Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/08/2013

Năm 1931, Louis thì khen Nguyễn Ái Quốc, còn Phan Khôi thì khen Louis : dám vứt An Nam, dùng Việt Nam

Không phải đến sau này, mà từ 1931, trong tác phẩm của mình xuất bản năm đó tại Paris, nhà báo Louis đã bày tỏ sự thán phục dành cho Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Hải Quốc, tức Nguyễn Yêu Nước). Sức hấp dẫn của Nguyễn, đối với trí thức cấp tiến của Pháp, đã có từ lúc đó. Tất nhiên, anh cũng rất hấp dẫn với mật thám Pháp.

Thật ra, Louis cũng đã từ trần trước ngày Cách mạng Tháng Tám, nên ông không thể biết rằng, người mà ông viết chân dung năm 1931 lại chính là Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Cái mà Louis đã thấy tại Việt Nam lúc đó là thủ cấp của lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông văng ra từ máy chém. Louis đã thấy trực tiếp. Ông đã nghe trực tiếp. Nguyễn Thái Học và các đồng chí hô vang: "Việt Nam ! Việt Nam ! Việt Nam !". 

Nhà đương cục Pháp lúc đó muốn chụp cho quốc gia Đại Nam của các vua Nguyễn một cái tên mà đế quốc Trung Hoa đã sử dụng cả ngàn năm trước, là An Nam. Người An Nam được định danh dạng ngữ pháp là An-nam-mít.

Bất chấp điều đó, Louis đã đường hoàng sử dụng tên VIỆT-NAM cho sách của mình. Bởi vậy, chí sĩ nước Đại Nam lúc đó, là cụ Phan Khôi với bút hiệu Thông Reo đã không kìm được xúc động, đưa lời khen ngợi Louis trên tờ Trung lập ở Sài Gòn cùng năm đó. Ta có thể đọc lại bài đó, qua sưu tập của bác Lại Nguyên Ân (xem ở dưới).

Tháng 8 năm 2013,
Giao Blog






---

Phan Khôi


Cách đây không lâu trên tờ báo Trung lập nầy có bàn về sự đặt tên cho nước ta. Nước ta mà kêu bằng nước An Nam, bây giờ nhiều người không chịu. Hồi đó ông giáo Linh Chiểu và ông giáo Ngọc Thọ biện luận cùng nhau nhiều bài, hai người không đồng ý về cái gì, chớ về sự bỏ cái tên An Nam thì vẫn đồng ý.


Rốt lại bổn báo có bài xã thuyết, bàn nên thủ tiêu hai chữ An Nam đi, lấy cớ rằng: một là tại trong cái tên ấy có cái khí vị của kẻ chinh phục, nếu mình dùng theo thì mình cũng cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục; hai là tại hai chữ An Nam ngày xưa chỉ về Bắc kỳ và phía Bắc Trung kỳ, chớ không bao hàm cả bản đồ nước ta ngày nay, nghĩa là có cả Nam kỳ nữa.

Nói như vậy rồi bổn báo quyết định xin đồng bang ta bỏ chữ An Nam đi mà xưng bằng Việt Nam.

Hôm nay đọc cuốn sách Việt Nam của ông Louis Roubaud, thấy có một đoạn ông cũng nói như thế. Ông cũng nói rằng: Ngày nay người ta ở đây họ xưng tên nước là Việt Nam chớ không xưng bằng An Nam; bỏ chữ an đi là có ý tảo trừ cái kỷ niệm chinh phục của người Tàu đời xưa và không nhìn nhận cuộc đô hộ.

Nguyên văn của ổng như vầy:
On dit Việt Nam au lieu de Annam. La suppression du mot an qui signifié tranquille, pacifié, est une protestation contre le souvenir de l' Ancien conquérant et contre l'acceptation de la conquête.

Người Tây mà còn biết như vậy, còn có ý nhìn nhận sự phế trừ chữ an là chánh đáng, thì đủ biết sự bỏ hai chữ An Nam đi thật là nên lắm thay.

Nói về người Pháp thì trong sự dùng chữ Annam lại còn sanh ra bất tiện nhiều điều nữa, cho nên cũng nên bỏ đi là phải.

Người Pháp đã kêu toàn cả nước Việt Nam gồm cả ba kỳ là An Nam, lại còn kêu riêng xứ Trung kỳ là An Nam nữa, trong đời có thứ danh hiệu gì mà lại lộn xộn như vậy.

Người Nam ta có tục kêu tên con. Chú nọ nguyên tên là Mít, nhưng khi có con rồi, đặt tên con là Xoài, thì chú ấy lại bị kêu là chú Xoài. Tên con đem làm tên cha, cái tục mọi ấy bây giờ cũng hầu bỏ hết. Người Pháp đã kêu cả nước Nam là An Nam, lại còn kêu Trung kỳ bằng An Nam, khác nào như vậy? Sao bắt chước cái tục mọi ấy làm chi?

Văn tự mà như vậy là bất tiện lắm, vì trong khi thấy một chữ ấy không hiểu nói về nơi nào. Mới rồi trong tờ báo Tây nọ có một bài đề là La communisme et l' Annam, thế thì chữ Annam đó là Việt Nam hay Trung kỳ?

Lôi thôi nữa là khi muốn nói người Trung kỳ, phải nói l' Annamite du Centre. Ai đời có thứ chữ gì lại vụng về như vậy, có thể dùng một chữ để chỉ một ý, mà không dùng, lại dùng đến ba chữ?

L' Annamite du Centre! Nghe đi nghĩ lại nó ra tuồng như chữ của kẻ dốt dùng, chớ không phải chữ của một nước văn minh là nước Pháp.

Ông Dejean de la Bâtie ổng dùng chữ Trung kỳ hoài thay vì dùng chữ Annam để chỉ xứ Trung kỳ. Nhưng khi nói về người Trung kỳ thì ông chưa dám dùng chữ Trungkien.

Trungkien là người Trung kỳ. Ai đem hỏi ông Louis Roubaud, chắc ổng cho là được.

Thông Reo
Trung lập, Sài Gòn, s.6416 (16.4.1931)


---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Năm 1931, Louis thì khen Nguyễn Yêu Nước, còn Phan Khôi thì khen Louis : dám vứt An Nam, dùng Việt Nam

Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc
Ai là người đầu tiên tìm ra bức thư xin nhập học năm 1911 : Vũ Ngự Chiêu đưa ra niên đại 1983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.