Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn tạ-chí-đại-trường. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tạ-chí-đại-trường. Hiển thị tất cả bài đăng

22/05/2015

Số liệu tới năm 2015 : 40 triệu dùng mạng và 20 triệu có Fb

Hôm trước, ở entry nói về Fb Việt Nam từ 2015, mình mới đưa cái nhìn chung, đại khái là: "từ sau năm 2010, nhất là sau 2012, thì lượng người dùng Fb ở Việt Nam tăng vọt. Đến năm 2015, với hai sự kiện nói trên, "học giả đã chết" vào tháng 2 và "học giả đã nói thế" vào tháng 5, một đợt bùng phát mới đã nổ ra. Fb lan vào mọi ngõ ngách cùng với làn sóng điện thoại thông minh và internet không dây".

Hôm nay VNN đã đưa ra con số cụ thể như sau:

"Theo số liệu do Công ty We Are Social (trụ sở ở Anh quốc) công bố vào tháng 1/2015, Việt Nam hiện có dân số khoảng 90,7 triệu người, trong đó có 39,8 triệu người sử dụng Internet, (chiếm gần 44% dân số cả nước); có 28 triệu người thiết lập tài khoản MXH. Được biết, trung bình người Việt Nam tiêu tốn 3 giờ 4 phút mỗi ngày trên MXH. Còn theo công bố của Facebook, hiện có 19,6 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam".

Không rõ số liệu của Bộ 4T thì như thế nào. Vì số liệu của VNN có khác với số liệu mà Thanh niên đã đăng tải.

16/05/2015

Học giả đã chết, và học giả đã nói thế : Fb Việt Nam từ 2015

Sự kiện "học giả đã chết" (tuy học giả vẫn đương sống), và sự kiện "học giả đã nói thế" (tuy học giả đã không nói thế), vào dịp nửa đầu năm 2015, cho thấy: truyền thông dân chúng của xã hội Việt đã sang một trang mới.

Các dòng blog đã làm bùng phát mạng truyền thông dân chúng ở Việt Nam trong khoảng các năm 2003 - 2010. Đi kèm với nó là sự phổ cập máy tính cá nhân và dịch vụ kết nối internet có dây.

13/02/2015

Một từ mới trong tiếng Việt, hay là thêm nghĩa của một từ cũ : BẠN ĐỜI

Thường thì chữ "bạn đời", theo nghĩa quen trước nay, là chỉ hoặc là chồng hoặc là vợ của một ai đó. Nhưng, bây giờ, rõ nhất qua hình ảnh gia đình của ông tân Đại sứ Mĩ tại Việt Nam, chúng ta đã thấy: bạn đời chưa hẳn là "chồng" hay cũng chưa hẳn là "vợ".

Con người ở thế kỉ 21 quả đã khác thế kỉ 20 và cả hai mươi thế kỉ trở về trước.

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường từng dùng chữ "giống giữa".

09/02/2015

Là Tạ Chí Đại Trường mà không phải Đào Duy Anh (lời kể của con trai học giả họ Đào)

Câu chuyện dưới đây có liên quan đến 4 học giả, mà ba vị thì là người Việt Nam, còn một vị là người Nhật Bản. Chuyện do chính con trai học giả Đào Duy Anh (tức cụ Đào Hùng) kể lại. Và nhiều người đã nghe cùng một lúc. 

20/08/2014

Số phận của Hùng Vương đời thứ 18, theo bản kể cuối thế kỉ XIX bằng tiếng Việt

Theo bản kể của các nhà nho Đại Việt trong sách Lĩnh Nam chích quái (đã cơ bản hoàn thành ở thế kỉ 13, gần như là quốc bảo cổ nhất nước), thì Hùng Vương 18 đã bị bại trận trước quân đội của Thục Phán. Ngôi vua đã đổi từ Hùng Vương sang An Dương Vương từ kết quả của chiến tranh. 

Nhưng sang đến thế kỉ 15, truyền thuyết Hùng Vương đã được nắn chỉnh lại, chắc là theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, thành ra: hai bên không giao tranh gì cả, Hùng Vương nhường ngôi cho An Dương Vương một cách hòa bình. Truyền và nhận ngôi của Hùng Vương với Thục Phán được miêu tả mô phỏng theo hành động tương tự của vua Nghiêu vua Thuấn thời viễn cổ (điều này đã được nhắc, thật ra là nhắc lại ý tưởng của cụ Tạ Chí Đại Trường, vào năm 2012, xem lại ở đây).

Các bản kể trên (thế kỉ 13 và 15), cả những bản nữa có liên quan, đều là bằng chữ Hán. Ít người đọc được.

04/02/2014

Đầu năm mới hãy nghe cụ Hà Văn Thủy giảng giải: Không có cái gọi là từ Hán Việt

Nhiều bài viết của cụ Thùy rất vui nhộn, tôi đọc chủ yếu để giải trí. Cụ Tạ Chí Đại Trường mới đây đã đành than lên rằng: sử học ngày nay là thứ học thổ tả (thật ra, cụ viết là Sử Việt thời thổ tả).


Dưới đây là một bài vui nhộn mới nhất.

13/01/2014

Tạ Chí Đại Trường : Sử việt thời thổ tả (iv): chuyện gia phả, tông phả họ hàng nhà ta

Bài mới xuất hiện trên Damau. Có không ít chi tiết bị sai lạc hay nhầm lẫn (sẽ nói sau). Có thể do cụ Tạ viết vội, hoặc cảm xúc quá, nên chưa kịp tra cứu lại.

Từ đây trở xuống là chép nguyên xi về.

---
Gia phả ở Việt Nam và dấu vết “phong trào” bây giờ
Gia phả viết bằng chữ Hán của các dòng họ lớn Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt (2006) trên kệ sách theo “Chương trình Nghiên cứu Gia phả Việt Nam của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và chủ trì, cộng tác với Viện Viễn Ðông Bác cổ Pháp (EFEO), Ðại học Paris VII (Pháp), Ðại học Alberta (Canada)”. Chúng tôi không được biết công việc đã đi đến đâu ngoài 8 bản dịch và chú thích cẩn thận được ghép chung trong Tủ sách Gia Phả Việt Nam do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Vị trí địa lí của cơ quan chủ trì nghiên cứu chắc đã khơi dậy trong tiềm thức những người đảm trách công việc về sự chính thống xưa cũ nên đã khiến cho họ phổ biến gia phả của tộc Nguyễn Ðàng Trong mà không tìm đến gia phả họ Trịnh tương đương, dù rằng đã có bản in chữ quốc ngữ trước 1945 của ông Trịnh Như Tấu (Trịnh gia chính phả, được Nxb. Từ điển Bách khoa in lại 2008). Tất nhiên đã có sự yếu kém vì là sách soạn (1933) bởi người có Tây học, viết bằng chữ quốc ngữ kèm theo các bản vẽ ngô nghê, với tài liệu thú nhận không những lấy từ các chính sử mà còn từ cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim nữa nhưng dấu vết trước thời làm Chúa hẳn có thể còn đâu đó như chứng tỏ nơi một khuôn in ở đầu sách, như ông Hoàng Xuân Hãn đã ghi lại từ các bản nôm, Hán. Họ Trịnh không phải chỉ gồm những người làm Chúa mà còn các người ở các dòng thứ phái cũng đã có ghi trong sách của ông Trịnh mà các dấu vết riêng tư, nếu được chú ý tìm tòi thì cũng có thể dùng khai thác trong bộ sử chung như bất cứ tài liệu từ ở đâu khác. Vả lại dạng hình chữ quốc ngữ cũng không phải là thứ nên bị coi nhẹ. Chúng tôi đã từng thấy gia phả của nhà Thân Trọng viết bằng chữ quốc ngữ, có những chi tiết không ghi trong các bộ Thực lục, Liệt truyện.

05/12/2013

Sử Việt thời thổ tả (Tạ Chí Đại Trường, tiếp)

Một bản được biên tập của bài đã đăng trên Xưa và Nay. Ở đây, hẳn là bản gốc. 

Cụ Tạ phê Bùi Minh Đức là cần thiết. Đức là tác giả của sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa (Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh 2012). Tuy nhiên, cụ hơi quá tay, vì Đức vốn không được trang bị kiến thức và kĩ năng của ngành sử. Hoặc là cụ đành để Đức chịu thay.

01/10/2013

Tạ Chí Đại Trường : Viết khi nghe tin Giải Sách hay năm 2013

Lời dẫn: Bài vừa xuất hiện trên Da Màu. Lâu nay, cụ Tạ hầu như chỉ còn gửi đăng trên Da Màu. Mà cũng chỉ thi thoảng thôi. 

"Thần, người và đất Việt" (bản in trong nước lần đầu năm 2006) của Tạ Chí Đại Trường được trao giải sách hay năm 2013


Lời dẫn: Bản in trong nước lần đầu bởi nhà Văn hóa, có mang lời giới thiệu của ông Tổng thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Sau khi in, thấy cụ Tạ vừa mừng vừa buồn. Mừng bởi cuốn sách đã được xuất hiện đường hoàng trong môi trường hiện tại, buồn bởi lối in lạc hậu làm hỏng nó đi nhiều phần (chẳng hạn phần sách dẫn thì chỉ phí giấy, vì thêm trang nhưng không có giá trị sử dụng).

14/04/2013

Đền Hùng và tục thờ vua Hùng từ góc nhìn văn hóa sử


Lời dẫn: Tối qua (13/4/2013), trên VTV1 lại rộn ràng màn trình diễn về lễ hội đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bây giờ, ngẫu nhiên thấy một bài của mình về tín ngưỡng thờ vua Hùng đang nằm trên website của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (nhà xuất bản Sự thật trước đây), mà đã lên trang từ tháng 5 năm ngoái (khi mà lễ hội đền Hùng chưa được UNESCO vinh danh).

Từ đây trở xuống là bài lấy về từ Sự thật (phát hiện thấy bản của Sự thật có chỗ mất chữ, nên mình bổ sung lại cho đúng). 

09/05/2012

Lại đọc Tạ Chí Đại Trường : cụ hay nhầm ở những chi tiết nhỏ

Tạm thời thử đăng song song (cả bên blogspot, cả bên YH)



1. Hôm trước, liên quan đến Mạc Kính Thự, thấy có liên quan đến hai bài viết gần đây của Li Tana và Tạ Chí Đại Trường, đã viết cái này. Sau đó, đã liên lạc để có được văn bản gốc mà Li Tana đã sử dụng. Qua đó, thì đã rõ: cụ Tạ sử dụng tư liệu thứ cấp, qua tư liệu của cô Ta, thành ra cái sai.

Cái sai ra sao, lúc khác sẽ nói cụ thể. Tuy nhiên, rất thông cảm cho cụ, là vì cụ nhiều khi bị giới hạn về việc tìm tư liệu (cụ từng cho biết: khi viết cuốn Thần người và đât Việt là thời kì cụ không có thẻ thư viện, vì là cựu lính cộng hòa mà, nên phải nhờ người có thẻ đi mượn giùm tư liệu cho). Vả lại, thấy cái gì sai, mà báo cho cụ, thì ông cụ thường rất vui.

2. Hôm nay, đọc lại một chỗ trong Bài sử khác cho Việt Nam (sơ thảo, Nxb Văn Mới) của cụ Tạ, vẫn liên quan đến nhà Mạc. Ở trang 374, thấy cụ viết thế này:

"Người bất mãn trong vùng Trịnh – không phải chỉ ởHải Dương phía biển tiện liên lạc mà cả trên vùng Mạc Cao Bằng. Đặc biệt Phạm Hữu Lễ của vùng Sơn Tây cách trở, không những hưởng ứng mà còn cho người đến tận quân trung Nguyễn bày vẽ kế sách khiến chúa Hiền không ngớt lời ca tụng, coi như cuộc tiến chiếm Đông Kinh đã trong thấy thành công trước mắt dù rằng mới đứng chân trên bảy huyện ở Nghệ An"

3. Có thể thấy một số chỗ nhầm của cụ Tạ:

- Sử liệu (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản) để đối chiếu đã được dịch ra tiếng Việt từ lâu. Qua đó, biết: chúa Nguyễn cử người mang mật thư đến cho Phạm Hữu Lễ, chứ không phải ngược lại như diễn giải nhầm của cụ ! Văn bản của mật thư ấy vẫn còn giữ được đến ngày nay. Biết được cả người viết ra nó.

- ở thời điểm đó, chúa Nguyễn đã có cả bắc Bố Chính rồi, và đang tiến vào vùng đất của Chămpa trước đây, chứ không phải chỉ có 7 huyện Nghệ An

4. Giới sử học chính thống của Việt Nam hiện nay có rất nhiều điều nên hổ thẹn. Một trong đó là, có khi là Giáo sư đầy uy vọng nhưng không đọc được sử liệu gốc, rồi khi có đọc một tí thì sai bung bét (ai chỉ ra lỗi vì học thuật - ở đây trừ một số vị quá khích mà chỉ trích không đúng chỗ và không vì khoa học - thì phản ứng hết sức phi học thuật). Thế còn đám học trò của các ngài, rồi học trò của học trò, thì càng tệ hại. Sử học mà không đọc được sử liệu gốc, thì gọi là gì là sử học.

Bởi vậy, nói ra các điểm trên, có khi chỉ có cụ Tạ hiểu thôi.

Khoa học Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi vòng kim cô của cái gọi là minh họa. Người ta thích làm những cái to tát, tiêu tốn nhiều tiền bạc, và thành ra những cái rất to. Chứ làm những cái nho nhỏ thì không, thật ra là không làm được cái nhỏ ! Quen nói đại ngôn đến cả hơn nửa thế kỉ rồi.

Có lần bác Phạm Xuân Nguyên để bênh bà Thụy Khê, mà đại ý bảo: phê bình Thụy Khê không nên dựa vào câu chữ (tức là cái nho nhỏ, như là hai dòng hay ba dòng chữ). Nhiều người đã nói rồi: phê bình mà không dựa vào câu chữ, thì phê bình cái gì !