Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/10/2021

Nhân vật Trần Dân Tiên (Tran Dan Tien) - nhóm TDLS nhận định là Giao Blog chỉ hé mở từ từ

Nhận định như vậy của nhóm Tư duy lịch sử đã được đi trên Fb từ năm 2018. Đại khái, nhóm này viết:

"P/s: Đặc biệt tham khảo sưu tầm bút luận trên Giao Blog (chuyên gia này chắc chắn biết hơn rất nhiều, nhưng lại chỉ hé từ từ). Vấn đề này cần được tiếp tục cập nhật khi có thêm dữ kiện mới.".

Quả đúng vậy. Hầu như, cho đến nay (tháng 10 năm 2021), Giao Blog mới chỉ hé chút xíu mà thôi. 

Khi có điều kiện thuận lợi, với tư cách là học giả, tôi sẽ cho công bố chính thức dần trên một tạp chí học thuật. 

Dưới là bài của nhóm Tư duy lịch sử.

Các cập nhật và bổ sung cũng sẽ được dán dần lên như mọi khi.

Tháng 10 năm 2021,

Giao Blog

Bản đồ Việt Nam trong Hồ Chí Minh truyện 
(chụp từ nguyên bản năm 1949 bằng điện thoại di động, và thêm vào lời dịch chú thích vốn bằng chữ Hán ở trên đó)

(https://giaovn.blogspot.com/2013/09/sach-cua-tran-dan-tien-xuat-ban-nam.html)




---

Bài của nhóm Tư duy lịch sử

"

THẢO LUẬN :
-----
Lời dẫn:
*
Bút danh Trần Dân Tiên (#TDT) chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần với tác phẩm '#Những_mẩu_chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh'. Chẳng vấn đề gì cho đến khi ai đó nghĩ ra: Hồ Chí Minh (#HCM) 'thiếu khiêm nhường' khi dùng bút danh TDT tự tôn mình làm "#Cha_già dân tộc" trong sách trên [1]. Tranh luận nổ ra chủ yếu theo hướng 'Có hay Không' việc TDT là bút danh của HCM. Suy nghĩ đơn giản kiểu vậy đã che mờ những câu chuyện lịch sử thú vị phía sau 'Những mẩu chuyện'.
*
Qua những bút luận nghiêm túc cho đến gần đây, có thể thấy 'Những mẩu chuyện' thực chất là một tiểu sử của HCM, là tài liệu chính trị #đối_ngoại quan trọng của VNDCCH trong vòng vây sau thời điểm 1947 với phiên bản đầu tiên bằng tiếng #Pháp.
--
1. KHÁI QUÁT NỘI DUNG 'NHỮNG MẨU CHUYỆN'
<Theo bản in năm 2001 của NXB Văn học, Hà Nội [1]>
*
Sau 2/9/1945, 'tác giả TDT' xin phép HCM được viết tiểu sử của Chủ tịch, nhưng không được đồng ý. Không nản chí, TDT dựng lại chân dung HCM từ thuở thanh niên đến sau CMT8 qua lời kể của những 'người quen' và tư liệu thời sự. Câu chuyện không liền mạch do có nhiều quãng thời gian nhân vật chính "mất tích"
🤔
. Thời điểm cuối được đề cập trong sách là 8/1947. [1].
--
2. 'NHỮNG MẨU CHUYỆN' KHÔNG PHẢI TIỂU SỬ ĐẦU TIÊN VỀ HCM
*
1931- 1945: Một số tác giả Pháp đã có tiểu sử Nguyễn Ái Quốc (#NAQ) đến thời điểm vụ án Hương Cảng [2][3][4].
*
1946: Tại VN có một số tiểu sử của HCM đến thời điểm CMT8.
*
5/1947: Phòng thông tin VNDCCH tại Paris giới thiệu đến người nước ngoài và kiều bào cuốn 'Chủ tịch HCM' ('Le Président Ho Chi Minh') [3].
--
3. TỪ NGUYÊN TÁC TIẾNG PHÁP TỚI 'NHỮNG MẨU CHUYỆN'
*
1947: Tiểu sử HCM bằng tiếng Pháp (#TSHCMTP) được hoàn thành và được Xuân Hiên dịch ra tiếng Việt với tên gọi '#Tiểu_sử_Hồ_Chủ_tịch', chính là 'Những mẩu chuyện' sau này [5][6]. (Chưa rõ TSHCMTP và 'Le Président Ho Chi Minh' có trùng nội dung hay không.)
*
1948: Đoàn ngoại giao hướng Thái Lan- Miến Điện, được giao TSHCMTP có #bút_tích trực tiếp sửa chữa của HCM. Tài liệu này được đoàn dịch ra tiếng #Thái và Việt tại Thái Lan, ra tiếng #Anh tại Rangoon rồi chuyển sang Praha (nơi có cơ quan đại diện của VNDCCH). [5].
*
6/1949: 'Tiểu sử Hồ Chủ tịch' được xuất bản tại Thượng Hải bằng tiếng #Trung với tên gọi '#HCM_truyện'. Trong đó bút danh 'Tran Dan Tien' #lần_đầu xuất hiện với tư cách tác giả. (Đây là một trong những động thái ngoại giao "cầu hòa" với Tưởng Giới Thạch của đoàn công tác VNDCCH từ cuối 1948, trong một chuyến đi hiện "chưa được giải mã"). [3][6].
*
6/1949: 'Tiểu sử Hồ Chủ tịch' được in tại Pháp (có tái bản 1951) với tên tác giả là Trần Ngọc Danh. Tuy nhiên có thể đó là nhầm lẫn vì Trần Ngọc Danh từ 1948 đã bỏ nhiệm sở Paris sang Praha rồi tố cáo với Stalin rằng HCM không phải cộng sản 'xịn'. [3].
*
1955: 'Tiểu sử Hồ Chủ tịch' lần đầu được xuất bản ở VN với #tên_mới nổi tiếng hơn: 'Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch HCM'. Sách được giới thiệu là do tác giả TDT hoàn thành năm 1948.
*
Tuy nhiên, theo Song Thành (nguyên Viện trưởng Viện HCM) [6]: "Trải qua nhiều lần biên tập của giới tuyên huấn đầy thẩm quyền thời bấy giờ, cuốn sách đã bị #lược_bỏ đi nhiều nội dung quan trọng, rất có giá trị đối với nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Theo tôi, nếu thật sự tôn trọng Cụ Hồ, nếu có tái bản lần tới đây, ở thời điểm hiện nay, nên phục hoàn lại nguyên cảo của tác giả, như vậy sẽ giải minh cho nhiều điều hiện đang bị hiểu sai về Cụ, và như thế cũng sẽ trung thực với lịch sử hơn."
*
So với 'Tiểu sử Hồ Chủ tịch', 'Những mẩu chuyện' #thiếu 'Chương 27- Những người khách Mỹ của Cụ Hồ trước Cách mạng tháng Tám'. Ngoài ra còn thiếu mất tình tiết Nguyễn Tất Thành chủ động đăng lính Anh trong thế chiến thứ nhất với mục đích “tranh đấu cho tự do của các dân tộc khác gần như là tranh đấu cho dân tộc ta” nhưng không được nhận. Theo Song Thành, tình tiết này "do chính Cụ Hồ viết ra". [5][6].
*
Như vậy, với mục đích là tài liệu chính trị đối ngoại tới 'thế giới tự do' vào thời điểm sau 1947, vài điểm đáng chú ý về những phiên bản đầu của 'Những mẩu chuyện' là:
- Chủ yếu là #ngoại_ngữ, được phát hành và giới thiệu tại nước ngoài.
- Bản in ở từng nước có thể được #biến_thể đôi chút cho gần gũi với độc giả ở đó [7].
- Bên cạnh quá khứ phương Tây đã biết về HCM đến thời điểm vụ án Hương Cảng, thì giai đoạn 7 năm HCM sống cùng cộng sản (1934- 1941) được sách 'tế nhị' ghi là "#mất_tích" do thiếu tư liệu
😄
.
- Trong khi đó, một số đoạn về HCM với 'thế giới tự do' lại trở thành '#nhạy_cảm' sau này và 'tạm' bị lược bỏ.
--
4. HCM GÓP GÌ VÀO 'NHỮNG MẨU CHUYỆN'?
*
Với nhiệm vụ đối ngoại nói trên, HCM chắc chắn có vai trò quan trọng trong việc hình thành nguyên tác TSHCMTP:
- Cung cấp thông tin cho sách [5], trong đó có những thông tin 'độc quyền' như việc đăng lính tại Anh, hay gặp già Lý trong tù.
- Ít nhiều trực tiếp viết. [5][6].
- Trực tiếp có bút tích sửa lỗi [5].
*
Tuy nhiên, đối với các bản dịch tiếng Việt sau này, HCM có vẻ không chú ý nếu xét đến 2 thực tế dưới đây.
*
Đó là việc đoàn ngoại giao hướng Thái Lan- Miến Điện đã phải chờ khá lâu để lấy được bản TSHCMTP do HCM trực tiếp sửa lỗi, để rồi sang Thái Lan lại phải dịch ra tiếng Việt phục vụ kiều bào [5], dù rằng bản dịch tiếng Việt của Xuân Hiên có lẽ đã xong từ 1947 [6].
*
Đó là việc 'Những mẩu chuyện' của TDT không được đính chính những lỗi mà HCM sau này không hề nhầm lẫn trong cuốn 'Vừa đi đường vừa kể chuyện' (bút danh T. Lan, 1961) [8]. Vài ví dụ về những lỗi Nguyễn Thanh Tùng [9] phát hiện là:
- HCM lần đầu đến Liên Xô: Theo TDT là sau khi Lenin mất (1924). Thực tế là 1923 [10] phù hợp với T. Lan viết (trước khi Lenin mất).
- Luật sư cãi cho NAQ trước "Hội đồng nhà vua": Theo TDT là "luật sư Xít-ta-pho Cơ-ríp". Theo T. Lan là "luật sư Nô-oen Pơ-rít". Thực tế thì Nowell Pritt là luật sư cãi cho NAQ, còn Stafford Cripps là người ra quyết định thả [11][12].
- Phát âm tên của luật sư ân nhân Loseby: Theo TDT là "Lô-dơ-bai" (xuất hiện hơn chục chỗ nên khó là 'lỗi đánh máy'). Theo T. Lan là "Lô-dơ-bi", là phát âm đúng [13].
--
5. MỨC ĐỘ THAM GIA CHẤP BÚT CỦA HCM?
*
Nhiều bài viết trong và ngoài nước cùng kết luận rằng TDT viết 'Những mẩu chuyện' chính là HCM. Trong số đó, hình như #chỉ_có 'Hà Minh Đức 'xuất trình' được nguồn là 'Những sự kiện lịch sử Đảng tập 1 trang 672, xuất bản năm 1976' khi khẳng định TDT là bút danh của HCM [14]. (Trong khi Song Thành lại phân vân rằng cuốn 'Những sự kiện lịch sử Đảng' chưa phải tài liệu nghiên cứu và có một số sai sót [3].)
*
Xét đến việc HCM ít khả năng liên quan đến bản dịch 'Những mẩu chuyện' (đặc biệt khi sách có lỗi phát âm sai tên ân nhân Loseby), cách đặt vấn đề nghiên cứu hợp lý hơn có lẽ là: HCM tham gia đến đâu trong việc chấp bút TSHCMTP? Hiện việc này chưa đủ căn cứ để kết luận, ngoại trừ những thông tin và suy luận gián tiếp.
*
Nếu kết luận #một_mình HCM viết toàn bộ TSHCMTP, thì sẽ khó tin được rằng HCM đã mắc những sơ suất mà dấu vết còn lưu trong bản dịch 'Những mẩu chuyện' (như Nguyễn Thanh Tùng đã nêu).
*
Về giả thiết HCM có #nhóm chấp bút:
- Nguyên Khôi (nguyên phó vụ trưởng văn phòng QH) nghe các "đàn anh" kể lại: Hoàng Quốc Việt có sáng kiến viết sách cho nhu cầu đối nội- đối ngoại, và nhóm chấp bút có sự tham gia của Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh [15].
- Vũ Thư Hiên từng nghe Vũ Đình Huỳnh (thân phụ ông Hiên, nguyên thư ký của HCM) nói sáng kiến viết sách là của Nguyễn Lương Bằng, nhưng không chắc chắn về nhóm chấp bút [16].
- Nghiên cứu của Đức Vượng ủng hộ giả thiết có nhóm chấp bút theo thông tin do HCM cung cấp, và HCM có thể có viết một số đoạn [5].
*
Một 'ứng viên tiềm năng' cho nhiệm vụ chấp bút này theo Nguyễn Thanh Tùng [9] có thể là Đặng Thai Mai khi ông này qua hồi ký [17] và tư liệu khá giống với mô tả về tác giả trong 'Những mẩu chuyện', đó là:
- Cũng dự lễ quốc khánh tại Ba Đình.
- Cũng gặp HCM ngày 4/9/1945.
- Trong thời gian ở cùng chỗ với HCM năm 1946, từng hỏi han HCM về quãng đời hoạt động.
--
6. TẠM KẾT
*
Nguyên tác TSHCMTP cùng các bản dịch từ nguyên tác này từng là tài liệu chính trị đối ngoại quan trọng của VNDCCH trong giai đoạn 1948-1949. Trong việc hình thành TSHCMTP, HCM có vai trò lớn nhưng chưa thể rõ về mức độ tham gia chấp bút.
*
TDT không phải bút danh ban đầu của tác giả cuốn TSHCMTP (1947). TDT chỉ được gán làm tác giả kể từ bản dịch tiếng Trung 'HCM truyện' năm 1949. Có thể đó là nguyên nhân của việc nhầm tên tác giả (thành Trần Ngọc Danh) trong các bản in tại Paris năm 1949-1951.
*
'Những mẩu chuyện' là tên một bản dịch tiếng Việt đã bị lược bỏ một số đoạn so với nguyên tác TSHCMTP, chỉ chính thức xuất hiện tại VN từ 1955. Nhưng hình như HCM không để ý đến bản dịch này, trong khi lại 'đầu tư' cho 'Vừa đi đường vừa kể chuyện', kể về nhiều sự kiện- tình tiết từng có trong 'Những mẩu chuyện' với một văn phong khác.
*
Về nội dung, dù có những chi tiết sai sót, chưa thấy những phê bình lớn về sự kiện lịch sử được nêu trong 'Những mẩu chuyện'.
*
Trong 'Những mẩu chuyện' có 4 chỗ tôn vinh HCM là "Cha già của dân tộc" hoặc gần nghĩa như vậy. Hiện chưa rõ nguyên bản tiếng Pháp của các đoạn văn này. Tuy nhiên, rất lâu từ trước khi 'Những mẩu chuyện' được biết đến rộng rãi trong nước (1955), việc HCM được nhiều người bất kể tuổi tác gọi là "Cha già dân tộc" là một thực tế dễ tìm lại trên báo chí thời đó (ví dụ như [18]). Do vậy, nói 'Những mẩu chuyện' là nguồn gốc của danh xưng "Cha già dân tộc" là võ đoán.
*
Quay lại việc ai đã viết 'Những mẩu chuyện' (hay đúng hơn là viết nguyên tác TSHCMTP), dù có câu trả lời thì cách nhìn nhận vẫn khó giống nhau:
- Nếu HCM viết toàn bộ: Sẽ có nhóm quy kết đó là 'bất kính với Hùng Vương'. Ngược lại, sẽ có nhóm khác coi đó là 'nghệ thuật chính trị' phục vụ kháng chiến, chẳng khác gì việc Nguyễn Trãi 'vẽ' trên lá câu "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" [19].
- Nếu HCM có nhóm chấp bút như bao lãnh tụ khác, thì vẫn có người quy kết đó là 'thiếu khiêm nhường' [16].
*
Ở góc nhìn khác đối với nhóm độc giả thiên về duy lý, ai viết không quan trọng bằng việc họ 'viết gì- cho ai- để làm gì'./.
-----
P/s: Đặc biệt tham khảo sưu tầm bút luận trên Giao Blog, (chuyên gia này chắc chắn biết hơn rất nhiều, nhưng lại chỉ hé từ từ
😄
). Vấn đề này cần được tiếp tục cập nhật khi có thêm dữ kiện mới.
-----
Tham khảo:
[1]: TDT. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB Văn học, Hà Nội, 2001. Trong cả quyển xuất hiện 4 chỗ: "Cha Hồ", "cha hiền" (của nhân dân), "Cha già Hồ Chí Minh", "Cha già của dân tộc".
[2]: Giao Blog. Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc.
[3]: Song Thành. Những tác phẩm về tiểu sử Hồ Chí Minh xuất hiện sau ngày độc lập.
[4]: Tam Thanh. Nguyễn Ái Quốc và làn sóng đỏ trên đất Việt (1929-1932).
[5]: Kiều Mai Sơn. Góp thêm tư liệu về cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch" & tác giả Trần Dân Tiên.
[6]: Song Thành. Trao đổi thêm về quãng thời gian "trống" trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[7]: Ngô Trần Đức. Thêm tài liệu quý về Hồ Chí Minh.
[8]: T. Lan. Vừa đi đường vừa kể chuyện.
[9]: Nguyễn Thanh Tùng. Đã tìm thấy Trần Dân Tiên?
[10]: Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890- 1969)
[11]: BBC. Bộ trưởng Anh từng thả Hồ Chí Minh.
[12]: New York Times. D. N. Pritt, British Lawyer, Dies; Defended Ho ChiMinh, Kenyatta.
[13]: Vietnamnet. Rắc rối tên của luật sư bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc
[14]: Giao Blog. Một phần tư thế kỉ đi qua, vẫn kiên trì quan điểm Trần Dân Tiên là bút danh của Hồ Chủ tịch, vì dựa chắc chắn theo tài liệu chính qui.
[15]: Thái Doãn Hiểu. Trần Dân Tiên thực sự là ai?
[16]: Giao Blog. Xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên về nhân vật Trần Dân Tiên.
[17]: Đặng Thai Mai. Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ.
[18]: Võ Liêm Sơn. Thờ dân xin tận hiếu, thờ nước xin tận trung. Báo Cứu quốc ngày 21/10/1948. (Nhân sĩ Võ Liêm Sơn hơn HCM 2 tuổi, theo Sơn Tùng thì còn là bạn của Nguyễn Sinh Khiêm.)
[19]: Trần Khuê- Ng. Thị Thanh Xuân. Về Vấn Đề Dùng Bút Danh “Trần Dân Tiên” Của Cụ Hồ.
-----
Ảnh: Bìa 'HCM truyện' xuất bản tại TQ năm 1949, nơi lần đầu bút danh TDT xuất hiện.

"

https://www.facebook.com/TuDuyLichSu/posts/1259870524146388

.


---




Những entry liên quan đã đi trên blog này:























































Hồ sơ năm 1933 của trùm mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu
Năm 1931, Louis thì khen Nguyễn Yêu Nước, còn Phan Khôi thì khen Louis : dám vứt An Nam, dùng Việt Nam
Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc
Ai là người đầu tiên tìm ra bức thư xin nhập học năm 1911 : Vũ Ngự Chiêu đưa ra niên đại 1983


1 nhận xét:

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.