Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

13/01/2014

Tạ Chí Đại Trường : Sử việt thời thổ tả (iv): chuyện gia phả, tông phả họ hàng nhà ta

Bài mới xuất hiện trên Damau. Có không ít chi tiết bị sai lạc hay nhầm lẫn (sẽ nói sau). Có thể do cụ Tạ viết vội, hoặc cảm xúc quá, nên chưa kịp tra cứu lại.

Từ đây trở xuống là chép nguyên xi về.

---
Gia phả ở Việt Nam và dấu vết “phong trào” bây giờ
Gia phả viết bằng chữ Hán của các dòng họ lớn Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt (2006) trên kệ sách theo “Chương trình Nghiên cứu Gia phả Việt Nam của Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và chủ trì, cộng tác với Viện Viễn Ðông Bác cổ Pháp (EFEO), Ðại học Paris VII (Pháp), Ðại học Alberta (Canada)”. Chúng tôi không được biết công việc đã đi đến đâu ngoài 8 bản dịch và chú thích cẩn thận được ghép chung trong Tủ sách Gia Phả Việt Nam do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Vị trí địa lí của cơ quan chủ trì nghiên cứu chắc đã khơi dậy trong tiềm thức những người đảm trách công việc về sự chính thống xưa cũ nên đã khiến cho họ phổ biến gia phả của tộc Nguyễn Ðàng Trong mà không tìm đến gia phả họ Trịnh tương đương, dù rằng đã có bản in chữ quốc ngữ trước 1945 của ông Trịnh Như Tấu (Trịnh gia chính phả, được Nxb. Từ điển Bách khoa in lại 2008). Tất nhiên đã có sự yếu kém vì là sách soạn (1933) bởi người có Tây học, viết bằng chữ quốc ngữ kèm theo các bản vẽ ngô nghê, với tài liệu thú nhận không những lấy từ các chính sử mà còn từ cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim nữa nhưng dấu vết trước thời làm Chúa hẳn có thể còn đâu đó như chứng tỏ nơi một khuôn in ở đầu sách, như ông Hoàng Xuân Hãn đã ghi lại từ các bản nôm, Hán. Họ Trịnh không phải chỉ gồm những người làm Chúa mà còn các người ở các dòng thứ phái cũng đã có ghi trong sách của ông Trịnh mà các dấu vết riêng tư, nếu được chú ý tìm tòi thì cũng có thể dùng khai thác trong bộ sử chung như bất cứ tài liệu từ ở đâu khác. Vả lại dạng hình chữ quốc ngữ cũng không phải là thứ nên bị coi nhẹ. Chúng tôi đã từng thấy gia phả của nhà Thân Trọng viết bằng chữ quốc ngữ, có những chi tiết không ghi trong các bộ Thực lục, Liệt truyện.

Ngoài các phổ biến của cơ quan nghiên cứu, rải rác cũng thấy các xuất hiện của tư gia, tư nhân từ trường hợp Nguyễn Hữu tộc gia phổ (Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh 2003) cố vươn liên hệ với dòng tộc trị vì nước, đến trường hợp gia phả tộc Nguyễn Bá ở Quảng Trị, may là có in ấn (2002) và nhắc nhở mới được biết đến tên…
Vấn đề nghiên cứu gia phả Việt Nam được tiến hành nghiêm túc đã xuất hiện trước 1975 ở Miền Nam với ông Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ (Gia phả, khảo luận và thực hành, 1970) thấy được tái bản mở rộng toàn quốc với bản in 2010. Sách có dẫn một vài gia phả mà ông sưu tầm hay tập họp được. Có vẻ vì gia phả dù sao cũng mang tính cách riêng tư mà người Việt Nam thì chưa quen với sự bày tỏ nơi công cộng nên khó có chuyện khai thác cho tính cách chung. Thật ra đôi khi chỉ vì tính cách riêng tư đó mà các gia phả thường chi chú trọng đến lề lối dương danh, nghĩa là chỉ ghi chép những điều tốt, thành đạt của các nhân vật trong dòng, giới hạn vấn đề ghi chép không lan qua đến những tiếp cận bên ngoài gia đình, gia tộc nên không thể cung cấp được nhiều thông tin như mong muốn.
Bởi vì mục đích sơ khởi của gia phả trong dân gian là để ghi nhớ ngày cúng giỗ, một dàn trải cụ thể của tục thờ cúng tổ tiên từ ý thức kết nối dòng họ qua thời gian, trong chừng mực một đời người phải chu toàn. Ðiều đó thể hiện rõ ràng ở việc bất cứ gia phả nào cũng có chuyện ghi thế thứ, đôi khi không ghi ngày sinh mà lúc nào cũng phải có ngày, tháng chết. Không cần năm, bởi vì chỉ cần làm việc xác nhận ghi nhớ một ngày, tháng nào đó trong năm là đã đủ căn bản cho công việc cốt yếu. Bởi vậy đối với những dòng họ nhỏ, chi phái riêng biệt các ghi chép thường không nhiều, và các “gia phả” này có các tên riêng là Phổ ý, Mục lục, tờ Tông chi, có khi vỏn vẹn gom trong vài ba trang giấy, chỉ giở ra lúc rối rắm từ cuộc sống làm quên cả ngày cúng giỗ!
Tình hình phát sinh ra các hình thức ghi chép dòng họ như thế là do chênh mực phát triển của các dòng họ nói riêng mà cũng cho thấy mức độ phát triển của tập đoàn, quốc gia chứa chấp các dòng họ đó. Cho nên từ dấu vết gia phả của các gia đình thành đạt có những thành viên hoạt động lan ra ngoài xã hội (phần lớn là làm quan, làm tướng) được ghi chép nhiều, nâng cấp dòng họ đem lại dồi dào nội dung cho gia phả, ta có thể nghĩ là trong những thời yên bình, thịnh vượng gia phả đã được ghi chép nhiều hơn – và tất nhiên cũng sẽ thất thoát nhiều hơn trong các cơn biến loạn tiếp theo đó, như ảnh hưởng Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc những năm 1960 trên Miền Bắc với việc thiêu huỷ sách vở xưa, phá nhà thờ họ, chuyển dịch mồ mả… Chứng thực trước mắt là phong trào liên kết dòng họ tìm về cội nguồn, với những thiện ý nhiều cấp bực, lẫn lộn tính ranh ma cơ hội, do từ nguồn gốc những xáo trộn chiến tranh dẫn đến những phát triển đột biến thời bình đã gây ra sự đảo lộn thứ bậc xã hội mà người ta tranh thủ bồi đắp cho dòng họ, cho cá nhân của mình. Từ đó hình thành phong trào viết gia phả, viết lại gia phả với những sản sinh phức tạp mới, không chỉ dẫn đến sự hoài nghi trong hiện tại mà còn gợi ý gây thắc mắc với cả những thành quả xưa. Trong khi ở trung ương chỉ có chương trình nghiên cứu gia phả thì ta gặp ở Tp. Hồ Chí Minh một Trung tâm nghiên cứu và Thực hành gia phả nữa.
Các “chuyên gia” viết gia phả phồn tạp đến mức có lúc thấy loáng thoáng ở những quảng cáo trên báo chí, sau đó lại lẳng lặng biến mất cùng nhịp với phong trào viết lịch sử Ðảng bộ Cộng sản xuống tận cấp xã phường, rầm rộ đến những năm 1990, chứng tỏ có sự liên hệ, tuy là không đồng đẳng, giữa hai phong trào. Các tay thợ viết gia phả đôi khi chỉ là những “sử gia” của phường xã, nhân tiện kịp thời sử dụng chút chữ nghĩa ế ẩm của mình trong thời đại kinh tế thị trường hé mở, theo một cơ hội may mắn mà chính họ cũng biết là không thể kéo dài. Bởi vậy khi chương trình viết lịch sử Ðảng bộ cấp cơ sở bị bãi bỏ vì tổn phí quá nhiều thì họ cũng biến mất tăm, chỉ còn lại những kiên trì thấy ở các dòng họ lớn trên đường mở rộng thu tóm những “chi phái”, hay ở những dòng nhỏ cố chen chân vào các tập họp có danh sẵn, nhân đó cố tìm một vị trí lịch sử cho các nhân vật hiện đại của mình. Các nhân vật này, trong thế núp lén làm “cách mạng”, thay tên đổi họ soảnh soạch (như ông Nguyễn Cơ Thạch vốn họ Phạm, ông họ Nguyễn lấy họ Hồ mà người con oan khuất lại mang họ Vũ) khiến cho những người ngoại cuộc phải ngỡ ngàng khi nghe đính chính.
Khuynh hướng chung là sự “bao chiếm” dòng họ, dựa trên lí lẽ những đổi thay vai trò trong lịch sử khiến có sự tản lạc của các thành viên nay mới có cơ hội gom góp lại. Ở đây thấy có sự chòng chéo của ý thức bao chiếm và dựa dẫm. Một người họ Mạc đã dựa vào lời “những bà con tự nhận nhau qua lai lịch của gia phả (?) hay lời trăn trối của tổ tiên” để cho rằng các họ kê khai như Vũ, Phạm, Hoàng, Thái, Huỳnh… đều là gốc tử họ Mạc Hải Dương phải tản lạc vì mất quyền làm vua. Sự dẫn giải như thế hình như bắt nguồn – hay đồng dạng, không cần thiết lắm, từ/với một bài trên báo hàng ngày Hà Nội Mới, dẫn đến ngầm ý cho rằng ông ta thuộc dòng chính phái, không đếm xỉa gì đến việc những người có các họ kia có chịu tuỳ thuộc vào ông hay không. Có một cách thâu tóm giản dị hơn, là dựa vào tên gọi chắc nịch biểu diễn bằng Hán tự hay chữ Việt quốc ngữ. Cứ cùng một họ Dương là có thể kể từ Dương Ðình Nghệ hồi thế kỉ X qua đến các ông Dương trong sử kí Lí Trần Lê Nguyễn, cuối cùng đến ông Dương-nhà-mình, là có thể thấy mình thuộc vào một dòng họ truyền đời cả ngàn năm. Chuyện này cũng không hẳn là mới bởi vì thấy Ngô Thì Nhậm, nhân bênh vực việc ông bạn Ðặng Tiến Ðông có gia phả móc nối họ Ðặng với danh tướng Trần Hưng Ðạo, liền kéo dài họ Trần lên đến viên tướng Trần Bá Tiên (503-559) có mặt trong cuộc tranh chiến với Lí Nam Ðế, trở về Bắc lên làm vua hai năm ngắn ngủi nhưng cũng được ghi là một triều đại Trung Hoa!
Trường hợp họ Lí, ngoài sự bám víu họ Nguyễn, dựa vào sử cũ ghi việc đổi họ theo lệnh Trần Thủ Ðộ, mới đây còn níu kéo thêm dấu vết cho là đã truyền dòng qua xứ Cao Li xa xôi (nay là Ðại Hàn) với một nhân vật hoàng phái tên Lí Long Tường, trốn nạn quốc phá gia vong đến xứ sở mới vào năm 1226. Chuyện gia phả mơ hồ nhưng được gợi ý tin cậy càng lúc càng sít sao hơn vì mối liên hệ mỏng manh xa xưa, nay nhờ các biến chuyển thời sự đã nối kết lại gần hơn. Chắc cũng có ảnh hưởng từ chính sách Ðại Ðông Á của người Nhật đang chiếm lĩnh Triều Tiên / Ðại Hàn, và mon men, rồi cuối cùng đặt chân lên Ðông Dương nên một học giả Hàn Quốc đã nghiên cứu gia phả dòng Lí này (1936), viết lên (1943) để câu chuyện xuất hiện trên báo chí Việt ngữ đương thời. Chiến tranh 1956-75 và công cuộc làm ăn của người Ðại Hàn trên đất Việt Nam khiến cho một sự kiện vốn chỉ có thể coi là giai thoại lại trở nên là lịch sử thiết thân của hai nước, và quan trọng hơn, là của hai dòng tộc, để có hậu duệ chi phái đời thứ 35 về dự lễ giỗ Tổ (8-4-2009) ở Ðền Ðô (Bắc Ninh), dọn đường cho hậu duệ chính phái đời thứ 26 viếng Việt Nam năm sau. Và cũng dựa vào đó mà người ta đã gộp hai chi phái Lí Long Tường vào vị trí “Việt kiều” ở Ðại Hàn!
Sự phát triển của đất nước sau chiến tranh khiến có việc xây dựng nhà thờ Tổ, làm lăng mộ bạc tỉ, khuếch đại tăm tiếng dòng họ bằng công trình văn hoá theo kiểu đặt gỉải thưởng sử học, như con cháu Phạm Thận Duật đã làm đều đặn, gần như ôm hết các luận án tiến sĩ quốc gia, khôn ngoan không chừa cả những luận án đắc thời đắc thế. Yếu kém hơn một chút, người ta nêu tên dòng họ bằng cách thu xếp các bài viết về một hai nhân vật trong dòng, có căn cứ trong quá khứ (quan triều), có uy thế trong hiện tại (chiến sĩ cách mạng có bằng liệt sĩ, lẵng hoa của nhân vật đương quyền) đủ chút dạng “nghiên cứu”, công cán đem vào làm Phụ trương cho một tạp chí chuyên ngành, kết nối theo một kiểu quảng cáo không đến nỗi lộ liễu lắm. Bởi vì nếu vẽ vời quá quắt thì sẽ gặp phản ứng tai hại, như chuyện nhân vật Phan Vân ở Nghệ An được tộc họ thêm thắt công trạng cứu nước, xin được nhà nước công nhận nhà thờ là Di tích lịch sử quốc gia, gây kiện tụng suốt mười năm, rốt lại bị bãi bỏ, để thêm một dấu vết nhỏ về thời Thổ tả! Những tộc họ đã làm chủ nước đã có Ngọc phả của mình nên chỉ phải gạt ra các trường hợp xu phụ, như Tôn nhân phủ của Nguyễn đã đối xử với phái họ Nguyễn Hữu muốn mon men vào làm dân tôn thất. Sự thất bại của những người này có nguyên nhân vì lẽ quá ôm đồm. Họ níu ông Nguyễn Bặc ở đời Ðinh thì cũng không gây thắc mắc gì lắm nhưng cố bám ông Nguyễn Trãi có danh tiếng truyền đời đặt làm ông Tổ mà lại quên ghi ông Nguyễn Phi Khanh (cha), chứng tỏ có sự xu phụ lộ liễu. Họ không biết đến Nguyễn Anh Vũ, người con lạc loài sống sót sau cơn gia nạn chỉ được Lê Thánh Tông cho làm huyện lệnh (1464) hạng bét trong quan trường, mà lại gán cho con cháu Nguyễn Trãi các chức tước trùm trời, rồi cũng không đọc sử Nguyễn để thấy Tự Ðức chê Nguyễn Trãi như thế nào mà dám ghép vào dòng vua! Mưu toan tự nâng cấp, kết tụ lâu dài có thể bất ngờ trông thấy ở trường hợp ông Tố Hữu vốn tên Nguyễn Hữu Lành có khi đã được coi là “Tôn thất” Lành, và câu chuyện đày đoạ tác giả Cây táo ông Lành hẳn là có duyên do sâu kín từ sự kiêu ngạo hoàng phái kia kết hợp với nỗi run sợ phạm huý chuyển qua thời đại “xã hội chủ nghĩa”.
Khôn ngoan hơn, các dòng họ đồng tự dạng với dòng làm vua, khi không có bằng cớ chắc chắn, đã né tránh, để chừa chỗ cho những dòng họ mang tên có thể lộn sòng được với các “nhân vật lịch sử” có dịp lấy làm căn cứ bao chiếm địa vị cao cấp sâu vào tận quá khứ xa. Ví dụ nhân vật mang tên quen thuộc: Cao Lỗ không cần được hiểu với nội dung “cao thô” từ dạng hình Ðá của cái “tên” kia, chỉ cần nắm bắt từ dạng hình “quốc ngữ” C-A-O, không đếm xỉa gì đến họ Ðô nếu nhắc tên Ðô Lỗ cũng có ghi trong sử sách. Cái họ được chọn lựa theo thành kiến, thói quen đó trở thành một họ riêng biệt, từ đó bao chiếm các họ Cao kết hợp theo những nguồn gốc khác, ôm luôn cả ông Lư CAO Sơn để một nhóm có họ Cao ngày nay đứng ra tổ chức lễ tôn vinh ông tổ (đá!) nhà mình. Lập luận liên hệ của một nhân vật họ Mạc nói trên cũng là một trường hợp tìm cách bao chiếm từ một dòng họ thất thế mà các cuộc hội thảo quốc gia mới đây chỉ đủ để làm công trình sử học theo thời mà không có đủ thời gian để làm tăng nhân số ít ỏi đang thấy trước mắt.
Tình hình kết nối dòng họ như thế rõ ràng là có chen vào những toan tính không phụ thuộc vào chừng mực ham muốn kiến thức bình thường. Loại chen lấn núp bóng đi tìm sự nổi trội, danh vọng tập thể, cá nhân bên ngoài xã hội như thế đã có tác động ngược đến những nghiên cứu ở các lãnh vực khác. Hội thảo “Thế kỉ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” gặp trở ngại về phần in ấn vì lời đồn: Hội thảo để bào chữa cho Phan Thanh Giản với đề nghị xây dựng đền thờ, là do (cựu) Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn đề cao họ Phan (gốc) của nhà mình. Thật ra thì sự gán ghép cũng bắt nguồn từ sự thật loan truyền, là có tay chân một số nhà lãnh đạo đã tìm cách kết nối chủ mình với một dòng họ, nhân vật tăm tiếng nào đó trong lịch sử, càng xưa càng tốt. Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải được loan truyền là con của Tổng bí thư Phan Ðăng Lưu, còn Chủ tịch Trương Tấn Sang thì không dừng lại ở dòng Phó Tổng trấn Gia Ðịnh Trương Tấn Bửu mà còn được cho là có gốc tận xứ Nghệ của chính quyền nông dân Tây Sơn! Ai sống ở xa Phú Thọ hoặc Thăng Long, không thể tìm cách kết nối với bộ tướng Hùng Vương thì phải tìm cho ra một ông tổ trên vùng “cái nôi của dân tộc” đó mới hợp với tinh thần thống nhất của thời đại. Ðiều ghép nối ngang ngược nhất đã xảy ra với một Giáo sư Ðại học Tp. Hồ Chí Minh, người dẫn bằng cớ lung tung để chứng minh ông Nguyễn An Ninh trên xứ Mười Tám thôn Vườn Trầu danh tiếng, buộc phải có các ông tổ bà con với Ðoàn Thị Ðiểm, Lê Hữu Trác của nhà Lê Trịnh, theo thời gian chuyển đổi từ Ðoàn qua Nguyễn, trở lại Ðoàn rồi qua Nguyễn lần nữa theo một nguyên tắc chỉ có ông học giả có bằng cấp quốc tế (giả) và tác phầm đầy kệ sách kia hiểu được mà thôi. Tình hình mối “loạn” kết nối dòng họ dẫn đến loạn gia phả như thế đã khiến ông Phan Huy Lê phải lo lắng cho tương lai sử học nước nhà khi các sử gia lớp sau phải đứng trước hàng đống gia phả mới kết tập, “sáng tác” mà không biết đúng sai ở chỗ nào.
Bách tính và những cái “họ” mang dấu vết Trung Hoa, bản xứ
Ngày nay đọc sách chữ quốc ngữ, người ta dễ lãng quên rằng có cả một nền tảng văn hoá Trung Hoa vẫn đứng sau các biểu hiện sinh hoạt chính trị, xã hội của Việt Nam, tất cả đều từng được ghi chép bằng thứ chữ riêng biệt của Trung Hoa, quen gọi là chữ Hán. Cũng như Nhật Bản, Triều Tiên / Ðại Hàn, các tên họ dù là đọc theo âm bản xứ nhưng cũng đều có thể biểu hiện bằng Hán tự. Họ, tên của Chủ tịch Triều Tiên, Tổng thống Ðại Hàn biểu diễn bằng Hàn ngữ (Han goul) ghi âm La tinh: Kim Jong Un, Park Geun Hye đều có thể viết ra chữ Hán để người Việt thấy các âm Hán Việt: Kim Chính Ân, Phác Cận Huệ trên báo chí ta. Lịch sử Triều Tiên có các ông vua Thái Tổ, Thái Tông… đọc loáng thoáng tưởng như là các ông vua Việt có lúc qua cai trị nơi đó – cụ thể hơn, họ có ông Lí Thái Tổ mở triều đại Lí năm 1392, sau ông Lí Thái Tổ / Công Uẩn đến gần 300 năm! Bởi vậy không lấy làm lạ là các họ Việt dù từ nguồn gốc nào cũng có dạng của “bách tính” Trung Hoa, từ gốc của quan lại cai trị thời thuộc địa, của đồng tộc họ di cư về sau đã đành mà từ trong núi sâu hoang dã ra lị sở “văn minh” cũng có thể mang dạng chữ Hán như vậy. Và sự xuất hiện của chúng là theo quan niệm truyền dòng vay mượn của Trung Hoa, đi theo với sự du nhập các yếu tính văn minh khác. Gia phả do đó được kết thành theo lối kết tập truyền thống phụ hệ của Trung Hoa: quan niệm Tông phả.
Không nên để lậm sâu vào những tranh chấp ngữ nghĩa, việc phân biệt gia phả của Việt Nam và tông phả ở Trung Hoa nơi đây chỉ dừng lại ở độ dày mỏng thời gian và mức độ lan rộng của sự ghi chép về các tộc người được cho là cùng chung huyết thống mà thôi. Tất nhiên là cũng có những dòng họ đi trực tiếp từ phương Bắc xuống và do ý thức kết nối tông phả lâu đời, con cháu khoe là đã giữ được mối liên hệ ấy qua ghi chép, như họ Vũ Mộ Trạch đất “tiến sĩ” của Hải Dương. Nhưng cũng phải phân biệt những người mang chung một “họ” mà di chuyển ở những thời điểm khác nhau, ví dụ họ Lí của con cháu Lí Công Uẩn không thể xếp chung với các người có họ Lí ở Chợ Lớn ngày nay, những người họ Lí đó trong tầng lớp bình dân Trung Hoa đông đến nỗi thấy có thành ngữ Trương Tam, Lí Tứ trong tiểu thuyết chương hồi. Cũng vậy, họ Hoàng vốn gốc quý tộc của lớp thiểu số Nam Trung Hoa (“hoàng” chỉ màu vàng, đặc biệt dành cho vua, người chủ tể) thấy rất rõ quanh các chúa Trịnh, nếu có bà con đi trước vào Nam phải mang họ Huỳnh vì kị huý Nguyễn Hoàng thì sẽ không nhận ra nhau, không nhận cả những Huỳnh… nhập cư từ thế kỉ XVI ở Ðàng Trong – không nhận, không những vì dạng họ đã khác mà còn vì ngay nơi cỗi gốc cũng đã khác xa. Con đường của cái “họ” vòng vèo như thế nên lối kết hợp “họ” theo cùng dạng hình Hán tự (hay chuyển qua quốc ngữ) như đã thấy là làm việc sai lầm, nếu không nói là soán đoạt.
Mặt khác, qua sự kết nối dòng họ, người Việt còn cho thấy những dấu vết mang tính Ðông Nam Á từ xa xưa của mình. Ðó là sự liên hệ mà sách vở Trung Hoa cũng ghi nhận, là theo lối “Phụ tử liên danh”. Nói giản dị là người con lấy tên cha làm họ để con cái lại lấy tên mình làm họ cho chúng. Và cứ thế mà tiếp nối.
Bằng chứng lịch sử là ở cái xứ của tiểu thuyết Kim Dung quen thuộc, đất nước Ðại Lí có họ Ðoàn vì nước Nam Chiếu mà họ kế tục đã theo Trung Hoa, bỏ tục Phụ tử liên danh (Chiêm Toàn Hữu, bản dịch 2004). Về chứng cớ dân tộc học còn thấy ở người Miên (Ðinh Văn Liên 2005), cho nên “Bác” Pot đi làm cách mạng, giấu tên Saloth Sar nhưng khi lộ ra ở bực cao quyền bính thì nổi lên các anh chị Saloth Roeung, (Sa)Loth Soung, Saloth Chhay, Saloth Nhep, tất cả đều là con của một ông có tên riêng Saloth. Trên trường chính trị Ðông Nam Á là các nhân vật quen thuộc: Aung San Suu Kyi con của anh hùng Miến Aung San, Tổng thống Megawati Sukarnoputri là con của (cũng) Tổng thống Sukarno, người giành độc lập cho Nam Dương. Cho nên chớ tưởng “Hai Bà” nổi dậy có “uy danh động đến Bắc phương” là có họ xuyên suốt của “con cháu Hùng Lạc tướng quân”. Cho đến nửa sau thế kỉ XX, ông Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Lạc Việt 2004) còn thấy trên vùng đất tổ Mê Linh đó, con cái lấy chữ lót của cha làm họ của mình theo một cách thức khá rắc rối, rõ là bằng chứng của một thói tục “phụ tử liên danh” lệch lạc chỉ vì đã phải trải qua bao nhiêu thế kỉ chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Báo chí của đầu thế kỉ XXI vẫn còn lôi ra bàn tán về tình trạng lạ lùng làm rắc rối công tác hộ khẩu này mà không thấy chuyên viên nào nhảy vô tìm hiểu cặn kẽ thêm, cứ theo thói quen ngạc nhiên một chút rồi lại vẫn mãi mãi bất động, bằng lòng với quá khứ như đã thấy. Cũng nên lưu ý về trường hợp thừa kế nhà ở (và nuôi dưỡng cha mẹ) qua người con út, thấy ở Nam Bộ và vài vùng ở Quảng Nam, không biết có nguồn gốc văn hoá từ đâu…
Quan niệm truyền dòng theo lối Trung Hoa đã ngăn chặn những tính chất riêng biệt phải có của dân Việt khi tách rời thành một nước độc lập. Ðã nói khuynh hướng hướng thượng khiến người ta cố tìm cách ghép mình vào một nhân vật, một dòng họ danh giá. Trước mắt bây giờ là một số bộ tộc phía tây các tỉnh Trung Bộ lấy họ Hồ, họ Phạm của Chủ tịch, Thủ tướng nước. Cho nên họ Nguyễn của dòng có người-làm-vua nay tràn ngập đến nỗi người Mỹ đã lấy Nguyễn làm tiêu biểu cho họ Việt Nam, còn ở Australia thì có người dự đoán là độ mươi năm nữa họ Nguyễn sẽ đè bẹp họ Smith để lên đứng đầu bảng xứ này. Và trong trường hợp văn minh Trung Hoa ngự trị thì không ước vọng nào cao hơn là ghép họ mình với một dòng vua – không được thì quan quyền xứ Tam Hoàng Ngũ Ðế. Trường hợp Ngô Thì Nhậm là một dẫn chứng trong lúc chưa có thể kiểm tra xem Hồ Quý Li thật có ông tổ thuộc đời Ngũ Ðại không, bởi vì từ dấu hiệu thế kỉ X đó ông ta đã không bằng lòng, lại muốn níu kéo lên đến thời hồng hoang của Trung Quốc, cho đến vua Thuấn, hơn cả Thuấn với tên nước: Ðại Ngu.
Tổ chức chính trị bậc cao đặt ra vấn đề kiểm tra dân số thì phải có sổ bộ ghi chép cho nên ví dụ họ Ðinh ở Việt Nam, xuất hiện từ xưa trên đất Bắc hay là bây giở ở phía tây Quảng Ngãi, không cần phải là con cháu ông Ðinh Bàng Ðức thời Tam Quốc. Có một họ Ðinh tại chỗ, dù không hẳn là người “Việt” theo dạng hình ngày nay nhưng cũng dễ cho những người không họ bám víu cầu cạnh “bắc quàng làm họ”. Chỉ rủi ro là dòng tộc từng làm vua được tôn xưng là “hoàng đế đầu tiên” (Tiên Hoàng) mà phúc lộc không dài nên ít người theo, khác với các họ Lí Trần tiếp nối thu phục những người dòng Thái cũ hay mới cho mang vào sử sách triều đại các họ Trịnh, Thân (hay những họ ẩn khuất khác) để tiếp tục truyền dòng xa đời đến ngày nay, không có ai dám bảo là không-Việt hết. Họ Lê xứ Thanh Hoá, một thời chưa chen vào tranh chấp quyền bính trên cao nên không bị tận diệt, chèn ép, cứ giữ danh vị sàn sàn mà cao cấp ở địa phương, đủ cho người ta ngưỡng vọng mong được cùng họ với ông Lê Cốc, Lê Lương của thế kỉ VII, X, XI, kéo theo những tập họp Thái từ phía tây tràn qua phân tán trong vùng với các ông chúa “mường” lớn nhỏ: Lê Lai, Lê Lợi…
Danh vọng dài lâu nhưng sức bung cựa quậy trên vùng chật hẹp của các họ danh giá sẵn khiến họ Lê không đủ hấp dẫn bằng họ Nguyễn thênh thang trên hơn nửa đất mới chiếm vừa rộng, vừa mới mẻ lại không đối thủ, dễ tạo hấp dẫn hơn. Sự hội nhập của các dòng thù nghịch (Mạc, Trịnh) hay đồng hương tuy có tạo ra các cấp bực thân, sơ với các chữ lót “phúc”, “hữu”, “cửu” nhưng không ngăn được các kẻ ở vòng ngoài quyền bính lạm dụng: một ông chủ buôn nguồn nào đó ở Phú Yên đặt tên con là Nguyễn Phúc Long, để ông con bình yên tung hoành trên núi, chỉ hoảng hốt bỏ chữ lót “phúc” khi về đầu quân Gia Ðịnh! Nhát nhớm thì chỉ mượn một họ Nguyễn rồi chen chữ đệm “văn” cho con trai, “thị” cho con gái cũng thấy đủ là gần gũi. Chuyện anh em Tây Sơn với bà mẹ được gán tên Nguyễn Thị Ðồng là bằng cớ nổi trội nhất. Họ Nguyễn đã đi vào dòng quý tộc Chàm còn sót lại là do các ông Chúa ban phát cho kẻ phục vụ mình, hơn là cứ tìm theo dấu vết lãng mạn (tội nghiệp) của công chúa Huyền Trân xưa. Kẻ thừa thải khác chưa kịp đủ tự tin lăn lưng vào họ vua thì chờ được ban các họ Việt, biểu hiện trên giấy má sổ bộ bằng Hán tự hay chữ quốc ngữ ngày nay. Thử kể những người danh tiếng: Sơn Ngọc Thành, Thủ tướng Cambodge 1945, quấy đảo chính trường Chùa Tháp các năm 1950; Sơn Ngọc Minh, có mặt trong Bộ đội hải ngoại thời Kháng chiến Nam Bộ, làm thủ lãnh Issarak cho Việt Minh nên chết khuất lấp sau khi bị Pol Pot tranh đoạt quyền bính; Ieng Sary, Ngoại trưởng Kampuchea Dân chủ, có cái tên Kim Trang từ ngày ở Trà Vinh, ít được biết hơn. Và có những người mang họ mới theo một cách tình cờ của phong cách thư lại thật suôn sẻ tự nhiên: đó là các nhân số chưa có họ, chỉ được gọi theo “tên” mà trở thành mang họ Danh! Có thể suy đoán rằng đây là những người cùng đinh mạt hạng trong tập họp Khmer trên đất Nam Kì, mang họ mới của thời Pháp thuộc trong sổ bộ chữ quốc ngữ, theo ngôn từ cửa quyền quen thuộc: danh (tên) Bên, danh (tên) Xary…
Nguồn gốc thư lại dính dấp với sự dễ dãi ngôn từ của họ Danh khiến ta suy nghĩ về một họ khác, xưa hơn, của tập họp người tiếp xúc sớm hơn với các triều vua Việt: họ Phan của người Chàm xưa và Việt nay. Lại cũng là chuyện đã nói nhiều lần rồi. Không phải chỉ là suy đoán vẩn vơ khi nói rằng các họ Phan thấy trong sử sách Lí Trần – cả Lê, cho thấy đó là những người Chàm tù hay hàng binh, nô lệ chiến tranh. Và cũng không nên vì sự tự tôn của người thời nay mà chùn bước trong lập luận. Những kẻ thấp kém trên đất bị buộc phải sống đó không cần họ, chỉ gọi tên trống không là đủ. Cả đến các ông chủ ruộng trên tấm bia 1210 chỉ có một ông họ Nguyễn, còn bao nhiêu là mang một cái tên cộc lốc. Với thế kỉ XI, XII quan quyền Lí Trần nhận ra các nô lệ kia là người khác nước, khác chủng tộc rõ rệt nên phải thêm cho họ một yếu tính xác định: phiên Ma Lôi, phiên Lân… Gọi “phiên” vì mượn một ý niệm định hướng dân tộc có nguồn gốc Trung Hoa để chỉ toán người trước mắt, cũng cho là thuộc nước nằm phía tây Thăng Long. Cũng không biết tại sao “giống người phiên” lại chuyển qua âm “phan” của một họ người – hay lại cũng chỉ vì nhu cầu hành chính? Lí lẽ của suy luận có chút tự tin nhờ bằng cớ của Lê Quý Ðôn về tên gọi của những người Sách cao cấp ở Ðàng Trong, các “phiên” chịu thuế ở đó đã có dáng mang họ Phan, không để lại ngập ngừng, thắc mắc khi được chuyển qua dạng quốc ngữ ngày nay. Ðiều đáng chú ý là từ sự phát hiện tên tộc họ này, phối hợp với những chứng cớ vững chải từ sử sách các triều đại Lí Trần Lê mà ta thấy bộ phận người Chàm đã cắm rễ sâu trong vùng vẫn thường được coi là cái nôi của người Việt, một quan niệm gốc gác kiêu ngạo địa phương đã ăn sâu vào tâm trí cả ở tầng lớp trí thức, dẫn đến sự hiểu biết lệch lạc trong tiến trình lịch sử tiếp theo. Các tù binh xây đền tháp của Lí đó, các người trong thôn Bà Già tiếp đón Trần Nhật Duật kia, có bao nhiêu người ra đi trong dòng người Nam tiến tiếp nối, như truyền ngôn mơ hồ ở các gia đình phía Nam, mà cụ thể là trong gia phả họ Ong/Ung của làng Phong Lệ quận Cẩm Lệ Tp. Ðà Nẵng?
Ý kiến nhắc lại, cho rằng chính các tù binh đó đã ngân nga những câu lục bát đầu tiên (hình như người nêu vấn đề trước hết là Võ Phiến, và phụ hoạ tiếp bên ngoài là ông Trần Ngọc Ninh, Viện trưởng Viện Việt học California) đã bị một người ngày nay phản đối gay gắt nhưng không trưng ra bằng cớ nào ngoài sự tự phụ là người ấy quá yêu “đất/nước/người Việt”. Bởi vì, tuy cũng vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng rõ ràng các văn loại mà người Việt học từ đất Trung Hoa để thi cử, ngâm vịnh… không có thứ nào thu xếp vần điệu theo lối sáu tám cả. Trước 1945 có người mày mò lôi ra vài câu lục bát của Dịch, Thi lạc lõng trong kho tàng văn thơ đồ sộ của Trung Hoa (“lục tam hàm chương khả trình / Hoặc tòng vương sự vô thành hữu chung”) nhưng không thể giải thích vì sao có ông trạng nguyên hay ông nông dân hay chữ nào đó lại moi móc được ra để nối tiếp đặt văn thơ truyền đời. Bây giờ thì học giả Việt đã chứng minh lục bát Việt không phải chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVI nhưng có thể sớm hơn, vào trước thế kỉ XV (Hoàng Thị Ngọ 2011), và tất nhiên cũng được ngầm hiểu là sáng tạo của “người Việt”. Ðề xuất của ông Võ Phiến có thể coi như một loại ý nghĩ bất chợt / xuất thần mỏng manh theo kiểu chuyện trái táo của Newton nhưng nếu đặt trong khung cảnh của các phát hiện về ảnh hưởng của tù binh Chàm như đã thấy, và kết hợp với khám phá của học giả Việt, thì sự xác nhận hình như trở thành có cơ sở vững chải hơn. Cuối thế kỉ XIV có sự chuyển ép cấm nói tiếng Chiêm Lào để dân tộc thuần hoá hơn (1374). Ðiều đó nhất định phải gây ra tình trạng chuyển hoá dứt khoát từ đám hậu duệ tù binh vốn đã Việt hoá nhiều rồi. Lục bát được sinh thành tại chỗ, từ đám con cháu tù binh Chàm, vốn sẵn có cách ngâm nga sáu tám của mình (?) đã đem chuyển sang tiếng Việt học hỏi được, học theo một tiến trình tự nhiên, hay cho giống người để khỏi bị tiêu diệt khi thấy vẫn còn khác người trong vị thế mong manh. Và tất nhiên văn nhân Việt cũng theo đó mà tập tành một văn thể mới, không từng thấy trong kinh sách chữ Hán học được. Tất nhiên giả thuyết này vẫn thật khó chấp nhận đối với những người tự mãn với cái gốc Dân tộc Lớn, Dân tộc Chiến thắng, cố che lấp sự biếng lười trí thức để bằng lòng với những giải đáp có sẵn.
Những tù binh cũ đã chuyển hoá chỉ có thể nhận ra dưới mắt nhà nghiên cứu khi có ông quan Tây làm việc ở Nghệ An chụp được tấm hình một nhà họ Chế áo dài khăn đóng để so sánh với các ông kì mục trên xứ Bình Thuận, nơi vẫn còn sự hiện diện của tộc Chàm. Tuy nhiên ngay trên vùng đất làm nô lệ, khi dạng hình cụ thể đã có sự phân biệt khác đi, dấu hiệu gốc tích vẫn còn ẩn khuất trong tập tục, tín ngưỡng khó xoá bỏ bởi sự linh thiêng thường làm chùn tay tập đoàn thắng thế. Vì thế có những tên Phan Thị Lương… của các nơi thờ nõ nường, có chùa Bà Ðanh / Bà Banh, miếu Bà Chúa Ngựa trên vùng châu thổ, có thần Phan Ðà trong một đền thờ Nghệ An…
Rõ rệt hơn, là ở trên những vùng “xôi đậu” chủng loại, nơi căn bản của người bản thổ, nhất là đối với những người quyền chức địa phương cũ mà ngay cả vua quan Chàm Việt cũng phải tìm cách liên kết, dung dưỡng một chừng mực. Với thời gian người bản thổ sẽ chuyển hoá theo thời, học được cách viết gia phả theo các vọng tộc mới, với một số kiến thức mới tiếp thu. Bản gia phả nhà họ Phan ở hai làng Ðà Sơn, Ðà Li thuộc quận huyện Tp. Ðà Nẵng được hình thành dưới tác động thời gian như thế chứ không hẳn là “một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chăm” (Võ Văn Thắng, dẫn theo Hồ Trung Tú: Có 500 năm như thế, 2012) theo cách suy nghĩ gượng gạo về một thứ tinh thần “chuộc lỗi” mà không phải phạm huý đối với khuynh hướng chính thống về quan niệm “dân tộc thống nhất” ngày nay. Dòng họ Phan đó rõ ràng còn vướng víu với quá khứ xa nên còn nhớ lịch sử chung của tập đoàn họ, từ đất nước rộng lớn co rút lại nơi khu vực chật hẹp trên đất Quảng Nam. Họ cho thấy dấu vết là của một thủ lãnh địa phương trong chính quyền cũ (“ngã thị Chiêm chủng”), đã giữ được một chừng mực quyền thế trên chính quyền chiến thắng mới để hoà nhập được trong nền văn hoá mới. Cho nên khi họ viết gia phả vào đời Gia Long với chữ Hán, lúc đã có ý niệm về một khoảnh đất Việt Thường với ông vua Lạc – chưa thấy ông vua Hùng, thì phải lộn xộn nhập chung chuyện dòng họ nhà mình cùng với các họ Trần Hồ Lê… Ðòi hỏi làm gì một sự trình bày hợp lí cho một trường hợp phải uốn mình theo các ẩn khuất của hiện thực sống? Dấu vết các Ông/Ung, Ma, Trà Chế còn lại cho thấy khởi đầu gốc Chàm của họ, như trường hợp họ Trà của thôn Ðồng Dương (Indrapura cũ) nay còn chiếm đến 40% hộ dân ở đấy. Tuy nhiên, điều ta không biết là khi các dòng tộc này mang tính phụ hệ rõ rệt như trong tính chất gia tộc Việt Trung thì mức độ huyết thống của họ đã biến đổi ra sao, như sẽ bàn sau đây.
Hình như triều đại Tây Sơn đem lại sự đảo lộn lớn lao trong suốt chiều dài Nam Bắc đã khiến cho vùng đất kinh đô Chàm cũ mất các dấu vết bản thổ, giống như tên Vjaya đã chuyển hoá lạc loài thành Phú Ða, tên của một khúc sông, một làng xóm, ngôi chợ. Tuy nhiên bức hình vẽ người lính Tây Sơn năm 1793 ngay trên đất Quảng Nam xa đã cho thấy dáng dấp Mã Lai, Chàm không sai chạy. Các họ Trà, Man(g) còn thấy lẻ tẻ qua những người bình thường, đôi khi tình cờ nổi bật như lúc phong trào tìm nhà cổ mới lộ ra các ông họ Ma ở Phú Yên, chủ nhân những ngôi nhà lá-mái đặc trưng của dân giàu có trong vùng.
Trường hợp cúng Việc lề cho thấy một cách “viết” gia phả riêng của những tập đoàn không biết chữ (Hán), không rõ là của di dân Việt hay dân bản thổ chuyển hoá. Ông Nguyễn Ðăng Vũ, Giám đốc sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch Quảng Ngãi có nhắc đến lối cúng này trong tỉnh của ông nhưng không thấy đưa ra chi tiết. Bản thân chúng tôi trước 1975, biết nó có ở Nam Bộ, về sau thấy một hai tác giả dẫn ra trong tập họp Nam Bộ, đất và người, cũng không nhiều chi tiết lắm, có lẽ vì không nhiều gia đình theo mà cũng có lẽ vì thời thế đổi thay quá nhanh làm mai một một hiện tượng bên lề. Ðó là lối cúng giỗ của vài gia đình cùng họ hay khác họ không ở gần nhau nhưng nhận ra bà con vì cùng một lối làm mâm cúng với một loài cá, một cách trình bày món cúng riêng biệt… Và chứng cớ này cũng cho thấy gia phả là một yếu tố văn hoá mới (Trung Hoa) chồng chất lên quan niệm thờ cúng tổ tiên bản xứ, nó làm sáng tỏ sự liên hệ nhiều đời bằng văn bản, theo một trật tự thế thứ vốn là mơ hồ trước kia.
Vậy là nói tóm lại, tính chất tông phả vay mượn của Trung Hoa dẫn đến sự kết nối, hình thành các dòng họ Việt Nam hiện nay đã bác bỏ mọi ý định tìm ra một “tên” dòng họ “thuần Việt”. Tất nhiên không thể ngăn cản người nào cố công cùng sức đi làm việc ấy, và khi có quyền lực thì có đủ tay chân để lập ra một chủ nghĩa huyết thống tập thể, lập ra chủ thuyết về sự tinh thuần, cao cả của dòng giống Việt buộc mọi người phải theo. Nhưng ngay cả ở cội gốc, ở quan niệm tông phả của Trung Hoa cũng đã có sự thiếu sót trong sự kết nạp các thành phần làm nên một dòng tộc. Không phải người nào cũng được ghi chép như nhau. Ðược chú ý nhất là các nhân vật thuộc ngành Trưởng, và là người nam. Gia phả mang tính phụ hệ, chỉ giữ lại cái “họ” của thành phần nam. Ngưởi nữ được ghi theo chồng, cả theo con, với những chi tiết tối đa gán ghép theo ý nghĩa phục vụ kia, nghĩa là ngoài những điều khoản căn bản phải theo thì những thuộc tính của người nữ được thêm là từ sự liên hệ với người nam gần gũi: công dung ngôn hạnh không có, không cần thiết cũng được nêu ra, chức tước ân thưởng về mặt xã hội được nhận lãnh từ người cha, người chồng, người con.
“Nữ nhân ngoại tộc” nên khi về bên chồng cũng không có được vị trí một nửa thành phần phối giống như họ đã đóng góp. Trong một thế hệ, người nam chỉ đóng góp một nửa, cái họ anh ta mang khi truyền cho con chỉ có giá trị đúng 50%, thế mà trước nhân quần (Việt, Trung) nó vẫn là 100%. Người ta đã không tính đến yếu tố thời gian và không gian trong sự cách biệt thế thứ. Thử nghĩ mươi đời sau, giá trị cái tên nó đại diện thật sự còn được bao nhiêu? Cái gì đã thành thói quen thì trở thành bình thường, sự chiếm hữu lâu ngày trở thành chính đáng là vậy. Người ta đã không thấy, không nhận ra dấu vết soán đoạt cái “tên” của dòng họ trong gia phả. Người ta đã để quy ước xã hội lấn át thực tế, quên dấu vết “huyết” thống trong sự thành tạo nên con người. Vua chúa châu Âu cũng lưu ý đến tính chất này nên tuy cho phụ nữ cũng được kể vào vị trí thừa kế (Bà Hoàng Elisabeth II) nhưng chỉ mới đạt công bình dứt khoát khi có quyết định cho con của cặp Hoàng gia William và Kate dù là gái cũng vẫn giữ địa vị số Một đối với các anh em tiếp nối. Sự bất công về hình thức ưu thế nam có thể được tạm điều chỉnh một lần khi có sự giao tiếp với các tập đoàn theo mẫu hệ. Ví dụ khi người trai Việt lấy vợ Chàm thì con theo họ mẹ, và có lẽ vì thế mà ta thấy còn có các họ Ông, Trà, Chế… khuất lấp trên các vùng Chàm cũ. Chỉ khi tính đến yếu tố nữ để ghi nhận thì sẽ gặp những người bà con bất ngờ, như ông Tổng thống Hoa Kì có nửa máu da đen lại có thể tìm được 400 người bà con từ phía mẹ, trong một ngôi làng heo hút nơi xứ đảo Ireland của châu Âu da trắng! (Và cũng để ghi nhận thành kiến: Sao với với một nửa máu da trắng, ông Tổng thống vẫn bị coi là Da đen?)
Có lẽ tính chất Ðông Nam Á của khu vực, tồn tại ít nhiều suốt thời gian lịch sử của dân Việt đã phá hỏng một phần sự ràng buộc vào quan niệm phụ hệ của gia phả. Bởi vì có những người nữ, sự kiện nữ nổi bật trong lịch sử dân Việt. Coi chuyện thần thoại như là tượng trưng thì cũng có bằng cớ Năm mươi người con theo Mẹ lên núi lập triều đại vua Hùng, trong lúc 50 người con theo cha xuống biển thì lặn mất tăm. Khuất lấp nhưng với tinh thần khoa học mới thì thấy dấu vết dòng mẹ đè nặng trên sự truyền ngôi của các triều đại, không những khi còn yếu ớt, thô thiển như Ngô, Ðinh, (tiền) Lê mà cả đến các thời lập được cơ sở vững chắc như Lí, Trần, Hồ. Sử chính thức không ghi nhưng không phải là chuyện tưởng tượng về các bà trong làng xóm quản lí kinh tế gia đình, nuôi chồng con ăn học, cả đến khi chồng làm quan với mức lương còm cõi. Tính chất bất toàn của gia phả theo quan niệm phụ hệ dẫn đến sự bất công đối với người nữ, đã được ông Phan Khôi nêu ra theo bằng chứng gia đình: bà cố của ông tái giá, dựa vào sinh kế nhà chồng mới, nuôi con chồng cũ học hành đỗ đạt, với chức tước hưng vượng cả nhiều đời sau đó cho những người họ Phan của ông mà vẫn bị nhà chồng cũ bỏ bài vị, không cho cúng giỗ! Bây giờ, thoát khỏi ảnh hưởng của quan niệm Tây phương đã gây nên sự bất mãn kia của ông Phan Khôi, xã hội Việt Nam trở về với “truyền thống” cũng cho thấy bóng dáng người phụ nữ năng động xưa. Tuy các nhân vật nữ trong chính quyền chỉ làm việc tô điểm cho một chính quyền Ðực đến mức thô bạo nhưng nấp sau các công cuộc “làm ăn”, “chạy mánh”, kể cả ở các tập đoàn kinh doanh đều có bàn tay những người phụ nữ tháo vát. Rồi như minh chứng cho sự chèn ép của xã hội, những người nữ chống đối hiện nay cũng nổi bật lên, chịu đựng nặng nề quyền uy sấm sét của những người cầm đầu đất nước đang lúng túng níu kéo quyền lực. Ðã có sự dọ hỏi về số người nữ bị tù dày về chính trị ở Việt Nam hiện nay, cho thấy là họ có số lượng vượt lên mọi nước trên thế giới, kể cả nơi những nước Hồi Giáo có đàn bà đi ngoài đường trùm kín từ đầu đến chân như những bóng ma.
Tông phả, địa vực và ý thức bản thân (identity)
Sự phân tích về phần giá trị cái tên, hình dạng chữ dành cho một “họ”, với sự cấu thành phức tạp của gia phả, thường thì vẫn không làm sa sút mối liên hệ, nhất là về mặt uy danh, của một người được mang tên dòng họ đó. Người ta vẫn hãnh diện về tình trạng “con ông, cháu cha…”, và nếu cần thì trưng gia phả, bịa gia phả như ta đã thấy. Sự nghiên cứu đi sâu vào các ngóc ngách của tâm tư có thể bị coi là những kẽ vạch không xứng đáng nhưng cũng là chỉ ra các khía cạnh ẩn giấu nhân bản của những con người thật với đời sống thật, chưa bị biến đổi vì danh lợi tự thân hay vì cách nhìn của kẻ khác chen vào.
Họ Ðặng của Ðặng Tiến Ðông có ông tổ Ðặng Huấn nhả nghèo, lạc mất mả tổ (“thiên táng”), làm lính hầu mà bị làng từ chối cấp ruộng, nhảy qua nhảy lại trong biến loạn, nhờ đó níu kéo thông gia với chủ tướng cần kẻ phụ giúp nên được Phan Huy Chú bất đắc dĩ ghi chép vào sử sách. Trong đà thăng tiến, người trong dòng đem ghép với một ông họ Trần thất thế có lẽ phải cải đổi thành họ Ðặng, nên nối kết được với danh tướng Trần Quốc Tuấn. Gia phả sau đó lại dày thêm vì Ðặng Tiến Ðông gặp bước ngoặt lịch sử Tây Sơn diệt Lê, đã củng cố sự nối kết kia. Gần giống như nhóm Nguyễn Hữu của Nguyễn Hữu tộc gia phổ, nhân dịp Ngô Ðình Diệm lật đổ Bảo Ðại (1956) đã tự xác quyết mình thuộc dòng chúa chính tông, xoá bỏ sự phủ nhận của Tôn Nhơn phủ nhà Nguyễn đối với họ (1918) bởi vì Nguyễn Hữu (cũng như Nguyễn Cửu) chỉ là ghi nhận sự liên kết ban đầu của họ Chúa mà thôi. Họ Phan Hà Tĩnh thì sau thời làm “phiên”, “thủ lĩnh (một) Nghệ An trại chủ”, đỗ đạt, bỏ chữ lót “văn” (một anh trai nào đó) thành Phan Huy… đổi đời trên vùng đất quyền hành mới, nối kết với hệ thống thần thuyết nơi đây, cho ông tổ làm “bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh” (rể Hùng Vương). Ý thức nâng cao dòng họ đi theo sự thăng tiến quyền hành nơi khu vực chiếm đoạt mở rộng, điều đó thấy rõ trong việc họ Lê từ đất rừng Thanh Hoá, bản thân Mường Thái, khi chiếm đất Thăng Long, lại nhận ông tổ Hùng Vương mang dấu ấn thần thoại Nam Trung Hoa của tập họp “người Việt” từng có nhiều triều đại trên vùng đồng bằng, qua nhiều thế kỉ đã tuần tự học tập cách tổ chức chính quyền theo phương Bắc, nhuần nhuyễn các thần thoại, huyền thoại sáng tác, pha chế từ các tay danh sĩ, sử bút Thiên triều. “Cung cũ của Lạc Vương” ghi nhận thời Minh thuộc ở Phú Thọ, mà nay được gọi là của Hùng Vương đó, có thể cũng là của một thủ lãnh Tày trong vùng, là di duệ của những dòng Thái lấn sang đông từ những thế kỉ trước. Họ Nguyễn rủi ro tụt hậu trong thời gian, khó tìm cho ông thần Tống Sơn Ðại vương của mình một huyền thoại trên đất đã chật người, đầy sự kiện ghi chép cụ thể, nên dù đã có người làm vua, tột đỉnh đương quyền, chỉ có thể gượng gạo đẩy vào gia phả nhà mình một ông Nguyễn Bặc, thân tướng của vua Ðinh – còn hơn là bằng lòng với một ông Nguyễn Kim mà mồ mả không biết tìm nơi đâu, hẳn vì đã theo tục Bỏ mả của thời còn trên núi rừng.
Tuy nhiên sự thất thế đó của họ Nguyễn-làm-vua cũng cho thấy quan niệm tông phả đã có đà chuyển biến mở rộng từ khuôn khổ gia đình, gia tộc ra đến địa vực dân nước. Nhà Nguyễn phải dần dần rời bỏ quan niệm gốc gác từ “Ô Châu” để nhận ông vua Hùng làm tổ, đổi sự chính thống riêng rẽ lấy quyền uy chiếm đóng trên đất An Nam của họ Lê, chịu đựng sự “thông thái” của đám sĩ phu đất Bắc đem truyền thống Quốc tổ ba trăm năm của họ vào thời mới, như một dấu hiệu đầu hàng mà không phản bội chúa cũ. Cái đà đó đã khiến những người dân Việt Nam trên vùng đất cổ Việt, trong thời người Pháp chiếm đóng, vốn không mặn mà với họ Nguyễn cầm đầu chỉ còn lại một ông vua Nguyễn bù nhìn, nên thấy không còn vua mà còn nước, cái nước vẫn có ông tổ Hùng Vương tiềm ẩn sự chính danh của họ Lê trong sử sách. Người ta kêu gào đòi lại đất nước Bốn ngàn năm của con cháu Rồng Tiên, của ông vua Hùng Ngô Sĩ Liên giả định, lấy tính cách thần thánh của quá khứ làm nên kì tích thời hiện đại. Lấy quá khứ làm hiện tại, những người “mở nước” sau 1975 xây đền vua Hùng khắp đất nước, ở những nơi như Sài Gòn trước 1945 ông ta vẫn còn nằm trong một điện phủ. “Nếu nói gia phả là bộ sử của một nhà thì cuốn Hùng Vương ngọc phả (đang để ở đền Hùng Phú Thọ) quả thật là cuốn phả của cả dân tộc Việt Nam ta”. (Lời ông Phan Duy Kha tán dương ông Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thọ, Viện trưởng viện Nghiên cứu Tôn giáo, Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia, người “phát hiện” cuốn Ngọc phả kia).
Thời mới mang lại kiến thức mới, và sự lợi dụng – lạm dụng, mới. Có người cũng biết cuốn Ngọc phả kia không phải là sử, vặn vẹo thì cũng thành sử buộc người ta theo nhưng không mấy thuyết phục bằng thành quả khoa học. Thế là thuyết DNA (mtDNA) được đem ra chứng minh về Người Hiện Tại xuất phát từ châu Phi, tất cũng có thể đem áp dụng vào trường hợp lâu đời của ông tổ Hùng Vương vậy. Việc tìm liên hệ dòng giống xa đời qua thử nghiệm DNA bây giờ trở thành một trò chơi không tốn nhiều tiền lắm. Tạp chí National Geographicsẵn sàng làm việc đó với một số tiền, thêm chút công khách hàng quẹt nước miếng vào cục bông gởi cho họ, là xong! Chắc bằng cách tương tự, Oprah Winfrey, nhân vật điều hành talk show nổi tiếng của truyền hình Mĩ, đã tìm ra gốc gác bà con đang sống trong góc rừng Tây Phi nào đó. Một nhân vật họ Trịnh cũng từng đưa ra kết quả thử nghiệm lấy được từ một vài người trong dòng nhưng không thấy có dẫn giải xa hơn từ các mã số quái dị đối với người thường đó.
Một nhóm Việt kiều Úc từng đưa luận thuyết Bắc tiến DNA của mình lên mạng toàn cầu, trên báo giấy để chứng minh sự cổ xưa của nền văn minh Việt, xưa hơn của người Hán, do đó chứng minh chuyện Âu Cơ, Lạc Long là điều khả thể. Người trong nước thấy có ngoại viện khoa học mới liền ghép thêm với các kiến thức khoa-học-làng-nhàng-cũ, khai triển sơn phết cho lí thuyết “Việt vào Tàu trước” của Kim Ðịnh, được cho lãng quên (hay không biết?) tính chất chống cộng, để âm thầm phát triển dòng kiến thức sử bình dân sau 1975, hợp với bản chất đã làm nên chiến thắng của chế độ. Những kiến thức về nhân học, khảo cổ học, cổ địa lí, khám phá DNA chắp vá được trộn chung với cổ sử kí, truyền thuyết làm thành một màn tân cổ giao duyên, Ðông Tây hoà hợp được người có chuyên môn (?) đem ra “hù và doạ”, kẻ nắm bắt chữ qua quýt “gồng và nổ”, đi đến một kết luận cho là không thể nào bác bỏ được: “Trước đây chúng ta thường nghĩ rằng truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc là hoang đường huyền hoặc và huyền thoại Rồng Tiên chỉ là sự hư cấu để điểm tô cho lòng tự hào dân tộc thì ngày hôm nay, tất cả đã sáng tỏ qua các công trình nghiên cứu, những kết quả khoa học thuyết phục nhất… Thực tế… xác định Việt tộc là một đại chủng lớn nhất của nhân loại và Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại”. Cứ ôm lấy tin tưởng về một bộ “huyền sử Việt”, một quá khứ Việt huy hoàng như thế để có thể tự an ủi là chỉ có thế mới là người Việt, mới giữ được “phần quê hương trong máu xương”…
Sự mê muội trong thành kiến, sự hoang tưởng học thuật bù đắp cho hoang tưởng chính trị bị gãy đổ, nay đã đến hồi “hết thuốc chữa”, khó có cách nào khuyên người ta trở lại nhìn sự vật theo con mắt bình thường, của người thường. Nói gì đến việc chứng minh vấn đề theo thành quả khảo cứu chứ không phải theo sự dắt dẫn của định kiến, “mượn màu son phấn” khoa học để đạt mục đích riêng của mình? Cứ đọc sách thường thì cũng biết được ông Hùng Vương từ đâu mà có, chuyện Rồng Tiên và con cháu ngụp lặn trên hồ Ðộng Ðình đã bị Ngô Thì Sĩ thế kỉ XVIII thắc mắc ra sao… Và do đó cũng có thể nghĩ rằng dân tộc Việt chỉ có thể xuất hiện trong thời Bắc thuộc theo một tiến trình khá đơn giản của sự kết tập số đông và tổ chức xã hội như chúng tôi từng đề nghị (Bài sử khác cho Việt Nam). Có người hãnh diện về việc chỉ dân tộc Việt mới có ông tổ là con người chứ không phải là thần như các dân tộc khác. Họ không thấy chính đó lại là bằng cớ dân Việt sinh thành ngay trong thời đại có sử, mới có ông tổ là một thủ lãnh địa phương! Sử gia Việt Nam muốn “khá” lên một chút phải thoát sự huênh hoang vô cớ, và cố gắng vượt ra khỏi cái vòng kim cô Bách Việt của đám thư sử phương Bắc. Ông Ðỗ Ngọc Giao (27-5-2012) nhẹ nhàng đặt câu hỏi: “Phải chăng một ai đó, ở một chỗ nào đó trong cái hành lang dài mờ tối kêu bằng quá khứ, đã lầm lẫn?” May mắn là ông đưa ý kiến mình lên mạng toàn cầu: “Chuyện những Thục Phán, Triệu Ðà, Hai Bà Trưng, Lạc Việt, Bách Việt… không ăn nhập gì tới người Việt Nam ngày nay”, nên ông chỉ thấy “thực là khó” (khó ăn khó nói) mà khỏi gặp phản ứng mạnh mẽ từ những người “yêu nước” như chúng tôi đã phải chịu đựng nhiều lần. Cái “khó” kia không đến từ chuyên môn mà từ cả một quyền lực sử học thật sự trùng trùng của quần chúng và cả chính quyền ngày nay.
Tuy nhiên khi đẩy vấn đề tông phả đến mức vượt thời gian, đi vào chốn chữ nghĩa trừu tượng như vậy cũng khiến người ta lạc vào chỗ xa lạ với nhân tính bình thường. Một người Việt Nam ngày nay (người của tộc đa số) thấy mình được ông Ðỗ Ngọc Giao ghép vào nhóm cái gì mà hg O-M175 thì cũng dửng dưng như khi thấy con số nhóm C-M217 của một anh Chàm giả định. Và điều này chỉ khác đi khi một cô Chăm H’roi của thời xưa xưa một chút, mang gùi lặn lội qua đèo Mang Giang An Khê, đi hỏi chồng ở xóm nhà bà Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Các con số ảo không thể thay thế được một tiếp cận nhân tình. Cho nên hẳn là một người họ Trịnh khi đọc các con số về DNA của cũng một người họ Trịnh đưa ra, chắc là để dương danh dòng họ, anh ta cũng không thấy mình “thêm Trịnh” một chút nào. Ngược lại, nếu ai vì thấy có sự liên hệ theo bằng chứng lịch sử của họ Phan với những người Chàm, người thiểu số phía tây Miền Trung ngày nay mà đề nghị, ví dụ, một ngưòi họ Phan Quảng Nam đi thử DNA xem có dính phần nào với các tộc Giẻ, Triêng, Rục, Bà Na, Gia Rai… chẳng hạn thì sẽ bị mắng chửi là đã làm nhục con cháu Phan Châu Trinh, các lãnh tụ Cộng Sản Phan Thanh, Phan Bôi!
Con người là một động vật toàn cầu, hiện diện khắp nơi khắp chốn trên mặt đất này. Họ di chuyển liên miên, cá nhân và tập thể, thường gặp nhất là theo sự thúc đẩy của sinh kế và bị thù địch xua đuổi. Và họ phải thích ứng với nơi ở mới, mau hay chậm là do cân bằng giữa sự níu kéo nơi quê cũ và sự hấp dẫn trên đất nương thân. Chính điểm này đã khiến cho ảnh hưởng về sự nối kết tình cảm thân thuộc của gia phả, tông phả bớt phần kiến hiệu trên cá nhân hoặc trên một tầng cấp thế thứ trong dòng. Khi Mông Cổ tiến chiếm, người Tống bỏ chạy sang Trần, có kẻ thề “làm ma đất Việt” nhưng cũng có người đồng hành theo quân Nguyên trở về, trong đó có con của người thà chết trên đất lưu vong kia. Ðọc An Nam chí lược của Lê Tắc tưởng chừng thấy hình ảnh xưa lặp lại trên nhóm người lưu vong ngày nay. Ông ta gắn bó với chủ Trần nên tình cảm kết nối với đất cũ chỉ ẩn náu trong bộ sách kia, trong khi Hồ Nguyên Trừng không thân thuộc, thì tỏ bày tha thiết hơn trong bộ Nam ông mộng lục. Ðã bám rễ nhiều nơi đất mới với quyền chức cao, Trịnh Hoài Ðức đi sứ, không nhớ Phúc Kiến mà bồi hồi vọng về Gia Ðịnh. Nói gì đến Hồ Quý Li đòi có trăm vạn quân để chống phương Bắc! Cho nên không cần phải gắng công tìm ra “tiểu sử” chứng minh dấu vết gốc tích Lí Công Uẩn nằm đâu đó gần Thăng Long, để cải chính sử Việt nhận ông có gốc đất Mân, che giấu sự hổ thẹn không cần thiết. Giống như họ Trần cũng phát xuất từ đó, tuy không hẳn gốc Hoa Hạ nhưng theo học giả ngày nay, là thuộc tộc Ðản sinh sống dọc bờ biển, trên đất Việt có tên Giao Chỉ Ðản, và hình như còn bà con nghèo là tộc người Ngái, Ðản Gia Lão lạc loài trên đất Quảng Ninh bây giờ.
Có thể thấy cùng trường hợp đó với Benigno Aquino, Tổng thống đương nhiệm của Philippin đang tranh giành biển đảo với Trung Quốc. Họ Aquino cũng như họ của cựu Tổng thống Ferdinand Markos (1917-1981) đều có gia phả chứng thực xuất phát từ Phúc Kiến nhưng họ hành động không phải chỉ hời hợt như chủ nhân một đất mới mà đích thực là đã gắn liền tâm cảm với Tổ quốc thật trong hiện tại của họ. Các nhân vật Trung Nam Hải không thể viện dẫn gia phả mà trách họ phản quốc, “quên ông bà tổ tiên” chẳng hạn, hay lấy đó để chiêu hồi họ, lôi kéo xa rời dân Phi, đám dân biết rõ mình đã bầu một tổng thống Phi chứ không phải một chú Con Trời xa đời! Cũng như vậy khi nhìn qua dòng vua đang làm chủ đất Thái Lan, với cái tên mang âm vận đã trở thành xa lạ nơi cỗi gốc, gắn liền tình cảm thiết thân với thần dân “đất của người Thái”, thì chỉ có anh sử gia tò mò mới biết được rằng ông vua đầu dòng, bạn kết thề với Nguyễn Hữu Thuỵ, ông Chakri / Rama I đó (1737?-1809) chỉ có 50% là Thái – như trường hợp Tổng thống Obama với xứ Mĩ ngày nay! Dân Turk sống trên mảnh đất Á Âu hẳn chỉ dành cho nhà sử học nói một hai câu về thời tung hoành trên sa mạc Trung Á với cái tên Trung Hoa Ðột Quyết thôi. Và con cháu Lí Long Tường, nếu quả thật thuộc dòng họ Lí Ðại Việt, nay về thăm “bà con”, chỉ là biểu lộ chút tình cảm lãng mạn của một chuyến du hành, chứ còn được bao nhiêu máu huyết lúc ra đi, còn thấy có tí ti tâm cảm nào là người Việt? Cho nên chính sách bài Hoa những năm 1978 là của những người mang tâm thần hoảng hốt vì sống thường trực với sự phản trắc trong băng đảng, hơn là của đầu óc những người biết mình đang cai trị một đất nước có dân chúng không thể phân chia phe phái theo cách giản dị: Ta và Ðịch. Hãy nghe nhà văn Ngự Thuyết ghi nhận trong một buổi gặp gỡ đồng hương Vĩnh Châu. Từ cái huyện cùng trời cuối đất của tỉnh “Bạc Liêu nước đục lờ đờ / Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu” đó, những người vẫn chưa nói sõi tiếng Việt mà đã phải phiêu bạt ở Anh, Pháp, Úc, Canada, trong buổi hội ngộ trên đất Mĩ đã giành micro vang vang tiếng hát nghẹn ngào: “Biết bao giờ trở lại Việt Nam thăm đồng lúa vàng… Việt Nam ơi, đất nước tôi…”
Cuộc sống là hiện thực, người ta sống với con người thật của mình, với thời đại, với khung cảnh quen thuộc chung quanh cho nên sự kết nối của con người cũng phải chịu ép mình theo những quanh quất phức tạp của cuộc sống đang diễn ra trước mắt . Dân Nam Bộ không cần biết đến những phê phán về Phan Thanh Giản, vốn phải chịu ảnh hưởng những lệch lạc vì không gian xa cách, vì thời gian làm đổi thay quan điểm. Họ chỉ nhớ đến vị tiến sĩ đầu tiên làm hãnh diện toàn vùng, chỉ biết công ông (cùng Nguyễn Tri Phương) tổ chức khai khẩn đất đai, là đại diện vua đi sứ xa chuộc đất, và tự xử khi để mất đất, nêu gương trung nghĩa cho thời đại, nên không quan tâm đến gốc tích Minh Hương, theo nghĩa một-phần-Việt, của ông. Cũng như trước muôn vàn tiếng khen sùng bái Chu (Văn) An kết nối, kéo dài từ trong sử sách đến các ngôi trường lấy tên ông đã đào tạo ra những nhân vật quyền bính đầy uy tín ngày nay, giá như ai có thấy vị học giả nào cho biết rằng ông ta có một nửa máu “Tàu” thì hẳn họ cũng không bớt lòng kinh trọng, hay có khi không biết chừng lại còn mắng chửi tên học giả khốn nạn kia nữa. Một họ Lê ở Thanh Hoá thờ ông tổ là Vũ Nhân Chính được một nhà nghiên cứu khám phá ra là có thể phát sinh từ một nhân vật chống Lê Trịnh đã tẩu thoát (Vũ Trác Oánh 1741), thế mà con cháu không vì nhân vật lịch sử vang danh kia mà bỏ ông tổ thường ngày của mình, chỉ vì danh tiếng lịch sử xa lạ không bù đắp được sự thiết thân truyền đời được nhắc nhở hàng năm trong các dịp cúng giỗ. DNA ngày nay đã được các cặp vợ chồng hoài nghi cuộc sống, đem dùng để thử nghiệm xem con cái đích thực là của ai, thế mà gia đình cựu Tổng bí thư Hà Huy Tập khi bốc mộ, vẫn chỉ tin ở xác nhận của các nhà ngoại cảm, niềm tin gần gũi với thời đại, với cuộc sống hiện tại của họ hơn là các mã số mơ hồ lấy từ phòng thí nghiệm. Câu chuyện cái răng heo trở thành một phần đầu của liệt sĩ Phùng Chí Kiên không làm mờ danh tiếng của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, người từng “tìm ra” mộ Lí Thường Kiệt, từng nói chuyện” với anh em Tây Sơn hai lần trên đất Bình Ðịnh. Trái lại, con cháu Mạc Hà Tiên dù bằng cách thử DNA (nói điều tôi không thông thạo) ví dụ cho thấy gần gũi với Mạc Dương Kinh hơn là với các dòng khác, thì họ cũng có sự hãnh diện riêng, không vì danh tiếng làm vua nhiều đời của nhóm kia mà bỏ rơi vị thế tuỳ thuộc họ Nguyễn của mình. Nói gì đến khuyến khích O. Winfrey bỏ danh vọng trên đất Mĩ, rời ngôi biệt thự hàng nhiều chục triệu đôla để mơ tưởng lãng mạn về khu rừng Phi Châu có hình bóng mình cầm gậy chọc lỗ bỏ hạt, moi củ…
24-6-2013

bài đã đăng của tạ chí đại trường


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.