Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/04/2025

Hội thảo 2025 về Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung) trong quần thể Phủ Giầy Nam Định (video và ảnh)

Như thông tin đã đưa (xem lại ở đây), hội thảo đã diễn ra vào buổi sáng ngày 13/4/2025 (Chủ Nhật), tại chính Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung). Gần đây, ngôi đền được gọi ngắn thành "Phủ Bóng" trong cộng đồng tín ngưỡng.

Đầu tiên, đưa video của hội thảo (chất lượng video không tốt lắm, bị giật và bị mất nhiều đoạn).


NguồnHội thảo 2025 về Đền Cây Đa Bóng (Nguyệt Du cung) trong quần thể Phủ Giầy Nam Định (video)

https://www.youtube.com/watch?v=pwOXPDNsTmA

Trang âm tại hội thảo cũng không được tốt, nhiều lần bị mất điện ở micro nên có thể gây gián đoạn chốc lát.

Phần trình bày của mỗi tác giả chỉ được 10 phút (tối đa 15 phút). Hội thảo có 11 bài và cả 11 bài đều trình bày. Kỉ yếu (in nháp) hơn 100 trang.

Phần trình bày của tôi từ 1:10:00 - 1:17:40. Như vậy, tôi nói trong khoảng 8 phút (tiết kiệm được 2 phút cho hội thảo). Còn nếu dài rộng và cặn kẽ về văn bản này, nếu được, tôi sẽ trình bày trong khoảng 2 tiếng (120 phút). Bởi vậy, trình bày tại hội thảo rất vắn tắt.

Một ít ảnh về hội thảo tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Các thông tin cập nhật và bổ sung sẽ dán dần lên như mọi khi.

Tháng 4 năm 2025,

Giao Blog




Nguồn video (Giao Blog lấy video từ YouTube tại tài khoản Camera Mạnh Tuyến): 

HỘI KHOA HỌC,BẢO TỒN VÀ VÀ PHÁT HUY TRỊ DI TÍCH PHỦ BÓNG ( NGUYỆT DU CUNG )

https://www.youtube.com/watch?v=QPlbLdKOaWg&t=6434s

(104 lượt xem Đã phát trực tiếp 20 giờ trước

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI,VIỆN VIỆT NAM HỌC VÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN - HỘI KHOA HỌC,BẢO TỒN VÀ VÀ PHÁT HUY TRỊ DI TÍCH PHỦ BÓNG ( NGUYỆT DU CUNG ) TRONG QUẦN THỂ DI TÍCH PHỦ DẦY,VÀ HỆ THỐNG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM - ĐC: NGUYỆT DU CUNG, XÃ KIM THÁI, HUYỆN VỤ BẢN, TỈNH NAM ĐỊNH, NGÀY 13/4/2025 (NHẰM NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM ẤT TỴ ) MẠNH TUYỂN CAMERA 0914530739)

---























---


CẬP NHẬT



1.  

Viện VNH&KHPT chủ trì Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) trong quần thể di tích Phủ Dầy và hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam"

Thứ ba - 15/04/2025 08:37


Ngày 13/4/2025, tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Viện VNH&KHPT) – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã phối hợp cùng Hội đồng dòng họ Vũ huyện Vụ Bản và Ban Quản lý Di tích Phủ Bóng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) trong quần thể di tích Phủ Dầy và hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”.

Khai mạc hội thảo, TS. Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện VNH&KHPT phát biểu tổ chức hội thảo và trình bày báo cáo đề dẫn của hội thảo với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, gồm các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng, Hán Nôm đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan trung ương; đại diện dòng họ Vũ - Võ tại nhiều địa phương, chính quyền tỉnh Nam Định và huyện Vụ Bản, cùng các nhà nghiên cứu văn hóa tại địa phương.

Từ khi Hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu - Tam Tòa, tứ Phủ của người Việt được vinh danh và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các nghiên cứu về hệ thống tín ngưỡng này đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định vị trí và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong các giá trị văn hóa tâm linh ở Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên phạm vi cả nước mà còn tạo ra một đời sống phát triển phong phú cả về các không gian, địa điểm thực hành liên quan đến các tín ngưỡng thờ Mẫu. Do đó, hội thảo lần này tổ chức nhằm mục đích làm rõ đầy đủ về hệ thống thờ Mẫu từ tiếp cận các không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ ở trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực quần thể di tích Phủ Dầy mà còn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ ba nhóm vấn đề chính: (1) Nghiên cứu nguồn gốc lịch sử, quá trình ra đời và các giá trị về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của Phủ Bóng (Nguyệt Du cung).(2)  Làm rõ mối quan hệ giữa Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) với các địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và các di tích của hệ thống thờ Mẫu tại quần thể di tích Phủ Dầy và ở Việt Nam.(3) Nghiên cứu đề xuất các định hướng bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của Phủ Bóng trong các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở xã hội Việt Nam đương đại.

Trong khuôn khổ hội thảo, với 11 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia đã được trình bày và thảo luận sôi nổi, tập trung phân tích sâu sắc về vai trò lịch sử, giá trị văn hóa – tín ngưỡng của Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) từ góc nhìn liên ngành: lịch sử, dân tộc học, Hán Nôm, tôn giáo – tín ngưỡng. Nhiều ý kiến đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhìn nhận Phủ Bóng như một thiết chế văn hóa tâm linh tiêu biểu, phản ánh sự đa dạng, linh hoạt trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Phủ Bóng trong bối cảnh đương đại, trong đó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng địa phương trong việc duy trì không gian thực hành tín ngưỡng, cũng như khuyến nghị các cấp quản lý cần có chính sách quy hoạch, đầu tư bài bản để bảo đảm tính bền vững về cả văn hóa và du lịch tâm linh. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các đại diện dòng họ Vũ, các thanh đồng và người thực hành tín ngưỡng, góp phần bổ sung thêm khía cạnh thực tiễn cho các nghiên cứu học thuật.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN nhấn mạnh: tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, từ một thực hành văn hóa dân gian, đã lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong bức tranh đa dạng ấy, Phủ Bóng (Nguyệt Du cung) giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống thờ Mẫu tại Phủ Dầy – điều đã được khẳng định rõ qua các tham luận khoa học trình bày tại hội thảo lần này.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng lưu ý mỗi di tích trong hệ thống đều có lịch sử và giá trị riêng biệt, không thể đánh giá di tích này cao – thấp dựa trên ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì vậy, việc làm rõ đặc trưng và vai trò riêng của từng địa điểm không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn là cơ sở cho công tác quy hoạch, quản lý và khai thác bền vững các giá trị văn hóa tâm linh.Qua đó, kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa ba lực lượng: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư – trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đồng thời nhấn mạnh vai trò đồng hành của báo chí trong công cuộc lan tỏa nhận thức và tình yêu di sản tới cộng đồng.

Thay mặt Ban Tổ chức, GS.TSKH Vũ Minh Giang gửi lời cảm ơn chân thành tới các đại biểu, nhà nghiên cứu và các bên liên quan đã tham dự, đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho hội thảo. Hội thảo chính thức khép lại, mở ra những hướng tiếp cận mới cho nghiên cứu và bảo tồn di tích Phủ Bóng nói riêng, cũng như hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung.
 

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 
Hội thảo khoa học được tổ chức tại Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung) tỉnh Nam Định.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN phát biểu tại buổi hội thảo.
TS. Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện VNH&KHPT trình bày báo cáo đề dẫn của hội thảo.
Ban chủ trì hội thảo bao gồm: GS.TS Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện VNH&KHPT; GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN và TS. Phạm Đức Anh - Viện trưởng Viện VNH&KHPT (từ phải sang trái).
 
Toàn thể phiên hội thảo.
 
Toàn thể đại biểu chụp ảnh tại hội thảo.


Tác giả: Huy Văn

https://ivides.vnu.edu.vn/news/ban-tin/vien-vnh-khpt-chu-tri-hoi-thao-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-phu-bong-nguyet-du-cung-trong-quan-the-di-tich-phu-day-va-he-thong-tin-nguong-tho-mau-o-viet-nam-302.html?fbclid=IwY2xjawJqn_ZleHRuA2FlbQIxMAABHlWAQ6C0if4s82eftFHgwuyrx9PUG5CYsofoyObLWW-gpDAFaeuPHqbamUKg_aem_EArGtN_pE8D-YbJl-YHOTQ

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.