Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/10/2013

Hồ sơ năm 1933 của trùm mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu

Ảnh trong hồ sơ được ấn hành năm 1933 của mật thám Pháp

Hôm trước, chúng ta đã biết đến một quyển sách của Louis xuất bản bằng tiếng Pháp ở Pháp năm 1931, trong đó, có những dòng rất mực ưu ái dành cho Nguyễn Ái Quốc. Cuốn sách đó, ngay sau khi xuất bản, ở Việt Nam, đã có nhiều trí thức đọc. Cụ Phan Khôi cũng công khai khen ngợi tác giả Louis, ngay tức thời khi sách vừa ra.

1. Cuốn sách trên của Louis mãi đến năm 1963 mới có bản dịch tiếng Việt, do nhà văn Thế Phong dưới bút hiệu Đường Bá Bổn thực hiện (thực ra cả Thế Phong và Đường Bá Bổn cũng đều là bút danh).

Nhưng trước đó, ngay ở thập niên 1930 và 1940, chắc chắn Nguyễn Ái Quốc và những người bạn cách mạng của ông, khi đang ở Trung Quốc, đã đọc sách của Louis.

2. Tác giả Trần Dân Tiên, và dịch giả tiếng Trung (dịch từ sách của Trần Dân Tiên ra tiếng Trung) là Trương Niệm Thức, cũng đã đọc sách đó của Louis. 

Đọc sách của Trần Dân Tiên, biết được rằng, ông đã sử dụng sách của Louis như là tài liệu tham khảo trong khi chấp bút. Đọc bản dịch của Trương Niệm Thức cũng có cảm giác tương tự.

Như vậy, cả Trần Dân Tiên và Trương Niệm Thức đều biết tiếng Pháp. 

2b. Nguyễn Ái Quốc và Trương Niệm Thức.

Cả hai ông đều giỏi các thứ tiếng sau: Trung Quốc (tiếng Quảng Đông), Pháp, Việt.

Qua các tư liệu khác, có thể thấy hai ông đã có quan hệ từ trước năm 1949 rất lâu. Trương Niệm Thức là người đáng tin cậy nhất, có khả năng nhất trong việc dịch sách của Trần Dân Tiên ra tiếng Trung, để phát hành năm 1949 ở Trung Hoa (lúc đó là Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch). 

Quan hệ này của hai ông đã bị bỏ quên trong tất cả các nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc từ trước đến nay (cả của tây, ta, và tàu). Tôi dự tính là năm bảy năm nữa, khi có thời gian hơn, tôi sẽ viết một cuốn sách riêng về Trương Niệm Thức qua tài liệu viết và tài liệu điền dã. Sở dĩ muốn viết, vì Trương Niệm Thức là một trong những thành quả của giao lưu văn hóa Trung - Việt thời cận đại. Ở một hướng khác, chính bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng như vậy.

3. Louis ở trên là một nhà báo Pháp, có cái nhìn thân thiện về các xứ sở trở thành thuộc địa của Pháp lúc đó.

Và nước Pháp, mẫu quốc và thực dân, kẻ thù xâm lược và cũng là cái nôi của cách mạng Việt Nam, đồng thời, ở thập niên 1930 có hai ông Louis. Bên cạnh Louis nhà báo trên, còn có Louis là trùm mật khét tiếng. Nhắc đến Louis này, chắc nhiều người biết đến.

4. Louis mật thám cũng đã cho xuất bản vào năm 1933 một sê-ri tài liệu cực mật về những phe nhóm cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở trong nước, ngoài nước, tính đến thời điểm đó. Louis viết sách ấy như là một dạng giáo trình để đào tạo đàn em.

Trong giáo trình của Louis, ở phần về phe nhóm cộng sản, có thể thấy hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc (nhân vật số một) và Lâm Đức Thọ (nhân vật số hai). Xem ảnh ở trên đây.

Nhân vật Lâm Đức Thọ chính là viết nhầm từ Lâm Đức Thụ. Sự nhầm lẫn này của trùm mật thám rất có ý nghĩa.

Còn Hồ Tùng Mậu thì chúng ta có thể liên tưởng đến người cháu là bác Hồ Đức Việt. Hồ Tùng Mậu có một thời gian là liên lạc giữa cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc (năm 1925).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.