Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/10/2013

Xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên về nhân vật Trần Dân Tiên

Lời dẫn: Gần đây, sau khi xuất hiện một bài ngắn của hai đồng tác giả Thái Doãn Hiếu - Nguyên Khôi đưa ra bộ tam "Vũ Đình HuỳnhTrần Huy LiệuTrường Chinh" như là thực chất của nhân vật Trần Dân Tiên, tôi đã có điểm tin, và đưa một vài điểm nghi vấn. 

Sau đó, lại đi riêng một entry nói rõ hơn, và mong được nhà văn Vũ Thư Hiên (con trai của cụ Vũ Đình Huỳnh) xác nhận giúp.

Thật nhanh chóng, đáp ứng lời ngỏ, nhà văn đã cho một comment như dưới đây. Qua đó, cũng có thể vui mừng hiểu rằng, ở tuổi 80 hiện nay, nhà văn Vũ Thư Hiên vẫn rất tráng kiện và thường ngày cập nhật thông tin qua internet. Trong cộng đồng cư dân mạng tiếng Việt, có một số nhà văn cập nhật với kĩ thuật hiện đại như vậy, ngoài Vũ Thư Hiên, chúng ta còn có thể thấy như Thế Phong (tức dịch giả Đường Bá Bổn) mà tôi đã một vài lần nhắc trên blog này.

Xin chân thành cảm tạ nhà văn Vũ Thư Hiên. Đồng thời, cũng xin giới thiệu đường link dẫn đến blog của nhà văn (đây là lần đầu tiên, nhờ có comment của nhà văn, tôi mới biết đến blog của ông). Đó là trang Thêm Một Niềm Vui. Kính chúc nhà văn sức khỏe và mỗi ngày "thêm một niềm vui".


Từ đây trở xuống là nguyên văn comment của nhà văn Vũ Thư Hiên (tôi có xuống hàng và tô đậm chữ ở một vài chỗ cho dễ đọc hơn).


---

"Vũ Thư Hiên16:08 Ngày 03 tháng 10 năm 2013

Điều rõ ràng là không ai có thể biết những giai đoạn hoạt động trong đời Hồ Chí Minh bằng chính Hồ Chí Minh. Cho nên dù ai được Hồ Chí Minh kể lại đời mình cho mà viết, thì tác giả đích thực của cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên vẫn là Hồ Chí Minh.

Trong những tác phẩm thuộc thể loại hồi ký ở VN, chuyện người viết lại (viết thuê, hoặc được phân công, người này có khi được ghi tên, có khi không) những gì tác giả kể là chuyện thường tình.

Tôi nhớ cha tôi có lần nói trong bạn bè rằng ông Nguyễn Lương Bằng có nói đảng (ĐCS) cần một cuốn tiểu sử Hồ chủ tịch (thời điểm 1946) cho công tác tuyên truyền và bảo cha tôi quan tâm việc đó. Cha tôi không nói rõ người nào đã ghi lại những lời kể ấy, nhưng nó đã được ông Hồ Chí Minh đọc lại, tự mình sửa chữa những sai sót, rồi đồng ý cho in (dường như bản in đầu tiên là bằng in thạch bản hay ronéo không rõ trong rừng Việt Bắc, trong trí nhớ đã lộn xộn của tôi).

Cuốn sách có thể có sự góp ý của Trường Chinh, là người được HCM nể vì, nhưng tôi không nghe ai nói tới sự can dự của Trần Huy LiệuHoàng Quốc Việt.

Tôi chưa bao giờ nghe cha tôi nói ông chấp bút cho cuốn này.

Làm việc gần ông Hồ Chí Minh lúc đó còn có các ông Phan Mỹ, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng nữa… Họ không có gia đình ở gần nên ở ngay Bắc bộ phủ, còn cha tôi thì về nhà ở góc đường Gambetta-Rialand (Trần Hưng Đạo-Phan Chu Trinh sau này).

Có thể phỏng đoán là mấy người này làm việc ghi lại vào những lúc ông Hồ Chí Minh rảnh rỗi (bữa cơm, buổi tối), còn cha tôi chắc chắn có đọc lại, sắp xếp lại trước khi trình lên chủ tịch nước (nhiệm vụ bí thư là như thế).

Ông Hồ vào thời gian đó rất bận (theo quan sát của tôi năm ấy), không làm gì có thời giờ cho việc viết sách ca tụng mình. Có điều ông đã tự mình duyệt, cho sách ra thì không thể chối bỏ sự thiếu khiêm tốn rành rành.

Sau cuốn này tôi không thấy bút danh Trần Dân Tiên xuất hiện lần nào nữa.

Vũ Kỳ vào giai đoạn này có làm ở văn phòng Chủ tịch, nhưng không phải là thư ký riêng, và chắc chắn không tham gia gì vào việc ghi chép cho cuốn sách nói trên.

Đó là tất cả những gì tôi biết về chuyện này."


---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên về nhân vật Trần Dân Tiên 




Họa sĩ vẽ chân dung Hồ Chủ tịch năm 1949 và sau đó (bìa sách xuất bản ở nước ngoài)


Hồ sơ năm 1933 của trùm mật thám Pháp về Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu
Năm 1931, Louis thì khen Nguyễn Yêu Nước, còn Phan Khôi thì khen Louis : dám vứt An Nam, dùng Việt Nam
Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc
Ai là người đầu tiên tìm ra bức thư xin nhập học năm 1911 : Vũ Ngự Chiêu đưa ra niên đại 1983


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.