Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/05/2012

Lại đọc Tạ Chí Đại Trường : cụ hay nhầm ở những chi tiết nhỏ

Tạm thời thử đăng song song (cả bên blogspot, cả bên YH)



1. Hôm trước, liên quan đến Mạc Kính Thự, thấy có liên quan đến hai bài viết gần đây của Li Tana và Tạ Chí Đại Trường, đã viết cái này. Sau đó, đã liên lạc để có được văn bản gốc mà Li Tana đã sử dụng. Qua đó, thì đã rõ: cụ Tạ sử dụng tư liệu thứ cấp, qua tư liệu của cô Ta, thành ra cái sai.

Cái sai ra sao, lúc khác sẽ nói cụ thể. Tuy nhiên, rất thông cảm cho cụ, là vì cụ nhiều khi bị giới hạn về việc tìm tư liệu (cụ từng cho biết: khi viết cuốn Thần người và đât Việt là thời kì cụ không có thẻ thư viện, vì là cựu lính cộng hòa mà, nên phải nhờ người có thẻ đi mượn giùm tư liệu cho). Vả lại, thấy cái gì sai, mà báo cho cụ, thì ông cụ thường rất vui.

2. Hôm nay, đọc lại một chỗ trong Bài sử khác cho Việt Nam (sơ thảo, Nxb Văn Mới) của cụ Tạ, vẫn liên quan đến nhà Mạc. Ở trang 374, thấy cụ viết thế này:

"Người bất mãn trong vùng Trịnh – không phải chỉ ởHải Dương phía biển tiện liên lạc mà cả trên vùng Mạc Cao Bằng. Đặc biệt Phạm Hữu Lễ của vùng Sơn Tây cách trở, không những hưởng ứng mà còn cho người đến tận quân trung Nguyễn bày vẽ kế sách khiến chúa Hiền không ngớt lời ca tụng, coi như cuộc tiến chiếm Đông Kinh đã trong thấy thành công trước mắt dù rằng mới đứng chân trên bảy huyện ở Nghệ An"

3. Có thể thấy một số chỗ nhầm của cụ Tạ:

- Sử liệu (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản) để đối chiếu đã được dịch ra tiếng Việt từ lâu. Qua đó, biết: chúa Nguyễn cử người mang mật thư đến cho Phạm Hữu Lễ, chứ không phải ngược lại như diễn giải nhầm của cụ ! Văn bản của mật thư ấy vẫn còn giữ được đến ngày nay. Biết được cả người viết ra nó.

- ở thời điểm đó, chúa Nguyễn đã có cả bắc Bố Chính rồi, và đang tiến vào vùng đất của Chămpa trước đây, chứ không phải chỉ có 7 huyện Nghệ An

4. Giới sử học chính thống của Việt Nam hiện nay có rất nhiều điều nên hổ thẹn. Một trong đó là, có khi là Giáo sư đầy uy vọng nhưng không đọc được sử liệu gốc, rồi khi có đọc một tí thì sai bung bét (ai chỉ ra lỗi vì học thuật - ở đây trừ một số vị quá khích mà chỉ trích không đúng chỗ và không vì khoa học - thì phản ứng hết sức phi học thuật). Thế còn đám học trò của các ngài, rồi học trò của học trò, thì càng tệ hại. Sử học mà không đọc được sử liệu gốc, thì gọi là gì là sử học.

Bởi vậy, nói ra các điểm trên, có khi chỉ có cụ Tạ hiểu thôi.

Khoa học Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi vòng kim cô của cái gọi là minh họa. Người ta thích làm những cái to tát, tiêu tốn nhiều tiền bạc, và thành ra những cái rất to. Chứ làm những cái nho nhỏ thì không, thật ra là không làm được cái nhỏ ! Quen nói đại ngôn đến cả hơn nửa thế kỉ rồi.

Có lần bác Phạm Xuân Nguyên để bênh bà Thụy Khê, mà đại ý bảo: phê bình Thụy Khê không nên dựa vào câu chữ (tức là cái nho nhỏ, như là hai dòng hay ba dòng chữ). Nhiều người đã nói rồi: phê bình mà không dựa vào câu chữ, thì phê bình cái gì !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.