Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/05/2017

cuốn "Tiểu sử Hồ Chủ tịch" do Xuân Hiên dịch, vào năm Đinh Hợi (1947)

Đó là chi tiết được cụ Song Thành (nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh) trình bày trong một bài viết đã công bố năm 2015.

Tuy nhiên, cụ Song Thành cũng không biết Trương Niệm Thức là ai. Vì không biết gì về họ Trương, nên cụ Song Thành diễn giải không chính xác về bản dịch đó.

Ông Hồ Tuấn Hùng (Đài Loan) phán liều lĩnh rằng Trương Niệm Thức chỉ là một dịch giả ảo, không có thật. Còn cụ Song Thành thì bảo không biết Trương người Việt hay người Tàu.

Về cụ Trương Niệm Thức, tôi sẽ công bố trên tạp chí chính thống khi tiện dịp, như đã nói ở đây. Bây giờ, đọc cụ Song Thành viết năm 2015.

1. Đoạn ngắn

"
Trong bản thảo đầu tiên của cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch (tiền thân của cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch công bố sau này), ở trang bìa ghi là do Xuân Hiên dịch, dự đoán là được khởi thảo khoảng năm 1947 (vì ở trang 5 có câu: Chủ tịch sinh năm Tân Mão, nghĩa là năm 1891, năm nay là năm Đinh Hợi, vậy Chủ tịch đã 56 tuổi). Ở trang 22 (bản thảo đánh máy này gồm 126 trang khổ A4, hiện lưu tại Viện Lịch sử Đảng), có viết về sự việc nhập ngũ này như sau:
"

Thật ra, cần viết rõ thêm một chút, rằng: do Xuân Hiện dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Tức là, bản thảo đầu tiên là bằng tiếng Pháp.



2. Đoạn dài

Sẽ thấy cụ Song Thành nhắc đến những nhân vật như Hoàng Văn Hoan hay Nguyễn Đức Thụy (tức Thụy Tàu:

"
2. Về sự kiện Paul Thành tình nguyện đăng lính tại Anh
Với đa số bạn đọc trẻ, sự kiện này có vẻ lạ, hơi “giật gân”, nhưng trong giới nghiên cứu, không cần đến lời “trối trăng” của ông Vũ Kỳ với nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Tình mới được biết, mà họ đã biết từ lâu, do chính Cụ Hồ viết ra. Vấn đề là còn phải tìm hiểu, xác minh xem việc tình nguyện đăng lính đó có trở thành hiện thực hay không.
Trong bản thảo đầu tiên của cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch (tiền thân của cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch công bố sau này), ở trang bìa ghi là do Xuân Hiên dịch, dự đoán là được khởi thảo khoảng năm 1947 (vì ở trang 5 có câu: Chủ tịch sinh năm Tân Mão, nghĩa là năm 1891, năm nay là năm Đinh Hợi, vậy Chủ tịch đã 56 tuổi). Ở trang 22 (bản thảo đánh máy này gồm 126 trang khổ A4, hiện lưu tại Viện Lịch sử Đảng), có viết về sự việc nhập ngũ này như sau:
“Chiến tranh thế giới bùng nổ! Nhận được tin tuyên chiến, ai nấy đều phấn khởi, chen chúc nhau trước Điện Buckingham, tung hô Hoàng đế và Hoàng hậu. Người ta vỗ tay hoan hô những binh sĩ sắp đi ra chiến trường. Cả dân tộc reo mừng như ngày hội… Nhưng lòng hân hoan không mấy chốc đã nhường chỗ cho lo lắng. Người Pháp ở Luân Đôn cũng nhận được lệnh tòng quân. Nhiều người khóc, nhất là đàn bà”…
“Ba rủ tôi cùng tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Anh. Tôi bảo Ba: Chắc bạn không điên chứ! Vào quân đội là đi đánh nhau, là đi vào chỗ chết, có phải trò đùa đâu!
“- Chúng ta phải tranh đấu cho tự do của các dân tộc khác gần như là tranh đấu cho dân tộc ta vậy”…
“Thấy tôi vẫn giữ vững lập trường, Ba đi một mình đến phòng tuyển lính. Nhưng Ba không đạt vì thiếu điều kiện. Ba trở về buồn lắm. Sau cùng, Ba đem số tiền dành dụm của mình hiến vào quỹ lạc quyên của Hoàng tử xứ Galles”.
Năm sau, bản thảo cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch được sửa sang thêm, đánh máy lại, trình bày đẹp, sáng sủa, mượt mà hơn, tuy nhiên đoạn văn trên vẫn được giữ nguyên. Đây là bản được Trương Niệm Thức dịch sang Trung văn, in ở Thượng Hải tháng 6-1949, với tên Hồ Chí Minh truyện. Hiện nay ta vẫn chưa được biết Trương Niệm Thức - người dịch, là ai, Tàu hay ta, chỉ biết rằng trong chuyến đi Nam Kinh năm đó, có những người Việt sống lâu ở Tàu, rất giỏi Trung văn, như Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Đức Thụy, còn gọi là Thụy Tàu. Bản dịch rất trung thành, tuy đôi chỗ chưa dịch thật đúng ý tác giả. Cuốn này hiện vẫn lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Hà Nội. (Tiếc rằng, khi cuốn Tiểu sử này được công bố ở Việt Nam lần đầu năm 1955 với tên mới Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trải qua nhiều lần biên tập của giới tuyên huấn đầy thẩm quyền thời bấy giờ, cuốn sách đã bị lược bỏ đi nhiều nội dung quan trọng, rất có giá trị đối với nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Theo tôi, nếu thật sự tôn trọng Cụ Hồ, nếu có tái bản lần tới đây, ở thời điểm hiện nay, nên phục hoàn lại nguyên cảo của tác giả, như vậy sẽ giải minh cho nhiều điều hiện đang bị hiểu sai về Cụ, và như thế cũng sẽ trung thực với lịch sử hơn).

"

Hồ Chí Minh truyện - TRAN DAN TIEN viết, Trương Niệm Thức dịch ra tiếng Trung,
xuất bản năm 1949 tại Thượng Hải (Nxb Tháng Tám)


Toàn văn ở dưới, lấy về từ Hồn Việt.


Tháng 5 năm 2017,
Giao Blog


---




Toàn văn

HV99 - Trao đổi thêm về quãng thời gian "trống" trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh

16 Tháng Mười Hai 2015 2:15 CH 
GS SONG THÀNH*

Bookmark and Share

Hình ảnh của HV99 - Trao đổi thêm về quãng thời gian "trống" trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh


Phần đầu bài viết, Quốc Phong căn cứ “vào các hiện vật gốc của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh” và theo các sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (của Trần Dân Tiên), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (NXB Sự Thật, 2006), điểm lại 3 sự kiện hiếm hoi trong 4 năm hoạt động đó của Bác Hồ: năm 1914, Nguyễn Tất Thành từ Anh gửi thư cho “Nghi bá đại nhân” (Phan Châu Trinh); năm 1915, Nguyễn Tất Thành (ký tên “Paul Thành”) viết thư cho Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha đang sống ở Nam kỳ và năm 1917, Nguyễn Tất Thành rời Anh trở lại Pháp.
Phần tiếp, tác giả đặt vấn đề và đưa ra dẫn chứng từ cuốn sách Hồ Chí Minh với nước Nga (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2013) và “từ những nguồn đáng tin cậy” về việc trong khoảng thời gian nói trên, Bác Hồ còn một hoạt động đáng chú ý khác: “Làm lính (tại) Pháp (vào thời gian) 1914-1918”.
Dẫn chứng từ sách Hồ Chí Minh với nước Nga, Quốc Phong nói đến “bản khai lý lịch được lập theo lời của chính Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-9-1934 để đến tháng 10 năm đó được nhập học Trường Quốc tế Lenin, với bí danh Linôp (Linof) có năm sinh là 1894”.
Dẫn chứng từ “những nguồn đáng tin cậy”, tác giả cho biết rằng đã được nghe thuật lại phần nào “lời trăn trối” của ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ) về việc Bác từng “đi lính thay cho con trai của Vua Bếp A. Escoffier, người Pháp, khi đó làm việc ở khách sạn Carlton, London, Anh với lời hứa sẽ giữ kín vụ việc này”. Người thuật lại cho tác giả nghe là TS Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
H.V.
Vừa qua, tạp chí Xưa & Nay số 464 (tháng 10-2015) đăng bài Về một quãng thời gian “trống” trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Quốc Phong, trong đó công bố một tư liệu liên quan đến tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhiều bạn đọc quan tâm. Đó là một việc làm mạnh dạn, đáng hoan nghênh, bởi ở thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, người đọc có nhu cầu được tiếp cận với những sự thật lịch sử (chi tiết, số liệu, sự kiện, nhân vật) đã diễn ra trong quá khứ, có liên quan đến vận mệnh của quốc gia - dân tộc, để có thể nhận thức và đánh giá lại đúng-sai, công-tội một cách khách quan và công bằng hơn. Trước đây, nhiều nước quy định thời gian bạch hóa thông tin - dữ liệu mật quốc gia là sau 50 năm, rồi rút xuống 20 năm, nay nhiều nước quy định chỉ còn 10 năm, thậm chí như vừa qua ông cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã công bố sai lầm của Chính phủ Anh trong cuộc chiến tranh Iraq (thời ông làm Thủ tướng) chỉ sau có 7 năm.
Hy vọng rằng qua sự việc này, giới sử học sẽ kiến nghị với Quốc hội nên sớm ban hành Luật giải mật thông tin quốc gia, sau bao nhiêu năm thì người dân có quyền đòi hỏi nhà nước công bố cho biết sự thật về những sự kiện và con người mà họ cần được biết, vì trên thực tế, chúng xảy ra đã quá lâu, chẳng còn gì là “bí mật”, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia nữa!
* * *
Trở lại vấn đề đặt ra, tôi vừa hoan nghênh, vừa muốn trao đổi thêm đôi điều với tác giả bài báo và tạp chí Xưa & Nay, nhằm giúp bạn đọc nhận thức được vấn đề bài báo nêu lên một cách đầy đủ và gần với sự thực hơn.
1. Về bản Lý lịch cá nhân của Nguyễn Ái Quốc, bí danh Lin, in trong bài báo
Hồ sơ, lý lịch Nguyễn Ái Quốc lưu ở Quốc tế Cộng sản rất nhiều, được ông khai ở những thời điểm khác nhau (1923, 1924, 1927, 1934, 1935, 1936, 1938…), tuy cơ bản là giống nhau nhưng cũng có đôi điều sai lệch, có khi ngược nhau, vì những lý do nào đó, nên cần được xem xét, đánh giá một cách thận trọng.
Rõ ràng bản chụp lý lịch in trong bài viết đã đăng, ngay trên dòng đầu đã ghi rõ là Lý lịch cá nhân của Nguyễn Ái Quốc, bí danh Lin, cuối trang cũng ghi rõ thiết lập dựa trên lời khai của đồng chí Lin, nội dung lời khai kết thúc ở năm 1927 (khi xảy ra phản biến của Tưởng Giới Thạch tháng 4-1927, ông Nguyễn phải theo phái bộ Bôrôđin trở về Mátxcơva)(1), ngày tháng khai là 16 tháng 9 và chữ ký của người thiết lập là Zêrốpxki; thế mà tác giả bài viết lại cho rằng đây là bản lý lịch Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-9-1934 (tức 7 năm sau) với bí danh Linốp để vào học Trường Quốc tế Lênin! (Nếu thế, bản lý lịch này phải bổ sung nhiều sự kiện hơn nữa: về thời kỳ hoạt động ở Xiêm, việc hợp nhất các nhóm cộng sản, lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vụ án Hồng Kông). Nói cách khác, bản khai năm 1934, sau khi ra khỏi nhà tù Victoria ở Hồng Kông rồi thoát khỏi Thượng Hải, về được Mátxcơva, thì có nhiều vấn đề rắc rối, phức tạp mà ông Nguyễn phải giải trình kỹ hơn nhiều.
2. Về sự kiện Paul Thành tình nguyện đăng lính tại Anh
Với đa số bạn đọc trẻ, sự kiện này có vẻ lạ, hơi “giật gân”, nhưng trong giới nghiên cứu, không cần đến lời “trối trăng” của ông Vũ Kỳ với nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Tình mới được biết, mà họ đã biết từ lâu, do chính Cụ Hồ viết ra. Vấn đề là còn phải tìm hiểu, xác minh xem việc tình nguyện đăng lính đó có trở thành hiện thực hay không.
Trong bản thảo đầu tiên của cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch (tiền thân của cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch công bố sau này), ở trang bìa ghi là do Xuân Hiên dịch, dự đoán là được khởi thảo khoảng năm 1947 (vì ở trang 5 có câu: Chủ tịch sinh năm Tân Mão, nghĩa là năm 1891, năm nay là năm Đinh Hợi, vậy Chủ tịch đã 56 tuổi). Ở trang 22 (bản thảo đánh máy này gồm 126 trang khổ A4, hiện lưu tại Viện Lịch sử Đảng), có viết về sự việc nhập ngũ này như sau:
“Chiến tranh thế giới bùng nổ! Nhận được tin tuyên chiến, ai nấy đều phấn khởi, chen chúc nhau trước Điện Buckingham, tung hô Hoàng đế và Hoàng hậu. Người ta vỗ tay hoan hô những binh sĩ sắp đi ra chiến trường. Cả dân tộc reo mừng như ngày hội… Nhưng lòng hân hoan không mấy chốc đã nhường chỗ cho lo lắng. Người Pháp ở Luân Đôn cũng nhận được lệnh tòng quân. Nhiều người khóc, nhất là đàn bà”…
“Ba rủ tôi cùng tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Anh. Tôi bảo Ba: Chắc bạn không điên chứ! Vào quân đội là đi đánh nhau, là đi vào chỗ chết, có phải trò đùa đâu!
“- Chúng ta phải tranh đấu cho tự do của các dân tộc khác gần như là tranh đấu cho dân tộc ta vậy”…
“Thấy tôi vẫn giữ vững lập trường, Ba đi một mình đến phòng tuyển lính. Nhưng Ba không đạt vì thiếu điều kiện. Ba trở về buồn lắm. Sau cùng, Ba đem số tiền dành dụm của mình hiến vào quỹ lạc quyên của Hoàng tử xứ Galles”.
Năm sau, bản thảo cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch được sửa sang thêm, đánh máy lại, trình bày đẹp, sáng sủa, mượt mà hơn, tuy nhiên đoạn văn trên vẫn được giữ nguyên. Đây là bản được Trương Niệm Thức dịch sang Trung văn, in ở Thượng Hải tháng 6-1949, với tên Hồ Chí Minh truyện. Hiện nay ta vẫn chưa được biết Trương Niệm Thức - người dịch, là ai, Tàu hay ta, chỉ biết rằng trong chuyến đi Nam Kinh năm đó, có những người Việt sống lâu ở Tàu, rất giỏi Trung văn, như Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Đức Thụy, còn gọi là Thụy Tàu. Bản dịch rất trung thành, tuy đôi chỗ chưa dịch thật đúng ý tác giả. Cuốn này hiện vẫn lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Hà Nội. (Tiếc rằng, khi cuốn Tiểu sử này được công bố ở Việt Nam lần đầu năm 1955 với tên mới Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trải qua nhiều lần biên tập của giới tuyên huấn đầy thẩm quyền thời bấy giờ, cuốn sách đã bị lược bỏ đi nhiều nội dung quan trọng, rất có giá trị đối với nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Theo tôi, nếu thật sự tôn trọng Cụ Hồ, nếu có tái bản lần tới đây, ở thời điểm hiện nay, nên phục hoàn lại nguyên cảo của tác giả, như vậy sẽ giải minh cho nhiều điều hiện đang bị hiểu sai về Cụ, và như thế cũng sẽ trung thực với lịch sử hơn).
Qua đoạn văn được dẫn ở trên, ta thấy việc anh Ba tình nguyện tòng quân đâu phải là để trả nghĩa cho lòng tốt của ông đầu bếp Escoffier đối với cá nhân mình, mà phải thấy đó là một nghĩa cử đầy tinh thần quốc tế cao cả và trong sáng. Theo tôi, về sự kiện đăng lính này chưa đủ căn cứ để khẳng định và lý giải thuyết phục cho những băn khoăn dưới đây:
- Đăng lính vào quân đội Anh, thời gian từ 1914 đến 1918, mà lại ghi địa điểm là ở Pháp? Nếu vậy, trong những năm đóng quân và chiến đấu ở Pháp sao không thấy có thư từ liên lạc hoặc cuộc viếng thăm nào đến Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… trong các năm ấy?
- Chiến tranh kết thúc, đang ở Pháp, lý do nào khiến anh Ba lại phải đi làm bồi bàn tận bên Mỹ, đi và về bằng cách nào, tiền đâu mà mua vé, phải đâu chỉ như vượt biển Manche có vài chục kilômét, mà phải vượt qua 2 đại dương, vào lúc không còn là bồi tàu, thủy thủ như ngày xưa? Có tư liệu nào khác xác nhận sự kiện này không? Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử tập 1 (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2006), anh Thành chỉ đi Mỹ có một lần, khi nhận làm phục vụ trên tàu chở hàng, tới New York vào giữa tháng 12-1912, vài tháng sau lại theo tàu trở về Le Havre, rồi sang Anh. Sự kiện này được xác nhận bởi bức thư Nguyễn Tất Thành từ Mỹ gửi cho Khâm sứ Trung kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là ông Nguyễn Sinh Huy. Thư còn kèm theo địa chỉ hòm thư lưu của anh Thành ở Số 1, đường Đô đốc Courbet, Le Havre, nước Pháp. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh ở nước ngoài (như Sophie Q. Judge) cũng tỏ ra không tin có sự kiện Nguyễn Ái Quốc đi Mỹ năm 1918-1919 (một điều rất khó thực hiện đối với hoàn cảnh Nguyễn Ái Quốc lúc ấy) rồi sau đó mới trở lại Paris đưa yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles ngày 18-6-1919, nên họ chỉ coi đó như là một động thái tuyên truyền của ông Nguyễn nhằm khuếch trương hoạt động của nhóm người Việt Nam yêu nước ở Paris khi ấy mà thôi.
Theo tôi, những sai lệch khi thiết lập tờ khai cũng dễ hiểu: một là khi đó (1927) ông Nguyễn chưa thật thạo tiếng Nga (ngay cả khi vào Trường Quốc tế Lênin năm 1934, ông vẫn theo học ở Ban tiếng Pháp); người hỏi bằng tiếng Nga, người trả lời bằng tiếng Pháp, sai lệch có thể xảy ra. Hơn nữa, đây chỉ là tờ khai khi vừa từ nước ngoài trở lại Mátxcơva, có tính chất thủ tục, cũng chẳng có dấu má xác nhận gì, nội dung khai cũng ngắn gọn, không thật cụ thể, chi tiết.
Điều này hoàn toàn khác với việc ông Nguyễn phải trả lời tới 40 câu hỏi trong bản khai khi mang tên mới Linof, hồi tháng 9-1934, để vào học Trường Quốc tế Lênin, đặc biệt là trong bản khai ngày 25-5-1936, có câu hỏi số 15: Có tham gia quân đội không, chức vụ gì? Câu trả lời là: Không (nghĩa là khác với lời khai ngày 16-9-1927).
Vì vậy, nếu cho rằng: sở dĩ trong các năm 1914-1918, vì anh Thành đi lính nên trong “Biên niên tiểu sử” có khoảng “trống” là một suy luận không có cơ sở. Ta được biết rằng thời gian đó, ở Paris, anh Thành chỉ có 2 người đồng bào quen thuộc là cụ Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường. Chiến tranh nổ ra, cả hai ông đều bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam vào ngục Santé, sau khi được thả ra, cụ Phan bị Pháp cắt trợ cấp, phải đi xuống một tỉnh phía Nam làm ảnh để sinh sống, ông Trường phải chuyển sang tỉnh Mayence làm luật sư, anh Thành mất địa chỉ liên lạc, nên thư từ không biết gửi về đâu, nếu có thì cũng đã bị một người Việt khác giữ hộ, do hai ông Phan bị bắt, sợ liên lụy, nên sau đó anh ta đã đốt đi.
Vậy trong thời gian 4 năm đó, nếu không đi lính, anh Thành làm gì và ở đâu, trước khi trở lại Pháp? Đây là một vấn đề đang được các nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ngoài quan tâm, ra sức tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới. Gần đây, báo chí Anh đưa tin: ông Martin Evans, giáo sư sử học châu Âu hiện đại tại University of Sussex (miền Nam nước Anh) có nói với BBC rằng ông mới được nghe một sự kiện mới: Hồ Chí Minh đã từng làm người nấu bếp và chuyên làm bánh trên chuyến phà nối Dieppe (Pháp) với Newhaven (Anh), vào thời gian ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Có thể ông ấy đã nghe nói về chương trình 14 điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson và Hòa hội Versailles, nên trong lúc tìm đường đến Paris, ông đã dừng lại đây một thời gian. Ông giáo sư nói chưa xác định được chính xác thời gian là bao lâu, nhưng đã làm việc với Hội đồng địa phương, và họ coi đây là một sự kiện lớn đối với Newhaven, muốn dựng tượng Hồ Chí Minh tại nơi đây để thu hút du khách, nhưng việc có nên dựng tượng hay không vẫn là điều đang còn tranh cãi(2).
Nhân đây, tôi cũng xin hé ra một nguồn tin, để các nhà nghiên cứu và bạn đọc có điều kiện thì đi sâu tìm hiểu, làm rõ thêm. Ở nước Anh, hiện có một bảo tàng tư nhân về Hồ Chí Minh mà còn rất ít người - nhất là người Việt Nam - được phép tiếp cận, vì chủ nhân muốn giữ bí mật, rất ngại bị làm phiền. Tôi có một người bạn cùng học thời trẻ, tốt nghiệp đại học tiếng Anh, tham gia quân đội, sau Hiệp định Paris, được cử vào Ban Liên hiệp quân sự 4 bên, trong Trại Davis ở Tân Sơn Nhất. Trước đó, hàng năm Chính phủ Anh vẫn có tài trợ một số học bổng cho chính quyền Sài Gòn để cử người đi tu nghiệp, nâng cao về tiếng Anh. Khi chính quyền về ta, số học bổng ấy vẫn chưa được phân phối hết, anh bạn sĩ quan của tôi may mắn được cử đi. Nơi học do họ chỉ định, trao một ngân phiếu đủ chi cho cả năm, còn ăn ở thì cho tự do tìm lấy theo sở thích. Bạn tôi may mắn được một gia đình người Anh ở thành phố thủ phủ của vùng Scotland, cho ở thuê. Khi biết anh nguyên là bộ đội giải phóng, lính của Cụ Hồ, thì họ lại càng quý hơn, coi như khách trong nhà, lễ tết, tiệc tùng nào họ cũng mời tham dự.
Noël năm ấy, chủ nhà mở tiệc mời bạn bè đón Giáng sinh, có nói trước với anh bạn tôi: “Tôi rất quý ông, vì ông là lính của Cụ Hồ - người mà chúng tôi rất kính trọng, người đã từng sống và làm việc ở Anh trong một số năm. Trong số thực khách đêm nay, tôi có mời vợ chồng ông bạn thân ở lâu đài đối diện sang dự. Vợ ông ấy vốn là con gái vị cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, người đã tham dự Hội đồng Liên hiệp quốc năm 1947 về thành lập 2 nhà nước Israel và Palestine, bà được thừa hưởng của bố một gia tài đáng quý, trong đó quý nhất là mấy bảo tàng danh nhân, bảo tàng súng săn… cùng nhiều thứ khác. Ông sẽ rất ngạc nhiên và thích thú nếu được thăm bảo tàng danh nhân này, vì trong đó có một phòng về Hồ Chí Minh, ông là lính của Cụ Hồ, ông cần tranh thủ để được xem. Đêm nay, tôi sẽ bố trí ông ngồi cạnh vợ chồng ông bà ấy. Ông làm sao phải tranh thủ được cảm tình của họ, vì đến năm mới, ông bà ấy sẽ mở tiệc mời lại tôi, có thể họ cũng sẽ mời cả ông nữa. Đó là một cơ hội không nên bỏ lỡ”. Đúng như kế hoạch của ông chủ nhà, bạn tôi đã được mời sang dự tiệc đón năm mới ở nhà con gái cố Bộ trưởng Ngoại giao Anh.
Sau mấy chục năm xa cách, khoảng đầu năm 1990, tôi có việc đến Văn phòng Bộ Giáo dục, khi đó còn ở Lê Thánh Tông, tình cờ anh bạn nhận ra tôi, bèn hẹn xong việc thì đến chỗ anh ấy, khi đó đã chuyển ngành, đang làm Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục. Trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh nhớ lại và kể cho tôi nghe việc được thăm bảo tàng tư nhân về những năm tháng Paul Tất Thành sống ở Anh thời kỳ 1914-1918. Anh kể: theo thường lệ, trước khi vào tiệc, chủ nhân mời các thực khách đi thăm các bảo tàng của gia đình, do bố vợ đã dày công sưu tầm. Kỳ lạ là bảo tàng danh nhân nhưng chỉ trưng bày tư liệu về 3 con người vốn rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau: có 2 phòng về Stalin, 2 phòng về Hitler, 1 phòng về Hồ Chí Minh. Trước khi cho tôi vào thăm phòng trưng bày về Hồ Chí Minh, chủ nhân nói: “Tôi chỉ có thể mời ông xem với 2 điều kiện, một là ông không được thông báo lại sự việc này cho sứ quán Việt Nam ở Luân Đôn biết, vì biết thì họ sẽ quấy rầy tôi; hai là ông không được quay phim, chụp ảnh hay xin xỏ hiện vật này hay khác, vì mỗi thứ, chúng tôi cũng chỉ có một”. Tất nhiên là tôi phải hứa. Anh kể lại, tuy chỉ có một phòng, nhưng hiện vật khá phong phú, trước hết là những bức ảnh anh Thành khi làm bồi bàn ở khách sạn Carlton, mặc áo blouse trắng, mũ vải trắng, bưng khay rượu hay đồ nhắm, được phóng to treo quanh tường; có vài tủ kính trưng bày những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của anh Thành vào thời gian sống ở Anh, nhất là có nhiều giá trưng bày những hồ sơ, tư liệu mà mật thám đã ghi chép, theo dõi về hoạt động của anh… Anh bạn tôi cho biết: vì thời gian thăm trước bữa ăn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nên không thể đi sâu vào bên trong, vả lại thời gian cũng đã 25 năm, nên không thể nhớ lại được cụ thể, chi tiết.
Bạn tôi đã cung cấp cho tôi họ tên vợ chồng chủ nhà, vợ chồng chủ nhân bảo tàng, số nhà, tên phố, tên quận của thành phố mà anh ở tại Scotland… nhưng có dặn: nếu muốn đi và để được vào thăm phải rất công phu, càng không phải với tư cách nhà nước mà chỉ với tư cách thường dân đi du lịch, ví như tôi với ông trên danh nghĩa đã nghỉ hưu đi du lịch thì may ra họ mới tiếp!
Trong một lần làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về cuốn sách của ông trên Tam Đảo, tôi có báo cáo với ông về chuyện này. Nghe xong, ông phá lên cười một cách sảng khoái: “Kỳ lạ, thật kỳ lạ, Bác Hồ của chúng ta quả là một vĩ nhân, chất vĩ nhân ấy được bộc lộ và chinh phục người xung quanh ngay từ khi mới chỉ là một anh bồi bàn! Tiếc rằng, tôi đã nghỉ hưu, nên không có cách nào giúp đồng chí thực hiện được chuyến đi thăm ấy nữa”.
Giá ngày nay, chúng ta có điều kiện được thăm bảo tàng tư nhân đó, chắc chắn sẽ có thêm nhiều sự kiện để lấp vào những khoảng “trống” trong tiểu sử Hồ Chí Minh thời đoạn 1914-1918, ở Anh, hay ở đâu đó, chưa thể khẳng định được.
Cuối cùng, tôi phải nói thêm rằng trong tiểu sử Hồ Chí Minh - đời công cũng như đời tư - còn nhiều điểm cần được làm rõ, không thể chỉ dựa vào một lời khai đơn giản, dù là ở lưu trữ Quốc tế Cộng sản, mà khẳng định ngay được. Một nhà hoạt động cách mạng đi Âu về Á, hai lần ngồi tù, một lần bị kết án tử hình, trăm lần phải thay tên đổi họ, từng bị bắt, được tha, rồi bị nghi vấn, bỏ rơi, vô hiệu hóa... phải lo che chắn tứ bề, cả phía địch lẫn phía ta, nên mỗi ứng xử đều phải rất khôn ngoan, kín cạnh, có điều có thể nói ra, có điều không thể nói… Chỉ riêng về năm sinh, lý lịch ông Nguyễn cũng khai ngày càng trẻ hóa: 1892, 1894, 1900, 1903…, tuổi giảm đi thì năm xảy ra sự việc cũng phải chuyển dịch theo cho khớp, ví dụ trong tiểu sử tự thuật viết ngày 17-4-1938, Nguyễn Ái Quốc khai: 1913 mới vào Sài Gòn, 1916 mới sang Anh, 1917 mới sang Mỹ, đến New York v.v…, nghĩa là đều vênh với tiểu sử chính thức.
Sau vụ án Hồng Kông, thoát lên Thượng Hải, về được Mátxcơva, trong bối cảnh sau đảo chính của Tưởng, quan hệ hai nước chưa được cải thiện và nối lại, thì đó quả là chuyện lạ kỳ mà Mátxcơva rất khó tin. Thư của bà Vêra Vaxiliêva - người phụ trách về Đông Dương - gửi Ban Phương Đông ngày 29-6-1935, có đoạn viết: “Qua lời kể của đồng chí ấy thì khó xác định tại sao đồng chí ấy lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp, tóm lại là tại sao đồng chí ấy lại nhận được một bản án nhẹ nhàng như vậy? Nhiều lần đã đề nghị đồng chí ấy viết một bản tường trình về những sự việc liên quan đến việc bị bắt, vào tù và được trả tự do, gửi cho chúng ta, nhưng đồng chí đã không thực hiện. Đồng chí ấy nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant-Couturier trong thời gian ở Trung Quốc”(3).
Vì vậy, trong thời gian bị nghi vấn, điều tra này, ông Nguyễn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là ngồi học, không được đi thực tế như các học viên khác, không được viết báo hay liên lạc với tổ chức đảng trong nước… Sau nhờ có sự giúp đỡ của André Marty, nguyên ủy viên BCT Đảng Cộng sản Pháp, ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản, đang có mặt tại Mátxcơva, can thiệp, cử người đi Pháp gặp V. Couturier để xác minh, được V. Couturier xác nhận, được bà Vêra bênh vực, Manuinxki che chở…, ông Nguyễn mới thoát khỏi bị thanh trừng. Thực ra, trong vụ việc này có công của bà Tống Khánh Linh và V. Couturier, song công lớn lại thuộc về “một người bạn cũ” đã quen biết với ông Nguyễn ở Mátxcơva từ năm 1924, nay cũng có mặt tại Hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc” ở Á châu, họp tại Thượng Hải năm ấy, nhưng Nguyễn Ái Quốc không thể nói ra, đơn giản vì ông này là người gốc Do Thái và có tư tưởng chống Stalin kịch liệt. 
Bài đã dài, xin hẹn một dịp khác, khi có điều kiện, sẽ trở lại vấn đề này.
Tháng 11-2015

_____
* Nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
(1) Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiều sử, t.1, tr.373, trong một thư gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc ghi: tháng 6-1927 về tới Mátxcơva.
(2) Tham khảo: BBC, Tượng Hồ Chí Minh ở thị trấn Anh, 20-5-2013.
(3) Thư in trong sách Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004, tr.239.

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5071-hv99-trao-i-thm-v-qung-thi-gian-trng-trong-tiu-s-ch-tch-h-ch-minh.aspx



Tạp chí điện tử Hồn Việt

Giấy phép số: 143/GP-TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
Tổng biên tập: GS-TS Mai Quốc Liên 
Tòa soạn và trị sự: Số 251/5/4 Lê Quang Định, phường 7, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại:(08) 62907530 - Fax(08) 62907430 - Email: toasoanhonviet@gmail.com






---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:



































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.