Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn tiên-hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tiên-hương. Hiển thị tất cả bài đăng

14/04/2025

Hội thảo 2025 về Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung) trong quần thể Phủ Giầy Nam Định (video và ảnh)

Như thông tin đã đưa (xem lại ở đây), hội thảo đã diễn ra vào buổi sáng ngày 13/4/2025 (Chủ Nhật), tại chính Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung). Gần đây, ngôi đền được gọi ngắn thành "Phủ Bóng" trong cộng đồng tín ngưỡng.

Đầu tiên, đưa video của hội thảo (chất lượng video không tốt lắm, bị giật và bị mất nhiều đoạn).

04/04/2025

HỘI PHỦ GIẦY 2025 cập nhật : KÉO CHỮ được hủy do toàn quốc để tang cố Chủ tịch Nhà nước Lào anh em

Theo dự kiện ban đầu thì sáng nay (4/4/2025) và sáng mai (5/4/2025), sẽ có Hội hoa trượng (kéo chữ) tại Phủ Vân (sáng nay) và tại Phủ Chính (sáng mai).

Do có thông báo của chính phủ về việc để tang cố Chủ tịch Nhà nước Lào anh em, trong hai ngày, nên dự kiến trên bị hủy.
Có thông tin chính thức của BTC (bằng văn bản) thì sẽ cập nhật lên sau.

31/03/2025

Kính mừng Hội Phủ Giầy 2025 - Thánh Mẫu ở khắp mọi nơi với rất nhiều "cố trạch" và "cựu quán"

Hôm nay là ngày 3 tháng Ba năm Ất Tị, nhằm ngày 31/3/2025, là kị nhật của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Rất nhiều đền phủ trên toàn quốc đang tổ chức những ngày tiệc tháng Ba âm lịch.

1. "Mẫu Liễu ở khắp mọi nơi" là ý tưởng khoa học của cố học giả Vũ Ngọc Khánh nêu ra từ đầu thập niên 1990. Trong một bài viết đã công bố năm 2010, tôi đã nhắc lại ý tưởng này của thầy Khánh.

2. Từ thực tế điều tra tại vùng Huế, ngay từ thập niên 1960, cố học giả Trần Văn Toàn cũng nêu một ý tưởng tương tự, mà ở vùng Huế là có sự đan xen vào nhau giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thánh Mẫu Thiên Y (Thiên Y A Na). Ý tưởng này của thầy Toàn, nay tôi lần đầu nhắc ở đây, và sẽ xâu kết với ý tưởng của thầy Khánh ở một dịp khác.

29/03/2025

Kính mừng "Tiên Hương đại hội" 2025 - đọc lại thơ Nôm miêu tả Hội Phủ Giầy năm 1910

Hôm nay là ngày 1 tháng Ba năm Ất Tị (nhằm ngày 29/3/2025), mở đầu những ngày tiệc Mẫu tháng Ba trong toàn cõi Việt Nam.

"Tiên Hương đại hội" là thơ bằng chữ Nôm, viết năm 1910, của học giả Kiều Oánh Mậu. Viết năm 1910 và được in khắc gỗ ngay trong cùng năm đó.

"Tiên Hương đại hội" là đoạn thứ 23 trong toàn bộ 25 đoạn trong tác phẩm Nôm "Tiên Phả dịch lục" của Kiều Oánh Mậu.

Tiên Phả dịch lục (TPDL) có nghĩa là: dịch (diễn Nôm) và chép lại tác phẩm Tiên từ phả kí. Diễn Nôm "Tiên từ phả kí" (diễn từ chữ Hán ra thơ Nôm) và chép lại "Tiên từ phả kí" (chép nguyên bản Hán văn) là 2 nội dung chính yếu của TPDL (các nội dung khác là phụ thêm vào).

20/03/2025

Ngày xưa chân đất : Phủ Giầy qua ảnh (1920s, 1940s, 1950s, 1960s,...)

Những ảnh ít biết hơn và cổ hơn thì để sau.

Bây giờ đi những ảnh đã biết đến rộng rãi lâu nay, mà trọng tâm là chân đất.

Cơ bản các cụ đời trước đi chân đất đến khoảng thập niên 1970.

Sau đó, dép guốc giầy vẫn hiếm lắm.

Cuộc chiến kéo dài, làm đời sống kinh tế nghèo. Đất nước thay da đổi thịt từ Đổi Mởi.

Đến tận đầu thập niên 1990, cả khoa ở kí túc xá mới có một vài đôi giày adidas là chuyện thường. Có lễ lạt gì, sinh viên hay mượn giầy nhau để diện trong chốc lát (xong việc là trả lại chủ nhân). Thời đó, đang có mốt dép tổ ong. Một sản phẩm truyền thống và đáng nhớ lắm của công nghiệp Việt Nam !

Nhìn chung, toàn quốc, người Việt mình đủ giầy đủ dép thực sự là mới từ khoảng năm 2000 đến nay.

07/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (5)

Các đoạn mang nội dung quan trọng, các đoạn nên thuộc làm lòng của bản diễn Nôm lục bát (từ nguyên bản Hán văn là "Tiên từ phả kí") của Kiều Oánh Mậu năm 1910.

Cụ Kiều dịch ra thơ Nôm, nhưng cũng là lồng thêm các kiến thức mới, các lí giải mới của cụ ở thời điểm năm 1910, nên cơ bản, có thể gọi đây là bản phỏng dịch "Tiên từ phả kí" (văn bản của dòng họ Trần Lê xã Tiên Hương thời Nguyễn).

Các đoạn thơ dưới đây, nên thuộc làm lòng (bản quốc ngữ toàn văn thì xem ở đây).

05/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (4)

Tạm sơ kết chút xíu về "Phủ Dầy" ở xã Tiên Hương vào năm 1910 khi danh sĩ Kiều Oánh Mậu về dự Hội năm đó và khảo sát tư liệu.

Thay cho cách trình bày ở 3 bài trước (1, 2, 3), bài này chỉ đưa một ít ảnh. Các ảnh tóm gọn nội dung chính từ cuốn "Tiên Phả dịch lục" (TPDL) do Kiều Oánh Mậu soạn và cho in mộc bản năm 1910.

04/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (3)

Năm 1910 là cách nay 115 năm.

Cùng đối chiếu năm 1910, về "Phủ Dầy" trong sách Tiên Phả dịch lục (TPDL) của Kiều Oánh Mậu (bản in khắc gỗ, 1910) và "Phủ Giầy" trong tài liệu chính qui của nhà nước (bản in hoạt tự, 1910).

01/03/2025

Hướng đến Hội Phủ Giầy 2025 : đọc ghi chép năm 1910 của Kiều Oánh Mậu khi về Hội năm đó (1)

Kiều Oánh Mậu là một danh sĩ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, ông trước tác bằng chữ Hán Nôm (các tác phẩm viết bằng Hán Nôm của ông sau này được một số học trò và con cái trong nhà đem phiên ra quốc ngữ cho xuất bản đầu thế kỉ XX).

Kiều Oánh Mậu, như hạn chế chung của trí thức miền Bắc thời bấy giờ, chưa từng biết sử dụng chữ quốc ngữ - điều này, tôi đã trình bày ở một số công bố trước đây. Cùng thời đại thì nhóm trí thức miền Nam là Trương Vĩnh Kí (và nhiều người khác) đã sử dụng thành thạo quốc ngữ từ thập niên 1870.

Bản thân cụ Phan Bội Châu - một nhà cách mạng tiên phong ở đầu thế kỉ XX - cũng mãi sau này (khoảng sau năm 1910) mới bắt đầu học chữ quốc ngữ (đọc lại trên Giao Blog ở đây). Về phương diện sử dụng chữ  quốc ngữ, miền Bắc đi sau miền Nam khoảng nửa thế kỉ.

25/02/2025

Quá trình điều chỉnh lại tên gọi của di tích, cho đúng lịch sử và tín ngưỡng : PHỦ CHÍNH

Trước năm 1964 (mở rộng đến trước năm 1975 - năm được quyết định xếp hạng của Bộ Văn hóa), tên chính thức của ngôi đền là "Phủ Chính" ("Phủ"đi trước, "Chính" đi sau, dù viết bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ, chữ Pháp,..).

Chưa từng có tên gọi "Phủ Tiên Hương" ("Phủ" đi trước, "Tiên Hương" đi sau)
Bây giờ, đưa các đoạn viết đã đưa lên về riêng một chỗ này, để không lẫn lộn.

20/02/2025

Không chấp phường đạo văn (ăn cắp chuyên nghiệp) Nguyễn Xuân Diện - Trần Ngọc Đông

Trong phạm vi trang "Văn hóa Tín ngưỡng Hệ thần Liễu Hạnh công chúa", mấy hôm nay, nhóm chúng tôi đang bàn về Điện Mẫu trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Đáp ứng nhanh sự quan tâm của bạn đọc, mọi người cơ bản đều bất ngờ khi biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) mà từ lâu lại có Điện Mẫu (thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy), tôi đưa bài vắn tắt lên blog và Facebook với tiêu đề "Liếc nhanh qua ảnh (1910s - 2010s) : Điện Mẫu trong Văn Miếu (Hà Nội) và mối quan hệ với Phủ Chính (tức Phủ Giầy) ở Nam Định"(xem ở đây).

19/02/2025

Liếc nhanh qua ảnh (1910s - 2010s) : Điện Mẫu trong Văn Miếu (Hà Nội) và mối quan hệ với Phủ Chính (tức Phủ Giầy) ở Nam Định

Mấy hôm trước, trong nhóm "Văn hóa tín ngưỡng Hệ thần Liễu Hạnh công chúa", tôi có dẫn lại một bài viêt nhanh (cơ bản là ảnh chụp cập nhật vào đầu năm 2025) của bạn Nguyễn Đình Minh về Điện Mẫu trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Xem ở đây.

Đây là Điện Mẫu thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy, mà ngôi trung tâm là Liễu Hạnh công chúa với nơi thờ chính là tại Phủ Chính, cũng chính là Phủ Giầy ở "xã Tiên Hương" thuộc huyện Thiên Bản hay Vụ Bản  (thời nhà Nguyễn). Ngày nay, là Phủ Chính ở thôn Tiên Hương - xã Kim Thái - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định. Chỉ có văn bản từ sau năm 1964 (rồi quyết định của Bộ Văn hóa năm 1975) đã gọi không đúng là "Phủ Tiên Hương".

"Phủ Tiên Hương" thì sao ? Chưa từng có tên gọi này, tức chưa từng có tên gọi "Phủ Tiên Hương" trước năm 1964.

Trước năm 1964, ngôi đền đó là "Phủ Chính" hay "Phủ Giầy". Ngôi đền mang tên là "Phủ Chính" hay "Phủ Giầy". Tên chữ Hán có thể là "Phủ Chính linh từ" (đền thiêng mang tên Phủ Chính) hay "Tiên Hương Phủ Chính linh từ" (đền thiêng mang tên "Phủ Chính" ở Tiên Hương). 

08/02/2025

Văn nghệ Thứ Bảy : sau 100 năm (2025), đọc lại hướng dẫn du lịch Phủ Giầy ở làng Tiên Hương vào năm 1925

Ở đây sử dụng tư liệu mới viết bằng văn tự mới (quốc ngữ, tiếng Pháp,...), mà tạm thời chưa sử dụng tư liệu cũ viết bằng văn tự cũ (Hán Nôm), để ai đọc cũng hiểu.

Phủ Giầy, tức ngôi đền lớn thờ phụng hệ thần Liễu Hạnh công chúa, tọa lạc tại làng Tiên Hương (tức "xã Tiên Hương" thuộc tổng Đồng Đội huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định thời Nguyễn).

Nay "xã Tiên Hương" thời Nguyễn ấy đã thành "thôn Tiên Hương" thuộc vào xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Xã Kim Thái hiện nay có mấy thôn, thì mỗi "thôn" là một "xã" của thời Nguyễn.

Phủ Giầy ở làng Tiên Hương. Phủ Giầy là gắn với làng Tiên Hương. Phủ Giầy có nghĩa gốc là chỉ ngôi Phủ ở làng Tiên Hương. Sau này, Phủ Giầy được mở rộng nghĩa, là chỉ một vùng rộng lớn có nhiều đền phủ châu tuần ở xung quanh, mà trung tâm thì chính là Phủ Giầy

Bản thân ngôi "Phủ Giầy" ấy còn được quen gọi bao đời nay là "Phủ Chính".

Đây là điều hiển nhiên bao đời nay.

1. Sau ngày Chợ Phủ Giầy năm 2025 (bây giờ được UBND huyện mở rộng qui mô và định danh là "Chợ Viềng Xuân" ở huyện Vụ Bản), hãy thử đọc một tư liệu chính qui của nhà nước năm 1925 về việc hướng dẫn du lịch Phủ Giầy lúc đương thời.

Đọc tư liệu đưa lên ở dưới.


Ảnh: Tư liệu in chính thức của nhà nước năm 1925 với nội dung hướng dẫn du lịch về Phủ Giầy ở làng Tiên Hương (huyện Vụ Bản)

06/02/2025

"Phiên chợ đời người" (1998) : Cách chơi "Chợ Viềng", qua một tản văn xuất sắc của Nguyễn Quốc Văn

Tản văn trong tập Thao thức nỗi niềm quê (Nxb Văn học, 1998) của nhà văn Nguyễn Quốc Văn. 

Nguyễn Quốc Văn sinh năm 1954, quê Nam Định, hiện sống tại Sài Gòn. Ông có nhiều tác phẩm, trong đó Thao thức nỗi niềm quê được bạn đọc đón nhận từ lâu, bởi cách viết sâu lắng như thơ. Ông viết chi tiết như tiểu thuyết, nhưng lại rất bay rất trữ tình.

Một tản văn xuất sắc trong tập này là "Phiên chợ đời người" viết về chợ Viềng ở miền quê Nam Định trước và sau năm 1975 (có một thời gian chợ Viềng không họp do chiến tranh, rồi họp lại sau 1975).

05/02/2025

Chợ Thánh ở Phủ Giầy làng Tiên Hương 2025 (nay được định danh là "Chợ Viềng Xuân" ở huyện Vụ Bản)

Trước Tết Nguyên đán, vào tháng 12 năm 2024, như lệ thường, UBND huyện Vụ Bản có thành lập "Ban Chỉ đạo Chợ Viềng Xuân năm 2025".

Chợ Viềng Xuân nhiều năm nay được mở rộng, chạy qua địa phận các xã và thị trấn sau đây của huyện Vụ Bản: xã Kim Thái, xã Trung Thành, thị trấn Gôi.

Trung tâm của Chợ Viềng Xuân vẫn như bao đời nay, là khu vực Phủ Giầy ở làng Tiên Hương (thôn Tiên Hương) ngày nay - thời Nguyễn là "xã Tiên Hương".

03/02/2025

Tháng Giêng rủ nhau đi Chợ Thánh ở Phủ Giầy làng Tiên Hương - đọc lại báo năm 1932

Trước ngày khai hạ (mùng Bảy tháng Giêng), người ở vùng Sơn Nam và lân cận thường nhắc nhau về ngày Chợ Thánh hay Chợ Tiên ở Phủ Giầy Nam Định.

Chợ Thánh họp từ đêm mùng Bảy đến hết ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm.

Chợ Thánh, Chợ Tiên, Chợ Phủ, Chợ Phủ Giầy, là những cái tên quen thuộc bao đời, thấy ghi nhiều trên báo chí ngày xưa hồi cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Nay ta quen gọi là "Chợ Viềng".

Bây giờ, thử đọc lại một bài báo ngắn - báo Hà Thành ngọ báo (báo buổi trưa Hà Thành) phát hành vào ngày 12 tháng 2 năm 1932.

Người xưa chắc muốn Hà Thành có đủ bộ, gồm báo buổi sớm (tảo báo), báo buổi trưa (ngọ báo) và báo buổi chiều (vãn báo). Nhưng tựa như mới ra được báo buổi trưa thôi.

1932. Tức gần 100 năm trước (1932-2025).

26/01/2025

"Lăng Mẫu Liễu Hạnh" đầu năm 2025 - bài 3 (bình phong và câu đối phía sau bình phong)

Tòa lăng đá, tức Lăng Mẫu Liễu Hạnh bằng đá Thanh Hóa (đá xanh, đá hồng), được hoàn thành năm 1938, có 4 cửa/cổng mở ra 4 hướng. Mỗi cổng có một bình phong theo phong cách thời Nguyễn.

Đây là ảnh toàn cảnh lăng đá được chúng tôi chụp đầu năm 2024.

22/01/2025

"Lăng Mẫu Liễu Hạnh" đầu năm 2025 - bài 2 (từ lúc nào xuất hiện tên "Lăng Liễu Hạnh")

Ở bài 1, chúng ta đã nắm rõ việc đổi tên gọi của lăng: năm 2021, bằng văn bản chính thức, Bộ Văn hóa đã đổi từ tên "Lăng Liễu Hạnh" (có từ năm 1975) thành "Lăng Mẫu Liễu Hạnh" cho đúng với lịch sử và tín ngưỡng. 

Có thể tạm thấy quá trình như sau:

- Từ xa xưa, lăng của Liễu Hạnh công chúa luôn được địa phương và nhân dân thập phương gọi là "Lăng Mẫu", "Lăng Thánh Mẫu", "Lăng Mẫu Liễu Hạnh", "Lăng Mẹ",... Không ai gọi một cách bất kính là "Lăng Liễu Hạnh" cả.

- Đến năm 1975, khi ra quyết định công nhận di tích cho quần thể Phủ Giầy (sau đó là bằng công nhận được phát hành theo quyết định), thì cái tên "Lăng Liễu Hạnh" xuất hiện. Năm 1975 đã ra đời tên "Lăng Liễu Hạnh".

- Tên "Lăng Liễu Hạnh" là sản phẩm của một thời kì lịch sử đã qua đi, trong đó có nhiều năm chống mê tín di đoan rộng khắp, đền chùa miếu mạo từng bị phá hủy hàng loạt.

- Sau Đổi Mới, tín ngưỡng dân gian được dần phục hồi, đền chùa miếu mạo được trùng tu tôn tạo. Hội Phủ Giầy đã được mở thử nghiệm trở lại từ nửa sau thập 1990.

20/01/2025

"Lăng Mẫu Liễu Hạnh" đầu năm 2025 - bài 1 (thay đổi tên di tích cho đúng lịch sử và tín ngưỡng)

Lăng tọa lạc tại xứ Cây Đa (hay xứ Cây Đa Bóng) của xã An Thái huyện Thiên Bản danh tiếng xưa kia.

1. Xã An Thái (thời Lê và đầu thời Nguyễn) sau này được đổi thành xã Tiên Hương. Xã Tiên Hương sau này hợp nhất với các xã khác ở bên cạnh để thành xã Kim Thái ngày nay, nên "xã Tiên Hương" xưa trở thành "thôn Tiên Hương" ngày nay.

Lăng cũ xây gạch (trước năm 1938), qua ảnh và miêu tả của văn nhân, cũng đã thấy có qui mô. Ví dụ, có thể đọc miêu tả của các văn nhân như Kiều Oánh Mậu (viết năm 1910 khi ông tới thăm xã Tiên Hương), hay nhóm các nhà báo nhà khảo cứu danh tiếng là Thiện Đình và Trần Duy Vôn của Nam Định thời đầu 1930s.