ Hà Tất Thế, sau 42 năm hy sinh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê nhà, nơi nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Cuộc hành trình đi tìm phần mộ người anh của ông Hà Quang Hinh, được khởi đầu qua một giấc mơ kỳ lạ đến kết quả xét nghiệm ADN chính xác, khoa học, quả là một câu chuyện giàu ý nghĩa thực tiễn, giúp cho chúng ta thêm một cơ sở quý giá để trải nghiệm, hiểu biết về những điều kỳ diệu và còn nhiều bí ẩn của cõi thế gian này.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Tìm mộ liệt sĩ: Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tự kể chuyện nhà mình (2010), và kể hộ chuyện nhà người (2014)
- Tướng quân đề nghị làm lễ cầu siêu cho mình và chiến sĩ tại chùa Thạch Long (Bắc Cạn), vào 7/5/2008
- TRƯỜNG VONG trong Lí Thuyết Dây của Vật lí học hiện đại
- "Phùng Chí Kiên còn đây" (đền thờ liệt sĩ huyện Diễn Châu, và bài văn của Võ Văn Trực)
- Tư liệu về chiếc răng của Viện Pháp y cũng chính là ảnh... của phía các nhà nghiên cứu ngoại cảm !
- Triển hộ vệ đưa tư liệu cũ của cuộc tìm kiếm tại Bắc Cạn năm 2008
- Tài liệu UIA và BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (2011): Tìm mộ liệt sỹ, nhà ngoại cảm đúng tới 70 - 80%
- May quá, vừa có thêm tư liệu trực tuyến để đối chứng với tư liệu về cuộc tìm kiếm ở Bắc Kạn năm 2008
- Báo của Bộ Quốc phòng (2006): Muốn biết danh tính của nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào Con Cuông năm đó
- 67 năm sau, tính từ ngày thủ cấp "đáng ba tạ muối" bị hạ để bêu : 22/8/1941 - 8/5 và 15/8 năm 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.